Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019
MẸ HIỀN
(Viết nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của mẹ)
Tôi trở về quê lần này với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Mẹ tôi vừa thoát khỏi căn bệnh kéo dài tưởng như không thể qua khỏi sau nhiều ngày nằm điều trị ở bệnh viện trên Sài Gòn. Thật kỳ lạ, mẹ tôi phục hồi nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của những người thân.
Nhớ lại ngày trước, mẹ tôi có nhiều căn bệnh, không một ai trong gia đình nghĩ đến mẹ tôi sống đến tuổi già. Lúc mẹ được 80 tuổi, mẹ bảo với các con, “Không ngờ sống đến tuổi này. Bây giờ các con đã trưởng thành, mẹ không còn lo lắng gì nữa. Ông trời có bắt đi mẹ cũng vui vẻ ra đi!”.
Trong số bảy người con của ngoại tôi, duy nhất chỉ còn lại mẹ tôi còn sống. Mẹ tôi hay nhắc những người thân cho con cháu nghe.Thông qua câu chuyện, với những tấm gương của những người lớn trong gia tộc còn là cách giáo dục con cháu rất hiệu quả. Mẹ luôn dặn dò các con không được sống tham lam, bởi của phi nghĩa ăn không bền. Hình ảnh những người thân không phai mờ trong trí nhớ của tôi.Thương nhất cậu ba, một người con hiếu thảo mà tôi được biết. Chiều nào cũng vậy, sau khi cơm nước xong, cậu đạp xe đến nhà thăm cha mẹ. Có hôm trời mưa, cậu vẫn đến. Cậu bảo, “Hôm nào kẹt chuyện gì không đến được, tối ngủ không yên tâm”.
Nhớ những ngày cuối năm 1975, mẹ con dắt nhau về quê nội sinh sống. Năm đó, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Sáng chiều mẹ tảo tần lo làm lụng công việc đồng áng .Vào mùa mưa thì càng ảm đạm và buồn hơn. Đêm về bên ngọn đèn dầu leo lét mẹ ngồi khâu vá quần áo rách cho các con. Nghe tiêng mưa đêm hòa cùng tiếng ểnh ương ếch nhái, hình ảnh mẹ in bóng trên vách nhà ...
Đó là sự cô đơn của mẹ in vào tâm trí tôi.Tôi lại nghĩ nếu cha tôi còn sống, tình cảnh gia đình chắc sẽ khả quan hơn.
Sống gần gũi những người nông dân chân chất, tình làng nghĩa xóm lần hồi gắn bó như một thứ tình cảm thân thương rất khó tìm thấy khi sống ở thành thị. Gia đình tôi hòa nhập vào đời sống của bà con nông thôn. Mẹ tôi ở quê chồng tính ra hơn 40 năm dài. Mẹ yêu cuộc sống bình dị ở xứ vườn nên sau này không còn ý định trở về thành phố nữa.
Những ngày cuối năm, năm nào mẹ cũng tính tuổi của mình.Tôi nhớ mấy năm gần đây, tết nào mẹ cũng thanh thản bảo với các con có thể đây là cái tết cuối cùng của mẹ. Mẹ không sợ ngày ra đi vì cho rằng chuyện sinh tử của con người ai cũng phải trải qua, không muốn cũng không được. Mỗi lần mẹ nhắc đến chuyện buồn của đời người, anh chị em chúng đều lãng tránh không dám nghĩ đến dù biết rằng ngày xa mẹ không còn bao lâu nữa. Lúc cha tôi mất, anh em còn nhỏ dại, chẳng ai dám nghĩ đến một người đàn bà yếu đuối nhiều bệnh tật sẽ nuôi nấng các con ra sao. Nhưng lòng thương vô bờ bến các con đã làm mẹ tôi mạnh mẽ hơn. Chị em tôi được lớn lên trong tình thương yêu của mẹ, người phụ nữ đức hạnh và nghị lực phi thường.
Tôi nhìn chăm chú khuôn mặt của mẹ tôi, sự khắc nghiệt của thời gian quả đáng sợ. Mẹ tôi không còn linh hoạt như xưa, trí nhớ giảm sút thấy rõ. Có những chuyện mới xảy ra mẹ vẫn không nhớ. Điều kỳ lạ, có những chuyện xảy ra năm ba chục năm trước, mẹ kể ra vanh vách. Những người ở xóm ngoại tôi ngày trước bây giờ mất đã gần hết, mẹ nhắc những việc người ấy đã làm không sai chi tiết.
Mấy hôm nay trời trở lạnh. Mẹ bảo đứa cháu ngoại gom lá khô trong vườn đốt cho ấm. Nhìn những sợi khói trắng bay lên trời bao nhiêu kỷ niệm ngày cũ cứ ùa về trong trí nhớ.
" Khi bước chân đi lần trong cuộc đời.
Lời mẹ hiền ru con nhớ không nguôi .
....
Ai biểt đêm nay tôi vẫn mong chờ.
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ . " ( Lam Phương)
Mẹ hy sinh cả đời cho các con, vượt qua muôn trùng khó khăn để các con được thành đạt. Mùa xuân đã gần đến, chị em chúng tôi sẽ rất vui khi biết rằng tết này chúng tôi vẫn còn có mẹ.
Tuấn Ba
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét