a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYEN NGAN SUU TAM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYEN NGAN SUU TAM. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

SỐ PHẬN


 Ngày ấy tôi và anh quen nhau, anh là công chức của một cơ quan còn tôi đang dạy học ở trường làng.

Chúng tôi tính đến chuyện hôn nhân nhưng gia đình anh không chấp nhận, mẹ anh chê tôi chậm chạp chẳng có chút khôn khéo nào.
Anh năn nỉ mẹ hết mức nhưng không lay chuyển được bà, đành chấp nhận xa tôi.
Gặp nhau lần cuối đáng lẽ tôi là người khóc nhiều nhất nhưng ngược lại, anh nức nở như một đứa trẻ làm tôi trở nên mạnh mẽ lau vội nước mắt khô ráo và động viên an ủi anh - Thôi số phận đã vậy rồi, đừng buồn nữa anh ạ. Em không sao đâu.!!!
Thời gian sau anh lấy vợ do mẹ sắp đặt, và tôi lấy chồng lại do anh sắp đặt. Anh giới thiệu cho tôi bạn của anh mà theo anh biết người bạn ấy tính tình rất tốt.
Và đúng thế thật, tôi cảm ơn anh đã vun vén cho tôi có một gia đình mà nhiều người phụ nữ đang mơ ước, chồng tôi rất tuyệt vời.
Thế nhưng.. .
Được tin anh đã ly dị vợ nuôi hai đứa con , vợ anh phản bội chồng theo một người khác. Anh đau đớn khổ sở người gầy guộc và sống bi quan tiêu cực, chồng tôi thấy vậy theo sát anh an ủi giúp đỡ những gì có thể còn tôi cũng rất đau lòng nhưng giấu không cho chồng và anh ấy biết, ngoài mặt tôi ra vẻ dửng dưng chuyện gia đình của anh.
Rồi những gian nan cũng qua , con anh đã dựng vợ gả chồng. Còn một mình anh cô đơn lủi thủi , thỉnh thoảng chồng tôi đến chơi tâm sự cùng anh .
Một hôm hai vợ chồng tôi đang ngồi bàn chuyện về đám cưới đứa út bỗng nhận được điện thoại của con anh ấy báo ba bị tai nạn cần gặp bác gấp. Vợ Chồng tôi thu xếp đến bịnh viện thăm , anh nằm mắt nhắm nghiền không hiểu sao tôi và chồng mỗi người đều nắm lấy một bàn tay lạnh lẽo của anh rưng rưng khóc, anh mở mắt nhìn tôi rồi nói với giọng yếu ớt.
- anh rất vui vì đã thấy em được sống chan hòa yêu thương với chồng con, đó là điều anh mong muốn nhất...
Quay qua chồng tôi anh nói đứt quãng
-Cám ơn mày đã đem hạnh phúc đến cho người em tao ... Cứ mãi vậy nghe mày.
Chúng tôi chỉ biết gật đầu và khóc không biết anh có thấy không mà anh nhếch nhẹ môi cười và giọt nước mắt ứa ra.
Vợ chồng tôi ngưng việc lo đám cưới cho con, ngày ngày thay nhau đến chăm sóc anh , cứ mỗi lần tôi đến anh vui lắm tưởng chừng như sẽ qua khỏi.
Nhưng không ngờ nửa đêm hôm đó, ngoài trời lâm thâm mưa vì mùa Thu đang về chợt nghe tiếng điện thoại reo, con anh báo tin - Ba con đã ngừng thở...
Lần đầu tiên trong đời tôi khóc gọi tên anh trước mặt chồng tôi mà không một chút giấu giếm che đậy gì nữa... Có lẽ chồng tôi cũng thông cảm cho tôi... Anh ôm tôi vỗ về như dỗ trẻ và anh cũng khóc ngon lành thương đời người bạn có số phận không may ... Sống chẳng hạnh phúc và chết trong đớn đau khi tuổi hạc chưa ngấp nghé...
Ôi có phải chăng Trời đã an bài ???
Anh mất để lại nghĩa ân tôi nợ anh biết trả sao cho hết?
“Nhớ lời dặn của anh, em sẽ sống tốt những ngày còn lại thật ý nghĩa anh nhé “
TTB
( viết thay một người )


TRUYỆN RẤT NGẮN.

1- Hôm nay thấy cha tự nhuộm tóc ở nhà. Tôi liền hỏi: “Cha, cha sắp 60 tuổi rồi còn nhuộm tóc làm gì? Hay là vẫn muốn thử vận đào hoa?” Cha nói: “Lần nào trước khi về quê cha cũng nhuộm tóc đen, như vậy bà của con thấy sẽ nghĩ rằng cha còn trẻ, và bà vẫn chưa già.”

2- Trong họ có một tiền bối cùng thế hệ với ông nội, đã hơn 70 tuổi rồi, vậy mà ưa cùng một đứa trẻ khoảng năm sáu tuổi ngồi chơi bắn bi trên mặt đất, lại còn hò hét ầm ĩ. Chuyện đến tai bà cụ, cụ mang cả nạng ra định đánh ông, ông vùng dậy té chạy. Cuối cùng cũng bị cụ bắt kịp, ngoan ngoãn khép nép chịu đòn. Sau đó ông mới cười nói: “Nếu không phải sợ mẹ ông bị ngã, thì còn lâu bà ấy mới bắt kịp ông được nhé…”

3 - Cha: “Con trai, con thấy cha khoẻ không?”
- Con: “Khoẻ”
- Cha: “Con thấy Kungfu Thiếu Lâm lợi hại không?”
- Con trai: “Rất lợi hại”
- Cha: “Nếu như cha cạo đầu, luyện Kungfu Thiếu Lâm có được không?”
- Con trai vỗ tay: “Rất tốt ạ!”
Ngày thứ hai, con trai thấy cha cạo trọc đầu, vui vẻ nói: “Cha cố lên, nhất định sẽ luyện thành cao thủ.”
Hôm đó là một ngày trước khi cha đi hoá trị …

4 - Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân đưa lên cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 35 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi 100 ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?”
Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ.”
Ba nói: “Cho ba bớt 2 ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa.” Ba về, tôi đứng đó, nghe lòng đau nhói.

5 - Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu.”
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói :
“Đúng! Ông nói đúng…”
Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.

6- Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ một chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch sẽ rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc vòng thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
- Mẹ già rồi, tay run lắm, đeo sợ bể, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em im lặng nhìn nhau nước mắt rưng rưng.

Sưu tầm
My Lan Phạm

TINA NGƯỜI VƯỢT QUA BỜ MÊ

Trong căn phòng của khách sạn sang trọng Dallas Statler Hilton, một người đàn bà

đang đứng, mặt xưng húp với vết thương rỉ máu. Những giọt lệ chảy dài trên má – nàng tần ngần một lúc rồi ngẩng đầu cương quyết, bước qua phòng bên. Người đàn ông đang nằm còng queo trên ghế sofa trong giấc ngủ nặng nề. Người đàn bà vội vã lấy túi sách bước ra ngoài. Khi đi ngang sảnh đường ở dưới nhà, bỗng có một người đàn ông nhận ra nàng và gọi “cô Tina Turner!” Thế là nàng hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài đường. Trời đã bắt đầu tối, những ánh đèn xe lấp lánh nhạt nhòa. Sợ có người đuổi theo, nàng liều lĩnh chạy băng qua đường xa lộ, giữa những chiếc xe đang vùn vụt phóng qua. Bên kia đường là một khách sạn nhỏ, một lữ quán tên là Ramada Inn.  Nàng bước vào, đến quầy tiếp tân run rẩy nói: “Cho tôi xin gặp mặt vị quản lý khách sạn ở đây.” Nhân viên tiếp tân liền gọi ngay vị quản lý đang đứng gần đó. Cả hai sửng sốt nhìn bộ mặt tiều tụy dính máu của nàng. Nàng nói vội vàng: “Tôi là Tina Turner. Chồng tôi và tôi vừa cãi nhau. Tối nay đáng lẽ tôi phải trình diễn ở rạp hát Academy, nhưng tôi đã bỏ đi – hiện giờ trong túi tôi chỉ còn 36 xu và một cái Mobile card - nhưng nếu ông cho tôi một phòng để tá túc, tôi xin thề là tôi sẽ trả lại tiền cho ông.” Vị quản lý ngây người ra, ông vừa lắc đầu thì Tina cuống quít lục tung ví tìm mấy đồng tiền xu. Vị quản lý vội vã nói: “không, không, xin cô đừng hiểu lầm. Cô không cần phải làm như vậy. Tôi rất hân hạnh được giúp cô – chúng tôi sẽ lo cho cô.” Rồi ông quay qua gọi nhân viên: “Nick, hãy kiếm cho cô Turner một phòng”.  Tina cảm động nói lời cám ơn.

Đó là một đoạn phim thật xúc động và hồi hộp trong cuốn phim dài “What’s love got to do with it” nói về cuộc đời của Tina Turner được trình chiếu năm 1993, với sự nhập vai xuất thần của nữ diễn viên Vanessa Bassett trong vai Tina Turner đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc khó quên.

Tina Turner, nữ hoàng của nhạc rock and roll, với giọng ca khàn độc đáo đầy đam mê bốc lửa, với cách ăn mặc nóng bỏng, những điệu nhẩy vui nhộn cùng sự phụ diễn tài ba của các nữ vũ công, đã tạo nên một bầu không khí âm nhạc đầy sinh động và phấn khích, như cơn sóng phủ ập xóa hết những nỗi niềm đau. Sự ái mộ Tina của quần chúng khắp nơi không chỉ về tài năng xuất chúng, mà còn về phẩm hạnh và ý chí cương quyết đã hoán chuyển được hoàn cảnh, vượt qua tất cả những khổ ải bất hạnh để hoàn thành ước mơ và sống đời hạnh phúc.

