a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

CON DÂU MỚI



Gia đình nọ mới cưới được cho con trai một cô dâu,nhưng khổ nỗi cô dâu rất lười,nhà không chịu quét,vì là dâu mới nên bố mẹ chồng chưa dám nói nặng sợ nàng dâu chưa quen việc nhà.Hai ông bà bàn với nhau:
-Sáng mai,thấy nó ngồi xem điên thoại thì ông giả vờ cầm chổi ra quét nhà.Tôi ra giằng lấy chổi để nhắc khéo nó.
Sáng hôm sau ,đúng như kịch bản,ông đang cầm chổi quét thì bà vợ ra giằng lấy chổi và nói :
-Ông đưa chổi cho tôi quét,nhà có phụ nữ mà sao lại để ông phải quét nhà.
Hai ông bà cứ thế làm bộ dành nhau để gây sự chú ý của nàng dâu,quả nhiên cô dâu cũng đứng dậy và nói với hai ông bà :
-Có mỗi việc quét nhà mà hai ông bà cũng tranh nhau,từ mai chia ra,ông quét một ngày,bà quét một ngày cho công bằng…ZZ !!!

(Sưu tầm)



ĐƯỢC VỢ…KHEN

Một anh chàng nghe thấy vợ mình khen chồng với mấy người hàng xóm, bình thường khi chỉ có hai vợ chồng thì toàn bị vợ chê đủ thứ , nhưng trước mặt người ngoài kiểu gì cũng không dám chê chồng. Anh ta vô cùng cảm động.
Đợi vợ vào trong nhà,anh nắm đôi bàn tay cô vợ rồi nói :
-Cảm ơn em đã khen anh có tài trước mặt hàng xóm.Anh thực sự rất cảm động.
Cô vợ hằn giọng nói :
-Anh nghĩ xem,anh tiền không,ngoại hình không và địa vị cũng không,nếu em không nói anh có tài, người ta sẽ chửi em ngu mới đi lấy anh à …!!!
Chồng !!!

(Sưu tầm)



HẾT LÒNG

Anh chàng người Canada có cô vợ Việt Nam thích ăn món cháo lòng.Một hôm cô vợ bị ốm nên anh ta phải tự đi mua cháo cho vợ ăn…
Sáng đi,trưa đi,chiều cũng đi mua cháo lòng nhưng không lần nào mua được cả …
Cô vợ thắc mắc :
-Hôm nay cửa hàng đóng cửa hả anh ?
-Không,quán vẫn mở cửa,nhưng mà hết lòng rồi em !
-Thế chủ quán nói với anh là hết lòng rồi à ?
Anh chàng gãi đầu và nói:
-Không,anh thấy trong quán treo tấm biển thông báo to lắm
viết là …
HẾT LÒNG PHỤC VỤ QUÝ KHÁCH
Vợ:
-Ôi trời ơi !!!

( sưu tầm)



TẤM ẢNH XƯA NHẤT CỦA NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SAIGON



“Nhà thờ Đức Bà” Sài Gòn được bắt đầu xây dựng năm 1877 và hoàn tất năm 1880. Hình được chụp năm 1880 tức là ngay khi nhà thờ được xây xong.Ngày 07/10/1877. Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên. Ngày lễ Phục sinh, 11/04/1880, nhà thờ được khánh thành và cung hiến, với sự hiên diện của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers.
Tên của kiến trúc sư Jules Bourard được khắc trên một bảng đá đặt bên trong nhà thờ.
Tất cả vật liệu xây cất đều được nhập từ Pháp. Vách bên ngoài nhà thờ xây bằng gạch đỏ xuất xứ từ thành phố Toulouse. Nhà thờ xây theo phong cách Roman hòa trộn với phong cách gothique, và phỏng theo mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng thấp và nhỏ hơn.
Lúc ban đầu hai tháp chuông không có hai nóc mũi nhọn bên trên, giống như nhà thờ Đức Bà Paris. Năm 1895, hai tháp nhọn mới được gắn thêm, bên trên còn có hai thánh giá cao 3,5 m, rộng 2 m, khiến cho chiều cao tổng cộng của nhà thờ lên đến 60,5 m.
Tên gọi ban đầu là "Nhà thờ Sài Gòn" (L' Église de Saïgon), tên “Nhà thờ Đức Bà” được dùng từ năm 1959.
Năm 1960 Toà thánh Vatican nâng các giáo phận ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn lên hàng Tổng giáo phận; nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ chính toà của Tổng giáo phận Sài Gòn.
Năm 1962, nhà thờ được Toà Thánh phong danh hiệu “VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG” .

