a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

NGƯỜI THẦY DẠY NHẠC


Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại thầy. Thầy vẫn khỏe mạnh dù đã 88 tuổi. Không ngờ thời gian qua nhanh như vậy…
Tôi chúc mừng thầy: “Thầy lớn tuổi hơn má con mà trông thầy rất khỏe..” Thầy ôn tồn: “Người già như cái máy cũ kỹ, trông tướng tá vậy chớ đủ thứ bệnh hết đó..”
Hồi tưởng lúc còn học ở bậc trung học, môn nhạc mỗi tuần chỉ có một giờ. Cả trường chỉ có một thầy dạy nhạc nên em nào học ở trường này đều là học trò của thầy.
Lúc mới học nhạc, học nhạc lý buồn ngủ lắm. Nhưng đây là phần căn bản không thể thiếu. Thầy biết có nhiều em cho là khó học nên thầy rất thông cảm. Thầy thương học trò như con của mình vậy.
Qua phần thực hành, học trò được ca hát nên có vẻ thích thú hơn với các ca khúc rất nổi tiếng như “ Bà mẹ quê”, “Em bé quê” của Phạm Duy, “Lửa rừng khuya “ của Lam Phương….Những giờ học hát thật vui, trò nào cũng được thầy mời lên làm …ca sĩ! Tới phiên tôi hát với giọng ồ ề như vịt đực, thầy pha trò: “Em này ca khán giả sẽ ngủ hết khỏi cần uống thuốc ngủ”. Cả lớp cười ồ.Thật vui.
Cho đến bây giờ những ca khúc thầy dạy trong lớp tôi vẫn thuộc và rất yêu thích. Ngày đó tôi còn nhớ thầy bảo những tác phẩm có giá trị sẽ tồn tại với thời gian. Một cậu bé những năm đầu trung học chưa hiểu nhiều về âm nhạc lại cảm nhận được câu nói của thầy và nhận xét đó của thầy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi có lúc theo học lớp đàn guitar do thầy mở ở Trường Tịnh Tâm 1. Lớp học lúc đầu khá đông nhưng về sau rơi rụng dần chỉ còn vài người. Thầy cho biết muốn thành thạo đàn ca phải khổ công luyện tập chớ không phải một sớm một chiều mà thành danh. Nhiều bạn trẻ không chịu khó nên dễ nản chí, bỏ học giữa chừng. Chúng tôi học được tính kiên nhẫn của thầy, thầy vẫn duy trì lớp học vì có một số em rất chăm chỉ và đam mê âm nhạc.
Thầy rời khỏi Sóc Trăng về sinh sống ở một tỉnh miền Đông. Mỗi lần trường tổ chức ngày hội trường thầy đều về dự. Thầy rất vui khi nhiều học trò của thầy vẫn còn sinh hoạt trong lĩnh vực văn nghệ ở khắp nơi. Các bạn ca hát thật hay nhưng ít ai biết, người đặt nền móng đầu tiên cho các bạn bay xa chính là người thầy dạy nhạc những năm trung học.
Đương nhiên “Con nhà tông không giống lông cũng giống tánh”. Các con của thầy có người đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Lâu lâu học trò cũ ở phương xa tìm đến thăm thầy, thầy vui lắm vì thầy rời trường đã lâu mà học trò cũ còn nhớ đến thầy.
Dịp đầu Xuân năm 2017, thầy trở lại Sóc Trăng tham dự ngày kỹ niệm 50 năm vào trường của khóa học chúng tôi. Thật hạnh phúc biết bao trong giờ phút hội ngộ ấm áp như thế này. Thầy trò ngồi bên nhau nhắc lại chuyện xưa, những kỹ niệm êm ả dưới mái trường yêu dấu. Ai cũng thấy mình như trẻ ra, trong lòng vui như tết.



TUẤN BA