a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Những tuyệt chiêu giấu tiền qua mắt vợ của đàn ông Việt

                                                            



Những chỗ giấu tiền có một không hai
Khi hôn nhân qua giai đoạn màu hồng và bước đến những gam màu u ám hơn, cũng là lúc xuất hiện những hành động đối phó giữa chồng và vợ. Một đằng muốn nắm giữ tài chính với mục đích “lo cho gia đình”, nhưng thực tế là kiểm soát, không cho chồng lăng nhăng, ăn chơi ở ngoài. Còn một đằng thì xoay sở muôn kiểu để đối phó. Và cuộc sống gia đình lúc này trở thành những cuộc đấu trí đầy căng thẳng.
Anh Đ.N.D (SN 1978), hiện đang là nhân viên kinh doanh của một hãng nước giải khát cho biết, cuộc sống gia đình anh thường xuyên rơi vào cảnh cơm không lành, canh chẳng ngọt vì người vợ hay ghen. Và để trói buộc anh hoàn toàn, chị quyết định tịch thu toàn bộ lương, mỗi ngày ra khỏi nhà, anh D. phải ăn sáng với vợ, và được cấp cho 100 nghìn gồm tiền xăng xe, điện thoại, và trà đá.
Tuy nhiên anh D. vẫn thường có thu nhập thêm như những tháng vượt chỉ tiêu vẫn được thưởng, anh nghĩ ra tuyệt chiêu giấu vợ như sau. Những khoảng tiền vài triệu đó, anh gói kín vào trong túi nilon, buộc chặt và hồn nhiên thả vào bể chứa nước của bồn cầu, đặc biệt nhằm những lúc vợ không có nhà hoặc đi làm, anh D. mới có thể yên tâm hành xử.

Gói tiền chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, được bọc vào túi nilon. Gói này phải buộc cố định bằng một sợi dây, bởi nếu không cố định, khi xả nước, gói tiền sẽ bị cuốn trôi xuống bồn cầu. Anh D. đã từng mất 2 triệu mới có được kinh nghiệm này.

“Chẳng ai muốn phải hèn mọn, giấu diếm, lừa dối vợ như thế làm gì, nhưng mà phải trong chăn mới biết chăn có rận, hôn nhân mệt mỏi lắm. Nhưng cũng may từ ngày tiền Việt Nam làm bằng chất liệu polymer, tôi cũng yên tâm đem ngâm nước cả tháng” – Anh D. tâm sự.
Ông N.T.Thành (SN 1968, Đình Thôn, Hà Nội) làm nghề xe ôm, lấy vợ được gần 30 năm, nhưng chỉ mới 10 năm trở lại đây, ông phải tìm cách để giấu vợ thủ quỹ đen. Khi gia đình còn nghèo, con cái nhỏ dại thì lao động được đồng nào, ông mang về gửi vợ đồng ấy. Nhưng con đã lớn, gánh nặng gia đình cũng không đến mức ngặt nghèo như ngày trước, ông bắt đầu có những thú vui của riêng mình như bia bọt, cờ bạc với cánh xe ôm cùng bãi.
Nhưng muốn đánh bạc thì phải có vốn, trong khi cứ về đến nhà là vợ lại lao ra lục túi. Mà những hôm thua bạc không sao, thắng bạc còn khổ nữa, vì vợ ông biết một ngày làm giỏi lắm được bao nhiêu tiền, vượt trội số đó là bị nghi ngay. Buộc phải đối phó, ông nghĩ ra một tuyệt chiêu: tiền được cuộn tròn lại, gói trong một túi nilon, nhét vào ruột một chiếc xăm cũ, cuộn tròn lại, hồn nhiên nhét vào túi đồ nghề sửa xe của mình. 10 năm nay cách này vẫn phát huy tác dụng.
Nơi an toàn nhất là nơi nguy hiểm nhất
Khác với ông Thành và anh D. phải tìm chỗ thật kín để giấu quỹ đen, tuyệt chiêu của anh N.A.Toàn (đang trú Hoàng Mai, Hà Nội) có phần phiêu lưu mạo hiểm hơn nhưng không thiếu tính khả thi, bởi anh dựa trên lý luận “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”.
Vợ thu hết lương, trong khi Toàn thì là một con nghiện chắn cạ và “bóc bánh trả tiền”. Nghề nghiệp là nhân viên của phòng vật tư của một công ty viễn thông không tiện nêu tên, anh thường xuyên có những khoản lậu ngoài lương.
Khi tiêu không hết hoặc thắng bạc, anh Toàn điềm nhiên về nhà, mở tủ quần áo của vợ ra, mùa hè thì anh nhét tiền vào túi áo mùa đông, mùa đông anh nhét tiền vào túi áo mùa hè.
Anh Toàn chia sẻ: “Chiêu này hơi mạo hiểm vào những khi thời tiết chuyển mùa, không biết vợ mình nó ăn mặc kiểu gì để mà sơ tán quỹ đen. Nhưng mà cũng có cái may mắn là nếu bị cô ấy phát hiện, mình chỉ việc biện minh chắc do tiền của cô ấy để quên từ… năm trước mà không nhớ. Có lần vợ mình vớ được mấy triệu, sướng âm ỷ cả tuần.”
Hợp thức hóa tiền phong bì
Còn ông Đ.T.Trung (SN 1970), hiện đang là Giám đốc chi nhánh Hải Phòng của một công ty vật liệu xây dựng, cũng phải đau đớn mà giấu vợ lập quỹ đen cho mình, chỉ vì người vợ của ông tính hay ghen, luôn sợ ông giám đốc đi ra ngoài có bồ bịch. Tuy nhiên, bà chỉ giữ được lương chứ không thể nào kiểm soát được phong bì, hoa hồng của ông Trung.
Mỗi khi có một khoản hoa hồng, thậm chí có những lúc lên tới vài chục triệu mà không muốn vợ mình nắm, ông đàng hoàng cho vào phong bì, nhờ cô kế toán của công ty cộp cho cái dấu giáp lai để niêm phong, viết hộ mấy dòng chữ: Quỹ cơ quan. Sau đó ông hồn nhiên mang số tiền đó về nhà, cho vào két, và dặn vợ cấm có được mở, được tiêu kẻo động đến là chồng đi tù vì cái tội biển thủ.

