Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020
KỶ NIỆM TUỔI HỌC TRÒ
Tôi nhớ lại gần nửa thế kỷ trước, tỉnh lỵ Sóc Trăng còn nhỏ và buồn. Nơi đây ít địa điểm vui chơi, giải trí. Các bạn có sở thích yêu văn chương tập hợp lại cùng nhau thành lập các thi văn đoàn, bút nhóm. Kể ra đây cũng là thú vui chơi lành mạnh. Sau giờ học, anh em tập tành sáng tác và gởi bài đến các báo có trang học trò, phía dưới bài ngoài tên tác giả còn kèm theo tên thi văn đoàn. Đó là niềm đam mê thú vị của tuổi mới lớn. Thú thư giãn ấy còn là cách rèn luyện văn chương giúp việc học được tốt hơn. Các cây bút mầm non tự trau dồi để có những bài viết hay được đăng báo. Bài được đăng tác giả không được nhuận bút chỉ có báo biếu. Nhưng bạn nào được đăng một bài thơ hay tản văn vui không thể tả.
Các thi văn đoàn thi đua nhau xuất hiện trên các tờ nhật báo, tuần san ở tận Sài Gòn, bởi thời đó tỉnh lẻ đâu có ra báo. Tuổi học trò, tiền bạc rất eo hẹp nên các thi văn đoàn ít ai dám nghĩ đến việc in các ấn phẩm. Vả lại, trình độ viết lách của các bạn còn hạn chế, có tiền làm ấn phẩm nhưng bán khó có người mua!
Thời tôi đi học, các trường công lập thường tổ chức ấn hành đặc san xuân của nhà trường. Bài vở phần nhiều do các học sinh đang học ở các lớp đệ nhị cấp viết. Có chút tài vặt văn chương năm nào nhà trường ra đặc san Xuân là nhóm bạn chúng tôi hăng hái tham gia. Tôi thấy hoạt động trong trường học như vậy rất tốt, tập tành cho học sinh viết lách.
Tết năm 1972, trường Hoàng Diệu của chúng tôi ra đặc san Xuân được in ấn offset tại nhà in Hồng Cẩm ở Sài Gòn. Bài vở do các học sinh cuối cấp thực hiện, ngoài ra còn có sự đóng góp của các vị giáo sư trong trường. Năm đó, lớp 10A1 của tôi có 04 bạn được đăng bài, dẫn đầu các lớp của trường. Có ai còn nhớ không truyện ngắn “Con tu hú đất” của Sơn Trà, “Quê ngoại trong trí nhớ “ của Hàn Tâm hay bài thơ “Hoa tím bằng lăng” của Lâm Thị Việt Ánh và một số chuyện vui của Hoài Thương. Không phải “mèo khen mèo dài đuôi” khách quan nhận xét, đặc san năm đó thuộc vào hạng khá của các trường trung học ở miền Tây. Bài vở của các thầy luôn là mẫu mực để đám học trò chúng tôi xem đó rút tỉa chút kinh nghiệm trong việc viết lách cho hay hơn.Tôi vẫn chưa quên thầy dạy Sử Địa đăng bài thơ “Hai miền thương” với bút hiệu Vy Trang được các bạn rất thích: “Ở đây kinh phù sa xuyên ngang thành phố/ Nước đục ngầu như bụi đường xa/ Tôi về quê em đó…”. Thầy tôi quê ở tận Quảng Nam, được đưa về Sóc Trăng dạy học và thầy coi nơi đây là miền thương thứ hai của cuộc đời mình.
Tôi còn nhớ người phụ trách đặc san năm đó là thầy Phạm Văn Phái. Nhờ làm việc với thầy, các bạn trẻ được làm quen với các công đoạn để hình thành một ấn phẩm. Vui nhất là sau khi phổ biến đặc san ở các trường trong tỉnh, thầy tổ chức cho các em đi Cần Thơ, Bạc Liêu để giới thiệu với các trường tỉnh bạn. Những chuyến đi như thế thật bổ ích và các bạn được học hỏi nhiều điều hay.
Đặc san được tôi lưu giữ cẩn thận rất nhiều năm. Mãi sau này khi gia đình tôi chuyển về huyện sinh sống, sách báo bị thất lạc trong đó có tờ đặc san kỷ niệm thời học trò. Tôi thật vô cùng tiếc, bởi sau này tôi đi tìm lại đặc san đó, không bạn nào còn lưu giữ, tất cả đều có thể mất đi,chỉ có kỷ niệm trong tâm tưởng là còn mãi.
Thời đi học luôn là quãng thời gian đẹp nhất một đời người. Thương sao thời học hành chưa tới đâu làm được vài câu thơ hay viết một vài tản văn được đăng trên dăm ba tờ báo cứ tưởng mình là cây viết sắp nổi danh. Vẽ được một vài mẫu hình ảnh các cô nữ sinh, mái tóc dài che phủ bờ vai,vành nón lá nghiêng nghiêng, tà áo phất phơ bay theo gió cứ tưởng mình là họa sĩ. Nhưng cuộc chơi cũng chóng tàn khi bước vào năm cuối của bậc trung học bận lo thi cử, nếu sảy chân cuộc đời sẽ rẽ vào ngã khác. Sau này nhắc lại chuyện cũ, coi như kỷ niệm đẹp thời hoa mộng bởi do nhiều lý do các bạn trong thi văn đoàn thuở nào lưu lạc khắp bốn phương trời, mãi lo chuyện cơm áo gạo tiền trong cuộc sống không ai còn nặng nợ với văn chương nữa.
Tuấn Ba
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)