a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

CHIẾC LÁ NGÃ VÀNG


                                      


Một ngày hè tắt nắng. Nhìn lại lần cuối nơi quen thuộc bằng ánh mắt thân thương, quay phắt gót bước nhanh không ngoảnh mặt, lời từ biệt sao mà làm tê mặn lưỡi môi. ‘‘Bay bay’’ bước đi không dám hẹn ngày tái ngộ vì lời hứa đôi khi không còn tùy thuộc ở mình. Nuốt lửng đi thổn thức nghẹn ngào bịn rịn, gói trọn tâm tư trong đáy vô thức một lần thôi. Hai thế giới vô tình ngấm ngầm ngăn đôi không chuyển tiếp, khoảng trời xanh lịm hẳn nhường chỗ cho mảnh tím mịt mờ. Màu cầu vòng trộn pha thành sắc trắng như giọt sương, nước mắt chạm đất vỡ ngang. Cuộc đời tất có hợp có tan, vừa thấy đó mà mất đi lúc nào ai đoán được. Tâm hồn trẻ, còn sức khoẻ, cuộc sống sao mà ngắn ngủi, chưa làm gì xong mà đã đến tuổi phải ra đi. Lại có người lo âu rồi đây quan tha ma bắt vì đã từng bỏ sức bôn ba không nghỉ cho đến nỗi mỏi gối long chân rời rã khi phải về hưu.

Nhớ lại khoảng thời gian ‘’sáng vác ô đi, tối vác về’’, ai chẳng mong có ngày nghỉ đền bù. Tự do dệt mộng tương lai, vẽ mây cữi gió. Phải làm cái chi chi để tỏ rõ ý chí của mình, sức mạnh được thắp đuốc trí tuệ bùng lên vững tin tiến bước. Cứ lao về phía trước, tuổi nầy là ngọn sóng càn bờ, thủy triều dâng lên ngập bến, xung phong vào cuộc đời với tất cả vốn liếng vật chất lẫn niềm tin. Không có tầm phóng đầu tiên e đà nhảy khó dài, không có sào chống dẻo dai, nhảy cao khó đạt. Đừng do dự chần chừ làm nhục chí nhưng thật khó mà không nôn nả, nóng nảy, bướng ngang. ‘’Hãy đứng dậy ta có quyền vui sống’’ thôi thúc làm sôi sục bầu nhiệt huyết trẻ trung. Đường đời còn thênh thang rộng mở, thua keo nầy bày keo khác có mất mát gì đâu . Cứ làm gì mình tưởng là thích, đem hết cả khả năng ý sức lao thẳng vào lý tưởng mộng mơ.

Đời là cuộc đấu tranh, ai không tranh đấu thì tụt lùi xuống dốc. Mà trong bất cứ cuộc thư hùng nào tất có mất mát buồn vui. Có những người may mắn, người khác thua thiệt luôn. Và cuộc chiến với ngoại nhân thường còn dễ hơn với chính mình mới lạ. Do đó nhan nhản những tấm bi hài kịch xảy ra, Anh hùng tính biến thành anh hùng cá nhân, cá lớn nuốt cá bé. Sự choảng nhau giữa các fans của bao thần tượng, băng đảng mọc lên như nấm. Hòa bình với chiến tranh không còn chiến tuyến, thực hư chẳng biết làm sao phân biệt giả chân.
Ngay cả tôn giáo, giáo phái cũng tung ra nhiều chưởng lạ, Đấng Tối cao không còn chỉ là Trời, Phật, Chúa, Allah....Các Giáo chủ Chưởng môn ai chẳng đai diện Thiên cơ xuống thế dạy người đời lánh dữ làm lành hầu đừng sa hỏa ngục, “ kiếp sau xin chứ làm ngườI” cũng đừng “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Làm việc thiện như tạo cho con người trần thế những bước thang hay cái vé bước vào cửa Thiên đàng hưởng phước đời đời.