Ông Trung tâm sự: “Chẳng ai muốn như thế, nhưng mình có những thú vui mà vợ không hiểu được, đành phải đối phó với nhau thôi chứ biết làm sao.”

NHỚ EM.

Trương minh Nhựt viết tặng bộ tam sên : Tuyet Pham, Ngân Trần và Rose Black





THƯ MỜI HỌP MẶT CHS HOÀNG DIỆU VÀ ĐỒNG HƯƠNG

Kính chào Thầy Cô, thân chào Cựu Học Sinh Hoàng Diệu, thân chào Đồng Hương,
theo đây là vài điều quan trọng cho ngày họp mặt 04.10.2014 tại Đức (Crailsheim):
-        Quí vị hãy liên thẳng với hotel Zum Hirsch www.stirn-hotel.de, email:info@stirn-hotel.de, Tel.: 00497951/97200, Fax: 00497951/972097 bằng tiếng Anh để đặt phòng (booking).
-        Giá phòng đôi 85 Euro/đêm (90 Euro nếu có balcon), phòng đơn 55 Euro/đêm, bao gồm ăn sáng.
-        Cho buổi ăn trưa thì tôi đề nghị „à la carte“ thay vì „brunch“ như dự định. Quí vị có thể chọn món ăn qua thực đơn (menue) vào ngày hôm trước.  
Hotel Zum Hirsch nằm đối diện với restaurant Hirschgarten nơi họp mặt, nên Qui vị không phải đi xa. Mặc dù vào thời điểm họp mặt hotel không hết phòng, nhưng tôi đề nghị Quí Vị nên đặt phòng sớm nhất, nếu có thể.
Vài hàng này để kính mời Thầy Cô và các Cựu Học Sinh Hoàng Diệu và Đồng Hương khắp nơi tham dự buổi họp mặt vào 04.10.2014.
Thân mến

Kiều Thị Hiếu (66 – 73)

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

NHỮNG NỤ CƯỜI DUYÊN.

VÂN NGUYỄN . AUGUST 13 , 2014 – 4.20 PM .VIẾT TẶNG CÁC THẦY BẠN TRUNG HỌC HOÀNG DIỆU VIỆT NAM.THẦY LONG ,H SANG(63-70),H Q CUA ,C N DUNG,N N DUNG(65-72).


Mounting created Bloggif


Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

CHUYỆN ĐÀN BÀ......!

                                 



“Hai người đàn bà với một con vịt (họp thành) một cái chợ”. Không biết từ đâu trong tiếng Việt có câu nói về phụ nữ như thế. Hồi nhỏ, khi nghe người ta nói câu đó, tôi đã ráng hình dung ra hai người đàn bà – còn con vịt thì dễ rồi. Tôi tưởng tượng ra người đàn bà thứ nhất là người bán con vịt. Đương nhiên bà sẽ nói không có con vịt nào non tơ, mập mạp hơn mà lại bán rẻ như con vịt của bà. Và người đàn bà thứ hai là người mua, thì lại “bới lông tìm vết” cho ra những khiếm khuyết của con vịt, như: hơi gầy, chứ mập gì; hơi già, chứ tơ gì mà tơ… để đi đến kết luận là cần giảm giá thêm nữa thì bà mới mua.
 Dĩ nhiên là hai người đàn bà tranh luận để bảo vệ quyền lợi của mình. Cuộc tranh luận sẽ gay cấn dần lên trong tiếng vịt kêu vì con vịt cứ bị nắm hai chân, rồi đưa qua, đưa lại, “vịt tơ như vầy mà chị nói là già; phao câu muốn chạm đất mà chị nói là ốm…” – Người bán sẽ ấn con vịt vào tay người mua để… “chị xem lại đi!”
Người mua sẽ miễn cưỡng (giả bộ) vì trong lòng không ưng mua con vịt ấy thì đâu đến xem và hỏi giá làm chi. Chỉ là cố gắng che đậy sự hài lòng của mình về con vịt để có thể mua rẻ hơn giá bán mà người bán đã nói là rẻ lắm rồi, “Thôi thì chị bớt giá chút nữa đi. Tôi mua giúp chị!”
Thứ nhất là đàn bà không xin ai. Mua, thì thiếu gì người bán. Nên việc tôi mua của chị là tôi đã giúp chị. Cũng vì lẽ đó mà chị nên bớt giá thêm chút nữa cho tôi… mới là người biết chuyện ở đời!
 Nhưng tôi không tham lam đến mức ép chị phải bớt cụ thể là bao nhiêu?
 Dù bớt “chút nữa” là bao nhiêu? Chỉ có trời biết đất biết lòng đàn bà!
 Người bán chỉ biết kêu trời, “Trời ơi! Con vịt như vầy, giá như vầy, bớt gì được nữa mà bớt! Thôi, bà đi đi cho…”
Dĩ nhiên người mua đâu để mất sĩ diện của mình là người không biết (coi) chọn vịt ngon để mua; và đặc biệt là đừng hòng bán mắc (đắt) cho bà. Đặc biệt là không được xúc phạm tự ái phụ nữ – sao lại đuổi tôi: đi đi cho…

