a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

PHÂN ƯU CỤ BÀ NGUYỄN THỊ LÀNH

                                                      Đau buồn hay tin cụ bà :

NGUYỄN THỊ LÀNH

Vừa từ trần tại Úc Châu, là thân mẫu của chị Nguyễn thị Nhung
và là nhạc mẫu của anh Trịnh Thuỹ HD 68-69

Hưỡng thọ 91 tuổi

Nhóm CHS. Hoàng diệu tại Sài gòn xin thành kính phân ưu
nguyện cầu hương linh cụ bà siêu thăng tịnh độ.



Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

CHIẾC XÀ-RONG KỶ NIỆM

CLICK PLAY ĐỂ NGHE NHẠC.



HOÀNG DIỆU CÒN LẠI TRONG TÔI PHẦN 3.


Lớp Của Tôi, Những Năm Đệ Nhị Cấp

Năm đệ Tam (3B1), vì đây là năm phân ban nên lớp 3B1 là học sinh học sinh ngữ Pháp Văn của các lớp 4P1, 4P2, 4P3 chọn ban Toán nhập vào 1 lớp, lớp chúng tôi học ở dãy Văn Phòng..Đầu năm thì thầy Trần Lộc dạy Toán, độ 1, 2 tháng thì Thầy Lâm Cộng Hưởng dạy, Thầy Ngô Trọng Bình dạy môn Anh Văn (sinh ngữ 2) ;  từ “English For Today” chắc là học sinh Hoàng Diệu ai cũng còn nhớ (nhất là học sinh khóa 64 – 71 trở về sau). Pháp Văn (sinh ngữ 1) thì Thầy Công, Thầy Công dạy độ 2 tháng thì thuyên chuyển về Bạc Liêu, Thầy Nguyễn Thái Lân (Lân Lambretta) dạy thay.

 Môn Công Dân thì do Thầy Nguyễn Đình Sinh phụ trách, rồi Thầy Đổ Như Thắng thay. Đây là lần đầu tiên lớp tôi có trai gái học chung. Ngày đó, học trò gái chọn ban “B” rất ít, đa phần chọn ban “A”, Tôi không nhớ rỏ là lớp tôi có bao nhiêu chị, nhưng nhớ là khi đó các chị ngồi không đầy 2 bàn (8 người). Đó là Chị Trịnh Khả Vân, Trần Mỹ Hạnh, Quách Hồng Lan, Huỳnh Minh Nguyệt, Huỳnh Xuân Huê, Văn Thanh Hồng . . . .Đến đây cũng xin nói thêm về chuyện vệ sinh lớp, ngay từ lớp đệ thất thì học sinh phải quét lớp mỗi ngày, mỗi ngày một đội. Đến năm đệ tam thì cũng vậy, lớp chia thành 6 đội, mỗi ngày một đội. Nên biết là lúc đó lớp học trang bị bàn ghế rời, không dính vào nhau như khi học tiểu học, lớp tôi chia ra như sau: bọn con trai chúng tôi làm việc nặng như khiêng bàn ghế, còn các chị gái thì làm việc nhẹ nhàng như quét lớp, do vậy, mỗi ngày bon con trai chúng tôi vào lớp có bổn phận là khiêng các băng ghế (4 người ngồi) lên để trên bàn cho các chị quét lớp, xong xuôi thì bọn con trai tôi khiêng để xuống và mang rác đi đổ và "phụ trách phần lau bảng", thế là xong!!! Rất là “hạnh phúc”!!!
Trong năm nầy, do ảnh hưởng của biến cố Mậu Thân nên các Thầy vẫn còn phải tiếp tục đi học quân sự ở Thất Sơn, và cũng do cái “truyền thống” “năm đệ tam là năm dưỡng sức” sau kỳ thi lấy bằng Trung Học (hồi các năm trước) để rồi năm sau (đệ nhị) phải mài sống chết để thi Tú Tài 1, nên bọn tôi học rất là nhàn nhã, lại còn cổ vũ cho cái “truyền thống” “năm đệ tam là năm ăn chơi” nên bọn tôi thường hay nghĩ học vì chưa có Giáo Sư, hoặc “cúp-cua” để đi Đại Ngãi uống cà phê tại một quán (lâu quá quên tên) ngắm cô hàng nước xinh đẹp! và nhất là tối nào cũng vào quán cà phê-nhạc Quên Đi, bên hông Đình Năm Ông, nghe những giọng ca vàng thời đó “ngân nga” nhạc Phạm Duy,Mùa Thu Chết, Lệ Đá . . . và nhất là bản gì lâu quá quên tên trong đó mở đầu là câu “em hỏi anh bao giờ trở lại, anh trả lời mai mốt anh về”.
Đầu niên học, có Thầy Cấn Phan Nhiếp đổi về trường dạy chúng tôi môn Vạn Vật. Chính thấy Nhiếp bày cho chúng tôi chơi môn bóng chuyền (từ trước đến nay trong trường không thấy chơi môn nầy), thành lập hẳn hòi một đội bóng chuyền, tập luyện, thi đấu, kết quả là trong năm nầy trường Hoàng Diệu (lần đầu tiên) giành chức vô địch môn bóng chuyền học sinh toàn tỉnh (và 3 năm liền tiếp theo). Còn về môn đá banh thì Thiện và Quận được đá chính thức trong đội banh của trường, con tôi thì vẫn là dự bị cho anh Bưởi (năm ấy học năm đệ nhất). Cũng xin nói thêm là khi ấy, Thầy Phan Ngọc Răng rất khoái các hoạt động thể thao, văn nghệ nên mỗi khi có thi đấu, nhất là môn đá banh thầy thường cho cả trường nghĩ để đến sân ủng hộ đội nhà.
Năm đệ tam nầy, đến kỳ Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt thì đổi tên gọi là Lớp 10, không còn gọi là lớp đệ tam nữa, vậy là lớp tôi đổi thành lớp 10B1. Đồng thời trường cũng xây thêm 3 phòng hoc nữa, nối theo 3 phòng quân đội Mỹ xây, trong đó có 1 phòng làm phòng Giám Thị, 2 phòng kia làm phòng học. Cũng trong năm nầy. Cầu Quay tỉnh lỵ bị đặt mìn phá hỏng nhịp cầu bên dường Hai Bà Trưng, chính quyền cho bắt cầu phao ngang sông để xe hai bánh và người đi bộ tạm thời qua lại. Vậy là bọn tôi có “đề tài mới” để vui đùa: bọn tôi rủ nhau cùng qua cầu, nhưng khi đến giửa cầu thì "hè nhau" cố tình đứng lại, vậy là cầu chìm (khi chúng tôi bỏ chạy, cầu chứa ít người thì tự động nỗi lại) khiến mọi người bị ướt quần la inh ỏi, nhất là các nữ sinh, còn chúng tôi thì rất là khoái chí!!.
                                                                         


Năm đệ tam chúng tôi có thêm buổi học Quân Sự Hoc Đường vào chiều ngày thứ Bảy hằng tuần. Tất cả các học sinh học Quân Sự Học Đường măc đồng phục kaki vàng, ngực áo có bảng tên, vai áo may phù hiệu Qua Sự Học Đường, đầu đội ca-lô kaki vàng. Vậy là cứ mỗi chiều thứ bảy, trên đường phố tỉnh lỵ, tràn ngập “kaki vàng” trông cũng vui mắt. Địa điểm học là bải đất trống, sau lưng Văn Phòng. Trước đây là nơi chúng tôi tập nhảy cao và leo dây. Khi quân đội Mỹ cất 3 phòng học đã san lấp cho rộng ra tận Miểu Bà Hỏa, đồng thời tạo nên một cái ao chạy dài theo sân trường để chống ngập cho trường và làm ranh giới với dãy nhà dân. Phần dạy thì do các Thầy từ quân đội biệt phái về dạy: Thầy Phạm Văn Phái, Thầy Trần Khắc Thạnh, Thầy Lê Kim Tiết Tháo, Thầy Lê Vĩnh Tráng dạy, chủ yếu là cách chào, đi đều bước (lột-khoai-nhai-nuốt).
Gần cuối năm đệ tam (1969), CPS Hoàng Diệu tổ chức một buổi cắm trại, tối có đốt lữa trại, ca diễn văn nghệ. Phần lữa trại thì do Trương Kiến Dũng (10B1, đội viên của Gia Đình Phật Tử) phụ trách. Phần văn nghệ thì cũng rất xôm tụ do toàn là những “danh ca cây nhà lá vườn” phục vụ như: Dương thị Liễu, Sơn thị Liêng, Trương Ngọc Thủy, Sơn Xuân, Nguyễn Nhựt Điệp (Thủy, Xuân, Điệp học sau tôi 1 lớp) . . .Sáng hôm sau tổ chức đào hồ sen của trường (ngay lối đi vào, bên hông thư viện của trường), buổi trưa, thầy Răng hào phóng cho bọn tôi ăn cơm dĩa do tiệm cơm Đại Hưng nổi tiếng tại tỉnh lỵ nấu. Sau đó nhà trường, cụ thể là Thầy Vịnh, bảo bọn tôi tìm người xây gạch chung quanh bờ hồ sen, tìm cây kiểng về trồng cho đẹp. Thế là tôi, Trương Kiến Dũng, Lê Thanh Tâm (10B1) và Nguyễn nhựt Điệp (9A2) xúm nhau xây bờ hồ, đi đến các chú xin cây kiểng về trồng. Có một hôm Thầy Vịnh ra “thị sát”, thấy vách bờ hồ không có tô xi măng, Thầy hỏi “sao tụi mầy không tô cho đẹp” bọn tôi nói là chỉ biết xây chứ không biết tô, Thầy phì cười nói “vậy mà tụi mầy cũng làm tàng!!” rồi bảo chú Khuôl kêu thợ lại tô các bờ hồ. Vậy là trường có một hồ sen xinh đẹp để các anh-chị-em mình chọn làm điểm “làm dáng” chụp hình lưu niệm. Tiếc là sau nầy người ta phá bỏ để “bê-tông hóa sân trường” cho nó sạch!?!?!?

                                                                    
                                                                  

