a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

TRÒ CHƠI TUỔI THƠ

VÀI TRÒ CHƠI NỮ SINH TIỂU HỌC QUÊ NHÀ NGÀY XƯA

 Cùng gợi lại cho nhau nghe những trò chơi thuở trước lúc còn ngồi trên băng ghế trường Nữ Tiểu học quê nhà. Thùng ! Thùng ! Thùng ! Tiếng trống vừa điểm vang, được lệnh thầy cô, như đàn ong vỡ tổ bay ra khỏi lớp, những lúc nghỉ nầy quả là một lối mở nút chai, giải tỏa sinh lực bị dồn ép trong giờ học vừa qua.

Với óc tưởng tượng phong phú, qua kinh nghiệm của thế hệ trước, bao trò chơi được bày ra nhiều cách, dụng cụ khác nhau, cá nhân tập thể và nhất là tùy theo thời tiết, trong hành lang trước lớp hoặc ngoài sân.Nước ta vốn nông nghiệp, tất nhiên trò chơi nhầm thích ứng với tập tục thói quen, vì từ công tác đồng áng chăn nuôi đến nội trợ, phụ nữ Việt luôn đều góp phần không nhỏ nên việc giải trí cho phái nữ cũng được phân định quan tâm. Trò chơi nào cũng có quy luật riêng và thường khởi đầu bằng cuộc thi xếp hạng. Khán giả không được « xía » vào, cổ vũ phê bình.

Trước hết, trò chơi thuần túy nữ sinh, luôn luôn ngồi chồm hỗm nầy là đánh búng tương đương lối chơi bắn đạn bắn kè của nam sinh thay vì hòn bi viên đạn cục kè, thường dùng toàn hột me khô.

 

Bắn kè-Bắn bi

 Đây cũng là lối tập bắn, luyện nhắm chính xác, khéo tay. Có hai lối chơi « búng chỉ », hột me đầu tiên do đối thủ chỉ định, và « búng gạch », dùng ngón tay trõ gạch giữa từng cặp hai hột me cấm không được chạm vào hột nào hết.

Đánh búng bằng hột me

 Cuộc thi mở màn là mỗi « lực sĩ » vận động viên để tất cả hột me vào lòng bàn tay, với « chưởng lực » vừa hất lên vừa lật úp bàn tay cho tất cả hột me rơi trên mu bàn tay, rồi lại hất lên cho hạt rơi trở lại vào lòng bàn tay. Nếu không hột nào rơi ra ngoài xuống đất gọi là « trụm », việc xếp hạng trước sau là do hạt rơi ra nhiều ít.Cách búng thường phải dùng hai ngón tay cái và trỏ chụm vào nhau, ngón cái búng ngang, ngó trỏ búng dọc. Khi búng, cổ tay bắt buộc phải sát đất, nếu di chuyển gọi là « búng hất » phạt, nhường phiên cho người khác.

 

 


Đánh búng

 Thật không dễ đâu vì luôn luôn phải ngồi chồm hỗm, dạng chân, xoay qua trở lại, nhắm thật trúng đích, phát pháo đúng mục tiêu mới thắng.Trò chơi nầy thường chơi trong hành lang hơn ngoài sân và có thể chỉ có hai hoặc nhiều người. Thú vị nhất là cuối năm, bạn bè hùn nhau hột me nhờ mẹ nấu chè hột me với nếp nước dừa thơm béo ngọt làm sao !Có dịp nhìn vào cập của nữ sinh dầy cộm, bạn khám phá không phải chỉ có sách vở bên trong mà còn có cả kho tàng giải trí nào giây, banh, hột, đũa, gia tài đầu tiên của tuổi học trò. Môn tiếp đây sử dụng cả toàn thân lúc ngồi khi đứng, đánh đũa hay đánh tên  với mười chiếc đũa tre và một trái banh.Thi xếp hạng là quay dưới đất ba chiếc đũa thành hình tam giác đủ to để có thể đặt đầu chiếc đũa vào trong. 

 

                                       

Đánh tên    

Đặc điểm là trước khi thực hành mỗi giai đoạn bắt buộc phải « chuyền » tức là vừa tung banh lên cao rồi vừa dùng hai tay xoay vòng bó đũa, tùy theo giao ước ban đầu, một hay nhiều vòng, cuối cùng tay nầy nắm bó đũa tay kia hứng bắt trái banh. Bước nào cũng do sự kết hợp giữa tung hứng banh và xoay vòng bó tên một cách nhịp nhàng chính xác.

Phần mở màn khởi đầu tuần tự lựa từng chiếc một, rồi hai cho đến mười. Kế đó là « nụm », một tay nắm giữa bó đũa, tay kia chạm luân phiên vào hai đầu bao nhiêu lần theo qui định. Rồi đến « nẻ », dùng một đầu bó đũa đập xuống đất, rồi quay sang đầu kia gây tiếng vang.

 

 

Đánh tên với trái banh,bó đũa
Trò chơi nầy đòi hỏi mắt phải tinh để theo dõi banh, ước lượng cao thấp, độ lệch. Còn phải tùy theo hướng gió, đất ẩm hay khô để tung banh theo ý. Tay không được ướt ảnh hưởng đến banh tên. Cử động nhịp nhàng, dễ dàng, dẻo dai xoay trở, linh động đứng lên ngồi xuống, chăm chú không phút lãng xao. Đây cũng thể hiện được nét chính các động tác đồng áng như bó mạ, đập lúa, sàng sải gạo, cấy trồng, truyền thống của dân mình 
« Nhảy giây » là trò chơi ngoài trời mà hầu hết nữ sinh thích dự. Có lẽ đây là trò chơi phổ biến nhất, nước nào cũng biết tuy căn bản vẫn giống nhau nhưng kỹ thuật nhảy thật thiên biến vạn hóa, lối luyện toàn thân càng ngày càng đòi hỏi nhiều sức lực hơn.

 

Nhảy giây

 

 


Dụng cụ căn bản chỉ cần một sợi giây sử dụng cho cá nhân hay phe nhóm tập thể, bằng nhiều thế xuôi, ngược, tréo trước sau. Hai tay nắm hai đầu giây, quay giây qua đầu, nhảy lên cho giây luồn dưới chân, nếu đạp lên dây là thua. Khởi sự quay vòng trước mặt là xuôi, sau lưng là ngược. Hai tay tréo lại gấp dây thành vòng nhảy qua cũng đòi hỏi lắm công phu. 

 Vận tốc cũng đáng kể, càng nhanh càng nhiều vòng nhiều điểm. Có thể dùng một sợi dây cho nhiều người tham dự, chia phe tiếp sức, tinh thần đồng đội được nâng cao.Dây do hai người phe khác quay. Cơ bản như trên và tùy thuộc vào người tham dự đồng ý hay sửa đổi tùy thích.


Đánh nhà - Nhảy lò cò

  Nhảy giây đúng là môn chơi biến chuyển nhất, muôn phương nghìn cách thay dạng đổi hình. Có dịp nhìn các cuộc biểu diễn hay thi đua quốc tế, nhảy dây quả thật không còn là một môn thể thao giải trí thông thường mà xứng danh là một nghệ thuật, kỷ thuật toàn diện, một thế võ tuyệt luân.

 «  Mình ơi tôi gọi là nhà,

 Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi. » 

 Chữ ‘ nhà tôi ‘ được dân ta thường thường dùng trong việc vợ chồng lịch sự gọi nhau lúc giao tiếp với khách, nhập thể chủ với nhà đủ chứng tỏ hoài bão của người Việt « sống có nhà, chết có mồ ». Do đó cũng ảnh hưởng đến việc giáo dục con em. Các bạn đừng nghĩ xứ mình nghèo chỉ có nhà tranh vách đất, trò chơi « đánh nhà » thể hiện rõ nhất nét cao sang. Từ mới học lớp a b c khoanh đã tập tành học đòi xem đất cất nhà tối tân đủ loại.

Trước hết, vẽ hình nhà xuống đất theo mẫu sơ đồ kiến trúc đã được chuẩn y : nhà trệt với ba ô, nhà lầu bảy ô, nhà nóc bằng nhiều tầng cao, building tám ô, nhà nóc chùa vẽ hình xoắn ốc, nhiều ô tùy hứng.

 Cách chơi mỗi người đều có một « đồng mạng » bằng gạch hoặc đồng tiền để ném vào ô qui định. Nhảy một chân gọi là « cò », đặt một lượt hai chân vào hai ô qui định là « chập », « hất » là vừa cò vừa dùng bàn chân tạt ngang đồng mạng sang ô khác, « xủi » là đẩy thẳng lên ô trên. Chân chạm trên đường vẽ tức là Cán mức là ra, thay phiên người khác. Khi nào thực hiện đúng các bước đi, sẽ được cất nhà lần lượt một đến nhiều nhà, trái lại nếu không cẩn thận đề phòng đi sai nước, nhà bị cháy tiêu.

                                                      

Đánh nhà xoắn ốc

Đây là lối luyện thăng bằng, trầm tĩnh, bền chí hữu hiệu nhất dù không đòi hỏi nhiều sức hay căng thẳng như nhảy giây. Các bạn gái quen chơi thì tất biết, trò chơi nào cũng lắm công phu.  Ngay cả « con cò bay lả bay la », khi đậu trên một chân thì vững chứ chỉ có cò què mới ‘cò rò’ một chân thôi.

                                

 Đánh nhà     

Khi cò, một chân làm trục, chân kia gập lại, có mỏi nhờ tay vịn dùm cũng chẳng dám vịn dùm. Hai cánh tay không dùng làm cánh quạt, chỉ làm « gạt đờ co » hỗ trợ thân mình thoát hẳn sức hút của địa cầu trong chốc lát tung lên giáng xuống. Phải dùng cả nội lực thâm hậu dồn xuống bàn chân làm chuẩn, giữ trọng tâm cho vững không khéo ngả nghiêng luýnh quýnh chân co chạm đất, uổng toi công. Thất bại của mình còn có thể là đòn bẩy gây thắng cuộc cho đối phương.

Tuy nhiên đề cập đến học trò là liên tưởng ngay đến hoa phượng, miền Nam xưa kia còn gọi là cây điệp Tây. Hoa phượng đẹp đỏ như xác pháo, chỉ nở vào mùa hè báo hiệu múa thi, nghỉ hè cuối năm học. Còn đối với nữ sinh thật có nhiều công dụng tạo trò chơi. 

                         

Hoa phượng

 Tai hoa dáng dấp chiếc thuyền con dược vò nhẹ thành bong bóng nhỏ, rình bạn nào không để ý đập bóng lên trán, nổ tét gây tiếng vang. Bạn giật mình, hết hồn la hoảng, thủ phạm thích thú cười rũ rượi. Rồi một màn rượt nhau, la chí chóe đùa nhau đập bóng phượng « trả thù » vui nhộn hả hê !

                                    

 


Cánh hoa ăn dòn dòn chua chua ngòn ngọt, khá mỏng manh trùm lên một bàn tay khoanh tròn hổng trên kín dưới như chiếc trống chầu nhằm kề tai bạn, tay kia đập nổ bốp. Cánh hoa vỡ tung như xác pháo vu qui. Không nổ bể là pháo lép, ắt là bị « chọc quê » trở lại.

                                         

 

Nhụy hoa hình nốt nhạc, cọng đỏ nhụy vàng. Trò chơi « đá gà »  phổ biến nhất vào mùa hoa phượng nở rộ, dùng hai nhụy hoa tượng trưng hai con gà, khều móc nhau, bên nào đứt đầu thua cuộc. Thấy thế mà không dễ đâu, đối thủ phải biết chọn cách ngồi thích hợp, ngồi bệt hay hồm chỗm, ước lượng tình trạng gà địch, lập thế lừa giật, chọn nhụy hoa tươi như cựa bén của gà nòi. Rồi như trong mọi chiến cuộc, xáp lá cà, mất mát không thể tránh, thắng bại định ngôi phân thứ nhất thời thôi. Trong phút giây nháy mắt, mọi bất ngờ xảy ra thật bất lường đoán trước phòng ngừa !

 

Đá gà
Đặc biệt nhất là trò chơi đánh u, chia hai phe, đường ngăn đôi chiến tuyến gọi là lụn. Có hai cách chơi, một là u thường, xử dụng làn hơi, hai là u ấp, im lặng, thở đều. Tại sao gọi là « u » ? Có thể nhại tiếng kêu ù ù của máy bay chăng ? Bạn cứ hình dung hai loại phi cơ, một thứ săn giặc, thứ khác thám thính, bây giờ phi cơ không người lái đãy. Một tên phe nầy sang đất địch, vừa dùng hơi thở hô « u » không được ngưng vừa tấn công, chạm được đối thủ nào, tên ấy bị bắt làm tù binh. Nếu thấy hụt hơi phải tháo lui ngay, như phi cơ trục trặc hay địch phản công quá mạnh, quay về đất mình. Chẳng may bị địch bắt mà không vùng vẫy chạy thoát qua khõi ranh giới lụn là trở thành tù binh địch vậy. Cán lụn là được thắng.Với u ấp, chỉ rồ máy tức là hô « ấp », rồi lặng lẽ sang đất địch. Nguyên tắc chơi giống nhau.Củng có thể cứu tù binh bị bắt cầm tù bên đối phương bằng cách tìm cách chạm vào người đồng đội. Trò chơi đánh u nầy đòi hỏi nhiều sức, tính toán nhanh nhẹn và dài hơi.
Tóm lại, đây là vài trò chơi mà nữ sinh ngày xưa thường bày ra chơi nhất. Không thuộc môn học thể thao bắt buộc mà đúng là phương cách dọ dẫm, hướng dẫn, phát huy khả năng tiềm lực cá tính có khuynh hướng giáo dục theo truyền thống nước nhà. Đó cũng là lối giải tỏa, xả hơi thỏa mãn tính hiếu động của tuổi trẻ, xả « xu báp » (soupape) sau giờ học căng thẳng bất ly cục kịch, ít nhúc nhích, kỷ luật khắt khe của nền giáo dục Việt nam nhất là thời Pháp thuộc.

 Nhưng rồi, sĩ số càng gia tăng, giờ học tùy hoàn cảnh đất nước bị rút ngắn, trường sở không còn sân chơi thích hợp, trò chơi biến dạng dần dần.

Tất nhiên môn chơi nào vẫn cần phải thích nghi với hoàn cảnh hiện tại của xã hội, chuyển tiếp, hội nhập vào trào lưu tiến hóa văn minh. Và trò chơi ngày xưa dù « vang bóng một thời » vẫn là kích thích tố khai nguyên, phát huy mầm hoạt động, năng lực tiềm tàng, khơi nguồn tài năng, phản ảnh khía cạnh bản tính tâm tư của từng thế hệ, kỷ niệm gây mơ xây mộng đẹp nhất của tuổi học trò vô tư trong trắng hồn nhiên.                                                                                                                    

Cô Trần Thành Mỹ

 



Không có nhận xét nào: