a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Chính là thế.




Trồng cây gì hái trái đó.
tạo nhân đau khổ thì không thể hái trái hạnh phúc.
Nuôi lòng ích kỷ sẽ không không tìm ra sự thân thiện từ người khác
Nhạt nhẽo vô tâm sẽ không tìm đâu ra chân tình
Lợi mình tổn người khó gặp người thân tín
Gian dối mưu mô khó gặp người tri kỉ
Có̀ cho đi mới có nhận về
Tất cả mọi thứ không có gì là "tự nhiên" mà hiện hữu
Cũng không phải có gì là "khi khổng khi không" là "vô cớ" hết.
Tất cả đều có nguyên nhân .
Mà những nguyên nhân ấy là do chính ta nuôi dưỡng. chính ta tạo dựng nên.

SƯU TẦM

Ảnh : NV Speed Light xếp hình chữ S-L ( Share and Love )

TÌNH NGƯỜI


Tại một thành phố ở Ấn Độ, vị thương gia mất cả ngày trời thương thảo với đối tác. Mệt mỏi, ông vào một nhà hàng sang trọng, tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn.
Khi những món ăn đã sẵn sàng trên bàn, bất chợt ông nhìn thấy một cậu bé đang nhìn trộm qua cửa kính, ánh mắt vô cùng thèm thuồng. Có gì đó đâm nhói trong tim, ông vẫy cậu bé vào. Cậu bé dắt theo một đứa em gái nhỏ. Hai đứa trẻ chăm chăm nhìn vào những đĩa thức ăn nóng hổi, chẳng cần biết người gọi chúng vào là ai.
Vị thương gia bảo chúng cứ ăn thỏa thích. Và, không nói, không cười, hai đứa trẻ ngấu nghiến ăn hết các món ăn ngon lành trên bàn. Vị thương gia im lặng nhìn hai đứa trẻ ăn và rời đi, ông thấy cơn đói được xua tan một cách lạ kỳ, một cảm giác khó tả lâng lâng trong lòng...
Vị thương gia gọi lại món ăn, nhẩn nha thưởng thức, sau đó gọi thanh toán. Ông xem tờ hóa đơn, một giọt nước mắt khẽ rơi. Ông nhìn người đàn ông tại quầy thu ngân và mỉm cười, anh ta đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ. Tờ hóa đơn không hề ghi số tiền mà chỉ có một lời nhắn: “Thật đáng tiếc, chúng tôi không in được hóa đơn thanh toán cho tình người! Chúc ngài luôn hạnh phúc!”.
Vị thương gia dùng “đức”, lấy tình thương đối xử với người nghèo. Chủ nhà hàng dùng “nghĩa” đáp lại “đức”. Không biết ai hơn ai?
Người xưa có câu: “Ngồi trên đống cát, ai cũng là hiền nhân, quân tử. Ngồi trên đống vàng mới biết ai thật sự là quân tử, hiền nhân”.

Sưu Tầm



Những Nguyên Tắc luôn tồn tại trong xã hội nhưng không có thầy dạy

*. Không phải chuyện gì bạn nói người khác cũng có thể hiểu. Không phải lúc nào bạn muốn tâm sự cũng có người muốn nghe. Ai cũng có vấn đề riêng trong cuộc sống. Bớt than vãn, bớt phàn nàn, việc của mình tự mình giải quyết, đừng mong đợi gì vào ai khác ?
*. Khi còn trẻ chúng ta cần phải thêm, thêm trải nghiệm, thêm cố gắng, thêm sâu sắc.
Lúc về già ta nên bớt, bớt cái tôi, bớt ích kỉ, bớt nóng giận, bớt ghét bỏ. Có như vậy cuộc đời mới nhẹ nhàng.
*. Đáp số chung của những người giàu có là gì? Kẻ chiến thắng chính là kẻ có thể biến lời nói thành hành động, biến ước mơ trên trang giấy hóa sự vật ngoài đời thực. Quyết tâm, kiên trì, thắng không kiêu, bại không nản. Bạn có thể trui rèn mình như vậy thì con đường nắm lấy thành công sẽ rút ngắn chỉ trong gang tấc.
*. Bản lĩnh nằm ở đâu? Bản lĩnh nằm ở chỗ bạn có thể điều khiển cảm xúc của mình hay không? Nóng giận không la hét, chỉ trích. Thất vọng không vội đưa ra quyết định. Vui sướng chớ buông ra lời hứa. Giữ vững lí trí trong mọi hoàn cảnh để cái đầu mình sáng suốt hơn.
*. Hết mình, tận tâm vì công việc nhưng chớ bỏ quên gia đình. Bạn ốm, đau, bệnh tật, công việc khó khăn. Bạn bè có tới hỏi han an ủi bạn không. hay họ tránh né những lúc bạn khó khăn?
Chỉ có cha mẹ luôn dang rộng vòng tay che chở bạn mà thôi. Con người có thành công đến mấy mà gia đình chẳng yên ấm hạnh phúc, thì đó là điều thật buồn!
*. Người mà bạn thương yêu nên là động lực chứ không phải nỗi đau của bạn. Đừng dành thời gian cho những người không biết trân trọng tấm lòng của bạn. Một mối quan hệ chỉ khiến trái tim ta thêm tổn thương, khó chịu hay giày vò. Hãy dừng lại!
*. Nếu bạn đi qua đủ đau thương, đủ mệt mỏi và đủ khó khăn, dần dần sẽ trở nên cứng cỏi hơn. Nếu bạn vẫn còn cảm thấy buồn bã, dễ dàng khóc nức nở trong khó chịu hay cáu giận vì những chuyện nhỏ nhặt thì thực ra, bạn vẫn chưa trưởng thành!
*. Lo lắng cho tương lai, luôn nghĩ về quá khứ là cách nhanh nhất để hủy diệt hiện tại.
Con người lạ thật! lúc nào cũng băn khoăn vì những điều chưa tới, hoài niệm về những chuyện đã qua, mà quên mất thời khắc bây giờ đang sống chính là cơ hội duy nhất thay đổi cuộc đời.
*. Cứ làm tốt, tập trung vào mục tiêu của mình, lo nghĩ nhiều mệt thân!
Không thích thì tránh. thích thì lăn xả vào trải nghiệm. Chuyện gì cũng vậy đừng quá gượng ép bản thân, đừng cố làm vừa lòng người khác. Tôn trọng bản thân, tôn trọng suy nghĩ của mình. Sống đơn giản cho đời thanh thản.

Sưu tầm



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Chuyện chưa kể về những phút cuối đời của Steve Jobs

Chuyện chưa kể về Steve Jobs: Nhân cách của một vĩ nhân

Có thể bạn đã từng nghe về Steve Jobs và hành trình chống chọi bệnh tật. Nhưng những gì xảy ra vào khoảnh khắc ông qua đời thì lại là chuyện khác.  
Ngày 5/10/2011, trong căn biệt thự nhỏ ở thành phố Palo Alto, bang California (Mỹ), Steve Jobs vừa tỉnh dậy sau một ngày mê man. Jobs nhìn quanh, bên này là người em nuôi Patty, bên kia là cô em gái Mona, trước mặt là vợ ông – Laurene, và xung quanh là những đứa con yêu dấu. Đôi mắt Jobs dừng lại một hồi lâu trên từng khuôn mặt thân thương, mà chỉ vài phút nữa thôi ông sẽ phải nói lời vĩnh biệt. 
Nhưng rồi, như có điều kỳ lạ xảy ra, ánh mắt Jobs sượt qua bờ vai của những người thân thích và nhìn vào khoảng không vô định. Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông đã thốt lên những lời khó hiểu: “Oh wow! Oh wow! Oh wow!” (Ôi chao, ôi chao, ôi chao!). Dứt lời, ông chìm sâu vào hôn mê rồi qua đời chỉ vài giờ sau đó.
Câu nói trên đã trở thành bí mật cuối cùng của Jobs, đã được ông mang theo vào cõi vĩnh hằng. Không ai biết ý nghĩa thực sự đằng sau đó là gì, thế nên mới để lại nhiều suy đoán mơ hồ trong lòng người ở lại. 

Steve Jobs nổi tiếng không chỉ vì sự nghiệp công nghệ huyền thoại và sáng tạo, mà còn bởi những lời cuối cùng trước khi ông ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư.