Cũng trong niên học nầy, CPS Hoàng Diệu có tổ chức thi đấu bóng chuyền, bóng tròn, và giao lưu lửa trại với CPS Bạc Liêu. Bóng chuyền huề vì nửa chừng bóng bị xì, đội đá banh thắng.
Năm 11B1 (đệ nhị), năm nầy chúng tôi học ở phòng số 2, dãy phòng do quân đội Mỹ xây. Cô Nguyễn Thị Na (mới ra trường) dạy Vạn Vật, nhưng chưa đầy một tháng thì thầy Nhiếp dạy thay (nguyên nhân cô Na không dạy nữa tôi sẽ nói sau ở phần viết về thầy cô), thầy Dương Minh Tự dạy Toán, thầy Nguyễn Ngọc Long (Long cao) mới biệt phái về dạy Lý Hóa, Anh Văn do thầy Cao Văn Bảy dạy, độ 1 tháng thì Thầy Hoàng Việt Sơn dạy thay, Sử Địa Thầy Lê Văn Đức dạy.
Trong năm nầy, khi hết niên học, CPS Hoàng Diệu có tổ chức một trại hè tại Vũng Tàu. Đồng thời có một chuyện buồn là Thầy Tô Quốc lìa đời (!) do bị nổ lựu đạn, khi thầy đang dự một tiệc tại quán Hương Quê (ngang Hồ nước ngọt, cạnh Trạm Kiểm Soát Tài Nguyên (Control) của tỉnh).
Có một chuyện hi hửu là: ở lớp 11B2 có Quách Thành (quê ở Lịch Hội Thượng), không hiểu vì sao mà Thầy Lê Văn Đức lại phê học bạ rất xấu: “nên tìm bạn hiền mà chơi, tìm lương sư mà học”, đồng thời tuyên bố: “năm nay em mà đậu, tôi cõng em đi học”. Thế nhưng năm đó Thành lại dậu Tú Tài 1 (Thành đã rớt năm trước đó, năm nay học lại).
Trong năm nầy, Thầy Răng có một quyết định táo bạo là chọ thêm một số học sinh đang học tại các trường Tư thục trong tỉnh cho vào trường Hoàng Diệu Học, ưu tiên cho các học sinh có thành tích về Văn-Thể-Mỹ. Thầy giao cho bọn tôi (tôi, Hồ Văn Thiện, Trần Văn Quận) xem ai có năng khiếu (thể thao) như vậy thì lập danh sách giới thiệu cho Thầy xem xét. Năm đó lớp 11B1 có thêm nhiều học sinh tờ các trường tư trong tỉnh vào học như: Dương Học Võ, Dương Quang Thuần, Triệu Đoàn (đá banh), Châu Huỳnh Nga (điền kinh), Ngô thị Thiên, Dương thị Hồng Châu, Triệu thị Liêng, Trần thị Tuyết, Âu Thuận, Trần Thanh Xuân, Thái Hán Tôn (học sinh giỏi) và nhiều bạn vào các lớp khác tôi không nhớ hết.
Cũng năm học nầy, Thầy Răng đổi về Bộ Giáo Dục, Thầy Vịnh làm Hiệu Trưởng, Thầy Lê Văn Đức làm Giám Học, Thầy Trần Lộc làm Tổng Giám Thị. 
Còn chuyện nầy, riêng cá nhân tôi thì không vui: Tuyết (họ gì tôi không nhớ, học dưới tôi 1 lớp), đến nhà tôi từ giả để về Sàigòn học, vì Ba của Tuyết phải đổi về Sàigòn, để gần gủi gia đình (cô của Tuyết là chủ hảng dệt, hình như là Covitex, hay Vinatex gì đó!). Đồng thời đề nghị: đổi huy chương vàng chạy nước rút 100 m của Tuyết lấy huy chương bạc nhảy cao của tôi để làm kỷ niệm. Tuyết là học sinh quán quân điền kinh 3 năm liền của trường trong các kỳ thi điền kinh cấp tỉnh (!). Vậy là tôi mất đi một đồng đội trong các kỳ thi thể thao: Tuyết chạy nước rút 100 m, 200 m, còn tôi thì nhảy cao, đá banh, bóng chuyền.
Trong năm nầy, phong trào phong trào thể thao trong toàn trường nổi lên rất mạnh, hầu như lớp nào cũng có môt đội bóng, không bóng đá thì bóng chuyền, bóng bàn. Cổ động viên nữ không còn dừng lại chổ “Trường cho nghĩ đi ủng hộ đội nhà” nữa, mà trận nào cũng có một vài “nữ cổ động viên” tự nguyện theo làm người mang thùng nước đá lạnh tiếp tế cho chúng tôi. Trong đó nổi lên 2 gương mặt là Trịnh Lệ Nhi và Phan Lệ Thúy (cả hai đều học sau tôi 1 lớp). Trận nào Hoàng Diệu thi đấu là có 2 nàng “Lệ” nầy theo “vô nước”, kể cả những lần theo Thầy Vịnh đi quyên tiền ủng hộ phát thưởng hay gây quỹ “Cây Mùa Xuân” cho trường (nhờ vậy mà tôi “dạn hơn”, “nhuần nhuyển hơn” trong việc tiếp xúc với “người khác phái”).
Sang năm 12B1, chúng tôi học ở dãy mới cất (sau lưng văn phòng) phòng số 1 (đối diện trường Phụ Huynh Học Sinh. Năm nầy Thầy Nguyễn Bình dạy Toán, Thầy Lâm Ngọc Linh dạy Lý Hóa, Triết – Thầy Đỗ Như Thắng, Anh Văn – Thầy Hoàng Việt Sơn, Pháp Văn – “Mademoiselle” Nguyễn Thị Kim Dung (vì cô còn độc thân!), Thầy Lê Kim Tiết Tháo Làm Tổng Giám Thị thay cho Thầy Trần Lộc. Dù là học lớp 12, nhưng bọn tôi vẫn phải theo nề nếp của trường là mỗi đầu giờ vẫn phải xếp hàng trước cửa lớp, chờ thầy cô từ phòng Giáo Sư xuống cho vào thì mới được vào lớp, khi đi ngang mặt thầy-cô thì phải cúi đầu chào, khi vào lớp phải đứng nghiêm, chờ khi nào Thầy-Cô cho phép thì mới được ngồi.
Năm nầy CPS Hoàng Diệu có tổ chức chuyến tham quan, thi đấu giao hửu môn đá banh, bóng chuyền, bóng bàn với CPS An Giang (trường Chưởng Binh Lể và trườngThoại Ngọc Hầu). kết quả là Hoàng Diệu thắng môn đá banh, bóng bàn, thua Thoại Ngoc Hầu môn bóng chuyền.
Trong chuyến đi nầy, có một điều thú vị là: trong đội bóng bàn của Angiang có một tuyển thủ cấp tỉnh hay cấp khu (4 tỉnh) gì đó, có lẽ là rất giỏi (bọn tôi nghe Ban Lãnh Đạo và học sinh Chưởng Binh Lễ kháo chuyện với nhau trong Câu Lạc Bộ của trường: “phen nầy Sóc Trăng lấy cần xé đựng banh đem về). Nhưng khi thi đấu thì Angiang thua ngoài sức tưởng tượng. Các “ông bầu” của Angiang (khi ấy đứng cạnh tôi) hỏi “cái thằng ròm đó là ai mà chơi giỏi quá vậy?”. Tôi trả lời “nó đang học lớp 11 của trường Hoàng Diệu, tên của nó là Vương Chính Học”. Nghe xong ông ấy giật thót cả người, vì Vương Chính Học lúc đó là tuyển thủ Quốc Gia (vừa đoạt danh hiệu Vô Địch Thiếu Niên Toàn Quốc).
Năm lớp 12 nầy tôi vì mãi “rong chơi trên con đường tình ta đi” nên thi rớt Tú Tài 2, “đành” phải rời trường (người ta đậu Tú Tài 2 thì “ra trường” còn tôi không đậu nên không kể là “tốt nghiệp!!!!!) vào Trường Sư Phạm Sóc Trăng học.
Vậy là xong 7 năm học với nhiều kỷ niệm vui buồn, Tôi rời trường với "nỗi nhớ không nguôi".




"Phần Phụ Đề Việt Ngữ" Của Những Năm Đệ Nhị Cấp.
 
Vậy là xong 7 năm học với nhiều kỷ niệm vui buồn, bạn bè khóa tôi tôi đều phải rời Sóctrăng, rời xa Hoàng Diệu, đứa nào đậu thì lên Cần Thơ, Sàigòn học Đại học, đứa nào rớt thì lên đường nhập ngũ tòng chinh. Riêng tôi và một vài đứa may mắn là vào Sư Phạm Sóctrăng, học tại Trường Nam Tỉnh Lỵ nên “ngày ngày ta lại cầm tay nhau về” . . . trường, vào quán Cô Quốc chơi, ngồi uống ly trà đá ngắm “đàn em” đi học mà hồi tưởng lại “những ngày xưa thân ái”.
Nhưng có lẽ duyên nợ với Hoàng Diệu vẫn còn nên tôi lại có dịp hoạt động cho trường, có cơ hội để “núm níu”một chút gì để nhớ để thương”.
                                                                   

