a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

DÒNG SÔNG TUỔI NHỎ




Gặp lại học trò xưa trên face, dòng sông ký ức lại ùa về, tôi viết tặng các em bài "Một chút gì để nhớ". Học trò thương cô cũng gửi tặng tôi bài "Sông quê" trong đó tôi thích nhất hai câu
Tuổi thơ có một khoảng trời,
Cánh diều mơ ước rong chơi nô đùa.
Ngày xưa tôi có nghe ai đó hỏi thầy mình "Thưa thầy, học môn văn để làm gì ạ?" thầy nói "Môn văn để chấp đôi cánh ước mơ cho các em". Tôi thấy câu này ý nghĩa nhất. Tôi đã từng là học trò, từng bơi lội trong dòng sông mơ ước những ngày thơ bé.
Cô học trò nhỏ trường tiểu học Mỹ Xuyên xưa, giờ ra chơi hay đến thư viện trường mượn những tuyển tập trong tủ sách bông hồng đen ngồi đọc trên bệ thềm. Đã biết mơ mộng nhìn mây bay lưng trời, mơ ước được là cánh chim bay vào trời rộng.
Cô học trò trường trung học Tố Như, những buổi tan trường đạp xe trên con đường Trần Hưng Đạo giữa hàng phượng đỏ hè sang và đã có những tháng ngày êm đềm nhiều kỷ niệm với bạn bè.
Giờ ra chơi chạy giỡn trên đồng lúa sau trường, cũng có khi làm điệu hái một cánh hoa sao nhái bên bờ rào cài tóc, cũng giận dổi khi bị phá phách và cũng rất buồn khi phải tiễn đưa một cô bạn về cõi vĩnh hằng. Quá nhiều kỷ niệm để nhớ thương.
Tôi nhớ con đường Bãi Xàu thời đi học xưa. Bây giờ xem youtube về quê hương mình, có anh chàng trẻ tuổi làm clip khen tỉnh Sóc Trăng chỉ có đường Bãi Xàu là đẹp và thơ mộng. Đó là khúc đường từ Bãi Xàu về Tham Đôn, chợ cũ. Con đường từ Bãi Xàu đến Sóc trăng thuở đi học ngày xưa đã mất dấu rồi! Con đường tuyệt vời của tuổi thơ tôi giờ chỉ còn trong ký ức.
Những năm mới bắt đầu lớp đệ thất (lớp 6), chị tôi mỗi ngày phải nai lưng đạp xe chở cô em nhỏ đến trường với đoạn đường 5km BX-ST, rồi từ ngã ba trường nữ đến trường TN thêm 1km nữa, nên giữa năm lớp đệ thất tôi tập đạp xe.
Chiếc xe người lớn không vừa tầm đứa nhỏ 12 tuổi. Vòng quay chưa với hết chân, vậy mà tôi đã đạp 6km đến trường. Cô học trò nhỏ đến cổng trường phải xuống xe dắt bộ vì trường xây dưới ruộng, lề đường quá cao không thể vừa kềm bàn đạp vừa thắng cùng một lúc.
Con đường BX đã theo tôi biết bao mùa mưa nắng. Ngày ấy Bãi Xàu chỉ là một chợ quận nhỏ, xung quanh bao bọc bằng những nhánh sông, hàng hoá đa số vận chuyển đường sông nên đường BX ngày ấy êm đềm, vắng vẻ. Từ ST về BX ra khỏi nhà máy điện là thăm thẳm ruộng đồng. Đi được nửa đường mới tới Mã Tộc với hàng còng xanh um giao nhau như một hang động. Vừa ra khỏi là hai khu nghĩa địa bên đường rồi lại mênh mông ruộng lúa. Xa xa là cụm dừa xanh Lục Cụ.
Tôi đã ghi lại nỗi nhớ nhà qua bài thơ "Nhớ" trong đó có câu "đạp xe chạy đuổi mưa". Cái mưa nắng của quê tôi rất lạ. Chỉ đoạn đường 5km mà chỗ nắng, chỗ mưa.
Tôi nhớ buổi trưa đạp xe về nhà, vừa qua khỏi Mã tộc một đám mưa rào đổ xuống, chưa qua khỏi Lục Cụ là nắng lại trong veo. Áo ướt, con bé lớp 6 ngây thơ ngày ấy chưa biết mặc áo kép nên ngó trước ngó sau "đồng không, mông quạnh" là dừng xe lại núp sau gốc cây vắt khô áo rồi lên xe đạp phom phom giữa nắng trưa bát ngát. Tới ngã ba về chợ, áo đã khô rồi.
Qua trường Bồ Đề năm lớp 11 tôi đã là một thiếu nữ, thời con nít đã qua, đã tóc dài tha thướt. Năm đó tôi ở nhà ngoại đi học cho gần . Trường cách nhà ngoại chỉ nửa cây số, buổi trưa đi học về bác láng giềng kể bên hay nói "cháu của mạ mặc áo dài xinh quá, không ai biết là con gái gốc hoa".
Ngày ấy đi học đã có người theo, cũng một thời "Ngày xưa Hoàng thị" nhưng tôi luôn dùng chiêu làm lơ. Mà thật sự cái tính con nít trong veo vẫn còn. Tôi ước mơ một bầu trời rộng, không muốn một sợi dây ràng buộc trong lòng. Bây giờ nhớ lại, thơ tôi chỉ phảng phất một chút tình rất nhẹ. Những đôi mắt nhìn trộm năm xưa…
Hoàng Diệu là chặng dừng chân cuối cùng của thời trung học. Học trò trường tư vào HD năm cuối không biết có cảm giác như tôi không? Trường với hàng rào cao là một thế giới riêng. Ngôi trường đủ lớn để tôi quên đi tường cao, kín cổng. Những giờ ra chơi đi dọc bờ hồ tìm một góc khuất ngồi mơ mộng thì hơi khó. Học sinh đông mà sân trường lại nằm giữa hai dãy lớp, chỗ ngồi nào cũng là đích ngắm của các chàng.
Tôi vẫn nhớ không khí thênh thang mùa giáp tết. Tàng phượng xanh lá, gió nhẹ lung lay đưa tiếng hát cao vút của bài "Diễm xưa", "Gọi tên bốn mùa" vào những xao xuyến của tâm hồn. Đưa ước mơ nhỏ bé của tôi ra mênh mang trời rộng. Năm học sẽ kết thúc lại bằng những mùa thi, rồi rời trường và giả từ thời áo trắng. Có ai sẽ nhớ những ngày hôm ấy? Nắng rất tươi và bầu trời rất xanh.



Tôi cũng có một ít kỷ niệm vui với thầy cô, bạn bè.
Tôi còn nhớ buổi học với thầy Linh dạy toán Lý. Hôm ấy gần giáp tết, sau học kỳ một, sở dỉ tôi nhớ chuyện này vì cô bạn học chung cứ đinh ninh là câu chuyện có liên quan tới tấm thiệp chúc xuân vẽ hình cô gái cầm cành mai bạn ấy gửi tặng thầy mà không đề tên người gửi.
Bài giảng hôm đó là "Định luật bảo toàn năng lượng" của nhà Vật lý học Einstein.
Đó là định luật bất biến của vật chất trong vũ trụ. "Không có gì tồn tại, không có gì mất đi". Một khái niệm gần giống với triết lý Phật "Hữu vi, vô vi". Vật chất chỉ bao gồm các nguyên tử hợp lại. Nếu phân rã thì trở về dạng nguyên tử (nguyên tố).
Để học trò dễ hiểu hơn, thầy kể một câu chuyện (mà thầy thì nghiêm lắm, ít khi kể chuyện bên lề). "Giả như khoa học tiến triển, con người có thể chế tạo ra hai cái máy. Một chiếc tàu đóng ở Anh quốc sẽ được gửi qua máy phân tán. Chiếc tàu ấy không cần vượt đại dương nhiều ngày, chỉ cần một cỗ máy tổng hợp, trong tích tắc người ta có thể mang nguyên vẹn con tàu đến bến cảng".
Câu chuyện là một hứng khởi cho các nhà khoa học-(trò) nhiều mơ mộng. Nhưng thầy chưa kết thúc câu chuyện ở đó. "Nếu một con người được gửi đi bằng cách đó, không biết linh hồn có hoàn lại được không?".
Chữ "nhưng?" của thầy thật mênh mông. Ừ! Khoa học từ đó đến nay có bao giờ đi đến vạch cuối đâu. Các thầy xưa thì vậy. Kiến thức quãng bác, thâm trầm. Tôi vẫn là đứa học trò luôn thấy thầy cô là thần tượng.
Cũng có một chuyện vui kể thêm. Năm lớp 12, năm thi. Những tháng cuối trường có chương trình khám sức khỏe tổng quát cho học sinh trước khi các cô cậu tú chuẩn bị khăn gói lên đường ứng thí.
Phòng khám sức khoẻ là một góc của phòng giám thị, được ngăn bởi một tấm ri-do dày. Bên trong là bàn làm việc và hai chiếc ghế để bác sĩ ngồi kiểm tra sức khỏe học sinh. Phe nữ được ưu tiên khám trước và để cho nhanh thì mỗi ngày một lớp. Học sinh mỗi tốp mười người sắp hàng theo thứ tự ABC.
Tôi được khám trước bạn Loan. Bác sĩ không mặc áo blouse, chỉ sơ mi bỏ ngoài quần, nhưng ông có bộ ria mép hơi ngầu. Cuộc kiểm tra sức khỏe cũng đơn giản. Đo huyết áp, nghe nhịp tim, nhịp thở là xong. Vậy mà cô bạn tôi bước vào chưa đầy một phút đã ngất xỉu.
Sau này bạn ấy kể lại "Sắp bước vào mình sợ quá tim đập loạn lên. Có lẽ nghe tim đập nhanh quá nên bác sĩ bảo nới nút cổ áo cho dễ thở, thế là mình xanh mặt xỉu luôn." Ôi! Các cô nữ sinh ngày ấy rất đổi ngoan hiền. Chỉ một ánh mắt hóm hỉnh là chân bước không nổi rồi! (không có tui.
😊).
Kỷ niệm xưa thì nhiều không kể hết. Tôi nhớ ngày có kết quả thi niêm yết ở trường. Bạn tôi rủ tôi đội mưa đến xem. Tôi vẫn sợ phải đứng dò bảng tên. Tên bạn ấy dài nhất 4 chữ, tên tôi ngắn 2 chữ nên cũng dễ tìm. Hai đứa tôi chung một áo mưa, còn bì bỏm trong sân trường cả hai đã nắm tay nhau muốn hét lên. Cơn mưa ngày ấy vẫn còn trong lòng tôi.
Ông anh khác họ của bạn tôi đã đãi chúng tôi một chầu nem nướng ở quán dọc theo cầu quay. Lần đầu tôi làm người lớn uống cạn ly rượu đỏ. Say cho tình bạn vẫn đong đầy. Dòng sông Maspero hôm ấy cũng cuồn cuộn chảy.
Cầu quay giờ không còn quay nữa. Những hàng quán dọc bờ sông đã bị giở từ lâu. Con đường Bãi Xàu chỉ còn trong kỷ niệm. Cánh diều tuổi thơ đã bay mất.

"Sông xa nước chảy về đâu?
Một lần ta bước qua cầu mới hay!"

Tất Hương HD65
Australia