a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Vẻ đẹp cao sang là bắt nguồn từ tâm hồn thuần khiết, an nhiên, tự tại



Trong Kinh Thi có hai câu thơ rằng: “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”, ý tứ là, người con gái phải đoan trang, thuỳ mị, dịu dàng, nết na, thì mới là ý trung nhân sánh đôi cùng quân tử. Quả thật, yểu điệu thục nữ đã trở thành một chuẩn mực về cái đẹp của người phụ nữ phương Đông…
Tiếp theo Phần 1Phần 2Phần 3.
Là phụ nữ, ai mà không muốn mình đẹp? Tôi cũng vậy, vì để giữ vóc dáng luôn mảnh mai, tôi từng đặt cho mình rất nhiều quy định khắt khe về ăn uống, ví dụ như kiêng đồ ngọt, không uống đồ lạnh, thậm chí là nhịn ăn hoặc chỉ ăn rất ít, mặc kệ cái bụng lúc nào cũng đói meo…
Cũng bởi cái quan niệm rằng “gầy mới là đẹp”, “gầy mới là xinh”, tôi đã tìm hiểu về những bậc nữ nhân tuyệt sắc có thân hình mảnh mai trong lịch sử. Và quả đúng vậy, trong quá khứ có rất nhiều bậc tuyệt thế giai nhân có dáng vẻ thanh thoát yêu kiều. Nhưng điều bất ngờ là, vóc dáng có thon thả đến mấy cũng không phải là yếu tố khiến họ đẹp bất hủ với thời gian.
Trong “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Hoa, Dương Quý Phi là người có vẻ sắc nước hương trời, người được coi là đẹp đến nỗi hoa cũng phải thu mình vì hổ thẹn. Từ khi xuất hiện, một mình nàng đã chiếm trọn ân sủng của vua Đường Huyền Tông, khiến hơn ba nghìn giai nhân trong hậu cung phải ngậm ngùi đơn côi bóng chiếc.
Tranh vẽ tứ đại mỹ nhân Trung Quốc: Ảnh dẫn theo chinanaminhavida.com
Dương Quý Phi đẹp là vậy, nhưng vẫn luôn đố kỵ với một phi tần khác đã bị thất sủng, đó là Mai phi. Vì sao lại như vậy? Có phải vì Mai Phi thanh thoát mảnh mai, mong manh tựa đóa hoa mai giữa trời đông giá? Câu trả lời là không phải vậy.
Mai phi sở hữu thân hình mảnh khảnh, uyển chuyển tựa chim hồng nhạn, điều ấy đúng. Nhưng đó không phải là tất cả vẻ đẹp của nàng.
Mai phi tên thật là Giang Thái Tần, vì yêu thích hoa mai nên mới được Đường Huyền Tông đặt tên là Mai phi. Nàng là một nữ nhân thanh cao quý phái, nổi tiếng là bậc tài nữ thông thạo văn thơ, giỏi cầm kỳ thi họa, lại được thiên phú cho tài ca múa, những điệu nhảy uyển chuyển mà thanh thoát của nàng từng khiến Đường Huyền Tông mê mẩn.
Bởi có tâm hồn thi sĩ lại đức hạnh vẹn toàn như vậy, nên khi nàng ngắm hoa mai, cả thân hình toát lên vẻ thanh tú mỹ lệ lạ thường. Người cũng như hoa, hoa như người, cao quý thanh tao, không giống như cảnh son phấn thông thường ở chốn hậu cung. Khi Dương Quý Phi đắc sủng, Mai phi không hề tranh giành như các phi tần khác, mà chỉ lặng lẽ bước tiếp con đường của mình.
Tranh vẽ Dương Quý Phi. (Ảnh dẫn theo chuansong.me)
Bởi vậy, trong lần đầu tiên hai phi tần gặp nhau, Dương Quý Phi dù chỉ nhìn thấy Mai phi từ xa, nhưng cũng không khỏi giật mình sửng sốt: Mỹ nữ trong cung thật là nhiều, thế mà người đẹp hết thời này lại có phong vận thanh tao như vậy. Lại nghe, nàng là mỹ nhân rất có học vấn, so với Dương Quý Phi thì Mai phi còn cao quý hơn cả ngàn vạn lần.
Vì sao Dương Quý Phi đứng đầu trong các nữ nhân được sủng ái, vẻ đẹp cũng được coi là quốc sắc thiên hương, mà lại ôm giữ lòng đố kỵ với người đẹp đã hết thời như Mai phi? Chỉ có thể nói rằng nàng ganh tỵ với phong thái thuần khiết thanh nhã của Mai phi, đố kỵ với tài hoa hơn người của Mai phi.
Nhắc đến Mai phi là nhắc đến vẻ đẹp của nội tâm chứ không phải vẻ đẹp của hình thể, một vẻ đẹp toát lên từ trái tim thuần khiết và thanh cao.
Mai phi ngắm hoa mai, vẻ phong vận thanh tao của nàng khiến Dương Quý Phi cũng phải đố kỵ. (Ảnh dẫn theo zhongguofeng.com)
Và nếu nhìn lại những mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử, thì tiêu chuẩn về cái đẹp không hề dừng lại ở ngoại hình như quan niệm của con người ngày nay. Trong những mỹ nhân nức tiếng một thời ấy, có người yêu kiều đến nỗi nhăn mặt cũng xinh như nàng Tây Thi, lại có người phải dùng cả giang san để đổi lấy một nụ cười như nàng Bao Tự.
Có người nhẹ nhàng uyển chuyển như nàng Triệu Phi Yến, lại có người đẫy đà tròn trịa như nàng Dương Quý phi. Có người thông minh trí tuệ như nàng Vương Chiêu Quân, cũng có người tài năng thơ phú như nàng Trác Văn Quân, lại có người sắt son chung thủy như nàng Lục Châu nhà Tây Tấn…
Và nếu so sánh quá khứ với hiện đại, thì quả thực quan niệm về cái đẹp đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Nếu như người xưa nhấn mạnh vào vẻ đẹp phúc hậu, tròn đầy: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, thì ngày nay lại coi trọng dáng vẻ khẳng khiu gầy guộc. Nếu như người xưa tôn vinh nét trang nhã dịu dàng: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”, thì ngày nay lại chuộng sự mạnh mẽ, cá tính, và “phong trần”. Nếu như tiêu chuẩn của người phụ nữ thời xưa là tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh, thì ngày nay nhấn mạnh hơn đến vẻ bề ngoài và địa vị xã hội của người phụ nữ.
Nhưng cho dù tiêu chuẩn đánh giá có thay đổi như thế nào đi nữa, thì không ai có thể phủ nhận rằng cội rễ của cái đẹp là đến từ tâm hồn. Một vẻ đẹp cao sang thoát tục là bắt nguồn từ tâm hồn thuần khiết, thiện lương, và an nhiên tự tại!
Vẻ đẹp thanh thoát là đến từ một tâm hồn không vị tư, hướng thiện và an nhiên tự tại! (Ảnh ĐKN)
Trong dòng chảy của ham muốn và truy cầu vật chất, con người ta dễ dàng bị cuốn theo những cám dỗ của danh tiếng, địa vị, quyền thế, sắc đẹp, tiền tài. Bằng công nghệ và những tiện nghi hiện đại, người phụ nữ chỉ có thể đạt được vẻ đẹp về ngoại hình mà không thể có được vẻ đẹp của nội tâm. Khoa học, công nghệ, và các thủ thuật “dao kéo” không thể làm tâm hồn trở nên thuần khiết, cũng không thể tạo nên được trái tim sáng trong không vị kỷ.
Một nội tâm giàu có bao nhiêu và sâu sắc nhường nào là bởi đã trải qua quá trình tu dưỡng lâu dài. Vì vậy, dẫu có sở hữu một vóc dáng thon thả hơn nữa, gương mặt đẹp xinh hơn nữa, thì chúng ta vẫn mất đi cái giá trị đích thực sống mãi theo thời gian, đó là tâm hồn.
Mong sao các bạn gái đang theo đuổi một thân hình yểu điệu sẽ tìm được cho mình một bến đỗ bình yên trong tâm hồn. Bởi chỉ khi quay trở về với các giá trị đạo đức truyền thống, người phụ nữ mới thực sự có được mỹ đức trong tâm mình. Và phải chăng bạn cũng đồng ý với tôi rằng, đó mới là vẻ đẹp vĩnh cửu không bao giờ thay đổi…
Hồng Liên

Nếu lòng đủ bao dung, đúng hay sai sẽ không còn tuyệt đối


Chúng ta thường nghe thấy câu nói rằng: Hãy khoan dung với người khác, bao dung với người khác…
Đối với những người quá rạch ròi đúng sai, ngược lại sẽ khiến người khác phải giữ khoảng cách với mình. Đối nhân xử thế nếu thái quá, không phân biệt đúng sai thì hại người lại hại luôn cả bản thân mình.
Vì vậy, đứng trước một sự việc thị phi chưa phân đúng sai, chúng ta cần phải đối đãi như thế nào đây?
Hôm nay, chúng ta cùng điểm lại sự khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây, xem xem rốt cuộc dùng điều gì để đo lường đúng sai mới là tốt nhất?
Đứng trước một sự việc thị phi chưa phân đúng sai, chúng ta cần phải đối đãi như thế nào đây? (Ảnh: pinterest.com)
Người phương Đông truy cầu sự viên dung, người phương Tây lại coi trọng đúng sai
Điều người phương Đông truy cầu là sự viên dung, tuyệt đối không phải là chuyện đúng – sai. Trên thực tế điều này rất khó làm được. Người ta thường ghét nhất là người ba phải, nhưng lại không thích nhất là người quá rạch ròi đúng sai. Phàm là những người rạch ròi đúng sai, nhân duyên đều không tốt, sự  việc cũng không thông thuận.
Người phương Đông từ xưa đã có yêu cầu rất cao cho mình, phân định đúng sai cần dựa trên cơ sở viên dung tương hỗ; nếu phân định đúng sai mà lại không có được sự hoàn hảo viên mãn, vậy thì bạn cũng chỉ giống như dã tràng xe cát biển Đông, kiếm củi ba năm đốt một giờ.
Tuy nhiên, đúng sai không rạch ròi cũng  lại mang đến nhiều hạn chế. Trong xã hội Á Đông, có nhiều người từng phạm sai lầm lại không hề hấn gì, ngược lại những người đúng lại gặp đủ chuyện xúi quẩy. Điều này chẳng phải rất kỳ lạ sao?
Còn người phương Tây, quan niệm của họ lại rất đơn giản, đúng là đúng, mà sai là sai.
Đúng và sai rất khó phân định được rõ, bởi vậy nhẫn một bước biển rộng trời trong.
Phân định đúng sai trong văn hóa xã hội Á Đông là một chuyện vô cùng khó khăn. Bởi rất nhiều khi trong cái đúng lại có cái sai, trong cái sai lại có cái đúng, người này làm đúng về phương diện này nhưng có thể sẽ làm sai về phương diện khác nào đó.
Vậy nên, là người Á Đông, nếu bạn cho rằng mình càng đúng thì bạn là đang đắc tội với nhiều người.
Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. (Ảnh youtube.com)
Khi người phương Đông cãi nhau: Từ tốn mà nói đừng làm tổn thương tình cảm đôi bên.
Khi người phương Tây cãi nhau: Đúng sai nhất định phải phân rạch ròi.
Người Á Đông đa phần là giảng, chỉ cần là anh em thì không được cãi nhau, có chuyện gì thì từ tốn mà thương lượng.
Nếu hai anh em người Á Đông cãi nhau thì không thể phân rõ được ai đúng ai sai. Bởi vì sau khi phân rõ ai đúng ai sai thì họ sẽ không còn đồng lòng, sau này tình cảm cũng khó mà mặn nồng hơn nữa. Vậy nên khi người lớn phân xử  sẽ nói rằng cả hai đều có chỗ sai, cả hai đều đáng bị mắng. Sau đó còn phải bảo với chúng rằng, chỉ khi nào anh em không cãi nhau mới là đúng, chỉ cần cãi nhau thì hai người đều sai.
Còn trường hợp hai anh em người phương Tây cãi nhau. Người lớn khi phán xử nhất định sẽ nói ai đúng ai sai rất rõ ràng.
Hiện nay trẻ nhỏ thường nhốt mình trong phòng kín, chúng bảo với cha mẹ rằng, thư của con cha mẹ không được xem.
Nhưng các bậc cha mẹ trong văn hóa phương Đông lại không chấp nhận được lý do này, không xem thì sao biết được con mình đang làm gì?
Kiểu cho phép con cái có được bí mật cá nhân riêng tư đều là những thứ của người phương Tây. Đối với người phương Tây, việc của con cái là do chúng tự chịu trách nhiệm, sau khi con cái tới 18 tuổi, chúng hầu như không còn có quan hệ gì với cha mẹ nữa.
Tuy nhiên trong xã hội người Á Đông, con cái dẫu 30 tuổi vẫn là con của cha mẹ, con cái dẫu 40 tuổi lỡ có làm sai chuyện gì đó, thì người làm cha làm mẹ lại càng thêm mất mặt.
Người phương tây cãi nhau cần phân định rạch ròi ai đúng ai sai. (Ảnh: giadinh.net)
Trong văn hóa phương Đông, có lưu truyền một câu chuyện ngụ ngôn, kể rằng:
Một người cha và con trai đang cưỡi lừa trên đường. Một người qua đường bình phẩm họ, nói rằng: “Hai người tàn nhẫn đến nhường nào! Nhìn xem con lừa đáng thương mệt mỏi làm sao”. Vì vậy, người cha xuống khỏi con lừa và để cho con trai cưỡi. Một người qua đường khác chỉ trích họ bằng những lời: “Hãy nhìn cậu con trai tồi tệ kia! Anh ta cưỡi lừa nhưng để người cha khốn khổ của anh ta đi bộ!”
Vì vậy, cậu con trai xuống khỏi con lừa và để cha cưỡi. Một người khác cũng chỉ trích họ bằng cách nói: “Hãy nhìn sự ích kỷ của ông bố! Ông ta cưỡi lừa và để con mình đi bộ”. Vì vậy người cha xuống lừa một lần nữa và bước đi với con trai, và suy nghĩ: “Bây giờ chúng ta yên ổn rồi”.
Tuy nhiên, một người khác cười họ: “Hãy nhìn sự ngốc nghếch của hai người này! Con lừa để không và chẳng ai cưỡi nó!”
Cái gì là đúng và sai ở đây? Người ta chỉ lắc đầu và thở dài:“Có hai khía cạnh với mỗi câu hỏi. Nó không có ý nghĩa gì nhiều để mà tranh cãi”.
Tuy nhiên, nếu một người với tấm lòng bao dung qua đường, mọi thứ có thể đã hài hòa hơn nhiều. Bởi vì tâm của anh ta đầy từ bi và thiện lương, do vậy thế giới quan của anh ta cũng khác.  Nhìn thấy cha và con trai cùng cưỡi lừa, anh ta sẽ nói: “Con lừa chăm chỉ và trung thành biết bao! Nó phục vụ chủ thật tốt!”. Lúc nhìn thấy con trai cưỡi lừa và người cha đi bộ, anh ta sẽ nói: “Tình cảm của người cha thật lớn lao! Ông thà đi bộ còn hơn tiếp tục thoải mái và dễ dàng bằng việc cưỡi lừa”.
Lúc nhìn thấy người cha cưỡi lừa và con trai đang đi bộ, anh ta sẽ nói: “Nhìn sự khôn ngoan của người con! Cậu ta đã học được sự tôn kính người lớn tuổi như một người con và chịu đựng những khó nhọc và nghĩ đến người khác ở tuổi còn trẻ như vậy!”
Lúc nhìn thấy cả hai cha con đi bộ, anh ta sẽ nói: “Tâm của họ tốt làm sao! Họ thà đi bộ hơn làm gánh nặng cho con lừa”.
Một người với tấm lòng bao dung sẽ luôn nhìn thấy những mặt tốt và đưa ra kết luận hoàn toàn khác.
Giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại cần nhiều hơn sự tôn trọng và dung hòa
Có thể thấy, giữa người phương Tây và phương Đông, tính cách khác nhau, nền văn hóa cũng khác nhau rất lớn. Bởi vậy cách nhìn nhận đánh giác đúng sai cũng khác biệt. Tuy nhiên, đạo lý làm người, lòng bao dung giữa người và người với nhau lại là một điểm chung không thể nào tách biệt.
Thật may mắn rằng, dù ở phương Đông hay phương Tây, bạn vẫn có thể bắt gặp những câu chuyện về lòng bao dung khiến rung động lòng người.
Nghĩ về người khác nhiều hơn một chút, đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận và suy xét, bạn sẽ thấy rằng, dẫu là người phương Tây hay phương Đông, dù cho nền văn hóa có khác biệt, thì đúng – sai ấy cũng không còn tuyệt đối nữa.
Cuối cùng, bạn dẫu có lý cũng cần biết bao dung người khác, bạn dẫu thẳng thắn đến đâu cũng nên giữ một tâm thái bình hòa. Và nếu lòng người đủ bao dung, thì đúng hay sai sẽ không còn tuyệt đối!
Nhã Duyên