Thật là một người buôn bán hung dữ.
Trong khi người bán con vịt ta thán không may vì gặp phải một bà nội trợ keo kiệt!
Câu chuyện còn nổ lớn hơn nữa nếu hai người thiếu tự chế bản thân để đừng gây gổ cho thêm lớn chuyện khi không mua-bán được với nhau. Và toàn bộ câu chuyện diễn ra trong tiếng vịt kêu cạp,… cạp,…
Nên hai người đàn bà với một con vịt là một cái chợ.
Thì thuở còn “làm học trò không sách vở cầm tay”, tôi cà khịa với bạn bè cho hết những buổi trốn học mà cũng chẳng có tiền để đi coi phim hay đi bơi, ăn quà vặt. Đi đá banh là dễ nhất thì con gái không tham gia nên trốn học mà có bạn gái theo cùng thì thường tụm nhau nơi ghế đá công viên để tán dóc cho hết buổi…
Chuyện đàn bà coi vậy mà đeo bám trọn đời người đàn ông. Vì hết đi học thì đi làm, nhưng dù đi đâu… cũng nghe chuyện đàn bà.
 Hai người đàn ông thân nhau trong sở làm thì rất ít người biết; nhưng nếu hai người đàn ông ấy “kỵ” nhau, thì cũng không mấy người biết. Vì chỗ đàn ông thân nhau thường là quán nhậu, bờ hồ câu cá, vườn sau nhà ai với cái lò nướng thịt và thùng bia ướp lạnh… chứ không phải trong hãng, nên không mấy ai biết. Chỗ hai người đàn ông kỵ nhau thì thường là ngoài bãi đậu xe nên cũng không mấy ai hay!
 Nhưng hai người đàn bà chơi thân với nhau trong hãng thì như con cá thu đẻ một lần mười ngàn trứng không ai hay, nhưng con gà đẻ có một trứng thì cả làng biết (vì tiếng cục tác của nó). Trường hợp ngược lại của tình cảm đàn bà là nhỡ hai người không ưng nhau thì không hẹn gặp ngoài parking mà đồn thổi biết bao dư luận chung quanh họ, đến khi đời tư của cả hai toàn hãng biết còn rõ hơn chính họ cũng chưa dừng…
Nhưng có một chuyện đàn bà hiếm hoi như mưa ở xứ đồng khô cỏ cháy này. Đó là câu chuyện về bà Juana, là người phụ nữ Mễ chừng hơn bốn mươi tuổi. Tôi coi trọng bà vì phong cách làm việc có trách nhiệm của bà. Tóm lại là người phụ nữ không nổi bật về nhan sắc, nhưng có nụ cười thân thiện luôn nở trên môi với mọi người, bà làm việc chăm chỉ, không bon chen. Điều tôi kính nể bà nhất là có xếp lớn, xếp nhỏ gì đến chỗ bà làm việc thì bà vẫn làm việc bình thường như không có xếp. Bà Juana không giống các bà khác, những bà luôn than vắn, ngáp dài, làm biếng tổ sư nhưng khi xếp xuống thì tía lia cái miệng, đon đả hỏi chào; tay làm hàm oải vì không ngớt cười như phát dại…
Vì việc làm của tôi với bà Juana có liên đới với nhau, bà đầu line tôi cuối line, nên chừng nửa tiếng đồng hồ là bà phải đến chỗ tôi làm để lấy lại dụng cụ của bà. Thỉnh thoảng máy hư hỏng thì chúng tôi tán dóc về thời tiết, chuyện nấu các món ăn; mùa này thì tán chuyện đá banh là bà Juana mê mẩn liền vì bà thường mặc áo đội tuyển Mễ đi làm vào thứ bảy, chủ nhật là hai ngày không bắt buộc mặc đồng phục. Bà ấy mê bóng đá như đàn ông. Và thêm một điểm bà ta khác phụ nữ là không thích nói chuyện về người nào khác trong hãng khi không có mặt người đó.
 Chuyện sáng nay, sau lời chào hỏi buổi sáng khi bà xuống chỗ tôi làm lần đầu để lấy lại dụng cụ. Bà hỏi thăm tôi về món sườn nướng mà có lần tôi đã mời bà ăn một rẻo sườn vào bữa ăn trưa. Bà ấy thích lắm nên sau đó, tôi có tặng bà nguyên miếng sườn nướng kiểu Việt nam để đem về cho cả nhà bà thưởng thức; cũng là tôi đáp lại một hộp lớn bao tử bò nấu với bắp trắng, xay những trái ớt Mễ thật to nhưng không cay để lấy màu và hương vị, món đó nấu có xương bò như súp và ăn với bánh tráng Mễ là món tôi thích, nhưng nấu không giống như những người bạn Mễ đã nấu cho tôi ăn.
 Bà ấy rất vui khi nghe tôi nói về món ăn Mễ mà tôi ưa thích nên bà đã nấu và múc cho tôi cả hộp nhựa lớn. Tôi được một bữa bưng cả hộp đi nhậu với bạn bè Việt nam và nổ đã đời về tài nấu món Mễ của tôi, bởi ông bạn nào cũng thích và không ngờ là Mễ có món ngon mà chúng ta không biết!
Tôi với bà Juana thành bạn vì công việc không nhiều mà tình thân đúng nghĩa là có thực mới vực thành thân.
 Trưa nay máy móc lại hư hỏng. Thường thì thợ máy sửa chữa chừng nửa tiếng hay một tiếng. Công nhân cứ đi tới đi lui, quét dọn chút đỉnh chỗ mình làm là êm hơn ngồi không tán dóc, hay ngáp vặt! Nhưng máy hư nặng theo dự đoán của nhóm thợ máy. Ông xếp chúng tôi đành cho công nhân về sớm. Tôi mừng quá chừng vì không phải làm mà lại còn được về nhà coi đá banh thì không mừng sao được!
 Nhưng ông xếp chợt nhớ ra việc mới khốn nạn cho tôi. Ông ấy bảo tôi, “Anh đi lên chỗ bà Juana, phụ bà ấy lựa lại mấy thùng gasket cũ. Cái nào còn tốt thì sử dụng lại, cái nào hư hỏng thì bỏ luôn…”
Vậy là tôi với bà Juana có dịp trò chuyện vì ngồi lựa gasket thì dễ như ăn cơm. Tôi hỏi bà ấy:
“Bà Juana. Tự ông xếp bắt bà ở lại làm hết giờ hay tại bà muốn làm đủ giờ?”
 “Là tôi muốn. Tôi xin ông ấy cho tôi làm đủ giờ. Còn anh?”
 “Tôi chậm chân nên bị ông ấy giữ lại, mấy người nhanh chân thật sung sướng về nhà coi đá banh…”
“Tôi xin lỗi đã làm phiền tới anh.”
 “Có gì đâu! Làm nhanh cho xong rồi về coi trận chiều cũng được. Còn bà, không phải sáng nay bà hỏi tôi cách làm món sườn nướng kiểu Việt nam để uống bia, coi đá banh hay sao, mà còn ham ở lại làm…”
“Tôi xin lỗi. Tôi không được như anh, hay những người khác. Các anh được về sớm để coi đá banh thì mừng. Nhưng tôi cần tiền…”
“Vậy tôi cũng xin lỗi bà. Mỗi người đều có hoàn cảnh không giống nhau. Tôi được về sớm để coi đá banh thì cứ mừng trước đi. Chuyện cuối tháng không đủ tiền trả bill thì vợ tôi phụ. Còn chồng bà đâu?”
“Tôi không có chồng…”
“…”
Bà Juana nói lời tự nhiên rồi ân hận hay sao mà cúi gằm làm việc. Không khí đang vui giữa tôi với bà như bị trời chuyển mưa làm u ám. Tôi thấy mình vô duyên khi tọc mạch vô chuyện đời tư người khác,…
Tôi đi mua hai chai coke, trở về chỗ làm để xin lỗi bà. Không khí đỡ ngột ngạt hơn, nên bà ấy lại nói chuyện.
“Sáng nay tôi hỏi anh cách làm món sườn nướng kiểu Việt nam là do con gái lớn tôi rất thích. Nó vừa xong trung học, nhưng tôi chẳng có gì cho con khi nó chuẩn bị đi đại học. Tôi nghĩ… là tôi chỉ có thể làm được món ăn mà con tôi ưa thích để nó được ăn một bữa ngon trước khi xa nhà đi học.”

 “Bà có mấy người con?”

 “Tôi có hai con gái. Đứa lớn vừa xong trung học, đứa nhỏ xong lớp 10.”

 “Bà vất vả nhiều! Vì tôi cũng có hai đứa con. Hai vợ chồng tôi đều đi làm để lo cho chúng còn vất vả. Trong khi bà chỉ có một mình…”
 “Anh biết không? Tôi không có bạn bè, trừ bà Jaclyn trên văn phòng là người bạn duy nhất của tôi. Tôi chưa bao giờ biết nghỉ vacation hay đi du lịch…”
 “Bà nói gì, bà Juana? Bà Jaclyn… bà xếp lớn trên văn phòng là bạn bà đó hả?”

 “Phải. Người bạn duy nhất của tôi trên nước Mỹ này! Chắc anh không tin…”
“Không phải tôi không tin bà. Nhưng tôi thấy… đúng là bà chào hỏi mọi người vui vẻ. Nhưng chỉ là xã giao, rồi thì bà làm việc chăm chỉ và ra về lặng lẽ, một mình. Bà đúng là không bạn bè với ai trong hãng. Nhưng mọi người đều quý mến bà, ai cũng nói về bà là người làm việc giỏi, tánh tình hiền lành…”
 “Cảm ơn. Còn chuyện của tôi thì chính tôi cũng không hiểu vì sao bà Jaclyn lại trở thành người bạn duy nhất của tôi. Anh thử nghĩ coi!… Hay để tôi kể từ đầu cho anh nghe, có phải là hi hữu lắm khi tôi là bạn của bà Jaclyn.
 Tôi không rõ về cha mẹ mình, chỉ biết tôi có hai anh em và sống với ông bà ngoại tôi bên Mễ. Cuộc sống nghèo khổ vì ông bà tôi đã già, chẳng làm gì ra được nhiều tiền để sống sung túc hơn. Khi chúng tôi lớn, bắt đầu đi làm được để tự sống thì ông bà tôi mất.
                              
                                     

