1/ Xã hội La Mã.
Nền Văn Hóa của xứ sở Hy Lạp đã ảnh hưởng tới xứ sở La Mã, lan tỏa sang tận xứ Gaul mà Julius Caesar đã chinh phục. Tại xứ sở La Mã, giới quý tộc đã theo các trường phái tư tưởng của xứ sở Hy Lạp, đặc biệt là triết thuyết Hưởng Lạc (Epicureanism) và triết thuyết Khắc Kỷ (Stoicism).
Nói một cách đơn giản, triết thuyết Hưởng Lạc chủ trương tận hưởng các thú vui, tiện nghi và đời sống vật chất cao với một phần nào phong cách lịch sự. Triết thuyết Khắc Kỷ là trường phái triết học do Zeno of Sinope (vào khoảng năm 300 trước Tây Lịch) lập ra tại kinh thành Athens, Hy Lạp, đã ảnh hưởng trên toàn thế giới Hy Lạp – La Mã cho tới năm 200 sau TL. Theo triết thuyết này, con người do lý trí (reason) nên chấp nhận định mệnh và thản nhiên trước các sự việc xẩy ra, các đức tính đều do ý chí (the will) và chỉ có ý chí là xấu hay tốt. Các người theo triết thuyết Khắc Kỷ tìm cách giải thoát khỏi sự giàng buộc của dục vọng (desires) và đam mê (passions).
Nhân vật
La Mã danh tiếng nhất theo triết thuyết Hưởng Lạc là thi sĩ Lucretius (98-55
trước TL), tác giả một tập thơ triết lý dài có nhan đề là “Về Bản Chất của Sự Vật”
(On the Nature of Things). Qua tác phẩm này, Lucretius mong muốn cắt nghĩa vũ
trụ bằng cách khiến cho mọi người không còn sợ hãi siêu nhiên (supernatural) bởi
vì ông ta cho rằng đây là trở ngại chính của sự bình an trong tâm hồn.
Theo Lucretius, mọi sự vật và thế giới là kết quả của các phối hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử (atoms) và mặc dù công nhận sự hiện hữu của các thần linh nhưng ông diễn giải rằng các thần linh này sống trong niềm an lạc vĩnh cửu, đã không tạo ra vũ trụ hay điều hành vũ trụ. Mọi sự việc, kể cả các con người, các niềm tin và các tập quán, là sản phẩm của cách tiến hóa cơ học (mechanical evolution). Bởi vì tinh thần liên kết chặt chẽ với vật chất, sự chết là sự tận diệt tuyệt đối, nên không một phần nào còn lại của con người có thể sống còn để lãnh thưởng hay bị phạt ở thế giới bên kia.
Thi sĩ Lucretius quan niệm thật đơn giản về đời sống: mọi người chỉ cần bình an trong tâm hồn và một tấm lòng tốt. Nhiều người có thể không đồng ý với thứ triết lý này nhưng về thơ phú, Lucretius được xếp vào hạng các nhà thơ bậc nhất của thời đại đó bởi vì cách diễn tả hùng tráng và nhịp điệu trong các lời thơ của ông.
Triết thuyết Khắc Kỷ được đưa qua thành Rome vào khoảng năm 140 trước TL, đã ảnh hưởng tới một số lớn các nhà lãnh tụ có ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng. Nhân vật lớn lao nhất trong số các lãnh tụ này là Cicero (106-43 trước TL), người được coi là “người cha của môn Hùng Biện La Mã”.
Cicero
Mặc dù
Cicero đã dùng một số học thuyết của vài nhà triết học Hy Lạp, kể cả Plato và
Aristotle, nhưng ông đã bị ảnh hưởng nhiều hơn vì triết thuyết Khắc Kỷ. Triết
Gia Cicero cho rằng các đức tính thì cần thiết cho hạnh phúc và sự bình an
trong tâm hồn là thứ tốt lành nhất. Ông tin rằng một người lý tưởng khi được hướng
dẫn bởi lý trí (reason) tới độ không còn bị ảnh hưởng bởi nỗi buồn rầu và đau đớn.
Cicero khác với các nhà khắc kỷ Hy Lạp do thiên nhiều hơn về đời sống hoạt động
và chính trị, về vấn đề này, ông bênh vực truyền thống Cổ La Mã là phải phục vụ
xứ sở.
Cicero không phải là một nhà triết học sáng tạo mà là nhân vật rất thành công trong việc mang nền Triết Học của xứ Hy Lạp qua Phương Tây. Ông đã viết văn xuôi bằng tiếng La Tinh một cách rất phong phú và lịch sự tới độ không ai hơn được và các bài luận văn của ông đã trở nên tiêu chuẩn cho tới ngày nay. Các tác phẩm còn được lưu truyền của Cicero gồm 58 bài diễn giảng (orations), hơn 900 bức thư, các tập thơ, các tập khảo sát về triết học, chính trị và các sách hùng biện (rhetoric).
Lucretius và Cicero là hai nhân vật La Mã hàng đầu đã truyền bá các Tư Tưởng Hy Lạp sang xứ Cộng Hòa La Mã, khiến cho giai cấp thượng lưu của xứ sở này phải theo học tiếng Hy Lạp và cố gắng chuyển dịch các hình thức phổ thông nhất của Văn Chương Hy Lạp qua tiếng La Tinh. Trong số các tác phẩm của người La Mã vào thời kỳ này có thể kể ra là các hài kịch tầm thường của Plautus (257?-184 trước TL), các tập thơ tình yêu của Catullus (84?-54? trước TL) và các hồi ký của Julius Caesar.
Ngoài ảnh hưởng kiến thức, nền Văn Minh của người Hy Lạp đã làm cho xã hội của người La Mã thay đổi trong việc phân chia thành các giai cấp. Vào thời điểm Caesar bị ám sát, dân số La Mã vào khoảng 8 triệu người, xã hội được chia thành 4 giai tầng chính: giới quý tộc nghị viện, giới quý tộc hiệp sĩ, giới dân thường và giới nô lệ.
Số nhà quý tộc nghị viện vào khoảng 300 người với gia đình, phần lớn họ nắm giữ các chức vụ quan trọng và là chủ nhân của các vùng đất rộng lớn. Giới quý tộc hiệp sĩ gồm các gia đình có tài sản nhưng không thuộc Thượng Viện. Khởi đầu họ là các công dân có đủ tiền bạc để trang bị phần binh lực, họ là những người cho vay nặng lãi, cũng là những kẻ chính yếu bóc lột lớp dân nghèo. Giới bình dân là các nông dân độc lập, một số các công nhân thủ công, các cư dân thành thị bần cùng sinh sống bằng công việc qua ngày hay nhờ trợ cấp. Khi Julius Caesar trở nên nhà độc tài, đã có vào khoảng 320,000 người thuộc giới này xin thực phẩm công.
Cuối cùng, các kẻ nô lệ trong xã hội La Mã ít khi được coi trọng là những con người, mà bị coi ngang hàng với súc vật, họ là thứ công cụ sản xuất mặc dù đã có một số người nước ngoài có học thức cao bị bắt làm tù binh và bị bán làm dân nô lệ. Chính sách chung của chủ nhân nô lệ là khai thác họ càng nhiều càng tốt cho tới khi kẻ nô lệ bị chết vì kiệt sức hoặc được thả ra do tiền chuộc.
Tại kinh thành Rome cũng có một số nô lệ được đối xử tử tế, vài người được phép buôn bán, một số khác là các thợ thủ công có tài nhưng đa số lớp dân này đã phải sống trong hoàn cảnh tàn nhẫn vì thiếu ăn dù cho họ là thành phần chính sản xuất thực phẩm. Các người nô lệ còn phải làm các công việc không sản xuất như phạm vi giải trí, họ là các kẻ giác đấu (gladiators) sẽ bị giết vì thú dữ trong các cuộc tiêu khiển nơi đấu trường, họ cũng là các người giúp việc nhà, là gia sư dạy trẻ em, là hầu phòng hay phu đổ rác, quét đường.
Do tiếp xúc với nền Văn Minh Hy Lạp, niềm tin Tôn Giáo của người La Mã đã bị thay đổi. Cách thờ phượng thần bí của phía Đông đã làm vừa lòng đa số dân chúng và lớp dân bần cùng tin tưởng vào sự bất tử sau khi qua đời. Người La Mã đã thờ cúng thần Osiris hay thần Serapis của xứ Ai Cập, thờ Mẹ Cao Cả (the Great Mother) của miền Tiểu Á và phổ biến nhất vào cuối thời đại là đạo Ba Tư Mithraism với chủ thuyết về đời sống của linh hồn sau khi chết và các nghi thức cúng tế gây sợ hãi.
2/ Thời kỳ đầu của Đế Quốc La Mã.
Trước khi
bị ám sát vào năm 44 trước TL, Julius Caesar đã xác nhận người kế vị là người
cháu Octavian (63 trước TL–14 sau TL). Octavian tên thực là Gaius Octavius,
sinh tại Rome vào ngày 23/9/63 trước TL, là cháu gọi Julius Caesar là ông chú,
được viên Tổng Tài này nhận là người kế nghiệp với danh xưng là Gaius Julius
Caesar Octavianus hay Octavian.
Khi Julius Caesar bị ám sát vào năm 44 trước TL, Octavian 18 tuổi đang sinh sống tại Illyria là vùng đất bên kia biển Adriatic. Nhận được thư của mẹ dặn hãy trốn qua phía đông nhưng Octavian đã vội vã trở về kinh thành Rome, nơi đây ông ta tập hợp các người theo Caesar trước kia, lại được Thượng Viện ủng hộ vì vậy hai đối thủ là Mark Antony và Lepidus phải dàn hòa với Octavian để lập nên Tam Đầu Chế, chống lại nhóm quý tộc đã chủ mưu vụ ám sát. Các kẻ phạm tội hay bị nghi ngờ đã bị truy lùng và giết chết, tài sản của họ bị tịch thu. Một nạn nhân danh tiếng trong vụ trả thù này là nhà triết học Cicero, đã bị bọn côn đồ của Mark Antony hạ sát một cách tàn nhẫn dù cho ông ta không dính dáng gì tới âm mưu kể trên.
