a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

hiếc đĩa cổ trong phiên chợ Tết





Tôi có thú vui duy nhất là chơi đồ cổ. Không thể diễn tả cái niềm đam mê cuồng nhiệt ấy trong một vài trang giấy. Hệt như người ta mê cải lương, mê bóng đá, mê các ngôi sao, mê sách vở… Nói tóm lại, đứng trước món đồ cổ nào càng xưa càng cũ là lòng tôi mềm nhũn xuống, tim đập liên hồi, mắt chớp liên tục, tay chân như cuống lên và điều cuối cùng là phải tìm cách mua cho bằng được món đồ ấy! 
Nghề bán đồ cổ đã cho tôi nhiều lần trúng đậm, dạy cho tôi nhiều bài học, lời lãi khá lớn nhưng cũng cho tôi nhiều vố xất bất xang bang, mua lầm đồ giả cổ, thiếu điều bán nhà trả nợ. Nhưng cái máu mê đồ cổ thì không gì dứt ra được. Hễ có ai giới thiệu món đồ nào thì dù ở đâu, khó nhọc cách mấy tôi cũng cất công tìm đến…

Như trưa nay trong phiên chợ Tết, khi tôi đang ngồi ngáp vặt vì hàng đang ế ẩm thì một ông già gầy gò, mặt xương xẩu, tóc lơ thơ búi thành chùm bạc trắng đâu như người miệt vườn đến gặp. Chẳng dông dài, úp mở, ông bảo nhà có món đồ cổ, là chiếc đĩa thời Khang Hy bên Tàu do ba ông để lại và mời tôi đến coi, định giá, phải thì bán không thôi. Đang rảnh việc và máu mê đồ cổ nổi lên, tôi đóng cửa tiệm, đèo ông già về tận Vĩnh Châu, một xã nghèo giáp biên giới, cách chỗ tôi hàng chục cây số. Trên xe, tôi có ý dọ hỏi về món đồ nhưng ông già kín như bưng, không hé răng nửa lời, chỉ nói chuyện khi tôi tận mắt thấy và định giá. Tôi biết là đã gặp dân rành chơi đồ cổ.Vì dân sành sỏi trong nghề mới nói chuyện tiền nong chỉ khi nào món đồ được đưa ra trước mặt.

Đó là một căn nhà rách nát, trống hoác từ ngoài vào trong. Không thấy đồ đạc gì ngoài chiếc chỏng tre tơi tả và một thằng bé dơ bẩn nằm bất động trên đó. Chắc là nó bệnh nên thỉnh thoảng cất tiếng rên nho nhỏ. Tôi hình dung trên đoạn đường đi là sẽ gặp một ngôi nhà to lớn, sang trọng cầu kỳ vì đồ cổ giá trị thường chỉ ở những ngôi nhà nầy. Cho nên, khi chưa vào nhà, tôi đã thất vọng định lui xe vì nếu có coi cũng thêm rách việc. Hoặc đó chỉ là đồ giả cổ hoặc là đồ ba mớ, chẳng giá trị gì mà người bán còn gân cổ cãi chày cãi cối cứ cho đồ mình là thật!

Nhưng rồi tôi cũng bấm bụng bước qua cái ngạch cửa bằng liếp tre nhớp nhúa đầy sình đất để vào nhà. Từng đàn muỗi vo ve dưới chân tôi và cả ngôi nhà như bốc lên mùi khó chịu. Tôi cố nín nhưng cuối cùng chịu không nổi đành bỏ ra ngoài. Đập vào mắt tôi là hình hài một thằng bé chỉ còn da bọc lấy xương, nước mắt nước mũi ròng ròng cố giương cặp mắt đờ đẫn lên nhìn khách lạ. Tôi biết mùi khó chịu kia là do chỗ thằng bé phát ra. Chắc nó đã nằm liệt giường từ lâu, không ai chăm sóc, rửa ráy nên mới thế. Thật tội nghiệp! Nó mới chỉ đâu chừng mười lăm, mười sáu tuổi, gương mặt lại không đến nỗi nào… Nhưng thôi! Chuyện thiên hạ, dính vô làm gì. Tôi tự bảo vậy và ngồi ngoài hịên chờ ông già mang chiếc đĩa cổ ra.

Chỉ một lát, ông già xuất hiện với tấm vải choàng rách bươm bọc chiếc đĩa trên tay. Lật hết lớp nầy đến lớp khác, chắc là chiếc đĩa được cất kỹ lắm, nên khi lớp vải cuối cùng được giở ra thì trước mắt tôi là một ánh bạc trong suốt và làn vân rồng phụng màu xanh lục nổi lên sáng trưng đập vào mắt. 



