a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ




Tôi đến Cổ Cò vào một buổi chiều cuối tháng 9/1977 trên một chiếc ghe chở lúa không mui, không chỗ ngồi. Nhìn con nước chảy xuôi ra biển, trong lòng tôi lúc đó có lẽ là một chút buồn rầu hơn là niềm hân hoan của một cô giáo mới.
Thay vì ra trường năm 75 và được chọn nhiệm sở theo học lực (Tôi đã chẳng lo nhiều vì lớp tuyển sinh khóa SPVH chỉ 40 sv mà tôi là người duy nhất ở tỉnh ST) nhưng tất cả là ý trời!
Từ Bãi Xàu xuống Cổ Cò không xa, nhưng vì địa thế sông ngòi chằng chịt nên ngày ấy chỉ có thể đến Cổ Cò bằng ghe, xuồng. Mỗi ngày một chuyến từ Cổ Cò lên Bãi Xàu vào lúc nửa khuya và về lại Cố Cò vào buổi xế trưa khi khách đã mua đủ hàng hoá. Thính thoảng cũng có những ghe lúa tư nhân lên chợ như chuyến tôi quá giang về Cổ Cò lần đầu tiên.
Ghe áp bến thì con nước cũng lớn đầy, may là tôi đã gặp thầy T đi cùng chuyến nên được thầy nấu cho ăn nhờ buổi cơm chiều và được thầy gởi gấm trọ qua đêm ở nhà bác láng giềng kế cận.
Trường Ngọc Tố chỉ có 4 gian. Không có văn phòng ban giám hiệu, hiệu trưởng còn phải ở ké trường Công Nông gần đó. Những giáo viên đi trước đã ổn định, còn tôi ma mới chẳng biết mình phải ở đâu và sống sao để có thể làm tròn nhiệm vụ. Xuống xem trường sở đôi ngày, tôi trở về và không có ý định quay lại nữa.
Những năm 77 đời sống khó khăn. Đi xa với mức lương 50 đồng một tháng và mười mấy kí gạo, một ít nhu yếu phẩm thực sự là một cố gắng lớn của giáo viên.
Má tôi không đành lòng để tôi đi xa như vậy. Bà chắc lưỡi nói "Thôi, con ở nhà má nuôi".
Tôi bỏ nhiệm sở đúng hai tháng, rồi cũng khăn gói xuống Cổ Cò. Một người quen của ba ở Cố Cò nói có căn nhà kho trống phía trước bờ sông có thể cho tôi mượn ở tạm trong những ngày đi dạy xa. Ba tôi cẩn thận hơn thu xếp cho đứa em trai chuyển trường xuống ở cùng chị cho đỡ quạnh hiu.
Vậy là Cổ Cò đã giữ chân tôi trong 3 năm để tôi làm người lái đưa nhóm học trò từ lớp 7 đến lớp 9 hoàn tất chương trình Phổ thông cấp 2.
Có biết bao kỷ niệm để nhớ...Mỗi lần về lại BX và mỗi lần ra bến đò chờ con nước đổ xuôi là lòng tôi lại xa xót. Hình như nhìn con nước đổ cuồn cuộn về biển xa là tôi lại mang tâm trạng của một chiếc thuyền nan, một ngày nào đó sẽ không thể nào về lại bến cũ.
Có những buổi chiều chập choạng hoàng hôn, ghe mới cập bến nỗi buồn của tôi bị cắt đứt bởi tiếng reo "cô Hương về rồi! Cô về rồi" và bọn trẻ ùa tới phụ tôi xách giỏ, tiếng ríu rít vang động con đường tối mờ "Cô chấm bài văn của tụi em chưa?". Học trò như vậy tôi bỏ sao đành.
Có những ngày mưa, đường từ chợ xuống trường phải đi ngang qua khúc nhà thờ ngay ngã tư sông. Mưa và triều cường làm đoạn đường sạt lỡ, trơn trợt. Một lần mang guốc lội trên bùn, tay ôm chồng vỡ học trò, tôi bị té chỏng gọng. Nhưng may, ngày nào đến trường cũng có vài em ở gần đợi cô cùng đi nên "cô ngã, trò nâng". Các em nhanh chóng lượm sách, đỡ cô dậy còn nói "chưa bắt được con ếch nào cô ơi!".Tôi chưa kịp mếu đã phải phì cười. Vậy là mùa mưa cô trò cứ xăn quần lội bùn tới trường. Em Bố vừa nhắc với các bạn trên fb là bị thầy Hội rầy "con gái lớn đi học còn bỏ chân không" kỷ niệm này có cô cùng chia xẻ vậy.