Vào năm 42 trước TL, đạo quân của Tam Đầu Chế này đã đánh thắng quân đội Cộng Hòa do Brutus và Cassius lãnh đạo. Sau đó Lepidus bị tước bỏ quyền lực và đã xẩy ra sự ghen tị giữa Antony và Octavian. Antony qua miền đông, hợp tác với Cleopatra và chủ trương chế độ Bạo Chúa (despotism). Octavian củng cố lực lượng miền tây, theo các truyền thống Văn Hóa Hy Lạp. Giống như cuộc tranh chấp giữa Caesar và Pompey khi trước, phe miền tây đã chiến thắng. Trong cuộc hải chiến Actium vào năm 31 trước TL, lực lượng của Octavian đã đánh bại Antony và Cleopatra khiến cho hai người này phải tự tử và cuộc chiến thắng của Octavian đã củng cố ảnh hưởng của nền Văn Minh Hy Lạp, nhất là về phương diện tư tưởng và lối sống thành thị.
Augustus
Sau cuộc
chiến thắng Actium là thời kỳ thịnh vượng và huy hoàng nhất của La Mã. Lúc trở
về Rome, Octavian đã tuyên bố phục hồi được nền hòa bình trên toàn lãnh thổ, đã
cai trị đất nước như một viên Tổng Tài (consul) trong 4 năm rồi qua năm 27 trước
TL, Thượng Viện đã đề nghị Octavian mang danh hiệu “Hoàng Đế” (emperor hay
augustus).
Thực ra vào thời gian này, danh từ “emperor” chỉ có nghĩa là một "tướng lãnh chiến thắng" rồi các người kế tiếp Octavian đã dùng tước vị emperor để chỉ nhà cai trị xứ sở La Mã trong khi chính Octavian ưa thích được gọi một cách khiêm tốn là “princes civitatis” hay “công dân thứ nhất”. Từ nay Octavian hay Augustus là nhân vật đứng đầu xứ sở La Mã nhưng Augustus không muốn trở nên một nhà độc tài. Theo nguyên tắc, quyền lực tối cao thuộc về Thượng Viện và toàn dân, nhưng Augustus đã nắm quân đội, tùy ý quyết định mọi chính sách của chính quyền và rất may mắn cho xứ sở La Mã, Augustus là một chính khách thiên tài.
Augustus nhận thấy rằng một vương quyền tuyệt đối mới có thể cứu xứ sở La Mã khỏi bị nội chiến và tình trạng vô chính phủ, nên ông ta đã làm hòa hợp vương quyền quân sự với các định chế cộng hòa: các pháp quan vẫn được bầu ra và các đại hội đồng vẫn tụ họp, Thượng Viện vẫn điều khiển một số tỉnh xa, trông coi ngân quỹ và cố vấn cho Hoàng Đế. Như vậy triều đại của Augustus đã chấm dứt nền Cộng Hòa La Mã và khởi đầu Đế Quốc La Mã.
Augustus đã xây dựng đạo quân tinh nhuệ và duy trì lòng trung thành của các binh lính bằng cách ban cho giới cựu chiến binh các trợ cấp và đất cày cấy trên xứ sở Ý hay tại các tỉnh xa. Ông đã ra lệnh sửa chữa các đường lộ, thiết lập một hệ thống đồng tiền mới xử dụng trong toàn đế quốc, đặt ra các loại công chức gồm cả giới cảnh sát và lính cứu hỏa, cho các tỉnh và thành phố nhiều quyền tự trị hơn trước, chỉ cho phép nhân viên thu thuế nhận một phần nhỏ tiền công và kiểm soát họ chặt chẽ, và đặc biệt nhất là chương trình thuộc địa hóa các tỉnh để di chuyển bớt số dân chúng quá đông qua nơi khác, làm giảm các sức căng xã hội và các biến động chính trị nhờ cách phân phát thực phẩm miễn phí cho giới dân nghèo, vì vậy nền thịnh vượng được gia tăng.
Nền Hòa Bình La Mã này, được gọi là Pax Romana, kéo dài trong 200 năm. Chưa bao giờ trên thế giới của thời cổ xưa này đã kéo dài đến như vậy, nền hòa bình, trật tự do luật pháp được tôn trọng, cách quản trị hành chánh hữu hiệu và nền thịnh vượng kinh tế.
Sau khi Augustus qua đời vào năm 14 sau TL, có 4 người kế nghiệp, họ đều liên hệ với Augustus hay bà vợ thứ ba của vị hoàng đế này là Livia, và thời gian cai trị của họ kéo dài từ năm 14 trước TL tới năm 68 sau TL, được gọi là triều đại Julio-Claudian, với nhiều vụ âm mưu, ám sát, hành quyết...
Tuy nhiên các thành quả của Augustus vẫn được duy trì nhờ nền hành chánh vững vàng, nhờ binh lực trung thành và kỷ luật. Cho tới cuối thế kỷ thứ nhất, xứ La Mã không có nhà cai trị nào thực sự tài giỏi ngoại trừ Claudius (41-54). Các người kế vị Augustus đều là các bạo chúa tàn nhẫn, đã tiêu phí các tài nguyên của đất nước, đã thực hiện các bạo động đẫm máu, xấu xa nhất là Caligula (12-41, hoàng đế 37-41) và Nero (37-68, hoàng đế 54-68).