Tina Turner tên thật là Anna Mae Bullock, sinh ngày 26 tháng 11, năm 1939 tại Brownsville,Tennessee. Cha mẹ Anna là Floyd và Zelma Bullock làm nghề hái bông gòn ở thôn quê, chỉ sống với Anna và người chị gái ít năm, rồi ông bà đi nơi khác, để hai chị em lại cho ông bà nội nuôi. Ít lâu sau, hai ông bà trở về, nhưng rồi ly dị nhau và hai chị em Anna lại phải về sống với bà ngoại. Khi bà ngoại mất vào đầu thập niên 1950, Anna dọn về ở với mẹ ở St. Louis. Cuộc đời thơ ấu của Anna tuy không đến nỗi khổ nhiều về vật chất, nhưng về tinh thần rất cô đơn và thiếu tình thương.

Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng Anna có vốn trời cho là một giọng hát rất mạnh mẽ và truyền cảm. Khi còn nhỏ cô đã luyện tập giọng hát qua ban nhạc của nhà thờ Baptist Woodlawn Mission. Khi đã tốt nghiệp trung học, cô làm việc phụ tá y tá (nurse-aid) tại bệnh viện và cùng với chị thường đến các phòng trà ở St. Louis thưởng thức âm nhạc, như nhạc R&B (rhythm & blues), loại nhạc jazz đặc biệt của người da đen. Năm 1956 tại Club Manhattan cô gặp Ike Turner, một ca nhạc sĩ có tài năng đang bước vào lãnh vực nhạc rock ‘n’ roll. Ike có ban nhạc thường trực tại club và có liên hệ với các giới sản xuất âm nhạc. Cơ hội đưa đến khiến Tina được gia nhập vào ban nhạc của Ike vào năm 1960, trình diễn chung với Ike qua danh hiệu Ike & Tina Turner. Với sự hợp tác của Tina, ban nhạc của Ike đã tạo được nhiều thành công, như bài hát đầu tiên “A Fool in Love” được liệt kê trong những bài hát được ưa thích nhất. Tiếp theo đó Ike & Tina đã được nhiều nơi mời cộng tác và thu âm những bài nổi tiếng như “River Deep, Mountain High”, “Honky Tonk Women” của nhóm Rolling Stones và nhất là “Proud Mary” đoạt giải Grammy cho bài hát R & B hay nhất.

Tina lập gia đình với Ike năm 1962 và có chung một con trai tên là Ronnie sanh năm 1960 trước khi thành hôn. Ike còn có 2 người con riêng là Ike Jr. và Michael, được Tina nhận nuôi và săn sóc. Nhưng Ike không phải là người tình đầu tiên. Trong thời gian bắt đầu vào ban nhạc, khi mới vừa 18 tuổi, Tina đã yêu nhạc sĩ thổi kèn saxophone tên là Raymond Hill và có con với anh ta, đặt tên là Craig. Đó là đứa con đầu tiên của Tina. Cả hai cùng sống trong nhà của Ike, ngay cả khi Raymond đã bỏ đi và Tina được Ike cưu mang.

Cuộc đời của Tina từ cô gái nghèo bơ vơ trở thành ca sĩ nổi tiếng đến đây tưởng chừng như đã thăng hoa, nhưng thật sự là khởi đầu cho những năm dài đau khổ vô tận. Tina bước vào lãnh vực ca hát hoàn toàn vì tinh thần yêu nhạc yêu nghệ thuật, nhưng Ike tính toán rất chi ly, đặt Tina vào sự điều khiển của mình, cố ý sở hữu tên Tina Turner để cô phải phụ thuộc vào anh ta, không thể đi nơi khác biểu diễn. Tiếng hát Tina đã đem lại cho Ike biết bao nhiêu lợi lộc, nhưng Tina không hề được nắm giữ tiền, phải lệ thuộc hoàn toàn vào Ike trong mọi phương diện. Vì thế, đôi khi Tina phải vay mượn cả những người bạn đồng nghiệp để chi cho những nhu cầu cần thiết.

Nhưng vấn đề vật chất không quan trọng đối với Tina, mà tinh thần mới là chính yếu. Ike là người có tài, nhưng tâm hồn bất ổn, tánh tình cộc cằn hung dữ, ăn chơi trụy lạc. Nhận ra rằng Tina chính là người đem lại sự thành công nổi tiếng cho ban nhạc của anh, Ike tỏ vẻ khó chịu, ganh ghét với Tina. Lúc nào anh cũng sẵn sàng đổ lên đầu Tina những bực tức, gây gổ và đánh đập Tina với những ngọn đòn thù, khiến Tina nhiều lần bị thương tích, có khi gẫy cả xương hàm. Rồi Ike bắt đầu xử dụng ma túy, lại càng thêm bất thường và hung bạo. Tina bị vây hãm trong đau khổ, khủng hoảng tinh thần, không biết làm sao để thoát ra. Trong tay Tina không một xu dính túi, lại phải lo cho một đàn con, thật bế tắc như ở trong một nhà tù không lối thoát. Năm 1968, Tina đi khám bác sĩ khai mất ngủ, được kê toa mua một lọ thuốc an thần. Tina về uống trọn tất cả lọ thuốc ngủ ấy, mong tìm sự giải thoát cho mình, nhưng được phát hiện và cứu thoát kịp thời.

Tỉnh lại từ cái chết hụt, Tina ở trong tình trạng tuyệt vọng. Lúc ấy có người bạn là Valerie Bishop đã nhẹ nhàng khuyên giải và đề nghị Tina nên thử tìm sự giải thoát bằng cách thực hành giáo pháp Phật, hàng ngày niệm câu chú “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (Namo Myouhou Renge Kyo) của tông phái Nhật Bản Nichiren (Nhật Liên).

Tina không phải người vô thần, từ nhỏ đã đi nhà thờ mỗi tuần và tham gia vào ban hát của nhà thờ Baptist. Nhưng niềm tin vào phép lạ của Chúa không có hiệu quả gì cho tình cảnh của Tina, trong khi sự đau khổ tuyệt vọng ngày càng thêm nặng nề hơn. Tina quyết định tập thử cách tu đạo Phật, đồng thời tìm hiểu thêm về giáo lý giải thoát. Mỗi ngày Tina đều ngồi niệm kinh và ngồi thiền 4 tiếng đồng hồ.

Kỳ diệu thay! Trong vòng một tháng nhất tâm hành Thiền và niệm chú Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Tina đã cảm thấy nhẹ nhàng, an vui hơn trong tâm. Lời Phật dạy “Nhất thiết do tâm tạo” là chân lý của đời sống – mọi vui buồn sướng khổ đều là do những khởi niệm nơi tâm theo sự cuốn hút của thất tình lục dục, nhưng chúng không có thực chất, dấy lên rồi sẽ tan rã như những đám mây trên bầu trời. Tina nhận ra rằng, vạn pháp trên thế gian này không phải do ngẫu nhiên, mà đều khởi từ một nhân duyên nào đó theo luật nhân quả, đến rồi sẽ qua đi theo luật thành trụ hoại không. Sau này, khi được phỏng vấn về lý do đổi đạo từ Baptism sang đạo Phật, Tina nói như sau:

“Tôn giáo của tôi vốn là Baptism, vì cha mẹ tôi theo đạo đó, nhưng tôi quyết định tu học theo đạo Phật bởi vì điều đó đã giúp tôi trở thành một con người khác, với những quan điểm và thái độ khác đối với sự việc. Có thể nói là tôi thích có một cái nhìn trung thực và khách quan hơn cho cuộc đời của mình. Đạo Phật dạy tôi những điều khác hẳn với đạo Baptism, nhưng tôi thấy rất hợp lý. Vì thế tôi cảm thấy thoải mái khi quyết định tu theo đạo Phật. Sự tu tập này đã trở thành một phần quan trọng nhất của đời tôi, nó tác động lên lề lối suy nghĩ, lên cách sống và từ sự tu tập đó tôi đã tìm được hạnh phúc.

Trên bình diện đời sống bình thường, cách suy nghĩ của tôi đỡ căng thẳng hơn, tỷ dụ như khi tôi đọc một quyển sách có quan điểm hoàn toàn khác với tôi, tôi sẽ không thấy giận dữ bởi vì tôi nhận ra rằng, trên thế gian này có nhiều cách suy nghĩ và lối sống khác nhau. Chúng ta thường nghĩ rằng thế giới chúng ta sống chỉ là một và từ đó chỉ có một cách suy nghĩ đúng cho tất cả, nhưng có những người khác trong thế giới này có cách sống và niềm tin khác, như những quan điểm truyền thống của Á đông chẳng hạn. Vì thế tôi không ngần ngại áp dụng lý thuyết và pháp tu của đạo Phật. Đạo Phật đã cứu cuộc đời tôi, cho tôi một chân trời mới”.

Cách suy nghĩ mới mẻ, cái nhìn “Như Thị” mà Tina đạt được qua sự tu tập niệm Liên Hoa kinh đã giúp Tina vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Ike không còn làm Tina sợ hãi và đau khổ như trước. Hoàn cảnh không thay đổi nhưng con người thay đổi, thì rồi mọi sự sẽ thay đổi. Tuy nhiên, oan nghiệp chưa chấm dứt nên Tina vẫn còn ở với Ike cho đến năm 1976, kết thúc cuộc hôn nhân địa ngục với cuộc chạy trốn đầy nước mắt băng qua con đường xa lộ. Tina đã nộp đơn xin ly dị hai ngày sau đó, nhưng thủ tục ly dị đã kéo dài đến 2 năm cho tới 1978 mới chính thức hoàn thành. Tina chấp nhận trả tiền phạt cho những buổi trình diễn bị bãi bỏ, chỉ đòi lại tên Tina Turner cho sự nghiệp riêng của mình.

Trải qua bao nhiêu năm đau khổ, đến lúc vào tuổi 40 Tina mới bắt đầu tái lập sự nghiệp. Giấc mơ của Tina là một ngày nào đó sẽ trở thành một Nữ Hoàng của nhạc Rock and Roll, nhưng sự thực phũ phàng đến như gáo nước lạnh. Tinh thần kỳ thị của các công ty âm nhạc ở Mỹ vẫn còn rất mạnh mẽ. Một ca sĩ da đen chỉ có thể hát nhạc R & B, nhất là một nữ ca sĩ da đen đã đến tuổi 40 lại càng không thể vào lãnh vực của nhạc Rock and Roll. Mặc dù Tina là người có tên tuổi, nhưng không có công ty âm nhạc nào mời về cộng tác. Với số tiền nợ khổng lồ trên vai, Tina bôn ba tìm chỗ lưu diễn khắp nơi, có khi trên TV, có khi tại các khách sạn sòng bài như ở Las Vegas. Có lúc rơi vào cảnh nghèo túng, Tina phải đi xin trợ cấp food stamp để mua đồ ăn cho 4 đứa con.

Sau mấy năm bế tắc, Tina quyết định qua Âu Châu thử thời vận. Nền âm nhạc của Anh Quốc đã thống trị thế giới qua bao nhiêu năm, sản xuất ra những nghệ sĩ tài ba như The Beatles, Rolling Stones, Tom Jones, Elton John v.v.. Năm 1981, Tina được Roger Davies giới thiệu lên sân khấu mở màn cho buổi trình diễn của nhóm Rolling Stones. Năm 1983, cuộc đời Tina bắt đầu khởi sắc với đĩa nhạc “Let’s stay together” của Al Green do B.E.F. sản xuất, đứng thứ 6 trong các bài hát được công chúng ở Âu Châu yêu thích. Lợi dụng thời cơ đó David Bowie đã giúp cho Tina được hãng đĩa hát Capitol của Anh quốc mời thu âm album “Private Dancer” cùng với video, trong thời gian 2 tuần tập luyện cấp tốc. Đĩa nhạc “Private Dancer” phát hành năm 1984 như một ngọn gió vũ bão, khởi đầu cho sự thành công huy hoàng của Tina, đứng thứ hai trên bảng các bài hát được yêu thích nhất ở Anh quốc, được chứng nhận 5 giải bạch kim ở Mỹ, đạt kỷ lục bán được 10 triệu đĩa trên khắp thế giới, trở thành đĩa nhạc được ái mộ nhất của Tina với số vé bán khổng lồ lên tới 180,000 người tại vân động trường Rio De Janeiro. Năm 1984 bài “What’s love got to do with it” được đưa lên đĩa hát đơn, đứng hạng nhất trong danh sách các bài hát được yêu thích nhất ở Mỹ, và lần lượt các bài như “We don’t need another hero”, “Better be good to me”, “I don’t wanna fight” v.v.. đã đem lại cho Tina ba giải Grammy ở Đại Hội Grammy hàng năm thứ 27. Tina đã nhận được 12 giải Grammy, là nghệ sĩ da đen và người phụ nữ đầu tiên được đăng hình lên trang bìa của báo Rolling Stone.

26 năm sau khi bắt đầu khởi nghiệp hát, trải qua biết bao đau khổ và thử thách, một cuộc ly dị đầy ân oán, những đối phó với sự khó khăn bế tắc về tài chánh, và rồi tìm đường vượt qua khu rừng rậm đầy chông gai của kỹ nghệ âm nhạc, cô gái nhỏ Anna Mae Bullock ngày xưa cuối cùng đã trở thành Nữ Hoàng của nhạc Rock and Roll với số tuổi 44, đạt được sự thành công vượt bực hơn tất cả những gì mơ ước, và toàn bộ những điều đó đều do công sức cô bỏ ra, theo những điều kiện của chính mình.

Tina tâm sự như sau: “Một trong những mục tiêu đầu tiên trong nghề của tôi là trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên có số khán giả đông đảo tràn ngập những vận động trường sân khấu vòng quanh thế giới. Lúc ấy, mộng ước này gần như là vượt quá tầm tay. Nhưng tôi không bao giờ buông bỏ, và tôi rất hạnh phúc đã làm được điều đó.”

Hạnh phúc của Tina không chỉ trên phạm vi nghề nghiệp, mà còn là hạnh phúc trong tâm. Tina đã nói về niềm hạnh phúc ấy qua sự tu tập Phật Pháp:

“Hãy nhớ rằng hạnh phúc xuất phát từ nội tâm. Hãy quán sát cái tôi bên trong tâm bạn, xem đâu là những nhược điểm của mình một cách khách quan. Mặt khác, trí tuệ của một tâm vô ngã sẽ giúp phát khởi niềm hỷ lạc có sẵn trong tâm. Điều căn bản là hạnh phúc có hay không là ở nơi bạn. Không ai khác có thể làm bạn hạnh phúc được. Và niềm hạnh phúc đích thực không bao giờ có thể xây dựng trên sự thua thiệt của người khác.”

“Đó là sự quân bình của việc giúp đỡ người khác trong khi chăm lo cho chính mình. Nếu bạn muốn có hạnh phúc hơn, hãy phát huy lòng từ bi của mình. Nói lời tử tế với người đang chịu một ngày xui xẻo, tình nguyện gia nhập vào những hội từ thiện giúp cộng đồng. Lòng từ bi trải đến người khác đi liền với niềm hạnh phúc gia tăng trong cuộc đời của chúng ta.”

“Hạnh phúc đã cải thiện cuộc đời tôi trên nhiều phương diện. Tôi đã viết cả một quyển sách tựa đề:

“Hạnh phúc trở thành con người bạn” (Happiness becomes you). Bây giờ tôi hạnh phúc hơn tất cả những thời điểm khác nào trong cuộc đời, không phải vì sự thành công hay tiền tài danh vọng, mà chính vì những gì có trong nội tâm của tôi.”

Quả thật như thế, niềm hạnh phúc bên trong của Tina đã tỏa ra bên ngoài trên nét mặt rạng ngời, với nụ cười tươi tắn luôn trên môi. Tina tràn đầy tự tin đi khắp bốn phương trời, trả lời những câu phỏng vấn bằng những lời vui vẻ mà sâu sắc, biểu lộ một trí tuệ uyên thâm về cuộc đời và con người.

Năm 2007, Tina nghe tin Ike đã qua đời. Cuộc đời của Ike từ sau ly dị với Tina đã càng ngày càng xuống dốc. Căn bệnh nghiện ngập ma túy trong bao nhiêu năm đã đưa Ike vào vòng lao lý trong 18 tháng và cuối cùng Ike đã chết vì xử dụng ma túy quá liều.

Nhìn lại quá khứ, Tina đã nói như sau về sự tha thứ:

“Tôi đã có một cuộc đời khốn khổ, bị bạo hành tàn nhẫn. Không có cách nào chối bỏ điều ấy được. Đó là sự thực, là thực tại tôi phải đương đầu, và phải chấp nhận. Sự tổn thương quá sâu sắc đối với tôi đến nỗi nhớ về giai đoạn ấy làm tôi có cảm tưởng như đang sống lại những cơn ác mộng. Nếu chúng ta không trực tiếp tìm cách chữa lành những vết thương của quá khứ thì ta sẽ tiếp tục bị tổn thương. Mỗi khi nhớ lại thời kỳ ấy ta lại cảm thấy đau lòng, nhưng đến một lúc nào đó, cần phải có sự tha thứ. Tha thứ có nghĩa là không ôm chặt vào quá khứ ấy nữa. Hãy buông xả bởi vì nó chỉ làm cho bạn đau khổ. Không tha thứ bạn sẽ mãi đau khổ bởi vì bạn sẽ luôn bị ám ảnh, cứ nghĩ mãi về những cảnh tượng ngày ấy.”

“Trí tuệ của đạo Phật mà tôi tìm thấy có ý nghĩa rộng lớn rất nhiều, vượt trên sự hưng phấn của một nền tảng triết lý. Trí tuệ đó đã cứu cuộc đời tôi. Bài học quý giá nhất mà tôi học được là làm sao chuyển hóa được một tình trạng tiêu cực thành tích cực, và ngay cả làm sao có thể thay đổi được những gì dường như không thể nào thay đổi.”

Thời gian thấm thoát trôi qua, sau hơn nửa thế kỷ làm việc, Tina làm chuyến du hành cuối cùng qua Hoa Kỳ và Âu Châu kỷ niệm 50 năm ca hát, chương trình khởi đầu ngày 1 tháng 10 năm 2008, và kết thúc ngày 5 tháng 5 năm 2009.

Hoa Kỳ là quê hương đất mẹ, nhưng Âu Châu là chốn trở về, vì ở đó đã tạo nên tên tuổi rực rỡ cho Tina, và đem đến hạnh phúc cuối đời. Năm 1986 Tina bay qua Luân Đôn. Định mệnh run rủi khiến trong chuyến đi này Tina đã gặp được tình yêu vĩnh cửu của đời mình. Erwin Bach gốc người Đức làm việc cho hãng đĩa hát, được cử đi đón Tina ở phi trường. Ngay từ giây phút ban đầu gặp Erwin, Tina đã cảm thấy tiếng sét ái tình, như hai người đã có duyên với nhau từ kiếp trước, mặc dù Erwin nhỏ hơn Tina đến 16 tuổi. Hai người đã đến với nhau thật tự nhiên trong tình yêu chân thực và sâu đậm. Cuối cùng, Tina đã được hưởng hạnh phúc như từng mơ ước trong kiếp nhân sinh của mình. Hai người đã chính thức thành hôn với nhau vào tháng 7. 2013 sau 27 năm chung sống trong một lâu đài thơ mộng nhìn ra bờ hồ yên tịnh ở Thụy Sĩ. Tina cũng đã từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để trở thành một công dân Thụy Sĩ ở Âu Châu.

Tuy rời bỏ đời ca sĩ, nhưng âm nhạc vẫn luôn là một phần trong cuộc sống của Tina. Các tổ chức Phật giáo đã tiếp xúc với Tina và mời bà cộng tác trong những video nhạc kinh Phật. Tina đã được yết kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma hai lần, và giọng ca bất hủ ngày xưa giờ cất lên những lời kinh tiếng kệ, đem lại sự thanh tịnh trong lòng người.

Tuổi đời càng chồng chất, thân tứ đại cũng phải tàn phai với thời gian. Tina với bệnh cao huyết áp đã bị mấy lần đột quỵ và sau đó là ung thư ruột và suy thận. Bệnh suy thận đã trầm trọng đến mức Tina cần phải được ghép thận mới sống được. Và chính nhờ sự hi sinh một quả thận của người chồng thương yêu Erwin tặng cho mình mà Tina đã được cứu sống. Tuy nhiên sau những năm tháng, thân xác mòn mỏi không thể chống chọi mãi với thời gian. Từ hư vô đến, tất cả đều cũng trở về hư vô. Tina đ thanh thản qua đời ngày 24 tháng 5, năm 2023, hưởng thọ 83 tuổi.

Tina ra đi để lại sự buồn thương khôn nguôi của người chồng yêu quý, sự nuối tiếc của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng đối với Tina, có lẽ đây là một chuyến trở về - trở về với quê hương nguyên thủy. Bởi vì khi còn sinh tiền Tina đã vượt qua bờ mê của phiền não đau khổ, để đến bến giác của sự an vui thanh tịnh. Mê và ngộ, phiền não và hạnh phúc chỉ là một, trong những sát na chuyển hóa của trùng trùng duyên khởi. Khi mê là chúng sanh, khi ngộ là Phật. Kinh Bát Nhã có câu chú: “Gate Gate, Paragate, Parasam gate, Bodhi Svaha” ..  (Vượt qua, vượt qua, vượt tất cả qua bờ bên kia, ấy là người giác ngộ.)

Tina Turner đã từng thu một cuốn phim video Phật giáo tựa đề là “Bờ bên kia” (Beyond) với những lời như sau:

“Không có gì kéo dài mãi mãi. Không có ai sống được mãi mãi. Hoa nở rồi tàn. Đông đi rồi xuân đến. Ta hãy ôm lấy vòng quay của sự sống – đó là tình yêu lớn nhất. Hãy vượt qua những nỗi sợ hãi. Vượt sợ hãi qua bờ bên kia đưa chúng ta vào nơi chốn tình yêu rộng mở. Khi bạn từ chối không theo những áp lực của sự sợ hãi, giận dữ và thù nghịch, qua bờ bên kia có nghĩa là cảm nhận được chính mình. Hãy vượt qua những lập luận đúng sai. Hãy cầu nguyện cho đầu óc chúng ta được thanh tịnh và có sự an vui cho tâm hồn. Hãy qua bờ bên kia để cảm thấy sự chung nhất của lòng từ bi. Tất cả chúng ta đều như nhau, đều muốn tìm con đường trở về nguồn cội duy nhất...”

Tina đã qua bờ bên kia, để lại cho nhân thế một gia tài của tiếng hát và tình thương.  

Ngọc Bảo

 



Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

SÀI GÒN XƯA, CÀ PHÊ, SINH VIÊN & TÔI..



















SÀI GÒN XƯA, CÀ PHÊ, SINH VIÊN & TÔI.

Bạn đã uống cà phê nhiều, bạn biết muốn pha một ly cà phê tuyệt vời đâu có khó: Cà phê Sẻ loãng nước nhưng đậm mùi thơm, cà phê Mít đặc quánh mà vô vị, hãy chọn một tỷ lệ pha trộn thích hợp là đã đi được 70% đoạn đường rồi; muốn kẹo thêm nữa hả?
Muốn hưởng cái cảm giác chát chát, tê tê đầu lưỡi phải không? Dễ mà, thêm vào chút xác cau khô là xong ngay. Bạn muốn có vị rhum, thì rhum; bạn thích cái béo béo, thơm thơm của bơ, cứ bỏ chút bretain vào.
Bạn hỏi tôi nước mắm nhĩ để làm gì à? Chà, khó quá đi, nói làm sao cho chính xác đây! Thì để cho nó đậm đà. Đậm làm sao? Giống như uống Coca thì phải có thêm chút muối cho mặn mà đầu lưỡi ấy mà. Uống chanh đường pha thêm chút rhum cho nó ra dáng tay chơi.
Như kẻ hảo ngọt nhưng vẫn cắn răng uống cà phê đen không đường cho lập dị. Thèm đá muốn chết nhưng cứ chốn bạn nhậu thì nằng nặc đòi uống chay không đá cho khác người, cho đẳng cấp.
Tôi không biết, không tả được, mời bạn hãy thử và tự cảm lấy. Bạn đòi phải có tách sứ, thìa bạc; bạn nói phải nghe nhạc tiền chiến, phải hút Capstan (dộng vài phát hết gần nửa điếu và rít đỏ đầu), Ruby Quân Đội hay Basto xanh mới đã đời, thú vị phải không? Thì đó, bạn đã có đủ hết những gì bạn cần, sao không tự pha ra mà uống, lại cứ đòi đi uống cà phê tiệm, dị hợm không?
Nói vậy chứ tôi biết, tôi không trách bạn đâu. Cà phê ngon chỉ mới được một nửa, nhưng chúng ta đâu chỉ cần uống cà phê, chúng ta còn ghiền "uống” con người tại quán cà phê; "uống” không khí và cảnh sắc cà phê; "uống” câu chuyện quanh bàn cà phê và nhiều thứ nữa.
Vậy thì mời bạn đi với tôi, quanh quanh Sài Gòn làm vài ly chơi. Dĩ nhiên là tưởng tượng, cả bạn và tôi đều biết, đã xa rồi, biền biệt lắm rồi cái thời SV ngày đó.
Bắt đầu từ thập niên 70, những năm Sài Gòn đã trải qua những trở mình to lớn; những cơn lốc kinh hồn; những bùng vỡ vượt mọi giới hạn; những xô đẩy, mời gọi đầy lôi cuốn và cũng nhiều cạm bẩy.
Niềm vui và nỗi hy vọng về một vận hội mới sau biến cố 1963 qua nhanh theo với sự yểu tử tất yếu của những người đã nhân danh một cuộc cách mạng, nhưng là thứ cách mạng nửa vời, có khả năng đả phá nhưng lại thiếu bản lãnh và tâm lực để xây dựng, kiến tạo. Chiến trường càng lúc càng khốc liệt, càng áp gần và đã trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng; một cơn ác mộng thường trực.
Miền Nam Việt Nam những năm giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 1970 như vậy đó. Tuổi trẻ Việt Nam lột xác: lớn ra và tự già đi trước tuổi của mình. Những "lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó đã thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ dường như tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không còn, cũng không thể vô tư nhởn nhơ được nữa.
Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng đầu tiên trong đời được nhấp vào và dù muốn hay không, tuổi trẻ đã thực sự bị chi phối, và phải thường xuyên đối diện với những bất hạnh của dân tộc; những thảm kịch của thân phận mình và quán cà phê trở thành cái nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức thiết, thật lòng; có một chút làm dáng, thời thượng. Thông cảm giùm đi, tập làm người lớn mà.
Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn vinh và náo nhiệt lắm. Trong suốt nhiều tuần lễ đầu tiên đi lại phải dè dặt và lúc nào cũng lẩm nhẩm câu "thần chú”: Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng đi lên và mường tượng ra một "lá bùa” như một thứ kim chỉ nam khả dụng. Hai con đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển.
Dĩ nhiên nếu tính từ khu Chợ Cá tôi lưu trú, Phan Thanh Giản được hiểu như bao gồm cả khúc Minh Mạng nối từ Ngã Bảy đến Ngã Sáu Chợ Lớn và Phan Đình Phùng phải cộng thêm khúc Lý Thái Tổ rẽ phải đến Ngã Bảy hay rẽ trái đến Trần Hoàng Quân để về Ngã Sáu.
Về sau khi đã khá quen quen, lá bùa được vẽ lớn thêm ra: Từ Phan Thanh Giản, rẽ phải theo Lê Văn Duyệt sẽ đến phố chính Lê Lợi, nhà sách Khai Trí, chợ Bến Thành, rẽ trái lên Hòa Hưng, Bảy Hiền; từ Phan Thanh Giản rẽ phải ở Hai Bà Trưng sẽ đến bến Bạch Đằng, rẽ trái sẽ qua cầu Kiệu, Ngã Tư Phú Nhuận.
Cũng từ Phan Thanh Giản rẽ trái ở Đinh Tiên Hoàng sẽ đến rạp Casino Dakao, Lăng Ông Bà Chiểu và hướng ngược lại là trường Văn Khoa, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp. Cứ như thế, cái xe cọc cạch, trung thành như một người bạn thân thiết lê la khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Những ngày này, tôi là khách thường trực của quán Cà phê Thu Hương đường Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại hòm Tobia.
Nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặt quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp.
Ngồi đây có thể nghe được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong; cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.
Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó.
Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó, việc của bạn là uống vậy thì đừng táy máy đụng vào làm hư cà phê của tôi. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và chờ. Yên tâm đi, đừng nôn nóng gì cả, bạn sẽ có cà phê ngon để uống mà.
Ông chủ sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường cho bạn, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự "xin mời” khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là cà phê Thu Hương, đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương.
Nhiều người mới đến lần đầu không biết, cà phê bưng tới là tự lo liệu cho mình đều bị chỉnh ngay: Ông nôn nóng mở phin lỏng như vậy nước chảy ào ào còn gì là Thu Hương! Ông bỏ đường ngọt như ăn chè vậy còn gì là Thu Hương! Ống khuấy cốp cốp kiểu đó cà phê sẽ chua lét là ông giết Thu Hương rồi! "Thằng cha” này rắc rối thật nhưng là sự rắc rối có thể hiểu được, thông cảm được miễn là cà phê ngon. Mà cà phê Thu Hương ngon thiệt, ngon lắm.
Trong lãnh vực kinh doanh quán cà phê, có người dùng âm thanh; có người dùng ánh sáng và cảnh trí; có người nhờ sự duyên dáng của tiếp viên; có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công.
Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, có thể họ từ bên trường Luật qua, từ dưới Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc lên; từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Hội Việt Mỹ lại; từ Huỳnh Thị Ngà, Nguyễn Công Trứ, Vương Gia Cần, Võ Trường Toản, Thư Viện Quốc Gia tới, quanh quanh khu Tân Định, Đa Kao cả mà.
Cũng có người từ xa hẹn nhau đến nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ "chữ nghĩa” lắm; "ông” nào "bà” nào cũng tha tập cours quằn tay, cộng với nào là Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá của của Nguyễn Ngọc Lan, Nói Với Tuổi 20 của Nhất Hạnh; các tạp san Tư Tưởng, Sử địa, Bách khoa, Văn và vân vân...
Ở Thu Hương dĩ nhiên là có thể "uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” hay nhiều thứ giải khát khác; tuy nhiên, phần lớn là nhâm nhi ly cà phê. Thu Hương nổi tiếng như vậy; ông chủ điệu như vậy, dù rành hay không cũng phải ráng tỏ ra sành điệu với người ta chứ!
Lại còn phải cố bậm môi kéo Basto xanh cho có vẻ phong trần. Cứ như thế mà trầm ngâm suy tư, rì rào tâm sự; đốt bao tử, đốt phổi và đốt thời gian. Nghĩ lại thật phí phạm và đáng tiếc nhưng hồi đó thì không thấy như thế. Phải như vậy chứ sao! Thời chiến mà, buổi nhiễu nhương mà!
Ngày đó tôi thường ngồi Thu Hương với T, một người bạn đang học năm thứ 2 ở trường Y Khoa, anh là người rất mê giáo sư Trần Ngọc Ninh, coi ông là một nghệ sĩ tài hoa, một tay dao bậc thầy trong ngành giải phẩu và vẫn thường say sưa kể việc thầy Ninh có thể cầm lưỡi dao lam khẻ vào tập giấy quấn thuốc và cho biết trước là sẽ rạch đúng mấy tờ.
Bạn tôi đúng là người trời sinh ra để làm thầy thuốc, anh muốn xoa dịu mọi khổ đau và không chịu được những điều tàn nhẫn, thô bạo. Hồi sinh viên N té lầu chết ở trường Y Khoa, báo đăng nói là tai nạn nhưng không biết từ đâu bạn tôi khẳng định đây là một vụ ám sát, thanh toán lẫn nhau và anh đau đớn, tức giận lắm (thật ra bạn tôi lầm, vì vụ té lầu và cái chết của N tại trường Luật Khoa là hoàn toàn khác nhau).
Người với người cùng trăm trứng chui ra, chả lẽ không còn cách đối đãi nào tốt hơn với nhau hay sao? Đến lúc này anh đã có câu trả lời cho điều ám ảnh nhiều năm trước: Không phải không có cách mà là dường như người ta không cần và cũng không muốn phải chăng với nhau. Đau thật, nỗi đau quặn thắt tim gan.
Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur; bạn thường đi qua đi lại liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may Thiết Lập, vậy bạn có biết cà phê Hồng ở đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó chéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung Tâm Thực Nghiệm Y Khoa (Viện Pasteur).
Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ xíu hà, với lại cái tên Hồng không biết do ai đặt, gọi riết thành quen chứ thực sự dường như quán không có bảng hiệu, và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả. Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại.
Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm, trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu nữ đội nón lá; một bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng ả, vừa như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu.
Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại.
Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là loại nhạc "mệt mỏi” cỡ "đại bác đêm đêm...” hay "đàn bò vào thành phố...” đã trở thành một cái "mốt”, một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người.
Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán - những thanh niên xốc xếch một chút, "bụi” một chút (làm như không bụi thì không là trí thức)- đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly.
Đến Hồng không chỉ có nghe nhạc về quê hương, chiến tranh và thân phận; ở đây còn có thể đọc về những điều đó. Không hiểu do sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở Cà phê Hồng lâu lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có cả Time, Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài.
Tôi đã đi quá xa rồi phải không? Xin lỗi, cho tôi được mượn cơ hội này để nói về tuổi trẻ của chúng ta một chút, tôi đang trở lại với cà phê Hồng đây. Hồng là ai? Tôi không biết, quán có ba cô chủ, ba chị em; người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất mười lăm, mười sáu gì đó.
Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh quốc khuynh thành gì nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xan lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và ít nói, ít cười, trừ cô chị; cái kiểu ít nói ít cười làm chết người ta.
Còn cái dáng đi nữa, bạn còn nhớ không? Làm ơn nhắc giùm để tôi tả cho chính xác đi, khó quá. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những lời hát khó giải thích nhưng dễ cảm nhận như "vết lăn, vết lăn trầm” hay "vết chim di” gì đó có lẽ có thể mượn để hình dung ra dáng đi của mấy cô chủ cà-phê Hồng; nó nhẹ lắm, êm ái thướt tha lắm và cũng lặng lờ khép kín lắm.
Chính cái vẻ lặng lờ vừa như nhu lệ thẹn thùng, vừa như kênh kiệu kiêu sa, vừa lãng đãng liêu trai đó đã làm khổ nhiều trái tim trai trẻ lắm, rất nhiều.
Những năm 1980, Cà-phê Hồng không còn, dãy phố nhỏ buồn thiu, im lìm và trống vắng như nét ảm đạm chung của toàn thành phố một thời rộn rã. Đối diện nơi quán cũ, gần cuối bờ thành Viện Pasteur là một bãi rác khổng lồ, ruồi nhặng đen nghịt và mùi hôi thối nồng nặc, phủ trùm; ở đó, hàng trăm ông lão bà cụ; hàng trăm trẻ em trai gái tranh nhau giành giật, đào móc từng chút sắt vụn, từng mảnh nhỏ nylon.
Tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn cảnh não lòng này và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Còn chị em cô Hồng: những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển "chim di” giờ mờ mịt phương nào?
Ai có thể trả lời được về số phận của những con người nhỏ nhoi trong thân phận chung của cả một dân tộc! Nay khu vực này đã thay da đổi thịt nhiều, nhưng vẫn nhớ không khí xưa của một thời làm cách mạng và phản kháng trong...quán cà phê!

