a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

HOÀNG DIỆU CÒN LẠI TRONG TÔI. PHẦN 2.



Lớp của tôi, những năm đệ nhất cấp:

Tôi vào Hoàng Diệu năm 1964, sau khi học lớp 7 một năm ở trường Trần Văn (lớp thất Tư,1962 – 1963). Năm nầy trường Hoàng diệu mở 5 lớp đệ thất : 7A1, 7A2, 7P1, 7P2, 7P3 (xin lỗi các bạn đồng khóa 64 – 71, vì trong buổi họp mặt 50 năm rời trường tổ chức ngày 11/01/2014 tôi đã nói sai là chỉ có 01 lớp Anh văn). Lớp 7P2 nằm ở phòng thứ 3 cuối dãy ngang đếm ngược về phía Văn phòng. Năm nầy tôi học toán với thầy Tuấn “hẹ luộc”, sở dĩ có biệt danh “hẹ luộc” vì Thầy là người bắc, mà đa số chúng tôi là dân miền nam, nên khi Thầy đọc “hệ luận” thì chúng tôi lại nghe thành “hẹ luộc”.
 Cô Dương Thị Thanh Nguyên dạy Pháp văn (quyền Le Franҫais Elémentaire 01), cô Hoa dạy Việt văn, thầy Thiên dạy Nhạc, thầy Trần Ngọc Ẩn dạy Thể Dục, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 1 giờ, địa điểm là Sân Vận Động của Tỉnh. 
 Nhắc đến giờ Thể Dục, bọn tôi không thể nào quên được chuyện tắm ở Hồ nước ngọt (Hồ Tịnh Tâm). Chuyện là thế nầy: sáng sớm, vào lúc 6 giờ (giờ Sàigòn) chúng tôi phải có mặt tại Sân vận động để thầy dạy, nhưng có lẽ do bận công việc ở trường nên thầy Ẩn ít khi đến dạy, trong khi chờ thầy đến dạy thì tụi tôi chơi đá banh, đến hết giờ thì bọn tôi “hè nhau” qua hồ nước ngọt tắm. 
Thế là hồ nước ngọt lại có thêm khoảng ba-bốn chục “khách”. Ngày đó chúng tôi rất là hồn nhiên, khi tắm đứa nào cũng “ở truồng” cả, kể cả các bạn lớn tuổi, đã là thanh niên hẳn hòi vẫn vậy thôi!!!!. Như vậy toàn cảnh hồ nước ngọt bấy giờ có khoảng trên 100 người “tắm tiên”. Chuyện “tắm tiên” nầy duy trì cho đến giữa năm đệ tứ mới thôi.
                                                                           
Ngay khi chân ướt chân ráo vào trường, có 2 “sư huynh” gây ấn tượng" mạnh” cho tôi:
- Một là “sư huynh” Thạch Mô-del (hình như năm đó "sư huynh" đang học đệ Tam thì phải), đẹp trai, tướng tá vạm vỡ, ấn tượng nhất là bắp thịt cuồn cuộn, ngực thì nở nang, bọn tôi cứ trầm trồ mãi ước gì mình có được cái “sô” như anh ấy!!!
- Hai là “sư huynh” Trương văn Kế (cây xăng Trương văn Xuyên), luôn luôn mặc bộ đồ Pilot vào trường.
Khi còn học tiểu học thì học trò nam mặc áo sơ mi ngắn tay, quần đùi. Nữ sinh mặc áo bà ba, quần dài đen. Khi vào Hoàng Diệu, nam sinh phải mặc quần tây KAKI XANH DƯƠNG, áo sơ mi trắng ngắn tay “bỏ trong thùng”, nữ áo dài trắng (cấm mặc áo mỏng), quần dài đen. Nhờ vào quy định đồng phục (loại rẽ tiền) nên giữa bọn tôi không có sự ngăn cách giàu nghèo (ít nhất là về mặt hình thức), nên dể hòa đồng với nhau. Cũng vì chuyện đồng phục nầy mà xảy ra chuyện buồn cười là tất cả các nam sinh của trường, từ nhỏ đến lớn đều bị “hội chứng” “đóng khố”. Số là do quy định phải bận quần KAKI xanh (hàng nội hóa –Sàigòn) nên do bị, phơi nắng, ủi nhiều nên phần vải chỗ baguette, và phần giữa 2 mông bị phai màu, trông giống như quần sì-líp (thường là màu tím than).