Sưu tầm & tổng hợp



PHỐ CỦA  THÀNH PHỐ

Bài viết này của nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng lần đầu trên báo Nhân Loại năm 1957, sau đó được in trong tập truyện Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, xuất bản năm 1966. Đây là một tản văn thú vị về tên đường phố Sài Gòn thời điểm đó, xin mạn phép đăng lại để mọi người cùng nhớ và góp chuyện cho vui.
Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đàn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.
Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.
Vậy nên tôi đã đi khắp Sài Gòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.
Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.
Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.
Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.
Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định..
Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.
Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.
Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.
Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.
Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.
Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sài Gòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!
Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.
Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẵn chòi.
Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sài Gòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Nguyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.
Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.
Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy. Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.
Sài Gòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành. Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.
Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được sử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bán hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.
Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.
Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.
Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chân suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu: gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.
Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.


Bình Nguyên Lộc



MỘT BỨC TRANH - MỘT BÀI THƠ & TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Bức tranh dưới đây có tên “Lại điểm 2” của họa sĩ kiêm nhà sư phạm nổi tiếng người Nga: Fyodor Pavlovich Reshiotnikov, vẽ năm 1952, hiện được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật quốc gia Nga, bức tranh còn được đưa vào sách giáo khoa hiện nay của nước này. Một đứa bé bị điểm 2 (điểm kém nhất) về nhà như bị đưa ra phán xét: Chị của nó, một đội viên thiếu niên tiền phong quàng khăn đỏ nhìn nó như rủa sả. Mẹ nó ngồi buồn rầu thất vọng về con. Em nó nép vào mẹ vô tư cười nhìn nó như một kẻ xa lạ. Nó thì đau buồn tuyệt vọng. Chỉ có con chó là chồm lên ngực nó vui mừng.
Bức tranh là lời cảnh báo: Điểm số ở trường chưa nói được đứa trẻ là giỏi hay kém, nhưng thái độ của gia đình đối với điểm số đó có thể đưa em vào hoang tưởng hay đẩy em xuống tuyệt vọng. Và ta hiểu vì sao trẻ con gắn bó với những con chó hơn là người lớn chúng ta gắn bó.
Ở một phương trời khác, hơn 1000 năm trước, thi hào Bạch Cư Dị viết một bài thơ tương tự, nhưng ở tầm “người lớn”:
LẠC ĐỆ
Lạc đệ viễn qui lai
Thê tử sắc bất hỷ
Hoàng khuyển độc hữu tình
Đương môn ngọa dao vỹ
(Bạch Cư Dị)
THI HỎNG
Thi hỏng về đến nơi
Vợ con mặt không vui
Chó vàng riêng có tình
Giữa cửa nằm vẫy đuôi
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Thật là thú vị khi thấy hai con người vĩ đại ở vào hai thời đại cách xa nhau cùng mượn con chó để nói về một triết lý giáo dục làm người. Thứ triết lý không thể nói hết bằng lời nên hai ông phải nói bằng một bức tranh và một bài thơ. Bình luận thêm có lẽ sẽ thừa...

Sưu tầm





Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

PHÂN ƯU CÔ NGUYỄN THỊ KIM DUNG GIÁO SƯ PHÁP VĂN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU BA XUYÊN.




LẦN XA.




ĐỜI MẤY AI NHƯ CHỊ.



- Hôm nay Valentine đấy, anh lên thăm người ta đi.
Chị vừa nói vừa cười, tay thoăn thoắt sắp mấy thứ đồ cho vào túi rồi ấn vào tay anh, tránh ánh nhìn thẳng. Dù chị biết ánh mắt hiền lành đó đang rất băn khoăn, bối rối.
- Nhớ bảo cho con bé uống Vitamin D đầy đủ anh nhé. Bận gì cũng không được quên đâu.
- Em, hay em đi cùng anh.
- Thôi anh là cha và...chị dừng lại.
- Em không thể đem đến cho anh những cảm xúc như xưa, cô ấy sẽ thay em.
- Em đừng nghĩ thế...
- Thôi anh đi đi, đi rồi về anh nhé.
Chị ủn chồng ra khỏi cửa thật nhanh. Chờ cho bóng anh chầm chậm rồi khuất hẳn. Chị ngồi đó, trân trân nhìn vào bức tường im lặng, những giọt nước mắt mặn mòi cứ lặng lẽ lăn dài bên khóe mắt long lanh.

