a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

MÙNG 3 TẾT THẦY


Sáng sớm tinh khuya, khi ấy phải chờ má đi chợ tay xách nách mang đủ thứ, quan trọng là má mua gà và nhờ họ làm sẵn con gà ở chợ mang về, má luộc gà mang đồ trái cây ra cúng đất đai ông bà, trước sau trong ngoài, đi khắp nhà cũng cả chục bàn thờ chứ chẳng ít ỏi gì.

Sau khi cúng cũng bảy tám giờ sáng gì đó, có đứa còn ngủ, chưa đủ giấc vì tối qua mồng hai đi chơi đến tối mới về, còn chơi bầu cua cá cọphay ngồi tụm lại trò chuyện đến khuya. Lần Tết cuối quê nhà, trước khi khăn gói đi xa, gia đình chỉ còn lại mình là lớn nhất, vì anh chị cũng đã khăn gói, không đi nước ngoài cũng lên Thành đô mà học hay làm việc, rồi cứ thế mà tiếp tục từng tốp, từng tốp mà rời khỏi căn nhà ấm cúng này.

Khi má bày biện cúng kiếng thì toàn là thịt nào gà xé phay, thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu, bánh tét cắt khoanh... Vì mồng một ăn chay, mồng hai và mồng ba lại được ăn thịt, mừng lắm chứ. Mồng ba cha nói ' Tết Thầy' dù một chữ cũng là thầy. Nhưng năm cuối cùng ấy, còn phải học hành vì còn chỉ vài tháng là phải ra đi rồi, sao mà đi đâu chơi, như con mọt sách chỉ trốn trên lầu và cặm cụi vào mấy quyển sách. Ngoài đường phố đông đúc người qua lại, có khi còn chen chúc nhau mà đi vào khu vui chơi, mình thì lù khù trong gác trọ.

Rồi ngày mồng ba, học trò cha nhiều lắm đến thăm, ít ít cũng hơn chục học trò một ngày, họ đến rồi đốt nhang trên bàn thờ ông bà của gia đình, rồi thăm hỏi chúc thọ cha, cha dạy học trò cái nghề và cái  'nghĩa' ở đời. Cả nhà nhìn thấy học trò cha thăm hỏi cũng vui lây, vì ai cũng đến thăm chúc thọ cha, nhưng học trò đến có khi có mang theo con nhỏ, má thì chuẩn bị sẵn bao lì xì, rồi phát cho chúng sau đó cho ăn bánh mứt, nhưng má không cho con nít phá cây cảnh, cây mai, hạnh ngày Tết, má quí lắm, chăm sóc mỗi ngày tước lá mai cả tháng trước Tết, cho nó ra hoa đúng ngày ba mươi. Cây sung cũng thế, nó cứ sum suê um tùm trái và trái, rồi ai cũng đến xin nhưng má không cho, vì trái sung khi hái ngắt thì nó không còn ra trái nữa.

Hải ngoại xa xôi, đồng hương, đồng môn, rồi đồng trường... nhiều lắm, nhưng nó xa xôi quá, vì môi trường xã hội tiếp xúc quá khác biệt, sao mà giống nhau. Xã hội phương xa đòi hỏi sự phấn đấu đó là lý trí, không phải dễ dàng vượt qua, vì nó còn xa tầm tay, nó đòi hỏi cái chất mà ta có được từ cơ bản từ Thầy mà ra, phải cố gắng cho nó vào óc, nếu chỉ dừng lại và chấp nhận mọi thứ thì sẽ khó thành công và rồi cho là hoàn cảnh bắt ta phải thế. Cái 'lý trí' nó đánh gục mọi lý do, còn ngược lại mình sẽ phải đầu hàng nó.

Không còn trẻ nhưng lúc nào cũng phải học, học để có thể theo kịp với cuộc sống hiện tại nó là bánh xe lăn theo dòng đời, nó không dừng lại không chờ đợi ai, nó dẫm lên những kiến thức cũ kỹ và bảo thủ, phải học nếu mình cứ nghĩ rằng mình ở phương xa thì không cần làm cũng sống.

'Làm người nhớ phải mang ơn' cha nói, dù ít hay nhiều khi 'nhận một phải trả mười' đừng theo người 'ăn cháo đá bát'. Đừng tập thói quen 'cái gì cũng ngồi không yên chỗ' thế giới bên ngoài có bùng nỗ thì mình vẫn ngồi đó mà trầm tĩnh, phải học cái 'nhẫn' và cái 'tâm' ở đời. Mình sẽ giúp mình, nước đến chân thì phải dời, còn nó nỗ đì đùng đừng nhảy vào mà mang chuyện khó vào thân.

Mồng ba Tết Thầy, nhắc nhỡ rằng con người 'có trước, có sau' có tâm, có thiện sẽ an vui tự tại, chẳng gì mà mang cho mình cái 'khổ' bon chen, hám danh ảo tự mình cho mình lên trời cao rồi té xuống đau, một tay xoay chuyển, với tới trời xa, 'ông trời có mắt' người đời nói thế, rồi sẽ có hạnh phúc nếu buông nó ra, thù hằn con người từ xa xôi vẫn mang theo, cái quá khứ nặng nề mang theo thì sao có thể có cái tương lai nhẹ nhàng?!.

Bài học hay nhất ở đời là tự dạy lấy mình


Snowynguyen Mồng ba xuân Giáp Ngọ