a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Cách loại bỏ trầm cảm cho nhóm người ‘theo chủ nghĩa hoàn hảo’



Theo kết quả của một nghiên cứu tại Úc, cách tự dằn vặt bản thân sau thất bại của những người cầu toàn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể khắc phục nếu áp dụng phương pháp dưới đây.
Thế nào là người quá cầu toàn?
Claude Monet là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng. Ông cũng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo với câu nói: “Cuộc đời tôi không có gì ngoài thất bại”. Monet từng thẳng tay tự hủy hoại nhiều tranh vẽ trong cơn tức giận, bao gồm 15 bức tranh cho một buổi triển lãm.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2016 trên tạp chí Tâm lý học lâm sàng Hoa Kỳ, người cầu toàn, tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, thậm chí là phi thực tế. Và nếu không đạt được chỉ tiêu ngoài tầm với đó, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ, có lỗi với bản thân. Tâm lý này lại dẫn người cầu toàn đến việc cố né tránh sai sót hết mức có thể, không “đâm đầu” vào những trường hợp nhiều rủi ro. “Khi người cầu toàn gặp thất bại, họ không chỉ thất vọng về những gì họ đã làm mà còn thất vọng về bản thân mình” – Amanda Ruggeri từ trang BBC Future cho biết.
Người quá cầu toàn luôn theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ luôn nỗ lực để đạt đến sự hoàn mỹ và đòi hỏi bản thân cũng như những người khác phải như vậy. Họ cũng rất hà khắc và thường có phản ứng tiêu cực đối với lỗi lầm nên hay tự trách bản thân rất nhiều. Nhóm người này cũng thường hoài nghi về năng lực của bản thân và mọi người.

Người cầu toàn dễ mất đi sự sáng tạo trong công việc. (Ảnh: new.ebc.net.tw)

Tại sao quá cầu toàn dễ trầm cảm?
Một nghiên cứu do Giáo sư, nhà tâm lý học lâm sàng Simon Sherry và cộng sự thực hiện có sự tham gia của 25.000 người Anh, Mỹ và Canada ở độ tuổi thừ 15 – 49 cho thấy: Kể từ năm 1990 tới nay, số người trẻ quá cầu toàn đã tăng lên rất đáng kể. Để hiểu hơn về những người quá cầu toàn, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dalhousie đã thực hiện phân tích từ 77 nghiên cứu.
Các nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu đặc điểm của những người này cũng như cách khắc phục ảnh hưởng của sự cầu toàn tới cuộc sống của họ. Kết quả cho thấy giới trẻ ngày nay có xu hướng theo chủ nghĩa hoàn hảo nhiều hơn so với thế hệ trước. Nhóm người này thường không cho phép bản thân thể hiện con người thật của mình vì lo lắng họ có thể trông không ổn hoặc không toàn diện. Họ thường cố “hoàn hảo” trước mặt mọi người nhưng lại có một cuộc sống cá nhân không hề dễ dàng bên trong. Họ thường sợ mắc sai lầm nên khó có thể cảm thấy thư giãn hoặc không đủ can đảm để sáng tạo và bắt đầu những điều mới mẻ.
Việc theo đuổi cầu toàn thái quá là vấn đề rất đáng lo ngại bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và thể chất. Ban đầu có thể làm xuất hiện cảm giác lo âu, căng thẳng, trầm cảm hay rối loạn trong ăn uống. Trong tình huống tiêu cực nhất, thậm chí có thể dẫn đến tự tử. Đáng chú ý hơn, phân tích cho thấy những ai càng cầu toàn, không chịu đối diện với thất bại thì vết thương tâm lý càng khó chữa lành.
Từ bi với bản thân là liều thuốc trị lành hữu hiệu
Cầu toàn là một tính cách đặc trưng được thể hiện bởi sự đánh giá bản thân quá cao, thường xuyên tự phê bình và luôn bị chi phối bởi những đánh giá của người khác. Mặc dù không có gì sai khi thiết lập hoặc theo đuổi các tiêu chuẩn cao, nhưng điều quan trọng là nó sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho bản thân bạn. Chúng có thể là các triệu chứng như mệt mỏi mãn tính, tự hủy hoại bản thân, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm.
Mối liên hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo và bệnh trầm cảm là tâm điểm của một nghiên cứu gần đây của Đại học Catholic ở Úc. Nghiên cứu được công bố vào tháng hai trên tạp chí PLOS One cho thấy rằng, lòng từ bi với bản thân là một công cụ để thúc đẩy sự chữa lành về mặt tâm lý cho những người cầu toàn để trở nên hạnh phúc và khắc phục được các vấn đề về sức khỏe.

Từ bi yêu thương bản thân mình là phương pháp tốt nhất loại bỏ trầm cảm. (Ảnh: sohu.com)

Tiến sĩ Madeleine Ferrari, tác giả chính của nghiên cứu và là một giảng viên về tâm lý học lâm sàng tại trường đại học đã theo dõi 500 người trẻ và 500 người trưởng thành ở Úc. Bà phát hiện ra rằng lòng từ bi với bản thân đã làm giảm tần số suy nghĩ của người cầu toàn hoặc thậm chí là thay đổi hoàn toàn nhận thức của họ.
Ferrari cho biết: “Lòng từ bi với bản thân có thể kiểm soát sự tin tưởng của người cầu toàn giúp họ tránh rơi vào tình trạng bị trầm cảm. Ngày nay, người lớn và vị thành niên đều phải chịu áp lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn cao đặc biệt trong cuộc sống cá nhân như ở trường học và nơi làm việc. Khi họ trở nên quá chú trọng tới những sai lầm, thất vọng, chán nản và khó chịu với chính bản thân mình vì không đáp ứng đúng theo kỳ vọng thì sẽ gia tăng rủi ro mắc bệnh trầm cảm”.
Theo Jackie Chan, một chuyên gia tâm lý tại Trung tâm tư vấn tâm lý Hồng Kông, người cầu toàn thái quá là thái độ, niềm tin sẽ không xảy ra bất cứ sai sót gì trong việc thực hiện của một người nào đó. Ông Chan chia sẻ: “Trầm cảm ảnh hưởng đến cách nghĩ và hành xử. Nó liên quan đến một loạt các triệu chứng như mất hứng thú trong sở thích, cảm giác vô dụng, kém tập trung, không có khả năng đưa ra quyết định, tự cô lập và dễ bị kích động”.
Ông cho biết thêm, có các cách giải quyết vấn đề khác nhau giữa những người có lòng vị tha với bản thân và những người hay lên án bản thân. Ví dụ, người có lòng bao dung với bản thân sẽ hiểu rằng khó khăn là một phần của cuộc sống. Vì vậy sẽ đối mặt với tâm thái bình thản, chứ không coi thường hay bị cuốn theo những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
Thay vì né tránh lỗi lầm, bạn hãy xem đó là cơ hội để học tập và tích lũy kinh nghiệm. Thay vì tự trách mình thì hãy tự thương thân và suy nghĩ một cách khách quan nhất.
Nếu bị mắc trầm cảm, thì lòng từ bi có thể giúp bạn trong quá trình điều trị. Ngoài ra, các kỹ năng đối phó hiệu quả và sự hỗ trợ của xã hội cũng quan trọng trong việc chữa bệnh.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: hellobacsi


Chúng ta phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần?


Đây là môt câu chuyện vô cùng cảm động về tình cảm chị em, được lược dẫn từ “Những mẩu truyện sưu tầm của Latdat”. Xin được chia sẻ lại cùng quý độc giả.
– Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần… – Cô giáo trường Chủ Nhật đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe: “70 nhân 7 lần! “
Lisa kéo tay cậu em trai Brent:
– Thế là bao nhiêu lần…
Brent viết số 490 lên góc vở Lisa.
Brent có vóc người nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rối bù, nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu bé thì ai cũng phải nể phục. Cậu học piano từ năm lên 4, kèn darinet năm lên 7 và giờ đây cậu đang chinh phục cây đèn Oboa. Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi một thứ: bóng rổ. Hai chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học. Brent thấp bé lại yếu ớt, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu kém của cô.
Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần…- 70 nhân 7 lần! (Ảnh minh hoạ)
Sau giờ học, hai chị em thường chạy ra sàn bóng rổ. Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm. Lisa dễ dàng ghi điểm. Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.
– Em ổn cả chứ… Chị lỡ tay thôi mà!
– Không sao, em tha lỗi cho chị
Cậu bé gượng cười, nói tiếp:
Phải tha thứ 490 lần và lần này là 1. Vậy chị chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!
Lisa cười. Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm rồi.
Hôm sau, hai chị em chơi bắn tàu trên giấy. Vì sợ thua nên Lisa đã nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng chiến thắng. Brent nhìn Lisa nghi ngờ:
– Chị ăn gian!  
– Chị xin lỗi! – Lisa đỏ mặt:
– Được rồi, em tha lỗi cho chị- Brent cười – Thế là chỉ còn 488 lần nữa thôi, phải không…
Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động. Tối đó, cô bé kẻ một biểu đồ với 490 hình vuông:
– Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai và em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo 1 ô.
Lisa đánh dấu 2 ô. Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường.
Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa luôn xin lỗi rất chân thành. Tất nhiên Brent luôn rộng lượng bỏ qua tất cả cho cô (Ảnh minh hoạ)
Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa luôn xin lỗi rất chân thành. Tất nhiên Brent luôn rộng lượng bỏ qua tất cả cho cô, và 1 ô vuông lại được Lisa đánh dấu gạch chéo.
Ô thứ 211: Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent khiến cậu bị điểm 0.
Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent
Ô thứ 417: Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent
Ô thứ 489: Lisa mượn xe đạp của Brent và đâm vào gốc cây.
Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc cốc hình quả dưa Brent rất thích.
– Thế là hết – Lisa tuyên bố – Chị sẽ không có lỗi gì với em nữa đâu.
Brent chỉ cười: “Phải, phải”
Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491.
Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc. Cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York. Đó là giấc mơ đã ấp ủ bao năm và cả gia đình đều đặt rất nhiều hi vọng ở lần này.
Ban tổ chức gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa cầm máy: ” Hai giờ chiều ngày mùng 10″. Lisa tự nhủ khi nào sẽ nhắc với Brent khi nào cậu bé về nhà.
– Brent này, khi nào con biểu diễn?- Mẹ hỏi.
– Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! 
Lisa cuống cuồng:
– Ôi!… Hôm nay ngày mấy rồi ạ…
– 12, có chuyện gì thế…
Lisa bưng mặt khóc nức nở:
– Biểu diễn…lúc 2 giờ… mùng 10… Ban tổ chức gọi điện… tuần trước…
Brent ngồi yên. Mặt cậu thẫn thờ, không dám tin vào nhữnng gì Lisa nói.
– Có nghĩa là… buổi biểu diễn đã qua rồi……… – Brent hỏi.
Lisa gật đầu, lắp bắp:
– Brent… Chị xin lỗi… Xin lỗi em…
Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào. Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc. Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng. Cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại 1 mảnh giấy dặn mọi người an tâm. Khi đó Lisa mới 19 tuổi.
Lisa hối hận vì đã huỷ hoại giấc mơ của em trai. Cô đã bỏ đi và quyết định sẽ không bao giờ trở về nữa. (Ảnh minh hoạ)
Lisa đến Boston và thuê nhà sống ở đó. Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời: “Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa”.
Rất lâu sau, cô vô tình gặp lại bà Nelson – một người hàng xóm cũ.
– Tôi rất tiếc về chuyện của Brent… – Bà Nelson mở lời.
Lisa ngạc nhiên:
– Sao ạ? Em cháu có chuyện gì sao bà?
Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa không biết gì. Bà kể cho cô nghe tất cả: xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, cậu bé không qua khỏi… Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà.
Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp. Cô không thấy tờ biểu đồ kín đặc các gạch chéo của ngày xưa mà chỉ thấy có 1 tờ giấy lớn:
“Lisa yêu quý,
Em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó. Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị.
Yêu thương,
Brent”
Mặt sau là 1 tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hồi bé, với rất nhiều ô vuông. Nhưng chỉ có 1 ô vuông đầu tiên có đánh dấu và bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ: “Lần thứ 491: Tha thứ, mãi mãi! “
Thiện Nam (ST)