Không chỉ có thịt lợn, rất nhiều người sử dụng thịt gà để nấu đông. Cùng học cách chế biến món thịt gà nấu đông cho cả nhà thưởng thức bạn nhé.
Cách 1
Nguyên liệu:
Gà nấu đông rất ngon và bổ dưỡng.
- cho 5 người ăn:
½ con gà (khoảng 800gr)
150gr bì heo (nếu không dùng bì heo, có thể thay bằng 4 - 5 lá gelatine)
1 củ cà rốt, tỉa hoa
20gr nấm hương
30gr mộc nhĩ
Tiêu, gia vị, hạt nêm
Cách làm :
Bước 1:
Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, cắt bỏ gốc, thái chỉ.
Cà rốt tỉa hoa.
Bước 2:
Gà chặt miếng vừa ăn. Nếu không thích xương, bạn có thể rút bỏ xương.
Bì heo thái miếng nhỏ (nếu dùng gelatine thì ngâm gelatine vào nước lạnh chừng 15 phút rồi vớt ra).
Bước 3:
Cho tất cả nguyên liệu vào nồi (trừ cà rốt), nêm gia vị, mắm, tiêu vừa ăn, đảo sơ cho ngấm mắm muối.
Bước 4:
Đổ nước ngập thịt, nấu chừng 30 phút, thêm cà rốt, nấu thêm chừng 10 phút, hoặc tới khi thịt vừa nhừ thì tắt bếp.
Nếu dùng gelatine, tới bước này, cho gelatine đã ngâm nước từ trước, cho vào nồi, đảo đều.
Múc ra bát, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Món này ăn kèm với hành muối sẽ rất ngon.
Cách 2
Nguyên liệu:
Món ăn này được rất nhiều người yêu thích.
Thịt gà
Mộc nhĩ
Nấm hương
Muối, gia vị, hạt tiêu.
Cách làm:
Mộc nhĩ, nấm hương rửa sạch và ngâm với nước cho nở. Sau đó cắt chân và thái mộc nhĩ thành dạng sợi, nấm hương để nguyên cả cái.
Gà xát muối, rửa sạch sẽ và lọc xương để riêng, sau đó thái thành từng miếng vừa ăn, ướp cùng một thìa cafe gia vị và hạt tiêu cho thơm. Phần xương đã lọc bạn đem ninh để lấy nước dùng.
Gà sau khi ướp bạn cho vào nồi xào cho săn lại, nêm gia vị cho vừa ăn và cho mộc nhĩ, nấm hướng vào đảo đều.
Đổ phần nước dùng vừa ninh vào nồi gà đã xào, lượng nước vừa đủ và đun nhỏ lửa để gà chín mềm. Nước sôi thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Có thể thêm 1 ít chân gà hoặc miếng bì lợn để gà dễ đông. Gà sau khi chín mềm múc ra bát cho nguội hoặc cho vào tủ lạnh sẽ nhanh đông hơn.
Chúc các bạn thành công!
Món ngon ký ức: Đu đủ trộn 'cây nhà lá vườn'
Tôi còn nhớ như in món rau trộn của má. Gọi là rau trộn nhưng thực ra thành phần chính không phải là rau mà lại là đu đủ.
Đu đủ vừa chín tới, hái gọt vỏ rửa sạch, băm thành từng cọng
Má nói làm rau trộn phải là đu đủ xanh, hoặc nếu có loại đu đủ hườm. Lấy đu đủ gọt bỏ vỏ, má lại dùng dao băm nhuyễn dọc theo chiều dài trái rồi lật nghiêng lưỡi dao thái từng lát dọc, thế là từng cọng đu đủ trắng vàng xen lẫn chẳng mấy chốc mà đầy rổ.
Băm xong, má đem ngâm nước muối, xả nhiều lần cho sạch mủ rồi nấu nước luộc chín. Má nói, để có món rau trộn ngon phải chú ý nhứt ở khâu luộc, luộc sao cho cọng đu đủ vừa chín tới là được. Luộc chín, má vớt ra một cái rổ nan tre, đợi ráo hết nước và nguội. Trong lúc chờ đợi đu đủ nguội, má tranh thủ bỏ muối hầm rang đậu phụng. Rang làm sao cho đậu chín vàng, không cháy sém. Đậu nguội rồi, bóc bỏ lớp vỏ ngoài, sau đó đem đậu bỏ vào cối hay tô chén giã cho thật nhỏ.