 Tôi đi vượt biên với anh trai tôi và người bạn của anh ấy, là chồng tôi khi chúng tôi sang được Mỹ. Tôi không hiểu sao tôi lại lấy người chồng mà từ khi quen biết nhau, anh ấy đã không hề đi làm bất cứ một việc gì để có tiền, chỉ ở nhà uống bia, cạo vé số cạo. Vậy mà tôi sống với anh ấy được sáu năm, lại đẻ hai đứa con. Tôi đi làm hai, ba job, từ sáng sớm tới tối thật tối mới về nhà. Tôi nghĩ những gia đình khác thì chồng đi làm, vợ ở nhà lo cho con. Gia đình tôi ngược lại cũng được vì tôi khỏe mạnh hơn chồng tôi.
Nhưng ngày càng tồi tệ, đến mức con tôi không có gì ăn vì bao nhiêu tiền tôi làm được, chồng tôi chỉ mua bia và vé số cạo, vé số loto… thậm chí tiền trả apartment anh ấy cũng không trả để bị đuổi ra đến mấy lần trong sáu năm như vậy.
 Tôi bị việc làm làm cho u mê vì bên Mễ không có cơ hội đi làm bao nhiêu cũng được như bên Mỹ. Trong khi chồng tôi đã đến mức đánh đập tôi để tra hỏi tiền. Là tôi nhường nhịn chứ tôi đánh lại thì anh ấy sẽ chết. Anh ấy đã biết và tôi thì có thật là tôi không đưa hết tiền đi làm được cho anh ấy giữ nữa vì anh ấy không trả tiền apartment và mua thức ăn cho con. Anh ấy tấn công tôi bằng dao lần thứ nhất để bắt tôi đưa ra số tiền cất giấu. Tôi đợi sáng hôm sau cho anh ấy tỉnh táo mới nói là tôi sẽ gọi cảnh sát can thiệp nếu anh tấn công tôi bằng dao một lần nữa.
 Nhưng cái lần nữa đó vẫn xảy ra không lâu sau đó. Dĩ nhiên là tôi không sao vì chồng tôi vốn đã không khỏe mạnh như người ta, lại rượu bia làm cho yếu sức thêm. Trong khi con gái lớn tôi đã hơn năm tuổi. Đêm đó nó thút thít khóc và nói với tôi, ‘Mẹ dẫn con với em trốn đi. Vì mình ở nhà thì trước sau ba cũng giết mẹ chết. Không ai nuôi chị em con…’
Con nhỏ làm cho tôi tỉnh táo ra. Tôi nghĩ nó nói có lý, nó nói đúng. Vì chồng tôi không giết tôi nhưng bia rượu sẽ giết tôi, lúc tôi ngủ. Và thật là con tôi không ai nuôi.
Đêm đó tôi thức tới gần sáng, tới giờ đi làm. Nhưng tôi không đi làm nữa. Tôi đếm hết tiền giấu được là hai ngàn đô la. Tôi để lại nhà cho chồng tôi một ngàn, và tôi dắt hai đứa con trốn đi.
 Ba mẹ con tôi rất khổ vì không có chỗ ở, tôi cứ chạy theo việc làm xin được ở đâu thì dắt con theo đến đó. Chúng tôi lang thang từ Arizona sang tới Dallas này là việc làm cứ lùa chúng tôi đi. Nhưng ở Dallas này tôi may mắn là xin được việc làm trong một tiệm bán gà chiên. Tôi đủ tiền thuê apartment cho ba mẹ con và bắt đầu cho con đi học.
 Sau giờ làm ở tiệm gà chiên, tôi về dọn dẹp, lau chùi cho căn nhà riêng của ông manager trong tiệm gà chiên để kiếm thêm tiền. Bà vợ ông ấy thích tôi nên giới thiệu tôi đi dọn dẹp cho nhà bạn bè của bà ấy, trong đó có bà Jaclyn.
 Bà Jaclyn rất hài lòng về việc tôi dọn dẹp cho nhà bà ấy. Có khi tiền công của tôi là bốn mươi đồng thì bà ấy cho tôi một trăm. Và tôi thì nhất định không lấy hơn bốn chục. Tôi nói, bà cho tôi việc làm mới quan trọng, bà cho tiền thêm chỉ làm cho tôi trở thành người tiêu xài hoang phí thôi, vì tiền thưởng thường xài hoang phí.
Đôi lần bà ấy hỏi thăm tôi về gia đình thì tôi cũng kể chuyện như đang kể với anh. Bà ấy không cho thêm tiền tôi nữa thì giúp tôi trở thành công dân Mỹ và giúp tôi vô quốc tịch Mỹ. Tôi không biết giá trị của sự giúp đỡ đó rất quan trọng đối với các con tôi. Trong khi tôi chỉ biết bà ấy thường gọi tôi hỏi hôm nào tôi nghỉ, bà ấy ghé apartment chơi với tôi, có khi cả ngày, cùng nấu ăn, uống bia, coi phim, vui chơi… bà ấy cho tôi tình bạn mà tôi chưa hề có trong đời.
 Khi ông bà chủ tiệm gà sang tiệm cho người khác thì bà Jaclyn nói tôi nên đi làm hãng vì tới lúc cần bảo hiểm sức khỏe cho ba mẹ con. Dĩ nhiên là tôi tin bạn tôi nên để bà nhờ một người bạn của bà giúp tôi việc làm. Người đó là ông xếp của mình, nhưng dưới quyền bà Jaclyn. Tôi làm việc chăm chỉ, một phần là thói quen làm việc chăm chỉ của tôi; phần khác là tôi không muốn làm xấu hổ bạn tôi đã giới thiệu việc làm cho tôi. Anh biết không?”
 “Bà thật lợi hại. Tôi phục bà luôn. Bạn của xếp lớn mà tỉnh bơ làm công nhân hạng bét với tôi. Sao không lên văn phòng ngồi cho mát…?”
 “Bây giờ tôi hạnh phúc lắm! Tôi chỉ ước mơ có việc làm cho tới khi con tôi có thể tự đi làm được nếu mình bị thất nghiệp. Thì điều đó đã thực sự đạt tới. Tôi chưa từng đi học ngày nào mà con tôi đi đại học ở Mỹ là điều ngoài ước mơ…”
 “Vậy thì bà còn làm làm chi cho nhiều cho mệt. Về coi đá banh, không phải là môn thể thao bà ưa thích lắm sao?…”
 “Nhưng tôi còn nhiều việc phải làm, mà toàn chuyện cần tiền. Bởi con tôi đã cố gắng nhiều nhưng nó có cha mẹ không có đi học nên nó học không giỏi được. Tôi muốn giúp con tôi tiền học vì nó không có học bổng. Cả hai đứa đều chỉ ở mức trung bình. Và tôi còn món nợ trả không hết!
 Anh biết, sau khi bà Jaclyn giúp tôi việc làm ở hãng này. Một hôm bà hớn hở tới aprtment tôi ở với tin vui, bà nói với tôi là mày có cơ hội không phải ở apartment nữa. Bạn tao bán căn nhà cũ, là nhà nó mua để cho mướn thôi chứ không để ở. Nay nó bán để khỏi phải lo nữa. Nó bán sáu chục ngàn. Nhưng tao nói về mày và muốn nó giúp nên nó bán cho mày ba mươi ngàn đô la thôi.
 Mày không phải lo gì hết! Tao tính sẵn cho mày rồi. Nếu mày ra nhà bank mượn tiền thì phải trả tiền lời. Vậy tao cho mày mượn ba chục ngàn. Mỗi tháng mày chỉ phải trả bằng tiền mướn apartment này thôi. Chừng nào trả đủ cho tao ba chục ngàn là xong. Tao giúp mày không phải trả tiền lời…
Tôi làm theo hướng dẫn của Jaclyn vì tôi không có hiểu biết gì hết về nhà đất. Chỉ gần đây, con gái lớn của tôi có đi học nên nó xin giảm thuế nhà vì thành phố trị giá căn nhà tôi tới một trăm năm chục ngàn, trong khi mẹ nó mua căn nhà này có ba chục ngàn.
 Thành phố không chịu giảm thuế nên nó tìm hiểu thêm mới biết ra người chủ cũ là chồng của bà Jaclyn.”

