a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

HÀNH TRÌNH - NGUYÊN LẠC





                                                                               Tranh Ailan Congtang


 

EM ĐẾN VỚI TÔI.




 

Món ăn trên hè phố Sài Gòn. - Nguyễn Đan Tâm

 



Dân giả trên hè phố của một thời quá khứ. (Photo: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Xe sinh tố. Là danh từ bình dân gọi mấy xe bán nước trái cây xay. Rất thịnh hành trong những năm 60-70. Các loại trái cây như mãng cầu xiêm, sa-po-che, mít, đu đủ, và rau má. Trái cây xay với nước, thêm một muỗng sữa đặc, đường, đá bào cho ta hương vị thơm tho, ngọt ngào, tươi mát của trái cây tươi. Có xe bán thêm sữa chua (yogurt). Những hủ yogurt được làm tại nhà. Có hai cách ăn yogurt: 1) Ăn nguyên chất. 2) Trộn đá bào vào yogurt, thêm đường: chúng ta có ly sữa chua ngon lành.

Gánh sương sâm đi rảo khắp phố, là món giải khát phổ biến của Sài Gòn. Sương sâm là một loại lá mọc hoang ở thôn quê. Người ta vò lá với nước lạnh trong một cái thau. Lược lấy nước, bỏ xác. Đem thau nước phơi nắng chừng 30 phút, nước nhờn đặc lại thành khối như sương sáo, nhưng có màu xanh tươi của lá cây. Lúc đó khối sương sâm trở nên cứng, dai. Những ly sương sâm, đá lạnh và đường là món giải nhiệt ưa chuộng của giới bình dân vì họ quan niệm ăn sương sâm làm mát cơ thể.

Xe chè sâm bổ lượng. Món chè rất độc đáo với nhiều thành phần như nhãn nhục, bo bo, hột sen, phổ tai, táo tàu, củ sen tươi, đường. Thường được bán vào buổi tối, tại các góc đường, nơi tập trung các xe ăn uống. Chè nầy ăn mát, bổ dưỡng. Ngoài ra, còn có chè đậu xanh để vỏchè đậu đỏ v.v… Hột gà trà là một loại chè với hột gà luộc chín và nước trà đậm. Đây là món đặc biệt của vùng Chợ Lớn. Tròng trắng ngấm trà và đường biến thành màu nâu sậm, cứng và dẻo. Hương vị trà thơm ngon làm ngất ngây khách sành điệu.

Chè mè đen hay chí mà phủ theo cách gọi của người Tàu, rất phổ biến trong vùng Chợ Lớn. Mè đen xay nhuyễn, nấu với bột năng thành sền sệt.

Những năm 50, chè đậu xanh nhuyễn hay lục tẩu xá và chè đậu đỏ hay hùng tẩu xá, rất phổ biến trong vùng Chợ Lớn. Người bán, gánh hai cái khạp (một loại lu nhỏ) nặng, chứa đầy chè đi khắp phố phường. Thời đó chưa có nồi nhôm.

Chè táo xọn được nấu bằng đậu xanh không vỏ với bột năng, nước cốt dừa.

Chè khoai môn với nếp thường gọi là chè khoai. Chè có màu xanh của lá dứa. Cái ngon của món nầy nằm ở chỗ khoai bùi, nếp dẻo, lá dứa thơm, nước cốt dừa độc đáo.

Chè trôi nước. Một thau nước đường hơi kẹo với gừng. Từng viên chè tròn, dẹp nằm sắp lớp. Trên mặt có ít hột mè. Thêm những viên nhỏ như trái nhãn, cho những người thích ăn bột. Viên chè với bột thật dẻo, dai. Nhưn đậu xanh mềm mại, béo nhờ trộn mỡ hành. Nước cốt dừa béo. Món nầy phải giữ ấm vì viên chè bị cứng khi nguội.

Chè bắp. Chỉ có bắp nấu với nếp, và lá dứa. Chè đặc sệt, có màu vàng tươi, mùi thơm của lá dứa, hột bắp dẻo, ăn với nước cốt dừa. Chén chè quá nhỏ, phải ăn mấy chén mới đã cơn thèm.

Chè đậu trắng với nếp và đậu trắng quyện vào nhau, đặc sệt, với nước cốt dừa trên mặt chè. Những năm 60-70, người bán chế biến ra món chè ba màu. Một cái ly cao, 3 lớp chè chồng lên nhau: đậu đỏ, đậu xanh, rau câu, nước cốt dừa và đá bào. Đậu ngọt, bùi, nước dừa béo, rau câu, đá lạnh mát miệng, cho ta một món giải khát khó quên. Đây là thời cao điểm của chè Sài Gòn.

Tuổi thơ Sài Gòn có mấy ai thoát được mức cám dỗ của một món: cà rem. Từ tiếng Pháp (crème), món ăn đông lạnh nầy thu hút trẻ con rất mãnh liệt. Người bán rao hàng bằng cái chuông nhỏ. Nghe tiếng chuông rao hàng đặc biệt là cả bọn con nít ùa chạy để đón xe đẩy hay là chiếc xe đạp, ọp ẹp, với thùng cà rem phía sau. Trẻ con nhà nghèo, chỉ biết đứng nhìn chúng bạn ăn cà rem mà nuốt nước miếng. Đôi khi, có đứa tội nghiệp cho cắn một miếng. Cà rem có 3 loại:

  1. Cà rem cây: khối cà rem bao bọc nhánh tre nhỏ. Khi ăn, tay cầm nhánh tre.
  2. Cà rem cục: khối vuông hoặc chữ nhựt. Người bán dùng dao cắt miếng, rồi xiên bằng cây tre.
  3. Cà rem muỗng: được múc từng muỗng, để chồng nhau lên cái bánh như cái quặng. Người ăn tay cầm cái bánh, ăn cà rem hết mới ăn bánh.

Cà rem có nhiều hương vị hấp dẫn như sầu riêng, mít, đậu xanh, đậu đỏ v.v…

Được bán dạo hay tại các cổng trường học, kẹo kéo thu hút khách nhờ lời rao độc đáo, tự biên tự diễn, của người bán, như:

“Cô nào chồng bỏ, chồng chê. Ăn cây kẹo kéo chồng mê tới già v.v…” Kẹo… kéo… đây… Kẹo rất dẻo, có chứa đậu phộng, được kéo dài thành sợi lớn cỡ ngón tay. Người bán chỉ búng nhẹ vào kẹo là nó gãy ngang. Một số người bán dụ trẻ nhỏ bằng trò quay số trúng kẹo. Trúng nhiều hay ít gì, trẻ con cũng được kẹo.

Một món giải khát, giữa trời trưa nóng bức của Sài Gòn, không cần nấu nướng hay pha chế. Đó là nước dừa xiêm. Một chiếc xe ba bánh chất đầy dừa trái, một con dao lớn bảng, một chai muối, một lon đựng ống hút. Đó là tất cả những thứ cần thiết cho xe dừa bán dạo. Nơi nổi tiếng là công viên gần Ngã Sáu Chợ Lớn. Chỉ cần ba nhát dao là trái dừa sẵn sàng cho khách. Ai muốn ăn cái của dừa thì người bán cho một nhát chẻ đôi trái dừa dễ dàng.

Xuất hiện tại Sài Gòn sau Tết Mậu Thân, 1968. Đó là món bún bò giò heo hay bún bò Huế. Bún sợi lớn, giò heo, thịt bò bắp, huyết heo, chả Huế (miếng chả Huế lớn bằng hai ngón tay, cách làm và hương vị khác với chả lụa Sài Gòn). Ăn kèm với rau thơm, bắp chuối xắt nhuyễn. Giò heo luộc ngon thì vẫn còn độ dai và giòn của lớp da và gân. Thịt bò xào saté, sả thơm nứt mũi. Nhìn tô bún với nước lèo thơm mùi sả, có màu đỏ của ớt và hột điều, ai không chảy nước miếng. Món nầy cay. Ăn không bị sặc, không ngon. Nổi tiếng nhứt là sạp bún bò tại đường Nguyễn Thông.

Có mặt khắp nơi, nhưng nổi tiếng nhứt là ngã ba Đào Duy Từ, Nguyễn Tri Phương, gần ngã sáu Chợ Lớn. Đó là món nghêu luộc hay nghêu nướng. Nghêu chỉ luộc khi có khách gọi nên rất nóng. Nghêu nướng bằng lửa than hồng, nghêu há miệng vừa chín tới là được.

Nước nghêu rất ngọt, thịt nghêu hơi dai, giòn, nhai thật khoái khẩu. Ăn với muối tiêu, chanh. Dân nhậu không quên nhâm nhi chai bia 33, thịnh hành thời đó. Nhìn số lượng vỏ nghêu đổ đầy hai bên đường cũng đủ biết hàng nghêu lôi kéo thực khách đến mức nào.

Buổi chiều, trời chưa tắt nắng, tiếng rao hàng đã ngân dài trong khu phố: “Ai ăn nem nướng hôn…” Cùng với giọng rao hàng, một mùi thơm quyến rủ theo gió thoảng đập vào mũi, đánh thức khứu giác khách sành ăn. Nem là thịt heo băm nhỏ, ướp gia vị và ủ men cho có chút vị chua. Nem được vò thành viên tròn cỡ 3cm. Rồi lụi qua cây kim loại hay que tre. Sau đó nướng trên than hồng cháy âm ỉ.

Một cái mâm nhỏ đựng xà lách, rau thơm các loại, hẹ, dưa leo cùng xấp bánh tráng mỏng. Nước chấm là tương đen được chế biến đặc biệt cùng cháo nếp, thêm đậu phộng rang đâm nhỏ, ớt cay. Viên nem dẻo dai, thịt ngọt, tương cay, đậu phộng béo, rau sống, hẹ nồng, khiến vị giác người ăn thỏa mãn hoàn toàn. Nước chấm ngon đã góp phần tạo nên tiếng tăm cho món nem nướng nầy.

Một món cũng dọn hàng vào xế chiều. Đó là khô nướng. Một cái bếp than đỏ rực. Cái bàn nhỏ, thấp với đủ các loại khô mà nhiều nhứt là khô mực. Khô nướng xong, để cho mềm và dễ ăn, người bán dùng cái búa dần miếng khô trên tảng đá cho đến khi miếng khô tơi ra. Xin đừng để ý đến cái búa rỉ sét và tảng đá lượm ở bên hè.

Độc đáo của món nầy là tương dùng để chấm. Tương đen được pha chế, rồi thêm một đũa đồ chua mà sao nó ngon lạ lùng. Nhiều người ăn tương nhiều hơn ăn khô. Khô mực cũng được bán dạo bằng xe đẩy. Chiếc xe có thêm một dụng cụ: bàn cán khô mực. Người bán cho miếng khô vào giữa hai trục, rồi quay bằng tay, cán cho khô mỏng và dài ra. Miếng khô trở nên dễ ăn. Khô mực nướng là loại thức ăn để nhâm nhi đưa cay với xị đế.


Giò cháo quảy rỗng ruột, ăn giòn rụm. (Photo: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Một chảo dầu sôi. Một cái bàn nhỏ. Đó là hàng bánh tiêu và giò cháo quảy. Bột được nhồi và cán ngay trên bàn. Khi có ai mua mới chiên cho nóng. Miếng bột giò cháo quảy như hai ngón tay nằm cạnh nhau, khi chiên nở lớn như cánh tay trẻ em. Giò cháo quảy rỗng ruột, ăn giòn rụm. Món nầy còn được ăn chung với cháo huyết, hủ tíu, xíu mại, bánh bò hay cà phê sữa buổi sáng. Bột bánh tiêu được cán mỏng thành hình tròn như đồng tiền, thêm ít mè trên mặt. Khi chiên bánh nở tròn và phồng lên. Bánh tiêu nhai lâu trong miệng mang lại vị ngọt nhẹ nhàng.

Bánh bò. Người bán đội mâm đi khắp phố phường. Có hai thứ: trắng và xanh. Bánh bò xanh có mùi thơm và màu xanh lá dứa thêm phần hấp dẫn. Bánh nóng hổi, vị ngọt, béo (có lẽ nhờ nước dừa). Ăn không đã ngon. Ăn kèm với giò cháo quảy lại càng ngon hơn.

Với mấy nải chuối xiêm chín, thau bột, chảo dầu sôi, hàng chuối chiên thu hút khách sau bữa cơm chiều. Trái chuối được cắt làm hai theo chiều dài rồi ép mỏng. Sau đó, thả miếng chuối vào thau bột, rồi chảo dầu, chiên cho vàng đều. Chuối ngọt thêm nhờ chiên nóng, lớp bột giòn rụm, ăn rất khoái khẩu.

Hàng chuối nếp nướng. Chuối xiêm, được bọc một lớp nếp đã nấu chín, trộn dừa nạo. Bên ngoài bao lại bằng lá chuối. Khi nướng, lớp lá chuối cháy đen thì lột bỏ. Sau đó, để trái chuối nếp trên lửa nhỏ cho nếp vàng. Mổ trái chuối theo chiều dài, cho vào đó một muỗng nước cốt dừa pha chế sẵn. Lớp nếp vàng sậm, giòn, hòa cùng cái béo của dừa, chuối nóng ngọt, bùi tạo nên nét độc đáo của món chuối nếp nướng.

Một cái bếp nướng đựng than hồng trông giống như cái nồi miệng rộng. Bánh tráng, bánh phồng xếp lớp trên bàn. Bánh tráng có mè đen, vài con tôm khô nhỏ. Khi nướng, bánh nở to, trở nên giòn và dễ bể. Bánh phồng làm từ bột nếp, khi nướng phải trở mặt thật lẹ để tránh khét. Vì thế, dân gian có câu: “Trở như trở bánh phồng” để chỉ những người có thủ đoạn, tráo trở mau lẹ. Bánh tráng, bánh phồng là những món ăn chơi sau bữa cơm chiều.

Mía ghim. Người bán dùng một thanh tre, một đầu được chẻ ra khoảng 10 nhánh nhỏ, đầu kia là để khách cầm. Mía cắt khúc dài 2, 3 cm, được ghim vào thanh tre. Khi cầm, mía ghim giống như bó bông đang nở. Mía ghim được bán ở chợ, trước cổng trường hay bán dạo. Đây là món ăn phổ biến của trẻ em Sài Gòn.

Mía khúc. Mỗi khúc dài độ 50 cm, được róc vỏ trước khi bán cho khách cầm ăn. Mía khúc bán tại các góc đường vào buổi chiều. Người ăn cầm khúc mía, xước mía bằng răng nghe rôm rốp. Không biết có ai gãy răng chưa.

Mía hấp. Người Việt trồng mía. Người Tàu mua mía, chế biến thành mía hấp. Chiếc xe ba bánh chở một cái nồi hấp thật lớn, nước sôi sùng sục, chứa đầy mía khúc. Khi có người mua, người bán dỡ nắp nồi, mùi lá dứa thơm phức. Mía được róc vỏ trước khi đưa cho khách. Cách ăn như mía khúc. Mía sau khi hấp, mềm hơn, vị ngọt càng tăng.

Xe nước mát, nước sâm do người Tàu bán tại các góc đường, đặc biệt trong vùng Chợ Lớn. Họ dùng rễ tranh, mía lau, bông cúc và các vị thuốc bắc nấu thành. Người bình dân bị ảnh hưởng của đông y, nên ưa chuộng loại nước giải nhiệt nầy.

Xe sữa đậu nành xuất hiện khi mặt trời vừa lặn. Sữa đậu nành được giữ nóng, thơm phức mùi lá dứa. Mấy keo đựng bánh ngọt, kẹo đâu phọng, ăn kèm khi uống sữa. Sau nầy, người ta cho sữa đậu nành vào chai rồi ướp lạnh, uống thật mát. Từ đó, sữa đậu nành được bán cả ngày.

Thúng hột vịt lộn được người bán đội đi khắp phố phường. Câu rao hàng: “Ai ăn hột vịt lộn không” biến thành “Ai vật lộn… hôn” khiến người nghe khó nín cười. Hột vịt được giữ nóng bằng trấu. Muối tiêu, rau răm.

Người bán rất kinh nghiệm, lựa hột vịt theo ý khách: úp mề, con nhỏ hay lớn v.v… Chỉ cần cầm hột vịt đưa gần ánh đèn, là người bán lựa được hột vịt như ý muốn. Trời vừa sụp tối. Cơn mưa buổi chiều vừa dứt hột. Tiếng rao hàng lảnh lót, u buồn, ngân dài theo con đường ngoằn ngoèo qua xóm lao động.

“Ai ăn bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát… hôn.” Món chè với giọng rao như câu vọng cổ hay câu hò trên sông nước miền Nam. Thật là độc đáo. Chè có đậu xanh đãi vỏ nấu nhừ, bột khoai, bột báng, bún tàu, nấm mèo, táo tàu, nhãn nhục, đậu phộng, nước cốt dừa v.v…

Chè có đủ vị ngọt, béo, bùi, và tiếng nhai sừng sực của nấm mèo. Đứng dưới hiên nhà đụt mưa, nhìn người bán múc chè thoăn thoắt, đưa từng chén chè bốc khói thơm phức cho khách cũng thấy ấm lòng. Có người gọi đó là chè thưng nhưng không bao giờ nghe người bán rao hàng bằng tên đó.

Chè chỉ bán buổi tối. Những đêm trời mưa dai dẳng, chè dù ngon cũng bị ế, người bán cất tiếng rao buồn bã. Ai đó cám cảnh sinh tình:

Trời còn mưa lai rai,
Tiếng rao đã ngân dài.
Gánh chè chưa bán được.
Làm sao sống ngày mai.

Những người buôn gánh bán bưng, làm ngày nào ăn ngày đó. Trời mưa gió ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của dân nghèo.

Bạn vừa dạo chơi Sài Gòn để thưởng thức những món ăn dân giả trên hè phố của một thời quá khứ. Bốn mươi lăm năm, mọi thứ đều thay đổi. Món ăn cũng đổi thay: có thứ đã biến mất, món mới nổi lên, có thứ vẫn còn nhưng bị biến đổi (như bò bía có hột vịt chiên, bún bò với chả lụa Sài Gòn…).

Giới trẻ làm sao biết quá khứ. Người bao năm cũ còn đó, vẫn hoài vọng hương xưa ngày cũ. Điều chắc chắn là những món ăn ngon, hợp khẩu vị bao giờ cũng tồn tại với thời gian…

Nguyễn Đan Tâm


Tư liệu tham khảo, chuẩn bị cho chuyến tham quan thực tế Di tích lịch sử - văn hoá.
Bộ chuông 30 tấn ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Bộ chuông gồm 6 quả chuông nặng tổng cộng gần 30 tấn gắn trên 2 ngọn tháp ở nhà thờ Đức Bà Saigon. Các quả chuông khổng lồ được làm bằng đồng, do hãng đúc chuông Bolley chế tác vào năm 1879 tại Pháp với những đường nét họa tiết trên chuông rất tinh xảo. Mỗi quả chuông đều có đường nét hoa văn khác nhau. Đặc điểm của chuông nhà thờ là có âm sắc riêng không thể lẫn vào đâu, chuông được phối âm độc đáo với các nốt: son, la, si, đô, rê, mi.
Các quả chuông được nối với các moteur để hoạt động.
Chuông sol còn gọi là chuông nhất với đường kính 2,25 m, cao 3,5 m, nặng 8.785 kg; chuông la (chuông 2) với đường kính 1,9 m, nặng 5.931 kg; chuông si (chuông 3) với đường kính 1,7 m, nặng 4.184 kg; chuông đô (chuông 4) với đường kính 1,69 m, nặng 4.315 kg; chuông rê (chuông 5) với đường kính 1,45 m, nặng 2.194 kg; chuông mi (chuông 6) với đường kính 1,25 m, nậng 1.646 kg. Tổng cộng cả 6 quả chuông nặng gần 30 tấn..
Những chiếc chuông của nhà thờ được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Song riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rờle điện.
Khi đổ cùng lúc 6 quả chuông chuông, tiếng chuông có thể vang xa đến 10 km.

COPY TỪ FB PHẠM GIA HÀO BỘI HÀO.


















HỘI NGỘ.




 

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Đời người là quá trình hoàn trả những gì đã thiếu nợ, cho đi càng nhiều càng hạnh phúc.

Cha mẹ cho ta cuộc sống, nuôi dưỡng ta thành người; bạn đời cho ta sự ấm áp của gia đình, cùng ta vượt qua bao mưa gió. Con cái cho ta một cuộc sống tròn đầy, tăng thêm niềm vui; bằng hữu làm phong phú thêm cuộc sống, sưởi ấm cuộc đời ta… Bởi vậy, hãy dành tình yêu thương và trân trọng với những người chúng ta gặp trong đời này.

Hồng trần cuồn cuộn, mỗi lần gặp nhau đều là sự ban ơn của Thượng đế, bởi có nhân duyên mới có thể quen biết nhau. Có người cùng ta đi một hành trình, có người giúp đỡ, có người cho ta kinh nghiệm, có người là ngọn đèn chỉ lối, có người tựa như ánh nắng mặt trời sưởi ấm ta, song mỗi người đều là ân nhân thành tựu chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên cảm kích họ và báo đáp ân tình đó.

Cuộc đời chính là đang tiến từng bước trong khi chúng ta trao tặng. Vậy nên, hãy lấy “chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng” làm mục đích trong đời, đem cuộc sống làm thành hành trình hoàn trả. Chỉ có hoàn trả kịp thời, mới có thể tích lũy phúc phận, góp nhặt công đức, để mỗi nơi ta đến đều nở hoa bồ đề, tỏa hương thơm ngát.

Người nhà đã vì ta mà bỏ công sức một cách vô tư không hề tính toán, ta nên dùng cái tâm yêu mến mà hết mực chăm sóc họ, đây cũng chính là nuôi dưỡng hạnh phúc cho chính mình. Bạn bè mang đến cho ta sự ấm áp, ta dùng tâm khắc ghi, có cơ hội thì hồi đáp ân tình của họ.

Hơn nữa lòng cảm ân không chỉ là lời nói trên miệng, hành động thực tế mới là sự thể hiện chân thành nhất. Lòng biết ơn là sự tiếp nối tình bằng hữu, giúp đỡ là sự củng cố tình bạn. Sự giúp đỡ trong lúc khó khăn có thể tăng thêm tình bạn tựa như thêu hoa trên gấm vậy. Sự giúp đỡ trong lúc ngặt nghèo càng có thể làm xúc động lòng người.

Đời người là quá trình hoàn trả những gì đã thiếu. Nhận được sự ấm áp nên báo đáp bằng chân thành, có được sự giúp đỡ thì nên ra tay viện trợ, có được sự ủng hộ thì nên tiếp tục duy trì, có được chỉ dẫn thì nên thời khắc ghi nhớ, có được bạn bè thì nên sát cánh cùng với họ.

Đắc được bao nhiêu thì hoàn trả bấy nhiêu, không chây ì, không thiếu nợ, mới có thể đảm bảo những thứ có được không mất đi.

Cho dù bạn than vãn ra sao, níu kéo như thế nào đi nữa thì đều đã được chú định rồi, những món nợ do những sai lầm mà bạn đã làm lúc đương sơ đều cần phải hoàn trả.

Trong ‘Hồng Lâu Mộng’ có một đoạn: “Kẻ làm quan thì gia nghiệp điêu tàn. Người giàu sang thì bạc vàng tiêu tán. Người có ân thì trong chỗ chết có con đường sống. Kẻ bạc tình thì báo ứng phân minh. Kẻ nợ mạng thì phải trả mạng. Người nợ nước mắt thì nước mắt cạn khô…”, chính là để nói rằng: mỗi người đến thế gian này đều là để hoàn trả nợ nghiệp, gieo thiện lương gặt ấm áp, gieo điều ác thì tự chuốc vạ vào thân.

Thượng đế là công bình, những thứ cấp cho mỗi cá nhân đều không nhiều. Người vẻ vang thường vượt con nước dữ, người thành công thường phải leo vách đá cheo leo, nào có vùng đất bằng phẳng cho bất cứ ai?

Trong bữa tiệc thịnh soạn của cuộc đời này, tham nhanh sẽ nghẹn, ăn nhiều sẽ tức bụng, chê ít thì tâm trạng không yên. Điều có thể làm được là cái tâm bình ổn, thời thời khắc khắc đều lấy đạo đức làm đầu, lấy hoà làm quý, lấy cảm ơn hồi báo làm trách nhiệm. Làm người chỉ giảng nhân nghĩa đạo đức, làm việc chỉ cầu không hối hận trong tâm.

Không nhất định phải thật giàu có, nhưng có sự bình tĩnh khoan thai trong tâm là tốt rồi.

‘Nhân vô thập toàn’, con người ai cũng đều không hoàn hảo, ai cũng có lần sa chân lỡ bước, ngay cả người trí tuệ suy nghĩ nghìn lần cũng ắt có một lần sai. Lúc nên xin lỗi thì xin lỗi, dù mất thể diện, danh dự bị tổn thất cũng không có gì là quá nặng nề. Tuy vậy, trong mọi thời khắc hãy nên cẩn thận, tránh vấp phải lỗi lầm.

Trả nợ sẽ phải có giá cả, nhưng nhất định phải trả, bởi vì ta đang bù đắp lỗ hổng của cuộc đời, lấp đầy những chỗ rò rỉ. Thời gian sẽ khiến hào quang của tâm hồn thêm lấp lánh thánh khiết. Bởi hết thảy mọi thứ trên thế gian đều nhạt nhòa, chỉ có hào quang của tâm hồn mới dài lâu.

Đời người là quá trình hoàn trả những gì đã thiếu, người khác cho ta thứ gì không thể nhận một cách thản nhiên, bởi người ta không có nghĩa vụ đó. Đó là ơn nghĩa phải hoàn trả, đến thời phải trả hết, không bao giờ được thiếu. Nếu không, đến lúc nợ chất thành núi, không có cách nào hoàn trả, thì những thứ từng có cũng bỗng hóa thành hư không.

“Cảm ân” không chỉ là mỹ đức, còn là một loại trách nhiệm. Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta có thể từ những việc nhỏ mà tỏ lòng biết ơn, chủ động giúp đỡ mọi người, thì cuộc đời sẽ hồi báo cho ta những gì tốt đẹp nhất.


