Giai thoại:
Văn phòng Giám đốc Đại Học
Harvard, một ngày cuối thế kỷ 19. Một cặp vợ chồng rụt rè xin gặp ông giám đốc.
Cô thư ký nhìn vẻ quê mùa của hai
người khách, chiếc quần sờn gấu của ông và bộ quần áo bình dân của bà, trả lời:
ông Giám đốc rất bận, chỉ tiếp khách có hẹn. Đúng ra, ông chỉ quen tiếp những
trí thức danh tiếng, những người gia thế, có vai vế trong xã hội.
Hai người khách nhất định xin được
ở lại chờ, vì có chuyện muốn nói. Xế chiều, ông Giám đốc Harvard mới hết khách,
xách cặp ra về. Cặp vợ chồng xin được thưa chuyện vài phút.
Ông bà cho hay người con trai duy
nhất của họ, sinh viên năm đầu của trường, vừa chết vì bệnh thương hàn, và muốn
dựng một cái gì để tưởng nhớ đứa con.
Ông Giám đốc thông cảm cái đau buồn
của khách, nhưng trả lời: Ông bà thử tưởng tượng, nếu mỗi gia đình có tang xây
một mộ bia, bồn cỏ nhà trường sẽ thành một nghĩa trang.
Ông khách nói: Chúng tôi không muốn
xây mộ bia. Chúng tôi muốn nhân danh con, xây tặng một giảng đường, hay một nhà
nội trú.
Ông Giám đốc nhìn bộ quần áo bình
dân, vẻ quê mùa của khách, mỉm cười: Ông có biết xây một giảng đường tốn hàng
trăm ngàn đô la?
Bà khách nhìn chồng, nhỏ nhẹ: Nếu
chỉ có vậy, tại sao mình không dựng luôn một trường đại học?
Hai ông bà ra về. Ít lâu sau, trường
Đại Học Stanford ra đời và trở thành một trong ba đại học uy tín nhất thế giới.
Ông Giám đốc Harvard không biết mình vừa tiếp hai vợ chồng tỉ phú Stanford, vua
xe lửa, sau này trở thành Thống đốc California.
Trả lại cho xã hội
Giai thoại trên đây về Leland và
Jane Stanford được kể đi kể lại, nói lên nhân sinh quan đặc biệt của người Tây
Phương, nhất là ở những xứ ảnh hưởng văn hóa Tin Lành, với phương châm được dạy
dỗ và thấm nhuần từ nhỏ: Trả lại cho xã hội những gì đã nhận được của xã hội.
Internet