 “Vậy bây giờ bà tính sao?”
 “Tôi tính chỉ lo hai khoản tiền đại học cho hai đứa con là tôi không lo gì nữa vì tôi cũng mệt mỏi lắm rồi! Nhưng bây giờ tôi còn sức còn làm với ước nguyện một hôm nào đó, tôi trả thêm cho bạn tôi một trăm hai chục ngàn, cho đúng với giá trị căn nhà tôi đang ở. Jaclyn giúp tôi không phải trả tiền lời cho nhà bank đã là quá tốt với tôi rồi!”
 “Tôi thấy bà rất đặc biệt, và đúng là một người đáng được ủng hộ. Còn bà Jaclyn… thì tôi bỏ thành kiến với bà ấy vì bà ta là một bà xếp lớn khó ưa của tôi.”
Bà Juana cười ngất. Xong việc. Chúng tôi ra về hăm hở vì chưa hết game đá banh ở nhà nên vội chia tay để về bắt tay với trái bóng tròn còn lăn trên tivi… Nhưng chuyện đàn bà của Juana làm tôi hơi chột dạ đàn ông vì mình chưa từng tốt với một người bạn nào như bà Jaclyn. Dù chỉ tốt ở tấm lòng còn vật chất thì tùy khả năng – vẫn thua xa đàn bà! Thế mà cứ bảo là “chuyện đàn bà”, hơi đâu nghe cho mệt!


 Phan

GIỌT NƯỚC.


                                                                 
       


Đúng năm giờ bác Chu tài xế xe taxi phải giao xe, nhìn đồng hồ đã năm giờ mười lăm rồi, nên bác tài đem tấm bảng “tạm thời không đón khách” treo lên. Đúng ngày cuối tuần, học sinh trong ký túc xá của trường trung học số bốn mươi chạy ùa ra. Bác Chu tài xế nhịn không được thói quen này nên dừng xe lại, nhìn học sinh đi đi lại lại, chúng nó mặc đồng phục nhà trường, trên mặt tươi cười rạng rỡ.
- “Bác tài, cháu…cháu muốn ngồi xe của bác.” Một bé gái chân đi cà thọt lưng mang cặp sách đi đến, nhìn hai bên phải trái nói vội vàng.

Bác tài nói phải giao xe, và chỉ có dừng xe chút xíu thôi.

Em bé gái cúi đầu, mấy giây sau nó lại thành khẩn nói: “Cám ơn bác, bác tài, cháu chỉ ngồi một trạm là một trạm thôi.”
Hai chữ “cám ơn” làm cho bác Chu tài xế động lòng, bác nhìn lên trên thân em bé gái mặc cái áo giặt trắng tinh, một cái cặp sách cũ không thể cũ hơn được nữa, nên nhịn không được bèn thở dài nói: ”Lên xe.” Em bé gái sung sướng lên xe. Xe đến khúc quanh, em bé gái đột nhiên đằng hắng nói: “Bác tài, cháu chỉ có ba đồng bạc mà thôi, cho nên, đến nửa trạm thì cháu xuống.” Bác tài nhìn trong kính chiếu hậu thấy em bé gái mặt đỏ gất, không nói gì. Đây là xe taxi ở thành phố, giá mỗi đoạn đường có thể là năm đồng.

Lái xe đến trạm dừng công cộng thì bác tài dừng xe lại, em bé đứng nơi cửa vui vẻ nói: “Thật cám ơn bác, bác tài.” Bác Chu tài xế nhìn thấy em bé gái khập khiễng đi về phía trước, đột nhiên trong lòng có chút ái ngại. Cũng từ ngày cuối tuần ấy, bác Chu tài xế mỗi ngày cuối tuần đều nhìn thấy em bé gái đứng đợi ở cổng trường, mấy chiếc xe taxi chạy qua, em bé gái nhìn như không nhìn, chỉ biết đứng chờ. Em bé gái đợi mình ? Bác Chu đoán và trong lòng cảm thấy ấm áp, bác lái xe đến, em bé gái từ đàng xa giơ tay vẫy vẫy, bác Chu tài xế rất kinh ngạc, xe bác ta màu da cam giống với các xe taxi khác, em bé gái làm sao có thể nhìn mà biết được chứ ? Đây là ba đồng, đây là một trạm. Bác tài không hỏi nó tại sao chỉ đứng đợi xe của mình, và cũng không hỏi tại sao chỉ ngồi có một trạm ?

Trong lòng em bé gái có một bí mật nhỏ, bác Chu tài xế rất hiểu điều này. Một lần, hai lần, ba lần, dần dần bác Chu tài xế trở thành thói quen. Cuối tuần trước khi giao xe, thì người cuối cùng phải chở nhất định là cô bé thọt chân trong trường trung học số bốn mươi. Bác tài đem tấm bảng “tạm không chở khách” treo lên, chuyên tâm đợi trước cổng trường. Em bé gái chỉ mười bốn mười lăm tuổi mà thôi, vừa nhìn thấy ông thì giống như con nai nhỏ chạy qua đường, lớn tiếng nói với bạn học “tạm biệt”, bất quá chỉ năm phút đồng hồ là em bé gái xuống xe, câu cuối cùng vẫn là: “Cám ơn bác, bác tài.” Hình như chỉ đợi câu nói ấy, cuối tuần bất kể là đi bao xa thì bác Chu cũng lái xe đến trường.
Có lúc giao xe bị phạt, bác ta cũng nhất định chở em bé gái đi một đoạn đường. Thời gian qua rất nhanh, tình hình này tiếp tục thêm một năm nữa, chớp mắt mùa hè của năm thứ hai đã đến. Nhìn em bé gái mang cặp sách thật nặng nề, bác Chu đột nhiên cảm thấy như đánh mất cái gì đó. Bác biết em đã tốt nghiệp phổ thông cấp hai, và nó sẽ học cấp ba ở đâu ?
- “Bác tài, cám ơn bác, có lẽ đây là lần cuối cùng cháu ngồi xe của bác, thật làm phiền bác quá. Cháu thi đậu trường trung học Tân Tập Nhất, có lẽ nửa năm mới về nhà một lần,” em bé gái nói như thế. Bác tài từ trong kính chiếu hậu nhìn cặp mắt em bé gái, trong lòng rất là không yên. Em bé quả nhiên rất ưu tú, trường Tân Tập Nhất là trường điểm của tỉnh, thi đậu vào đó thì đã bước một chân vào ngưỡng cửa đại học rồi.