Mạn Vũ



TRÁI TIM NGƯỜI CHA!❤️
Một ngày nọ, Cha hỏi mượn tiền tôi. Cha nói sức khỏe không tốt, cần phải tới bệnh viện để kiểm tra tổng quát, vậy nên tôi đã gửi tiền cho Cha.
Không ngờ, chưa được bao lâu, Cha lại gọi điện tới, nói muốn mua một chiếc xe điện 3 bánh. Tôi lưỡng lự một lúc, Cha dường như nghe thấy sự do dự của tôi bèn nói:
“Con cho Cha một nửa, Cha tự bỏ ra một nửa, đem bán mấy con dê nhà nuôi”.
Nghe thấy vậy, tôi liền mềm lòng. Mấy năm gần đây, Cha tôi đã nuôi hơn chục con dê, nuôi lớn rồi lại đem bán để trang trải chi tiêu hàng ngày. Sau khi Mẹ tôi mất đi, tôi muốn đón Cha lên thành phố ở chung, Cha quyết không chịu đi.
Thằng em trai đang sống ở thị trấn cũng muốn đón Cha tới, nhưng Cha nói đã quen với cuộc sống ở quê, quen với những người trong thôn nên không muốn rời đi.
Không có cách nào thuyết phục, đành theo ý Cha. Tuy nhiên, muốn biếu Cha chi phí sinh hoạt hàng ngày ông cũng không lấy, lần nào cũng nói, cuộc sống thôn dã đơn giản, chi phí ít, cũng không tiêu gì. Mà bây giờ… chuyển tiền cho Cha, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đúng.
3 tháng trôi qua, tôi quyết định đưa con gái về nhà thăm Cha.
Cửa nhà khóa, chú hàng xóm nói Cha tôi đang đi chăn dê. Tôi bèn dắt con gái xuống dốc, từ xa đã nhìn thấy đàn dê, tới gần mới thấy Cha đang ngồi ngủ bên gốc cây, bên cạnh trải một tấm vải, trên tấm vải có một cái bánh đã ăn được một nửa, một túi dưa muối nhỏ, còn có một bình nước… Trong lòng chợt thấy chua xót, tôi liền gọi: “Cha ơi”!
Cha giật mình tỉnh giấc, hồi lâu sau mới nói:
“Con bé này, sao về nhà mà không báo trước?”.
Con gái tôi liền giành nói trước: “Mẹ con nói muốn cho ông ngoại một bất ngờ”.
Cha tôi thực sự rất vui mừng, không nói thêm với tôi điều gì, chỉ kéo cháu gái tới làm quen với bầy dê bảo bối của mình. Một bầy dê nho nhỏ có trên chục con, Cha tôi vui vẻ nói:
“Đợi thêm một khoảng thời gian nữa có thể bán được rồi, chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền! Bây giờ giá dê đang tăng”.
Về tới nhà, trong sân có chút bừa bộn, chiếc xe 3 bánh Cha tôi đã đi nhiều năm nằm ở một góc sân.
Tôi thuận miệng liền hỏi:
“Cha, chiếc xe 3 bánh Cha mới mua đâu rồi?”.
Ông bối rối trả lời:
“Cha… vẫn chưa mua! Nghe người ta nói tháng sau giá sẽ giảm”.
Trong lúc tôi dọn dẹp ngoài sân, nghe thấy Cha gọi điện cho thằng em trai nói:
“Chị gái con về nhà, tối nay con cũng về nhà cùng ăn cơm đi!”.
Sau đó Cha còn dặn nhỏ một câu:
“Mua thêm nhiều đồ ăn ngon nhé”!
Tôi định nói vài câu, rồi lại thôi. Hồi trước, tôi luôn để ý tới sự thiên vị của cha mẹ. Bởi vì sự đố kỵ lúc còn nhỏ mà tôi luôn xa cách thằng em trai, sau đó thì giận dỗi quyết định thi vào một trường đại học thật tốt, cuối cùng có thể hãnh diện rời khỏi nhà.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nước ngoài khá tốt, còn em trai tôi miễn cưỡng cũng học xong trung cấp nghề, trở thành một công nhân làm trong một dây chuyền lắp ráp tại thị trấn, thằng em lại càng ngưỡng mộ và tôn kính tôi hơn.
Buổi chiều, thằng em trai mang theo con về nhà, còn mua rất nhiều đồ.
Cha tôi đích thân xuống bếp, cùng với em trai làm rất nhiều món ngon, đều là những món tôi ưa thích. Lúc Mẹ tôi còn sống, Cha tôi chưa từng nấu ăn. Thật kỳ lạ là mỗi món ăn Cha làm đều giống y như mùi vị thức ăn Mẹ nấu. Ăn từng miếng, tôi dường như sắp khóc.
Buổi tối, tôi ngồi nói chuyện với Cha trong sân, chỉ là không ngờ tới, ông vòng vo một hồi lâu, nói từ chuyện trong thôn, nói tới việc lúc còn sống Mẹ tôi muốn xây lại nhà,… cuối cùng mới nói tới vấn đề chính:
“Các con, nếu như không quá khó khăn, có thể… con biết đấy, thằng em của con…”
Tôi ngắt lời ông, hỏi:
“Cha, sửa nhà cần bao nhiêu tiền”, trong lòng đột nhiên có một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời.
“Khoảng, khoảng 200 triệu …..”, giọng của ông nhỏ lại, liền lập tức bổ sung, “nếu bán được bầy dê cũng sẽ được vài chục triệu”.
Tôi ngạc nhiên một lúc, 200 triệu với tôi cũng không phải là con số nhỏ, tôi ngập ngừng nói: “Cha, đợi con về nhà tính lại rồi nói, cũng không phải vấn đề quá lớn”.
Ông cúi thấp đầu nói:
“Con gái, làm khó con rồi. Con xem có thể được bao nhiêu, Cha già rồi, sẽ không tiêu tốn khoản nào nữa….”.
Tôi cười nhẹ. trong ánh trăng mờ ảo, chắc chắn Cha không thấy được sự cay đắng trong nụ cười đó.
Bàn bạc với chồng về chuyện của Cha, cả nửa ngày, anh ấy cũng không nói gì, chồng tôi không phải một người nhỏ mọn, nhưng năm nay, tình cảnh của anh ấy còn tệ hơn tôi. Chồng tôi mở một công ty xuất khẩu nhỏ, bây giờ đến tiền lương cũng trở thành vấn đề.
Cuối cùng anh ấy nói:
“Em đưa tiền cho Cha đi, chúng ta tự thắt chặt chi tiêu chút, vẫn có thể chịu được”.