***
Anh, người gốc miền núi, ngoại hình rắn rỏi, tính tình giản dị hiền lành chịu khó. Vốn dân học nghề bên Tiệp, bấu víu tìm hướng ở lại Đức bằng nhiều cách mà nghe chừng mờ mịt.
Chị dân kiều, bố từng làm việc cho chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sau giải phóng, gia đình khó khăn chị em cũng chỉ có cơ hội học xong hết cấp 1. Đến Đức theo diện tị nạn chính trị nên được cấp giấy định cư lâu dài thành kiều.
Chị tuy không thuộc diện quá xinh, nhưng đôi má lúm đồng tiền và nụ cười tỏa nắng của chị đủ hút hồn người đối diện.
Trong mắt anh, chị có giá cao lắm. Cái giá sẽ đem lại cho anh, một thằng lúc nào cũng nơm nớp lo bị tống về, một tương lai màu nắng và một gia đình hạnh phúc.
Ngày chị gặp anh, mùa hoa anh đào nở đầy trên lối. Thấy anh cứ mân mê từng cánh hoa rơi, tay không dám nắm, ánh mắt rụt rè chân thành của chàng trai miền núi khiến tim chị xốn xang, xao động. Trong lòng chị như có một lời mách bảo. Đó sẽ là người đàn ông bao bọc, che chở cho chị suốt cuộc đời này. Đám cưới được gia đình tác thành như một cứu cánh cho anh có cơ hội ở lại.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Ơn nghĩa của chị, sự chân thành tận tụy của anh. Bồi đắp cho bức tường ân tình của anh chị ngày càng dầy lên kiên cố. Ba đứa con gái xinh xắn, đều học trường chuyên, niềm tự hào hãnh diện cho bố mẹ.
Anh là thợ xây. Vốn bản tính cần cù thạo việc, không ngại khó ngại khổ nên luôn được chủ giao nhiều việc. Ngoài giờ làm anh lại nhận thêm sửa chữa tại tư gia. Nên chả mấy chốc anh mua được nhà riêng, mua được cửa hàng cho người ta thuê lại.
Phải nói đúng, anh là một cái máy kiếm tiền chân chính, mà đâu dễ tìm trong đám đàn ông Việt ít ỏi ở xứ này.
Anh không bắt chị phải đi làm. Ở nhà chăm ba đứa con, đưa đi đón về cho ăn học, tập thể thao, dọn dẹp nhà cửa là đủ vất vả rồi. Chứ chị đi làm, anh lại lương cao, nhà nước trừ thuế rất nặng không bõ.
Chị an phận, bằng lòng với cuộc sống và với sắp xếp đúng đắn đó, để anh toàn tâm trong công việc.
Những tưởng hạnh phúc giản dị cứ bình yên mà lướt, như số phận đã an bài với gia đình chị.
Vậy mà mới hơn 40 tuổi chị vướng phải căn bệnh oái oăm của phụ nữ, u xơ cổ tử cung. Căn bệnh đã khiến chị phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng để bảo toàn tính mạng.
Và ác hơn nữa, nó lấy đi hết những cảm xúc ham muốn của người phụ nữ đang ở độ tuổi hồi xuân, sung mãn.
Chị như trở thành người đàn bà khác, già trước tuổi và luôn tỏ ra khó chịu mỗi lúc phải cùng anh ân ái. Dù anh luôn cố gắng vỗ về, cảm thông với bệnh tình của chị.
Một ngày, chị đắng lòng khi gia đình chị báo tin, anh có bồ và hiện tại cô bồ đã sinh cho anh một đứa con gái.