Là người trong nghề, tôi lạ gì những chiếc đĩa cổ. Đúng là đồ thật, không thể khác được, không cần coi tôi cũng biết chính xác nó được làm từ thời Khang Hy! Anh sắc sáng trưng, nét vân lộng lẫy và nước men như ngọc phách tinh tuyền. Chính là nó, vật tôi đang tìm cho một người khách nước ngoài. Ông ta dặn đi dặn lại nếu tìm được chiếc đĩa, ông sẽ mua với bất cứ giá nào! Tôi sung sướng cố kìm tiếng kêu mừng rỡ chỉ chực phát ra. Dịp may đã đến trong dịp tết nầy.

Nhưng tội gì không ép giá khi mà người bán lại là một ông già lẩm cẩm. Làm bộ lơ đãng săm soi, tôi cố nhìn và đánh giá người đối diện để xuất chiêu hơn là nhìn chiếc đĩa. Ông già coi bộ khù khờ nhưng không phải không biết gì. Máu con buôn của tôi nổi lên! Cứ theo lối dậm dừ, ngấm ngứ nghĩa là làm như thư thả, chẳng gì phải gấp gáp, vồ vập để người ta nghĩ mình không cần mua. Vừa lấy kiếng lúp soi các chữ tàu màu xanh tuyệt đẹp trên miệng đĩa, tôi hỏi thăm đủ chuyện trên đời cốt làm cho ông già mất phương hướng, không chủ ý tập trung. Kinh nghiệm mua bán mấy chục năm trời mách cho tôi biết hãy cứ làm cho người bán tin rằng mình không có ý dìm giá, thật lòng muốn mua rồi hẳn tính sau. Hơn nữa, nếu mà không mua được giá cao, thì thế nào người bán cũng nhờ mình đi tìm chỗ khác kiếm hoa hồng. Đằng nào cũng lợi!

Trong khi tôi ngôi tính kế cao thấp tìm cách mua chiếc dĩa với giá nào rẻ nhất thì thằng bé trong nhà khẽ rên lên. Nó uốn cong người có vẻ đau đớn lắm. Đôi tay khẳng khiu hình như muốn đưa lên cao nhưng không được vì đã quá yếu sức. Cặp mắt nó trợn ngược, mất hết vẻ tinh anh, chỉ toàn tròng trắng. Tôi biết đã đến lúc cần tranh thủ lúc ông già luống cuống, khổ sở để định giá. Không ai có thể minh mẫn khi đối diện với những cơn bối rối sốt ruột dù rành giá cách mấy. Trăm lần như một tôi mua được giá hời nhờ những lúc khó khăn bất ngờ như thế của người bán.

Ông già trở ra sau khi cho thằng bé uống một loại nước gì như rễ cây ép xanh lè mà tôi cứ ngợ ngợ giống màu chiếc đĩa. Ngật ngưỡng một hồi, nó mới chịu nằm yên. Tôi quay mặt đi nơi khác vì khó chịu quá, mùi nằng nặng từ người nó bốc lên không chịu nổi. Nếu không vì cái đĩa quý nầy cầm chân thì chắc hẳn có cho tiền tôi cũng không dám tới nơi đây.

Tôi đã tính đánh giá trước và định ra số tiền tôi muốn mua chiếc đĩa nhưng cứ phân vân, ngập ngừng. Phần tôi sợ ông già biết tôi bắt chẹt giá, phần khác tôi lo ông đã hỏi giá ai trước nên thôi, cứ để ông già lên tiếng. Chẳng mất đâu mà lo! Đằng nào chiếc dĩa nầy cũng là của tôi!
Săm soi chiếc đĩa một hồi, ông già mới nói, giọng tiếc nuối:

- Đây là vật cuối cùng có giá của dòng họ nhà tôi! Ba tôi trước kia giàu có lắm nhưng sau đó khánh kiệt vì mê chơi đồ cổ và hút thuốc phiện. Trước khi mất, ông chẳng để lại gì ngoài chiếc đĩa nầy dặn là đồ gia bảo, khi nào cấp thiết lắm mới bán. Đến khi tôi lấy vợ, có con rồi có cháu, chiếc đĩa vẫn ở đây, mặc dù nhiều lúc nhà không còn hột gạo. Thằng bé nằm trên giường mà cậu thấy là thằng cháu nội duy nhất còn ở với tôi. Ba mẹ nó đã mất trong một tai nạn xe cộ. Đến lúc ngặt nghèo nhất, tôi cũng cố giữ chiếc đĩa nầy… Nhưng bây giờ, nó bệnh nặng quá…