Tiếp theo má dùng tay vắt phần đu đủ đã luộc lúc nãy cho khô rồi để thành từng vắt trong đĩa. Bước tiếp là rũ những vắt đu đủ rời ra, nêm vào ít muối hầm và ít bột ngọt rồi dùng đũa trộn đều sao cho gia vị thấm đều, tan bám theo cọng đu đủ mới ngon. Khâu tiếp theo là cho phần đậu phụng vừa giã nhuyễn đó vào, tiếp tục trộn một lần nữa sao cho đu đủ và đậu phụng thấm tháp mới thôi. Để tạo mùi thơm và sắc màu, má hái một nắm rau húng lủi rửa sạch, ráo nước, xắt nhỏ đều rồi trộn chung vào. Thế là cả nhà đã có một phần rau trộn ngon tuyệt. Và cũng có lẽ người làm phải trộn nhiều lần nên món này có tên là rau trộn.
Đu đủ luộc chín vắt khô, đậu phụng rang giã nhỏ cùng rau thơm để làm món rau trộn
Có lẽ người làm phải trộn nhiều lần nên món này có tên là rau trộn
Rau trộn đã xong cho ra đĩa
Ăn rau trộn ngon phải có bánh tráng nướng và chém mắm ngon
Ăn rau trộn muốn ngon nhất thiết phải có bánh tráng nướng và chén nước mắm chấm đậm đà tròn vị. Gắp đũa rau trộn bỏ vào chén, thêm tí nước mắm, tiếp tục trộn đều rồi dùng bánh tráng nướng xúc thì khỏi phải chê. Cảm giác khi ăn món này là vừa thưởng thức cái mềm ngọt vị đu đủ, vừa thơm béo bùi của đậu phụng rang, của rau thơm và bánh tráng. Món này cuốn cùng bánh tráng nhúng nước chấm mắm cũng hết ý. Ngon đến nỗi cả nhà ngồi ăn đến no mà không biết ngán, ăn mãi rồi nhớ và lưu mãi vào trong ký ức đến tận bây giờ.
Bài, ảnh: Mỹ Tuyết
Gà sốt mật ong là một món ngon hợp với khẩu vị nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi vị ngọt mềm đậm đà tuyệt ngon của nó!
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm gà sốt mật ong:
1kg đùi tỏi gà (hoặc cánh gà)
1 muỗng canh dầu ăn
3 muỗng canh bơ
2 muỗng canh tương ớt
2 muỗng canh mật ong
1 muỗng canh rượu trắng
1 muỗng café nước tương
½ muỗng café muối
Tiêu, rau ngò…
Trong một nồi lớn, bạn cho gà vào ướp cùng với muối, tiêu và dầu ăn. Có thể dùng dao khứa vào thớ thịt để gia vị được ngấm đều.
Đặt thịt gà lên khay nướng đã lót giấy nến hoặc giấy bạc. Cho vào lò nướng ở 180 độ C trong vòng 50 phút. Trong quá trình nướng nhớ mở lò để trở mặt gà một lần nhé!
Khi thịt gà đã chín thì đưa ra khỏi lò. Bây giờ bắc chảo lên bếp, cho bơ vào đun chảy sau đó thêm tương ớt, mật ong, rượu trắng, nước tương và muối vào đun lửa liu riu nhỏ.
Lúc này cho gà vào đảo với hỗn hợp sốt mật ong thật nhanh tay, chỉ khoảng 40-60s thôi là tắt lửa nhé!
Đặt gà ra đĩa và trang trí với rau ngò. Lúc này món gà sốt mật ong của chúng ta đã có thể thưởng thức ngay rồi đấy!
Gà sốt mật ong là một món ngon hợp với khẩu vị nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy rằng phải mất 1 tiếng đồng hồ để hoàn thành nhưng giai đoạn chế biến lại nhanh và dễ vô cùng vì chỉ tốn nhiều thời gian ở giai đoạn làm chín gà ở trong lò nướng thôi! Chắc chắn, món ăn này sẽ giúp mâm cơm gia đình bạn thêm phần vui vẻ và ấm cúng đấy!
Chúc các bạn thành công với món gà sốt mật ong này nhé!
(Nguồn: theworksoflife)