Sài Gòn trong tôi/ Lương Thái Sỹ

Răng Sữa Và Tóc Non



Nhớ lại dạo tôi chuẩn bị gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Mẹ tôi mắc chứng đãng trí từ nhiều năm, để bà ở nhà có thể ảnh hưởng đến an toàn của bà và cả nhà, vì đã có lần bà bật bếp ga rồi quên không đóng.

Mẹ tôi thường ngồi một mình trong phòng khách, ôm chiếc hộp sắt và lẩm bẩm điều gì đó một mình. Nhìn thấy tôi hoặc con dâu, bà chỉ khẽ cười. Đôi khi tôi hỏi mẹ đang nói gì vậy thì bà trả lời: “Mẹ có nói gì đâu!”

Vợ tôi thường phàn nàn: “Em sợ cái cảnh này quá”!


Thậm chí có những đêm, vợ tôi thức dậy đi vệ sinh, bất chợt nhìn thấy một cái bóng đen đen lù lù trong phòng khách, thì sợ đến nỗi hồn bay phách lạc. May đúng lúc đó, tôi cũng tỉnh dậy, ra bật điện, thấy mẹ đang ngồi đó không nói năng gì. Tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ lại ngồi đây thế?” Bà đứng dậy, lắc đầu, đến bản thân bà cũng không biết vì sao mình lại ngồi đây.

Quay về phòng, vợ tôi vẫn thao thức. Cô giận dỗi: “Ngày nào cũng như thế này thì làm sao mà sống nổi đây”. Nói xong, cô đề nghị: “Hay chúng ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu”.

Tôi suy nghĩ mãi rồi vẫn phải lắc đầu, thở dài, quyết định thế nào cũng không xong.

Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha, chỉ có mẹ tôi một mình tần tảo nuôi tôi nên người. Tôi nhớ khi ấy có rất nhiều người đến mai mối, khuyên mẹ nên đi bước nữa, và đó đều là những đàn ông tương xứng với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi nhất quyết cự tuyệt, mẹ tôi sợ rằng lấy người khác rồi thì tôi sẽ chịu ấm ức.

Mẹ tôi hàng ngày bán rau kiếm cơm nuôi tôi, một đời ngậm đắng nuốt cay, chặng đường vô vàn gian nan khó bước. Rồi mẹ tôi cũng nuôi tôi học đến đại học, dạy tôi thành trang nam tử, cho tôi kĩ năng phấn đấu trong sự nghiệp. Đến nay mẹ tôi vẫn chưa được hưởng ngày vui nào trọn vẹn, vậy mà chẳng lẽ tôi lại nhẫn tâm đưa mẹ vào viện dưỡng lão sao? Vợ tôi thấy chồng nói vậy thì thôi không nói gì, nhưng trong tâm thì không hài lòng, thường quay mặt tránh nhìn tôi.

Hôm sau khi nấu cơm, bà lại để xảy ra chuyện. Cơm đã chín, nhưng bà lại ấn nút nấu thêm một lần nữa, kết quả cả nồi cơm cháy đen thui. Vợ tôi vừa nhìn nồi cơm vừa trách: “Mẹ, sao mẹ lại ấn nút hai lần?”

Bà nín nhịn hồi lâu, cuối cùng nói một câu: “Mẹ quên”.

Lần khác, mẹ tôi ra ngoài, khi về thì vào nhầm nhà, may mà người ta đưa về.

Sự việc này sau khi xảy ra nhiều lần, trong tâm tôi cũng bắt đầu dao động. Tôi nghĩ: “Hay cứ để mẹ vào viện dưỡng lão xem sao, có khi sẽ tốt hơn cho mẹ, trong đó nhiều người già, mẹ sẽ không còn cô đơn nữa…” Hôm đó, nhân lúc tâm trạng của mẹ vui vẻ, tôi bèn nói ra suy nghĩ trong lòng.