Nửa tháng sau khi tôi chuyển tiền cho Cha, tôi gặp được một người họ hàng tới thành phố làm việc, trong lúc trò chuyện tôi liền thuận miệng hỏi:
“Nhà của con đã bắt đầu sửa lại chưa ạ”?
Ông ấy hơi ngạc nhiên:
“Không thấy Cha con nói tới việc sửa lại nhà!”, nghĩ một lúc người đó nói, “Đúng rồi, Cha con đem dê bán hết rồi, giúp em trai con mua một chiếc xe giao hàng nhỏ, em trai con không còn làm ở chỗ cũ nữa, đã tự lái xe đi giao hàng rồi. Kiếm được kha khá...".
Trái tim tôi giống như bị ném vào băng vậy, cảm thấy thực sự lạnh lẽo.
Hoá ra Cha đã nói dối tôi, từ đầu tới cuối luôn đứng về phía thằng em trai, thiên vị tới mức nói dối tôi lấy tiền giúp đỡ nó, không thể oán hận Cha nhưng có bao nhiêu bất mãn chính tôi cũng không rõ.
Về tới nhà, tôi không thể chịu đựng được nữa, nhốt mình trong phòng vệ sinh, vừa mở nước vừa khóc một trận.
Vài ngày sau đó, tôi đều không chủ động gọi điện thoại cho Cha. Cuối cùng Cha tôi gọi trước, tôi chỉ trả lời lấy lệ, Cha cũng đành phải cúp máy. Nhưng không ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói của ba...
3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại của thằng em trai, nói rằng Cha đã qua đời rồi vì bị nhồi máu cơ tim... bỗng nhiên nhớ lại cuộc điện thoại 3 ngày trước, những lời dặn dò vụn vặt cùng sự lạnh lùng của tôi, khiến tim tôi như thắt lại.
Lập tức trở về nhà, lần đầu tiên tôi và thằng em trai ôm nhau khóc, lúc Mẹ mất tôi vẫn có thể dựa vào vòng tay Cha, còn bây giờ... tất cả những oán trách đối với Cha đều bị sự ra đi đột ngột này làm tan đi hết, chỉ còn sự đau thương bao trùm lấy tôi.
Sau khi lo liệu xong hậu sự của Cha, lúc rời đi, thằng em trai tiễn tôi tới bến xe rồi nói:
"Chị gái, hãy thường về nhà nhé, Cha Mẹ đều không còn, nhưng nhà của chúng ta vẫn còn".
Một câu nói đã khiến cho tôi vốn đã khóc tới cạn nước mắt lại dâng lên dòng lệ. Nắm tay thằng em trai tôi dặn dò nó giữ gìn sức khỏe rồi lên xe đi. Tôi đã nghĩ rằng, có thể sau này tôi sẽ không thường về nơi được gọi là nhà của chúng ta nữa!
Trải qua vài ngày, tôi mới có thể bình tĩnh lại sau việc Cha qua đời...
Nhưng cuộc đời con người, quả thật là hoạ vô đơn chí, chuyện bất hạnh lại tiếp tục xảy tới, công ty của chồng tôi gặp sự cố, anh ấy bị khách hàng lừa mất toàn bộ tài sản.
Chồng tôi lúc đó gần như sụp đổ, từ một người không bao giờ uống rượu lại thành kẻ say sưa tối ngày. Tôi vô cùng lo lắng, sốt ruột, lại không có cách nào có thể giúp đỡ, suy nghĩ một đêm, cuối cùng quyết định bán nhà.
Trưa ngày hôm đó thằng em trai gọi điện tới, sau khi Cha mất, thằng em ngược lại rất thường xuyên gọi điện thoại tới. Tôi không có tâm trạng nói chuyện với nó, nó cũng hiểu được sự nôn nóng của tôi, nhẫn nại hỏi, tôi cố gắng mới nói được hết cho thằng em nghe.
Không ngờ được rằng, em trai tôi ngồi tàu hỏa, sáng hôm sau đã tới, bước vào nhà không nói gì hết, từ trong tay lấy ra một xấp tiền. "Chị, đây là 500 triệu, không nhiều, dùng giải quyết trước đã".
Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi:
"Tiền này em lấy ở đâu?". "Một phần từ mấy tháng nay em chở hàng kiếm được 300 triệu, nhà trên thị trấn không được bao nhiêu, chỉ có điều có được từng này...".
Tôi cảm động, cầm tiền đưa lại cho em trai, nói:
"Chị không thể cầm tiền của em".
Nó vội vã nói:
"Chị gái, năm ngoái xưởng đóng cửa, em và vợ bị mất việc, muốn mua một chiếc xe chở hàng nhưng không có tiền, chị đã đưa Cha 400 triệu, nói Cha đưa cho em, còn dặn Cha không được cho tụi em biết là tiền của chị".
Tôi ngây người, em trai nói tiếp:
"Cha nói, hồi nhỏ, đều là chị nhường em, bởi vì em là em, bây giờ em phải bảo vệ chị, bởi vì chị là con gái. Cha còn nói, tới lúc Cha không còn nữa, em chính là nhà của chị...".
"Cha"!
Tôi quay đầu, nước mắt rơi xuống như mưa. Tôi là đứa con bất hiếu! Sao lại không hiểu cho sự khổ tâm của Cha. Cha đã biết trước không còn sống được bao lâu, lại càng biết tôi vốn là đứa kiêu ngạo, ngay cả người thân cũng sẽ không nhờ vả dựa dẫm, chính vì vậy đã để lại sự yêu thương, dành cho tôi sau này.
Lúc đầu, khi Cha mượn tiền tôi, trong lòng Cha đã biết khó xử, đã phải dùng bao nhiêu dũng khí. Nhưng Cha vẫn làm vậy, chỉ để khi ông mất đi, chúng tôi còn có chỗ dựa, còn có người thân.
Thì ra đứa con mà ông yêu thương nhất lại chính là tôi. Tôi quay lại ôm lấy em trai, không thể nói một lời nào, chỉ ôm thật chặt nó.
Giây phút này, Cha tôi đang ở trên thiên đường cũng cảm thấy an lòng, bởi vì đứa con được sống trong tình yêu của ông mà hoàn toàn không biết, cuối cùng đã hiểu được tất cả.
*Hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể..! ❤️
Nguồn: SÀI GÒN 24H
Từ fb Nguyễn Bắc Giang st
Ảnh minh hoạ
AnhThư Phước Thái