Caligula có nghĩa là “đôi giày ống nhỏ” (little boots), tên chính thức là Germanicus Gaius Caesar, được kế ngôi hoàng đế của Tiberius. Caligula bị bệnh thần kinh, thường phạm phải các hành động bất thường và tàn ác, đã hành quyết các người ủng hộ mình trước kia và tống tiền các công dân, phong nữ thần (goddess) cho chị ruột là Drusilla khi bà này qua đời. Caligula đã ra lệnh đặt bức tượng bằng vàng của chính mình trong ngôi đền Do Thái tại Jerusalem, gây nên sự phản đối mãnh liệt của sắc dân này, hạ lệnh cướp phá xứ Gaul vào năm 40 và chuẩn bị xâm lăng các hòn đảo Anh. Do các hành vi tàn bạo, Caligula bị ám sát chết vào năm 41.
Nero
Nero có
tên đầy đủ là Nero Claudius Caesar Augustus, là con nuôi của Claudius khi vị
hoàng đế này kết hôn với mẹ của Nero là Agrippina Trẻ (the Younger), đã lên
ngai vàng khi bà này đầu độc Claudius. Nero được mẹ và Seneca dạy dỗ nhưng bạo
chúa này đã giết mẹ và loại trừ các cố vấn để được tự do hành động, đã hành hạ
các tín đồ Thiên Chúa giáo, ra lệnh xây lâu đài lòe loẹt Domus Aurea.
Vào năm 64, một trận hỏa hoạn đã tiêu hủy kinh thành Rome, có lẽ do lệnh của bạo chúa Nero này. Nero đã giết vợ là Octavia và cả người vợ kế tiếp là Poppaea, ra lệnh cho thầy cũ là Seneca phải tự sát, hành quyết các thượng nghị sĩ chống đối. Trong thời kỳ cai trị của Nero, xứ sở La Mã đã suy đồi, các vụ nổi loạn diễn ra tại xứ Gaul và xứ Tây Ban Nha. Nero bị Thượng Viện La Mã kết án, đã chọn cách tự sát để không bị hành quyết.
Sau thời kỳ bạo chúa Nero là tình trạng vô chính phủ (anarchy) với các tướng lãnh tranh giành ngai vàng, với 3 hoàng đế bị giết rồi Vespasian lên làm hoàng đế (69-79 sau TL), mở đầu triều đại Flavian. Vào thời gian này, các người Do Thái sinh sống trong miền Judea đã chống cự các nhà cầm quyền La Mã trong cuộc chiến tranh giải phóng vào năm 66. Năm 70, sau 5 tháng bao vây, quân đội La Mã đã chiếm kinh thành Jerusalem, phá hủy các đền đài Do Thái, triệt hạ các thành lũy kể cả đồn lũy Masada trên bờ phía tây của vùng Biển Chết (the Dead Sea).
Kế nghiệp Hoàng Đế Vespasian là hai người con Titus (79-81) và Domitian (81-96). Dưới thời Titus, núi Vesuvius đã phun lửa, tàn phá các thành phố Pompei và Herculaneum. Do hành quyết nhiều nhân vật La Mã uy tín, Domitian đã bị ám sát vào năm 96. Triều đại Flavian chấm dứt nhưng nền hòa bình trong xứ vẫn được duy trì và biên giới của đế quốc La Mã vẫn bành trướng. Sau đó Thượng Viện La Mã bầu ra một nhân viên làm hoàng đế là Nerva với thời gian cai trị tuy ngắn (96-98) nhưng từ nay đã có một tục lệ tốt kéo dài tới năm 180, đó là vị hoàng đế chọn lựa một người có khả năng làm con nuôi để kế tục ngai vàng.
Từ năm 96 là thời kỳ xứ sở La Mã có chính quyền mạnh và ổn định với 5 vị hoàng đế tài giỏi, đó là Nerva (96-98), Trajan (98-117), Hadrian (117-138), Antoninus Pius (138-161) và Marcus Aurelius (161-180). Các vị này đều là các nhà quản trị thiên tài, đã truyền lại cho người kế vị một đất nước khéo tổ chức và đoàn kết.
Kế nghiệp Hoàng Đế Nerva là Trajan, người đã giảm bớt thuế má tại các tỉnh xa, giúp đỡ trẻ em nghèo và cho xây dựng các kiến trúc công cộng. Đạo quân La Mã trong thời gian này đã chinh phục xứ Dacia (gồm các phần đất thuộc hai nước Romania và Hungary ngày nay), đánh vương quốc Parthia tại đông nam Biển Caspian, chiếm Armenia và tiến quân vào Vịnh Ba Tư, nhưng khi các lực lượng đối nghịch nổi lên, quân La Mã phải rút lui vì thiếu liên lạc.