Tự do tháp cánh vào ảo mộng cộng thêm sức hút nhiệm mầu của khoa học kỹ thuật biến con người ngày càng điêu luyện nhuần nhuyễn sáng tạo hơn, những nhà phù thủy văn minh buôn bán không màng văn tự đất trời huyền hoặc chưa ai biết. “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” thơ Hàn mặc Tử tưởng chừng như rơi vào hư vô, không tưởng, thế mà ngày nay đã có dự tính chia lô phân đất trên mặt trăng và ngay cả Hỏa tinh. Đây là hiện hữu có thể xảy ra trong tương lai. Như thế mới thấy rằng mọi bình diện ngày nay tiến nhanh vượt bực, mỗi phút giây sao gây bao chuyện bất ngờ.

Vả lại mỗi xã hội có truyền thống tập tục riêng, mỗi con người là một thế giới duy nhất, do đó càng tiến bộ, văn minh càng tạo cái đòn bẩy phóng nhanh vào lòng ích kỷ, tự tôn độc nhất. Ai ai cũng lo chạy đua với thời gian không bao giờ trở lại, kim đồng hồ đời chẳng biết quay ngược bao giờ. Lắm lúc người ta như không còn thì giờ để sống cho mình, thiếu dưỡng khí trong ngoài mà tìm hụt hơi mới có. Cũng chẳng biết tin ai mà cũng chẳng còn tìm đâu ra lý tưởng, kêu Trời biết Trời có thấu, van đất, đất có nghe ? Ngày nay, mặc chiến tranh, bệnh tật tàn sát không ngơi, dân số cứ tăng lên vùng vụt, con người chẳng phân biệt được bạn thù cứ vô tình tìm cách tiêu diệt lẫn nhau.

Cuộc sống ở các nước văn minh ngày nay khác hẳn. Chưa lọt lòng, vì sinh nhai cha mẹ đã phải tìm cách gởi con từ khi còn trong bụng mẹ. Tất bật với cuộc sống đã choán mất bao thì giờ quí báu. Trẻ đã quen sống riêng từ hai tháng tuổi. Nếu còn ông bà khỏe mạnh giúp đỡ tay chân thì dó cũng là một đặc ân. Đấy cũng là công tác ước mong mà nội ngoại nào cũng thích. Tiến bộ giúp con người càng sống lâu hơn trước. Người sắp già có còn sức đi chăng nữa vẫn phải về hưu. Chiếc lá ngả màu còn đứng vững trên cành đâu ngăn nổi gió đời bắt rụng.

Trước đây, chắc bạn đã từng mơ nghĩ, đường về hưu thênh thang rộng mở, mộng viễn du sẽ thực hiên cho bằng được hầu bù những năm tháng gò bó nhọc nhằn. Nào là phải thức dậy cho kịp giờ, không phạm vi kỷ luật. Ăn nói, giao tiếp cho đúng phép học làm người. Ở sở làm có chán ngán bực mình thi cố rán về nhà mà xả xú báp, chứ đừng nhăn nhăn nhó nhó chỉ gây khó cộng thêm bao nỗi phiền lo. Về hưu, tự do vùng vẫy, từ đây tưởng chừng như không gì gò bó nổi, ta làm chủ khoảng đời già còn lại của ta như Luật nhân quyền viết rõ trắng đen .

Đi đâu ta cũng sẽ được thế hệ sau kính nể, “ kỉnh lão đắc thọ”mà. Giới trẻ nhìn chúng ta như chiếc gương trước mắt, những bậc tiền bối đã tiếp nối tạo ra của cải quê hương. Những chiến sĩ anh hùng trong bao mặt trận đời ít nhiều kinh nghiệm, còn sống tất phải là người can đảm, khôn ngoan, dám dấn thân đương đầu với bao kẻ thù trong ngoài khó biết. Những kỵ mã thúc ngựa lao vào trận tuyến sống còn khai rừng phá núi lấp sông đổi mới để giành được miếng ăn, chỗ trú. Thế hệ trước viết những trang sử hào hùng hay khốc liệt đều là những chấm phá nét vẽ đầy màu sắc trên  bản đồ thế giới quê hương.