Nguyên là năm đó (1972) là năm tôi học năm thứ nhất của trường Sư Phạm, thì Trương Kiến Dũng sang tìm tôi, bảo là Thầy Lê Công Đức (Giám Học) và Thầy Lê Vĩnh Tráng (Tổng Giám Thị) kêu về trường gặp có công chuyện.
Kỳ nầy CPS Hoàng Diệu phải tham dự một trại hè do Bộ Giáo Dục tổ chức cho học sinh toàn Quân Khu 4. Thành phần tham dự không chỉ là học sinh Hoàng Diệu, mà bao gồm cả học sinh TRUNG HỌC, TIỂU HỌC toàn tỉnh (các tỉnh khác cũng vậy). Do vậy trường chọn tôi và Trương Kiến Dũng làm phụ trách đoàn tiếp cho các Thầy trong Ban Chỉ Huy, Thầy Lợi Minh Hà làm Trưởng Đoàn, Thầy Phạm Văn Phái làm Phó Đoàn, các Ủy Viên là Thầy Võ Văn Thiên, Cô Lý Thị Chất (dạy Nữ Công Gia Chánh) và một số thầy cô trong Văn Phòng trường (tôi không nhớ tên).
Bọn tôi khởi hành lúc 9 giờ sáng, trên 4 xe hơi gồm 1 xe 7 chổ, một xe 16 chổ (2 xe nầy do Ty Tiểu Học cấp, chở ban chỉ huy và vật dụng hậu cần) , và 2 GMC chở trại sinh (xe do Tiểu Khu Baxuyên cấp), đến Bải Nò (Mũi Nai) Kiêngiang lúc 6 giờ chiều sau hơn 270 Km đường rất là xấu (đoạn đường Rạch Giá – Hà Tiên 90 km, đường do Công Binh làm, chỉ mới lấp các hố mìn, trải đá xong vào ngày hôm trước). Chuyện đầu tiên khi đến Bãi Nò là dựng lều cho Ban Chỉ Huy và gần 80 trại sinh nghĩ ngơi, làm nhà vệ sinh, nhà tắm để mọi người có chổ “giải quyết bầu tâm sự”. Cô Chất thì chỉ huy các Cô ở Văn Phòng trường đi theo đoàn nấu cơm cho mọi người ăn. Nhưng hởi ôi!!!! Các Cô chỉ quen nấu ăn trong gia đình thôi, đâu có ai biết chuyện nấu một nồi cơm cho trên 80 người ăn!?!? Kết quả là bửa cơm đó các trại sinh không ai ăn được vì cơm thì “trên sống, dưới khét, chính giửa thì nhảo”. Đồ ăn thì vì mình đến nơi trể quá, đi chợ mua “cá không tuơi” nên khi ăn “có mùi”. Cũng may là bằng kinh nghiệm dự trại, tôi và Dũng đã bảo các em, nhất là các em tiểu học, mang theo mì gói để “hộ thân”, nên chúng tôi không bị đói. Chuyện “cơm ba tầng” còn lập lại vào sáng ngày hôm sau nữa (khi đi thăm Lăng Mạc Cửu), bọn tôi đề nghị lãnh đạo trại bỏ chuyện nầy, nhưng không được, sau cùng cũng bị bãi bỏ khi có sự đấu tranh quyết liệt của Thầy Thiên.
Sáng sớm hôm sau, một cảnh tượng buồn cười xảy ra: các cô nàng mang chén, dĩa, muỗng (kiểu), có cả bình thủy nữa ra bỏ ở các gốc dừa dọc bải biển nhiều không kể hết!!! Người bỏ nhiều nhất là Liêu Thị Kiều Nga (con gái của Đại Tá Tỉnh Trưởng Liêu Quang Nghĩa). Trước khi đi chúng tôi đã dặn các trại sinh nên mang theo bi-dong, gà-mèn (bằng inox của lính) theo để sử dụng, vừa gọn vừa an toàn.
Đến khoảng 10 giờ, thì có tin Đại Tá Tỉnh Trưởng Kiên Giang đến thăm Trại Hè. Do trại Sóc Trăng nằm ở vị trí đầu tiên nên được thăm trước, khi vừa bước vào cổng trại, chào xã giao với Ban Chỉ Huy Trại xong là Đại Tá đề nghị dẩn đi thăm khu nhà vệ sinh trước. Khi đưa Đại Tá vào nhà vệ sinh thì cả tốp hướng dẩn đều hết hồn: nhà vệ sinh và nhà tắm đều dựng bằng băng-rôle vải (mỗi phòng 3 tấm) “Kính Chào Mừng Đại Tá Tỉnh Trưởng Đến Dự”. Đại Tá hỏi “Khu nhà vệ sinh nầy ai làm mà kín đáo vậy?!!” Trong lúc mọi người, nhất là Ban Chỉ Huy Trại, còn đang “run”, nghe hỏi thì lí nhí trả lời là do các trại sinh làm, thì Đại Tá Tỉnh Trưởng cười xòa, quay lại hỏi bọn tôi đang lóng ngóng bên ngoài hỏi: “Sao mấy em biết Đại Tá vào đây mà chào đón vậy!!!!”. Hỏi xong, Đại Tá mới đi ra bên ngoài, xem cổng chào, bàn ăn thiết kế bằng toàn là tre, theo kiểu (treo) không có cây tre nào chạm đất (do Trương Kiến Dũng “học được” khi tham gia Gia Đình Phật Tử). Sau đó Sóc Trăng được chấm hạng nhất về Lều Trại kèm theo giấy khen của Đại Tá Tỉnh Trưởng.
Chuyện “Chào Mừng Đại Tá” trong nhà vệ sinh là như vầy: trước ngày ra đi, chúng tôi vào kho phế liệu của trường gom các tấm băng-rôle củ cất trong kho đem theo để làm vách nhà vệ sinh khi cắm trại, không ngờ lại lấy nhầm toàn là các băng-rôle treo chào mừng Đại Tá Tỉnh Trưởng (Baxuyên) đến dự trong các buổi lễ của trường (!!!!!). Lúc vừa đến Bải Nò thì trời tối rồi, phải đốt đèn cầy để dựng nên không ai để ý nên mới xảy ra cớ sự.
Trong lần cắm trại nầy, ngoài chuyện chào mừng Đại Tá được loan truyền, Sóc Trăng được nổi tiếng vì các chuyện sau:
1- Trước ngày lên đường, tất cả các trại sinh đều được lệnh phải trang bị mỗi em một nón màu đỏ. Mục đích là dể dàng cứu hộ khi tắm biển (nón trôi trên biển là có người bị đuối nước), hai là dể nhận ra đâu là trại viên của Sóctrăng và của các tỉnh khác, ba là tung nón lên trời trong mọi trường hợp cần đồng đội “cứu viện”. Do vậy, mổi khi đoàn Sóctrăng ghé vào nơi nào thì nơi đó rực lên một màu đỏ, khiến mọi người phải kinh ngạc!!.
2- Trong tất cả các đoàn, chỉ mỗi mình Sóctrăng là có xe riêng nằm túc trực tại chổ để đưa rước trại sinh bất kể ngày hay đêm, do vậy đoàn Sóctrăng đi chơi thoải mái.
3- Trong khi các đoàn khác mải miết lo chuyện nấu cơm cho trại sinh ăn thì đoàn Sóctrăng có cách giải quyết rất khoa học: gạo mang theo đem đi bán, cộng vào tiền ăn, buổi sáng ăn bánh mì cá mòi tại chổ tham quan, chiều ra chợ Hà Tiên ăn cơm tiệm. Trong khi chờ đợi cả đoàn ăn xong, ai ăn rồi trước thì ra xe, mang các cây tre trên xe xuống tổ chức “nhảy xạp” ngay trên lề đường. Do vậy chiều nào cũng có mấy chục cái nón đỏ nhảy múa, cộng thêm tiếng gỏ nhịp “cắc-cắc-cụp” của các thanh tre tạo nên sự huyên náo trên đường phố Hà Tiên.
Trong lần tham dự trại hè nầy, cá nhân tôi còn kiều kỷ niệm sâu sắc:
Một là, trong ngày thứ hai khi đến Bải Nò, tôi gặp lại thầy Nguyễn Ngọc Long (Long Cao), khi ấy thầy là Phụ Tá (Phó) Sở Học Chánh Tỉnh Vĩnh Long đưa đoàn đi dự trại Hè. Thầy trò gặp nhau nơi xứ lạ quê người rất là mừng rở. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, thầy từ giả cả bọn để về Vỉnh Long (vì thầy không nằm trong Ban Chỉ Huy Trại Vỉnh Long). Kể từ lần gặp đó cho tới khi thầy mất (sau 1975) tôi không gặp thầy lần nào nữa!!!!
Hai là, sẳn xe, không biết ai chỉ dẩn, mà đoàn lại sang Cambodge chơi, khi dừng chân ở trạm biên phòng để xin phép, thì chúng tôi được căn dặn là “khi sang Miên chơi, không được để lộ tất cả những gì là màu đỏ kẻo bị Khmer đỏ bắn tỉa?!
Ba là, khi ở Bãi Nò hai hôm thì tối hôm thứ hai có một cơn bảo đổ vào Hà Tiên. Nói đến đây tôi giờ cũng còn thấy buồn. Không biết gì lý do gì, mà trong cơn nguy cấp đó, không thấy bóng dáng của Ban Chỉ Huy Trại và 2 xe dân sự đâu cả, tôi và Dũng phải lo chỉ huy sắp xếp cho các trại sinh di tản. Đang lúc lay quay thì thầy Thiên xuất hiện, vẽ mặt buồn bả bảo “chúng ta phải tự lo thôi em ạ!!”. Nhìn thầy khó nhọc đi lại, chúng tôi nói mãi thầy mới chịu lên xe GMC ngồi để tụi tôi điều động trại sinh thu gom mọi thứ mang lên xe về trường Tiểu Học Hà Tiên tránh bảo. Đến đây, tôi cũng trân trọng tấm lòng của 2 bác tài xế (lính quân vận) đã tận tình cùng chúng tôi trong lúc chạy bão, tất cả vật gì nặng 2 bác ấy đều làm, tự 2 bác ấy cởi trần vác mười mấy bao gạo (100kg/bao) lên xe (không có 2 bác ấy thì “ai mà vác cho nỗi”).
Ông bà ta ngày xưa có câu “ở hiền thì gặp lành”, câu nầy ứng nghiệm ngay trong lần nầy: trong khi “di tản chiến thuật” bọn chúng tôi dọn lều của Ban Chỉ Huy Trại thì phát giác trong lều ngoài số gạo dự trử, còn có hai (02) thùng sữa bò, 10 thùng mì gói Vị Hương (loại gói giấy thời đó chỉ có 1 loại duy nhất, và là hàng quý hiếm thời đó!!!). Về đến Hà Tiên, gạo thì giao trả cho Ban Chỉ Huy, sữa và mì gói thì “coi như là chiến lợi phẩm”, bọn tôi chia nhau “xực”.
Đến đây, tôi cũng xin được “tào lao” một chút, trong những ngày ỏ Bãi Nò khi đi chơi, tôi nhận thấy có một nữ sinh khi đi chơi thì luôn luôn cúi gập người xuống để nhìn đường, hỏi ra thì em ấy bị cận thị, khi đi đường đi bị bể kính, vứt vào chung với đống chén dĩa bể rồi, nên không thấy đường!!!! Vậy là tôi phải giúp em đó bằng cách cho em đó vịn vai tôi để đi, sau tôi nhờ vài em nữa giúp cho em ấy. Thế là chúng tôi hình thành một nhóm “fan Bãi Nò” gồm Liêu thị Kiều Nga (Nga Gà Mờ, cận bị bể kiến), Trương Kiến Dũng, Trần văn Trung (Trung Kim Anh), Thiềm Bửu Cát Tâm, Nguyễn thị Liên, Hứa Lý Hương, và Thanh Vân (không nhớ họ, em vợ Thầy Hoàng Việt Sơn) và tôi.
Số “chiến lợi phẩm” thu được tôi “tính sổ” như sau:
- Hai thùng mì và 10 hộp sữa biếu 2 bác lính tài xế 2 xe GMC. 7 đứa nhóm tôi giữ lại 2 thùng mì và số sữa còn lại để “làm của riêng”. Các thùng mì còn lại chia cho các trại sinh khác nấu ăn tối trong bửa chạy bảo tại Hà Tiên.
- “Phần tang vật”, chúng tôi “tẩu tán” như sau: tôi và Kiều Nga mang quần áo cá nhân giao cho mấy đứa khác cất, bọn tôi lấy “tang vật” cất vào vali của bọn tôi (vì tôi và Kiều Nga được coi là ngoài vòng ảnh hưởng nếu vụ việc bại lộ, các em khác còn học tại Hoàng Diệu nên tôi không muốn để bị liên lụy). Vả lại vali của Kiều Nga rất to, chứa 4 thùng mì, 01 thùng sữa (đã “phi tang” võ thùng) mà vẫn còn trống.
- Vậy là 7 đứa bọn tôi sáng thì “mì tôm, sữa bò”, tối thì “sữa bò, mì tôm”. Chúng tôi mời thầy Thiên ăn mì gói, cà phê sữa, thầy khen ngon, hỏi “sao tụi mầy sang vậy?” nói cho thầy nghe nguồn gốc của mấy “món ngon”, cười bảo “tụi mầy đúng là thứ ba học trò”, nhưng sau có mời mấy thầy cũng xua tay từ chối “thôi tụi mầy ăn đi, tụi nó mà biết tao có dính líu thì không hay lắm đâu”
Trong những ngày ở trại, có lẽ là “nhờ bà cậu” dẩn nên tôi là tay săn nước ngọt cho cả bọn. Chuyện là như vầy:
- Trong những ngày ở Bãi Nò và trong trường Tiểu Học Hà Tiên, nước ngọt rất là “quý hiếm”. Khi ở bãi biển, nước ngọt được các xe bồn lấy trên đỉnh núi cách Trại khoảng 10 Km đường núi, kéo về phát cho các trại mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 thùng 20 lít/thùng, để uống, làm vệ sinh cá nhân buổi sáng và sau mỗi lần tắm biển (mỗi em 4 lít/ngày). Sau khi cấp phát xong thì khóa vòi (bằng ống khóa) rồi các bác tài về nghĩ. Kỳ sau, lái xe nước khác đến, chạy xe nước đã phát, đậu trong bãi xe về lấy xe nước khác.
Trùng hợp là bãi xe nằm cạnh trại Sóc Trăng, thế là tôi ra mở khóa (bằng sợi dây kẻm), lấy nước còn lại trong xe mang vào chứa trong lều. Do vậy mà các trại sinh Sóctrăng rất là thoải mái trong việc sử dụng nước ngọt, kể cả sau khi tắm biển xong.
- Trong những ngày “tị nạn” ở trường Tiêu Học Hà Tiên, trường có một hồ nước mưa rất lớn, nhưng vì là kỳ nghĩ hè, nên hồ nước nầy của trường lại bị một nhà cạnh trường chiếm dụng, các trại sinh, nhất là các em nữ, rất là khổ sở vào buổi sáng đầu tiên khi vào tránh bảo
                                                                        


Sau nầy về Sóctrăng, bọn tôi cũng còn giữ liên lạc với nhau (kéo dài đến năm 1975). Cứ đêm Trung Thu thì "cầm tay nhau về" quán Kinh Đô ăn bánh Trung Thu (loại đặc biệt!!!!) do Kiều Nga lấy từ "Dinh" mang đến, đồng thời ngồi xem các em nhỏ “cộ” đèn đón trăng rằm.
- Trở lại chuyến đi Hà Tiên, trong lần giao lưu lửa trại với một duyên đoàn Hải Quân đóng tại Rạch Giá (tôi không còn nhớ là Duyên Đoàn nào), sau phần sinh hoạt cộng đồng do một anh Trung Úy Hải Quân (tên gì tôi quên mất) làm Quản Trò, phần đáp lể do Trương Kiến Dũng làm Quản Trò cũng rất xôm tụ, anh Trung Úy nầy rất khoái (đồng thời cũng “khoái” một chị trong đoàn Sóctrăng, học một "cở" với tôi), bèn dẩn chúng tôi vào gặp Thiếu Tá Duyên Đoàn Trưởng để xin phương tiện đi đảo Chuối (nơi trồng toàn là chuối) chơi, sau một hồi ca bài “lý con sáo” của anh Trung Úy, Thiếu Tá đồng ý và dặn anh Trung Úy là chuẩn bị đầy đủ võng cho các trại sinh nằm trên tàu, khi đi biển, để không bị say sóng. Thế nhưng vì lý do rất là "cá nhân", lãnh đạo đoàn Sóctrăng từ chối. Mất chuyến đi thú vị, chúng tôi tiếc “đứt ruột” nhưng biết làm sao bây giờ!!!! Nhưng cũng “gở lại được một bàn”: chuyến du ngoạn Đông Hồ dưới ánh trăng bằng tàu Hải Quân.
Vậy là thời gian thơ mộng của tôi với Hoàng Diệu “thôi thế là chia ly từ đây (dù rằng tôi cũng thường vào trường chơi, nhưng chỉ ngồi ở quán Cô Quốc chơi thôi!)


