Được hình thành từ khoảng thế kỷ 5-8 sau công nguyên, pháo đài cổ Chufut-Kale là một di tích độc đáo nằm trên núi Burunchak được bao quanh bởi những vách đá dựng đứng và hệ thống hang động.
SAIGON NIỀM NHỚ (TÂP 81) :CHIẾC ĐÒN GÁNH.
Cho dù có nhiều… nhiều điều để nhớ về Sài gòn, chúng ta cảm thấy hình như vẫn chưa đủ....vì còn vài nỗi nhớ nhung phiêu dạt trong tâm tư trước cảnh hí trường đổi thay hơn 20 năm qua. Chúng lại pha trộn nhiều cảm xúc sâu sắc, mang thêm những nỗi nhớ bâng quơ, không chú ý kỷ thì ta không nhận ra. Những nỗi nhớ vụn vặt mà tất yếu có khơi ra ta mới vỡ lẽ nó đã chìm sâu vào ký ức mà không tài nào moi ra được và lâu rồi sẽ biến thành kỷ niệm chết dần trong tiềm thức. Chúng bàng quang bước vào vùng nhớ chợt thấy đó, và rồi vô tình biến ngay ra khỏi niềm nhớ. Nỗi hoài niệm đơn côi này chỉ cần ai kia để ý, nhắc sẽ làm cho ta bồi hồi nhớ lại. Thí dụ như: Những cơn mưa Saigon ra sao?, có khác gì những cơn mưa đêm Saigon dưới ánh đèn héo hắt và chiếc đòn gánh đưa mẹ già đi khắp nẻo đường xa, bán buôn lặt vặt cùng với lời rao hàng ngọt ngào mời mọc giữa buổi trưa hè nắng gắt, hay những đêm khuya mưa rơi tầm tã. Làm sao mà không nhớ cho được, giữa lòng Thành Đô những chiếc áo dài phất phơ bay bay trên đường phố Saigon. Tà áo dài thướt tha trong những buổi em tan trường về, như những cánh bướm bay trên phố Saigon. Hay là hình ảnh các thiếu phụ trong chiếc áo dài buông lơi trang nhã trong những buổi dạo phố, hẹn hò cuối tuần.. Phố mà không có áo dài thì phố buồn biết mấy vì mất vẽ quý phái trang trọng , kín đáo và diễm lệ cho Saigon. Thời xưa là vậy…lúc này thì sao
Tiểu mục số # 9 không ngoài mang lại anh chị những niềm nhớ lẻ loi về Saigon của chúng ta gồm 5 tiết mục:
Tiểu mục # 9 Nhớ nhất Saigon
1. Cái quang Gánh ( đòn Gánh)
2. Tiếng rao hàng thân quen
3. Nhớ Mưa Saigon
4. Mưa đêm Saigon
5. Những tà áo dài trên phố
ĐÒN GÁNH
“Ai mua chè đậu xanh nước dừa đường cát hông”, tiếng rao hàng lanh lảnh đi qua phố tôi vẫn còn vang, nỗi niềm xúc động vẫn còn mãi trong tôi cho đến bây giờ dầu đã hơn 50 năm.Âm vang tiếng kẽo kẹt của gánh hàng trên vai người phụ nữ áo bà ba hòa âm với tiếng guốc, tiếng dép bước thoăn thoắt trên hè phố, không kể dù nắng hay mưa. Tuyệt vời thay, 2 bên cái đòn gánh nặng nề quằn vai, là công khó nhọc tảo tần, nuôi con cho đến ngày lớn khôn..Lòng mẹ bao la ..ai có thấu.
Bây giờ nghĩ lại, sao mà thương cái Đòn Gánh ấy quá. Một trời thương nhớ trên vai những bà mẹ Việt Nam.
Lê minh Đức ( sưu tầm)
ĐÒN GÁNH: một sáng tạo tuyệt vời cho bao thế hệ Việt Nam
Có bao giờ anh chị nhớ lai trong khu xóm, biết bao là gánh hàng đủ loại: gạo. trái cây, hàng rong như: bánh canh, bún tôm thịt, chè, cháo, bánh v.v. Họ cất tiếng rao lanh lảnh sao cho cả xóm nghe ra mua hàng. Tiếng guốc trên nền đá, đôi vai nặng trĩu đi thoăn thoắt thật xa trong nhiều khu phố bán hết hàng Bước đi vội vả, mong bán cho nhanh rồi về nhà chăm sóc con và chuẩn bị hàng quán cho ngày hôm sau.
