1 - Ngày xưa, cha mẹ thường sắm quần áo cho con cái một năm hai lần đó là vào dịp tết và đầu năm học mới. Nghĩ lại, với một gia đình nghèo đông con mà mỗi đứa phải may vài ba bộ cũng tốn khá bộn tiền.
Như mọi đứa trẻ khác, tôi rất náo nức khi được mẹ sắm sửa quần áo tết. Ngắm nghía bộ đồ mới tôi dự định mỗi bộ mặc một ngày tết ở một đứa trẻ vừa mới lên 10 như tôi thật không có gì sung sướng hơn. Chiếc áo mới bằng vải KT, có thêu hình con chim bồ câu chắc sẽ không đụng hàng mấy thằng nhóc trong xóm.Tôi nghĩ sáng sớm ngày mồng một tết sẽ “mở hàng” bộ đồ mới này để chúc tết ông bà và sẽ nhận tiền lì xì bằng những phong bao đỏ thắm.
Ở trong xóm tôi có nhà thằng Tèo nghèo lắm. Ba nó đạp xe lôi nuôi cả nhà. Anh em nó rất đông, chừng chục đứa. Lại còn thêm ông bà nội của nó, tất cả đều sống nhờ vào chiếc xe lôi. Một người đàn ông gầy yếu phải cáng đáng lo chừng ấy người trong gia đình thì quả là hết sức vất vả. Chưa năm nào tôi thấy thằng Tèo được áo mới, bởi ba nó nói nó lớn rồi phải ưu tiên cho mấy đứa em của nó sắm sửa trước. Bà tôi thấy nhà nó khó khăn quá nên hay mang quần áo cũ của anh em tôi cho anh em thằng Tèo. Có năm tôi thấy nó mặc áo cũ của tôi đi chơi trong xóm, cũ người mới ta, xem ra nó có vẻ thích thú lắm!
Mỗi lần nhớ những cái tết ấu thơ, không hiểu sao tôi nhớ đến những chiếc áo mới đầu năm. Nhớ sao xóm nhỏ phần đông là dân lao động sinh sống, bà con tuy nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Thằng Tèo đã mất từ lâu, cả đời không có lấy một ngày vui sướng. Có đêm tôi nằm chiêm bao thấy nó đang mặc chiếc áo cũ của tôi đi chơi tết, khuôn mặt rất vui, cười rạng rỡ.
2 - Hồi những năm cả nước sống vào thời bao cấp, tôi đã hơn 20 tuổi. Đương nhiên ở tuổi đó chiếc áo mới ngày tết đối với tôi không còn là điều quan trọng nữa. Thời ấy, đời sống bà con rất khó khăn, tết đến ai cũng ăn tết đơn giản nhưng nhiều tục lệ của ông bà vẫn cố gìn giữ.
Tôi nhớ lúc đó bà con trong ấp đều mua vải vóc ở hợp tác xã. Hàng hóa không đa dạng, chỉ có vài loại, bởi vậy nhiều người mặc quần áo giống nhau. Sắm được quần áo rất khó, trong khi còn nhiều thứ phải chi tiêu, vượt khả năng nhiều gia đình.
Trong xóm tôi, có xảy ra một chuyện liên quan đến chiếc áo tết mà tôi còn nhớ. Cô giáo Tuyết vừa mới sắm cho đứa con gái của mình một bộ đồ mới. Em giặt rồi phơi trước sân nhà. Khi phơi đồ, em ngồi canh giữ. Trong một phút lơ là, kẻ gian lấy mất bộ đồ đang phơi. Cô Tuyết chạy khắp xóm đi tìm và hỏi thăm bà con trong xóm có ai thấy người lấy hay không. Khi tìm không ra, cô đứng bên nơi đầu hẻm khóc sướt mướt, ai trông thấy cũng thương! Chuyện này, những người trẻ bây giờ nếu có nghe tưởng như chuyện cổ tích.
Tôi đi xa xóm cũ đã lâu lắm. Nhưng đó là nơi chốn tôi yêu nhất vì gắn bó với tuổi thơ của tôi. Có những người bây giờ không còn nữa nhưng hình dáng, tính cách của những người đó luôn sâu đậm trong trí nhớ tôi.
3- Ngày nay, việc sắm những bộ đồ mới không còn là chuyện khó khăn đối với nhiều gia đình. Những em nhỏ bây giờ được cha mẹ sắm sửa đồ mới chúng chẳng tỏ vẻ vui mừng, đâu giống thời của anh em tôi.
Mỗi năm tết về có bao chuyện cũ để nhớ. Bao nếp cũ dần dần phai lạt. Tôi vẫn chưa quên hình ảnh những người nông dân nghèo ở quê tôi ngày xưa quanh năm toàn mặc áo cũ sờn vai, tết nhất chỉ mặc chiếc áo mới chỉ trong sáng mồng một rồi cất lên vì sợ cũ! Người nông dân của mình là như vậy, dù sau này có của ăn của để vẫn quen nếp sống đạm bạc thuở nào. Như ông bác tôi quanh năm sống lặng lẽ ở quê, rất ít khi chịu đi đây đi đó chơi như những anh em khác. Ăn uống thì đơn giản đã quen, con cháu mà xài sang một chút là không chịu!
Với tôi, những cái tết ấu thơ luôn là những kỷ niệm đẹp trong đời. Tôi đọc lại mấy câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ thấy hình bóng mình trong đó : "Từ khi ông tôi mất/ Bà tôi cũng qua đời/ Tôi mỗi ngày mỗi lớn/ Nên chẳng thấy gì vui..” Những người già sẽ mất đi để những người trẻ lớn lên. Vòng đời đó cứ tiếp tục và không bao giờ dừng lại.
Mùa Xuân đã về rồi đó. Sáng mồng một năm này tôi sẽ trở lại quê để tìm lại hương xuân năm cũ. Thèm sống lại khung cảnh của quê xưa. Dù biết rằng có những đổi thay không thể nào tìm lại được, nhưng quê hương là nơi chốn để trở về, nơi yên bình trong tâm hồn không nơi nào so sánh được.
Tuấn Ba