 Hãy vui sống thêm đi các cụ, lịch sử ta há chẳng đã ghi công các bô lão dự Hội Nghị Diên Hồng. Các cụ sẽ bảo đó là chuyện thời xưa, thời nay đâu còn nữa. Hãy thử nhìn qua tôn giáo chính trị đàn thế giới tiến bộ hiện giờ, các cụ sẽ không thất vọng mà thấy rằng các nhà lãnh đạo vẫn còn thường là những bậc “lão làng” vào tuổi hoàng hôn, “thập cổ lai hy”.

 Cuộc đời là đường thẳng từ trẻ đến già, chỉ có thể bị đứt đoạn chứ không bao giờ quay bước. Nhưng theo lẽ tuần hoàn con người luôn biết thích nghi đoán ước. Hơn thế nữa, con cháu ta không ngớt nghĩ lo cho thế hệ cha ông. Khoa học kỹ thuật thẩm mỹ chẳng hạn là phương tiện tạo cho ta một thời hứng thú, cải lão hoàn đồng tưởng chừng như tuổi già xồng xộc bị đấp mô thụt lùi, nhượng bộ. Bao nhiêu thứ thuốc linh dược được nghiên cứu, phát minh, bào chế, phổ biến để phục vụ sức khoẻ của thế hệ về chiều mà Viagra là một liều đáng kể ?

Nhưng thật ra mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm tánh nên cách sống tất nhiên khác nhau, không so sánh được. Dù sao cũng phải công nhận đối với người già thiếu thốn, cô đơn hay tha hương trên đất nước quá khác biệt từ khí hậu đến ngôn ngữ, sự hòa đồng đòi hỏi nhiều công khó và nhẫn nại vô vàn. Ra vào thường làm bạn với trời trăng mây tuyết, cây cỏ đổi thay biến dạng theo mùa. Vả lại đối với con người, danh vọng không thể trẻ trung hoá, vĩnh cửu ta như phú quí bạc tiền ta cũng không mang được sang bên kia thế giới.

Biết thế để thấy rằng già trẻ là chuyện tất nhiên, có làm cách gì vẫn không giải quyết như ta ước muốn. Oán than, buồn tiếc không là cơ phương cho tuổi già nhượng bước, trách trời hận người chỉ gậm nhấm riêng mình thôi. Cũng đừng vì quá nhớ một thời dĩ vãng mà khắt khe với trẻ, cứ ngỡ thế hệ mình là thế hệ vàng ròng. Con cháu mình đâu thế nào lật ngược quay ngang trang sử, sao không nhớ rằng mình cũng đã từng âm ức hậm hực phản đối trách móc chê bai. Thôi cố gắng sống như dòng nưóc trôi xuôi uốn khúc đổ ra biển khơi mất hút hay cạn khô không dấu tích vĩnh hằng.

Nếu có dịp vui vẻ cất tiếng ngân nga bài ’’Je ne regrette rien’’ và tin rằng mình đã làm được ít nhiều trong cuộc sống. Ôn cố tri tân những kỷ niệm vui buồn bằng cách quay lại khúc phim dĩ vãng một cách khách quan.

 Đừng bỏ lỡ cơ hội, dù tóc bạc răng long, nhắc nhở giới trẻ kinh nghiệm đời thời trước, như tập tục lễ giáo truyền thống hầu cho thế hệ hậu sinh nhận thấy tự do ngày nay đáng quí và khác biệt đến dường nào. Nhìn cách phục sức, ăn mặc gọn gàng xinh đẹp, hợp thời trang của các con mà nhớ đến ngày nào đầu còn để chỏm, đi học chân không, tóc ngắn. Vào sân trường, dép guốc cũng tuột ra để nhảy giây, đánh nhà, đánh u, chuyền một, hai ba trong lúc đánh tên.

Sao không nghĩ ông bà cũng là con người với ưu khuyết điểm, cũng từng bị đòn, bị mắng rầy la. Anh em cũng choảng nhau chí choé, giận hờn đấm đá rồi xin lỗi làm hòa. Bạn bè cũng không khác có người thân, kẻ phá chọc tức ganh tị bực mình.