Mẹ tôi ngồi lặng thinh, không nói lời nào.

Vợ anh ngồi bên, được thể nói: “Mẹ, mẹ đến đó rồi, nếu thực sự không quen, thì chúng con lại đón mẹ về nhà mà”.

Bà thở dài gật đầu, tối đó bà thu dọn. Đồ đạc được chuẩn bị cũng rất đơn giản. Bà còn mang theo chiếc hộp sắt, trên đó có một chiếc khóa nho nhỏ. Mẹ tôi ôm chặt nó vào lòng. Vợ tôi nói: “Mẹ, để nó ở nhà đi”. Bà đáp trả: “Không, mẹ phải mang nó theo!”

Từ khi mắc bệnh thì cái gì mẹ tôi cũng quên. Chỉ có chiếc hộp sắt là không lúc nào bà quên mang theo bên mình. Đôi khi vợ lôi tôi ra, chỉ vào trán hỏi: “Anh có ngốc không? Có biết có cái gì trong hộp không”? Tôi lắc đầu, từ trước tới giờ tôi thấy mẹ tôi luôn coi chiếc hộp đó như một bảo vật, tôi chỉ biết có vậy thôi.
Vợ tôi nói: “Cả đời người, ai chả có một bảo vật, hay chút tiền vàng trong tay. Trong chiếc hộp của mẹ anh chắc chắn là những thứ đó”.

Tôi vừa nghe vậy, tự nhiên thấy động lòng. Tôi biết, nhà ngoại tôi trước kia là địa chủ giàu có. Nếu thực sự trong hộp có thứ gì đáng giá, đưa mẹ tôi mang theo rồi bị mất hay bị kẻ trộm lấy thì thật đáng tiếc.

Cho nên tôi vô tình đưa tay ra nói: “Mẹ, mẹ đưa hộp đây con xem được không?”

Bà lắc đầu, giữ khư khư bên mình và nhất quyết không đưa cho tôi. Vợ tôi nhìn thấy vậy thì lầm bầm vài câu. Hôm đó vợ chồng tôi chưa đưa mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Đến đêm khi mẹ tôi đã ngủ say, tôi và vợ mới nhẹ nhàng mở hộp ra, bất chợt tôi nhìn thấy những vật trong đó mà tuôn trào nước mắt. Hôm sau, vợ chồng tôi cũng không đưa mẹ tôi đến viện dưỡng lão, và kể từ đó về sau chúng tôi cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

Trong chiếc hộp sắt không phải cất giữ tiền, cũng không phải vàng, mà là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có một tờ giấy ghi lại thời gian tôi thay răng và lần đầu tiên cắt tóc. Ở quê tôi có một phong tục, đó là răng sữa và tóc tơ của con cái thì không được phép vứt đi mất, nếu không giữ cẩn thận, đứa trẻ đó sẽ ốm yếu triền miên và chết yểu…

Mẹ có già, có lẫn, mẹ có thể quên đi hết mọi thứ trên đời, quên đi cả chính bản thân mình nhưng tình yêu dành cho con thì vẫn luôn hiện hữu trong trí nhớ của mẹ. Con chính là cả cuộc đời của mẹ.

Posted by GLN


BÃO!

Tôi sinh ra ngoài vòng lễ giáo. Mẹ tôi, một người đàn bà góa đang xuân không giữ được tiết hạnh đã lầm lỡ sinh tôi. Cha tôi, một người đàn ông đã yên ổn gia đình cũng không thuộc giòng họ Sở đã bắn tiếng xin đến nhận con. Ngoại tôi nghiến răng trả lời: “Thà con gái tui mang tiếng chửa hoang chớ tui không hề dạy con tui đi phá hoại gia cang người khác”. Tôi trở thành đứa con không cha. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng. Mẹ đặt tên tôi là Bão, chữ bão dấu ngã. Đó là một ngày tháng năm, nắng nung trời nẻ đất.

Tôi lớn lên trong gian nhà cổ ba gian hai chái. Căn nhà rường đã cũ kỹ với tháng năm mà ngoại và mẹ thay nhau đắp chỗ này, vá chỗ kia. Lần tu bổ cuối cùng là chống đỡ cái chái đầu nam và trổ thêm cho nó một cửa sổ ngó ra vườn. Trước kia, đây là căn “buồng gói” tối tăm mục nát mà mẹ đã giao cho tôi bảo rằng tôi đã lớn.

Mặc dầu đi vào đi ra vẫn có mẹ trong nhà nhưng tôi phải rời bỏ vòng tay âu yếm yêu thương của mẹ rất sớm. Những bức tường, những cánh cửa bàn khoa như bao nhiêu cặp mắt phán xét đè xuống mẹ con tôi. Thế là tôi trốn ra vườn, khu vườn thênh thang cây trái. Một lần, chừng như tôi lên bốn mẹ đi chợ về mua cho tôi một quả bóng nhựa. Quả bóng đỏ làm tôi thích mê man. Tôi mang quả bóng ra vườn chạy nhảy. Trong một cú xoay người, cả tôi, cả bóng lao vào vòng tay mẹ. Hai mẹ con cười khanh khách. Vòng tay mẹ xiết lấy người tôi, đôi môi mẹ mơn man trên vầng trán thơ dại của tôi. Bàn tay bé xíu của tôi níu cổ mẹ. Nhưng vừa khi đó mẹ bỗng sững người lại. Tôi ngơ ngác nhìn lên. Ngoại đó. Ngoại đứng nơi bậc cửa nhìn, thở hắt ra một tiếng: “báu lắm đó”, rồi bà quay ngoắt vào trong. Tôi còn bé dại lắm nhưng lờ mờ nhận ra là mẹ con tôi đã làm một điều gì không phải phép. Tôi đứng im cúi đầu. Một con kiến bò nghênh ngang trên mu bàn chân tôi, cắn một miếng đau nhói rồi thản nhiên bò xuống. Tôi đưa tay xoa chỗ đau ngước mắt nhìn mẹ. Mẹ đang khóc. Mùa này cây khế đang hoa, thả những nụ li ti xuống mặt nước. Cái vại cao ngang cổ tôi. Tôi nhìn vào. Vại nước đầy loăng quăng.

Từ đó tôi hiểu rằng tôi không được như anh Khiêm, dù anh lớn hơn tôi sáu tuổi. Tôi không được lẫy hờn để mẹ dỗ dành, không được vòi quà khi mẹ về chợ. Mà với tôi mẹ cũng rất kiệm lời khen mỗi khi xem bài vở. Tình thương của mẹ dành cho tôi cứ lặn hết vào trong. Có khi là một gói kẹo giấu dưới đáy giỏ, là mấy cuốn truyện tranh tìm được đâu đó, là khẩu súng nhựa bắn nước để tôi chơi một mình với mấy bụi cây. Những món qùa giấm dúi đó lâu lâu cũng bị ngoại và anh Khiêm bắt gặp. Ngoại quay đi không nói gì nhưng anh Khiêm thì ghen tức ra mặt. Trẻ con, những phần chia giấu diếm ắt phần đó phải nhiều hơn. Mà anh ghen tức với tôi làm gì khi anh là niềm hãnh diện của mẹ, là đại diện cho phần đời đẹp đẽ mà mẹ đã sống. Bên cạnh mẹ anh tung tăng tíu tít hồn nhiên ngửng cao đầu. Còn tôi… tôi còn nhớ một năm tôi và anh Khiêm theo mẹ đi kỵ cố. Trong khi tôi thơ thẩn góc sân nhặt nắp chai bia chơi môt mình thì có một bà già, già như ngoại đến nâng cằm tôi lên. Đôi mắt hấp háy nhìn thẳng vào mắt tôi, bàn tay nhăn nheo sờ soạng lên môi, lên mũi rồi vân vê vành tai tôi săm soi từng chút một. Tôi rùng mình. Mẹ đứng đó tự bao giờ. Mẹ nhỏ giọng bảo tôi:
– Con thưa mụ đi.
Tôi lí nhí lặp lại:
– Thưa mụ.
Bà buông tôi ra quay về phía mẹ:
– Thằng “lỡ” đây phải không?
Mẹ cúi đầu:
– Dạ.
Tiếng “dạ” khó khăn như bị chặn ngang cổ. Đôi mắt đỏ hoe, mẹ quay đi len lén chùi nước mắt.
Từ đó mỗi lần có dịp kỵ giỗ, cưới xin, thấy tôi xớ rớ bên mẹ là anh Khiêm quát:
– Mày thì ở nhà. Mày chỉ làm cho mẹ khóc.

Tôi ở nhà. Tôi cũng chẳng ham gì đến đó. Mẹ để sẵn cho tôi một tô cơm và niêu cá bống thệ kho tiêu. Những con cá mẹ kho đậm màu săn lại, cong vòng lên mặn mà, vừa bùi vừa ngọt. Kỵ cố vào tháng chạp trời mưa lạnh. Tôi nhìn bụi chuối xơ xác sau hè vừa bưng tô cơm nguội ăn một mình. Tiếng mưa rả rích, tiếng gió lùa qua cửa bàn khoa. Quen rồi, buồn nhưng không khóc.

Ngày cuối đời của mẹ cũng vậy. Lời cuối cùng dành cho tôi chỉ vỏn vẹn một câu: “Cha con đó”. Tôi nhìn người đàn ông trước mặt, nghe âm vang câu nói như bật ra từ những ray rứt dồn nén suốt những tháng năm bão tố. Ngoại đã cho phép gọi ông về vì thương thân tôi côi cút. “Đã mất mẹ thì còn có cha mà dựa.” Ông đứng một lúc nhìn những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt nhắm nghiền của mẹ rồi kéo tôi ra ngoài. Thế cũng xong. Mẹ đã mãn nguyện lắm rồi. Dù sao cũng nói được cái điều ai cũng biết, điều mà ngay lúc mới hoài thai tôi người ta đã đồn dậy Huế.

Để tránh búa rìu dư luận cha tôi đã tìm cách đưa cả gia đình vào Đà Nẵng làm ăn. Tôi lớn lên trong lòng thành phố, những ánh mắt phán xét, những ánh mắt thương hại đuổi theo tôi suốt quãng đời thơ ấu. Mẹ mất năm tôi học lớp mười hai, đủ khôn lớn để nuốt vào lòng những giọt nước mắt. Có cha và mất mẹ, cán cân chênh vênh quá. Cái được bù chi nổi cái mất. Đưa mẹ đi rồi tôi ngồi thờ thẩn nhìn mưa chảy thành dòng trước mái hiên.

Mùa này mưa bão. Gió quật tơi bời hàng chuối xác xơ. Sao mẹ không dặn dò tôi một điều gì đó? Tôi gục đầu vào đôi bàn tay… Biết mình không qua khỏi, mẹ lần lượt gọi từng đứa con vào phòng. Mẹ dặn dò gì chỉ riêng người đó biết. Mỗi người nắm lấy bí mật của riêng mình, nắm lấy lời ký thác của mẹ. Cả anh Khiêm, cả Lụa, mỗi người ở lại phòng mẹ lâu lắm để nghe mẹ nói. Khi bước ra, mắt anh Khiêm hoe đỏ, còn Lụa thì ôm mặt chạy ra sau vườn nức nở. Phần tôi, mẹ chỉ nói một câu, chưa đầy một phút. Điều mẹ nói hiển nhiên ai cũng biết. Mẹ không có gì gởi gắm cho tôi sao?

Ngay cả với Lụa, đứa con gái đâu phải do mẹ rứt ruột đẻ ra…
Tôi còn nhớ ngày Lụa bước vào nhà tôi. Một con bé đen đủi nhếch nhác, gầy khẳng gầy khiu như con chuồn chuồn kim ngơ ngác. Mẹ nó là bạn hàng của mẹ, buôn bán thua lỗ mất sạch vốn. Tiền hàng họ không trả được mà nhà lại đông con bèn đem gán cho mẹ tôi như một hình thức trừ nợ. Mẹ chép miệng: “Thôi, nuôi làm phúc”.Trái với thân xác còm cõi của nó, con bé có sức chịu đựng bền bỉ đến không ngờ. Nó ý thức ngay thân phận của nó trong ngôi nhà này. Sáng sớm, mới thức dậy đã nghe tiếng chổi của nó quét lạt sạt trước ngõ, sau vườn. Bếp lửa cháy đỏ với cơm canh nóng sốt. Mà Lụa chỉ mới bằng tuổi tôi. Vậy mà nó gọi tôi bằng anh ngọt xớt dù chỉ nhỏ hơn tôi ba tháng tuổi. Thấy nó ngồi thu lu trong góc bếp mờ mịt khói và tro, ôm khư khư cuốn tập, mẹ bảo: “Thôi thì cố học cho hết cấp hai rồi phụ với bác mua bán.” Năm đó tôi lên cấp ba, vào Quốc học, Lụa có tên trong danh sách được tuyển vào Hai Bà Trưng. Học cho biết sức mình thế thôi chứ Lụa biết phận mình lắm. Đôi mắt thật buồn, Lụa xếp hết sách vở thành một chồng, lấy dây buộc lại. Bàn tay Lụa vuốt mãi chiếc áo học sinh gấp lại, cho vào ngăn kéo. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Lụa ngập ngừng một chút, đổi giọng vui vẻ:
– Thôi, học chừng đó cũng đủ rồi. Em sẽ theo bác tập tành mua bán. Em sẽ giỏi như bác.

Tôi nhìn Lụa cười chợt nhận ra rằng em đã lớn. Mà em lớn thật. Lớn trong cái dáng gầy guộc, trong bước đi tất tả, trong chiếc nón lá dãi dầu. Tôi thấy trong em, hiện thân cả cuộc đời đầy chịu đựng lo toan của mẹ. Từ ngày có em công việc bán mua của mẹ nhẹ nhàng hẳn. Nắng tháng tư, tháng năm Lụa đổ đậu xanh đầy sân phơi phóng. Em bảo phải phơi năm sáu nắng thì khi cất đậu mới không bị mọt. Mẹ buôn hàng nằm, có một cửa hàng nhỏ gần chợ An Cựu. Cửa hàng này ngoại trao lại cho mẹ tập tành từ hồi còn con gái. Mẹ cất đậu xanh, bột ngọt, dầu ăn… bán lại cho các bạn hàng trong chợ. Sau này, phía trước mẹ còn bày thêm một ít hàng bán lẻ: giấy tiền vàng bạc, nhang nến, mấy lọ thủy tinh đựng các mẫu trầm, mấy ngọn đèn dầu nho nhỏ mà người ta thường thắp trong các am miếu. Bước vào gian hàng của mẹ lúc nào cũng phảng phất một mùi hương sám hối.

Cuộc đời của mẹ quanh đi quẩn lại là bốn bức tường. Vậy mà lòng mẹ… Chẳng biết mẹ nghĩ gì, mùa tựu trường năm đó khi mua sắm cho anh em tôi, mẹ lôi ra một xấp vải trắng đưa cho Lụa bảo: “Con may gấp áo cho kịp mà nhập học với người ta.” Lụa sững người, tròn xoe mắt không tin vào những gì mình nghe thấy. Em ôm xấp vải vào lòng nước mắt trào ra. Từ đó, em như một đứa con của mẹ. Một cô con gái chịu thương chịu khó tận tụy trong mọi công việc của gia đình, cô con gái nết na, hiếu hạnh mà những phút cuối đời mẹ đã gom hết sức tàn gọi riêng vào phòng ký thác. Là một thằng con trai tôi không ganh tị với em nhưng tôi lặng thầm nuốt những giòng nước mắt.

Tôi nhận được điện thoại của Lụa vào buổi tối, khi đang ngồi một mình ở bàn làm việc. Tôi cầm ống nghe với một chút ngạc nhiên:
– Lụa đấy hở em?
– Dạ…
Tiếng dạ nhỏ và ngập ngừng làm tôi hỏi dồn:
– Có chuyện gì không em?
– Dạ… sắp đến ngày giỗ mẹ.
– Anh biết, anh nhớ ngày mà.
Im lặng. Tôi nghe đầu dây bên kia hình như là tiếng khóc. Tiếng khóc được nén lại, nghẹn ngào. Chuyện gì vậy? Mẹ mất hơn mười năm rồi. Đây đâu phải là lần giỗ đầu tiên.
– Năm nay… anh về?
– Ừ, anh Khiêm gọi điện bảo anh thu xếp công việc về giỗ mẹ và giải quyết một số việc nhà.
– Vừa rồi… bão lớn lắm.
– Anh có nghe anh Khiêm nói. Nhà mình bị tốc mái phải không? Anh Khiêm đã cho người sửa lại.
– Dạ… Anh…
Tôi chờ đợi và sực nhớ ra:
– Phía gia đình em thế nào? Cả nhà thường không?
– Dạ… thường. Anh… Cây bưởi bị chặt rồi anh.
Câu nói hấp tấp của Lụa chưa kịp làm tôi ngạc nhiên thì phía bên kia đã cúp máy. Tôi đặt ống nghe xuống ngơ ngẩn. Không biết nghĩ gì tự nhiên tôi bước đến mở ngăn kéo, cái ngăn kéo đựng các thứ linh tinh mà tôi không nở vứt bỏ. Tôi rút một lá thư của Lụa. Một bông hoa khô nhẹ bỗng rơi xuống tay, rã ra từng mảnh. Hoa bưởi… Trong số cây trái vườn tôi có cây bưởi. Cũng chẳng có gì đặc sắc vì quả chua mà ít khi đậu quả đến già. Chỉ có mùa hoa, tràn trề, sung mãn. Lụa hái từng chùm, bỏ vào trong túi áo rồi le te theo mẹ xuống chợ. Mùi hương quanh quẩn theo em suốt ngày. Lớn lên một chút, đến tuổi làm dáng hình như em có cách giữ mùi hương quanh mình mà không cần mang hoa theo. Dĩ nhiên những chùm hoa cao cao đó em phải nhờ tôi hái. Nhưng tôi chỉ giúp vài lần thôi. Sau đó Lụa phải đổi. Tôi “mua” những ly nước đậu ván rang pha đường vừa thơm vừa ngọt của em bằng những chùm hoa bưởi trắng tinh khôi để trong chiếc rỗ tre nho nhỏ. Đi học về, uống chén nước em pha ngọt đến ruột đến gan. Tôi đi xa lâu rồi, cả chục năm trời rồi phải không Lụa? Thế mà em không quên, năm nào cũng gởi cho tôi một bông hoa khô bé xíu, gửi kèm theo thư. Mỗi năm chỉ một lá thôi, khi thì nhân dịp giỗ bà, khi thì giỗ mẹ nếu tôi không thu xếp được để về. Những bức thư… Trong ngăn kéo linh tinh này nếu lục lại tôi sẽ tìm đủ mười hai lá thư không thiếu lá nào cả. Tôi không có ý giữ gìn nhưng có một cái gì đó níu tay tôi lại không để tôi vứt đi cùng bao giấy tờ vô nghĩa khác. Tôi bâng khuâng thả lá thư vào ngăn kéo như đưa tay khép một khoảng trời riêng đầy xao xuyến. Và giờ đây, những mẫu hoa khô đang nằm trong tay tôi run rẩy. Tôi không bóp nát bông hoa nhưng có cảm giác một cái gì đó đang đau đớn vụn vỡ giữa tay mình.

Thời tiết xấu quá, chuyến bay phải hoãn tới, hoãn lui. Đến khi đáp xuống Phú Bài thì đã mười giờ tối. Anh Khiêm mở cửa cho tôi trong tiếng mưa rả rích. Đêm đó, tôi ngủ trên chiếc giường cũ của mình nghe căn nhà sao trống trãi quá. Mẹ mất, ngoại cũng không còn, Lụa thì đã về quê. Nhà chỉ còn o Đậu với anh Khiêm. Căn nhà này lâu lâu lại thiếu đi một người như thế.