Nhưng có một câu chuyện chưa từng được nhắc tới, cho đến ngày hôm nay…
Bình sinh Jobs chỉ tín Phật chứ không tin vào Chúa Trời, thậm chí ông còn dành một quãng thanh xuân hành hương đến Ấn Độ, hy vọng tìm được sự giác ngộ tâm hồn. Nhưng Phật là vị Thần của phương Đông, còn Chúa Trời mới là Thần bảo hộ cho người phương Tây. Trong những giờ phút cuối cùng của mình, Jobs đã nhìn thấy hai Thiên sứ có cánh cùng với vòng hào quang trên đầu – vốn là hình tượng Thần trong tín ngưỡng Tây phương.
Quá bất ngờ và sửng sốt, Jobs cảm tưởng như mình sắp chạm đến Thiên đường. Những gì ông một mực phủ nhận trước kia, nay đều triển hiện vô cùng mỹ diệu ngay trước mắt. Bởi vậy, ông đã thốt lên đầy kinh ngạc: “Oh wow! Oh wow! Oh wow!”.
Hai vị Thần đến để đưa linh hồn Jobs về bên kia thế giới. Khi linh hồn ly thể nhưng vẫn còn nấn ná ở cõi người, đó cũng là lúc thể xác ông rơi vào hôn mê.
Lúc này, hai vị Thần đang luận đàm với nhau:
Thần nữ: Nghe nói đây là một nhân vật rất lừng lẫy, được người đời tôn xưng là ‘vĩ nhân’.
Thần nam: Vĩ nhân thì vẫn chỉ là người thôi. Danh, lợi, tiền, quyền, ngay cả tài năng học vấn cũng chẳng thể mang lên được Nước Trời. Duy chỉ có tâm tính mới có thể đo lường xem cá nhân ấy đã đạt tiêu chuẩn hay không.
Vị Thần nữ mỉm cười, rồi chỉ cây đũa phép trong tay vào khoảng không trước mặt. Tức thì, một làn sương mờ ảo bay ra, ở giữa xuất hiện một mặt gương sáng loá, và hình ảnh Steve Jobs khi còn tại thế hiện ra như một thước phim sống động.
Thước phim tua nhanh kể về cuộc đời của Jobs từ khi mới là con nuôi trong gia đình ông bà Paul – Clara cho đến những năm thương trường đầy khốc liệt. Các cảnh quay chầm chậm hơn ở cột mốc năm 2004, khi Jobs được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tuỵ rồi di căn đến gan vào khoảng năm 2009. Và từ đây, cuộc chạy đua với bệnh tật cũng bước vào hồi tăng tốc. 
Vì để được phẫu thuật sớm nhất có thể, gia đình Jobs đã phải gửi hồ sơ bệnh án tới các tiểu bang khác nhau để tìm lá gan phù hợp, cuối cùng mới tìm được một bệnh viện ở bang Tennessee với thời gian đợi chờ ngắn nhất. Nói là “ngắn nhất”, nhưng Jobs vẫn phải xếp hàng sau vô số bệnh nhân ung thư khác, và dự kiến phải đợi ít nhất 6 tuần mới có lá gan cấy ghép.
Cuối cùng, thước phim dừng lại ở cảnh một người thân cận đề xuất Jobs bỏ ra một khoản tiền để được ưu tiên phẫu thuật trước. Jobs đã thẳng thắn từ chối rằng: “Như vậy chẳng phải là phạm pháp sao? Tôi cũng giống như mọi người, chỉ có thể xếp hàng theo thứ tự”.
Cái lắc đầu ấy cũng đồng nghĩa rằng Jobs đã đặt lương tri cao hơn tính mạng, đặt lòng tự trọng của bản thân lên trên những thứ lợi ích tầm thường.
Làn sương mờ tan biến, những biến cố trong cuộc đời Jobs cũng khép lại từ đây.
Hai vị Thần cùng gật đầu tâm đắc. Vị Thần nam quay sang phía Thần nữ và nói: Người này cũng khá lắm. Nhưng hãy cứ thử thách ông ta thêm một lần nữa xem sao.
Thử thách
Khi Jobs vẫn còn ngơ ngác và chưa kịp trấn tĩnh bản thân, thì đã thấy hai vị Thần sừng sững ngay trước mặt.
Thần nam: Steve Jobs, nếu phải rời xa thế giới này, con có điều gì hối tiếc hay không?
Jobs: Con luôn tâm niệm rằng “hãy sống mỗi ngày như thể ngày cuối cùng” nên con không thấy hối tiếc. Nhưng điều đó không có nghĩa là con không biết trân trọng giây phút sống trên đời.
Thần nam: Nếu có cơ hội được trở lại, con sẽ làm gì?
Jobs: Con sẽ hoàn thành những mục tiêu còn dang dở tại Apple, nhưng sẽ làm việc ít hơn và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Con cũng không còn quan trọng chuyện được mất thắng thua, không còn bận tâm đến những đối thủ như Microsoft hay Google, điều con muốn làm chỉ là cống hiến hết sức mình và nuôi dưỡng tâm hồn hơn là truy cầu những thứ vật chất, danh tiếng, địa vị, hay tiền tài.
Thần nam: Được lắm! Con hãy nhìn xem, nếu thời gian đảo ngược như chiếc đồng hồ này (vừa nói vừa xoay ngược chiếc đồng hồ cát), lúc đó con sẽ lại gắng hết sức mình để kéo dài mạng sống chứ?
Jobs: Con đã làm hết sức, nhưng để tìm được người hiến gan thật chẳng dễ chút nào, cuối cùng con vẫn đành phải bất lực trước vận mệnh của mình.
Thần nam: Đó là con không biết đấy thôi. Nếu như thay vì phải chờ đợi mòn mỏi ở Mỹ, sao con không đến Trung Quốc? Chỉ chưa đầy 1 tuần là có thể tìm được lá gan khoẻ mạnh phù hợp với con rồi.
Jobs (vô cùng sửng sốt): Trước đây con luôn tin tưởng rằng y học Mỹ là tiến bộ nhất thế giới, lẽ nào con đã sai?
Thần nam: Không sai, nhưng ở Mỹ số người sẵn sàng hiến tạng lại vô cùng ít ỏi. Điều này khác hoàn toàn so với Trung Quốc, bởi nơi ấy luôn có sẵn nguồn tạng dồi dào, bất cứ bệnh nhân nào cũng sẽ được đáp ứng ngay tức thì.
Jobs: Ngài vừa nói rằng Trung Quốc luôn có sẵn nguồn tạng? Lẽ nào ở Trung Quốc có quá nhiều bệnh nhân đồng ý hiến nội tạng của mình?
Thần nam (cười lớn): Không phải vậy. Đó là bởi Trung Quốc biết tận dụng các tù nhân lương tri để làm nguồn cung cấp nội tạng sống. Họ có hàng triệu, hàng triệu tù nhân như vậy trong các nhà giam và trại lao động ở khắp Trung Quốc. Con nghĩ xem, muốn tìm một lá gan trong các tù nhân như vậy chẳng phải là quá dễ dàng hay sao?
Jobs (vẫn chưa hết bối rối): “Tù nhân lương tri”? Xin ngài hãy khai thị… 
Thần nam: Họ là những người tu luyện Pháp Luân Công. Con đã từng đọc các kinh điển Phật giáo, hẳn con hiểu ‘tu luyện’ nghĩa là gì. Họ tu Chân – Thiện – Nhẫn, luôn tu dưỡng bản thân để trở thành người tốt và tốt hơn nữa, vậy nên nói họ là người có đạo đức, có lương tri. Nhưng tiếc rằng ĐCSTQ luôn coi những người có đức tin và tín ngưỡng Thần Phật là cái gai trong mắt, vậy nên mới đàn áp và bắt họ vào tù. Con thử nói xem, họ chẳng phải là “tù nhân lương tri” là gì?
Jobs: Vậy nghĩa là họ sẽ bị giết hại để có nội tạng cho các bệnh nhân cần cấy ghép?
Thần nam: Không sai. 
Jobs: Nếu con đến Trung Quốc ghép gan, vậy chẳng phải vì con mà có thêm một người tốt bị giết hại?
Thần nam: Đó là sự thật, nếu con muốn duy trì sự sống của mình thì cũng nên chấp nhận sự thật ấy.
Jobs (khuỵ xuống, giọt lệ long lanh): Nhưng con không thể làm như vậy. Cho dù thời gian có đảo ngược, thì con cũng không thể vì để thêm vài năm sự sống mà giết hại một người. Con thà chấp nhận từ giã cõi đời hơn là phải sống trong tội lỗi.
Thần nam và Thần nữ cùng gật đầu tâm đắc: Tốt, con quả đã không phụ kỳ vọng của hai ta. 
Dứt lời, một luồng sáng loé lên, hai vị Thần cùng Steve Jobs bay vút vào khoảng không vô tận.
Cùng bạn đôi lời
Bạn thân mến, không khó để nhận ra rằng câu chuyện trên chỉ là giả tưởng, bởi như chúng tôi đã nói: Điều thực sự xảy ra vào khoảnh khắc cuối đời sẽ mãi là bí mật cuối cùng của Jobs, đã được ông mang theo vào cõi vĩnh hằng. Những gì hư cấu là để gửi đến bạn thông điệp: Giá trị của con người không nằm ngoài hai chữ: Lương Tri.
Cho dù chỉ là câu chuyện giả tưởng, nhưng lời nói bí ẩn lúc cuối đời của Steve Jobs là thật, hành trình chống chọi với bệnh tật đầy gian nan của ông là thật, và câu chuyện về những tù nhân lương tri tại Trung Quốc cũng là thật. Chúng ta không thể biết rằng Jobs sẽ phản ứng ra sao khi nghe kể về những con người lương thiện lại bị giết hại lấy nội tạng. Nhưng với nhân cách và lòng tự trọng mà ta biết về ông, thì hãy tin chắc rằng ông cũng sẽ lựa chọn lương tri hơn là sự sống.
Vĩ nhân nhờ có tài năng mà được người đời biết đến, nhưng lại nhờ nhân cách mà được hậu thế ghi nhớ muôn đời. Chúng ta dẫu không phải là vĩ nhân, thì hãy cứ làm một người có nội tâm thuần khiết, cho dù không nổi danh nơi cát bụi hồng trần, thì vẫn có thể ghi tên mình lên trời xanh bao la.
Tâm Minh

Hồng Hiên Tự : Ngôi chùa trăm tuổi tại Pháp, cổ nhất châu Âu


Tượng Đức Phật nhập niết bàn, dài hơn 9 mét, tại chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.RFI / Tiếng Việt
Tròn 100 tuổi vào năm 2019, Hồng Hiên Tự là ngôi chùa cổ nhất châu Âu. Được những người lính Việt đóng quân tại Pháp trong Thế Chiến I xây dựng, ngôi chùa là nơi để những người con xa quê tiếp tục thờ Phật và là nơi để tưởng nhớ những đồng hương hy sinh vì nước Pháp.



Nằm ở Fréjus, một thành phố nhỏ ở vùng Côte d’Azur (French Riviera, miền nam nước Pháp), Hồng Hiên Tự nổi bật từ xa với cổng tam quan sơn đỏ và những bậc thang nối tiếp nhau dẫn lên đỉnh đồi nơi chùa tọa lạc. Hai bên cầu thang là hàng tượng chư Phật như dõi theo bước chân khách hành hương đến vãn cảnh chùa.



Nổi bật trong khuôn viên rộng 6.100 m2 là hàng trăm bức tượng đầy mầu sắc thể hiện những vị Phật, các vị la hán và anh hùng dân tộc Việt Nam, trong đó ấn tượng nhất là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, dài hơn 9 mét và một bức tượng bằng đồng cao 2 mét, nặng 1,5 tấn được đúc ở Thái Lan và được đưa về chùa năm 1979. Bức tượng thể hiện đức Phật đang thiền dưới bóng cây bồ đề trong vòng 49 ngày trước khi thành đạo.
Khi mới được thành lập năm 1919, chùa mang tên chùa Gallieni để tưởng nhớ đại tướng Joseph Gallieni (1849-1916), từng làm bộ trưởng bộ Chiến Tranh và là người cho thành lập các « Doanh trại Đông Nam » từ năm 1915, dành cho lính bộ binh thuộc địa.


Tên gọi Hồng Hiên được hòa thượng Thích Thanh Vực đặt sau này. « Hồng » lấy từ chữ Lạc Hồng của dòng máu, nòi giống Việt ; « Hiên » là hiên ngang, khí phách. Ở chùa vẫn còn câu đối nhắc nhở đến ý nghĩa tên gọi này :

“Hồng Lạc linh căn phương Việt địa,
Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên
.”

*******
Bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille (Aix-Marseille Université, AMU), chuyên gia về di sản, đã dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn về lịch sử chùa Hồng Hiên.
RFI : Là một nhà nghiên cứu và tổ chức rất nhiều hội thảo về những người lính Đông Dương tại Pháp trong Thế Chiến I, cũng như cộng đồng Việt-Pháp sau này, xin bà phác một chút về lịch sử chùa Hồng Hiên.
Brigitte Sabattini : Ngôi chùa được xây ở Fréjus, sau Thế Chiến I, nhờ những người lính Đông Dương đóng ở « doanh trại Đông Nam » (Camps du Sud-Est). Trong tiểu đoàn 73 bộ binh dự bị Sénégal, có rất nhiều đại đội lính Đông Dương, trong đó có người Việt và dường như chính họ đã xây chùa. Ngôi chùa được khánh thành ngày 06/04/1919.
Nhờ một mục nhỏ trên tờ Le Petit Marseillais, người ta biết rằng một thành viên hoàng tộc An Nam cũng tham gia dự án xây ngôi chùa. Người này làm thư ký cho đại đội 1, thuộc tiểu đoàn 73. Ngoài ra, còn có tên của hai đại úy chỉ huy các đại đội lính Đông Dương, thuộc tiểu đoàn dự bị Sénégal. Vẫn theo bài báo, ngôi chùa được dành để tưởng nhớ những người lính Đông Đương tử trận vì nước Pháp trong Thế Chiến I.
Tại sao lại chọn Fréjus ? Đơn giản là ngay cạnh doanh trại Gallieni có một nghĩa trang với hơn 5.210 ngôi mộ, trong số này có khoảng 230 đến 300 mộ lính Đông Dương. Họ chết ở Fréjus trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Thực vậy, khi bị ốm hoặc không đủ khả năng ra mặt trận, họ ở lại tiểu đoàn dự bị. Nguyên nhân tử vong thường là do bệnh tật hoặc do vấn đề đường hô hấp. Nhưng ở Fréjus, có rất ít trường hợp người lính qua đời vì bị thương ở chiến trường.
RFI :  Xin bà cho biết quá trình xây chùa diễn ra như thế nào ?
Brigitte Sabattini : Chúng tôi biết là ngôi chùa được những người lính đó xây trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1919, nhưng chúng tôi không có văn bản chính xác về quá trình xây dựng.
Tuy nhiên, dựa vào công việc của những giám thị thời kỳ đó, chúng tôi biết rằng quân nhân Đông Dương được giao nhiệm vụ xây những khu nhà kiên cố ở Fréjus từ năm 1917, đặc biệt là trong doanh trại Caïs, một trong một những doanh trại lớn nhất và hiện vẫn tồn tại, họ xây cơ quan chỉ huy trong suốt mùa đông 1917-1918.
Tiếc là tôi không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào nói rõ về quá trình xây chùa. Điều tôi chắc chắn là ngôi chùa được chỉ huy trung đoàn 15 khánh thành ngày 06/04/1919.
Thực ra, ngôi chùa có hai chức năng. Thứ nhất, đó là nơi tưởng nhớ những người lính Đông Dương hy sinh vì nước Pháp ; thứ hai, chùa cũng là để những người lính Đông Dương tiếp tục thờ Phật theo truyền thống tôn giáo của họ. Sau này, vẫn có nhiều quân nhân Việt Nam tiếp tục phục vụ trong những đội quân thuộc địa tại Pháp cho đến khoảng những năm 1962.
Trong thời kỳ này, có một dấu mốc mang ý nghĩa rất quan trọng, đó là năm 1926, khi Ủy ban Tưởng niệm Đông Dương (Comité du Souvenir indochinois) đứng ra thờ cúng liệt sĩ Đông Dương tại Pháp vì đây là một truyền thống quan trọng của người Việt. Ủy ban này gồm một người lính Đông Dương và hai cựu chiến binh Pháp tham chiến ở Đông Dương, trong đó có đại tá Lame, từng là chỉ huy doanh trại Đông Nam và đã phục vụ ở Đông Dương trong thời gian rất dài. Đại tá Lame đã yêu cầu Ủy ban cho trùng tù ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là đợt trùng tu đầu tiên của ngôi chùa.
Nhờ một bộ phim có cảnh quay ở chùa, nên Hồng Hiên Tự trở nên nổi tiếng. Không chỉ còn là nơi tưởng niệm, thờ phụng, ngôi chùa còn là một điểm du lịch nổi tiếng ngay thời đó. Vì thế, du khách nước ngoài đến vùng Rivera hoặc các đoàn du lịch do các doanh nghiệp tổ chức cho nhân viên, khi tới vùng này, đều đến thăm chùa như là một địa điểm tượng trưng cho nghệ thuật Đông Dương.


Bài viết về chùa Hồng Hiên đăng trong tờ London News, số ra ngày 26 tháng 7, 1930. (Thân Tri sưu tầm)
Dĩ nhiên là với thời gian, như trong Thế Chiến II, đặc biệt là giai đoạn hậu chiến, ngôi chùa không được chăm sóc thực sự. Kể từ năm 1962, khi các đội quân thuộc địa bắt đầu tan rã và bị thuyên chuyển, người ta bắt đầu đặt câu hỏi làm gì với ngôi chùa. Cuối cùng, một hiệp hội gồm con cháu của những người lính Việt đã đứng ra nhận chăm sóc ngôi chùa. Ban đầu là họ được thuê chùa và cho trùng tu lại toàn bộ. Phải nhắc lại là bộ Văn Hóa Pháp lúc đó chưa có những tiêu chí như bây giờ nên chùa Hồng Hiên không được coi là một di sản kiến trúc hoặc di sản phi vật thể.


Lúc đầu là thuê, sau đó ngôi chùa được bán lại cho hội. Hội chăm sóc điện thờ cũng như bia ghi công liệt sĩ, hiện vẫn tồn tại. Đây là bằng chứng cho thấy mục đích đầu tiên của chùa là nơi tưởng nhớ những người lính hy sinh vì nước Pháp trong Thế Chiến I. Cuối cùng, chùa cũng trở thành nơi thờ cúng cho cộng đồng người Pháp-Việt ở trong vùng.
Ngoài trùng tu chùa Hồng Hiên, hội còn xây một ngôi nhà khác, dành để đón tiếp và làm nơi ở cho các vị sư và có một vị hòa thượng trụ trì. Đáng tiếc là cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, giữa các vị sư và hội đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến một số vấn đề mà hiện chúng tôi hy vọng có thể giải quyết vì tương lai của chùa.
Dù sao, đây là nơi tuyệt đẹp mà mọi người nên đến thăm và là bằng chứng cho sự hiện diện của người Việt ở Fréjus ngay từ Thế Chiến I.
RFI : Tìm hiểu lịch sử của chùa Hồng Hiên nằm trong chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản mà bà phụ trách, bà có cảm nhận như thế nào về ngôi chùa ?
Brigitte Sabattini : Có ba điểm khiến tôi rất ấn tượng. Thứ nhất, đó là công trình thuật lại cuộc sống của đức Phật, trong đó có một cảnh nói về lúc đức Phật chào đời, một cảnh về bài thuyết giáo đầu tiên của ngài ở Benares (còn gọi là Varanasi). Bên cạnh những sự tích về Phật, còn có tượng đức Phật nhập niết bàn dài hơn 9 mét.
Ngoài ra, còn có hai loại tượng, được một sinh viên thạc sĩ gọi là “khu lịch sử Việt Nam”. Ở đây có rất nhiều tượng đá được chạm khắc tinh xảo về những vị anh hùng Việt Nam, từ những vị vua đến những nữ anh hùng. Nhờ đó, ngôi chùa được mở rộng sang cả thiên hướng lịch sử Việt Nam.
Khoảng sân trước chùa còn có rất nhiều tượng các vị la hán. Đó là những tác phẩm tuyệt đẹp, nhắc đến những vị thánh chưa đạt đến cấp độ cao nhất của cõi niết bàn.
Tất cả những chi tiết trên cho thấy chùa Hồng Hiên giúp chúng ta hiểu được lịch sử của cộng đồng người Việt-Pháp, từ vết tích của những người lính Việt hy sinh vì nước Pháp cho đến nghi thức thờ cúng hiện nay. Ngoài ra, chùa còn có tháp An Lạc thờ vong hồn và là nơi chứa tro cốt của những người quá cố thời nay.
RFI : RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille.

THU HẰNG








Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

CON XÍU ,THẰNG TÒNG


Cà Mau của tôi có hai xóm công chức, môt xóm nằm ờ phía đập lớn trên đường Lý Thái Tôn, dãy này thuộc về nhóm trung lưu, nhà lợp ngói, hàng rào, cửa nẽo nhìn vào sang trọng, nghe nói những nhà này thuộc về nhà công vụ dành cho những người tại nhiệm, khi thuyên chuyển thì họ trả lại cho chính quyền, cũng có nhà họ mua luôn làm chủ sở hữu cho nên theo quan sát của đứa con nít như tôi thì cũng có những gia đình cư ngụ ở đó năm này qua năm khác, còn xóm thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là xóm công chức ở gần rạp hát Huỳnh Long, xóm này ngoài vài cái nhà của một vài gia đình ở mặt đường, số còn lại nhà đều ở trong hẻm, ở miền Nam này đứa con nít nó cũng biết hẻm là danh từ để chỉ các đường nhỏ nối từ con lộ này qua con lộ khác hay chỉ là một đoạn đường ngắn nằm khuất trong các con đường chính, do đó khi nói đến cái hẻm công chức thì dân Cà mau nghĩ ngay đến chỗ này, còn các chỗ kia họ gọi bằng xóm, xóm là một quần cư mà trong đó các cá thể có cùng một nghề nghiệp như xóm giá, xòm lò heo v..vv, nhà cửa trong hẻm này thì bình dân hơn, đường tráng bằng ciment cách với mặt tiền nhà một khoảng sân bằng đất nhỏ nên trông có vẻ gần gũi, nhà này nhà nọ sát vách nhau, hai dãy hai bên, từ đầu ngõ đến cuối hẻm, mỗi bên khoảng đâu chừng hơn chục căn. Thằng Tòng bạn của tôi hồi còn ở truồng tắm mưa nó ở đâu đó trong hẻm công chức này mà tôi không nhớ rõ căn nào. Tôi quen với thằng Tòng này bởi một lý do đơn giản là nó ngồi chung bàn với tôi vào năm lóp ba, tôi nhớ lại hồi năm tôi lớp năm và lớp tư thì không có nó, ba nó là công chức ở nơi khác đổi về, cho nên nó phải đi theo và ông Thầy ổng sắp cho nó ngồi gần với tôi, chuyện chỉ đơn giản là vậy nhưng tình bạn của tôi với nó không hề đơn giàn chút nào, từ từ rồi tôi sẽ kể.