Sang năm đệ Lục (6P2) tôi cũng học dãy nầy, nhưng lại “được lên phòng”: học phòng thứ 3 từ đầu dãy đếm xuống, Thầy Trần Phạm Hiếu dạy Pháp Văn (quyển Le Franҫais Elémentaire 01+02), Thầy Nguyễn Hữu Long (Long cao) dạy tôi môn Lý-Hóa, Thầy dạy chúng tôi đên hết kỳ Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt thì bị động viên (nhập ngủ). Năm nầy cũng có nhiều Thầy bị nhập ngũ.. Trong năm nầy tôi có 2 điều nhớ mãi:
- Một là trường phát động thi đua lớp sạch và ngoan trong toàn trường, cứ mỗi tuần lớp nào ngoan (do các Thầy-Cô nhận xét, ghi vào sổ đầu bài) thì được lĩnh cờ vàng về treo trước cửa lớp, còn lớp nào không ngoan thì phải lĩnh cờ đen có thêu hình con rùa về treo trước lớp suốt tuần. Lớp tôi luôn lĩnh cờ đen, ít có lớp nào “giành lại”, mà đa số các lần đi nhận cờ (lúc chào cờ đầu tuần) thì tôi lại là người đi lãnh cờ.
- Hai là có một hôm cô Huệ dạy toán, vào lớp bảo chúng tôi lấy giấy, viết ra làm một bài toán hình học. sau một hồi đo vẽ, cô bảo chúng tôi đánh dấu màu xanh vào các ô tam giác, màu đỏ vào ô hình cung do cô chỉ định, rồi đố chúng tôi nhìn ra đó là hình gì? Thì ra đó là hình “một con chim én đang bay về hướng mặt trời” (sau nầy là huy hiệu của trường), cô Huệ bảo đây là kỳ niệm của Thầy Điểu tặng làm kỷ niệm trước khi Thầy đổi đi (lúc đó bọn tôi chỉ nghe tên thôi, chứ không biết mặt Thầy).


Sang năm đệ ngủ (5P1) thì chúng tôi học ở dãy văn phòng, sát với Phòng Họp Giáo Sư. Năm đệ ngủ nầy, tụi tôi học Việt Văn với Cô Trân, được vài tháng thì Thầy Tô Quốc thay cho cô nghĩ hộ sản. Học Toán với Cô Lý Hồng Mộng, nhưng cũng chỉ một tháng thì cô xin nghĩ để cùng chồng là dược sĩ Diệp hữu Tâm mở nhà thuốc Hữu Tâm, Thầy Nguyễn Hữu Long (Long lùn) thay cho cô Mộng, Thầy Long cũng dạy chúng tôi vài tháng thì Thầy chuyển về trường Mỷ Xuyên (mới mở tại Bãi Xào). Thầy Lê Ngọc Sơn, dạy Lý-Hóa vài tháng thì thuyên chuyển về quê ở Kiến Tường (Đồng Tháp).Thầy Lý Ngọc Hiếu (Hiếu La Thoại Tân) thay Thầy Sơn dạy chúng tôi môn Lý-Hóa cũng đến gần cuối niên khóa thì bị động viên. Cô Hường dạy môn Sử-Địa. Hôm Thầy Hiếu chia tay chúng tôi để lên đường tòng quân, cô Mười, dạy Vạn vật  cũng đến chia tay. Thế là mọi đứa học trò mặc sức mà “thêu hoa dệt lụa”. Cũng trong năm nầy, nhà trường tổ chức tất niên bằng cách tái tạo lại khung cảnh làng quê xưa (theo miền Bắc), trong đó có trò “đập niêu” (đập nồi đất). Khi dự thi thì tất cả các “thí sinh” đều bị bịt mắt, phải dùng một cây gậy tre dể đập bể nồi, có một em đập hụt nhiều lần nên đi lạc vào gần khu treo nồi, sợ em nầy bị bạn đập trúng nên Thầy Điểu (Điểu nhỏ) lao vào kéo ra thì Thầy lại bị "Thuận Răng Vàng" lớp 7A2 đập trúng, cuộc thi đó kết quả là nồi không bể lại bể đầu Thầy !!!!!.

Cũng trong năm nầy, do nghĩ giữa giờ “hơi bị” nhiều nên bọn tôi thường ra trước cổng trường vào quán cà phê Bà Tư (lúc nầy quán chú Hai ở trong trường đã nghĩ bán), hoặc quây quanh 2 xe cà rem mút đậu trước cổng trường, hoặc vào đánh billard ở quán chi Tám xéo xéo cổng trường, có một nhóm nhỏ chơi “đập bạc cắc” (Thầy Trịnh Học Ký thường xuyên rượt bắt tụi tôi) cạnh phòng học cuối dãy nhà Thầy Răng (cổng sau). Nơi đây bọn tôi đã chứng kiến cuộc tình của Thầy Sinh và chị Sáng (trong phòng học, lúc đó hình như chị đang học đệ tam hay đệ Nhị gì đó (?), vậy là bọn tôi phải kêu “Chị” bằng “Cô” !!!
Năm đệ tứ (4P1), chúng tôi học ở dãy đối diện với văn phòng, Thầy Nguyễn Tôn Bá dạy chúng tôi môn Sử-Địa, tụi tôi rất khoái vì Thầy dạy rất hấp dẫn, ấn tượng trong tôi còn nhớ đên bây giờ là hình ảnh của Thầy “ném viên phấn trên tay xuống đất, rồi ngây người nhìn bọn tôi qua đôi kính cận” khi câu chuyện đến cao trào. Nhưng hởi ôi! Thầy chỉ dạy bọn tôi vỏn vẹn có 2 tiếng rồi không dạy nữa : thầy đổi về quê thầy ở Kiến Hòa (Bến Tre), “tiếc đứt ruột !!!”. Trong năm nầy có 2 thầy mới ra trường dạy tụi tôi: Thầy Lê Công Hoàng (Sử-Địa), thay thầy Lê Công Đức nhận chức Phụ Tá Giám Học (phụ tá cho Thầy Vịnh), và Thầy Lợi Minh Hà dạy Lý-Hóa, Thầy Lê Xuân Vịnh dạy Việt Văn, Thầy Phạm Thế Trúc dạy Pháp Văn độ 1 hay 2 tháng gì đó thì đổi cho thầy Nguyễn Thái Lân dạy, cũng 1,2 tháng gì đó thì Thầy Trần Phạm Hiếu thay thế làm “đầu bếp” món “cua xào lăn” cho đến hết năm học. Môn Công Dân Giáo Dục, đầu năm thì thầy Hoàng Đình Diệp dạy được 2 tuần thì giao lại cho thầy Mai Văn Kiêm phụ trách. Thầy Trần Thanh Thu dạy Vạn Vật.
                                                                            