LÝ VĂN HÀO HD 64-71

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

HOÀNG DIỆU CÒN LẠI TRONG TÔI. PHẦN 2.



Lớp của tôi, những năm đệ nhất cấp:

Tôi vào Hoàng Diệu năm 1964, sau khi học lớp 7 một năm ở trường Trần Văn (lớp thất Tư,1962 – 1963). Năm nầy trường Hoàng diệu mở 5 lớp đệ thất : 7A1, 7A2, 7P1, 7P2, 7P3 (xin lỗi các bạn đồng khóa 64 – 71, vì trong buổi họp mặt 50 năm rời trường tổ chức ngày 11/01/2014 tôi đã nói sai là chỉ có 01 lớp Anh văn). Lớp 7P2 nằm ở phòng thứ 3 cuối dãy ngang đếm ngược về phía Văn phòng. Năm nầy tôi học toán với thầy Tuấn “hẹ luộc”, sở dĩ có biệt danh “hẹ luộc” vì Thầy là người bắc, mà đa số chúng tôi là dân miền nam, nên khi Thầy đọc “hệ luận” thì chúng tôi lại nghe thành “hẹ luộc”.
 Cô Dương Thị Thanh Nguyên dạy Pháp văn (quyền Le Franҫais Elémentaire 01), cô Hoa dạy Việt văn, thầy Thiên dạy Nhạc, thầy Trần Ngọc Ẩn dạy Thể Dục, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 1 giờ, địa điểm là Sân Vận Động của Tỉnh. 
 Nhắc đến giờ Thể Dục, bọn tôi không thể nào quên được chuyện tắm ở Hồ nước ngọt (Hồ Tịnh Tâm). Chuyện là thế nầy: sáng sớm, vào lúc 6 giờ (giờ Sàigòn) chúng tôi phải có mặt tại Sân vận động để thầy dạy, nhưng có lẽ do bận công việc ở trường nên thầy Ẩn ít khi đến dạy, trong khi chờ thầy đến dạy thì tụi tôi chơi đá banh, đến hết giờ thì bọn tôi “hè nhau” qua hồ nước ngọt tắm. 
Thế là hồ nước ngọt lại có thêm khoảng ba-bốn chục “khách”. Ngày đó chúng tôi rất là hồn nhiên, khi tắm đứa nào cũng “ở truồng” cả, kể cả các bạn lớn tuổi, đã là thanh niên hẳn hòi vẫn vậy thôi!!!!. Như vậy toàn cảnh hồ nước ngọt bấy giờ có khoảng trên 100 người “tắm tiên”. Chuyện “tắm tiên” nầy duy trì cho đến giữa năm đệ tứ mới thôi.
                                                                           
