a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

NGƯỜI MẸ KHÔNG QUEN BIẾT - Nguyễn Thị Thanh Dương

 


Người đàn bà lớn tuổi, nhếch nhác, tay cầm chiếc nón lá tay xách cái ba lô bộ đội màu đã cũ. Bà ghé vào một nhà hỏi thăm:

 - Cô ơi cho tôi hỏi nhà ông bà Minh Vũ, họ đi đâu cả rồi?

 Nhà ông Minh Vũ sát nách nhà cô hàng xóm, sáng nay ông bà đi vắng nên cổng đã khoá. Cô nhìn qua cách ăn mặc người đàn bà và nghe giọng nói cũng đoán được:

 - Bác từ ngoài Bắc vào thăm ông bà Minh Vũ hả, ông bà vừa đi vắng chốc nữa mới về.

- Ôi, thế thì tôi phải đợi thôi… tôi đáp tàu hỏa từ bắc vào đây cô ạ.

 - Vậy thì mời bác vào nhà cháu ngồi chơi đợi ông bà Minh Vũ về.

 Cô rót một ly nước trà mời bà khách của nhà hàng xóm. Bà khách bắt chuyện:

 - Cô ở đây lâu chưa? Ý tôi là cô hàng xóm với ông bà Minh Vũ lâu chưa?

 - Lâu lắm rồi bác, cháu chơi với Minh Tâm con út ông bà Minh Vũ từ ngày còn bé đến giờ. Tình hàng xóm giữa bố mẹ cháu và ông bà Minh Vũ rất thân thiết…

 Bà khách hỏi lại:

 - Thế thằng Minh Tâm cũng ở đây với bố mẹ từ ngày ấy đến giờ nhỉ?

 - Dĩ nhiên rồi, hai ông bà Minh Vũ đều thương yêu và cưng chìu Minh Tâm lắm, chưa ai sung sướng bằng Minh Tâm, con út mà cứ như con một ấy..

 Người đàn bà thoáng đăm chiêu im lặng, cô hàng xóm chẳng biết nói gì thêm

 - Cô thấy thằng Minh Tâm thế nào? Nó giống bố hay mẹ?

 - Cháu thấy Minh Tâm giống ông Minh Vũ ở cái cao ráo.

 Bà khách nửa đùa nửa thật:

 - Thế cô thử nhìn xem Minh Tâm có giống tôi tí nào không?

 Bây giờ cô hàng xóm mới nhìn người đàn bà kỹ hơn, Minh Tâm giống bà ở đôi mắt mí lót và cái miệng hơi rộng nhưng không kém phần duyên dáng dễ mến. Bà này tuổi trẻ chắc có một thời nhan sắc:

 - Vâng, Minh Tâm có vài nét giống bác. Vậy bác là họ hàng về phía ông hay bà Minh Vũ?

 Bà khách Bắc lấp lửng:

 - Họ hàng xa ấy mà…

 Ông bà Minh Vũ về đến nhà thế là người đàn bà vội cám ơn và từ giã cô hàng xóm để sang bên ấy… Ông bà Minh Vũ có 3 người con, một trai một gái lớn đã lập gia đình ở riêng, cả hai sự nghiệp vững vàng và giàu có, chỉ còn hai ông bà với cậu con trai út Minh Tâm. Bà ở nhà quán xuyến một cửa hàng tạp hóa ngay gian nhà trước, ông làm công chức nay đã nghỉ việc, kinh tế gia đình khá giả, cậu út tha hồ được bố mẹ cưng chìu. Cậu út cũng thành đạt như anh chị, Minh Tâm tốt nghiệp bác sĩ y khoa xin được làm ngay tại bệnh viện đa khoa Bà Chiểu chẳng phải xa cha mẹ ngày nào... Bà Minh Vũ thường hãnh diện nói với hàng xóm:

 - Thằng Minh Tâm có hiếu lắm, nó bảo sẽ ở với bố mẹ cả đời, cô nào lấy nó phải chấp nhận điều kiện ấy.

Minh Tâm đẹp trai học giỏi như thế, cha mẹ nhà cao cửa rộng như thế thì cô nào dám từ chối điều kiện thường tình ấy.. Nghe đâu Minh Tâm đang yêu một cô gái là ái nữ một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng ở Sài Gòn. Chuyện nhà ông bà Minh Vũ đẹp toàn vẹn như trong tiểu thuyết. Cả ông bà Minh Vũ đều ngạc nhiên khi thấy người khách lạ bước vào nhà. Vài phút sau ông Minh Vũ vẫn còn ngờ ngợ:

 - Có phải bà là… bà Thi?

 Bà Minh Vũ đã nhận ra:

 - Chào bà Thi, mời bà vào nhà…

 Bà khách chậm rãi lên tiếng:

 - Vâng, tôi xin chào hai ông bà…

 Bà khách kín đáo ngắm nghía quanh nhà, ngôi nhà cao ba tầng lúc nãy đã làm bà choáng bây giờ vào bên trong nội thất trang trí lịch sự sang trọng càng làm bà khách choáng thêm. Bà cay đắng nghĩ thầm: “Sao mà số họ cứ mãi giàu có sung sướng thế nhỉ…”

 Bà Minh Vũ hỏi:

 - Chắc bà vào Nam thăm người thân họ hàng và ghé thăm chúng tôi luôn thể, chúng tôi mừng thấy bà vẫn khỏe mạnh.

 - Tôi chẳng có tiền bạc và thời gian đi vào tận đây thăm họ hàng nào cả..

 Bà khách buông câu nói lửng lơ dường như để cho chủ nhà thấm thía rồi mới nói thêm:

 - Nghe người làng vào Sài Gòn về kể ông bà khá giả, thằng Minh Tâm làm bác sĩ tôi mừng lắm, tôi không ngờ cuộc đời tôi lại có được người con tài giỏi như thế nên tôi mới lặn lội đường xa vào thăm con để xem mặt mũi nó ra sao…

Ông bà Minh Vũ cùng nhìn nhau, cùng một câu hỏi trong đầu không biết bà Thi vào thăm con hay vì mục đích gì qua câu nói vừa rồi… Khách bắc vào thăm nhà ông bà Minh Vũ như những nhà khác sau năm 1975, bà ở tại nhà ông bà Minh Vũ vì không có họ hàng nào khác, họ tiếp bà như một người làng và hơn thế nữa như một người thân trong họ.

