a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

TÍNH KHÔN VẶT CỦA NGƯỜI VIỆT MÌNH....


Phi trường Hong Kong là trạm chuyển tiếp cho nhiều chuyến bay từ Việt Nam sang góc đông bắc của Mỹ.
Ngồi trước mặt vợ chồng tôi trong phòng chờ ở phi trường Hong Kong là một ông bà già người Việt. Hai bác chắc ngoài 80 tuổi là ít. Họ có thể từ Việt Nam trở lại Mỹ sau một chuyến viếng thăm.
Bác trai trông còn khỏe nhưng bác gái rất yếu. Khuôn mặt bác gái xanh xao, hốc hác và thân thể bọc xương. Bác dựa vào vai bác trai nhưng chắc không phải vì âu yếm mà chỉ vì quá yếu. Đôi mắt bác lim dim như muốn ngủ.
Phụng cứ nhìn bác gái hoài. Thấy thương bác chi lạ. Tôi thầm trách bác như trách mẹ mình “đi chi nữa vậy không biết! ” nhưng rồi tự nhủ phải có một lý do gì đó.
Bác trai đặt trước một chiếc xe lăn có người đẩy để đưa bác gái lên máy bay. Xe lăn là phương tiện thông dụng dành cho những người già yếu hay thương tật ở chân không đi đứng được một mình.
Những người ngồi xe lăn được ưu tiên lên máy bay. Không chỉ riêng cá nhân họ mà cả gia đình đi chung chuyến cũng được ưu tiên theo.
Giờ lên máy bay đến. Tôi rất ngạc nhiên không chỉ riêng bác gái mà có khoảng hơn chục chiếc xe lăn được đưa đến. Tuyến đường có rất đông hành khách Mỹ và các nước khác nhưng tất cả xe lăn đều dành cho hành khách gốc Việt.
Những người khách xe lăn rời chỗ ngồi, thoăn thoắt bước lên xe thật tự nhiên và nhanh chóng như đã dùng dịch vụ này trước đó nhiều lần.
Trong số hơn chục người ngồi trên xe lăn ai cũng trông mạnh khỏe hơn bác gái. Bác bịnh quá, không chen lấn được nên là người lên xe lăn cuối cùng.
Máy bay hạ cánh. Khi chúng tôi bước ra khỏi cửa máy bay. Một hàng xe lăn dài xếp gần kín lối ra đang chờ.
Những người khách gốc Việt cùng đi với chúng tôi lại nhanh chóng ngồi lên. Những người khách ngồi xe lăn và gia đình họ được đưa đến một lối riêng dành cho những người tật nguyền hay quá già yếu để được ưu tiên xét giấy thông hành.
Tôi không thấy bác gái. Có lẽ bác quá yếu nên phải ngồi chờ khách xuống bớt. Những người bịnh, yếu đuối và thật sự cần dịch vụ xe lăn như bác gái phải chịu thiệt thòi, chờ đợi trong lúc những người lạm dụng dịch vụ lại được ưu tiên nhanh chóng.
Tôi bay đường bay quốc nội và quốc tế rất nhiều. Chuyến bay nào cũng có một hai chiếc xe lăn nhưng ít khi thấy cả đoàn người Việt lên xe lăn như đi diễn hành ở trạm Hong Kong.
Có lần tôi đọc đâu đó chuyện một người Việt dùng dịch vụ xe lăn ở phi trường. Người đó kể một cách hãnh diện như đã phát hiện ra một bí mật chưa ai từng khám phá.
Nhưng người kể quên rằng dịch vụ xe lăn là một phần của đạo luật Air Carrier Access Act được Quốc Hội Mỹ thông qua và ban hành năm 1986 trong đó buộc các hãng máy bay phải có phương tiện xe lăn cho những người tật nguyền.
Đừng quên, đạo luật nào cũng luôn có các biện pháp chế tài và hình phạt dành cho những người vi phạm, lạm dụng và gian dối.
Các hãng hàng không biết rõ nhưng họ không muốn làm ồn ào những chuyện có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hành khách.
Dù chưa bị bắt hay bị khám phá tội giả bịnh hay giả tật nguyền những người lạm dụng dịch vụ xe lăn cũng nên nghĩ tới những người thật sự cần được ưu tiên như bác gái mà chúng tôi gặp.
Có vé trong tay rồi chờ một chút như mọi người khác có sao đâu. Không thể tới nhanh hơn hay sớm hơn vì cùng một chuyến bay.

Những người khôn vặt, thật ra cũng bịnh nhưng không phải ở chân mà ở trong suy nghĩ hẹp hòi.

 

Trần Trung Đạo


BÔNG LÚA CÚI ĐẦU


Nhớ hồi vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ (một trong hai đứa còn nằm trong bụng mẹ, tháng thứ 6) xuất cảnh đi Mỹ..

 

Vì trường hợp phụ nữ mang thai nên IOM (cơ quan di dân quốc tế) thu xếp cho riêng chúng tôi đi đường bay quá cảnh phi trường Kyoto Nhật Bản thay vì đường ghé Hàn quốc như những gia đình khác cùng đợt hồ sơ, như vậy chúng tôi sẽ được rút ngắn chuyến đi gần nửa ngày.

Sự tử tế chu đáo và bất ngờ này của một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, những 'người dưng nước lã' hoàn toàn xa lạ, làm tôi cảm động. Tiền mua vé máy bay cho tất cả những di dân diện tị nạn đều do IOM cho vay trước, chúng tôi sẽ trả góp sau khi đã an toàn định cư ở quốc gia mới. 

      

Gia đình nhỏ chúng tôi ghé đến phi trường Nhật, te tua xơ mướp vì mệt, lết tha lết thếch không giống ai giữa chuyến bay toàn hành khách sang trọng. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối, biết thân biết phận nên chờ cho mọi người ra hết mới dắt díu nhau ra sau cùng.

 

Vậy mà vừa bước ra khỏi cửa máy bay, một tình nguyện viên của IOM, một thanh niên (sinh viên) người Nhật sáng sủa cao ráo, mặc bộ vest rất chỉnh tề, đứng sẵn đó, thấy chúng tôi là gập người chào cung kính. Cầm trên tay tấm giấy lớn ghi tên chúng tôi nhưng thực ra anh ta chẳng cần nữa vì quá dễ nhận ra cái gia đình nghèo vừa rời khỏi đất nước nghèo này. Chúng tôi sững người, ngượng nghịu lúng túng trước cái cúi chào đặc biệt của người Nhật lần đầu tiên trên đời mình được nhận. 

                                             

Sau đó anh chàng kính cẩn ân cần, cố đi thật chậm để bà xã tôi không phải vội, dù đôi chân cao ngồng của chàng ta chỉ cần sải một bước là bằng chúng tôi đi ba bước. Anh chàng nói tiếng Anh chậm rãi và cố tình chọn những từ dễ đến nỗi đứa dốt sinh ngữ như tôi cũng hiểu ngay. Cái cách anh chàng tế nhị đưa chúng tôi đến nhà vệ sinh và sẵn sàng kiên nhẫn chờ ở ngoài làm tôi càng phục lăn! Nước Nhật giáo dục kiểu gì mà người trẻ của họ tuyệt vời đến thế này nhỉ? 

                       

Rồi anh chàng chậm rãi dẫn chúng tôi đi dọc các hành lang sân bay quốc tế rộng mênh mông để đến cổng chờ chuyến bay đi Mỹ. Tôi nhớ chúng tôi đi bộ gần nửa tiếng mới tới. Cung cách của anh chàng không khác gì đang hộ tống những nhân vật quan trọng. A không, đang ấm áp đón tiếp những người rất thân thiết. Tôi nghĩ người thân ruột thịt cũng không ân cần được đến thế!

 

Đến nơi, anh chàng lại cung kính và áy náy xin lỗi vì bận việc phải đi gấp. Anh chàng nói sẽ gọi điện nhờ một người bạn đến ở với chúng tôi trong 8 tiếng chờ đợi.

Thì ra anh chàng đã gọi phone nhờ cô người yêu của mình  từ hồi nào. Cô ấy đến, cũng là sinh viên, nhỏ nhắn dễ thương, vừa đẹp vừa hiền, đem theo bữa cơm đắt tiền mua ở nhà hàng cùng một giỏ trái cây. Vừa gặp chúng tôi, cô ấy cũng gập người chào rất lễ phép.

Tôi lại một lần nữa xúc động khi hiểu ra IOM có đặt sẵn suất thức ăn nhanh ở phi trường cho chúng tôi, nhưng đôi bạn trẻ này muốn đãi 'bà bầu' và hai em bé một bữa chu đáo hơn bằng chính tiền túi của họ.

 

 Không còn biết nói gì nữa khi nhìn cô gái Nhật dịu dàng dọn bữa ăn vẫn còn nóng ra chiếc băng ghế phi trường, chén đũa đàng hoàng, mời chúng tôi, ngồi 'hầu' bên cạnh chúng tôi với nụ cười luôn nở trên khuôn mặt dễ mến, ân cần hỏi han vợ con tôi.

Tôi không còn tâm trí đâu mà thưởng thức món ăn. Mỗi một miếng đưa lên miệng là mỗi hạt ngọc hạt vàng! Tôi cảm thấy mình không xứng đáng ngồi đó để được cô bé tiếp đãi như thế này. Tôi xin kiếu, xin được đi lòng vòng để ngắm cái phi trường hiện đại, để trố mắt nhìn cái thế giới khác hẳn thế giới quen thuộc của mình ở quê hương. 

Nói thật, suốt đời còn lại chúng tôi không thể quên sự tử tế và khiêm nhu của hai người bạn trẻ Nhật ấy! Con gái đầu của chúng tôi năm đó mới 8 tuổi, nó nói lớn lên, quốc gia đầu tiên con phải đi thăm, trước cả về thăm quê hương Việt Nam, nhất định phải là nước Nhật!

Gần đây tôi mới biết câu thành ngữ cổ xưa của người Nhật: "Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu". Bao thế hệ đi trước của người Nhật đã truyền lại lời dạy đó cho con cháu: Một cây lúa khi được mùa, trĩu hạt, thì nó biết cúi đầu. Khi mình đã sung túc thịnh vượng, không được nghếch mặt lên trời tự mãn kiêu căng, nhưng biết cúi mình để kính trọng và yêu thương người khác!

Sưu Tầm


KHI BẠN CHÊ BAI CHA MẸ CỦA BẠN, XIN HÃY ĐỌC NHỮNG DÒNG CHỮ NÀY:

Con của mẹ (cha) :
Một ngày nào đó, nếu con thấy mẹ ngày một già đi, phản ứng càng lúc càng chậm chạp, cơ thể dần dần yếu đi, xin hãy kiên nhẫn và cố gắng để hiểu mẹ thêm một chút nữa nhé……..
Khi mẹ ăn phải thức ăn dơ, thậm chí không còn khả năng mặc quần áo nữa, đừng cười mẹ, hãy kiên nhẫn một tí. Con còn nhớ mẹ đã bỏ bao nhiêu thời gian dạy con về vấn đề này hay không hả ? Làm thế nào để ăn mặc đúng cách, làm thế nào để đối mặt với cuộc sống của con cho lần đầu tiên.
Khi mẹ luôn phải lập lại nói cùng lúc một đề tài, xin con đừng ngắc quãng mẹ. Ngày xưa, mẹ kể chuyện cổ tích, mẹ luôn đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện, đến khi con từ từ chìm vào giấc ngủ.
Khi cùng mẹ nói chuyện, đột nhiên không biết nên nói điều gì, hãy cho mẹ một chút ít thời gian để suy nghĩ. Nếu như mẹ vẫn không nói được chuyện gì, đừng nên vội vã. Đối với mẹ, điều quan trọng không phải là nói, mà là được ở cạnh bên con.
Khi mẹ không muốn tắm rửa, đừng làm nhục mẹ và cũng đừng trách mắng mẹ. Con còn nhớ lúc nhỏ, mẹ đã từng biện bao nhiêu lý do chỉ để dỗ con tắm hay không hả ?
Khi mẹ ra đường, quên mất đường về nhà, xin con đừng nỗi giận, và cũng đừng bỏ mẹ một mình vức vưỡn ngoài đường, hãy từ từ dắt mẹ về nhà. Còn nhớ khi nhỏ, mẹ đã từng biết bao lần vì con quên đường mà lo lắng đi kiếm con hay không ?
Khi tâm trí mẹ không được tỉnh táo, sơ ý làm bể cái chén, xin đừng mắng mẹ. Còn nhớ lúc nhỏ con đã từng nhiều lần vứt thức ăn xuống đất hay không ?
Khi đôi chân của mẹ mất tầm kiểm soát, hãy nâng đỡ mẹ, giống như lúc trước mẹ dìu dắt con bước đầu tiên vào đời .
Khi một ngày nào đó, mẹ nói với con không còn muốn sống nữa, đừng giận mẹ. Sẽ có một ngày con hiểu ra, hiểu mẹ như một ngọn nến tàn không còn sống được bao lâu nữa đâu. Có một ngày con sẽ phát hiện ra, dù cho mẹ có bao nhiêu cái sai, mẹ vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mẹ.
Khi mẹ đến gần con, đừng tỏ vẻ tội nghiệp, nổi giận hay oán hận, con phải ở bên cạnh mẹ, giống như khi xưa mẹ đã giúp con mở cánh cửa cuộc đời vậy.
Hiểu mẹ, giúp mẹ, dìu mẹ, dùng tình thương và sự kiên nhẫn giúp mẹ đi hết quãng đời này. Mẹ sẽ dùng nụ cười và tình yêu không bao giờ thay đổi để đền đáp con.

Mẹ yêu con, con của mẹ !

Sưu Tầm


CÂU CHUYỆN ĐẪM NƯỚC MẮT TRONG KIỆT TÁC "ĐÔI BÀN TAY NGUYỆN CẦU"



● Đường Trung Nguyên dịch.

Dẫn:

Albert lau những giọt nước mắt trên đôi gò má xanh xao, cậu nhìn mọi người khắp một lượt, rồi run rẩy áp đôi bàn tay của mình lên bên má phải và nghẹn ngào nói: “Anh ơi, em không thể! Em không thể tới học ở Nuremberg, đã quá muộn rồi anh ạ. Anh nhìn đôi tay em này”…

 Chuyện kể rằng vào thế kỉ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố Nuremberg của nước Đức có một gia đình nghèo khó và rất đông con. Trụ cột trong gia đình – người cha là một thợ kim hoàn có tiếng thuộc dòng họ Albrecht. Ông phải làm việc quần quật suốt 18 tiếng một ngày, từ sáng sớm đến tối khuya trong nhà xưởng và đi làm thuê làm mướn bất cứ công việc gì cho người dân trong vùng để nuôi đàn con khôn lớn.

Mặc dù sống trong gia cảnh nghèo khó, nhưng hai cậu con trai đầu lòng nhà Albrecht luôn ấp ủ một ước mơ trở thành một nghệ sỹ tài ba. Tuy vậy chúng cũng hiểu rằng cha mình chẳng bao giờ có đủ tiền để chu cấp cho một trong hai đứa tới học tại trường nghệ thuật ở Nuremberg.

Sau nhiều đêm bàn bạc trên chiếc gường chật chội của mình, hai anh em cuối cùng cũng đã thỏa thuận được rằng: chúng sẽ tung đồng xu để phân định và người thua cuộc sẽ phải nghỉ học, đi làm thuê trong các hầm mỏ để kiếm tiền nuôi người kia ăn học thành tài. Người thắng sẽ hoàn thành việc học tập trong vòng 4 năm và sau đó quay trở lại kiếm tiền để nuôi người anh em còn lại của mình đi học bằng việc bán những bức tranh hay thậm chí là đi làm thuê trong các hầm mỏ.

Vậy là sự việc tung đồng xu định mệnh của anh em nhà Albrecht đã được diễn ra vào một buổi sáng chủ nhật nọ, ngay phía sau nhà thờ. Cuối cùng thì người anh – Albrecht Durer đã thắng cuộc và tới Nuremberg học mĩ thuật; còn người em – Albert phải nghỉ học và đi làm thuê trong những hầm mỏ, ròng rã suốt 4 năm trời vô cùng cực nhọc để kiếm tiền nuôi anh ăn học.