Ngay khi chân ướt chân ráo vào trường, có 2 “sư huynh” gây ấn tượng" mạnh” cho tôi:
- Một là “sư huynh” Thạch Mô-del (hình như năm đó "sư huynh" đang học đệ Tam thì phải), đẹp trai, tướng tá vạm vỡ, ấn tượng nhất là bắp thịt cuồn cuộn, ngực thì nở nang, bọn tôi cứ trầm trồ mãi ước gì mình có được cái “sô” như anh ấy!!!
- Hai là “sư huynh” Trương văn Kế (cây xăng Trương văn Xuyên), luôn luôn mặc bộ đồ Pilot vào trường.
Khi còn học tiểu học thì học trò nam mặc áo sơ mi ngắn tay, quần đùi. Nữ sinh mặc áo bà ba, quần dài đen. Khi vào Hoàng Diệu, nam sinh phải mặc quần tây KAKI XANH DƯƠNG, áo sơ mi trắng ngắn tay “bỏ trong thùng”, nữ áo dài trắng (cấm mặc áo mỏng), quần dài đen. Nhờ vào quy định đồng phục (loại rẽ tiền) nên giữa bọn tôi không có sự ngăn cách giàu nghèo (ít nhất là về mặt hình thức), nên dể hòa đồng với nhau. Cũng vì chuyện đồng phục nầy mà xảy ra chuyện buồn cười là tất cả các nam sinh của trường, từ nhỏ đến lớn đều bị “hội chứng” “đóng khố”. Số là do quy định phải bận quần KAKI xanh (hàng nội hóa –Sàigòn) nên do bị, phơi nắng, ủi nhiều nên phần vải chỗ baguette, và phần giữa 2 mông bị phai màu, trông giống như quần sì-líp (thường là màu tím than).

Sang năm đệ Lục (6P2) tôi cũng học dãy nầy, nhưng lại “được lên phòng”: học phòng thứ 3 từ đầu dãy đếm xuống, Thầy Trần Phạm Hiếu dạy Pháp Văn (quyển Le Franҫais Elémentaire 01+02), Thầy Nguyễn Hữu Long (Long cao) dạy tôi môn Lý-Hóa, Thầy dạy chúng tôi đên hết kỳ Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt thì bị động viên (nhập ngủ). Năm nầy cũng có nhiều Thầy bị nhập ngũ.. Trong năm nầy tôi có 2 điều nhớ mãi:
- Một là trường phát động thi đua lớp sạch và ngoan trong toàn trường, cứ mỗi tuần lớp nào ngoan (do các Thầy-Cô nhận xét, ghi vào sổ đầu bài) thì được lĩnh cờ vàng về treo trước cửa lớp, còn lớp nào không ngoan thì phải lĩnh cờ đen có thêu hình con rùa về treo trước lớp suốt tuần. Lớp tôi luôn lĩnh cờ đen, ít có lớp nào “giành lại”, mà đa số các lần đi nhận cờ (lúc chào cờ đầu tuần) thì tôi lại là người đi lãnh cờ.
- Hai là có một hôm cô Huệ dạy toán, vào lớp bảo chúng tôi lấy giấy, viết ra làm một bài toán hình học. sau một hồi đo vẽ, cô bảo chúng tôi đánh dấu màu xanh vào các ô tam giác, màu đỏ vào ô hình cung do cô chỉ định, rồi đố chúng tôi nhìn ra đó là hình gì? Thì ra đó là hình “một con chim én đang bay về hướng mặt trời” (sau nầy là huy hiệu của trường), cô Huệ bảo đây là kỳ niệm của Thầy Điểu tặng làm kỷ niệm trước khi Thầy đổi đi (lúc đó bọn tôi chỉ nghe tên thôi, chứ không biết mặt Thầy).


Sang năm đệ ngủ (5P1) thì chúng tôi học ở dãy văn phòng, sát với Phòng Họp Giáo Sư. Năm đệ ngủ nầy, tụi tôi học Việt Văn với Cô Trân, được vài tháng thì Thầy Tô Quốc thay cho cô nghĩ hộ sản. Học Toán với Cô Lý Hồng Mộng, nhưng cũng chỉ một tháng thì cô xin nghĩ để cùng chồng là dược sĩ Diệp hữu Tâm mở nhà thuốc Hữu Tâm, Thầy Nguyễn Hữu Long (Long lùn) thay cho cô Mộng, Thầy Long cũng dạy chúng tôi vài tháng thì Thầy chuyển về trường Mỷ Xuyên (mới mở tại Bãi Xào). Thầy Lê Ngọc Sơn, dạy Lý-Hóa vài tháng thì thuyên chuyển về quê ở Kiến Tường (Đồng Tháp).Thầy Lý Ngọc Hiếu (Hiếu La Thoại Tân) thay Thầy Sơn dạy chúng tôi môn Lý-Hóa cũng đến gần cuối niên khóa thì bị động viên. Cô Hường dạy môn Sử-Địa. Hôm Thầy Hiếu chia tay chúng tôi để lên đường tòng quân, cô Mười, dạy Vạn vật  cũng đến chia tay. Thế là mọi đứa học trò mặc sức mà “thêu hoa dệt lụa”. Cũng trong năm nầy, nhà trường tổ chức tất niên bằng cách tái tạo lại khung cảnh làng quê xưa (theo miền Bắc), trong đó có trò “đập niêu” (đập nồi đất). Khi dự thi thì tất cả các “thí sinh” đều bị bịt mắt, phải dùng một cây gậy tre dể đập bể nồi, có một em đập hụt nhiều lần nên đi lạc vào gần khu treo nồi, sợ em nầy bị bạn đập trúng nên Thầy Điểu (Điểu nhỏ) lao vào kéo ra thì Thầy lại bị "Thuận Răng Vàng" lớp 7A2 đập trúng, cuộc thi đó kết quả là nồi không bể lại bể đầu Thầy !!!!!.