 Ông Minh Vũ xưa là công tử con nhà giàu nhất làng, học giỏi nhưng cũng giỏi ăn chơi bay bướm, cha mẹ cưới cho ông một bà vợ, con nhà gia giáo hiền thục để kềm giữ bước chân hoang đàng của ông nhưng không hiệu quả gì. Ăn ở với vợ được hai mặt con, ông Minh Vũ vẫn chứng nào tật ấy, ông mê đánh bạc và mê đàn bà, ông Minh Vũ đã gặp bà Thi trong một chiếu bạc, hai người kề vai tựa má nhau trong chiếu bạc mà nên tình.. Mối tình đắm say cả làng đều biết.

Bà Thi có thai đẻ ra thằng con trai, bà một mực bắt ông Minh Vũ cưới bà làm thê thiếp, nhưng cha mẹ ông Minh Vũ đời nào chấp thuận một người đàn bà bị chồng bỏ vì ăn chơi bạt mạng rồi lang chạ với hết người này đến người kia về làm dâu con trong nhà mình dù là ngôi vị dâu thứ, không chính thức. Thế là bà Thi đem đứa con còn đỏ hỏn đến giao cho ông Minh Vũ, bà Minh Vũ đã giúp chồng, bà chấp nhận nuôi đứa trẻ thơ vô tội, bà cảm kích tình cảnh đứa trẻ bị mẹ bạc đãi, đã xem con chồng như con chính mình đẻ ra.

Năm 1954 ông bà Minh Vũ và các con di cư vào Nam. Bà Thi biết trước, biết mình sẽ mất đứa con trai nhưng bà không phản ứng gì. Thế mà hôm nay bà Thi lại vào Nam tìm thăm đứa con bà đã bỏ rơi. Khi Minh Tâm đi làm về bà Minh Vũ giới thiệu bà khách với con:

 - Đây là dì Thi họ hàng bên mẹ. Dì Thi từ Bắc vào thăm gia đình chúng ta.

Minh Tâm đã quen với những khách từ bắc vào thăm gia đình mình, nào người thân bên họ cha lại người thân bên họ mẹ nên chàng vui vẻ nhã nhặn:

- Cháu chào dì Thi đến chơi

Minh Tâm vô tư bao nhiêu thì bà Minh Vũ lo âu bấy nhiêu. Bà Minh Vũ cứ luẩn quẩn bên con, bà sợ sẽ mất con, bà Thi sẽ làm điều gì đó với thằng Minh Tâm của bà. Ông Minh Vũ bây giờ không còn là ông Minh Vũ ngày xưa nữa, ông đã là người chồng người cha tốt. Gặp lại người xưa bệ rạc, ông cảm thương dù trong thâm tâm ông vẫn oán trách bà Thi trong quá khứ đã lợi dụng đứa con làm tiền ông và đã phủi tay ruồng bỏ đứa con không thương tiếc. Mỗi buổi sáng ông bà Minh Vũ đều đưa bà Thi ra hàng quán ăn điểm tâm, tiếp đãi lịch sự nay món này mai món khác. Sáng nay sau khi đi ăn phở ở đầu phố về thì cả ba người lại ngồi vào bàn hàn huyên chuyện trò, bà Thi đã kể chuyện đời mình:

- Cái số tôi lận đận chẳng ra gì, sau dạo chia tay ông Minh Vũ thì thời cuộc đến, giá mà tôi cũng di cư vào Nam như ông bà thì đỡ khổ thân tôi. Sau đó tôi lấy chồng, trời quả báo hay sao ấy, thằng chồng này dữ dằn vũ phu, tôi chán nó mà không làm gì được nó, không dám bỏ nó, vợ chồng với 3 đứa con sống nghèo khổ trong căn nhà tềnh toàng, vất vả cực nhọc, ruộng nương mà cũng chỉ ngô khoai vào bụng.

Bà Minh Vũ bùi ngùi:

- Thế rồi các cháu khôn lớn có khá hơn không?

- Tài thánh gì má khá lên được hở bà! 3 đứa con tôi có đứa nào được đi học đến cấp hai đâu, chữ nghĩa chỉ một rúm thì chỉ có đi làm ruộng, làm thuê, đời cha mẹ nghèo đời con cháu cũng nghèo theo, căn nhà vẫn nghèo xấu nhất làng…

 Bà Thi than thở xong và thay đổi ngay thái độ:

- Nhưng hôm nay tôi đến đây không để nhận những lời an ủi suông của ông bà đâu nhé. Tôi có việc đấy…

Bà Minh Vũ giật mình:

- Bà nói thế là ý gì?

- Tôi chẳng có nhiều thì giờ mà ở đây quanh co, nói toạc ra là tôi cần ông bà… giúp đỡ một món tiền về làm vốn…

 Ông Minh Vũ nghiêm nét mặt:

- Bà muốn gì? Bà đang làm tiền chúng tôi đấy hả?

Bà Thi lạnh lùng:

- Ông bà có tất cả những gì mà cả đời tôi không có, hạnh phúc và tiền bạc, thì cũng nên chia cho tôi hưởng chút ít phước đức của ông bà chứ. Hãy đưa tôi một món tiền thì không đời nào thằng Minh Tâm cũng như hàng xóm láng giềng của ông bà biết nó là đứa con già nhân nghĩa non vợ chồng trên chiếu bạc thâu đêm của tôi và ông Minh Vũ. Minh Tâm vẫn mãi là con yêu quý của bà Minh Vũ và tôi mãi là bà dì họ như bà Minh Vũ đã giới thiệu.

Ông Minh Vũ tức giận:

- Bà đã bỏ rơi nó, đã tống của nợ cho tôi, nếu không có nhà tôi thì tôi không biết xoay sở ra sao. Vậy mà hôm nay …

Bà Minh Vũ ngắt lời chồng:

- Kìa ông, chuyện cũ đã qua bao nhiêu năm rồi…

- Nhưng nghĩ lại tôi vẫn còn hận lắm…

Bà Minh Vũ suy nghĩ một lúc lâu rồi ôn tồn nói với bà Thi:

- Tiền bạc là mồ hôi nước mắt của chúng tôi, nhưng tôi đồng ý, sẽ bàn với nhà tôi đưa bà một món tiền, trước xem như giúp đỡ hoàn cảnh nghèo khó gia đình bà, sau là gia đình tôi đang êm ấm không bị xáo trộn, tôi không muốn thằng Minh Tâm bị cú “sốc”, bị tổn thương. Tội nghiệp nó.

Bà Thi hả hê:

- Vậy ông bà quyết định nhanh đi. Khi có tiền trong tay tôi sẽ rời khỏi nhà ra ga xe lửa về bắc ngay và hứa không bao giờ trở lại. Tôi đã ở đây ăn hại nhà ông bà mấy ngày, ông bà tiếp đãi tử tế lắm tôi cám ơn.

Bỗng Minh Tâm xuất hiện, chàng đang từ thang lầu bước xuống làm ông bà Minh Vũ và bà Thi cùng giật mình sửng sốt:

- Con chào bố mẹ, chào… dì Thi..

Bà Minh Vũ lắp bắp:

- Kìa con... con… chưa đi làm sao?

- Vâng, sáng nay con mệt nên nghỉ ở nhà…

Bà Minh Vũ càng bối rối và lo lắng:

- Mẹ sơ ý quá cứ tưởng con đã đi làm. Thế con... con... đã nghe những gì rồi?

- Tình cờ khi con vừa bước xuống vài bậc thang lầu nghe cha mẹ và dì Thi nói chuyện con càng tò mò nghe thêm và hiểu hết câu chuyện.

Không ai bảo ai, cả ông bà Minh Vũ và bà Thi cùng nín lặng chờ đợi Minh Tâm nói tiếp, chàng hướng về phía bà Thi:

- Thưa dì, tôi xin lỗi phải gọi thế dù bây giờ tôi đã biết dì là ai, nhưng tôi khó có thể gọi dì là mẹ, khi bỗng dưng một người mẹ không quen biết xuất hiện đã làm tôi ngỡ ngàng và càng làm tôi ngỡ ngàng đau đớn, khi người mẹ ấy đem tôi ra làm vật đổi chác bằng tiền. Ngày xưa dì còn trẻ, hư hỏng và nông nỗi bỏ rơi tôi, hôm nay dì đã bỏ rơi đứa con của dì thêm một lần nữa, vô tâm hơn, tàn nhẫn hơn…

Chàng xúc động nghẹn lời, mãi mới nói tiếp được:

- Bây giờ dì có ra ngoài đường hét to lên cho cả khu phố hay cả thế giới này biết tôi là đứa con nhân tình nhân ngãi của dì với cha tôi ngày xưa cũng không làm tôi xấu hổ hay đau đớn thêm nữa.

Minh Tâm lấy lại bình tĩnh hơn:

- Nhưng thưa dì, tôi vẫn thương cảm cảnh ngộ cuộc đời của dì. Ngoài bố mẹ tôi, tôi cũng sẽ giúp đỡ dì một món tiền để dì sửa chữa lại căn nhà.

Chàng đi lên lầu lấy tiền và mang xuống đưa cho bà Minh Vũ:

- Mẹ đưa số tiền này cho dì Thi giùm con. Bây giờ con phải đi làm, còn hơn ở nhà con sẽ buồn thêm và mệt mỏi thêm.

Minh Tâm quay qua bà Thi:

- Chào dì. Chúc dì về nhà bình an.

Bà Minh Vũ gom số tiền của ông bà và Minh Tâm, gói mảnh giấy báo và bỏ vào bịch ni lông cột lại cẩn thận trước khi trao tận tay bà Thi. Ngoài món tiền, bà Minh Vũ còn mua mấy bộ quần áo mới làm quà cho con cháu bà Thi. Cái ba lô cũ của bà Thi lúc mới đến lèo tèo vài bộ quần áo cũ nay đã căng đầy lại thêm một túi xách đầy quà của chủ nhà. Ăn bữa cơm trưa vội vã xong, bà Thi giã từ ra về.

Khi bà Minh Vũ vào dọn dẹp lại căn phòng của bà Thi thì thấy gói tiền bọc trong bao ni lông vẫn nằm giữa giường. Tưởng bà Thi bỏ quên, nhưng bên cạnh là một mẩu giấy ghi vài hàng:

“Tôi xấu hổ quá, có lẽ cuộc sống nghèo khổ và cái xã hội thiếu tình người bao nhiêu năm nay đã biến tôi thành con người xấu xa đê tiện. Tôi ghen tức khi thấy ông bà hạnh phúc sung sướng, tôi tham lam mờ mắt khi thấy ông bà nhà cao cửa rộng.

Minh Tâm, con cho phép mẹ được một lần xưng hô với con thế này. Con đã được ông bà Minh Vũ nuôi dạy thành người tử tế, con tử tế gấp trăm, gấp nghìn lần mẹ. Hãy tha lỗi cho mẹ.

Tôi để lại món tiền này, vì tôi đã nhận món quà khác, một món quà vô giá từ ông bà Minh Vũ và Minh Tâm. Đó là lòng tử tế, bao dung.”

 Nguyễn Thị Thanh Dương


CHIẾC ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ.

 

Khi tôi 20 tuổi, tôi bán hàng thuê cho một hiệu đàn piano ở St. Louis. Một lần, chúng tôi lại nhận được một “đơn đặt hàng” là một bưu thiếp từ vùng Đông Nam Missouri. Trên bưu thiếp đó có viết: “Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đô la mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà”.

Qua nét chữ có thể đoán được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín mít tấm bưu thiếp, viết cả ra những diềm giấy còn thừa ở mặt trước cho đến khi chỉ còn chừa ra một khung nhỏ ghi địa chỉ.

Tất nhiên công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Nên chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.

Tuy nhiên, đến một ngày, ở vùng Đông Nam Missouri đó có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Vì tò mò, tôi muốn đến địa chỉ của bà cụ xem sao. Gần như giống hệt những gì tôi tưởng tượng: bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp cạnh cánh đồng.

Sàn căn lều rất bẩn. Gà thì chạy lung tung: không xe, không điện thoại, không nghề nghiệp. Chẳng có gì cả trừ một mái nhà, và đó cũng không phải là một cái mái tốt. Cháu gái của bà cụ khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá.

Tôi giải thích cho bà cụ rằng chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 6 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau. Cần có một cái đàn piano màu gụ đỏ, và thề thốt rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng.

Khoảng 2 năm sau, tôi mở được một công ty giao bán piano của riêng mình, và đôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Tôi bắt đầu nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng lờ những tờ bưu thiếp đó đi, vì tôi biết làm gì cơ chứ?

Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập về một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết mình có thể gây thua thiệt cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe ô tô chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10 đôla/tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần. Tôi đặt piano vào nơi ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà và cháu bé giữ cho bọn gà đừng nhảy lên đàn piano. Rồi tôi lên xe về công ty đinh ninh rằng thế là coi như mình đã cho không một cây đàn.

Nhưng cứ 10 đô la được gửi đến cho tôi rất đều đặn mỗi tháng. Cả 52 tháng. Đôi khi không chỉ là tiền giấy mà là những đồng xu được dùng băng dính đính vào bưu thiếp.

Nhận đủ tiền, tôi không có liên lạc gì với bà cụ nữa trong suốt 20 năm. Cho đến một ngày khi đi công tác ở Memphis, tôi ghé vào một nhà hàng để dùng bữa. Ở đó, tôi được nghe thấy tiếng đàn piano hay nhất mà tôi từng được nghe. Và do một cô gái rất xinh đẹp đang chơi.

Tôi lại gần cô ấy và đứng nghe nhạc. Khi chơi xong bản nhạc, chúng tôi nói chuyện với nhau, và thật như một điều kỳ diệu, đó chính là cô bé mặc váy vá trong căn lều nhỏ 20 năm trước.

Cô gái kể từ khi được bà đặt mua cho chiếc đàn piano màu gụ đỏ, cô đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và địa phương. Bây giờ cô đã có gia đình còn bà cô đã mất.

Tôi hỏi cô có biết chiếc đàn piano màu gụ đỏ có ý nghĩa như thế nào không. Cô gái nói hồi đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết có một chiếc đàn mà không hiểu gì nhiều. Nhưng tôi thì hiểu.

Cuối cùng, tôi bảo cô:

– Tôi rất mừng được gặp lại cô, còn bây giờ tôi phải đi về đây!

Và tôi thực sự phải đi về, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn bị nhìn thấy mình khóc ở nơi công cộng.

"Ai đó có thể ra đi, nhưng tình yêu của họ sẽ còn lại, mãi mãi…"

 

CÂY ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ - Phần 2

 

…Một buổi chiều, khi đi học về, tôi thấy Bà đang đợi trước cửa, khuôn mặt hồng lên vì sung sướng. Bà nắm chặt tay tôi dắt vào nhà, không nói gì.. Nơi đó, trong căn phòng gỗ tồi tàn cũ kĩ là một chiếc piano màu gụ đỏ mà tôi thường mong ước.

Tất cả như tan biến đi. Trước mắt tôi, cây đàn piano như một người bạn vĩ đại dang rộng vòng tay mời gọi. Như bị thôi miên, tôi rụt rè bước tới. Mùi gỗ mới làm tôi ngây ngất. Những phím đàn trắng muốt như thiên nga xếp thành hàng dài, bình thản và duyên dáng. Tôi đưa tay nhấn xuống 1 phím đàn, rồi 2 phím, 3 phím,…những âm thanh trong trẻo, vang vọng. Căn phòng bỗng như tràn ngập ánh sáng. Tôi ngồi nhấn trên những phím đàn, say mê, cảm giác như mình là người nghệ sĩ đầy quyền năng trong bộ phim hoạt hình đã từng xem lúc trước, chỉ với tiếng đàn piano có thể làm cả khu rừng bị lời nguyền của mụ phù thủy làm héo tàn bỗng bừng sống lại.

Phải đến một lúc lâu, tôi chợt nhớ ra và giật mình quay lại: Bà vẫn đang đứng ngay cửa, mỉm cười hiền lành nhìn tôi, hai gò má nhăn nheo đẫm nước mắt…

Rồi từ đó, tôi đi học piano ở một thầy giáo già tốt bụng trong làng chung với những đứa trẻ giàu sang và xinh đẹp. Đôi lúc có những ánh mắt nhìn tôi lạ lẫm, như thể không hiểu được làm sao một đứa trẻ như tôi lại có thể hiện diện ở đây… Nhưng dường như tất cả lại tan biến khi tôi đặt tay lên phím đàn. Cuộc sống của tôi như thật sự bước sang một trang mới. Cả bầu trời mở rộng trước mắt. Những thanh âm trong trẻo làm từng ngày trôi qua tràn ngập trong ánh sáng. Tôi say sưa với những phím đàn, những giai điệu mới, những tác phẩm mới mà quên mất Bà đang ngày càng gầy đi, mà không nhận ra rằng từ lúc chiếc đàn piano xuất hiện, bữa ăn của chúng tôi bỗng ít lại và có lúc dường như Bà không ăn gì cả, rằng mỗi lúc nhận được tiền bán trứng Bà lại lo lắng, có lúc không ngủ được. Và những khi mùa đông đến, Bà vẫn chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ kĩ mà không bao giờ nghĩ đến việc mua một chiếc áo mới cho mình.

Thời gian trôi. Đến một ngày, tiếng đàn của tôi đã được ông chủ một nhà hàng sang trọng để ý. Ông nói rằng sẵn sàng trả lương thật cao cho tôi nếu tôi đến đánh đàn cho nhà hàng của ông mỗi tối. Mọi thứ đến như một giấc mơ, đến nỗi một lần nữa, bà tôi lại khóc…

Cho một ngày Bà bị bệnh rất nặng. Tôi hốt hoảng, cuống quýt, lo sợ không nói nên lời . Bà chỉ nắm chặt tay tôi, thều thào: “ Đàn cho bà nghe một bài, được không? Rồi bà sẽ khỏi bệnh thật nhanh thôi.”

Tôi quẹt nước mắt, đứng dậy, run rẩy bước đến bên cây đàn và hít một hơi thật sâu. Bất chợt một hơi ấm bình yên ở đâu đó chảy tràn trong ngực . Tôi nhìn qua, bắt gặp ánh mắt Bà đang nhìn tôi hiền từ, chờ đợi. Tất cả bỗng vụt tan biến như ngày xưa ấy, chỉ còn lại Bà, chiếc đàn piano màu gụ đỏ và tôi. 

Và tôi ngồi xuống, đàn say sưa. “Lettre à ma mère” - Bài nhạc tôi thường chỉ đàn riêng duy nhất cho bà .Hơi thở tôi ấm nóng, tiếng đàn ấm nóng, tất cả hòa quyện như một ánh sáng kì diệu đưa tôi tan chảy trong tình yêu thương tràn ngập, như vòng tay ấm áp của Bà lúc trước…

Nốt nhạc cuối cùng vang lên. Tiếng tim tôi như vẫn còn đập theo một giai điệu nào đó, nồng nàn, chan chứa. Một lúc sau, tôi quay lại nhìn: Bà đang nằm, nhắm mắt, bình yên. Tôi lặng lẽ đến bên đắp chăn cho Bà thì bàng hoàng nhận ra: Bà đã ra đi, mãi mãi…

Rồi cuộc sống của tôi lại trôi đi, chỉ khác là không còn Bà nữa. Đôi lúc, tôi vẫn thường lấy tiếng piano để bù đắp khoảng trống quá lớn trong tim mình , nhưng dường như càng cố gắng lấp đầy, tôi lại càng thấy trống trải hơn , tuyệt vọng hơn.Tôi nép mình, lặng lẽ với những tiếng đàn,và tách mình khỏi tất cả.

  

- Tiếng đàn của cô tuyệt quá. Nó làm tôi nhớ đến bà Magaret ở vùng này...

Tôi giật mình quay lại: Một người đàn ông đứng tuổi, có lẽ từ vùng khác tới, đang đứng nhìn tôi.

Tôi ngạc nhiên:” Ồ, thưa ông, đó chính là bà của cháu. Nhưng làm cách nào mà ông biết bà của cháu vậy?”

Người đàn ông lặng đi một chút như bất ngờ, rồi nói:” Ngày xưa, chính tôi là người đã bán chiếc đàn piano màu gụ đỏ cho bà của cháu.”

Đến lượt tôi như lặng đi. Trong kí ức non nớt của tôi là một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến nhà và nói với bà một điều gì đó, và khi ông ấy quay mặt đi, bàn tay bà bỗng nắm chặt vai tôi, run run, …

“Thế bà của cháu bây giờ thề nào rồi?”-Câu hỏi đột ngột cắt đứt dòng suy nghĩ trong tôi . Và khi người khách biết rằng bà tôi đã mất, khuôn mặt ông bỗng buồn rười rượi. Một lúc lâu sau, ông nhẹ nhàng hỏi:” Thế cháu có biết ngày xưa bà cháu đã làm thế nào để mua được chiếc đàn trị giá như thế này vào thời đó không?”.

- Lúc đó cháu còn quá nhỏ, bà cũng không kể cho cháu biết…

Người khách rưng rưng:

- Để có được chiếc đàn này, bà cháu đã phải mua trả góp bằng tiền bán trứng gà hàng tháng trong suốt hơn 4 năm đó.

Tôi bàng hoàng, cổ họng như nghẹn lại, nước mắt chợt trào ra. Những kí ức ngày xưa tràn về: những bữa cơm bà chỉ lặng lẽ gắp đồ ăn cho tôi, những mùa đông bà co ro trong chiếc áo cũ ra thăm chuồng gà và những lúc bà nhìn tôi say sưa bên cây đàn, hiền từ, lặng lẽ…Tôi ôm lấy mặt mình, bật khóc. Người khách vòng tay ôm lấy tôi, dịu dàng: “Hãy sống thật xứng đáng với những gì cháu đã được nhận . Ta tin cháu sẽ làm nên những điều kì diệu, như bà của cháu”…

Và thời gian lại trôi đi…


***********

Tôi mở một lớp dạy piano cho một trại trẻ mồ côi trong làng, những đứa trẻ kém may mắn hơn cả tôi lúc trước. Cuộc sống của tôi giờ đây lại tràn ngập ánh sáng, tràn ngập tiếng cười. Và có những lúc, khi ôm lấy những đứa trẻ, tôi chợt cảm nhận được hơi ấm vòng tay của Bà trọn vẹn như trước. Và tôi nhận ra: "Ai đó có thể ra đi, nhưng tình yêu của họ sẽ còn lại, mãi mãi…"

 

Từ fb Ngoan Phan



Tại sao hông nên cải nộn mi' dzợ ?

 


 

Hai vợ chồng kia đang tranh cãi nhau đến hồi gay cấn.

Bực quá, ông chồng quát lên:

- Giờ tôi là chồng bà hay con bà ?

Bà vợ trả lời :

-Tôi không cần biết, đứa nào bú vú tôi là con tôi.

 Ông chồng tức lộn ruột không biết nói gì.

 Thằng con đứng gần đấy, nghe thấy cũng hùa theo:

- Chuyện này mẹ nói đúng đó ! Tụi con là con mẹ, được bú sữa mẹ lúc nhỏ.

 Ông ..tía đổ quạo, quay qua thằng con, quát :

- Gì nữa mày, giờ mày là con tao hay anh Hai tao ?

Thằng nhỏ con chưa kịp trả lời, bà mẹ chen vô:

- Mày cứ nói dí ổng, đứa nào cai sữa trước thì đứa đó là anh.

- Chồng !!!

Bú sữa mẹ

Hai chú nhóc nằm kế nhau ở nhà thương nhi đồng, tán gẫu cho đỡ buồn:

 - Đằng í bú sữa mẹ hay sữa bình?

 - Tớ bú sữa bình

 - Sữa bình có ngon không ?

 - Cũng ngon, nhưng phiền cái là khi ngọt khi lạt, lúc nóng lúc nguội, có khi nóng phỏng miệng luôn đó, thế đằng í bú sữa gì ?

 - Tớ thì bú sữa mẹ

 - Thế sữa mẹ có ngon không ?

 - Ngon chớ, sữa lúc nào cũng ấm đều đều, không ngọt không lạt, bình sữa  lại đẹp nữa nhưng thỉnh thoảng nó có mùi thuốc lá hay whisky khó chịu khôn tả !

 

Thiếu sữa iốt!

Một anh chàng có vợ mới sinh. Anh viết thư về khoe với mẹ : - "Vợ con đã sinh một đứa con trai, nhưng vì vợ con không có sữa nên đã phải nhờ một bà da đen cho bú, vì thế nên khi con gặp thì thấy đứa bé có tóc xoăn và da đen như người châu Phi...."

 Bà mẹ ngay lập tức viết thư cho con trai: "Con trai yêu quí, mẹ rất mừng khi nhận được thư con. Ngày xưa khi mẹ sinh con mẹ cũng không có sữa nên đã phải cho con bú sữa bò, vì thế nên bây giờ con vừa ngu vừa có sừng......"

 Bác sĩ giỏi

Bác sĩ cẩn thận kiểm tra sức khoẻ cho nó và phát hiện thằng bé bị thiếu cân khá nhiều do suy dinh dưỡng.

Bác sĩ hỏi: Hàng ngày chị cho cháu bú sữa mẹ hay bú bình ?

- Sữa mẹ ! - Người phụ nữ đáp.

- Vậy thì chị cởi áo ra ! - Bác sĩ yêu cầu.

Người phụ nữ làm theo và bác sĩ khám tỉ mỉ, xoa nắn trên, dưới, xoắn phải, xoắn trái một hồi. Ra hiệu cho người đàn bà mặc áo vào, ông bác sĩ kết luận:

 -Hèn gì thằng bé suy dinh dưỡng. Chị chẳng có chút sữa nào cả !

- Tôi biết ! - Thiếu phụ công nhận - Nhưng tôi là bà ngoại của nó mà !

Sưu Tầm

Không thể hưởng thụ
Có một ông cụ 60 tuổi sau bao nhiêu năm cống hiến sức khỏe cho công việc và sự nghiệp đến khi về già ông tích cóp được số tiền kha khá.

Ông quyết định đi Thái Lan để du lịch vì ông nghe nói bên đó mấy vụ “vui vẻ, tươi mát” rất nhiều, ông muốn thử một lần cho biết chút vị với đời.
Sau khi xuống sân bay và thuê khách sạn, ông ta liền hỏi anh phục vụ khu vực nào có vui vẻ tươi mát, anh ta chỉ dẫn ông tận tình.
Buổi tối ông diện đồ láng coóng đi ra khu vực đó. Ông thấy một ngã ba trên có 2 tấm bảng chỉ về 2 hướng. Một tấm ghi là: “Dành cho người nhiều tiền”, tấm còn lại ghi: “Dành cho người ít tiền”.
Ông lão nghĩ : “Thôi, mình gom góp có chút ít tiền thì nên đi vào đường dành cho người ít tiền vậy”.
Ông cắm cúi đi đến cuối đường lại gặp một ngã ba trên đó có 2 tấm bảng chỉ về 2 hướng. Một tấm ghi: “Dành cho người trẻ” tấm còn lại ghi : “Dành cho người già”. Thế là ông lại lọ mọ quẹo vào đường dành cho người già cắm cúi đi.
Đi đến cuối đường ông lại gặp một ngã ba trên có 2 tấm bảng. Một tấm ghi là: “Dành cho người đẹp” tấm còn lại “Dành cho người xấu” ông bụng bảo dạ: “Mình 60 rồi còn đẹp cái gì nữa chứ”, thế là ông đành quẹo vào đường dành cho người xấu, vừa đi ông vừa tự động viên mình: “Sắp được hưởng sung sướng rồi ráng lên”.
Đi đến cuối đường này ông lại nhìn thấy một ngã ba trên lại có 2 tấm bảng rẽ ra 2 hướng. Một tấm ghi: “Dành cho người dẻo dai và nhiều xí quách” tấm còn lại ghi: “Dành cho người hết xí quách”. Ông tự nghĩ: “Mình già rồi làm gì còn xí quách nữa, mình chỉ ráng đi để tận hưởng chút lạc thú cuối đời cho biết với người ta thôi mà” thế là ông rẽ vào con đường thứ 2.
Ông lụm cụm xiêu vẹo bước đi một cách khó nhọc trên con đường với bao suy nghĩ tưởng tượng ra cảnh vui thú, nhưng khi đến cuối đường ông nhìn thấy chỉ một tấm bảng treo thật cao. Ông bèn ráng kiếm vật để kê lên nhìn cho rõ bảng ghi chỉ dẫn gì tiếp theo.
“Ít tiền, già lão, xấu trai, lại còn hết xí quách nữa, thôi quay về nhà đi cha”

Internet

Hai ông Việt Kiều già móm mém nói chuyện với nhau:

- Ông nghĩ thế nào mà rước con bé chưa đầy 20 tuổi qua đây làm vợ?

- Nó rất là thật thà, nên tui mới cưới nó đem qua đây.

- Làm sao ông biết là nó thật thà ?

- Thì lúc trước khi lấy nó, tui có hỏi: "Tại sao em chỉ bắng tuổi cháu nội tui, mà em lại chịu lấy tui ?".

Nó nói tại vì nhà nó nghèo quá nên lấy tui cho đỡ khổ.

Chỉ vì nó than nghèo mà ông cho nó là ... thật thà ?

- Tui cũng thử lòng nó thêm . Tui hỏi nó: "Đưa em qua bển rồi lỡ em bỏ tui đi lấy mấy thằng trẻ

cỡ em thì sao ?"

Nó trả lời: "Em đợi được, vì sức ông chỉ sống nhiều lắm 6, 7 năm nữa là cùng !".

Tui gặng hỏi nó thêm : " Lỡ 5 năm sau em vào được quốc tịch Mỹ. Em không chịu đợi tui chết, em bỏ tui thì sao?

Nó suy nghĩ một lát rồi trả lời : "Nói ông đừng giận nghe, sức ông ở một mình thì sống thêm

được 6, 7 năm. Chứ sống chung với em, thì ông thọ được 1 năm cũng là giỏi lắm rồi! "...

Sưu Tầm

6 câu chuyện ngắn dưới đây, xem rồi sẽ cười ra nước mắt và khiến chúng ta tỉnh ngộ.

 

1. Sâu sắc


Vừa rồi ở trong thang máy tôi thấy một cậu bé đang ăn kem. Xuất phát từ lòng quan tâm, tôi thuận miệng nói với cậu bé rằng: "Trời lạnh như thế này, ăn kem sẽ có tác hại đối với cơ thể của cháu đó".

Cậu bé nói với tôi rằng, bà ngoại của cậu đã sống đến 103 tuổi.

Tôi hỏi: "Sống thọ là do bà thường ăn kem à?"

Cậu bé nói: "Không phải, bà ngoại cháu cả đời không bao giờ chọc mũi vào chuyện của người khác".

Sâu sắc quá. Cuối cùng tôi cũng đã biết tại sao mình yếu và già sớm như thế này.