Mỗi tuổi cho mỗi thời, “avec le temps, va, tout s’en va” sao muốn níu kéo làm chi cho thời gian trở lại. Tiếc nhớ chuyện bất di bất dịch cũng hoài công vô ích mà tốt nhất là luôn sẵn sàng hiện diện tiếp nối cuộc hành trình theo dự án đã theo .

Đừng tự ái sằng khi còn trẻ hơn mình vì nhận chân quan niệm ông bà lắm lúc lỗi thời “cổ lỗ xĩ’’ kém văn minh’. Các cụ sẽ cảm thấy hãnh diện và vui sướng biết bao được sẻ chia chung hưởng với thế hệ đương thời những thành quả tiến bộ xã hội như sử dụng máy vi tính, nhìn máy robot Spirit, Opportunity Mỹ đáp xuống Hỏa tinh....

Sao lại ngại kiểm điểm tự phê khuyết lỗi hay kể những mẫu chuyện buồn vui
- ‘’Ông hồi còn bé cũng một cây phá phách đấy, qua cầu khỉ thì chẳng chịu đi cũng chẳng cần vịn cọc mà cứ ngồi “chàng hảng” dạng hai chân lòng thòng, lết bon bon trên thân gổ bắt ngang cho đến qua bên kia bờ mới thôi.’’
- ’’Còn bà nội con, có lần tập xe đạp, bướng bỉnh không cho vịn, bảo chỉ cần giữ được trọng tâm, ai dè lạng quạng té xuống mương khóc mếu’’.
- ‘’ Ông con ngày xưa từng được phần thưởng danh dự toàn trường, bà con có lần đọc diễn văn thay mặt học sinh chào mừng quan khách.’’

 Vui miệng thuật lại cho con cháu nghe những cuộc biểu tình, nhảy rào bị lựu đạn cay, bao bố nhìn mặt dưới thời Pháp thuộc. Học sử từ nhỏ đã phải thuộc nằm lòng câu “ Nos ancêtres sont des Gaulois” dù chẳng mủi lõ mắt xanh. Sao mà nhớ quang cảnh gia đình Việt ta trong những ngày lễ Tết giỗ, đoàn tụ quây quần họp mặt sum vầy, gói giấy đỏ lì xì, quà mứt, bánh tét bánh chưng, bánh giò bánh nếp...


          Đó là đề tài góp phần vào văn hóa nước nhà như những truyện cổ tích, tiếu lâm, đời xưa quen thuộc. Câu chuyện kể do kinh nghiệm bản thân là những khoen xích ràng buộc con cháu vào gia tài dòng họ, khẳng định cội nguồn. Giới trẻ cảm thấy mình có dây mơ rễ má, tên tuổi, gia đình tổ quốc quê hương.

            Rõ lẩn thẩn nếu không tìm cách hưởng và duy trì hanh phúc trong giai đoạn ngồi chơi xơi nước nầy một cách an nhàn, yên tĩnh vì bồn chồn lo lắng cũng đâu đổi được thời cơ. Đừng mặc cảm tuổi già là gánh nặng rồi đâm ra chán nản thờ ơ trách con buồn cháu. Có thể ví như chiếc cột cái trong nhà chân ràng buộc với nền, đầu với mái, rui, kèo, chỗ tựa nương cho gia đình ấm cúng.

Đừng chần chừ nữa nên cạn bầu tâm sự, thảng không, đến ngày nào quẳng gánh trần ai lại tiếc ngẩn tiếc ngơ là mình quên mất bao điều chưa dặn dò thực hiện. Còn làm được là cố hết mình, vừa hưởng thụ vừa an dưỡng, moi cả óc tim, trưng dụng cả sức, cảm nghĩ suy còn lại trước khi ngọn đèn bất ngờ phụt tắt, để rồi khi nào nhắm mắt không còn thắc mắc vướng bận ân hận nhẹ nhõm buông xuôi.

 Vì đời đáng sống chính là thời gian được sống.

Ơ kìa nhìn cảnh mặt trời lặn với những ánh rán nắng còn vương mắc trên chân trời, lúc hồng, khi đỏ, người Việt ta đã chẳng bảo ông trời nấu cơm sao? Vậy là sắp đi vào hoàng hôn mất dạng, mặt trời vẫn ung dung tỏa ánh sáng nhạt dần, rồi từ từ nhẹ nhàng khuất bóng sau bức màn tiếp giáp đất trời. Đó quả là hình ảnh quí vị lão thành cao tuổi còn thung dung không ngại bước lên các bậc cuối cùng của chiếc thang mây.


Thật ra thế hệ nào cũng là hòn đá viên gạch cấu tạo quê hương và chứng nhân lịch sử mỗi thời. Rồi trang sử đời được lật qua nhiều lắm là hơn trăm cuốn lịch, đâu có lý do gì làm ta cứ mãi vướng bận, lo âu. Chữ “phải chi thế nầy, thế nọ” đâu giúp ích được gì, cố khiêm tốn tự hào xứng đáng là người đi trước.

Mỗi ngày là ngày mới khác nhau, chớ phí của trời, như những sợi tóc ngả màu là những cây cổ thụ trong đám rừng già ngạo nghễ vươn cao. Đó cũng là thời kỳ tai hoa tàn rụi nhường chỗ cho nhụy vàng, trái ngọt, như than đá qua bao nhiêu năm trui luyện trở thành những viên kim cương quí hiếm sáng ngời.

Có thể xem về hưu là khoảng thời gian chuyển bước giữa cuộc đời trần gian với thế giới tương lai. Đời là cõi tạm, cát bụi trở về cát bụi, sống gửi thác về phong phú hóa tầm phóng của cuộc sống tâm linh, Từ là một bào thai trong bụng mẹ, tuổi về hưu là bước sửa soạn lối về trong lòng đất nuôi ta.

Bây giờ quả là giai đoạn tính sổ cuộc đời, tổng kết khuyết ưu và là khởi đầu giả từ vĩnh biệt để chuẩn bị cuộc hành trình bước vào một cõi hoàn toàn xa lạ chưa hề một ai biết rõ. Đi về đâu thiên đàng hay địa ngục ? Có nhân quả luân hồi ? Sẽ gặp lại ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ, bạn thù ở cõi âm ty, nơi chín suối ? Tuổi hoàng hôn nầy là chiếc cầu nối liền quá khứ hiện hữu với tương lai ảo mộng, cuộc sống thật với thế giới vĩnh hằng mơ ước, giữa hình ngày với bóng mờ mờ ảo ảo trong đêm.

Chắc chắn không phải cứ nhắm mắt xuôi chân cho phận số rủi may là hợp thời cơ
        “Chẳng hay muôn sự tại TrờI”...

      “Bắt phong trần phải phong trần,
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

 Vì thái độ mặc cảm buông thỏng, chán chường cũng chẳng thay đổi được gì. Tốt hơn là nên cố gắng luôn luôn nhập cuộc, đừng vì lý do gì mà hờ hững đứng bên lề cuộc đời. Hãy chứng tỏ cho thế hệ mai sau nhận chân rằng cuộc đời là con đường một chiều không phân biệt ai ngồi xe hay đi bộ, không lùi quay ngược được, như không một ai có thể tráo trở hối lộ, mua vé chợ đen để hoãn lại cuộc hành trình, chận đứng tuổi già, nếp nhăn trên má.

 Ai chẳng là khách lữ hành đơn thân độc mã cùng hưởng chế độ thời gian ròng rã mỗi ngày hai mươi bốn tiếng, không thể quên thở, nhịn ăn chả uống. Hệ thống sinh bệnh lão tử kềm kẹp bủa vây ta bằng bàn tay bọc nhung hay khắc nghiệt, có bao giờ ta hiểu nổi nguyên nhân. Đó cũng là chuyện tất nhiên, thế hệ này đi qua, thế hệ sau tiếp nối. Chiếc lá ngả vàng sẽ rụng để nhường chỗ cho chiếc lá khác tươi xanh hơn. 

Hy vọng !

 Cô Trần Thành Mỹ