Tôi biết đã đến lúc thần tài lên tiếng với mình. Con người ai cũng có số! Cái đĩa quý nầy là của tôi, dù nó đã được định bán cách đây khá lâu. Tôi nhẩm tính trong đầu món lời khổng lồ nếu tôi mua được nó. Và thể hiện ngay điều đó bằng lời nói nhỏ nhẹ pha chút an ủi cảm thông:

- Tội nghiệp cho cháu! Thôi gì cũng không bằng mạng người, huống chi đây là cháu nội duy nhất của ông, lại mồ côi mồ cút! Tôi nghĩ, cứu cháu đi rồi hẳn hay! Biết đâu mai nầy cháu khoẻ mạnh lại chẳng làm ra tiền nuôi ông và sắm lại được những thứ còn quý giá hơn…

Có người cảm thông, chia xẻ với nỗi bất hạnh của mình, gương mặt ông già như bừng sáng hẳn lên. Ông nhìn tôi một hồi ,không nói tôi cũng hiểu là ông cần bán chiếc dĩa với giá cao nhất có thể. Và không đợi lâu như dự đoán của tôi, ông lên tiếng:

- Thú thật với cậu, tôi không rành giá trị của cái đĩa nên mời cậu về đây coi thử, được giá tôi mới bán. Nếu như không có thằng cháu bệnh nặng thế nầy, ai kêu giá bao nhiêu tôi cũng từ chối… Bây giờ cậu tính sao ?

Thật tình, đến lúc nầy, tôi mới thấy ngại. Chút lương tâm còn sót lại của tôi lên tiếng là tôi nên mua cho ông một giá cao, đúng với trị giá thật sự của chiếc đĩa để cụ lấy tiền trị bệnh cho thằng cháu. Nhưng cái máu con buôn lạnh lùng thì không bảo tôi như vậy… Đứng trước một món hời thế nầy mà không tìm cách kiếm lời nhiều thì hoạ có mà điên. Hơn nữa, tôi cũng cần tiền cho gia đình tôi… Tôi cũng có đứa con trạc tuổi thằng bé nầy. Nó đang đòi tôi mua cho nó bằng được chiếc xe gắn máy trong những ngày tết sắp tới…

Tôi lưỡng lự mãi nhưng cuối cùng cái máu nghề đã thắng. Là dân mua bán, khó ai dại dột không ép giá trong trường hợp nầy. Hơn nữa, như ông già nói, ông không rành về giá của chiếc đĩa cổ. Tôi lấy kiếng soi kỹ một lần nữa. Không một vết trầy sướt, không một lỗi sơ xuất dù nhỏ trong cái bảo vật thời Khang Hy kia… Khá cho đôi tay, con mắt tinh đời của người thợ xưa và cả người chơi đồ cổ! Một vết trầy hay một lỗi rất nhỏ thôi trên chiếc dĩa quý sẽ làm giảm giá trị rất nhiều. Nhưng phải nói với ông cụ bằng lời khác, bằng kiểu khác, kiểu của những con buôn ép giá. Phải tìm cách nào đó, sơ xuất nào đó để chê bai và nếu có thể, làm bộ dứt khoát không mua chiếc đĩa dù đã một vốn bốn lời.

- Thế nầy! - Sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với ông già. - Như ông biết đây là chiếc đĩa quý và chẳng đăng đừng mới bán nó. Tôi sẽ mua nó nhưng sau khi xem kỹ, tôi thấy…

Ông già tỏ vẻ thất vọng, mặt buồn xo:

- Vậy là cậu… cậu… không mua. Thú thật với cậu, tôi đang cần tiền chữa chạy cho thằng cháu… Rất cần…

Con mồi đã vào bẫy! Chỉ chờ thế, tôi làm bộ suy nghĩ hồi lâu và đánh sập:

- Thấy hoàn cảnh ông cũng tội nghiệp, chiếc dĩa nầy tuy là thật đời Khang Hy nhưng có nhiều chỗ phồng dộp, lại vì để lâu ngày không biết cách lau chùi nên có mấy chỗ hoen màu. Ông coi không thấy đâu, chỉ dùng kính lúp như tôi mới nhận ra. Cảm thông với sự khó khăn của ông, tôi mua nhưng với giá không lời. Chỉ là mua giúp ông trong lúc ngặt nghèo. Không biết rồi tôi có bán lại cho ai được không?

Tôi đọc thấy trong mắt ông già sự biết ơn chân thành và nỗi vui mừng ra mặt. Lương tâm tôi chợt trỗi dậy, nặng nề và bức xúc. Thằng bé bệnh nặng nằm trên giường, con tôi, thuốc chữa bệnh, chiếc xe gắn máy… Những hình ảnh lướt qua lần lượt trong đầu làm tôi suy tính. Cả những đồng tiền nhảy múa trước mắt tôi… Chiếc đĩa nầy giá không dưới mười triệu…

Tôi nói như không phải là mình, tiếng lạc cả đi:

- Bốn triệu… Đó là giá mà tôi làm ơn mua cho cụ… Không thể cao hơn được nữa…

Như đặt cả niềm tin vào tôi, ông già ráng kèo nèo thêm ít tiền để chạy chữa cho thằng cháu nhưng tôi nhất định không chịu. Cái kỹ thuật cứng rắn, bắt chẹt và doạ bỏ về, không cần mua hàng của tôi hình như cũng có tác dụng. Cuối cùng ông già đồng ý với cái giá tôi đưa ra. Có lẽ trong đời, chưa bao giờ ông có được một số tiền lớn như thế. Run run cuộn lại tấm vải bó chiếc đĩa, ông nhìn tôi, khẩn khoản:

- Bây giờ chiếc đĩa đã là của cậu! Nhưng trước khi cậu mang đi, cho phép tôi được tạ lỗi với vong linh cha tôi vì đã không giữ được nó như lời trăn trối.

Ông già thành kính đặt chiếc đĩa lên giường, cạnh thằng cháu đang bệnh. Tôi thầm nghe ông khấn câu được câu mất rằng phải bán chiếc đĩa nầy để cứu cháu bé lòng ông cũng ân hận lắm, mong tiền nhân thứ lỗi vì không giữ được như ước nguyện… Rồi ông chậm rãi mở chiếc bọc, nhìn trân trối vào chiếc đĩa xanh lục kia như nói lời vĩnh biệt. Tôi thấy đôi mắt mờ đục của ông ngân ngấn nước. Lòng tôi cũng rối bời. Thật tình, đến nước nầy, tôi cứ mong trong đời tôi không có buổi mua bán nào như thế nữa…



… Câu chuyện có lẽ cũng qua đi như những chuyện mua bán hàng ngày của tôi về các món đồ cổ không có giá nào là chuẩn, chỉ tuỳ thuộc vào sở thích và giá trị lâu đời của nó đối với người mua. Sau chuyện mua được cái đĩa màu xanh lục thời Khang Hy với giá hời, tôi đã sắm cho cậu con trai chiếc xe gắn máy chơi tết. Rồi như phát vận từ chiếc đĩa may mắn nầy, nghề của tôi phất lên như diều gặp gió. Trở nên giàu có trong giới săn lùng đồ cổ, tôi giờ đã thành một người tăm tiếng, tiền bạc rủng rỉnh và nói theo ngôn ngữ của giới mua bán, tôi là một đại gia tầm cỡ…

Sáng nay, tôi đang ngồi uống cà phê trong nhà hàng thì một ông già chống gậy xin ăn tiến vào chỗ mình. Nhìn cái dáng gầy gò, gương mặt xương xương với mái tóc lơ thơ bạc trắng cột thành chùm, tôi đâm ngờ ngợ, hình như đã gặp ở đâu. Lục lại trí nhớ mình, tôi ngớ người ra! Thôi đúng rồi! Đúng là ông già bán chiếc đĩa thời Khang Hy màu xanh lục năm trước. Mới chỉ có một năm mà ông như già sọm đi, chân nhấc từng bước khó nhọc với cây gậy mò mẫm dò đường. Chiếc áo ông mặc đã rách bươm, trơ ra bờ vai nhăn nheo, gầy guộc. Ông lại gần, nghe tôi nhắc rất lâu mới nhớ ra đã có lần đưa tôi về nhà mua chiếc đĩa và run run trả lời khi tôi hỏi thăm thằng cháu với những giọt nước mắt đùng đục chảy ra từ trong hốc mắt sâu hoắm:

- Thằng cháu tôi mất rồi! Thuốc men chỉ cầm cự được vài tháng là hết tiền. Bác sĩ nói nếu có thêm vài triệu nữa đưa vào giải phẫu, may ra nó mới sống được. Nhưng cậu tính tiền đâu nữa. Chiếc đĩa là vật có giá cuối cùng tôi cũng bán mất rồi… Thật tình tôi cũng mang ơn cậu vì hồi đó cậu mua cái dĩa giúp tôi với giá cao, không lời lóm gì…

Tôi nghe mà chết điếng người, ngụm cà phê bỗng đắng ngắt trên môi. Hoá ra, tôi đã chèn giá hết sức nhẫn tâm trong vụ mua chiếc đĩa cổ, tôi lại được người khác mang ơn trong khi tôi chính là thằng lưu manh, độc ác, đáng bị phỉ nhổ. Nếu như người mua hôm ấy không phải là tôi… Nếu như tôi có lòng giúp cho thằng bé đủ tiền chạy chữa, mà cũng không cần có tấm lòng, nếu như tôi mua đúng giá trị mà chiếc đĩa vốn có, nếu như…

Tôi nhìn bóng ông cụ khuất dần ở phía bên kia đường với dáng đi xiêu vẹo mà bất giác rùng mình, sợ hãi cả chính tôi. Treo trên đầu tôi bây giờ là hình ảnh thằng bé nằm thoi thóp với chiếc đĩa thời Khang Hy màu xanh lục bọc trong những tấm vải rách nát ố vàng…


NGUYỄN MINH PHÚC

Tôi Phải Về Cho Mẹ Tôi Ăn…


Câu trả lời của anh bạn lớn tuổi làm tôi chưng hửng vì nhiều lý do. Thứ nhất là muốn tìm vài sợi tóc đen trên đầu anh không dễ. Không lẽ anh còn mẹ? Thứ hai là tôi chỉ nghe bạn bè từ chối rủ đi uống bia với ba lý do thường nhất: Thứ nhất là “vợ tôi nhằn quá ông ơi!” Thứ hai là “sợ cảnh sát quá ông ơi!” Và thứ ba là lý do sức khoẻ, “tôi đang uống thuốc ông ơi!”

Tôi như người lâu quá không được nghe những lời tử tế nên hụt hẫng với lời tử tế khi được nghe. Dĩ nhiên không ai biết trên đời còn bao nhiêu người con hiếu thảo, nhưng tôi thì biết có một người mẹ già đang hạnh phúc.

Trên đường tôi lái về nhà vì anh bạn đã từ chối lời mời ngắn gọn, không khách sáo gì nhiều của tôi: “Già Nguyên. Chiều nay trời đẹp. Ghé Wing Stop làm vài ly bia hơi không?”

Anh trả lời: “Sao hôm nay chú phá lệ thế? Chưa đến cuối tuần mà!”

Tôi đâu dám nói lời khó nghe trong hãng là tôi đã hay tin sáng mai anh vô hãng làm gì nữa cho mất công dậy sớm, vì anh đã có tên trong danh sách hãng cho nghỉ bớt công nhân theo tình hình ít việc nên dư người. Cũng vì thế mà tôi phá lệ, mời anh đi uống cốc bia tạm biệt những ngày vui từ hôm anh vô làm chung với tôi được vài tháng nay.

Nhưng lại đến anh gọi tôi qua điện thoại: “Hay chú ghé nhà tôi đi. Tôi cho mẹ tôi ăn… chay chiều nay. Nhanh thôi! Rồi anh em mình nhậu.”

Tôi trả lời anh: “Nói hay. Làm ơn ghé đâu đó, nhắn tin cho tôi địa chỉ nhà anh. Đừng vừa lái vừa nhắn tin nha anh!”
Tôi đến nhà anh lần đầu. Hoá ra anh không nói chơi mà là chuyện thật, sau khi chị nhà mở cửa cho tôi. Trong mắt tôi là người đàn ông đã làm ông ngoại từ mười năm qua. Nhưng tay anh bưng bát cơm, tay cầm thìa cơm, chạy xình xịch quanh ghế mẹ ngồi là bà cụ ở tuổi chín mươi. Cụ chúm chím cười, liếc mắt theo tàu hoả là thìa cơm không ra cơm mà cháo không ra cháo; Bà cụ đợi tàu hoả tài tình là hễ nó tới miệng thì cụ mở miệng ngay chứ không để nó chạy qua…

Có lẽ, hơn sáu mươi lăm năm trước, cụ là chiếc tàu hoả chở thìa cơm cho cậu con trai một tuổi. Rồi tôi rùng mình khi chợt nghĩ tới, nếu anh tử trận ở Cổ Thành vào mùa hè đỏ lửa 1972 thì bây giờ ai đút cơm cho mẹ anh ăn? Suy ra có bao nhiêu bà mẹ không có con trai đút cơm cho ăn khi về già vì các anh đã tử trận trên nhiều “địa danh tên vẫn chưa quen người dân thị thành” ở Việt Nam. Hôm nay lại tháng Năm đã về với ngày lễ “Chiến sĩ trận vong”, không biết trên thế giới có bao nhiêu bà mẹ tuổi già cô quạnh vì con trai đã chết bởi chiến tranh?

Tôi bị thôi miên bởi người lính cũ tóc đã bạc trắng vẫn phải đi làm. Đau đớn thay khi ngày mai là ngày anh mất việc, mà cũng không được biết trước “Ai là anh em tôi” theo tinh thần Công giáo của người anh sùng đạo. Người ngoại đạo tôi chăng? Những người được nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong có hưởng lương đang làm gì nhỉ? Một vài người ngồi soạn ra cái danh sách những người hãng không còn cần mướn nữa vì hết việc. Sao người lính cũ này lại mất việc vào một ngày tháng Năm, vào mùa lễ nhân loại nhớ ơn người chiến sĩ…! Có quá nhiều câu hỏi trong tôi tới rối trí, rồi thành khiếm nhã vì cứ đứng trân ra đó, thay vì thăm hỏi mọi người.

Chị nhà xin lỗi đang dở tay trong bếp. Anh nhà với tôi thì đã quen nên khỏi khách sáo. Anh nói với tôi: “Bia trong tủ lạnh đó chú em. Làm trước một chai đi. Anh cho mẹ anh ăn xong thì mình nhậu.”

Tôi mới xuống tới cửa bếp để mở tủ lạnh lấy bia thì chị nhà đã trao cho tôi chai bia được chị tiện tay khui sẵn luôn cho tôi. Chị nhà có vẻ ít nói, nên những vết chân chim nơi khoé mắt sâu hơn người hay cười. Nhưng chị trông hiền, mẫu người kín kẽ…

Tôi đứng luôn ở cửa bếp để thăm hỏi chị. Mắt nhìn anh bạn đang làm trò trên phòng khách để dỗ mẹ anh ăn cơm chiều.

Dưới cửa bếp, chị nhà trò chuyện với tôi: “Nghe anh nói về chú, chị cũng mừng. Cảm ơn chú…”

“Nghe anh nói về chị, em cũng mừng. Cảm ơn chị.”

Tôi còn điều nhớ mãi sau xã giao dở tệ của mình khi nghe chị nói, “…đúng ra là việc của chị. Nhưng thậm chí từ hồi bà ngoại tụi nhỏ nhà chị nằm một chỗ, cũng một tay anh lo chứ chị làm được gì đâu. Nay tới bà nội, anh ấy cực quá mà chị cũng không giúp được gì…”

Tôi nói: “Hình như em thấy bà kém trí nhớ nhiều rồi, phải không chị?”

“Sao chú biết? Anh kể à?”

“Dạ không. Chỉ là ban nãy, em thưa bác lúc em đến. Bác nhìn em lạ lắm! Em không biết diễn tả. Xin lỗi chị.”
Phía nhà trên. Tàu hoả đã biến thành máy bay đầm già. “Còn vài thìa nữa thôi mẹ ạ! Bây giờ mình chơi máy bay đầm già cho mau hết nhá? Mẹ nuốt hết đi. Con bay nhanh lắm đó!”

Máy bay ông già tóc bạc chứ đầm già gì, ông bay từng thìa cơm cho mẹ đến vã mồ hôi trán.

Tôi không thể nào báo tin cho anh hay là ngày mai anh khỏi cần dậy sớm để vô hãng vì tôi đã được xem qua danh sách. Thôi thì chuyện của ngày mai. Nói chi sớm với người đã sáu mươi sáu tuổi. Chuyện gì tới cứ để Chúa, Phật độ trì cho anh…

Cảm ơn anh về chuyện kể của người lính cũ trong mùa Chiến sĩ trận vong không có mùi thuốc súng, trong mùa lễ mẹ không phải vất vả “đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” vì mẹ già đễnh đãng chỉ cần thìa cơm không chan nước mắt, chỉ cần vừa ăn vừa cười đã là hạnh phúc tuổi già.

Anh nói với tôi: “…Em bước vô phòng bố mẹ anh mà xem. Anh kê hai cái giường đơn vì hai người già không thể ngủ chung một cái giường. Bởi người này ngủ thì người kia lại thức, phá giấc của nhau. Nhưng bố anh chăm sóc cho mẹ anh kỹ lắm từ ngày mẹ anh mất trí nhớ hoàn toàn. Chỉ ông trời oái oăm là cho bố anh đang mạnh khoẻ, tỉnh táo, nhưng cảm cúm một trận rồi đi luôn trong vài ngày. Từ đó, mỗi sáng khi anh vào phòng để lo cho mẹ anh trước khi anh đi làm, Mẹ anh hay hỏi, có thấy ông nhà tôi đâu không? Anh cứ nhớ bố anh hay trả lời khôi hài để mẹ anh cười, Ông nhà bà đi mua hoa về tặng cho ngày sinh nhật của bà rồi! Bà phải đẹp cho ông nhà vui đấy! Bà phải nghe tôi: đánh răng, tắm rửa, thay quần áo, cho thật đẹp vào… Những lúc ấy anh nghĩ mà ân hận với bố của anh lắm! Thường cha với con trai đâu có gần nhau trong đời sống gia đình, rồi con trai lớn lên thì cha lại già đi nhiều hơn lo nuôi cơm là lo lắng vì thời anh lớn lên là đi lính. Sự cách biệt tuổi tác, khoảng cách thế hệ nên suy nghĩ, lối sống, quan điểm, sở thích… càng xa đến như không có liên hệ gì với nhau! Nhưng thực sự là tình sâu nghĩa nặng, chỉ đàn ông không nói ra được tình cảm của mình với người cùng phái thôi!

Anh đi tù mất mấy năm về, hai món kỷ niệm anh làm được trong tù là cái tẩu cho bố anh, vì anh biết bố anh thích hút thuốc tẩu hơn thuốc lá; Vật thứ hai anh làm được trong tù là cọng dây điện thoại anh nhặt được thì ngồi uốn nắn thành tên của vợ anh. Những năm ấy mẹ anh, vợ anh đi thăm nuôi anh, nhưng từ tiền đò xe, tới chút đường thẻ, chút mắm ruốc xào sả ớt cũng một tay bố anh tiện tặn cho con lúc nó ngặt nghèo. Thế mà anh chưa bao giờ nói với bố anh được một tiếng cảm ơn, nói một lần cũng đủ là con thương bố lắm! Nhiều khi anh như thoáng thấy bố anh vẫn ra vô căn phòng này để chăm sóc cho mẹ anh. Anh muốn chận đường ông cụ chỉ để nói một lời, con cảm ơn bố! Nhưng đó chỉ là những lúc áp huyết anh lên cao quá nên hoa mắt thôi, ngồi nghỉ một lát sẽ rõ ràng lại. Chỉ ân hận trong lòng mình râm ran mãi...

Có những hôm mẹ anh thức dậy, nói một mình: đi đâu nữa rồi…? Mắt mẹ anh nhìn đăm đăm vào cái giường trống của bố anh. Nhưng chỉ một lát, một chút, một khoảnh khắc thời gian cũng có thể đúng. Vì sau đó là tình trạng mất trí nhớ trở lại ngay. Cụ không xuất thần nữa! Nhưng thoáng buồn đọng lại một chút trên gương mặt mất trí nhớ rồi mới tan hết…”

“Thế anh có cho bác sĩ hay không?” Tôi hỏi.

Anh trả lời tôi: “Theo bác sĩ, có thể sau giấc ngủ thì cụ tỉnh được một chút. Một chút thôi, không đủ để nhớ ra được một việc, một chuyện. Chỉ là một thoáng nhớ, mơ hồ…”

“Nhưng có hy vọng phục hồi lại trí nhớ cho cụ không?”

“Không. Người nhà còn không tin, nói gì tới bác sĩ. Anh chị thử mẹ anh nhiều lần lắm rồi! Cứ đem những vật mẹ anh yêu thích suốt cả đời ra để gợi nhớ. Nhưng cụ không nhớ hoàn toàn. Đem cho mẹ anh những món ăn mẹ anh thích nhất. Cụ cũng dửng dưng như không màng tới, thậm chí không thèm nhìn… Bây giờ cụ ăn như bản năng sống, vậy thôi. Anh nghĩ là cụ cũng không thưởng thức được hương vị gì nữa nên cụ lười ăn lắm!”
Anh em tôi ra bàn ăn ngoài sân sau nhà, ngồi bù khú với nhau rôm rả chuyện đời xưa ở quê nhà; từ thuở miền nam còn bình yên tới thời khói lửa mịt mù.

Chúng tôi im lặng khá lâu sau đó. Có lẽ mỗi người suy nghĩ riêng. Rồi chị nhà bưng ra cho đĩa trái cây và dọn đi những món mặn.

Tôi kể cho anh nghe…

“Hồi lâu rồi. Em bị mất việc trong hãng nên đi giao pizza trong thời gian chờ việc mới gọi mình đi làm. Em còn nhớ cái nhà già ở góc đường Coil. Rd với đường 15. Rd trên thành phố Plano. Em đem pizza cho mấy cô y tá ăn trưa. Nhưng em chứng kiến một ông cụ Mỹ trắng cự nự mấy cô y tá không cho ông đẩy xe lăn của một bà cụ Mỹ trắng. Em nghe ông dõng dạc nói: Vợ tôi không còn nhớ tôi. Nhưng tôi còn nhớ bà ấy là vợ tôi. Không ai đẩy xe cho vợ tôi an toàn hơn tôi đâu! Sao các người không cho phép tôi?

Ông cụ nói rồi khóc. Khóc bất lực với luật lệ khi phải trao tay cái xe lăn cho anh chàng hộ pháp người Mỹ đen to lớn. Làm em tò mò! Em hỏi cô y tá quen, Nếu họ là vợ chồng, thì làm khó họ chi?

Cô y tá trả lời cho em: Bạn không biết! Tuy họ là vợ chồng. Nhưng khi đã vào đây thì ông được chăm sóc riêng bên khu nam, bà được chăm sóc riêng bên khu nữ. Họ chỉ được trò chuyện, gặp nhau trong giờ xem tivi chung ngoài đại sảnh. Ai không khoẻ thì xem tivi nhỏ trong phòng riêng. Họ chỉ được gặp nhau trong giờ phơi nắng ngoài trời. Nhưng để cụ ông đẩy xe cho cụ bà, nhỡ xảy ra tai nạn thì trách nhiệm lại thuộc về chúng tôi vì chúng tôi chịu trách nhiệm đẩy xe lăn cho cụ bà chứ không phải cụ ông…

Từ đó, mỗi lần tới nhà già, em ưa để ý cụ ông. Em có cảm tưởng ông ấy luôn để mắt tới vợ ông khi có thể vào những lúc được gặp nhau. Vì em bắt gặp ông rất ranh mãnh, ông đi đến chỗ vợ ông thì bị cô y tá nhắc nhở ông đừng có đẩy xe của bà. Ông cãi là ông đi bỏ rác mà. Nhưng ông cụ cũng lượn ngang xe lăn của bà vợ, đẩy đẩy vài cái cho đỡ ghiền hay sao đó! Rồi cười trừ với cô y tá khi cô ấy đến tháo tay ông ra khỏi xe lăn của bà…”

“Ừ. Phải như hồi trẻ thương vợ được một phần thôi thì mấy bà cũng đỡ. Bố anh chăm sóc cho mẹ anh cả chục năm chứ ít đâu. Lúc mẹ anh tuy mất trí nhớ nhưng còn khoẻ, bố anh lấy sợi dây xích chó xích tay ông một đầu dây, tay bà một đầu dây, rồi dắt bà đi bộ thể dục. Ai thấy cũng phải cười. Có những chiều anh đi làm về tới xóm nhà mình, nhìn bố mẹ anh xích tay nhau bằng sợi dây xích chó, anh cũng bật cười, nhưng mắt cay sè…

Khi mẹ anh yếu nhiều vì không ăn ngủ được. Bố anh gõ mõ tụng kinh cả đêm. Con cháu gì chạy hết, có đứa nào ở nhà nữa đâu. Chúng nó làm sao mà ngủ thì làm sao đi làm! Nhưng bố anh tin là nghe kinh thì mẹ anh ngủ được. Chuyện thật ra là ông ngủ gục chứ bà có ngủ đâu! Nhưng ông cứ tin là bà ngủ. Đó là đoạn bố anh hết sức. Ông mất sau khi đuối sức không lâu. Nhắc lại chuyện thấy thương bố anh quá!”

Tiếng chị nhà gọi anh vô giúp mẹ. Tôi sẵn cáo từ ra về vì trời đã nhá nhem tối. Nghĩ đến từ mai anh được ở nhà suốt ngày để chăm sóc mẹ, cũng đỡ vất vả cho anh. Nhưng eo hẹp tài chánh cũng khó lắm vì anh chị với mẹ sống chung nhà thì chỉ mình anh đi làm. Sáu mươi sáu tuổi còn đi làm đã đủ biết chính phủ và con cháu không giúp đủ cho những người già cần giúp đỡ. Chỉ còn Ơn trên giúp được họ, nhưng họ mới chỉ là một hoàn cảnh, còn bao hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Trong khi Ơn trên chỉ có một thượng đế, lại ở xa…

Phan