Người anh nhanh chóng trở thành một học trò xuất sắc ở trường. Những tác phẩm tranh vẽ, tranh khắc gỗ và tranh sơn dầu của anh thậm chí còn đẹp hơn hẳn những bức tranh khác của các bậc thầy dạy. Như một lẽ đương nhiên, ngay khi vừa tốt nghiệp, Albrecht Durer đã bắt đầu kiếm được rất nhiều tiền từ các tác phẩm của mình.

Chàng trai trẻ trở về nhà trong niềm vui sướng hân hoan của cả gia đình. Buổi tối hôm đó, nhà Albrecht tổ chức một bữa tiệc ăn mừng lớn. Buổi tiệc tràn đầy tiếng nhạc và những lời chúc tụng. Albrecht Durer rời bàn ăn tiến tới bên người em trai yêu dấu đã bao năm vất vả lam lũ nuôi mình ăn học để nói lời biết ơn và cùng nâng cốc chúc mừng.

Đoạn cuối, Albrecht Durer dõng dạc tuyên bố:

– Này Albert! Em trai yêu quý của anh. Đã đến lúc anh chăm lo cho em được rồi. Em hãy tới Nuremberg để theo đuổi ước mơ của mình đi, anh sẽ trang trải mọi việc và luôn ở bên cạnh em.

Mọi ánh mắt đều dõi nhìn về phía cuối bàn ăn nơi Albert đứng, với niềm xúc động khôn cùng.

Nhưng người em vẫn đứng đó cúi đầu trong im lặng. Những giọt nước mắt lăn dài xuống hõm má gầy gò xanh xao của anh… và Albert nấc lên trong thổn thức:

– Không, không… không!

Cuối cùng, Albert ngẩng đầu lên và lau những giọt nước mắt trên đôi gò má hốc hác, anh nhìn mọi người khắp một lượt, rồi run rẩy áp đôi bàn tay của mình lên bên má phải và nghẹn ngào nói:

– Albrecht Durer! Anh ơi, em không thể! Em không thể tới học ở Nuremberg, đã quá muộn rồi anh ạ. Anh nhìn đôi tay em này, anh ơi! Ôi, bốn năm qua làm việc trong các hầm mỏ, nó đã làm gì đôi bàn tay em! Ngón tay nào của em cũng không còn nguyên vẹn, gần đây em luôn bị dày vò bởi bệnh đau khớp ở tay phải, nó đau đến nỗi, em thậm chí còn không thể nâng ly chúc mừng anh, thế thì sao mà em có thể vẽ nên những bức tranh tinh tế trên giấy bằng chì và cọ hả anh? Thôi anh ơi, em đã muộn rồi!

Cả phòng tiệc chìm đi trong im lặng. Rất nhiều người lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. Albrecht Durer ôm choàng lấy cậu em trai Albert gầy gò tội nghiệp mà không thốt lên lời!…

***

Hơn 400 năm đã trôi qua, giờ đây hàng trăm kiệt tác của Albrecht Durer vẫn được treo khắp các viện bảo tàng nổi tiếng trên toàn thế giới. Những bức chân dung, những bức phác họa, tranh màu nước, những bức tranh vẽ bằng chì than, những bản tranh khắc gỗ, khắc đồng của ông… đều trở thành kiệt tác nghệ thuật được bảo tồn, đấu giá, sao lưu và triển lãm khắp nơi.

Nhưng có một bức họa được coi là ‘kiệt tác trong những kiệt tác’ của Albrecht Durer được những người yêu hội họa toàn cầu biết tới đó chính là bức tranh mà người danh họa này vẽ bằng cả tài năng, lòng trân trọng và biết ơn của mình đối với sự hy sinh thầm lặng của người em trai Albert:

Nhiều đêm thâu, Albrecht Durer đã miệt mài vẽ bức tranh về đôi bàn tay không còn lành lặn của người em trai yêu dấu, với những ngón tay bình dị, khắc khổ chụm vào nhau hướng lên bầu trời. Ông đơn giản chỉ đặt tên cho bức họa là: “Đôi bàn tay”, nhưng hết thảy công chúng khi chiêm ngưỡng tuyệt tác này và được nghe câu chuyện cảm động về tình anh em của nhà Albrecht thì đều xúc động và gọi đó là bức họa: “Đôi bàn tay nguyện cầu”.

Theo Đường Trung Nguyên.

 

Bao Nguyen Quang