Suy tim (hay còn gọi là suy tim ứ huyết) là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng tạng phủ này không còn khả năng bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể.
Suy tim hay còn gọi là yếu tim là chứng bệnh nguy hại cho sức khỏe. Triệu chứng ban đầu thường gặp nhất là ‘Suyễn’. Rất nhiều người hiểu lầm đây là hiện tượng lão hóa thông thường nên bỏ qua mà không ngờ nó ẩn giấu nguy cơ tử vong to lớn. Vậy bệnh có những dấu hiệu cảnh báo nào? Đông y dùng cách nào để nuôi dưỡng và trị liệu?
Đặc trưng của suy tim là khởi phát chậm và ngày càng tăng. Các triệu chứng ban đầu là mệt mỏi sau đó tim đập nhanh, khó thở, hụt hơi, cảm thấy như không còn sức lực. Sau khi nghỉ ngơi, có thể thuyên giảm đôi chút. Cuối cùng, bệnh biểu hiện phát triển thành bồn chồn, tim đập nhanh, thở gấp không thể nằm, tiểu ít, phù nề, miệng môi và móng tay tím bầm cho dù đã nghỉ ngơi.
Một số ít các cơn suy tim là cấp tính, bệnh nhân sẽ đột nhiên thở gấp, không thể nằm thẳng phải ngồi dậy mới thở được, sắc mặt nhợt nhạt, đổ mồ hôi như mưa, môi thâm tím, ho khan, ho ra đờm bọt màu hồng nhạt.
Suy tim là bệnh toàn thân
Nhìn nhận từ góc độ y học cổ truyền, vị trí bệnh suy tim là ở tạng Tâm, nhưng nó liên quan đến Phế, Tỳ, Can và Thận. Do đó, suy tim thực sự là chứng bệnh mang tính toàn thân, là kết quả suy yếu dần của cơ thể.
Nhìn chung, các biểu hiện ban đầu chủ yếu của bệnh là khí hư và dương hư, đôi khi âm hư. Trong quá trình biến đổi, sẽ dẫn tới các trạng thái bệnh lý như huyết hư và huyết ứ ở trong ngoài cơ thể do khí huyết ở tim hư tổn, huyết hành không thông suốt. Sự phát triển tiếp theo là:
Nếu máu không được lưu thông, thì các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, khiến khí ở tim trở càng trở nên hư, tình trạng tắc nghẽn thậm chí tồi tệ hơn và lâu dần sẽ dẫn tới phì đại cơ tim.
Tạng Tâm phì đại lâu dài sẽ liên lụy đến Can, huyết ứ đọng tại đây, từ đó làm Can tạng bị sưng và mất đi chức năng sơ tiết chính.
Khí cơ không thông, sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của Tỳ Vị, dẫn đến trướng bụng, khó tiêu, táo bón hoặc phân lỏng.
Huyết ứ ở Thận tạng, sẽ dẫn đến chứng khó tiểu và phù thũng.
Huyết ứ trong Phế, làm chức năng hô hấp của tạng phủ bị ảnh hưởng, tắc nghẽn gây ho khan và khó thở.
3 yếu tố phổ biến gây suy tim
Căn nguyên của suy tim là do một nhân tố ban đầu nào đó sẽ dẫn đến khí hư ở Tâm, dương hư hoặc âm hư. Những yếu tố này là gì? Nhìn chung, các yếu tố này chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ, căng thẳng, áp lực lâu dài gây ra. Ba yếu tố cụ thể bao gồm:
1. Thường xuyên thức khuya, ngủ muộn
Trường kỳ thức khuya và ngủ muộn, ngoài việc gây ra tình trạng âm hư ở Can và Thận, còn có thể dẫn đến âm hư tại Tâm.
2. Ăn các loại thực phẩm sống, hàn lạnh
Theo học thuyết ngũ hành, Hỏa sinh Thổ, Hỏa là mẫu, Thổ là tử. Nếu Thổ bất túc (thiếu hụt), tử đạo mẫu khí cũng sẽ dẫn đến Hỏa bất túc. Điều đó có nghĩa là, khi dương khí tại Tỳ không đủ, cần hỏa ở tạng Tâm để hỗ trợ. Nếu tình trạng diễn ra lâu ngày, sẽ dẫn đến tình trạng hỏa bất túc ở tạng Tâm, và gây ra chứng dương hư ở đây.
Điều phổ biến dễ dàng làm tổn thương Tỳ Vị nhất là gì? Đó là các loại thực phẩm sống, hàn lạnh. Do đó, những người ăn quá nhiều rau sống, hoa quả và đồ uống lạnh, uống một ly nước lớn (> 300ml) khi bụng đói vào buổi sáng có thể làm tổn thương dương khí ở tạng phủ này. Khi dương khí Tỳ Vị không đủ, chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn sẽ kém, không cung cấp đủ năng lượng cho tạng Tâm, cuối cùng dẫn đến khí dương hư và thiếu khí tại đây.
3. Gặp vấn đề tâm lý kéo dài
Áp lực, căng thẳng, hoảng loạn, lo lắng hoặc làm việc quá sức thời gian dài đều sẽ làm hao tổn khí và âm khí ở tạng Tâm.
Cách tốt nhất để bảo vệ trái tim
Cách bảo vệ trái tim tốt nhất cần bắt đầu dưỡng sinh từ sinh hoạt hằng ngày. Có lẽ nên học theo y thư cổ Hoàng đế nội kinh: Người thượng cổ, có nhiều người biết về đạo, bắt chước âm dương, điều hòa với thuật số, ăn uống có mực, khởi cư có thường, không làm quá sức cho nên giữ gìn được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời tới trăm tuổi mới thác. (Nguyên văn: Thượng cổ chi nhân, kỳ tri đạo giả, pháp vu âm dương, hòa vu thuật sổ, thực ẩm hữu tiết, khởi cư hữu thường, bất vọng tác lao, cố năng hình dữ thần câu, nhi tẫn chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ).
Nói cách khác, muốn bảo vệ tốt tạng Tâm và lục phủ ngũ tạng cần sinh hoạt điều độ và phù hợp với tự nhiên, chế độ ăn uống chừng mực tiết chế, buổi tối hoạt động làm việc, ban đêm cần nghỉ ngơi đúng giờ, không làm việc quá sức, mới có thể bảo vệ sức khỏe và không mắc bệnh.
Trung y điều trị suy tim như thế nào?
Y học cổ truyền Trung Quốc trong điều trị suy tim chủ yếu là biện chứng luận trị, thông qua chẩn đoán để xác định loại hội chứng nào, sau đó mới nhắm vào đó để trị liệu. Các hội chứng suy tim có thể được chia chủ yếu thành:
1. Tâm khí (dương) hư, dùng phương thuốc Bảo Nguyên thang
2. Khí âm lưỡng hư, dùng phương thuốc Thiên vương bổ tâm đan
3. Dương hư thủy phiếm, dùng phương thuốc Ngũ linh tán kết hợp Chân Võ thang
4. Khí hư huyết ứ, dùng phương thuốc Bổ dương hoàn ngũ thang
5. Dương suy khí thoát, là triệu chứng nguy cấp nên đưa đi cấp cứu và có thể dùng phương thuốc Cấp cứu Hồi dương thang.
Nguyên nhân suy tim căn bản là tâm và huyết mạch bất túc, nguyên nhân ngoại tà, ăn uống, phòng dục không điều độ là yếu tố dẫn phát bệnh. Suy tim có các thể sau:
1. Thể khí huyết đều hư
Tim hồi hộp, khó thở, mệt mỏi, đầu váng, mắt hoa, hụt hơi, ngại nói, môi nhợt, sắc mặt tối, chất lưỡi nhợt nhạt bệu, rêu mỏng, mạch tế vô lực.
Pháp điều trị: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc: Quy tỳ thang gia giảm: Đẳng sâm 15g, Hoàng kỳ 20g, Chích cam thảo 5g, Phục thần 12g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 6g, Viễn chí 10g, Bạch truật 15g, Đương quy 20g, Long nhãn 15g. Sắc uống ngày một thang.
2. Thể tâm thận hư
Khó thở, hồi hộp, khó ngủ, miệng khát họng khô, hai gò má đỏ, tai ù, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
Pháp điều trị: Bổ tâm thận âm, dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc: Thiên vương bổ tâm đan gia giảm: Sinh địa 12g, Huyền sâm 12g, Đan sâm 15g, Thiên đông 12g, Mạch đông 12g, Đương quy 12g, Bá tử nhân 12g, Toan táo nhân 12g, Ngọc trúc 12g, Cát cánh 12g, Ngũ vị tử 5g. Sắc uống ngày một thang.
3. Thể tâm huyết ứ
Người mệt mỏi, vô lực, hồi hộp, nhịp loạn, suyễn thở, khó thở khi nằm, mặt tối, môi tím, đầu ngón tay xanh tím. Lưỡi ánh tím có ban huyết ứ. Mạch tế hoặc kết đại.
Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Đào nhân hồng hoa tiễn gia giảm: Đương quy 15g, Đan sâm 15g, Uất kim 10g, Hồng hoa 6g, Đào nhân 15g, Long cốt 15g, Mẫu lệ 15g, Diên hồ sách 12g, Quế chi 10g, Xuyên khung 10g, Cam thảo 5g. Sắc uống ngày một thang.
4. Tim đập nhanh
Phù thũng toàn thân, người gầy, ăn kém, đại tiện nhão, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực.
Pháp điều trị: Ôn tỳ bổ thận, thông dương lợi thủy.
Bài thuốc: Chân vũ thang gia giảm: Phụ tử chế 6g, Tang bạch bì 12g, Bạch truật 15g, Phục linh 20g, Quế chi 10g, Sinh khương 5 lát, Trạch tả 15g, Bạch thược 15g, Sa tiền tử 15g. Sắc uống ngày một thang. Cho 750ml nước vào sắc còn 250ml, chia uống 3 lần trong ngày khi thuốc còn nóng.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
10 bài thuốc dân gian trị tiêu chảy cực nhạy cho trẻ nhỏ
Hệ tiêu hóa của trẻ rất non yếu nên thường dễ bị tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên để điều trị cho bé cần hết sức cẩn trọng vì dễ làm hỏng đường tiêu hóa của trẻ. Một vài bài thuốc dân gian dưới đây có thể mang lại lợi ích cho các bà mẹ đang nuôi con.
Nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy ở trẻ nhỏ
1. Nhiễm trùng đường ruột: Là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là virus Rota. Loại virus này gây ra bệnh viêm dạ dày, viêm ruột và một số bệnh nhiễm trùng khác.
2. Không dụng nạp lactose: Trẻ thiếu một loại enzym cần thiết để tiêu hóa lactose, khiến cho hàm lượng lactose bị tích tụ ở ruột, gây nên các vấn đề về đường ruột trong đó làm cho bé bị tiêu chảy.
3. Rối loạn tiêu hóa: Do hệ tiêu hóa của bé còn quá non nớt nên bất kỳ một sự thay đổi nào cũng có thể khiến bé bị tiêu chảy, chẳng hạn khi bé đang bú sữa mẹ nhưng chuyển sang sữa công thức hay một vài món ăn lạ trong thực đơn của mẹ hoặc thực đơn ăn dặm. Mẹ cần nhanh chóng thực hiện các cách trị tiêu chảy để bé không bị mất nước.
Một số cách điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ
1. Gạo và cà rốt rang
Bài thuốc này khá hiệu quả đối với trẻ nhỏ khi bị tiêu chảy liên tục.
Thực hiện: Lấy một nhúm gạo và cà rốt thái nhỏ rang lên, sau đó nấu nước và thêm vào chút muối cho bé uống để cầm tiêu chảy. ( Đối với bé lớn tuổi có thể cho dùng cả cái sẽ có hiệu quả hơn)
2. Hồng xiêm xanh
Hồng xiêm xanh là trái cây có vị chát, là phương thuốc hiệu quả thường được người dân áp dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ.
Thực hiện: Mẹ cắt quả hồng xiêm xanh thành nhiều lát mỏng, phơi khô, sao vàng để dùng dần. Mỗi lần sử dụng, lấy khoảng 10 lát sắc với nước uống, lượng nước phải ngập hồng xiêm. Tiếp đó, mẹ đổ ra lấy nước, nhớ là không để nước đặc quá và cho bé uống mỗi ngày 2 lần.
3. Gạo lứt rang
Mẹ có thể mua gạo lứt, về lựa hạt gạo xấu ra, không vo mà đem đi rang cho vàng, khi thấy thơm thì tắt lửa để vào lọ dùng dần, giúp bé uống nhanh khỏi bệnh tiêu chảy. Mỗi lần các mẹ lấy khoảng 100g gạo rang nấu với 2 lít nước và chút muối, nấu đến khi hạt gạo chín mềm là được. Chỉ cần cho bé uống từ 3 – 5 ngày là khỏi.
4. Gừng tươi
Gừng tươi: 100g (hoặc gừng khô 30 g). Lá chè khô: 5 g.
Thực hiện: Mẹ đun chung hai thứ này với 800ml nước cho đến khi còn 2/3 số nước chia uống 3 lần/ngày.
5. Lá mơ
Mẹ hái một nắm lá mơ tía khoảng 100g (mơ tía thì tốt và thơm hơn lá mơ trắng) rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 5 phút, vớt ra để ráo nước. Tiếp đó, mẹ giã lá mơ thật nhỏ rồi cho vào bát và đập 1 quả trứng gà, đồng thời thêm một chút muối (cho vừa miệng), trộn đều. Mẹ nhớ trở đều hai mặt cho trứng và rau mơ chín đều, sau đó cho bé ăn 2 lần/ngày nhé.
6. Nụ sim và lá mơ
Với các bé tiêu chảy và biểu hiện đi ngoài liên tục, mất nước, khát nhiều, sốt nhẹ, nước tiểu vàng, bụng đau quặn và đầy hơi, hậu môn nóng rát, mẹ có thể đun 16g lá mơ, 8g nụ sim sắc cùng với 500ml nước còn 200ml, chia làm hai lần uống trong ngày. Dù bé hết tiêu chảy, mẹ vẫn nên tiếp tục cho bé uống khoảng 2 ngày để ổn định tỳ vị đồng thời cho bé ăn với chế độ cắt giảm chất béo.
7. Chuối tiêu xanh
Mẹ có thể gọt mỏng vỏ chuối tiêu xanh, để lại lớp vỏ xanh bên trong (hoặc tước vỏ cũng được), xay nhuyễn trộn với cháo sau đó nấu chín cho bé ăn trong khoảng 3 ngày.
8. Cỏ sữa
Cây cỏ sữa 2 nắm; nấm mèo 5 tai; đậu đen xanh lòng 50 g (loại đậu vỏ màu đen nhưng khi các mẹ cắn ra thì thấy ruột bên trong màu xanh).
Thực hiện: Rửa sạch cỏ sữa; nấm mèo ngâm cho nở ra rửa sạch sau đó thái dài và mỏng. Bắc song song 2 chảo ở 2 bếp: 1 bếp sao đậu đen, 1 bếp sao nấm mèo, xong sau đó sao cỏ sữa. Mẹ cho cả 3 thứ sau khi sao vào 1 cái nồi, lấy 3 bát nước sắc nhỏ lửa còn 0,5 bát cho bé uống trong 1 ngày, không được để qua ngày hôm sau.
9. Súp cà rốt
Cà rốt được xem như một loại thuốc quý được dùng để điều trị một số bệnh, có cả tiêu chảy. Lượng lớn chất pectin có trong cà rốt khi vào ruột sẽ trương nở thành một dạng keo có khả năng làm dịu nhu động ruột, giúp hạn chế được tiêu chảy. Dưỡng chất này còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nội sinh phát triển, lấn át các vi khuẩn ngoại lai và các vi khuẩn lên men thối ở ruột già. Hơn nữa, chất pectin trong cà rốt còn giúp niêm mạc ruột nhanh chóng hồi phục. Trong cà rốt còn nhiều muối khoáng, đặc biệt là kali có thể bù đắp được lượng chất điện giải bị mất trong quá trình tiêu chảy.
Cách làm súp cà rốt: Mẹ lấy 500 gam cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoanh mỏng, đun nhỏ lửa với 2 lít nước trong 1 giờ đến khi cạn còn 1 lít, sau đó vớt cà rốt ra, nghiền kỹ, lọc qua vải thưa, loại bỏ bã và cho thêm 3 gam muối sau đó đun sôi lại để dùng.
Cho bé ăn súp cà rốt là một trong những cách trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh hiệu quả.
10. Uống nước lá ổi
Mẹ có thể cho bé uống nước lá ổi và ăn chuối tiêu xanh xay nhuyễn trộn nấu với cháo. Thực hiện bằng cách sắc búp ổi lấy nước cho bé uống, mỗi lần đổ 1 tí vào cái chén, cho bé uống 1 ít để không bị sặc. Cứ thỉnh thoảng mẹ lại cho bé uống, uống cả ngày và uống trong 3 ngày.
Minh Nguyên t/h