Năm nầy, có nhiều sự kiện đáng nhớ:
- Một là đây là năm Mậu Thân, các thầy phải tuần tự đi học quân sự 1 tháng tại Thất Sơn (Châu Đốc), nên bọn tôi thường nghĩ học giữa buổi, nghĩ học nhưng không có đứa nào về nhà, mà rủ nhau đi chơi. “Nhờ” đi chơi nhiều nên nghe các anh lớn tuổi trong lớp truyền nhau biệt danh “Ngũ Long Công Chúa”. Theo “truyền thuyết kể lại” thì đó là các chị Lâm Hoàng Yến, Bạch Mai, Huỳnh Minh Nguyệt, Quách Hồng Lan, Trần Mỹ Hạnh đều học lớp 4P1. Còn lớp 4A1 thì có chị Dương Thị Liễu và vài chị nữa tôi không biết tên thường đại diện cho trường đi “làm ca sĩ” theo lời mời của bên Tâm Lý Chiến thuộc Tiểu Khu Ba Xuyên. Lúc nầy các chị đều “trổ mã” nên đi đâu cũng có vài cái đuôi theo “tò tò”.
- Hai là, trong năm nầy, quân đội Mỹ xây tặng cho trường 3 phòng học nằm ở khoảng sân giữa dãy Văn Phòng và dãy nhà của Thầy Phan Ngọc Răng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tận mắt thấy “người mắt xanh mũi lỏ”, có vài đứa còn lại gần “how are you?” rồi chạy mất, không chờ câu trả lời, thấy họ xài cưa máy (cưa xích) để cưa-hạ các cây nằm trong phần đất cất các phòng học, dùng xe ủi đất từ xa lao nhanh vào cụng các gốc cây vài lần rồi bứng gốc, quả là họ có nhiều cách làm mới, lạ, nhanh quá, bọn “con nít” chúng tôi chưa từng thấy bao giờ.
- Ba là dù rằng chúng tôi “biết đá banh” từ lâu, nhưng cũng chỉ là nghiệp dư, tự phát. Khi thầy Lợi Minh Hà về dạy, tập họp chúng tôi lại, thành lập một đội banh, do thầy Hà làm “ông bầu”, rồi rủ các lớp khác đá giao hửu. cuối năm đệ tứ, tôi (giữ “guun”, thủ môn), Hồ văn Thiện (trung phong), và Trần văn Quận (hậu vệ) được chọn đá dự bị cho đội tuyển của trường.
- Bốn là năm nầy, Bộ Giáo Dục và Thanh Niên chính thức bải bỏ Kỳ Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đây là cái cửa ải mà những ai học Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng ngán ngược.
- Năm là vào ngày đầu năm học, Thầy Trịnh Học Ký (Giám Thị) vào lớp thông báo: “Em Phạm Anh Dũng (Dũng Nam Mỹ) được phép đổi tên là Phạm Minh Dũng”. Chuyện đổi tên một người ngày nay là chuyện thường, nhưng ngày đó đối với chúng tôi thì đó là chuyện “to tát” lắm.
- Sáu là do biến cố Mậu Thân 68 nên luật Tổng Động Viên ra đời, những học sinh sinh năm 1951 trở về trước đang học đệ tứ không được học nữa chuẩn bị lên đường tòng quân. Vậy là có một số bạn bỏ trường sang tỉnh khác học nhảy (đệ tam hoặc đệ nhị) để khỏi đi lính. Cũng trong năm nầy, nam thanh niên đủ 16 tuổi thì phải khai Lược Giải Cá nhân, làm Căn Cước (thay vì 17 tuổi như trước).
- Bảy là trường thành lập Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường, gọi tắt là CPS Hoàng Diệu, do thầy Lê Văn Đức phụ trách. Chương trình CPS chuyên tổ chức học sinh thực hiện các công tác xã hội, vui chơi trong học đường . . . .

 CPS Hoàng Diệu có tổ chức buổi Lữa Trại đầu tiên......

LÝ VĂN HÀO HD 64-71