Hoàng đế Hadrian củng cố các biên giới kể cả tại nước Anh, dập tắt cuộc nổi dậy Do Thái thứ hai tại Judea (132-135), đa số người Do Thái bị giết và bị bán làm nô lệ hoặc bị phân tán đi bốn phương. Antoniunus Pius là hoàng đế đầu tiên áp dụng các cải cách nhân đạo do giới hạn quyền lực hành hạ các người nô lệ của chủ nhân, thiết lập nguyên tắc theo đó một người được coi là vô tội tới khi chứng minh được sự phạm tội của người đó. Trong thời gian cai trị của vị hoàng đế này, xứ sở La Mã vẫn thái bình và thịnh vượng.
Đế quốc La Mã vẫn tiếp tục bành trướng với độ gia tăng nhất dưới thời kỳ của Augustus. Quân La Mã đã tiến vào miền trung tâm của châu Âu, chinh phục các vùng đất mà ngày nay là Thụy Sĩ, Áo và Bulgaria và chỉ thất bại tại nước Đức khiến cho Augustus đặt biên giới tại các dòng sông Rhine và Danube. Qua năm 43, Hoàng Đế Claudius chinh phục xứ Anh Cát Lợi rồi sang thế kỷ sau, Hoàng Đế Trajan đã thêm phần đất Romania ngày nay vào lãnh thổ La Mã, đã chinh phục miền Mesopotamia và đối đầu với lực lượng Ba Tư. Đế quốc La Mã chỉ bị thu hẹp vào thế kỷ thứ ba.
Trong hai thế kỷ, các Hoàng Đế La Mã từ Augustus tới Marcus Aurelius đã cai trị một đế quốc rất rộng lớn vào thời đó, từ biên giới xứ Tô Cách Lan tới biên giới xứ Ba Tư và vùng Địa Trung Hải dưới quyền một lực lượng, khiến nhà sử học Gibbon đã phải nói: “Đế quốc La Mã bao gồm phần đất đẹp đẽ nhất và văn minh nhất của nhân loại” với nền Hòa Bình La Mã được gọi là “Pax Romana”. Tại khắp nơi trong đế quốc này đã có nhiều sân vận động, đền đài, công trường với vòi nước phun, công xưởng, trường học …
3/ Nền Văn Hóa La Mã.
Các thành quả trí thức và nghệ thuật của thời kỳ ban đầu của đế quốc La Mã rực rỡ hơn các thời kỳ sau. Ba nhân vật xuất sắc đã sinh sống tại kinh thành Rome trong hai thế kỷ sau Augustus, là Seneca (4 – 65 sau TL), có thời kỳ làm cố vấn cho Bạo Chúa Nero, Epictetus (60?-120), một người nô lệ kiêm triết gia và Hoàng Đế Marcus Aurelius (121-180). Cả ba nhân vật này đều cho rằng sự thanh thản nội tâm (inner serenity) là mục đích tối hậu của con người, mọi người phải ăn năn vì bản chất tội lỗi của mình và phải vâng theo lương tâm (conscience).
Thành quả về Văn Chương được chia ra làm hai thời kỳ: Thời Kỳ Vàng dưới triều đại của Hoàng Đế Augustus và Thời Kỳ Bạc vào thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch.
Nhà thơ bậc nhất của Đế Quốc La Mã là Virgil (70 trước TL- 19 sau TL) với các tập thơ đồng quê có tên là Eclogues (các bài đồng dao ngắn) đã diễn tả lối nhìn lý tưởng về đời sống của con người hòa điệu với thiên nhiên. Các tập thơ này cũng ca ngợi Augustus là nhân vật đã mang lại nền hòa bình và phong phú cho dân chúng.
Tác phẩm chính của Virgil là tập thơ anh hùng ca Aeneid nói về người anh hùng thành Troy tên là Aeneas, là ông tổ nhiều đời của dân tộc La Mã, đã tả lại việc thành lập của một xứ sở hùng vĩ bằng chiến tranh và công sức, và báo trước tương lai huy hoàng của La Mã. Virgil đã cho rằng xứ sở La Mã có nhiệm vụ linh thiêng là phải mang lại nền hòa bình và đời sống văn minh cho thế giới, ông đã ca ngợi Augustus hoàn thành nhiệm vụ của một nhà cai trị được thần linh chỉ định. Theo Virgil, người Hy Lạp là các nhà điêu khắc, các nhà hùng biện, các nhà tư tưởng tài giỏi... nhưng chỉ có người La Mã mới biết cách quản trị một đế quốc.
Các Nhà Văn chính trong Thời Kỳ Vàng gồm có Horace (65-8 trước TL), Livy (59 trước TL - 17 sau TL) và Ovid (43 trước TL- 17 sau TL). Horace với tư tưởng triết học, đã sáng tác các bài thơ (odes) rút nguồn từ các triết thuyết Hưởng Lạc và Khắc Kỷ. Livy là nhà sử học với tác phẩm chính “Lịch Sử của Thành Rome” (The History of Rome) đã gợi lên các cảm xúc ái quốc. Tác phẩm của Livy có giá trị do mô tả các đặc tính đã giúp cho xứ sở La Mã hùng vĩ. Ovid với lời văn châm biếm hơn, đã kể lại các truyền thuyết Hy Lạp trong 15 tập thơ có tên là “Metamorphoses” (Biến Thái) bằng các câu thơ vừa trí thức, vừa dâm đãng (eroticism). Cũng vì các lời thơ châm biếm và dâm dật này mà nhà thơ Ovid bị hoàng đế Augustus cấm vào cung điện.