Cũng trong năm nầy, do nghĩ giữa giờ “hơi bị” nhiều nên bọn tôi thường ra trước cổng trường vào quán cà phê Bà Tư (lúc nầy quán chú Hai ở trong trường đã nghĩ bán), hoặc quây quanh 2 xe cà rem mút đậu trước cổng trường, hoặc vào đánh billard ở quán chi Tám xéo xéo cổng trường, có một nhóm nhỏ chơi “đập bạc cắc” (Thầy Trịnh Học Ký thường xuyên rượt bắt tụi tôi) cạnh phòng học cuối dãy nhà Thầy Răng (cổng sau). Nơi đây bọn tôi đã chứng kiến cuộc tình của Thầy Sinh và chị Sáng (trong phòng học, lúc đó hình như chị đang học đệ tam hay đệ Nhị gì đó (?), vậy là bọn tôi phải kêu “Chị” bằng “Cô” !!!
Năm đệ tứ (4P1), chúng tôi học ở dãy đối diện với văn phòng, Thầy Nguyễn Tôn Bá dạy chúng tôi môn Sử-Địa, tụi tôi rất khoái vì Thầy dạy rất hấp dẫn, ấn tượng trong tôi còn nhớ đên bây giờ là hình ảnh của Thầy “ném viên phấn trên tay xuống đất, rồi ngây người nhìn bọn tôi qua đôi kính cận” khi câu chuyện đến cao trào. Nhưng hởi ôi! Thầy chỉ dạy bọn tôi vỏn vẹn có 2 tiếng rồi không dạy nữa : thầy đổi về quê thầy ở Kiến Hòa (Bến Tre), “tiếc đứt ruột !!!”. Trong năm nầy có 2 thầy mới ra trường dạy tụi tôi: Thầy Lê Công Hoàng (Sử-Địa), thay thầy Lê Công Đức nhận chức Phụ Tá Giám Học (phụ tá cho Thầy Vịnh), và Thầy Lợi Minh Hà dạy Lý-Hóa, Thầy Lê Xuân Vịnh dạy Việt Văn, Thầy Phạm Thế Trúc dạy Pháp Văn độ 1 hay 2 tháng gì đó thì đổi cho thầy Nguyễn Thái Lân dạy, cũng 1,2 tháng gì đó thì Thầy Trần Phạm Hiếu thay thế làm “đầu bếp” món “cua xào lăn” cho đến hết năm học. Môn Công Dân Giáo Dục, đầu năm thì thầy Hoàng Đình Diệp dạy được 2 tuần thì giao lại cho thầy Mai Văn Kiêm phụ trách. Thầy Trần Thanh Thu dạy Vạn Vật.
                                                                            
Năm nầy, có nhiều sự kiện đáng nhớ:
- Một là đây là năm Mậu Thân, các thầy phải tuần tự đi học quân sự 1 tháng tại Thất Sơn (Châu Đốc), nên bọn tôi thường nghĩ học giữa buổi, nghĩ học nhưng không có đứa nào về nhà, mà rủ nhau đi chơi. “Nhờ” đi chơi nhiều nên nghe các anh lớn tuổi trong lớp truyền nhau biệt danh “Ngũ Long Công Chúa”. Theo “truyền thuyết kể lại” thì đó là các chị Lâm Hoàng Yến, Bạch Mai, Huỳnh Minh Nguyệt, Quách Hồng Lan, Trần Mỹ Hạnh đều học lớp 4P1. Còn lớp 4A1 thì có chị Dương Thị Liễu và vài chị nữa tôi không biết tên thường đại diện cho trường đi “làm ca sĩ” theo lời mời của bên Tâm Lý Chiến thuộc Tiểu Khu Ba Xuyên. Lúc nầy các chị đều “trổ mã” nên đi đâu cũng có vài cái đuôi theo “tò tò”.
- Hai là, trong năm nầy, quân đội Mỹ xây tặng cho trường 3 phòng học nằm ở khoảng sân giữa dãy Văn Phòng và dãy nhà của Thầy Phan Ngọc Răng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tận mắt thấy “người mắt xanh mũi lỏ”, có vài đứa còn lại gần “how are you?” rồi chạy mất, không chờ câu trả lời, thấy họ xài cưa máy (cưa xích) để cưa-hạ các cây nằm trong phần đất cất các phòng học, dùng xe ủi đất từ xa lao nhanh vào cụng các gốc cây vài lần rồi bứng gốc, quả là họ có nhiều cách làm mới, lạ, nhanh quá, bọn “con nít” chúng tôi chưa từng thấy bao giờ.
- Ba là dù rằng chúng tôi “biết đá banh” từ lâu, nhưng cũng chỉ là nghiệp dư, tự phát. Khi thầy Lợi Minh Hà về dạy, tập họp chúng tôi lại, thành lập một đội banh, do thầy Hà làm “ông bầu”, rồi rủ các lớp khác đá giao hửu. cuối năm đệ tứ, tôi (giữ “guun”, thủ môn), Hồ văn Thiện (trung phong), và Trần văn Quận (hậu vệ) được chọn đá dự bị cho đội tuyển của trường.
- Bốn là năm nầy, Bộ Giáo Dục và Thanh Niên chính thức bải bỏ Kỳ Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đây là cái cửa ải mà những ai học Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng ngán ngược.
- Năm là vào ngày đầu năm học, Thầy Trịnh Học Ký (Giám Thị) vào lớp thông báo: “Em Phạm Anh Dũng (Dũng Nam Mỹ) được phép đổi tên là Phạm Minh Dũng”. Chuyện đổi tên một người ngày nay là chuyện thường, nhưng ngày đó đối với chúng tôi thì đó là chuyện “to tát” lắm.
- Sáu là do biến cố Mậu Thân 68 nên luật Tổng Động Viên ra đời, những học sinh sinh năm 1951 trở về trước đang học đệ tứ không được học nữa chuẩn bị lên đường tòng quân. Vậy là có một số bạn bỏ trường sang tỉnh khác học nhảy (đệ tam hoặc đệ nhị) để khỏi đi lính. Cũng trong năm nầy, nam thanh niên đủ 16 tuổi thì phải khai Lược Giải Cá nhân, làm Căn Cước (thay vì 17 tuổi như trước).
- Bảy là trường thành lập Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường, gọi tắt là CPS Hoàng Diệu, do thầy Lê Văn Đức phụ trách. Chương trình CPS chuyên tổ chức học sinh thực hiện các công tác xã hội, vui chơi trong học đường . . . .

 CPS Hoàng Diệu có tổ chức buổi Lữa Trại đầu tiên......

LÝ VĂN HÀO HD 64-71