a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Mẹo Vặt Hữu Ích.


I. CHĂM SÓC NHÀ CỬA:

1. Đuổi kiến: Rắc muối ở cửa ra vào, ngách cửa sổ và bất cứ chỗ nào kiến chui vào trong nhà. Lý do là vì kiến sợ không dám bò lên muối.

2. Dập tắt lửa bùng cháy vì dầu mỡ: Nếu lửa bùng cháy vì dầu mỡ thì bạn hãy dập tắt ngọn lửa với muối (không dùng nước vì dầu nóng sẽ bay tung tóe).

3. Giữ nến khỏi chảy khi đốt: Nhúng cây nến mới vào trong một dung dich muối đậm đặc trong vài giờ rồi lau cho thật khô, thì cây nến sẽ không chảy mau khi đốt lên.

4. Giữ cho hoa đã hái được tươi: Thêm môt chút muối vào nước cắm hoa thì hoa sẽ được tươi lâu hơn. 

5. Cắm hoa giả: Cho muối vào bình cắm hoa giả rồi thêm chút nước lạnh. Khi muối khô sẽ giữ các hoa giả tại chỗ. 

6. Sửa tường: Muốn bít các lỗ đinh hoặc vết lở trên tường thạch cao, lấy 2 muỗng muối và 2 muỗng bột bắp trộn với khoảng 5 muỗng nước. 

7. Giết cỏ dại: Nếu cỏ dại mọc ở kẽ hở giữa các khối gạch hay khối đá trong vườn, bạn hãy rắc muối vào các kẽ này rồi tưới nước. 

8. Nướng thịt ngoài trời: Khi nướng mà lửa bùng cháy vì mỡ nhõ xuống than, rắc một ít muối lên ngọn lửa để kiềm chế ngọn lửa và khói mà không làm than nguội đi.

 

II. LAU CHÙI 

9. Rửa sạch ống thoát bồn rửa chén bát: Hoà muối vào nước nóng rồi đổ vào ống thoát của bồn rửa chén để khử mùi và giữ cho mỡ không tích tụ. 

10. Tẩy vết trắng trên bàn gỗ để lại bởi ly nước và đĩa nóng: Trộn muối với dầu thực vật rồi đem chà nhẹ lên vết dơ. 

11. Chùi chảo gang dính mỡ: Rắc nhiều muối vào chảo rồi lấy khăn giấy chùi sạch. 

12. Rửa tách trà / cà-phê cáu bẩn: Lấy muối trộn với xà-bông rửa chén rồi chà nhẹ lên vết cáu bẩn. 

13. Chùi sạch tủ lạnh: Trộn dung dịch baking soda pha muối dùng để lau tủ lạnh sẽ làm mất mùi bên trong mà không phải dùng hóa chất. 

14. Chùi đồ đồng hay đồng thau: Trộn muối, bột mì và giấm (tỉ lệ 1:1:1) rồi lấy bột nhão chà lên kim loại. Khoảng một tiếng sau thì lấy khăn mềm chùi sạch và miếng vải khô đánh bong. 

15. Chùi rỉ sét: Trộn muối và chanh với đủ nước để làm thành bột nhão. Sau đó chà lên chỗ sét rỉ, để cho khô, rồi lầy khăn mềm và khô chà sạch.

16. Rửa bình pha cà-phê: Cho muối và đá cục vào trong bình, lắc mạnh rồi súc bình cho sạch.

 

III. GIẶT QUẦN ÁO 

17. Tẩy vết rượu vang trên khăn bàn bằng bông hay vải sợi: Lấy khăn hay giấy thấm rượu lau càng nhiều càng tốt, rồi rắc ngay muối lên chỗ rượu vang đổ. Muối sẽ giúp hút hết rượu ra khỏi các sợi vải của khăn bàn. Sau bữa ăn, ngâm khăn bàn vào nước lạnh trong 30 phút trước khi đem giặt (cách này cũng hiệu nghiệm cho quần áo). 

18. Phơi quần áo vào mùa đông: Trong lần giặt sau chót, thêm một chút muối để khi phơi trên dây ngoài trời, quần áo không bị đóng giá.

19. Giặt màn cửa in màu hay thảm: Dùng nước muối để giặt thì màu sắc sẽ tươi sáng hơn. Muốn cho các thảm bạc màu trông như mới, bạn hãy chà mạnh với một miếng vải nhúng trong nước muối thật mặn và đã vắt ráo. 

20. Gột vết dơ của mồ hôi trên quần áo: Pha bốn muỗng ăn muối vào trong 750ml nuớc nóng, rồi nhúng miếng bọt biển vào trong dung dịch, chà lên vết dơ trên quần áo

21. Gột vết máu trên quần áo: Nhúng quần áo dính máu vào nước muối lạnh, sau đó giặt với nước xà-bông ấm rồi bỏ vào nước đem đun sôi.

22. Làm sạch mặt bàn ủi: Rắc một chút muối lên một miếng giấy rồi là bàn ủi nóng lên.

 

IV. CHĂM SÓC CÁ NHÂN

23. Bảo trì bàn chải đánh răng: Nhúng bàn chải đánh răng vào nước muối trước khi dùng lần đâu tiên thì bàn chải sẽ bền lâu hơn. 

24. Đánh răng: Trộn một phần muối với hai phần baking soda. Dùng bàn chải đáng răng chà hỗn hợp lên răng giống như thường lệ. Bạn cũng có thể súc miệng bằng dung dịch nước muối hoặc dùng nước muối để làm sạch răng giả.  

25. Súc miệng: Pha môt phần muối và một phần baking soda vào trong nước sẽ giúp làm mất mùi hôi miệng. 

26: Trị các bệnh về miệng: Nếu miệng bị loét, hãy súc miệng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày. 

27. Trị vết ong chích: Tẩm nước vào vùng da bị ong đốt rồi áp lên trên một lớp muối để giảm sưng tấy. 

28. Trị vết muỗi cắn: Vã nước muối lên chỗ muỗi đốt cho đỡ ngứa. Có thể dùng cao dán gồm muối trôn với dầu ô liu cũng hiệu nghiệm. 

29. Xoa bóp sau khi tắm: Sau khi tắm, da hãy còn ướt bạn hãy chà thân thể với muối khô. Da sẽ dịu mát và máu sẽ lưu thông tốt hơn 

30. Trị viêm họng: Thường xuyên súc miệng với nước pha muối. 

 

V. TRONG BẾP:

31. Thử xem trứng có mới hay không: Bỏ hai muỗng nhỏ muối ăn vào nước rổi thả quả trứng vào: trứng mới sẽ chìm, trứng cũ sẽ nổi.  

32. Luộc trứng lòng đỏ còn sống: Bạn hãy luộc trứng trong nước muối vì muối làm tăng nhiệt độ sôi của nước, vì vậy lòng trắng trứng chóng chín hơn. 

33. Giữ cho trái cây không bị thâm: Bỏ trái cây vào nước có pha chút muối. 

34. Lột vỏ trái hổ đào: Ngâm trái hổ đào vào nước muối trong nhiều giờ sẽ làm cho vỏ dễ lột hơn. 

35. Khử mùi hành tỏi trên bàn tay: Rửa với xà bông và nước rồi chà bàn tay lên bất cứ vật gì làm bằng thép không gỉ. Bạn cũng có thể chà hỗn hợp giấm và muối lên các ngón tay 

36. Đánh lòng trắng trứng hay kem: Bạn hãy cho thêm chút muối, lòng trắng trứng hay kem sẽ chóng nổi 

37. Giữ pho-mát được lâu hơn: Muốn cho pho-m át không bị mốc, bạn hãy bọc pho-mát trong miếng vải có tẩm nước muối trước khi cho vào tủ lạnh. 

38. Bảo vệ mặt đáy của lò nướng: Nếu thức ăn trào xuống mặt đáy của lò nướng thì bạn hãy rắc một nhúm muối lên chỗ dơ. Chỗ dơ này sẽ không cháy khét và được nướng thành một lớp vỏ cứng dễ cậy ra khi lò để nguội.

  

Hy vọng những công dụng trên của muối sẽ giúp các mẹ có thêm những cách hay để bảo quản và dọn dẹp cho căn bếp xinh của mình, cũng như chăm sóc sức khỏe tốt hơn. 


Sưu tầm.

Thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào giúp chữa khỏi hoàn toàn. Thế nên, bạn cần biết cách kiểm soát lượng calo mình thu nạp vào cơ thể hàng ngày bằng cách bổ sung nhiều loại rau củ. Thực tế, có một số loại rau củ khá hữu ích trong việc làm giảm lượng đường huyết trong cơ thể. Cùng tìm hiểu xem đó là những loại thực phẩm nào nhé!

1. Bông cải trắng


Bông cải trắng khi nấu lên có mùi vị nhẹ nhàng nên rất dễ ăn. Hơn nữa, bông cải trắng còn giàu crom, có thể điều chỉnh lượng đường trong máu và cải thiện khả năng dung nạp glucose một cách hiệu quả.

Nhưng điều cần lưu ý là không nên chế biến bông cải trắng chín quá và cần mua được loại tươi ngon để tránh gây mất chất dinh dưỡng.

2. Đậu Hà Lan


Giống như bông cải trắng, đậu Hà Lan cũng khá giàu crom nên có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa insulin để giảm bớt triệu chứng của bệnh tiểu đường.

3. Ớt chuông



Ớt chuông có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ đường của tế bào máu, từ đó giúp đường huyết không tăng quá nhanh sau bữa ăn và điều chỉnh lượng đường trong máu hiệu quả.

4. Rau muống



Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rau muống có thể giúp bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Do đó, hãy tích cực bổ sung nhiều rau muống và chế biến thêm nhiều món hơn trong bữa cơm hàng ngày bạn nhé!

5. Đậu cô ve


Đậu cô ve rất giàu chất xơ, có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn ở một mức độ nhất định. Điều đáng ngạc nhiên là nó còn có thể ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tăng huyết áp.

6. Bắp cải


Bắp cải rất giàu vitamin E, có thể thúc đẩy quá trình bài tiết và hình thành insulin trong cơ thể con người, từ đó điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn.

7. Khoai mỡ



Trong khoai mỡ có khá nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin và vitamin C. Anthocyanin vừa làm khoai mỡ có màu sắc tươi tắn, vừa giúp giảm huyết áp và chống viêm, ngăn ngừa ung thư và bệnh tiểu đường tuýp 2.

5 loại hạt tốt cho người bệnh tiểu đường

Đậu phộng (lạc)

Đậu phộng là nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào, giúp giảm cân và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng, thêm đậu phộng vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể kiểm soát lượng đường trong máu và cảm giác thèm ăn. Ăn đậu phộng giảm nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường.

Hạt điều

Nghiên cứu của Đại học Nam Australia, ăn hạt điều làm tăng tỷ lệ cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Có 300 người bệnh tiểu đường tham gia vào nghiên cứu, gồm 2 nhóm: ăn nhiều hạt điều và không ăn hạt điều (cả hai nhóm đều có chế độ ăn dành cho bệnh tiểu đường). Kết quả nhóm ăn hạt điều có huyết áp thấp hơn và mức cholesterol tốt cao hơn sau 12 tuần. Hạt điều cũng không có tác động tiêu cực đến mức đường huyết, cân nặng người bệnh.

Hạt dẻ cười

Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), người tiểu đường có chế độ ăn lành mạnh giàu hạt dẻ cười trong 4 tuần có tỷ lệ cholesterol HDL cao hơn người bệnh ăn kiêng thông thường, không ăn hạt dẻ cười. Người ăn nhiều hạt dẻ cười cũng có mức chất béo trung tính thấp hơn và sức khỏe tim mạch tốt hơn.


Hạt dẻ cười giàu năng lượng, chất béo và chất xơ tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Freepik).

Quả óc chó

Các nhà nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) phát hiện ra rằng, người ăn quả óc chó trong 24 giờ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng một nửa người không ăn hạt này trong cùng thời gian. Ngoài ra, người có nguy cơ mắc tiểu đường theo có chế độ ăn giàu quả óc chó trong 6 tháng có thể tăng tỷ lệ cholesterol tốt mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cơ thể hay trọng lượng.

Hạnh nhân

Hạnh nhân có nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường. Nghiên cứu của Đài Loan (Trung Quốc), 20 người tiểu đường ăn 60 g hạnh nhân mỗi ngày trong 12 tuần có mức insulin và đường huyết lúc đói thấp hơn người bệnh ăn chế độ kiểm soát đường huyết, không ăn hạnh nhân. Điều này cho thấy, tiêu thụ hạnh nhân giúp giảm lượng đường trong máu và thành phần lipid ở bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn giàu hạnh nhân (chiếm 20% tổng lượng calo) cũng cải thiện độ nhạy của insulin và mức cholesterol ở bệnh nhân tiền tiểu đường.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tiêu thụ hạnh nhân có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Hạnh nhân có lợi cho tim vì có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Nó cũng giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt.



Bỗng Nghe Thèm Rau Đắng Nấu Canh.


Xa quê, mưu sinh giữa nơi xứ lạ đất người, có những lúc tôi nhớ quay quắt,nhớ đến nao lòng những khoảng thời gian yên bình, thong thả ít suy tư và vướng bận những chuyện cơm áo gạo tiền. Tôi nhớ nhiều thứ, nhiều thứ lắm mà không sao kể xiết. 

Tôi nhớ những ngày cùng lũ nhóc choai choai kéo bầy kéo nhóm tắm mưa la hét inh ỏi cả một góc làng; nhớ những buổi chăn trâu trên đồng chia quân đánh nhau, diệt địch; nhớ những buổi đốt đồng khói bay nghi ngút cay xè khóe mắt và đặc biệt hơn tôi nhớ đến những bữa cơm gia đình quây quần giữa buổi trưa hè nắng oi ả như đổ lửa hay những ngày mưa tầm tã, rả rích với các món ăn bình dị, đơn giản. 

Đó có thể là vài lát cá kho tộ, một ít cà muối xổi, chút tương bần và một tô canh rau đắng nhưng sao lại ấm cúng và ngon đến lạ lùng.



Có lẽ rằng những bữa cơm mộc mạc với các món ăn dân dã, ngọt lành của đồng quê ấy đã nuôi tôi khôn lớn và ăn sâu vào máu thịt tôi để rồi khi xa quê tôi lại thèm, lại nhớ. Phải chăng đó là tình yêu quê hương, xứ sở bởi tôi nhớ có một nhà văn từng nói: Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi. 

Và chắc cũng giống như tôi và nhiều người khác mà nhạc sĩ Bắc Sơn khi rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình cũng đã nhớ đến những món ăn quê nhà để rồi viết nên những lời ca, tiếng hát nổi tiếng đi sâu vào lòng người, hồn người, lòng dân tộc như một điều bình thường nhất, giản dị nhất: 

Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh (Còn thương rau đắng mọc sau hè).

Cũng có thể thuở trước dân quê mình còn nghèo, chợ búa xa xôi, đi lại khó khăn cộng với chuyện tìm kiếm nguyên liệu cho một bữa ăn lót lòng rất vất vả cho nên họ đã tận dụng triệt để những gì có sẵn ở quanh nhà, quanh vườn. 

Hẳn vì thế mà loài rau đắng vốn “mọc sau hè” được chọn đưa vào trong bữa cơm thường nhật như một điều tất nhiên bên cạnh đọt lang, cọng rau muống, rau càng cua, rau nhút, rau má… và dần dà cái vị đắng của loài rau ấy trở nên ngọt ngào thấm vào miền ký ức của biết bao người.

Chỉ cần nghe câu hát ru con da diết của bà và mẹ thường ngày ở quê tôi (và có thể ở nhiều nơi khác) là biết ngay nguyên liệu chính của món canh rau đắng: À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng; Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa. 

Vâng, ở quê tôi, canh rau đắng phổ biến nhất là thường nấu với cá rô đồng, có chỗ nấu với cá lóc, cá trê (Rau đắng nấu với cá trê; Ai đi lục tỉnh thì mê không về), không thì nấu với một ít tôm, tép vừa mới bắt ở dưới rạch, dưới đìa, dưới mương, khá hơn một tí thì nấu chung với thịt heo bằm.

Đối với rau đắng, người xưa đã dựa vào vị đăng đắng của nó mà gọi tên và thường thường nhiều người không biết chúng có hai loại là rau đắng biển và rau đắng đất. Đối với rau đắng biển (còn gọi là rau đắng đồng) rất dễ tìm. Ban đầu thoạt nghe cái tên rau đắng biển ta cứ tưởng rằng loài rau này mọc ở vùng biển nhưng thực ra nó chỉ mọc ở vùng đồng ruộng, chỗ trũng, thấp ẩm chứ không thể mọc ở vùng biển được bởi vị mặn của muối. 

Rau đắng biển có vị hơi đắng, thân tròn lẳn, thon nhỏ, lá xanh tròn dẹt và mọng nước. Vào mùa mưa, cọng rau trổ giò lớn nhanh thư thổi và mọc thành đám như rau muống với màu xanh tươi nhìn mát mắt, chỉ cần cầm dao hay lưỡi liềm cắt một loáng là có cả thúng đem ra chợ bán. 

Rau đắng đất nếu xét về nhan sắc thì khiêm tốn hơn rau đắng biển, mộc mạc như chính tên gọi của nó vậy. Rau đắng đất khó mọc và có vị đắng hơn rất nhiều so với rau đắng biển. Rau đắng đất chỉ thấy mọc ở sau hè, hay bên những bờ mương, liếp vườn quanh nhà, quanh các gốc cây và dưới chân những gốc rạ khi lúa mùa một vụ mới vừa gặt xong. 

Những hạt rau đắng đất đã ngủ quên từ mùa nước để chờ khi chân ruộng chớm khô là chợt bừng tỉnh giấc, nẩy mầm vươn lên từ lòng đất. Rau đắng đất mọc thành bụi riêng lẻ chứ không mọc thành đám như rau đắng biển, thân của nó cũng mảnh mai, lá mỏng tròn tròn như móng tay út với màu xanh pha sắc tím khi tiếp xúc với ánh mặt trời. 

Chỉ khi nào mọc ẩn trong vườn hay ẩn dưới các gốc rạ thì mới có màu xanh nhợt nhạt. Rau đắng đất thỉnh thoảng mới thấy có bán ngoài chợ và giá của nó cũng mắc hơn so với rau đắng biển cũng như một số loại rau khác như rau cải, rau muống… 

Rau đắng đất ngoài tác dụng đơn thuần của một loại rau, nó còn là một trong những vị thuốc Nam có tác dụng hạ hỏa, giải nhiệt, an thần, làm cho sáng mắt, phụ nữ ăn vào da dẻ mịn màng.

Từ cách chọn rau cho đến cách chế biến thành món ăn tuy đơn giản nhưng cũng cần một chút điệu nghệ nếu không nói là cầu kỳ. Phải tùy vào từng mùa mà chọn loại rau nào để nấu với từng nguyên liệu và cách ăn như thế nào mới đúng cũng đủ chứng minh hùng hồn rằng “nghề ăn cũng lắm công phu” và người Việt Nam quả là những người sành điệu trong nghệ thuật ẩm thực.

Như đã nói, khi chọn hái rau đắng biển cách tốt nhất là ta nên hái vào đầu mùa mưa. Những ngọn rau non xanh, căng mọng mơn mởn đua nhau mọc, lúc ấy tha hồ mà cắt, nếu kỹ hơn thì ta cứ vạch tìm trong đám cỏ tìm ngắt từng cọng rau một, những cọng rau này thường to và chất lượng hơn. 

Còn đối với rau đắng đất, ta nên nhổ cả gốc lẫn ngọn. Cũng như những đọt rau đắng biển được bới tìm trong đám cỏ dại, những cọng rau đắng đất được lấy từ gốc rơm rạ ủ mới là thứ “thượng phẩm” mà bất kỳ những tay sành ăn nào cũng đều biết.

Tuyệt chiêu của rau đắng là khi nấu canh với các loại cá đồng và nấu cháo tống. Ngoài ra nó còn dùng để luộc chấm với mắm kho hay là loại rau chủ đạo của món lẩu. Rau đắng sau khi hái về được rửa cho thật sạch, để ráo. 

Trong lúc rửa rau phải chú ý thật nhẹ tay, phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tránh để bị rau dập nát vì khi ấy rau sẽ trở nên quá đắng và mất ngon. Cá rô phải là loại cá rô mề, con nào con nấy nhìn cứ phây phây béo tốt. Cá được móc ruột và đánh vảy thật sạch rồi cho vào luộc sơ hay hấp cũng được. 

Khi thấy cá vừa chín tới thì vớt ra, sau đó nhẹ tay gỡ toàn bộ phần thịt để riêng, phần xương cho vào cối giã nát, chắt lấy nước. Xong đâu đấy, phi hành cho thật thơm rồi nhẹ nhàng cho phần thịt cá vào xào xơ, tiếp theo cho toàn bộ phần nước chắt từ xương cá và nước luộc (hấp) cá vào đun sôi, nhớ hớt bỏ phần bọt nổi bên mép nồi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. 

Cuối cùng, khi nước đã thật sôi thì cho rau đắng vào và nhắc ra, thêm chút tiêu và hành lá. Khi ăn, ta lâng lâng với cái đăng đắng của rau, cái ngọt ngọt, beo béo của thịt và xương cá, cái thơm thơm của hành và tiêu…

Trong cái nắng oi nồng của ngày hè cùng gia đình quây quần giữa mâm cơm giản dị mà vừa ăn vừa xuýt xoa, hít hà, mồ hôi mẹ, mồ hôi con vã ra như tắm bởi dĩa cá kho tộ cay nồng, tô canh rau đắng nóng hôi hổi… thì thật là sung sướng hay ngồi ăn trong cái mênh mang của đất trời khi mưa, ta lại cảm thấy ấm lòng, thú vị. 

Bởi thế mà thi sĩ Nguyệt Lãng từng có những nỗi nhớ quê, nhớ loài rau đồng nội khó quên trong tâm thức của mình:

Ai buộc đời mình vì một cọng rau

Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng

Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng

Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình

Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh...


Gia Khang