a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

BƯỚC THÊM BƯỚC NỮA




1 – Năm 1968, lúc tôi học đệ lục ở lớp tôi chỉ có tôi và thằng Trình là mồ côi cha. Hai đứa tôi ngồi chung bàn và chơi với nhau rất thân có lẽ vì chung cảnh ngộ. Tôi nhớ thằng Trình có lần nghỉ học hai ba ngày chẳng thấy xin phép gì cả.Tôi biết nhà bạn chắc có chuyện gì, chớ Trình học hành rất chuyên cần không khi nào nghỉ học như vậy.
Bạn trở lại trường, khuôn mặt không còn vui như hôm nào. Tôi hỏi chuyện, mắt đỏ hoe và cho biết mẹ nó sắp tái giá. Thế là, tôi phải chứng kiến cảnh buồn của bạn mình như trong câu hát: “Trời mưa bong bóng phập phồng / Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”

Cuối năm đó, thằng Trình chuyển trường về Cần Thơ ở với ông bà ngoại. Chúng tôi mất liên lạc từ đó và sau này chẳng gặp lại nhau. Từ câu chuyện của Trình, tôi tự nhiên rất sợ cụm từ “Bước thêm bước nữa”. Không biết những đứa con mồ côi cha khác có sợ giống như tôi hay không?
2 – Tôi đọc bài phỏng vấn về nhà văn Võ Hồng trên tạp chí Văn mà mấy chục năm sau vẫn còn nhớ. Nhà văn- vừa là nhà giáo kể chuyện: “Hồi tôi dạy học, có nhiều học trò tôi khóc nói sao mẹ chết chưa giáp năm mà cha đã vội giao du, không được như thầy. Tôi chân thành khuyên, cứ để cha con tục huyền. Gà trống nuôi con - cả ngay gà mái nữa - đều rất khổ cực”.

Ít ai biết, nhà văn Võ Hồng vợ mất khi thầy còn rất trẻ. Vì thương con thầy không đi bước nữa, vẫn ở vậy nuôi con. Thầy dạy Văn của tôi là học trò của nhà văn Võ Hồng khi ở Nha Trang nên biết rõ gia cảnh một cách tường tận như vậy. Võ Hồng là nhà văn lớn của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, không những là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị mà còn có cuộc sống rất mẫu mực. Tôi tin là các con của thầy yêu cha mình gấp bội những đứa con khác.

3 – Mẹ tôi năm nay đã 84 tuổi vừa trải qua mấy tháng nằm viện ở Sài Gòn. Những ngày qua, anh em tôi đều rất sợ mẹ sẽ không qua khỏi. Nhưng điều hết sức diệu kỳ, sức khoẻ mẹ được phục hồi nhanh chóng.
Cha tôi mất khi mẹ tôi mới 36 tuổi, để lại 6 đứa con thơ mà người lớn nhất là chị Hai tôi mới 14 tuổi. Với người khỏe mạnh cũng chưa ai dám nghĩ sẽ làm gì để nuôi nấng được đàn con nheo nhóc như thế. Đàng này, mẹ tôi trong người mang đủ thứ bệnh, sống trên đống thuốc. Lặng lẽ thân cò, mẹ nuôi nấng, dạy dỗ và cho các con ăn học đầy đủ. Tôi chẳng còn lo cảnh mẹ đi thêm bước nữa như thằng bạn của tôi ngày nào ở những năm đầu bậc trung học.
Mồng bốn tết vừa rồi họp mặt bạn cũ, tôi có nhắc tới thằng Trình và hỏi anh em có ai gặp nó không. Có anh cho biết chừng hơn 10 năm trước gặp nó đạp xe đi mua phế liệu. Nghe kể là nó về Cần Thơ đi học được mấy năm. Khi ông bà ngoại qua đời nó phải bỏ học ra đời sớm hơn những đứa trẻ khác.
Tôi nhớ đến bài thơ “Bước đi bước nữa” của nhà thơ Nguyễn Bính in trong tập “Lỡ bước sang ngang:“Mai mốt con ơi mẹ lấy chồng /Chúng con coi mẹ có như không / Khuya rồi đấy nhỉ con đi nghỉ / Gió bấc đêm nay lạnh ngập phòng”.

Hẳn là nếu mẹ không đi bước nữa chắc đời con không khổ. Nhưng nếu những người mẹ có đi thêm bước nữa, theo tôi nghĩ chắc cũng khổ tâm nhiều lắm, cuộc sống chẳng hạnh phúc gì đâu!

(Tháng 8/2015)
Tuấn Ba