a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

BÀI THƠ TÌNH VIẾT TIẾP





TRƯỜNG CŨ



Trong cuộc đời mỗi người phải trải qua nhiều ngôi trường đã theo học. Đối với tôi, thời gian dài nhất, nhiều kỷ niệm nhất thời học sinh được học ở ngôi trường Trung học Hoàng Diệu thân yêu.
Thời đó, khi vừa xong bậc tiểu học, học sinh sẽ thi tuyển vào lớp đệ thất. Học sinh nào trúng tuyển sẽ vào học trường công lập. Học sinh nào không trúng tuyển sẽ tự lựa chọn ở các tư thục. Bởi vậy, đầu vào của các trường công lập có chất lượng tốt hơn, trong quá trình học tập cũng nề nếp hơn. Thời bấy giờ trường Hoàng Diệu là trường trung học lớn nhất tỉnh nên việc thi đậu được vào học ở ngôi trường này luôn là niềm mơ ước các học sinh khi vừa qua bậc tiểu học.
Khi đi học, học sinh nhà trường đều phải mặc đồng phục: nữ sinh áo dài trắng, nam sinh áo trắng ngắn tay, quần xanh dương. Ở ngôi trường này, chúng tôi được học với nhiều vị thầy giàu tâm huyết. Biết bao thầy cô đã cống hiến cả cuộc đời để xây dựng trường trở thành một trong những ngôi trường có tiếng tại miền Tây .

Ngôi trường của chúng tôi theo học ở vào dạng sinh sau đẻ muộn. Trước đó, trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho hay trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ nổi tiếng một thời. Tôi yêu ngôi trường của tôi vì có biết bao kỷ niệm yêu dấu của một thời học trò nơi một tỉnh nhỏ êm đềm.
Ngày trước học sinh vào trường trung học phải học suốt từ đệ thất đến đệ nhất mất đến bảy năm nên thời gian khá dài, có nhiều kỷ niệm. Nơi ngôi trường cũ, tôi còn lưu giữ trong trí nhớ biết bao hình ảnh đẹp dù thời gian trôi qua gần nửa thế kỷ vẫn chưa phai nhòa. Thời gian trôi chảy không ngừng, chẳng mấy chốc ngôi trường cũ đã trở thành quá khứ. Những người thầy yêu dấu một số đã mất, người còn lại đã già nua, đi lại khó khăn. Bạn bè tôi phần nhiều lưu lạc bốn phương trời, có bạn đã vĩnh viễn đi xa, không bao giờ còn về nữa.

Về thăm trường cũ, cựu học sinh nào không bồi hồi xúc động khi sống lại những tháng năm đẹp nhất một đời người. Ngôi trường thân yêu đã để lại những kỷ niệm trong ký ức của thầy trò đã từng dạy và học ở đây. Về lại trường cũ, không ít cựu học sinh bất ngờ khi thấy ngôi trường của mình hoàn toàn mới, khang trang hơn. Ký ức về ngôi trường cũ cứ hiện ra trong trí nhớ. Tôi lại nhớ sân trường ngày nào với hàng phượng vỹ ru mình trong nắng. Bất giác những câu thơ trong bài thơ “Trở về mái trường xưa” của nhà thơ Phạm Cao Hoàng len lén bật ra, thật đúng tâm trạng của tôi lúc này:
“Chiều nay ghé thăm trường cũ
Cây bàng xưa vẫn còn đây
Hỏi thăm những người thuở ấy
Bạn tôi nay ở phương nào…
Chiều nay ghé thăm trường cũ
Nghe mùa thu hát ngoài kia
Chợt nghe trong lòng man mác
Những ngày thơ ấu xa xưa”.

Một buổi sáng đầu xuân, nhóm bạn cũ cùng khóa của chúng tôi đã trở lại thăm trường. Mặc dù qua thời gian dài, ngôi trường cũ không còn tồn tại, ký ức trường xưa sống lại ở những người học trò của một thuở nào. Những cánh én Hoàng Diệu khắp mọi phương trời đã cùng nhau bay về xứ Sóc. Các bạn đã tái hiện lại hình ảnh ngày ôm sách đến trường qua những tà áo dài trắng tinh khôi và cùng hợp ca bài "Hoàng Diệu hành khúc " của thầy Hoàng Việt Sơn. Đồng thời, để ghi lại những kỷ niệm vui buồn đời học sinh và những thăng trầm của từng cuộc đời sau ngày rời trường, các bạn "Rủ nhau làm văn sĩ ", tất cả được lưu lại trong quyển Đặc san khóa 1967-1974. Xin cảm ơn ngôi trường, thầy cô đã nuôi dạy những người học trò bé nhỏ ngày nào được nên người, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Tuấn Ba