Nền Văn Chương của Thời Kỳ Bạc kém phần cân bằng và ổn định hơn thời kỳ trước, thường đề cập tới tính tự giác. Các câu chuyện của Petronius và Apuleius đã mô tả các nét vẻ kỳ lạ và đôi khi dơ bẩn của đời sống La Mã với mục đích giải trí. Các tác phẩm với quan điểm khác là của
Juvenal
(60?-140 sau TL), nhà châm biếm, và của Tacitus (55-117), nhà viết sử.
Juvenal đã mô tả các thoái hóa luân lý của các hoàng đế và lớp người đương thời, chỉ trích bằng các câu ngắn, hùng biện, nên thường được người đời sau dùng làm các câu châm ngôn. Tacitus là nhà văn cùng thời nhưng trẻ hơn, đã mô tả các đức tính của dân tộc Đức thời bấy giờ được coi là sắc dân lương thiện, biết yêu chuộng tự do, trái nghịch với các thói xấu của xã hội La Mã suy đồi. Tacitus nổi danh về các câu ẩn dụ, châm biếm nhưng khôn ngoan, chẳng hạn như về các chinh phục của quân đội La Mã, ông đã mượn lời của một tù trưởng của một bộ lạc sơ khai để nói rằng: “Họ gây nên cảnh hoang tàn mà gọi đó là hòa bình” (They create a wilderness and call it peace).
Trong thời kỳ đầu của Đế Quốc La Mã, Nghệ Thuật đã được nhập cảng từ xứ Hy Lạp và miền Tiểu Á. Các đạo quân viễn chinh La Mã đã mang về xứ sở của họ các con thuyền chất đầy các bức tượng, các bức khắc nổi, các cột đá hoa… Đây là tài sản của các kẻ giàu có, dùng để làm đẹp các tòa nhà đồ sộ. Khi cần, hàng trăm bản sao được làm ra khiến cho trong xã hội La Mã này tràn ngập các trang trí nghệ thuật.
Sự vinh quang của xứ sở La Mã được thể hiện bằng các kiến trúc công cộng vĩ đại và các bản vẽ tường rất tỉ mỉ. Về Kiến Trúc, người La Mã đã thí nghiệm về loại mái vòm (dome), đi tiên phong trong việc xây dựng các giảng đường lớn, các nhà tắm công cộng và các sân đua thể thao. Các tòa nhà công cộng thường có cấu trúc đồ sộ và chắc chắn. Trong số các công trình danh tiếng và lớn lao nhất, phải kể tới Điện Pantheon với mái vòm đường kính 142 feet và đấu trường Colosseum có thể chứa được 50,000 khán giả coi các cuộc giác đấu.
Liên quan tới kỹ thuật Xây Dựng còn có các công trình Công Chánh. Các Hoàng Đế La Mã đã cho xây dựng các con đường và các cây cầu tuyệt vời, dấu tích còn lưu lại cho tới ngày nay.
Vào thời kỳ của Hoàng Đế Trajan, 11 cầu dẫn nước (aqueducts) đã mang nước từ các ngọn đồi gần đó về Kinh Thành Rome, cung cấp mỗi ngày 300 triệu gallon nước (1,200 triệu lít) cho dân chúng. Nước đã được phân phối khéo léo tới tận nhà của các gia đình giàu có, để làm các vòi nước và tưới các vườn cây cũng như đổ vào các hồ tắm. Hoàng Đế Nero đã cho xây dựng Tòa Nhà Vàng (the Golden House) tại trung tâm Kinh Thành Rome với các vòi phun ra nước hoa, với các bồn tắm chứa nước lá thơm và một hồ tắm “rộng như biển”.
Một phần đáng quan tâm của xã hội La Mã là vai trò của giới phụ nữ thượng lưu vào thời kỳ đầu của đế quốc. Nhờ có nhiều nô lệ nuôi trong nhà chăm sóc việc nội trợ và quản lý tài sản, lớp phụ nữ này được giáo dục và tương đối được tự do theo đuổi các công trình nghệ thuật và trí thức. Vài mệnh phụ đã theo học triết học, làm thơ hay chủ tọa các câu lạc bộ văn học.
Trong xã hội La Mã, người phụ nữ được đặt tên theo cha với chữ tận cùng chỉ nữ giới, chẳng hạn như Marcia là con gái của ông Marcus, Claudia là thiếu nữ của gia đình Claudius và Julia từ Julius. Người phụ nữ La Mã cũng được các họa sĩ vẽ chân dung, tạc tượng do các nhà điêu khắc và hình ảnh của người vợ và ngay cả các con gái của các Hoàng Đế cũng được đúc trên các đồng tiền do vị Hoàng Đế muốn đề cao sự cao sang của gia đình.
Xã hội La Mã còn có một đặc tính khác, đó là tính tàn ác (cruelty). Trong khi người Hy Lạp giải trí nhờ các rạp hát thì người La Mã ưa thích các cảnh đấu trường (circuses) trong đó có màn giết người. Thứ giải trí phổ thông nhất của xã hội này là coi các cuộc giác đấu (gladiatorial combats) trong các võ đài lớn chứa hàng ngàn người với các khán giả ngoài lớp dân thường còn có các nhà quý tộc giàu có và thường là chính các quan tổng trấn, tổng tài tham dự.
Trong khi ở dưới sân các võ sĩ đâm chém nhau thì các khán giả trên khán đài có thói quen la ó, chửi rủa một cách man rợ, và khi một kẻ bị thương ngã xuống, khán giả được hỏi nên tha hay nên giết kẻ thua cuộc. Trận giác đấu còn diễn ra giữa con người và các thú dữ. Phần lớn các võ sĩ giác đấu là các kẻ nô lệ hay tội phạm, nhưng cũng có kẻ tình nguyện như Commodus, đứa con hư hỏng của Hoàng Đế Marcus Aurelius, tham gia đấu trường vì các tràng vỗ tay của khán giả.
Về tôn giáo, xã hội La Mã có hàng ngàn người theo đạo thờ thần Mithras của xứ Ba Tư (Mithraism), thờ thần Serapis của xứ Ai Cập hay thờ Mẹ Cao Cả (the Great Mother) của miền Tiểu Á. Vào khoảng năm 40 sau TL, một số người theo Thiên Chúa giáo (Christians) bắt đầu thấy xuất hiện tại kinh thành Rome và tôn giáo mới này thay thế dần đạo Mithras trong niềm tin cứu dỗi.
Từ khi Hoàng Đế Augustus thiết lập nên thứ chính quyền ổn định, xứ sở La Mã đã thịnh vượng trong hơn hai thế kỷ. Nền mậu dịch đã bành trướng trong toàn khu vực, lan tỏa tới tận các xứ Ả Rập, Ấn Độ và Trung Hoa. Ngành sản xuất gia tăng, đặc biệt là đồ gốm, hàng dệt và các đồ dùng làm bằng kim loại hay thủy tinh.
Tuy nhiên sự giàu có không được chia xẻ đồng đều mà chỉ tập trung vào giới quý tộc, các công việc nặng nhọc đều do dân nô lệ đảm đương cho nên khi nguồn cung cấp nô lệ kém đi thì kỹ nghệ bị suy giảm, không đủ lượng hàng hóa xuất cảng, không cân bằng được nhu cầu các mặt hàng xa xỉ nhập cảng từ các xứ thuộc địa hay từ các nước khác, kết quả là xứ La Mã cạn dần số lượng quý kim và cho tới thế kỷ thứ ba, nền kinh tế của La Mã bắt đầu sụp đổ.
4/ Đế Quốc La Mã suy tàn.
Sau khi
Hoàng Đế Marcus Aurelius qua đời vào năm 180 sau TL, Đế Quốc La Mã suy thoái dần.
Một lý do thành công của 5 vị Hoàng Đế tài giỏi (the five good emperors) là những
vị này đã chỉ định những người trẻ, có tài năng làm người kế nghiệp mình, thay
vì xử dụng các con cháu hay các người trong dòng họ. Marcus Aurelius đã không
theo theo lề lối này mặc dù ông ta được coi là vị Hoàng Đế có tư tưởng triết học
cao nhất và là nhà cai trị hiểu biết sâu xa nhất. Marcus Aurelius đã không đủ
khôn ngoan để nhận biết rằng Commodus là đứa con bất tài, hư hỏng. Được làm
Hoàng Đế do ước muốn của cha, Commodus đã coi thường Thượng Viện, cai trị một
cách tàn ác khiến cho sau này bị ám sát vào năm 192.
Do thiếu người kế vị Commodus, các đạo quân của các tỉnh nổi lên và bắt đầu cuộc nội chiến. Quyền lực của Thượng Viện không còn được duy trì khi nhiều tướng lãnh như Septimius Severus (193-211) nắm quyền độc tài, chi phối nền chính trị của Đế Quốc. Từ năm 235 tới năm 284, đã có hơn 26 hoàng đế tự phong trong số này 25 người bị giết vì bạo loạn. Cuộc nội chiến này còn khiến cho nền kinh tế thảm bại, không những do nông nghiệp và mậu dịch bị ngưng trệ mà do tài sản của quốc gia bị cạn kiệt vì nuôi dưỡng các đạo quân. Thuế má gia tăng, đồng tiền mất giá, các nhà thủ công, các chủ đất… không còn động lực để sản xuất, dưới thời Hoàng Đế Marcus Aurelius, một bệnh dịch khủng khiếp đã lan ra khắp đế quốc, tàn phá đa số quân đội và dân chúng, rồi qua thế kỷ thứ ba, bệnh dịch quay trở lại và đã hoành hành trong 15 năm.
Vào giữa thế kỷ thứ ba, trong khi dân số La Mã giảm dần do bệnh dịch và các đạo quân trong nước đánh lẫn nhau, các bộ lạc Đức ở phương bắc và Ba Tư từ Phương Đông đã phá được các biên giới phòng thủ của quân đội La Mã. Vào năm 251, giống dân Goths đã đánh bại và giết chết Hoàng Đế Decius, băng qua dòng sông Danube và tàn phá vùng Balkans. Qua năm 260, Hoàng Đế La Mã Valerian đã bị quân Ba Tư bắt ngoài mặt trận, bị quỳ gối làm ghế kê đồ vật và khi chết rồi, xác bị nhồi rơm và treo lên để triển lãm. Những ngày huy hoàng của Hoàng Đế Augustus bị lùi xa dần.
5/ Các nguyên do của sự sụp đổ của Đế Quốc La Mã.
Đế Quốc La
Mã đã duy trì được hơn 200 năm tại Phương Tây và hơn 1,000 năm tại Phương Đông.
Đã có nhiều giả thuyết cắt nghĩa sự sụp đổ này. Có người cho rằng chất chì
(lead) dùng làm dụng cụ nấu ăn đã đầu độc nhiều người kể cả giới quý tộc và
hoàng đế, nhưng nếu vì lý do này, tại sao đế quốc La Mã đã tồn tại được khá
lâu. Có sử gia cắt nghĩa bằng sự suy đồi đạo đức, trình bày do các tác giả
Juvenal và Petronius, nhưng lý do này chưa hẳn là đúng bởi vì vào thời kỳ ban đầu
của đế quốc, các nhà quý tộc và dân chúng đã sinh sống trụy lạc hơn thời kỳ sau
với các tôn giáo chủ trương khắc khổ.
Một lý do khác của sự sụp đổ là do xứ sở này thiếu một đạo luật về thừa kế, khi một vị hoàng đế qua đời một cách đột ngột thì nội chiến xẩy ra. Chế độ này thường dùng tới bạo lực, không xử dụng đủ người làm việc cho chính quyền, người dân La Mã thường căm giận các nhân viên thu thuế, họ không hề trung thành với Đế Quốc. Nền Văn Minh La Mã chỉ được phát triển tại các thành phố, thực phẩm do các người nô lệ phụ trách, kỹ thuật không được chú trọng, kỹ nghệ bị coi thường.
Đế Quốc La Mã đứng vững nhờ các cuộc viễn chinh liên tục và cách đánh thuế áp chế. Cho tới thời Hoàng Đế Trajan, các chinh phục tại các xứ sở bên ngoài đã cung cấp nguồn nô lệ mới nhưng khi dân số giảm bớt vì các bệnh dịch, các áp lực biên giới cần thêm binh sĩ thì nạn thiếu nhân công đã làm trầm trọng nền kinh tế.
Các người La Mã không hề nghĩ tới việc phát triển một chính quyền có người dân đại diện, các xứ thuộc địa không phải là các thành phần chính trị của xứ sở, trong khi tôn giáo tuy có làm lợi cho gia đình và cho xứ sở nhưng không giúp cho con người tới gần các thần linh hay sống cuộc đời thánh thiện.
Tuy nhiên, nền Văn Minh La Mã đã để lại các di sản rất lớn lao và quan trọng trong nhiều thế kỷ. Ngành Kiến Trúc La Mã được tiếp tục duy trì qua thời Trung Cổ cho tới ngày nay. Hệ thống Luật Pháp La Mã đã được dùng trên khắp lục địa châu Âu và nền Văn Chương La Mã đã là tiêu chuẩn cho lối viết văn cho tới thế kỷ 19. Đạo Thiên Chúa là tôn giáo gốc của Phương Tây, đã bắt nguồn bên trong Đế Quốc La Mã, đã bị ảnh hưởng cả về phương pháp tổ chức lẫn luật pháp.
Cấu trúc của xứ sở La Mã đã là khuôn mẫu cho cách tổ chức Giáo Hội Cơ Đốc (the Catholic Church) với vị Giáo Hoàng còn mang danh hiệu Giáo Trưởng Tối Cao (pontifex maximus). Quan trọng hơn nữa là nhờ cách phiên dịch của các học giả La Mã, nền Văn Minh Hy Lạp đã được truyền sang miền đất phía tây của châu Âu. Các tư tưởng Hy Lạp như tự do của con người (human freedom) hay cá nhân độc lập (individual autonomy) đã được phát triển cùng với lối sống phát triển thành thị của người La Mã.
Do bảo tồn và bổ túc các ngành kiến thức như Triết Học, Văn Chương, Khoa Học và Nghệ Thuật của Hy Lạp, La Mã đã làm vững chắc các nền móng của nền Văn Minh Phương Tây.
Tiếng La Tinh là ngôn ngữ của Kinh Thành Rome, cũng là thứ chữ viết của Học Thức, Văn Chương và Luật Pháp, còn được dùng trong nhiều thế kỷ sau khi Đế Quốc La Mã đã suy tàn, rồi từ tiếng La Tinh, các ngôn ngữ khác đã phát triển: các tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Romania…
Lịch sử của Phương Tây đã bắt đầu bằng Lịch Sử La Mã, với khởi điểm là các nhân vật như Caesar, Cicero và Augustus.
Phạm Văn Tuấn (Đặc San Lâm Viên)
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, World Civilizations by Philip J. Adler & Randall L. Pouwels, Thomson Wadsworth, Boston, USA. 2008.