- “Vậy thì bác đưa con về nhà.” bác tài nói.
Em bé gái lắc đầu nói mình chỉ có ba đồng bạc mà thôi.
- “Lần này không lấy tiền.” Bác tài nói xong thì nhìn đồng hồ, đưa em bé gái về nhà thì nhất định giao xe bị trễ giờ, có thể bị phạt chút tiền, nhưng có quan hệ gì chứ ? Bác muốn ngồi chung với em bé gái thêm chút nữa. Em bé gái nói địa chỉ rất xa, còn thêm bảy trạm nữa, nửa giờ sau, bác tài dừng xe, em bé ôm cặp bước xuống, bác tài lấy một cái hộp trong xe ra, nói: “Đây là món quà bác tặng cháu.”
Em bé gái kinh ngạc tiếp nhận quà, sau đó cúi mình chào bác tài, nói:
“Cám ơn bác, bác tài.”

Nhìn em bé gái thọt chân đi vào nhà, bác Chu tài xế thở dài. Cháu bé, từ nay không còn gặp lại nữa ? Bác tài cũng không biết tên em bé là gì nữa !

Đã qua mười năm rồi. Bác Chu tài xế vẫn còn lái xe taxi.
Hôm nay, việc làm không nhiều, ông đang lái xe, nhưng lại nghe được chương trình ca nhạc của đài giao thông phát đi chương trình “nhắn tin tìm người, tìm bác tài xế mười năm trước thuê xe của công ty Thắng Lợi, số xe là Axxxx.” Bác Chu tài xế vừa nghe thì ngớ người ra, có người tìm ông ta ? Mười năm trước, ông ta lái chính là chiếc xe này.
Điện thoại gọi thẳng đến tổng đài, người phụ trách tổng đài kinh ngạc đưa cho bác tài xế số điện thoại, bác Chu nghi hoặc, là ai nhỉ ? Mỗi ngày bận bịu vì kế sinh nhai, ngoại trừ bà vợ ra thì bác tài không quen biết người phụ nữ nào khác.
Gọi điện thoại, bác tài nghe âm thanh của một cô gái trẻ, cô ta kinh ngạc vui mừng hỏi: “Là bác sao, bác tài ?”
Bác tài giựt mình, âm thanh này, lời nói này rất là quen thuộc, nhưng bác tài không nhớ là ai cả.
- “Cám ơn bác, bác tài.” Cô gái lại nói.
Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, khi gặp cô gái ấy, bác Chu hình như nhận không ra, trước mắt là một cô gái thướt tha, là bé gái mười năm trước đi xe chỉ có ba đồng bạc đó ư ? Cô gái đứng lên cúi mình chào bác tài và nói: “Từ trong lòng cháu cám ơn bác, bác tài.”

Uống cà phê, cô gái kể chuyện ngày trước: Mười hai năm trước, ba của cô cũng là một tài xế lái xe taxi, ông rất thương yêu cô gái, mỗi ngày cuối tuần, dù bận cách mấy ông cũng lái xe đến trường đưa cô về nhà. Tết đến, cả nhà về quê ăn tết, vì để mang được nhiều đồ, ba của cô mượn xe bánh mì của người bạn. Lái xe được nửa đường, đột nhiên tuyết rơi rất nhiều, không may tông vào một chiếc xe hàng, xe bánh mì bị hư toàn bộ, ba của cô chết tại chỗ, từ đó chân của cô bị thương nặng. Chôn cất ba xong, mẹ phải bồi thường xe cho người bạn của ba một khoản tiền lớn, và để làm phẫu thuật chân cho cô, nên mẹ làm việc ngày đêm không nghỉ, còn cô, sau khi vết thương lành thi lập tức đi học, nhất tâm muốn mau lớn. Cô rất kiên cường, việc gì cũng có thể chịu đựng, nhưng duy chỉ có một việc là không chấp nhận người khác thương hại mình. Cho nên, cô không nói cho ai biết việc bị tai nạn trên đường. Tan học về nhà, khi bị bạn học hỏi tại sao bây giờ lại đi xe công cộng ? Cô bé nói dối là vì ba đi xa, nói dối được nửa năm, cho đến khi gặp bác Chu tài xế. Cô bé thấy chiếc xe taxi dừng bên đường không chút động đậy, giống như ba cô bé lái xe đến đợi trước cổng trường.
Cô bé chỉ có ba đồng để đi xe công cộng, nhưng cô bé lấy tất cả để ngồi xe taxi, chỉ ngồi một trạm, sau đó đi bộ nửa giờ nữa về nhà, mặc dù đường rất xa, nhưng cô bé vẫn thản nhiên đi, bởi vì không ai có thể đoán biết là ba của cô bé đã chết.

- “Bác nhất định không biết, chiếc xe taxi mà bác đang lái đó là chiếc xe mà ba của cháu đã lái, số xe cứ in mãi trong óc của cháu.”
Cô gái nói xong thì nước mắt rơi xuống: “Cho nên, từ xa xa, chỉ cần nhìn thì cháu liền nhận ra nó.” Bác Chu tài xế thấy lỗ mũi nóng, chút xíu nữa thì cũng chảy nước mắt.

- “Tấm huy chương này cháu luôn mang trên mình, cháu không biết, nếu không có nó thì cháu có thể đi được đến ngày hôm nay không. Hơn nữa, bác trả lại cháu tiền xe, cháu vẫn cứ giữ nó. Có một chút tiền, cháu cảm thấy vấn đề gì cũng có thể khắc phục được. Mặc dù mất phụ thân, nhưng cháu vẫn có phụ thân như cũ.” Nói xong, cô gái lấy trong túi ra tấm huy chương mang vào mình. Góc cạnh của tấm huy chương đó đã biến thành màu đen, sau tấm huy chương có viết hàng chữ: “Chúc cuộc sống của con cũng như tấm huy chương này.”
Tấm huy chương này là của bác Chu tài xế làm quà tặng cho cô gái mười năm trước. Cô gái dắt cánh tay của bác Chu tài xế rời khỏi quán cà phê. Nhìn cô gái lái xe đi rất xa, bác Chu dừng xe bên đường, để cho nước mắt chảy xuống. Cô gái thọt chân ấy, cô gái ấy bây giờ bác tài mới biết tên cô ta là Lâm Mỹ Tuyết, cô gái và con của bác tài đã chết cách đây mười năm vì ung thư, thật quả là ấn tượng giống nhau ! Con gái của bác khi còn sống, cứ mỗi ngày cuối tuần thì bác đều lái xe đến trường đón nó. Con gái trước khi lên xe thì nói: “Cám ơn ba.”, xuống xe cũng câu ấy: “Ba, con cám ơn ba.”, làm cho bác tài cảm nhận được rất nhiều hạnh phúc !