Giận dữ, đau khổ rồi hoang mang tột độ khi bỗng dưng niềm tin bị đá đổ. Chính cái niềm tin tuyệt đối vào người chồng trông có vẻ ngoài thật thà chất phác, đã là cơ hội cho anh lừa dối chị. Lập phòng nhì qua những lần đi làm thêm ngoài giờ cả năm giời mà chị đâu hay biết.
Chị im lặng như người câm, ra vào như cái bóng, lầm lũi vô hồn với những công việc thường ngày, mặc anh phân bua giải thích, chống đối lại với cả gia đình chị.
Họ chửi rủa anh là đồ bạc bẽo, đồ vô ơn, ăn cháo đá bát. Thấy chị bị bệnh là quay ngoắt thay lòng đổi dạ. Chỉ vì ham muốn ích kỷ của bản thân, mà tình nghĩa sâu nặng bao năm bỗng chốc quẳng xuống sông xuống bể. Nếu không có chị và gia đình ra tay giúp đỡ thì làm sao anh được như bây giờ.
Họ một mực hùn nhau lại, gây áp lực bắt chị phải bỏ anh ngay lập tức với lý do.
Anh sẽ là người mất gần hết khi phân chia tài sản và sẽ vẫn phải còng lưng lo cho những đứa con đến độ tuổi trưởng thành.
Đêm đến, nghe tiếng chị khóc hờ mà anh không sao ngủ được. Anh đâu sợ gia đình chị công kích, mà anh chỉ sợ sự im lặng đến phát điên của chị. Sợ những đứa con xa lánh.
Một thằng dám làm như anh, cũng dám đưa thân chịu trảm lắm chứ.
Tối hôm đó khi anh lùi lũi đi làm về. Chị đã ngồi bình tĩnh chờ anh. Con cái ai về phòng nấy. Lá đơn đặt trên bàn, chị lạnh nhạt.
Chị trả lại cho anh tự do để anh toại nguyện, vì bây giờ anh sống với chị cũng giống như hai người đàn ông mà thôi.
Anh cúi gằm xuống và không một chút đắn đo, cầm tờ đơn xé nát trong sự sững sờ của chị.
Ôm lấy chân chị, anh nói với giọng nghẹn ngào. Chị có bỏ anh thì bỏ chứ cả đời này, không bao giờ anh bỏ chị để đi theo cô ấy.
Đó chỉ là sự thương hại. Anh giúp đỡ vì thấy hoàn cảnh cô tội nghiệp.
Vốn quá lứa nhỡ thì, lang thang vạ vật đi ở hết nhà này đến nhà khác với mức lương bèo bọt. Có đứa con, có giấy tờ ăn theo nó sẽ giúp cô ấy thoát khỏi cuộc sống tù túng vô phương. Ngẩng đầu tự do ngoài xã hội mà không sợ bị chèn ép. Cô ấy không khác gì hoàn cảnh của anh ngày còn ở trong trại nên anh rủ lòng.
Chị nghe anh nói mà như nghe ca ve kể chuyện, nghe thằng nghiện thanh minh. Nhưng cũng chua chát nghĩ rằng. Ranh giới giữa tình cảm và lý trí là một sợi dây rất mỏng manh. Con người không phải thần thánh, sai lầm sao tránh được.
Dù sao anh vẫn còn muốn giữ chị. Đó là lý do tha thứ. Bởi với bản chất của anh, chị biết vốn dĩ không phải như vậy. Tận sâu thẳm đáy lòng. Làm sao chị có thể dễ dàng để cô ta cướp người đã cùng mình tay trắng mà nên, một cách đơn giản thế được. Đàn bà vị tha, muôn đời vẫn muốn bao dung cho người đàn ông của mình khi anh ta tỏ ra ăn năn, hối lỗi.
Hay đúng hơn, khi đi gần hết hơn nửa cuộc đời. Con cái sẽ đến lúc bay đi, anh em kiến giả nhất phận.
Ở nơi lòng người xa xứ lạnh lẽo, hiếm hoi. Chị không muốn mình bị cô đơn suốt phần đời còn lại.
Cuộc sống sau những ngày đó cũng dễ thở hơn.