Thì ra là do cả ngày lo lắng quản việc vô ích mà ra.

 

2. Nhọc lòng


Hiện nay những kẻ lừa đảo rất nhiều. Vừa rồi tôi xem bản tin có nói rằng có một số chủ tài khoản ngân hàng phát hiện ra số tiền mấy trăm triệu trong tài khoản của mình không cánh mà bay. 

Thế là tôi vội vàng đạp xe đến ngân hàng, cắm ngay thẻ vào máy ATM và nhập mật mã. A, tốt quá, 100.000 đồng vẫn còn nguyên. Lúc này tôi mới thở một hơi nhẹ nhõm.

Tức chết đi được. Sau này quyết sẽ không xem bản tin nữa, nhọc lòng quá.

Nhưng bước ra khỏi ngân hàng, tôi lại càng nhọc lòng hơn. Bởi vì 100.000 đồng vẫn còn trong tài khoản, nhưng chiếc xe đạp của tôi đã biến mất rồi.

 

3. Giễu cợt


Một quý bà giàu có dắt chó đi dạo, trên đường gặp người ăn xin.

Bà ngạo mạn giễu cợt người ăn xin rằng: "Nếu anh gọi con chó của tôi một tiếng 'cha' thì tôi sẽ cho anh 500.000 đồng".

Người ăn xin nói: "Nếu tôi gọi 10 tiếng thì sao?".

Quý bà giàu có vui vẻ nói: "Tôi sẽ cho 5 triệu đồng".

Người ăn xin lập tức hướng về con chó nói 10 tiếng 'cha', khiến cho người đến xem đông nghịt. Dưới những cặp mắt chăm chú của mọi người, quý bà giàu có đành phải móc tiền ra đưa cho người ăn xin.

Người ăn xin nhận tiền rồi nói lớn liền mấy tiếng: "Cảm ơn mẹ, cảm ơn mẹ..."

Cuối cùng, ai mới là người giễu cợt ai?

 4. Đừng nóng vội

Một bác gái vào buổi sáng đến quảng trường tản bộ, thấy một ông cụ già cầm chiếc bút lông viết mấy chữ lớn trên mặt gạch, bác gái không nén nổi tò mò liền bước đến xem.

Cụ già đưa mắt nhìn bác gái rồi cúi đầu viết chữ "cút".

Bác gái thầm nghĩ: "Xem một chút mà đuổi sao?"

Cụ già lại đưa mắt nhìn bác gái rồi lại viết tiếp một chữ "cút" nữa.

Bác gái không nhẫn được nữa, xông đến đá ông lão ngã bổ chửng…

Cảnh sát đến hỏi nguyên do, ông lão ấm ức nói: "Tôi đang viết câu thơ: "Cút cút kêu báo mùa xuân qua", vừa mới viết được hai chữ thì bị người thần kinh này đá túi bụi".

Thế nên, chúng ta gặp phải việc gì thì cũng đừng nóng vội.


5. Bận rộn


Một đồng nghiệp lúc nào cũng rất bận rộn, bởi vì cô rất thích chú ý đến những người khác. Anh Văn bất chính, cô muốn mắng một trận cho hả dạ. Chị Bảo ly hôn, cô cũng muốn mắng cho một trận. Cho dù bất kỳ tin tức nào, cô đều muốn xen vào bàn tán, bình luận. Hơn nữa, cô còn thích hóng hớt buôn chuyện. Kết quả là cuộc sống của cô trở nên rất tệ. 

Một đồng nghiệp khác thì lại quá nhàn nhã. Khi mọi người xúm vào bàn tán chuyện anh Văn bất chính thì cô về nhà vào bếp làm bánh sinh nhật tặng chồng. Khi hàng triệu người lên facebook tranh luận cãi nhau chuyện cô ca sĩ đi làm từ thiện thì cô ngồi bên cửa sổ làm những đồ thủ công. Vào facebook của cô thì dường như rất hiếm thấy cô phát biểu bình luận vấn đề, mà đều là những việc cô thích làm, việc cô sẽ làm và việc cô đã làm.

Một lần, tôi hỏi cô bí quyết sống nhàn nhã. Cô nói: "Đó đều là cuộc sống của người khác, đúng hay sai thì cũng có quan hệ gì với tôi đâu? Nếu hễ có gió là lắc lư lay động như ngọn cỏ, thế thì chi bằng hãy thiết thực sống cuộc sống của riêng mình".

 

6. Nhẫn một chút


Một cô gái lên tàu cao tốc, thấy ghế ngồi của mình bị một người đàn ông ngồi rồi. Cô kiểm tra lại vé của mình, rồi lịch sự nói với người đàn ông: "Thưa ông, ông ngồi nhầm ghế chăng?"

Người đàn ông lấy vé ra xem rồi lớn tiếng: "Hãy nhìn kỹ đi, đây là chỗ ngồi của tôi, cô có bị mù không đó?"

Cô gái nhìn kỹ tấm vé của ông ấy, rồi không nói năng gì, chỉ lặng lẽ đứng ở bên người đàn ông.

Một lúc sau tàu chạy, cô gái cúi đầu nói khẽ với người đàn ông rằng: "Thưa ông, ông không ngồi nhầm ghế, nhưng ông đã ngồi nhầm tàu rồi".

Có một loại 'nhẫn nhịn' lại khiến cho người ta hối hận không kịp. Nếu cứ mồm to là có thể giải quyết được vấn đề thì loài lừa đã thống trị thế giới này rồi.

 

Hoàng Mai



 




CHỮ TÌNH.




 

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

PHÂN ƯU CỤ BÀ LƯU THỊ SIẾU Ý, THÂN MẪU CỦA ĐỒNG MÔN KIM NGỌC DU HD69.




 

Tây Bắc đệ nhất động - Pusamcap.

 Cách thành phố Lai Châu khoảng 6km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, quần thể hang động Pu Sam Cap được ví là 'Tây Bắc đệ nhất động'.