Tấm huy chương ấy là của con gái ông được thưởng trong kỳ thi Olympic, đã làm cho ông ta rất kiêu hãnh và hy vọng, nhưng con gái ông đột nhiên chết đi khiến cho ông ta không kịp đề phòng. Lại đến ngày cuối tuần, đi ngang qua trường trung học số bốn mươi, ông ta đều dừng xe lại, hình như con gái vẫn có thể từ cổng trường chạy ra, lên xe, và lớn tiếng nói: “Ba, cám ơn ba.”

Trên đường trở về nhà, bác Chu mua một tờ báo, vừa mở báo ra xem thì bác liền thấy ngay hình của cô gái thọt chân ấy. Cô ta cười tươi với bác Chu tài xế, trên đề mục có chạy hàng chữ lớn: Lâm Mỹ Tuyết – phó tổng giám đốc trẻ nhất của công ty đa quốc gia, niềm kiêu hãnh của thành phố S...” bác Chu tài xế kinh ngạc há hốc miệng, đọc nhanh như chớp, vừa đọc vừa móc túi lấy thuốc ra hút theo thói quen.
Đột nhiên, tay của ông ta chạm phải một phong bì, lấy ra, bên trong phong bì đựng đầy tiền đô la Mỹ dày cộm, bác Chu ngớ ra, bác ta nghĩ không ra Lâm Mỹ Tuyết bỏ tiền vào túi ông lúc nào ? Có phải khi cầm cánh tay mình dẫn đi không ?

Giữa xấp tiền mỹ kim ấy còn kẹp một tờ giấy nhỏ: “Bác tài, đây là lợi tức của yêu thương, xin bác nhận lấy. Cái vốn vô giá thì vĩnh viễn ở trong lòng cháu. Cám ơn bác, bác tài !”

Cặp mắt của bác tài lại mờ mờ thêm một lần nữa...

 

"Nhảy Múa dưới cơn mưa"

                                          
                                    


Lúc đó khoảng 8;30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn. Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cu nói ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ. Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngồi chờ vì tôi biết phài hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ. vì lúc đó tôi cũng không bận với một bịnh nhân nào khác cả.
  Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ. Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phài không.
      Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó. Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bịnh Alzheimer (bịnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi). Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trể một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, " và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buồi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa?" Ông cụ mĩm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói "Bà ấy không còn  biết tôi nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai."
  Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ, "Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế!"

                                 
         

     Tình yêu thật sự không phải là tình yêu thân xác, cũng không phải là tình yêu lãng mạn.
     Tình yêu thật sự là sự chấp nhận tất cả những gì đang có, đã từng có, và sẽ có hoặc không.
Mỗi ngày bạn nhận được rất nhiều email và phần lớn là chuyện vui hoặc chuyện khôi hài; nhưng thỉnh thoảng cũng có những email mang theo những thông điệp có ý nghĩa như thế này. Và hôm nay tôi muốn được chia xẻ thông điệp này với các bạn.
Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những  gì mà mình có được. Tôi hy vọng bạn chia xẻ ý tưởng nay với những người mà bạn yêu mến.

      "Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa".

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

TÔI BÁN THỜI GIAN.....!




                                                                                                                                                             



 
TÔI BÁN THỜI GIAN AI CÓ MUA
 

Tôi ước mình có cơn mơ đẹp
Ở chốn thiên thai có chị Hằng
Nằm nghe tiếng sáo vi vu thổi
Khúc nhạc tình si ôi đắm say
Nhưng khổ thân tôi toàn mộng ảo
Nên đời trừng phạt phải thức đêm
Nằm nghe tiếng lũ côn trùng réo

 
Rả rích từng cơn tiếng ểnh ương
Buồn nghe não nuột lòng cô lẻ
Chẳng biết thời gian có đắt không?
Ngày mai rãnh rổi mình rao bán
Một khắc đêm khuya một lạng vàng!
Đắc nhỉ? chắc là phải để dành làm của,

Tiệm net một giờ có năm ngàn !

Hương Phụng HD 83 – 86.


Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Dâu của tui dạy con kiểu Mỹ

                                        


Con trai tôi du học, sau khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Mỹ tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa "thăm người thân". Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu Susan có cách giáo dụccon cái làm tôi đây - người mẹ chồng - phải đại khai nhãn giới.



Phần 1: Không ăn thì cứ nhịn đói

Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sáng lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.
Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.

Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.
Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.
Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!
Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam cho bữa tối. Tôi lại thầm nghĩ, Peter đặc biệt thích món ăn Việt Nam, nhất định Susan thấy sáng nay cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có thể ăn được một tô lớn.
Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn nét mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng. Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trưng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu món Việt. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.

Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.

Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm đí theo sau đuôi nó, dỗ dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngoãn ăn, mà còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một kiện đồ chơi…



Phần 2: Ăn miếng trả miếng


Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi tới. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter, đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý. Một lần, mấy cháu đang chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ. Susan đang ngồi nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.” Peter bất lực quay đi. Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên. Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi và tụi nó.” Susan không đả động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” "Mẹ ơi, mẹ đi với con nhen”, Peter thỉnh cầu. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề". Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.

Phần 3: Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ nó



Song thân Susan, biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo. Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch.” Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan". Một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con biết.” Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.
Ở rất nhiều gia đình Việt nam, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy. Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi: “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ". Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.

Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn trước mặt con cái. Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ lần này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm quà rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho nó!”

Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, mà sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này” với giọng thích thú và mong đợi.
Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ. Nghĩ đến nhiều đứa trẻ Việt Nam coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo