Ảnh phố phường Niagara-on-the-Lake
Mấy ngày nay tôi khó ngủ. Hễ có việc gì lo lắng thì cứ trằn trọc hoài mà có phải chuyện lớn lao gì đâu. Chẳng qua vì một câu ca dao cũ, tự nhiên được nhớ lại gây phiền hà. Nhưng cũng không phải là không có lý do. Tại vì mùa bắp đã tới hồi nào không hay không biết. Mà hễ nghe nói tới bắp là lòng tôi nôn nao. Có lần một bạn thân VN mới qua thăm, vui miệng tình cờ mà hỏi - Anh ở đây lâu lắm rồi, trong các thực phẩm, món gì ngon nhất mà anh đã từng ăn? Tôi trả lời ngay không đắn đo - trái bắp xứ Canada nầy.
Thiệt ra thì cũng còn có rất nhiều sơn hào hải vị nhưng tôi đâu có giàu sang dư dả gì mà được thưởng thức nhiều hơn. Cái gì đã được ăn rồi mới dám nói. Ở đây có hai món ăn mà tôi rất thích. Một là tôm hùm, hai là bắp non mới hái. Tôm hùm đánh bắt các tỉnh ven biển Québec cũng được người người ca tụng, để thủng thẳng sẽ kể sau. Còn bây giờ đang mùa hè, bắp đã chín rộ nhiều rồi, được bán đầy lề đường, trong các chợ, không ăn ngay để lâu mất ngon.
Tôi lòng vòng về chuyện trái bắp là tại nhớ tới cái câu ca dao quen thuộc đất Sài Gòn thân yêu : “Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm” Câu nầy khi đọc lên thì ai cũng hiểu hết. Nó đơn giản như tâm tình dân miền Nam nầy. Trái bắp còn non mới hái mà đem nướng trên lửa than hồng thì thơm ngon phải biết. Như cô chèo đò mỗi ngày đưa khách qua sông nhìn hiền lành xinh xắn dễ thương nhưng không phải dễ tán tỉnh đâu. Câu ca dao coi vậy mà tượng hình quá đổi, cô gái chèo đò được ví với trái bắp nướng thơm ngon. Ai nghe cũng phát thèm! Nhưng điều làm tôi mất ngủ không phải là câu chuyện chèo đò hay trái bắp nướng, hoặc hình ảnh của đôi trai gái hẹn hò, dê qua dê lại.
Mà tại cái chữ “ve” trong câu ca dao mắc dịch đó. Mỗi lần nghĩ tới nó là tôi khổ sở. Ve là gì? Là ve vãn chớ còn gì nữa. Paulus Huình Tịnh Của định nghĩa như sau: -trêu chọc làm cho kẻ khác xiêu lòng. Con trai khi gặp con gái đẹp thì tò tò lẽo đẽo đi theo, tìm mọi cách để rù quến cho người đẹp để ý mà mê mình. Đúng là như vậy. Nhưng “ve” rất giống”dê”. “Dê” là gì, cũng trong Quấc Âm Tự Vị Huình Tịnh Của đã nói về máu dê: -tiếng cười người đa dâm hay ve vặt. Vậy ve và dê về cử chỉ, thái độ, hành động ý nghĩa giống y như nhau. “Ve” và “dê” có phải là một, chữ nầy biến âm ra chữ kia hay không? Tại tôi là thầy giáo nên cứ thắc mắc cái vụ nầy. Đây mới là vấn đề tôi nhức đầu.
Chữ “ve” có phụ âm là “v” thuộc âm môi (b, v, m, ph) Chữ “dê” có phụ âm là “d” thuộc âm răng (t, đ, n, l, x, d). Về luật ngữ học (linguistique) thì khi biến đổi âm của một từ, không có chuyện từ của âm vùng nầy đổi qua từ của âm vùng kia. Trong miệng có bốn vùng phát môi là môi, răng, cúa (khẩu cái) và lưỡi. Từ âm môi “v” không thể biến sang âm răng “d” được. Một từ chỉ có thể biến âm cùng chung vùng với nhau, âm của môi chỉ được biến cùng các phụ âm khác của môi mà thôi (ví như vũ là mưa, vũ là múa, phòng là buồng, phóng là buông.... Phụ âm răng, lưỡi, cúa cũng vậy
Như vậy “ve” không thể biến thành “dê” dược. Đó là về luật ngữ học quy định. Nhưng tại sao ve và dê ý nghĩa lại giống hệch nhau? Đố ai ve dê) được con đò Thủ Thiêm. Đến giờ nầy cái thắc mắc của tôi vẫn còn y nguyên. Nói ve cũng được mà dê cũng được. Tôi cho rằng hai chữ nầy tuy nghĩa giống nhau nhưng không có liên hệ gốc gác gì hết. Thôi, đừng ve mà cũng đừng dê, cánh đàn ông nam nhi chúng ta... o mèo đi, cũng một nghĩa như nhau mà.
Lại thêm rắc rối nữa. “O” là gì và “mèo” là gì? Chịu thua luôn. Lại phải truy ra Từ Nguyên hoặc Nguyên Ngữ Học. Học giả An Chi có giải thích “mèo” gốc chữ Hán là 媌, (bộ Nữ + Miêu) mà âm Hán Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ. Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học Tôi không đồng ý chỗ nầy. Đi “o mèo”sao lại có nghĩa là “đi tán tỉnh ve vãn kỹ nữ “ được. Không có chuyện tiền bạc gì trong chuyện “o mèo”
Tôi cho rằng “o” gốc từ “o bế” cũng giống như ve vãn, còn “mèo” là cử chỉ điệu bộ của người con gái dịu dàng giống như con mèo. Giải nghĩa như vầy là suy đoán bình dân, không biết đúng không vì chưa chắc. Hồi xưa chữ “mèo” nầy do chữ nào biến âm và thời đó “mèo” nghĩa là gì. Phải là gốc từ nguyên cổ mới chắc được. Bạn có còn dám dạy tiếng Việt nữa không? Tôi thì sợ lắm rồi, may là đã bị bỏ nghề hồi còn rất trẻ. Ai cho rằng tiếng Việt nghèo nàn nên suy nghĩ lại, nó phong phú biết bao nhiêu .
Chuyện chữ nghĩa xin để một bên, đợi chờ cao kiến bạn đọc giúp đỡ. Đang nói về trái bắp, xin kể lại một kỷ niêm nhỏ cho vui. Tôi có một giai đoạn dài cư ngụ thành phố Toronto ở Canada. Chuyện nầy không có gì đáng nói nếu bên cạnh thành phố nầy trên trăm cây số, có một phong cảnh du lịch đẹp đẽ hùng vĩ nổi tiếng nhất thế giới. Đó là thác nước Niagara Falls, thác nước hình móng ngựa nầy nhìn phía bên Canada đẹp hơn bên Mỹ. Người ở phương trời xa, ai ai cũng ước ao một lần trong đời được chiêm ngắm nó, bỏ qua là một ân hận. Mùa hè ấm áp là mùa du lịch thích hợp nhất sau mùa đông dài lạnh lẽo lê thê. Bạn bè ghé thăm thủ phủ Toronto xong, thế nào cũng phải dành thì giờ để ghé thăm thác nước. Một năm tôi vui vẻ làm hướng dẫn viên du lịch vài ba lần, đi hoài nhưng không chán. Bởi vì trên đoạn đường dài, tôi không chọn xa lộ lớn mà lựa chọn đường làng quê êm ả để đi ngang qua thành phố cổ Niagara-on-the-Lake đầy hoa, các trại nho với màn cho khách thử thứ rượu tuyết đặc phẩm Ice wine ngọt ngào miễn phí... Chán sao được, không mê sao được.
Buổi trưa đó bận về trời chiều mát dịu, xe lướt bon bon trên đường làng, hai bên là rẫy bắp xanh mướt bạt ngàn. Từng vạt bắp nối tiếp nhau trên từng cây số. Cái xứ Canada nầy người thì ít chớ đất thì rộng mênh mông. Mà bắp vùng nầy thì cũng được trồng quá nhiều, ăn sao cho hết. Trên xe bạn bè cười nói đông vui. Bổng dưng có bà bạn nói -bắp quá nhiều tại sao mình không hái một mớ để chiều về nhà ăn chơi. Cả đám ai cũng đồng ý. Tôi đang lái xe suy đi nghĩ lại thì lo sợ. Trời ơi, một đồng bạc mua tới được mười hai trái. Bỏ ra mười đồng mua được một trăm hai chục trái, ăn bể bụng luôn. Hái trộm như vầy rủi bị người ta bắt gặp thì ăn nói làm sao. Ăn cắp là xấu hỗ lắm. Tuy là sợ nhưng bạn bè xúi giục quá đi, tôi nhìn trước nhìn sau thiệt xa thấy không có ai, cũng từ từ tìm chỗ ngừng xe lai bên lề đường. Các bà túa xuống nhanh nhẹn chạy vô rẫy bắp ngắt hái liên hồi. Tôi mở cốp thùng sau xe chờ sẵn và tiếp tay quăng bắp vô. Chỉ trong chốc lắt, nguyên một thùng xe rộng lớn đã đầy nhóc bắp xanh. Trái nào trái nấy to lớn chắc nịt mập tròn, tươi non mơn mởn. Xong rồi, vui ơi là vui.
Tôi vừa lái xe vừa kể chuyện suy nghĩ trong đầu cho các bạn nghe - ngày mai trên trang nhứt các báo ở Toronto, ở New Jersey và bên San Jose dăng một tin hấp dẫn là một đám người Việt Nam có danh phận, người thì giáo sư, người thì là bác sĩ, người là dược sĩ... đi ăn cắp bắp ngoài ruộng vắng. Mấy bà nhao nhao lên biện hộ, nói tại không thấy chủ, chớ có chủ thì tôi mua hoặc xin, chớ ai ăn cắp làm chi. Cả đám xúm nhau mà cười rần rần.
Về tới nhà chưa kịp tắm rửa, việc đầu tiên là tôi đem bắp ra luộc. Lấy cái nồi lớn nhất trong nhà. bỏ vô chút muối cho bắp ngọt hơn. Xong rồi, tất cả háo hức để thưởng thức chiến lợi phẩm vừa chiếm đoạt được. Một bà bạn ăn trái bắp đầu tiên, thất vọng nói lớn -sao mà cứng ngắt vầy nè. Tôi cầm lấy một trái còn nóng hổi và thử cắn một miếng. Trời ơi muốn gảy răng luôn. Và chợt hiểu liền, bắp nầy nhà nông trồng cho bò ăn, chớ không phải cho người... như tụi tôi. Còn thắc mắc, tiếc nuối gì nữa, bèn đem đi bỏ, để một đống chình ình đó thấy mà tức ứa gan. Tôi phải dùng tới mấy bao rác lớn ì ạch khiêng ra thùng rác bên sau hè nhà, đi không nổi nặng muốn chết luôn!
VÕ KỲ ĐIỀN , Brossard. QC 3 Sep 2022