Một cô ký
giả Mỹ chuyên viết về ẩm thực so sánh nước mắm Thái Lan và nước mắm Việt Nam thế
này: Cả hai đều làm từ cá cơm (anchovy), nhưng nước mắm Thái mặn hơn và có mùi
“nặng” hơn.
Cô Mỹ này
nhận xét trật. Trật không phải do lưỡi của cô, mà trật vì cô so sánh con gà với
con vịt.
Nước
chấm làm từ cá thì nhiều nước làm: Thái Lan, Mã Lai Á, Lào, Cam Bốt, Trung Cộng,
Phi Luật Tân, Nam Dương, Nam Hàn… Người Nhật còn lấy cả mực làm nước chấm.
Cá
nào cũng đem làm nước mắm được hết. Về mặt khoa học, đó chỉ là “chặt” nhỏ
protein của cá thành acid amin do tác dụng của enzyme trong ruột cá, từ đó mới
tạo ra hương và vị đặc trưng của nước mắm.
Nước mắm mỗi nơi mỗi vẻ
Hầu hết nước chấm làm từ cá của nước Châu Á có độ đạm khoảng 10, và họ quen với hương vị nước mắm như thế.
Một vài loại
nước mắm Thái có độ đạm khoảng 20, nhưng Việt Nam chuộng nước mắm đạm cao, có
khi lên tới 30 – 40 độ.
Thái Lan
và Việt Nam thường dùng cá cơm, một loại cá biển, nhỏ cỡ ngón tay trỏ để làm nước
mắm. Nhưng có cả hơn trăm loại cá cơm, phân bổ mỗi vùng mỗi khác. Mỗi loại khi
làm sẽ cho ra nước mắm có vị có hương khác nhau.
Ở Việt Nam
có khoảng 6-7 loại cá cơm: Cơm than, cơm đỏ,sọc tiêu, sọc chì, sọc phấn,… nhưng
chỉ có 3 loại đầu được dùng nhiều vì cho phẩm chất nước mắm ngon hơn.
Cũng một
loại cá cơm, nhưng cá mỗi vùng lại ăn rong rêu khác nhau. Rồi cá mùa này gầy,
cá mùa khác béo, năng suất ra đạm (phân rã cá) cũng khác.
Tùy theo
cách làm và cũng tùy thuộc loại cá, mà thời gian lên men kéo dài 4-6 tháng, có
khi kéo dài cả năm hoặc hơn.
Hơn nữa thời
tiết khí hậu mỗi nơi mỗi khác, ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành hương vị
nước mắm. Chính cái “nắng gió” trời cho quanh năm này mà nước mắm Phan Thiết,
Nha Trang trở nên lẫy lừng.
Với Phú Quốc,
ông Trời còn biệt đãi hơn nữa, vì ngoài thời tiết, cá cơm vào mùa to béo tươi
ngon, chượp ra đạm nhiều. Chỉ có điều phải chượp lâu, có khi hơn cả năm, mà chượp
lâu hương mắm càng đậm đà.
Những vùng
khác yếu thế hơn, nhưng họ cũng biết đối phó với thời tiết, để có được những kỹ
thuật làm nước mắm khác nhau, và cứ thế cha truyền con nối.
Có thể ép đạm, nhưng không thể ép hương
Nước mắm đạm cao thì thời gian ủ chượp phải lâu hơn, nhưng “chân lý” này không phải lúc nào cũng đúng.
Người ta
có thể dùng thêm enzyme để thúc đẩy sự phân giải protein cá thành đạm amin
nhanh hơn, từ một năm còn 6 tháng, có khi nhanh hơn.
Mà cũng
tùy nguyên liệu nữa: Cá nhỏ, cá dập nát phân giải nhanh hơn, cá tươi cá còn
nguyên phân giải chậm hơn…
Nhưng
hương thì khác, hương cần thời gian ủ chượp khá lâu, một năm hoặc hơn, để vi
khuẩn kỵ khí phân giải chất béo và protein thành các chất dễ bay hơi để tạo ra
mùi hương đặc trưng của nước mắm, và vị nước mắm cũng “đầm” lại, cái mà người
ta gọi là hậu vị (after-taste) của nước mắm.
Nước mắm
Thái hầu hết đều sử dụng thêm enzyme để tăng tốc lên men, ra nước mắm
nhanh.
Họ cần
năng suất, nhưng hương chưa kịp ngấu sẽ có mùi hơi ngai ngái.
Cách
làm nước mắm của người mình thường có tỷ lệ muối cao (3 cá 1 muối), còn các nước
khác tỷ lệ muối ít hơn.
Muối ít,
lên men nhanh hơn, ra nước mắm lẹ hơn, và dĩ nhiên hương cũng kém hơn… Còn muối
cao thì thời gian ủ chượp lâu hơn, có khi cả năm hoặc hơn, nhưng hương nước mắm
ra đậm đà hơn.
Nước mắm
truyền thống “thứ thiệt” của Việt Nam thường hơi mặn hơn là vì thế.
Công nghiệp ép truyền thống
Làm nước mắm truyền thống thì quanh năm vất vả, nắng mưa dãi dầu, chăm mấy cái thùng còn hơn chăm heo đẻ, nhưng làm nước mắm công nghiệp thì nhanh cái rẹt, mỗi ngày ra cả vài chục ngàn lít là thường. Chỉ cần mua nước mắm thấp đạm về pha loãng, rồi thêm phụ gia hóa chất, đóng chai dán nhãn là xong.
Vị nước mắm
là do acid amin do phân giải từ cá mà ra. Nước mắm công nghiệp chỉ cần cho thêm
các chất tạo vị như bột ngọt, siêu bột ngọt (I+G)…
Hậu vị của
nước mắm là do đủ loại acid amin từ cá tạo thành. Nước mắm công nghiệp làm gì
có hậu vị.
Màu nước mắm
là do chuyển hóa các chất đường, lipid và protein trong cá mà thành.
Nước mắm
công nghiệp chỉ cần thêm màu nhân tạo caramel, carmine, Brown HT…
Hương
nước mắm là do nhiều chất dễ bay hơi hợp thành do phân giải cá mà ra. Nước mắm
công nghiệp chỉ cần thêm hương nhân tạo. Hương cốm, hương nhài, hương nếp…
Hương cà cuống còn nhái được, thì nhái hương nước mắm là chuyện… nhỏ.
Độ sánh của
nước mắm là do protein tan trong nước tạo gel. Nước mắm công nghiệp chỉ cần
thêm chất tạo sệt (thickening agents) như CMC, xathan gum…
Độ mặn của
nước mắm phải cao để ức chế vi khuẩn gây hư (spoilage bacteria).
Nước mắm
công nghiệp không cần mặn cao, vì đưa thêm chất bảo quản benzoate, sorbate
vào.
Còn muốn mặn
dịu hơn nữa thì thêm đường hóa học như aspartame và acesulfam K.
Độ đạm (tổng)
nước mắm là protein cá phân giải. Nước mắm công nghiệp là nước mắm đạm thấp pha
loãng.
Muốn tăng
độ đạm muôn vàn thủ thuật, tử tế thì bổ sung đạm từ lúa mì (protein được thủy
giải để dễ hòa tan), bá đạo thì thêm nước phụ phẩm bột ngọt…
Nước mắm
công nghiệp ngọt đầm hương dịu, sóng sánh màu hổ phách, nói chung, thích gì chiều
nấy.
Vì thêm
các phụ gia hóa chất được phép dùng trong thực phẩm, nên nước mắm công nghiệp về
mặt an toàn thực phẩm, không có gì đáng than phiền. Còn bá đạo đến cỡ nào cũng
tùy nhà sản xuất.
Nước mắm hải
ngoại
Tôi có thể nói, nước mắm “Made in Thái Lan” ở bên Mỹ hay bên Châu Âu đa số là nước mắm công nghiệp.
Thực ra nước
mắm Thái cũng có loại zin, nhưng cũng chỉ cỡ 20 độ đạm là cao do khẩu vị của
dân họ đã quen như thế. Còn nước mắm truyền thống Việt Nam loại ngon khoảng
30-40 độ đạm.
Ở nước
ngoài, khai báo về độ đạm thường “nấp” vào trong cái bảng nhỏ xíu gọi là “thành
phần dinh dưỡng” (nutrition facts) dưới dạng protein.
Con số này
phải chia cho 6,25 mới ra độ đạm. Người tiêu dùng hầu như không để ý chuyện
này.
Có
hãng quảng cáo, chỉ có anchovy extract (nước cốt cá cơm) và muối, nhưng lại có
thêm đường ăn (sugar). Mấy nhà thùng nước mắm truyền thống Việt Nam mà biết
chuyện “nước mắm có đường” chắc phải bở vía.
Có đường,
chỉ vài ba tháng nước mắm sẽ xuống màu, mất hương.
Thế thì nước
mắm đó là gì? Hoặc là dùng đường hóa học, hoặc là xài phẩm màu và hương nhân tạo.
Đến
chơi nhà bạn bè ở nước ngoài, tôi thấy nhiều bà xài nước mắm Thái. Sao vậy, chê
nước mắm Việt à? Không phải, tôi xài nước mắm Thái cho an toàn.
An toàn
thiệt không?
Cục Khoa Học
Y Tế (DMS-Thái Lan) năm 2013, đã khảo sát phẩm chất mắm với 471 mẫu của 118 nhà
sản xuất nước mắm trên thị trường Thái.
Kết quả
ghi nhận 45,4% mẫu không đáp ứng tiêu chuẩn. Đa số có độ đạm thấp hơn so với
ghi nhãn, hàm lượng acid glutamic (bột ngọt) cao, và đáng ghi nhận là 4,5% chứa
chất bảo quản benzoate trên mức cho phép.
Loại nước
mắm pha (mixed fish sauce), hay gọi theo kiểu Việt Nam là nước mắm công nghiệp,
vi phạm nhiều hơn.
An toàn thực
phẩm là chuyện vô vàn, rủi ro có thể xảy ra bất cứ chỗ nào, chỉ có thể hạn chế
mà thôi. Xuất được chai nước mắm vào Mỹ, vào Châu Âu cũng chẳng dễ gì qua được
đôi mắt sấm sét của cơ quan thẩm quyền bản xứ.
Trở
lại câu chuyện cô ký giả Mỹ so sánh nước mắm Thái và nước mắm Việt. Dựa trên
hình ảnh mà bài báo minh họa, cô ký giả đã không nhận ra rằng, cả 2 chai nước mắm
đều sản xuất tại Thái Lan.
Nước mắm
Thái mà cô nếm là nước mắm zin, khoảng 20 độ đạm, nên có vị hơi mặn và hơi nồng.
Còn chai
nước mắm Việt (Made in Thailand) là nước mắm công nghiệp, nên ít mặn và dịu là
đúng rồi.
Nhìn về đường cố lý…
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một người Việt tại Mỹ đã đăng ký nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tại đây, và cho đến nay vẫn dùng thương hiệu Phú Quốc thoải mái.
Công ty
này mua nước mắm sản xuất tại Thái Lan, vận chuyển qua Thẩm Quyến hay Hồng Kông
gì đó và đóng chai tại đấy, rồi xuất đi tứ phương. Nước mắm Phú Quốc thứ
thiệt là thế này hay sao?
Hiện công
ty này cũng có một xưởng làm nước mắm với quy mô nhỏ tại Phú Quốc.
Nước mắm
sau đó được xuất đi đâu đó để pha chế và đóng chai. Theo quy định về Chỉ Dẫn Địa
Lý, nước mắm Phú Quốc phải được sản xuất và đóng chai dán nhãn ngay tại Phú Quốc.
Không
riêng gì Phú Quốc, Phan Thiết cũng đã có Chỉ Dẫn Địa Lý cho nước mắm. Không đơn
giản chỉ là đóng chai tại nguồn, mà nguyên liệu làm nước mắm phải là cá loại
gì, đánh bắt ở đâu, phẩm chất muối thế nào, ủ chượp ra sao, thùng chượp bằng gỗ
loại gì,….
Và phải chịu
sự kiểm soát lẫn nhau về tuân thủ quy định này mới được phép dán nhãn Chỉ Dẫn Địa
Lý, chứ không phải cứ nước mắm sản xuất tại Phú Quốc hay Phan Thiết là được dán
nhãn ấy.
Ai
muốn mua nước mắm truyền thống thì căn cứ vào logo Chỉ Dẫn Địa Lý mà mua.
Còn độ đạm,
theo tôi cỡ 25 – 30 độ là tuyệt rồi. Còn chai nào ghi “nước mắm nhĩ” hay “nước
mắm cốt” thì quên đi. Quảng cáo xạo đó!
Nước mắm
nhĩ giống như thóc giống. Có ai mang thóc giống đi rao bán bao giờ. Thực ra, độ
đạm của nước mắm nhĩ cũng chẳng cao.
Được trời
đãi, cá cơm mập ú như ở Phú Quốc, mà “nhĩ” ở đây cũng chỉ cỡ 30 độ.
Muốn nâng
độ đạm, phải đem phơi và đổ lại vào thùng chượp để rút thêm đạm trong cá.
Không phải
chỉ có nước mắm Phú Quốc hay Phan Thiết mới là ngon. Nước mắm mỗi vùng mỗi miền
đều có hương vị riêng của nó.
Anh
bạn tôi, quê Quảng Trị, lưu lạc xứ người, mỗi lần ăn thịt heo luộc, bánh bột lọc,
bánh ướt, …lại nhớ nước mắm Mỹ Thủy.
Cái tên nước
mắm vùng miền nghe lạ hoắc, vậy mà anh ta lại nhớ da diết.
Nước mắm
không chỉ là hương và vị, nó còn mang theo cả ký ức của tuổi thơ, của một thời
bình yên chỉ biết ăn và học.
Hương
vị nước mắm thấp thoáng trong lời của bản nhạc “… Nhìn về đường cố lý, cố lý xa
xôi…” (Thuyền Viễn Xứ, Thơ: Huyền Chi, Nhạc: Phạm Duy).
Xa quê mà
dùng nước mắm công nghiệp thì buồn lắm, phải không?
Vũ Thế
Thành