Tôi xa nhà từ khi vào năm học đại học. Đó là con đường tốt đẹp, bình yên nhất mà mẹ thu xếp cho tôi vào phút cuối đời. Cha tôi thực hiện ngay bổn phận bao năm rồi mình thiếu sót. Chu cấp tiền ăn học cho tôi trong bốn năm đại học. Nhờ đó, cuộc sống của tôi sau này cũng nguôi sóng gió.

Mẹ trả Lụa về với gia đình nhưng thay vì cấp cho em một khoản tiền làm vốn thì mẹ giao cho anh Khiêm quản lý và cứ tháng tháng Lụa lên anh Khiêm nhận tiền ăn học. Tốt nghiệp Sư phạm, em trở về xin một chân bán sách. Thấy tôi ngạc nhiên, em buồn buồn: “Em nhận được phân công đi xa lắm. Em cũng muốn đi nhưng anh Khiêm không bằng lòng.” Anh Khiêm không bằng lòng. Rồi sao nữa? Mười năm rồi em làm một cô bán sách lầm lũi đi về. Mười năm rồi em mài mòn em bằng những bước đi luẩn quẩn bên bờ sông Hương quạnh quẽ. Rằm, mồng một, sợi dây vô hình nào đã buộc em đều đặn trở về thắp lên bàn thờ một nén nhang thơm. Bàn thờ có bà, có mẹ.

Dạo đám tang bà, tôi còn là một sinh viên nghèo, nhếch nhác phải nhảy tàu về quê nhưng không kịp.
Lụa khóc: ”Bà đi rồi. Em với anh Khiêm ngồi cạnh mà mắt bà cứ ngóng mãi ra cửa. Chắc bà chờ anh.”
Góa chồng năm mười tám tuổi, bà ở một mình nuôi dạy con. Suốt một đời vào ra khuôn phép, tảo tần gánh vác, giữ gìn nề nếp gia phong. Thế rồi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tất cả tan tành trong phút chốc. Tiếng khóc cứa vào tim như một niềm tủi nhục. Ngoại còng lưng cúi đầu gánh tiếng thị phi. Tôi hớt hãi nhảy tàu về chịu tang bà mà trong thẳm sâu vẫn nghe âm vang tiếng bà gọi, vẫn tin bà chờ tôi đến phút cuối đời. Tôi đứng trong vườn ngơ ngác. Khu vườn dậy lên mùi thơm ổi chín. Chợt nhớ một lần bà tìm được trong vườn một quả ổi lớn lắm, quả ổi bị chim ăn một góc. Bà liếc nhanh vào nhà. Anh Khiêm đang học bài ở đó, còn tôi, chơi lúc thúc bên mấy bụi nhài. Bà nâng quả chín trên tay, ngắm nghía một lúc rồi gọi:
– Nì, Bão.
Tôi ngước lên, đứng yên, lo lắng. Nhưng bà đã đến bên chìa quả ổi cho tôi. Quả ổi chín vàng ươm. Con chim nào mổ vào lòng quả chín để lộ ra lòng quả đỏ như son. Tôi nhận lấy bằng cả hai bàn tay lem luốc của mình, chợt nhận ra mắt bà và mắt mẹ sao mà giống nhau đến lạ lùng. Cứ ươn ướt nước. Khi ngoại đi rồi, tôi nhâm nhi trái chín, từng chút một. Cả đời, chưa bao giờ tôi được ăn một trái ổi thơm mềm, ngon đến thế.

Tôi trở mình. Những giọt mưa đều đều ướt cả giấc mơ tôi…
Anh em tôi ngồi lại để thu xếp việc nhà sau bữa cơm trưa. Một mâm cơm cúng đơn sơ, tươm tất do tay Lụa vun vén. Vấn đề được giải quyết rất nhanh. Tôi cần bổ sung giấy tờ để hợp thức hóa ngôi nhà. Nhà cửa thì cũng như con người vậy. Cần gốc gác, chứng từ. Gia đình tôi chẳng ai có ý nghĩ sẽ bán nhà nhưng trên pháp lý, cuốn sổ đỏ là điều cần thiết. Kết thúc vấn đề anh Khiêm nói như phân trần:
– Em thì đi xa, anh phải ở lại gánh vác. Nhà cửa xuống cấp quá. Năm nào anh cũng phải tu sửa.
Tôi mơ màng:
– Sao em cứ thấy căn nhà này giống hình ảnh của ngoại, của mẹ.
– Đời ngoại, đời mẹ cực khổ mấy cũng cố chịu đựng mà giữ lấy đất đai ông bà. Anh cũng sẽ không bao giờ bán đi. Anh sẽ tu bổ, sẽ xây dựng.
Tôi im lặng một chút rồi nhìn anh:
– Nhưng anh có thấy nhà mình bây giờ lạnh lẽo, quạnh quẽ quá không. Em nghĩ xây dựng một căn nhà điều cần là thổi cho nó một linh hồn. Mà việc này phải có bàn tay phụ nữ, một người anh yêu thương thực sự.
Anh Khiêm quắc mắt nhìn tôi, rồi nhìn ra cửa sổ. Gốc bưởi cụt ngọn sừng sững ở đó. Góc vườn xác xơ, trống trải bày ra. Giọng anh đanh lại:
– Đó là việc riêng của mỗi người. Anh cũng cần phải tính toán, phải thu xếp.
– Vâng, vì anh là đàn ông, là trụ cột. Cả đời bà và mẹ còng lưng gánh vác, chịu đựng, lo toan. Mà em nhìn quanh hình như phụ nữ xứ mình ai cũng có cái dáng dấp của bà, của mẹ. Em nghĩ đã đến lúc cất bớt đi những gánh nặng không cần thiết trên những đôi vai gầy tội nghiệp. Cần có cái nhìn khác đi để cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản hơn.
– Vậy thì để linh hồn bà và mẹ thanh thản nhẹ nhàng cần phải làm gì? Ngày ngoại mất em không về kịp, mẹ mất em nhận được một câu. Với em, mẹ cho. Với anh, mẹ gởi gắm. Em nhận, rồi tự do bay nhảy. Anh nhận, rồi trăn trở băn khoăn. Cuối đời, gần nửa tiếng đồng hồ mẹ giữ anh ngồi bên mẹ. Anh hiểu, đâu phải đứa con nào cũng được mẹ đặt hết kỳ vọng vào mình.
– Người ta kỳ vọng vào những người mình yêu thương. Mười năm rồi. Đến lúc mỗi người cần nhìn lại xem đã thực hiện đến đâu những gì mẹ dặn dò, mong mỏi. Em tin rằng mẹ mong chúng ta hạnh phúc. Để có em trên cõi đời này mẹ cay cực thế nào, tủi nhục thế nào? Tất cả, mẹ nuốt hết. Tại sao thế? Nếu đơn giản chỉ là chuyện lỡ lầm thì chỉ cần nhờ y học can thiệp. Bao nhiêu người làm thế. Anh biết đó, người ta giải quyết nhanh và gọn thế nào. Nhưng mẹ đã cưu mang em, đã cho em được nhìn đời, được lớn lên bên cạnh anh. Về tình thương của mẹ, em không hề có mặc cảm mình kém cạnh anh.
– Lớn lên bên cạnh nhau nhưng mỗi người mỗi khác. Cách nhìn của họ hàng, làng mạc đặt vào mỗi người cũng khác. Anh mở mắt chào đời, anh đã thuộc về ngôi nhà này. Đó là điều hiển nhiên. Cũng như trong tâm thức của bà, của mẹ hiển nhiên căn nhà này phải thuộc về anh..
– Nhưng giấy tờ, pháp lý, chính quyền lại không nghĩ vậy. Thế nên em mới phải ngồi đây… để ký.
Anh Khiêm nghiến răng gằn giọng:
– Mày… mày là thằng Bão.
– Vâng, em là Bão. Chỉ có điều lâu lắm rồi em không còn băn khoăn tự hỏi mình là hiện thân hay là hậu quả của những cơn bão tung hoành.
Tôi đẩy xấp giấy tờ về phía anh:
– Đây, những gì thuộc về anh, anh cứ giữ lấy.
Chống tay xuống bàn tôi đứng dậy:
– Còn những gì thuộc về em, dứt khoát em sẽ mang theo.
Anh Khiêm đi rồi. Tôi ngồi thừ người một lúc rồi bước ra vườn. Trời hé lên chút nắng yếu ớt của một ngày sắp tắt. Tôi lại bắt gặp cái vại nước mưa và Lụa. Vẫn cái vại nước mưa chứa đầy loăng quăng. Lụa đang khóc, đôi vai gầy run run cúi xuống vại nước mưa. Cây khế cũng đang vào mùa hoa. Những chấm hoa li ti rụng xuống bám vào tóc Lụa. Nhưng tôi, tôi không còn là thằng bé con với quả bóng đỏ năm xưa. Tôi bước đến, nắm tay lên thành vại:
– Lụa.
Em vẫn cúi đầu thả những giòng nước mắt. Những giọt nước mắt xối vào lòng tôi bỏng rát:
– Anh không biết phút cuối cùng mẹ dặn dò em những gì nhưng mười năm rồi, anh biết có những điều em không làm được, phải không? Đừng hành hạ mình nữa, đừng trói buộc mình nữa, Lụa. Lòng mẹ nhân hậu và bao dung.
Lụa quay mặt đi, khổ sở:
– Mẹ dặn… mẹ muốn…
– Không, những gì mẹ dặn riêng em, em cứ giữ lấy. Còn anh, anh biết rõ những gì mẹ muốn. Suốt một đời cưu mang mẹ chỉ mong mỏi một điều là các con mình vuông tròn hạnh phúc.
Tôi đặt tay lên vai Lụa, xoay người em đối diện với tôi:
– Mà hạnh phúc đang chờ phía trước, em có dám lên đường không...

Truyện ngắn: Ngô Thị Ý Nhi