Tôi chơi thân với thằng Tòng là do nó chủ ý làm quen với tôi, chớ hồi nhỏ tôi làm phách lắm, nhớ bữa đó nó khều tôi nhờ tôi cho nó chấm mực ké, nhìn cái bản mặt buồn hiu như chịu tội của nó mà thấy tôi nghiệp nên tôi ừ, nó là thằng chiu chơi và sòng phẳng cho nên hôm sau nó đem vào cho tôi hai viên mực nói là đền cái vụ chấm mực ké với tôi bữa trước, từ đó tôi khoái nó và bắt đầu xuống nhà nó chơi, nhà nó ở cái hẻm công chức mà tôi nói hồi nảy, thằng Tòng móm xọm, tướng lùn xịt so với tôi, nói cái gì nó cũng cười hề hề, xuống nhà nó thì chỉ có môt việc bắn cu li, tôi tu luyện món này dày công ở xóm chùa Phật nên lần nào tôi cũng ăn nó đầy túi, bữa nọ trời mưa tầm tả, tôi rủ nó về cái ao trường học tắm mưa, ở trường tôi, hồi đó nhà nước đào lấy đất để mở rông trường nên chính giữa sân có cái ao, có cây cầu cây dẫn ra nhà thủy tạ, ao không sâu lắm, nước chỉ ngang ngực tụi tôi thành ra học trò hay lén xuống đó tắm, ở trường có thông báo cấm nhưng hôm đó vào ngày chủ nhật nên chẳng có ai, hai thằng tắm tới lạnh đánh bò cạp mà chưa chịu thôi, trời xui khiến cho tụi tui mắc nạn, mưa vừa ngớt hột, ông Đốc hôm đó vào trường thấy tụi tôi đang chằm nghịch, ổng lẳng lặng đến lấy áo quần đem về phòng Hiệu trưởng bỏ đó khóa lại rồi đi về, hôm đó tôi với thằng Tòng ở truồng tòng ngồng lội bộ về nhà mà mắc cở muốn độn thổ, nhà tôi gần hơn nên hai thằng lội về đó, tôi cho nó mượn cái quần để mặc về, quần rộng thùng thình, tôi nghiệp nó, vừa đi vừa sợ tuột, nên cái cảnh nó đi về trong mưa trông vừa buồn cười, vừa thương cảm, tôi nhớ thằng Tòng với hình ảnh đó cho đến bây giờ, ngày hôm sau, hai thằng bị thầy kêu lên nhéo lỗ tai và cho cái trứng vịt vô mục hạnh kiểm vì cái tôi vi phạm điều trường cấm và ôm đống quần áo về, vụ tắm mưa bị nạn là lỗi tại tôi rủ thằng Tòng cho nên sinh ra cớ sự, cuối năm đó, ba nó thuyên chuyển đi Tỉnh khác, từ đó tôi với thằng Tòng mất nhau luôn, hồi nhỏ đâu có biết viết thư từ liên lạc thăm nhau, đến chừng lớn lên biết chuyện này chuyện nọ thì đã xa nhau biền biệt, bao nhiêu năm trôi qua rồi, giờ sắp thành ông già muốn xuống lổ mà vẫn không biết thằng Tòng nó ở đâu, không biết nó có còn sống sót qua mấy chục năm binh đao đã qua hay không? chớ bè bạn trang lứa của tôi lắm kẻ ra đi không về, hồi nhỏ bạn bè tôi đông lắm nhưng dẫu vật đổi sao dời cũng còn có tin tức thằng nọ, thằng kia , còn thằng Tòng thì thăm thẳm, thằng bạn hiền lành, móm xọm của tôi giờ chả biết sống chết ra sao và nếu còn sống thì nó làm gì, ở đâu nữa ?! 
Hồi tôi xuống chơi nhà thằng Tòng ở hẻm công chức tôi có quen với môt con nhỏ tên là Xíu Hỏn, cái tên Hỏn phía sau khó kêu quá cho nên tôi cứ kêu nó là Xíu, nhà của nó ở sát vách nhà thằng Tòng, hôm gặp lần đầu, nó nhe hai cái răn sún cười vu vơ với tôi, tôi lượng chừng con nhỏ này nhỏ hơn tôi chừng một hai tuổi, gặp nó là tôi nhớ cái hôm đi qua trường con gái, nó đi trước, tôi phía sau, rắn mắc đạp vô chiếc dép nó mang, nó rớt cái chân ra ngoài chiếc dép và ngoáy nhìn tôi nguýt dài, bữa đó gặp lại nó sát nhà thằng Tòng tôi mới nhớ lại, con Xíu nó không giận tôi mà còn rủ tôi chơi búng dây thun nữa, tôi nói tao chỉ biết bắn cu li, còn cái món dây thun này tao chơi dở ẹt, nó xịu mặt xuống, tôi thấy tội nghiệp nên qua chơi cùng nó, bữa nào như bữa nấy, tôi thua sạch túi, còn chiến lợi phẩm của nó đầy nhóc môt bọc nylon, chừng môt chục bữa nó thắt bính chiến lợi phẩm của nó lại thành một xâu và hươ huơ trước mặt để chọc quê tôi nữa, tôi tức lắm và mong có dịp nào đó trả thù. Trước nhà con Xíu có cái hàng rào cây dâm bụt, hôm đó hoa dâm bụt nở nhiều, nó rủ tôi hái đem ép vô trong tập giả bộ như lá thuộc bài, tôi nín thinh không thèm đếm xỉa vì tới nó giả bộ nói chuyện với thằng Tòng, nó theo năn nĩ hoài, tôi đổ quạu và xẳng giọng với nó, cái bông bụt bông mỏng dính, màu đỏ bầm thấy mà ghê, ai mà đem ép thành lá thuộc bài, bô mày khùng hả Xíu ? con Xíu nó rươm rướm nước mắt vì bị tôi chửi là khùng, nó quay mặt qua chỗ khác, có lẽ là nó khóc, tôi thấy động lòng, nó là đứa con gái hiền lành, dễ mến chỉ có hai cái răng sún là tôi thấy vô duyên thôi chớ cái mặt cũng dễ thương lắm, môt lúc sau tôi hồi tâm và nói vói nó , thôi để bữa nào tao vô trường, hái mấy cái hoa Phượng ép cho mầy làm lá thuộc bài, cái hoa Phượng hái xuống, mình nút cái nhụy nó chua chua đã lắm, còn cái bông mình ép trong tâp, nghe tôi nói vậy, con Xíu nó mừng lắm, nó chạy lại nắm lấy tay tôi lắc lắc, anh nói là anh giữ lời nhe, tôi gật đầu cho qua chuyện. 
Từ cái hôm bị lấy quần áo thằng Tòng quần mặc khính cái quần của tôi về nhà chắc ba má nó rầy nó dữ lắm, do vậy tôi ít dám xuống nhà chơi với thằng Tòng nữa, cái vụ hứa với con Xíu ép bông Phượng tôi cũng quên tuốt luốt, hôm đó chợt nhớ lại, chạy xuống nhà định đưa cho nó thì nhà nó đã dọn đi đâu mất biệt. Hết thằng Tòng, rồi tới con Xíu, hai đứa mà tôi quen ở trong hẻm công chức đã xa tôi mà không môt lời từ giã, từ đó tôi ít tới lui chơi ở cái hẻm đó, mỗi khi tôi nhớ tới tụi nó là tôi có buồn môt chút rồi quên vì tôi đã có những thằng bạn ở xóm khác, thỉnh thoảng tôi nhớ tới cái miệng móm xọm của thằng Tòng, nhớ tới hai cái răng sún của con Xíu , vậy mà có nhiêu bữa nằm mơ ,tôi thấy tội chơi nhảy dây với con Xíu, nó quậy tôi nhảy cùng, hai đứa cười vui vẻ lắm, nó còn nhắc tôi cái vụ ép cái bông Phượng, bổng dưng cái chưn của tôi vướng vào cọng dây và té xấp xuống, giựt mình thì ra là một giấc mơ, người ta nói rằng khi ban ngày nghĩ tới người nào là ban đêm năm mơ thấy người đó, tôi đâu có nhớ con Xíu đâu? vậy mà ban đêm lại nằm mơ thấy nó vậy ta ? Năm tháng trôi dần và từ từ tôi cũng quên đi mối tình bạn có thể gọi là thanh mai trúc mã tôi đậu Tú Tài và lên Sài gòn học, ba tôi gửi tôi ở trọ nhà một người bạn cũ cùng xứ, người này tôi kêu là Bác, Bác ấy tản cư từ dưới quê lên đây lập nghiệp, hồi năm 1960, chính phủ ông Ngô Đình Diệm có mở chiến dịch Sóng Tình thương, nghe người lớn nói lại là để truy quét mấy ông Cộng sản nằm vùng, họ cũng lập lờ danh nghĩa đó mà bắt môt số người làm ăn mua bán ở địa phương, ghép cho cái tôi Cộng sản nằm vùng vói mục đích làm tiền, nhiều người quen của gia đình tôi vướng vào hoàn cảnh đó, phải chịu oan ức tù đầy một thời gian mới được trắng án, Bác chủ nhà trọ của tôi nói ở trên cũng chạy về Sài gòn sinh sống trong hoàn cảnh này, cái thời lộng danh, lộng ngữ khiến nhiêu gia đình phải khổ, tôi có người quen, họ nói trong chiến dịch này, em của ông Phó Tỉnh Trưởng bị bắt lầm mà ông ta còn can thiệp không được, cho thấy cái thế lực kia nó mạnh đến mức độ nào, cho nên dân vùng đó khi nhắc đến chiên dịch Sóng Tình thương thì họ lắc đầu ngao ngán, ghét thì có, chớ Thương cái nỗi gì. 
Hôm đó,ngồi chơi ở trước nhà, cô gái ngừng xe xuống gật đầu chào tôi rồi đi vào trong, lúc sau Bác chủ nhà ra, ông nói, con nhỏ đó người cũng ở xứ mình, hôm nay nó qua thâu hụi, tôi dạ dạ cho qua chuyện mà chẳng để ý gì, rồi từ đó, cứ mỗi nửa tháng là tôi thấy cô gái đó, sự xuất hiện thường xuyên của cô ta làm cho tôi từ từ cũng chú ý chớ, con gái mà, dĩ nhiên chuyện đề ý của tôi là chuyện coi xem cô gái này có ngộ hay không thôi, ở trường tôi học thì con gái nhiều lắm nhưng với một thằng học trò Tỉnh lẻ như tôi làm sao dám trêu ghẹo hay lân la để làm quen, tôi để dạ là sẽ làm quen cô gái chuyên đi thu hụi này bởi trong sự ngắm nghía của tôi thì tôi thấy cô ta dễ thương và cũng đẹp nữa.Tôi hỏi dò thì biết nhà của nàng gần trường của tôi đang học, và tên của cô ta là Phụng. Từ đó, mỗi bữa đi học về, tôi xách đích đi ngang qua tiệm tạp hóa nhà cô ta mà trông trông, ngóng ngóng, có khi tôi thấy bóng của cô nàng thấp thoáng trong nhà, chỉ vậy thôi, hôm nào thấy cô nàng đứng giữ hàng là tôi mừng như hồi nhỏ đi học Thầy cho mười điểm vậy, môt năm trời đăng đẳng trôi mà tôi chỉ làm được mỗi một cái việc đi ngang nhà để trông cho gặp được nàng, năm học đó có lẻ vì si tình cái quán tạp hóa đó cho nên tôi học chữ nào trả lại thầy chữ đó, tôi thất vọng vì tương lai sắp tới của mình, khăn gói xuống Cần thơ thi và đậu vào trường Sư phạm, thế là tôi từ giả Sài gòn và từ giả luôn con đường có cái quán tạp hóa của người con gái tôi si mê, trường Cần thơ thì thiếu gì người đẹp, Cần thơ nổi tiếng gái đẹp nhất miền, chung quanh tôi là muôn màu muôn sắc nhưng cái thằng nhút nhát của tôi chỉ biết đứng nhìn chiêm ngưỡng, học xong thì tôi về một trường công lập ở Tỉnh nhỏ để dạy học, trong ý tôi tôi muốn về Trường ở Mỹ Tho để có dịp về thăm cái tiệm tạp hóa năm nào nhưng nhường cho cô bạn đậu hạng sau tôi mà quê cô nàng ở Tỉnh đó, vậy là tôi càng đi xa cô Phụng của tôi hơn. Tôi chắc mẻm là thằng tôi sẽ ế vợ, bởi nghĩ tới cô nào là trời khiến cho tụi tôi phải xa nhau, hồi học ở Cần thơ, tơ tưởng tới cô bạn cùng lớp, chưa chi mà cô ta lại đi lấy chồng, đời tôi sao mà hẩm hiu quá đổi !!