Còn biết bao điều để nhớ nữa. ..Tôi nhớ và thương những đứa học trò nhà quê của mình, vừa thiệt thà vừa giỏi giang. Sân trường bị lún, các em đã cùng thầy cô khuân đất phía sau trường đắp lại nền sân trước để giờ chơi các em nhỏ chạy giởn an toàn. Và năm thầy Cai sắp chuyển đi, thầy cũng đã cùng các em xin phụ huynh hổ trợ chà và cây để làm kè cho đoạn đường phía trước nhà thờ. Hôm đó nước mau lớn quá. Nhìn thầy và các em nam sinh lặn hụp giữa dòng nước cuồn cuộn mà lòng lo âu, cứ sợ những bất trắc, cũng may mọi việc đều suôn sẻ.
Không chỉ có học và lao động nhàm chán. Cô trò mình cũng có những ngày vui. Nhớ dịp tết năm lớp 8 trường Ngọc Tố cũng tham dự buổi văn nghệ tất niên của huyện Mỹ Xuyên. Những buổi tối tập dợt ở nhà của Thu Hương, cô dạy các em làm đèn hoa sen, đi gom từng khúc đèn cầy vụn để làm hoa đèn rồi đến nhà cô để tổng dợt trước khi trình diễn. Một đội đoàn kết như vậy thì cầm chắc giải nhất rồi.
Nếu chỉ kể điểm tốt mà không nói đến tật phá phách, ham chơi của học trò là điều thiếu sót. Tôi nhớ hôm đó sắp thi học kỳ, tôi đang ôn bài cho các em thì nghe tiếng cười khúc khích ở cuối lớp rồi lan ra. Tôi giận lắm, xếp quyển sách lại và đến bên cửa sổ nhìn ra mênh mông. Chợt tiếng chim cu gáy gọi bạn rộn rã lan trên đồng lúa. Ừ! Học trò mình đã lớn, tuổi 15, 16 rồi. Các cô cậu đã biết nheo mắt cười với nhau. Ôi! Năm tháng đi qua...
Những ngày mới xuống Cổ Cò với dãy phố chợ buồn thiu, sáu bảy giờ chiều là đìu hiu cửa đóng. Bốn năm trấn thủ lưu đồn mới được xin về. Bốn năm là một chặng đường thăm thẳm vậy mà bây giờ nhớ lại thấy vui. Tôi đã được sống trọn vẹn chính mình.
Năm ngoái có dịp gặp anh Cai ở Melbourne, anh có nhắc ngày xưa đi dạy cực quá. Những ngày mà buổi cơm chỉ có vài cái trứng kho tộ, một nồi canh bí đao. Có ngày các thầy đi chày cá chỉ được một nhúm cá chốt. Giờ ra chơi hết tiết dạy các cô về làm cơm, học trò lăng xăng làm cá phụ. Có lẽ chưa có nơi nào mà cô giáo bị học trò thương như vậy!
Rồi thì cũng đến lúc phải chia tay. Năm đó cô Hạnh được chuyển về quê, các em cũng sắp hết lớp 9. Để có một buổi chia tay đáng nhớ. Các cô thầy đã tổ chức một buổi lửa trại với trường Hoà Đại đế cô Hạnh có dịp thăm lại học sinh ở trường cũ. Buổi tối hôm đó thật vui, thật đáng nhớ phải không?
Một lần làm người lái đò đưa các em qua sông và cũng tự mình gác mái theo giòng trôi, nước lũ. Giờ cô trò mình cũng đã qua hơn nửa đời người. Nhớ về Cổ Cò, về các em lòng tôi luôn có những dư vị ngọt ngào. Hãy để ký ức cũ luôn tươi đẹp để khi nhắc đến vẫn còn chút gì để nhớ để thương.

Tất Hương
HD65


THU VÀ QUỲNH




NGHĨA MẸ - CÔNG CHA