Hiện Pu Sam Cap có hai động đang đón khách du lịch là động Thiên Môn và động Thiên Đường với nhiều nhũ đá kỳ ảo, huyền bí, ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động của con người miền núi. Pu Sam Cap luôn là lời mời gọi hấp dẫn đối với mọi du khách gần xa. Dưới đây là một số hình ảnh về Hang động Pu Sam Cap:














Lê Minh/dulichlaichau.vn

Chiêm ngưỡng những thác nước ngoạn mục nhất Châu Âu

Châu Âu là nơi có những phong cảnh tuyệt đẹp nhất thế giới. Trong đó, thác nước là những kỳ quan tuyệt đẹp thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Cảnh tượng ngoạn mục của những thác nước dữ dội nhưng quyến rũ trên nền thiên nhiên bao la hùng vĩ chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Thác Pliva, Bosnia và Herzegovina





Thị trấn Jajce nằm sau những dòng thác ấn tượng cao hơn 20m của Thác Pliva. Jajce được tập hợp với các tòa nhà lịch sử làm cho thị trấn nhỏ trở thành một điểm thu hút theo đúng nghĩa của nó. Từ thác chính xuống sông, có thể phát hiện nhiều thác nhỏ khác cùng với những túp lều cối xay nước có từ thế kỷ 19.

Thác Plitvice, Croatia



Năm 1979, Vườn quốc gia Plitvice Lakes được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Công viên là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Croatia do có tầm nhìn tuyệt đẹp và làn nước màu ngọc lam. Công viên được biết đến với 16 hồ nước xanh ngắt, cũng như các loài động vật hoang dã đa dạng như chó sói, gấu, lợn rừng, linh miêu…

Thác Rhine, Thụy Sĩ



Thác Rhine tuy không cao nhưng rất rộng, thác kéo dài 150 m trên sông Rhine. Một trong những điểm tốt nhất để ngắm thác là từ một chiếc thuyền trên sông. Các thác nước ấn tượng của Thụy Sĩ cũng có một số điểm quan sát mà du khách có thể chiêm ngưỡng Lâu đài Wörth gần đó.

Thác Bigar, Romania




Thác Bigar ở Romania trông giống như được lấy ra từ một cuốn truyện. Đây là thác nước từng đoạt nhiều giải thưởng là điểm thu hút tự nhiên hàng đầu của Romania. Đặc điểm chính của nó là hiệu ứng mà nước tạo ra: các quạt nước chảy ra xung quanh một khối đá nhô ra bất thường, rêu và đá biến thác nước thành một bức màn chất lỏng màu xanh lam hùng vĩ.

Seljalandsfoss, Iceland



Seljalandsfoss là một thác nước dọc theo bờ biển phía nam của Iceland. Thác nước đổ xuống hơn 60 m và được cung cấp bởi nước tan chảy từ ngọn núi lửa phủ tuyết, Eyjafjallajökull. Ngoài ra còn có một con đường mòn dẫn phía sau thác nước. Du khách cũng có thể đến thăm một thác nước khác gần đó, tên là Gljúfrabúi.

Thác Staubbach, Thụy Sĩ



Thác nước lớn thứ ba ở Thụy Sĩ với độ cao gần 300 m. Nằm ở Cao nguyên Bernese, Staubbach đổ từ Thung lũng Lauterbrunnen xuống dòng sông bên dưới. Thung lũng Lauterbrunnen đẹp ngoạn mục là nơi có hơn 72 thác nước và hàng trăm con đường mòn và lối đi dẫn đến các điểm ngắm cảnh ấn tượng.

Dettifoss, Iceland



Thác Dettifoss có lượng nước lớn nhất so với bất kỳ thác nước nào khác trên toàn châu Âu. Người ta tin rằng Dettifoss giảm hơn 500 m3 nước mỗi giây. Thác Dettifoss cao khoảng 45 m và rộng 100 m, được coi là thác nước mạnh nhất ở châu Âu.

Thác Aysgarth, Anh



Ẩn mình trong dãy Dales thuộc Yorkshire của Anh, Thác Aysgarth quyến rũ trải dài gần một dặm (1,6 km) dọc theo Sông Ure một cách ấn tượng. Du khách cũng có thể tận hưởng một ngày đi bộ đường dài trong rừng, đất nông nghiệp và làng mạc xung quanh thác.

Thác Krka, Croatia



Vườn quốc gia Krka là nơi có một trong những thác xếp tầng đẹp nhất châu Âu. Thác Krka là một tập hợp của hơn 20 thác nước nhỏ có chiều cao khác nhau. Không giống như thác nước khác của Croatia, Plitvice, bơi gần thác Krka sẽ không bị cấm. Vườn Quốc gia Krka có diện tích 109 km (68 dặm) và là quê hương của một số thác nước đẹp.

Seven Sisters, Na Uy



Seven Sisters chỉ là thác nước cao thứ 39 ở Na Uy, nhưng điều khiến nó trở nên độc đáo là thác chia thành 7 dòng nước riêng biệt, có chiều cao 250 m. Thác nước đẹp nhất vào mùa xuân khi tuyết tan chảy tạo ra dòng nước chảy mạnh hơn.

Gullfoss, Iceland



Gullfoss, còn được gọi là Thác Vàng của Iceland, là một nhóm thác nước ba tầng cung cấp tầm nhìn ngoạn mục ra thác nước rộng lớn và vùng đất hoang sơ. Thời điểm tốt nhất để ghé thăm thác Gullfoss, nằm trong hẻm núi sông Hvítá ở phía tây nam Iceland, là vào buổi sáng để tránh đông du khách. Nếu may mắn, bạn thậm chí có thể nhìn thấy cầu vồng.

Thác Clyde, Scotland



Thác Clyde là tên gọi chung của 4 thác trên sông Clyde, đỉnh cao nhất 25 m. Rừng cây và động vật hoang dã xung quanh thác là nơi lý tưởng để đi bộ đường dài. Có thể dễ dàng đến Thác Clyde thông qua thị trấn lân cận, New Lanark.

High Force, Anh



High Force là một trong những thác nước lớn nhất nước Anh. Nằm gần Middleton-in-Teesdale, thác nước High Force cao 22m. Khi “Beast from the East” tấn công Vương quốc Anh vào tháng 2/2018, thác High Force bị đóng băng lần đầu tiên kể từ năm 1929.

Thác Låtefoss, Na Uy



Được coi là thác nước được ghé thăm nhiều nhất ở Na Uy, thác nước khổng lồ Låtefoss cao 165m. Các ngọn núi xung quanh của Låtefoss có độ cao hơn 1.500m. Một thác nước lân cận, Mardalsfossen, có độ cao ấn tượng 297m.

Theo Stars Insider

Linh Linh