Hồi đó, nhà nước cấp cho ba tôi chiếc xe La Dalat, hôm đó ba má tôi nhắn tôi xin phép nghỉ hai ngày để lên Sài gòn chơi, tôi nói nếu đi ngày thứ sáu cuối tuần thì khỏi phải xin vì tôi không có giờ dạy, Ba má tôi ghé đón tôi đi Sài gòn, hôm đó, hai người rủ tôi đi qua bên nhà người quen chơi, trên đường đi, tôi nhớ lại con đường này là có cái tiệm tạp hóa mà hồi mấy năm trước tôi trồng cây si hàng ngày đây mà, Trời đất, quỷ thần ơi, tưởng đi đâu, ai dè ba má tôi ghé ngay chóc cái nhà mà có cô gái thu hụi tên Phụng, tôi gặp nàng, cả hai đều mắc cở mà quên chào hỏi, trong trí của thằng thầy giáo như tôi, tôi đâu có khờ như đứa con nít đâu, tôi biết là sẽ có chuyện gì trọng đại lắm sắp xảy ra trong cuộc đời của tôi .
Về dạy học lại sau chuyến đi Sài gòn cùng Ba má, tôi viết thư thăm nàng, tôi vốn yêu thích văn chương nên trong thư tôi tả muôn vàn nổi nhớ nhung, tả nỗi niềm xa xôi cách trở, tôi gửi thư đi rồi mà mong hồi âm như con nít hồi nhỏ trông má đi chợ về, hôm đó nhận được thư nàng, trong thâm tâm tôi nghĩ rằng chắc nàng cũng an ủi tôi đôi lời, xé thư ra tôi bàng hoàng và giận không thề tả nổi, trong thư chỉ vỏn vẹn một dòng :” xin giáo sư vui lòng cho biết địa chỉ “,Tên tôi thì đương nhiên nàng biết rồi, trường tôi dạy thì cũng có tên, vậy mà nàng tiếc chi vài hàng chữ, tôi buồn mấy ngày đêm, muốn dọt về Sài gòn mắng cho nàng một trận, bởi dẫu sao tôi với nàng cũng đã trầu cau, xin hỏi cưới rồi, tức lắm nhưng ráng dằn lòng .
Sau này mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, tôi khoái chí tới mức nào khi biết hai gia đình đã có ý tác hợp cho chúng tôi lâu rồi, bất chiến tự nhiên thành, ba má tôi và ba má nàng, họ quen thân nhau hồi còn đi làm chung ở Cà mau, sau do hoàn cảnh riêng nên mỗi người mỗi hướng, hôm đó tôi với nàng lần đầu tiên đi chơi với nhau, hai đứa chả biết đi đâu, chở nhau lòng vòng, vào rạp Rex xem phim rồi về, nàng nhát, còn tôi thì run (lần đầu đi với phụ nữ mà không run mới lạ ).
Sau này tụi tui cưới nhau rồi, nàng mới nhắc lại, hồi đó thấy tôi đi ngang mỗi ngày nhìn vào tíệm tạp hóa là nàng mắc cười rồi, nàng nói lúc gặp ông tui ngờ ngợ là quen ở đâu đó rồi, nên hỏi Bác Ba chỗ ông trọ học thì biết tông tích lý lịch ông, ông lơ đảng không nhìn ra tôi chớ tôi thì tôi nhớ ra ông rồi, vây là nàng cố chọc cho tôi tức đề trả thù cái vụ hồi xưa tôi thất hứa với nàng và thường hay ăn hiếp nàng, bởi lẽ đơn giản nàng là con Xíu sún răng của ngày xưa trong hẻm công chức, tôi nhìn vợ tôi hàng ngày mà không tưởng tượng nổi hai cái răng sún ngày nào giờ nó được thay bằng hai cái răng cửa dễ thương quá đổi. Người ta tên là Xíu Hỏn, dịch ra là Tú Phụng mà cha nội cứ kêu là Xíu Xíu hoài, thấy mà ghét,
Con Xíu mà hồi xưa tôi chơi búng dây thun vói nó giờ đây đang kề cận với tôi hàng ngày, nó rời xa tôi môt cách êm ái không một tiếng giả từ, vậy mà bây giờ sau bao nhiều vật đổi sao dời nó lại bước trở vào đời tôi một cách thật là hết biết từ nào để diễn cho tròn ý. Thôi, mất đi thằng Tòng cũng thây kệ, bởi vì tôi đã có con Xíu rồi.

Huỳnh Thanh Long
Ngày 26-8-19

HỘI THẢO KHOA HỌC LỊCH SỬ HìNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG HỌC HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG


Diễn ra ngày19/11/2016 trong khuôn viên trường, sau Lễ Kỷ niệm ngày Nhà Giáo.
Mục đích Hội thảo như chủ đề đã đưa ra.
Hội thảo đã có nhiều tham luận từ Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sóc Trăng, Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng, Hiệu trường trường, thầy Phạm Văn Phái và bảy cựu học sinh. Hội thảo đã làm sáng tỏ:

- Sao lục được Nghị định thành lập trường trung học công lập Khánh Hưng ban hành 1957. Dẫn đến không còn bàn cải năm thành lập trường, chính thức năm 1957.
- Sao lục được Nghị định đổi tên trường là Trung học công lập Hoàng Diệu ban hành năm 1961.
- Sao lục được Nghị định cho phép trường THCL Hoàng Diệu tổ chức bậc học đệ nhị cấp ban hành năm 1963.
- Một báo cáo của Ty Tiểu học lên Tỉnh trưởng Sóc Trăng cho biết trường TH CL Khánh Hưng khai giảng khóa học đầu tiên nhằm ngày 3 tháng 10 năm 1957. Trước nay cho rằng là ngày 1/10/1957.
- Một báo cáo cho biết thầy Mã Văn Hợi đã chuyển giao chức vụ Hiệu trưởng trường THCL Khánh Hưng cho thầy Bùi Văn nên. Đây là điểm tốn nhiều thời gian tranh luận. Các học bạ còn lưu cho thấy giai đoạn 1957-1960 do thầy Mai Văn Kiêm ký với chức danh Hiệu trưởng. Thầy Lê Kim Tiết Tháo phát biểu còn nhớ năm 1958 khi thầy về nhà trường trình diện nhận nhiệm vụ, chính thầy Mai Văn Kiêm, Hiệu trưởng, tiếp nhận. Và cho biết sau khi thầy Kiêm không còn làm Hiệu trưởng, thầy Hiệu trưởng mới Bùi Văn Nên sắp xếp thầy Kiêm là Tổng giám thị cho tới khi nghỉ hưu.

Điểm này đưa ra giả thuyết:
- Thầy Hợi là trưởng ty Tiểu học, thầy Kiêm là thanh tra tiểu học cao cấp thời điểm 1957-1960. Có thể thầy Kiêm nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường THCL Khánh Hưng trước tiên, khi gần năm 1960 thầy Kiêm chuyển chức vụ Hiệu trưởng qua thầy Hợi. nên thầy Hợi mới chuyển chức vụ qua thầy Nên như báo cáo lưu trữ ghi.
- Thầy Hợi chức cao hơn thầy Kiêm. Thầy Hợi nhận chức Hiệu trưởng từ cấp trên. Nhưng thầy Hợi ủy nhiệm thầy Kiêm đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng trường THCL Khánh Hưng (văn bản này, nếu có, thì tiếp tục tìm kiếm). Đến khi bàn giao thầy Hợi mới là tư cách pháp lý chuyển giao chức vụ Hiệu trưởng qua thầy Nên.

- Cũng còn các giả thuyết khác.
Nhưng không ai chối cải được thực tế thầy Mai Văn Kiêm được ủy nhiệm là Hiệu trưởng đầu tiên trường THCL Khánh Hưng. Thầy đảm nhận chức vụ này từ năm 1957 và (1) ít nhất đến cuối năm 1958 (thầy Lê Kim Tiết Tháo là nhân chứng) và (2) đến năm 1960 (các học bạ còn lưu tên thầy ký tên). Mong thay những thông tin quý báu từ quý cô thầy cũ hoặc đồng môn ở điểm nhỏ này để đừng làm chút nặng lòng người trong cuộc không đáng.





Thư ký Lực

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

CHUYỆN Ở TRƯỜNG...



TỔNG THƯ KÝ VÀ CÁC TRƯỞNG KHỐI...CỦA TRUNG HỌC HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG...XƯA!



Vào năm vào học 10c, (năm 1971) đó là thời gian vui...sau cuộc thi báo tường HOÀNG HOA đạt giải nhất của tỉnh, tôi có bài thơ được đăng...Từ đó nỗi tiếng...dù thật sự chưa biết yêu là gì? ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu...và cũng chưa có mảnh tình nào vắt vai làm vốn...!

Xin đăng bài thơ: (theo một số bạn đề nghị)

BỐN MÙA
Mùa xuân mình gặp nhau
Em e thẹn cúi đầu
Anh mĩm cười chào hỏi
Em nghe lòng xuyến xao
Mùa hạ lại gặp nhau
Anh lên tiếng hỏi chào
"Lâu nay ta không gặp
Em đã lớn và cao"
Mùa thu mình quen nhau
Em buồn bã cúi đầu
Tiễn anh đi nhập ngủ
Chia tay buồn làm sao
Mùa đông mình xa nhau
Anh không còn hỏi chào
Nằm yên trong lòng đất
Em một mình thương đau!

Đó vào mùa hè đỏ lửa, bao mối tình hậu phương, tiền tuyến..bao nữ sinh lấy chồng lính, bao quả phụ, bao bạn bè nhập ngủ.. Nhờ vậy tôi bắt đầu làm thơ tình mướn, kiếm cà phê, bánh mì ở “căng tin” cô Quốc...cho các anh rụt rè, nhút nhát biết yêu nhưng không biết làm thơ!

Lúc đó có lập ban điều hành của trường. Đứng đầu là TỔNG THƯ KÝ (Là lớp trưởng các lớp từ đệ thất đến đệ nhất hợp lại và bầu ra...) Lúc đó huynh VÕ MINH MẪN đắc cử làm chức vụ TỔNG THƯ KÝ, hình như anh học trên tôi 1 lớp thì phải...dáng anh nho nhả, thư sinh, đeo kiếng cận...rất là trí thức, nói chuyện nhỏ nhẹ...mà thầy Hiệu trưởng LÊ XUÂN VỊNH lúc bấy giờ rất quý mến.

Còn tôi cũng đắc cử chức Trưởng khối Văn nghệ, Báo chí toàn trường.(là được các trưởng ban Văn nghê ,báo chí các lớp bình chọn...)...thời gian nầy rất vui, cùng làm báo tường dự thi, cùng theo đội Văn nghê đi thi, diễn khắp nơi;  cùng đem báo vào các doanh trại, dinh Tỉnh trưởng để bán...báo bán đắc lắm! ai cũng ủng hộ học sinh...!
Mới liên lạc được huynh Tổng Thư Ký của trường, huynh vẫn thế...mừng hết sức!...

Thầy TRẦN PHẠM HIẾU (Giáo sư hướng dẫn lớp 12c, dạy Triết của lớp ) từng nói: "Cuộc đời con người ví von như một quyển
sách, chia làm bốn phần: một màu hồng, một màu đen, một màu xanh, một màu trắng..."
Và theo tôi thời học ở Hoàng Diệu Sóc Trăng là khoảng đời màu xanh đó các bạn ơi!...

THỤY CHÂU




“BÔNG LÚA CHÍN LÀ BÔNG LÚA CÚI ĐẦU”



Nhớ hồi vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ (một trong hai đứa còn nằm trong bụng mẹ, tháng thứ 6) xuất cảnh đi Mỹ. Vì trường hợp phụ nữ mang thai nên IOM (cơ quan di dân quốc tế) thu xếp cho riêng chúng tôi đi đường bay quá cảnh phi trường Kyoto Nhật Bản thay vì đường ghé Hàn quốc như những gia đình khác cùng đợt hồ sơ, như vậy chúng tôi sẽ được rút ngắn chuyến đi gần nửa ngày. Sự tử tế chu đáo và bất ngờ này của một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, ‘người dưng nước lã' hoàn toàn xa lạ, làm tôi cảm động. Tiền mua vé máy bay cho tất cả những di dân diện tị nạn đều do IOM cho vay trước, chúng tôi sẽ trả góp sau khi đã an toàn định cư ở quốc gia mới.
    Gia đình nhỏ chúng tôi ghé đến phi trường Nhật, te tua xơ mướp vì mệt, lết tha lết thếch không giống ai giữa chuyến bay toàn hành khách sang trọng. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối, biết thân biết phận nên chờ cho mọi người ra hết mới dắt díu nhau ra sau cùng. Vậy mà vừa bước ra khỏi cửa máy bay, một tình nguyện viên của IOM, một thanh niên (sinh viên) người Nhật sáng sủa cao ráo, mặc bộ vest rất chỉnh tề, đứng sẵn đó, thấy chúng tôi là gập người chào cung kính. Cầm trên tay tấm giấy lớn ghi tên chúng tôi nhưng thực ra anh ta chẳng cần nữa vì quá dễ nhận ra cái gia đình nghèo vừa rời khỏi đất nước nghèo này.
    Chúng tôi sững người, ngượng nghịu lúng túng trước cái cúi chào đặc biệt của người Nhật lần đầu tiên trên đời mình được nhận. Sau đó anh chàng kính cẩn ân cần, cố đi thật chậm để bà xã tôi không phải vội, dù đôi chân cao ngồng của chàng ta chỉ cần sải một bước là bằng chúng tôi đi ba bước.
    Anh chàng nói tiếng Anh chậm rãi và cố tình chọn những từ dễ đến nỗi đứa dốt sinh ngữ như tôi cũng hiểu ngay. Cái cách anh chàng tế nhị đưa chúng tôi đến nhà vệ sinh và sẵn sàng kiên nhẫn chờ ở ngoài làm tôi càng phục lăn! Nước Nhật giáo dục kiểu gì mà người trẻ của họ tuyệt vời đến thế này nhỉ?
    Rồi anh chàng chậm rãi dẫn chúng tôi đi dọc các hành lang sân bay quốc tế rộng mênh mông để đến cổng chờ chuyến bay đi Mỹ. Tôi nhớ chúng tôi đi bộ gần nửa tiếng mới tới. Cung cách của anh chàng không khác gì đang hộ tống những nhân vật quan trọng. A không, đang ấm áp đón tiếp những người rất thân thiết. Tôi nghĩ người thân ruột thịt cũng không ân cần được đến thế!Đến nơi, anh chàng lại cung kính và áy náy xin lỗi vì bận việc phải đi gấp. Anh chàng nói sẽ gọi điện nhờ một người bạn đến ở với chúng tôi trong 8 tiếng chờ đợi.
    Thì ra anh chàng đã gọi phone nhờ cô người yêu của mình từ hồi nào. Cô ấy đến, cũng là sinh viên, nhỏ nhắn dễ thương, vừa đẹp vừa hiền, đem theo bữa cơm đắt tiền mua ở nhà hàng cùng một giỏ trái cây. Vừa gặp chúng tôi, cô ấy cũng gập người chào rất lễ phép. Tôi lại một lần nữa xúc động khi hiểu ra IOM có đặt sẵn suất thức ăn nhanh ở phi trường cho chúng tôi, nhưng đôi bạn trẻ này muốn đãi 'bà bầu' và hai em bé một bữa chu đáo hơn bằng chính tiền túi của họ.
    Không còn biết nói gì nữa khi nhìn cô gái Nhật dịu dàng dọn bữa ăn vẫn còn nóng ra chiếc băng ghế phi trường, chén đũa đàng hoàng, mời chúng tôi, ngồi 'hầu' bên cạnh chúng tôi với nụ cười luôn nở trên khuôn mặt dễ mến, ân cần hỏi han vợ con tôi.
    Tôi không còn tâm trí đâu mà thưởng thức món ăn. Mỗi một miếng đưa lên miệng là mỗi hạt ngọc hạt vàng! Tôi cảm thấy mình không xứng đáng ngồi đó để được cô bé tiếp đãi như thế này. Tôi xin kiếu, xin được đi lòng vòng để ngắm cái phi trường hiện đại, để trố mắt nhìn cái thế giới khác hẳn thế giới quen thuộc của mình ở quê hương.
    Nói thật, suốt đời còn lại chúng tôi không thể quên sự tử tế và khiêm nhu của hai người bạn trẻ Nhật ấy!
    Con gái đầu của chúng tôi năm đó mới 8 tuổi, nó nói lớn lên, quốc gia đầu tiên con phải đi thăm, trước cả về thăm quê hương Việt Nam, nhất định phải là nước Nhật!
    Gần đây tôi mới biết câu thành ngữ cổ xưa của người Nhật: "Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu".
    Bao thế hệ đi trước của người Nhật đã truyền lại lời dạy đó cho con cháu:
    Một cây lúa khi được mùa, trĩu hạt, thì nó biết cúi đầu. Khi mình đã sung túc thịnh vượng, không được nghếch mặt lên trời tự mãn kiêu căng, nhưng biết cúi mình để kính trọng và yêu thương người khác!
“Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” câu châm ngôn của người Nhật Bản
(みの)る程頭(ほどあたま)の下()がる稲穂(いな

Sưu Tầm.

1. Đời phụ nữ...
Tim là của bố mẹ
Thân xác là của chồng
Thời gian là của con
Chỉ có nếp nhăn là của mình mà thôi!
2. Chẳng ai sinh ra mà đã hợp nhau
Một chút nhường nhịn, một chút chịu đựng
Thêm một chút nhẫn nại
Và có cả một chút hy sinh vì nhau nên
Tình yêu mới bền vững
3. Quen biết một người là do duyên phận
Hiểu được một người là do kiên trì
Chinh phục được một người dựa vào trí tuệ
Có thể ở bên nhau dài lâu hay không
Thì phải dựa vào sự bao dung
4. Không phải cứ bộc lộ ra mới là có chuyện. Người luôn giữ trong lòng luôn là người tổn thương sâu sắc nhất. Dù sao, khi đã chọn sự im lặng cũng là lúc khoảng cách dần tăng và con người ta không còn muốn gần nhau nữa... Đừng để người phụ nữ của mình im lặng.
5. Tình cảm sẽ chết đi khi niềm tin không còn tồn tại. Tình yêu sẽ khép lại khi không còn hai chữ QUAN TÂM
6. Nhà không thể tự sạch
Cơm không phải tự chín
Con không thể tự trưởng thành
Vì vậy, dù có “ chức cao” cũng đừng xem thường người vợ ở nhà
Hãy nhớ:
Người ở cạnh bạn lúc khó khăn, mới là người thương bạn nhất.
Người mà chỉ vui khi bạn giàu có, chỉ là người yêu tiền của bạn thôi.
Người ở cạnh bạn ngay lúc bạn xấu xí nhất mới là người yêu bạn nhất.


Nguồn: @Awake Your Power

Có một câu chuyện kể rằng:
Xưa có một hành khách bước đơn độc trên chặng đường xa. Khi đã quá mỏi mệt và kiệt quệ, anh nằm xuống và ngủ một giấc ngon lành trên thảm cỏ ven đường. Không lâu sau, một con rắn độc từ trong bụi cỏ chui ra và bò về phía người độc hành này.
Khi con rắn chuẩn bị cắn người khách đang ngủ, bỗng một người đi ngang qua đó, kịp thời đánh chết con rắn độc rồi đi tiếp. Người độc hành vẫn ngủ say sưa mà không hề biết chuyện gì đang diễn ra. Cho đến cuối cuộc đời, anh vẫn không hay biết rằng mình đang sống trong ân huệ của người qua đường vô danh thuở nọ…
Có thể vị khách độc hành không hề biết đến ơn cứu mạng ấy, và người qua đường cũng đã quên từ lâu, nhưng sự tình này đều ghi dấu trong Trời Đất.
Lại cũng có chuyện như thế này:
Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.
Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.
Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui. Có lẽ hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng.
Và bạn thấy đấy, có những sự giúp đỡ diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ. Vậy cớ sao cứ phải đợi đến khi mắt thấy, tai nghe rồi chúng ta mới biết ơn trong lòng?
Bởi vì, có những “cho đi” không bao giờ mong chờ bạn đền đáp. Có những “giúp đỡ” không bao giờ chờ bạn nói “Cảm ơn!”
Vì vậy, hãy cứ biết ơn cuộc đời này và hãy dùng lòng cảm ơn để đối đãi với tất cả mọi người xung quanh bạn.

Author: Unknown