Anh hứa cắt đứt với cô bồ. Chăm chỉ chuộc lỗi bằng cách đi làm về sớm, chia sẻ với chị việc nhà, và luôn tỏ ra yêu thương chiều chuộng chị. Chị như được sống lại với thời tuổi trẻ.
Nhưng anh em trong gia đình chị thì gọi chị là kẻ dại dột, ngu muội chưa từng có. Họ quyết không chịu để ông rể Bắc kỳ làm ô uế thanh danh mà vẫn ung dung, tự tại.
Họ lén đặt máy định vị trong xe của anh, rồi đem bằng chứng anh vẫn lén lút đi thăm cô nhân tình cho chị.
Khi lòng tin đã bị quạ tha. Chị lồng lên, bảo anh hãy sắp xếp ngay một cuộc gặp mặt với cô bồ để cho ra nhẽ.
Anh lặng lẽ phân bua.
Cô ấy tiếng tăm không biết. Con còn nhỏ đang thời kì sài đẹn, ốm đau suốt. Thân thế bơ vơ, anh nỡ lòng nào không xuống giúp. Vì dù sao đó cũng là giọt máu của anh.
Mấy ngày sau, cuộc gặp mặt cũng được diễn ra ở một quán cà phê.
Định bụng, bao nhiêu tức tối bấy lâu chị sẽ bung ra, chửi rủa con hồ ly một trận, rồi vứt hết cho chúng với nhau.
Vậy mà, khi gặp người đàn bà nhỏ bé khắc khổ, cứ lã chã nước mắt nói lời tạ lỗi chị. Tất cả là do cô ấy, vì muốn có giấy tờ ở lại nên đã tìm cách quyến rũ đưa anh vào tròng.
Nhìn đứa con gầy gò ốm yếu, người mẹ van xin thiết tha bất lực.
Chị như nghẹn lại. Cái tôi giận dữ trong chị xẹp xuống, để cái tôi mủi lòng chua xót ngoi lên. Chị chỉ biết hỏi thăm vài câu. Rồi khi biết cô ấy cũng mải đi làm để lo cho bố già bị mù, mẹ bị tai biến, ít có thời gian chăm sóc cho con bé.
Chị đã bật dậy thật nhanh giữa hai người.
Không đắn đo, chị tuyên bố sẽ lo lắng cho con bé. Bất luận cô có việc gì khó khăn, hay con bé làm sao cứ gọi điện cho chị. Chị quyết hết lòng giúp đỡ, còn để cho anh yên tâm với công việc.
Khuôn mặt đau khổ của cô như giãn ra, rạng rỡ hẳn lên, đầy biết ơn trước tấm lòng trời biển của chị.
Còn anh nhìn chị vô cùng cảm kích.
Từ khi đó, người ta thấy chị tất bật hơn với việc lo cho con riêng của chồng và giúp đỡ mẹ nó tự lập cuộc sống. Chị bỏ ngoài tai những lời đay nghiến, đàm tiếu của họ hàng làng xóm.
Việc chị, chị làm.
Những buổi cuối tuần hay ngày nghỉ lễ. Người ta luôn thấy cô có mặt trong gia đình chị như một thành viên chính thức. Các con của chị cũng hiểu chuyện, tôn trọng cô và yêu con cô như em ruột của mình.
Chúng gọi cô là Dì.
Giờ đây, con cái của anh chị đã trưởng thành và có sự nghiệp tốt. Cháu út cũng đang đi học. Chị vẫn luôn đẩy anh lên thăm bà hai thường xuyên mỗi khi có dịp.
Dù trong lòng chị có hờn trách, có đớn đau, nhưng trên tất cả chị đã nén hết nỗi niềm riêng.
Bởi chị biết tìm được hạnh phúc đã khó, nhưng giữ nó vượt qua bể trần một cách ngoạn mục là cả nghệ thuật sống của người đàn bà.
Đó là nghệ thuật cư xử đầy nhân ái bao dung và đầy vị tha khi đối diện với những sự việc không mong muốn đã xảy ra với mình.
Sống đôi khi cũng phải cho đi, mà cho đi nghĩa là còn mãi mãi.

Trần Thủy.



MÙI CỦA MẸ
( Truyện rất ngắn - MH )

Anh dỗ mãi , ru mãi mà thằng út không nín , nó khóc ngằn ngặt , nấc từng hồi . Anh thương nó lắm , mới tuổi đầu đã mất Mẹ . Còn hai đứa con gái , đứa lớn hơn mười tuổi , đứa kế sáu tuổi đang viết bài trong phòng học .
Vợ Anh mất vì căn bệnh quái ác , để lại cho Anh nỗi buồn như vô tận . Các con còn nhỏ dại , ông bà nội ngoại không còn ai . Một mình Anh sao quá chênh vênh ...
Con chị lớn vào ôm em , ru em ngủ thay cho Ba nó . Em ngủ , trong lòng ôm trọn một cái áo cũ ... Nó lại ra học bài tiếp và bày cho em gái viết bài .
Mới hơn mười tuổi mà nó ra dáng là chị cả trong nhà . Nó phụ Ba nấu cơm , giặt đồ , lo cho em ăn , ru em ngủ . Mỗi lần thấy Ba phờ phạc , ngồi hút thuốc lá ngoài sân và ngó xa xăm . Nó biết là Ba đang nhớ Mẹ , nó ôm Ba : " Ba ơi ! Ba đừng có buồn , có con và các em mà Ba " .
Anh thương các con nhiều lắm , vì phận bạc mà vợ Anh đã không bước tiếp cùng Anh và các con trong cuộc đời này .
Tối nay , ba chị em nhà nó nằm trên giường , Ba nó đang sửa lại cái quạt . Anh nghe mấy chị em nhà nó đang giành nhau cái gì đó . Anh nghe tiếng hít hà thật sâu của con chị , con em la lên : " Cho em hửi với , cho em ... một chút thôi mà ! "
Anh nhìn vào ....CÁI ÁO CŨ CỦA VỢ ANH .... Anh đứng lặng , hai giọt nước mắt lăn dài , chảy mãi !!!


Nếu có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em!
( Bạn sẻ khóc khi đọc câu chuyện này....)
Anh một chàng sinh viên nghèo. Làm thêm vất vả để kiếm thêm tiền trang trải học phí. Em tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà giàu có khá giả, gia đình có tới mấy osin. Lần đầu tiên về quê đến cây tỏi tây và cây hành em cũng không phân biệt được
Anh gặp em lần đầu tiên trong ngày khai giảng. Em đứng đó vui cười với đám bạn, mải mê làm đổ cốc coca lên váy trắng. Ngượng ngùng anh đưa em áo khoác che vết loang. Giây phút ấy em mãi không quên anh.
Bốn năm học đại học, em muốn giúp anh nhiều lắm, muốn cuộc sống anh đỡ vất vả vì phải vừa học vừa làm. Đưa tiền anh đâu có nhận, anh nói anh không làm được cho em thì thôi...
Tốt nghiệp, đáng lẽ chia tay, chỉ là tình yêu thời đại học thôi mà. Nhưng em đã quyết định theo anh. Gia đình em phản đối quyết liệt, nhưng em vẫn chọn cho mình người đàn ông của cả cuộc đời
Nên vợ nên chồng, về quê sống trong căn nhà tồi tàn của anh. Rồi em mang thai, nhiều khi trái gió trở trời người đau ê ẩm. Anh thương em, đông cũng như hè đi làm kiếm thêm tiền nuôi vợ
Thế rồi trong một tai nạn xe, anh liệt đôi chân. Nằm một chỗ ở nhà, tất cả mọi việc đều trông cậy vào em. Bố mẹ em thương đến đón em về nhưng em từ chối. Chữa bệnh cho anh em bán hết mọi thứ trong nhà, cuối cùng cũng hết. Bố mẹ em thấy con khổ lại cho tiền.
Cứ thế cuộc sống nghèo ở một vùng quê, em làm giáo viên, anh nằm nhà viết sách. Em đã trút bỏ hình ảnh lá ngọc cành vàng năm nào để trở thành người vợ đảm. Đi chợ mặc cả, quần áo bình thường, cân đo đong đếm còn tốt hơn những người phụ nữ khác
Bác sĩ bảo chồng bà không còn đi được nữa, nhưng em không tin, hàng ngày vẫn bóp chân cho anh , hi vọng một phép màu sẽ đến. Ngày ấy em nghe có một bác sĩ châm cứu giỏi. Em đèo xe 50km đưa anh đi châm cứu hai ngày một lần không kể ngày nắng ngày mưa ngày lạnh ngày nóng
Anh nhìn em khóc: Nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em nữa, em quá khổ vì anh
Một năm sau phép màu đến thật, chân anh hồi phục cũng là lúc anh nhận được giải thưởng quốc tế từ những cuốn sách anh viết. Không ai nghĩ sẽ có ngày hôm nay
Rồi họ mời sang Pháp thuyết trình ba năm, anh do dự, em nói: phải đi, cơ hội không đến hai lần.
Nhìn lại quãng đời, em đâu còn trẻ đẹp như xưa...Chồng, con, vất vả, thân hình gầy gò ốm yếu. Pháp là đất nước của tình yêu, nhiều người nói anh đi sẽ không trở lại. Em chỉ mỉm cười đáp lại: em và anh đã trải qua bao nhiêu sóng gió, vì một việc thế này em ko sợ mất anh.
Ba năm sau anh về, không báo trước, muốn dành cho em một sự bất ngờ. Nhưng vừa xuống xe anh đã thấy em đứng đó. Anh hỏi sao biết anh về mà ra đón, em trả lời: Em chờ ở đây mỗi ngày, chỉ cần là xe từ sân bay về là em không bỏ qua chuyến nào.
Anh chỉ khóc mà nói: nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em, tình yêu của em làm anh đau lắm đau lắm, tình yêu của em quá nhiều khổ đau...
Em đáp trả lời anh: tình yêu luôn luôn là khổ đau cay đắng. Tình yêu như một bông hoa sen, hoa sen đẹp nhưng nó có cái nhụy sen, hạt sen rất đắng. Nếu còn có kiếp sau, em sẽ vẫn muốn được yêu anh

Sưu Tầm


Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

MÀU MỰC TÍM.






VUI VUI


Bác Tám từ nhà quê lên Sài Gòn thăm cháu. Tới Sài Gòn ông đi thử xe buýt cho biết đó biết đây. Xe buýt chạy được một đoạn, người bán vé hô to:

“Nguyễn Đính Chiểu..xuống."

Xe bus từ từ ngừng lại và có một người khách bước xuống.
Xe tiếp tục chạy, vài phút sau bác Tám lại nghe:

“Nguyễn Trải..xuống.”

Xe lại ngừng và có người bước xuống, cứ thế bác Tám nghe liên tục :

“Trần Hưng Đạo..xuống."
“Ngô Gia Tự..xuống."
“Lê Thánh Tôn..xuống."

Xe buýt tiếp tục cuộc hành trình. Tới tối khi xe về bãi đậu, người bán vé ngạc nhiên khi thấy bác Tám
vẫn còn ngồi trên xe, hỏi:

“Ủa, sao bác còn ngồi đây?”

Bác Tám hờn dỗi: “Cái thằng mắc dịch, nhớ lại đi, từ sớm tới giờ ông đâu có kêu tên tui đâu mà tui biết mà xuống.”

Sưu Tầm



Vì sao tự tử?

Một cô gái trẻ đứng trên cầu và chuẩn bị nhảy xuống sông. Một chàng trai đi qua nhìn thấy liền hỏi:
– Cô định tự tử ư?
– Đúng vậy – cô gái trả lời và quay lại nhìn chàng trai.
Thấy cô gái quá xinh đẹp, chàng trai liền cầu xin cô một nụ hôn trước khi cô tự tử. Và thật tuyệt vời, cô gái đồng ý. Một nụ hôn ngọt ngào.
Sau đó, chàng trai quyết định phải thuyết phục cô gái:
– Cô xinh đẹp và đáng yêu như vậy, sao lại muốn tự tử?
– Bố tôi mắng tôi chỉ vì tôi thích ăn mặc như… con gái.


Sưu tầm.




Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Tình THẦY Nghĩa TRÒ.



















Là một giáo viên về hưu đã hơn 10 năm và từng dạy vài trường Trung học phổ thông nhưng đến giờ tôi vẫn luôn nhớ và dành tình cảm nhiều nhất cho mái trường Hoàng Diệu thân yêu - nơi tôi chập chững những bước đầu tiên vào nghiệp giáo và dù không gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu nhưng lại luôn được nhận sự ân cần quan tâm, chăm lo của những học trò mà tôi từng dạy tại mái trường này.
Có gần 40 năm đứng trên bục giảng (tôi nghỉ hưu trễ hơn so với tuổi quy định), đôi khi tôi suy ngẫm về cái nghề của mình: Nghề dạy học có thật sự bạc bẽo? Ví như người chèo thuyền đưa khách sang được sông thì mấy ai còn nghĩ đến ông lái đò?… Để rồi sau đó tự rút ra lời giải: Giáo viên có suy nghĩ như thế chắc chỉ đứng lớp để trông tới tháng lãnh lương mà thôi!

Với tôi, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Cứ đứng lớp với niềm tự hào làm người Thầy, đem hết nhiệt tình giảng dạy, yêu thương học trò như con em mình, chắc chắn sẽ được đền bù xứng đáng, nhất là khi đã về hưu. Có biết bao nhiêu Thầy Cô vùng sâu, vùng xa, đã nêu gương sáng về lòng thương yêu học trò, họ đâu mong chờ sự trả ơn nhưng xã hội vẫn luôn ca ngợi và biết ơn sâu sắc. Chính sự tận tụy của Thầy Cô là động lực thúc đẩy học sinh cố gắng trong học tập, thành đạt trong cuộc sống và vẫn mãi nhớ về những người đã truyền đạt kiến thức, giáo dục đạo đức bằng sự gương mẫu của chính bản thân để làm nền tảng cho học sinh trưởng thành. Tôi dám khẳng định điều này vì luôn được chứng kiến những việc làm từ tấm lòng thấm đậm “tình Thầy nghĩa Trò” của Ban Liên lạc cựu học sinh và học sinh trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu - Sóc Trăng.

Còn gì sung sướng hạnh phúc khi về hưu vẫn được học sinh đến viếng thăm và luôn có lời cầu chúc thân tình mong Thầy Cô sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Đó là điều mà chưa chắc các nghề khác có được.
Có những gia đình con cháu ở nước ngoài nhưng mấy ai được đi tham quan xứ người! Vậy mà cựu giáo viên Hoàng Diệu đã từng được cựu học sinh của mình bảo lãnh xuất ngoại du lịch để có dịp gặp lại đồng nghiệp và học sinh cũng đã nghỉ hưu.
Gia đình Thầy Cô giáo về hưu gặp khó khăn, bệnh hoạn là có cựu học sinh đến tận nhà chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình. Tôi rất cảm động và không quên được khi chứng kiến trường hợp một cô giáo về hưu ốm yếu, sụt cân, được cả nhóm học sinh mình đến nhà động viên đi thành phố HCM khám bệnh; các em lo từ tiền xe, tiền thuốc, từng miếng ăn giấc ngủ, kể cả dọn dẹp vệ sinh cho cô mà không ngại dơ dáy.
Nghĩa tử là nghĩa tận, chưa thấy cựu giáo viên (kể cả vợ, chồng) nào qua đời mà không có sự chia sẻ và nguyện cầu của học sinh, cho dù Thầy Cô đó chưa từng dạy lớp các em mà chỉ cần biết là có dạy trường Hoàng Diệu. Gần đây, một nhóm khá đông cựu học sinh mặc đồng phục viếng đám tang, đứng xếp hàng trước quan tài Thầy chủ nhiệm lớp mình khi xưa, các em đọc điếu văn nước mắt giọt vắn giọt dài không hơn gì người thân trong gia đình. Chứng kiến cảnh này tôi phải khóc luôn vì mình cũng là cựu giáo viên Hoàng Diệu. Hương hồn các giáo viên đã khuất sẽ không tủi buồn và sớm siêu thoát nơi miền cực lạc.




Rất nhiều và rất nhiều câu chuyện cảm động về “tình Thầy nghĩa Trò” mà không bút mực nào viết hết được nhưng khi tôi ca ngợi thì luôn nhận được câu trả lời: Đó là bổn phận và cũng là tinh thần Tôn sư trọng đạo mà các cựu học sinh cố gìn giữ để các thế hệ đồng môn đàn em noi theo!

Vinh hạnh thay cho những ai từng dạy trường Hoàng Diệu và cũng tự hào thay cho những ai từng học trường Hoàng Diệu. Nếu kiếp sau được làm người, tôi sẽ ước mong sao được tiếp tục là giáo viên trường Hoàng Diệu Sóc Trăng.

 Trần Nữ 
CHS. Hoàng Diệu NK 59
Giáo Viên Trường Hoàng Diệu ST