Ôi, thương cho đôi vai mẹ Việt Nam phải bươn chải khó nhọc nuôi con qua ngày. Cái hồn của dân nghèo nằm trên đòn gánh. Không biết có ai thấu được cho chăng.
Có ai nghĩ rằng một ngày nào đó không còn gánh hàng rong sẽ để lại cho người một nỗi nhớ của một Saigon phố xưa.
Đã từ rất lâu rồi chiếc đòn gánh đã trở thành một vật dụng rất thân quen của người dân Việt Nam. Chiếc đòn gánh đã đồng hành, hỗ trợ cho những người dân lao động trong những công việc hàng ngày từ gánh lúa gạo, gánh nước , đến gánh con đi làm. Nó giúp người nông dân vận chuyển hàng hóa một cách gọn gàng và thuận tiện nhất.
Không ai rõ Đòn Gánh có mặt tại Việt Nam từ khi nào. Nhưng chắc chắn nó chính là một sản phẩm gắn liền và được sáng tạo nên từ văn hóa của vùng đất có nhiều cây tre. Chiếc quang gánh gồm chiếc đòn gánh và một đôi quang đặt ở hai đầu của chiếc đòn gánh. Chiếc đòn gánh được làm bằng tre còn đôi quang có thể làm bằng nhiều chất liệu như: mây, tre, dây thép… hoặc bện bằng thừng.
Cách chế tạo
Để làm ra những chiếc đòn gánh tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực chất là một công việc rất mất thời gian và trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Những thanh tre để làm nên chiếc đòn gánh phải là những gốc tre già và thẳng. Tre được chọn sẽ được ngâm dưới nước trong vòng hai tháng sau đó đem đi phơi khô và được hun khói để tăng thêm độ chắc chắn. Mỗi gốc tre sẽ được chẻ thành hai mảnh rồi đẽo, uốn cho thật thẳng tạo thành đòn gánh.
Tôi thật không biết chiếc đòn gánh do ai nghĩ ra và xuất hiện đầu tiên vào lúc nào nhưng quả thật, đó là một dụng cụ tuyệt vời để di chuyển vật nặng từ nơi nầy đến nơi khác bằng sức người ở quê tôi… Nó được làm bằng cây tre già ngâm nước càng lâu càng tốt, để tre dẻo dai hơn, chắc và khỏi mục. Mất hàng giờ nhìn người ta đục đẽo chiếc đòn gánh. Thật cũng lắm công phu! Sau khi chỉ lấy đoạn gốc tre già ngâm nước chừng vài tháng, người ta làm hai chiếc máng ở hai thân đòn. Hai cái máng nầy phải giống nhau như một, giữa khắc một cái rãnh sâu dùng để móc quang vào cho khỏi lệch. Cái máng nầy cũng lắm chuyện. Chưa hết, còn phải gọt đẽo thân đòn cho thật thẳng, đoạn ở giữa mỏng hơn hai bên đầu làm đòn đong đưa cho nhẹ sức hơn khi gánh nặng… Khoảng hơn tiếng đồng hồ đẽo gọt thì chiếc đòn gánh ra đời. Nó có thể dùng hết đời nầy đến đời khác trong một gia đình quê tôi vì hiếm khi bị gãy. Đến khi nước bóng ở thân đòn nổi lên màu đen mun thì không biết chiếc đòn đã thấm biết bao nhiêu mồ hôi từ trên đôi vai những người đàn bà tần tảo.
Học gánh:
Nhìn chiếc quang gánh ai cũng nghĩ có thể dễ dàng sử dụng nhưng thực tế người sử dụng cũng phải mất thời gian học và cách làm quen mới có thể gánh được. Từ những bước đi thật uyển chuyển cho đến cách đặt đòn gánh trên vai thật chuẩn xác. Vai người gánh phải được đặt chính giữa chiếc đòn gánh, hai bên chiếc quang phải được chia đều trọng lượng sao cho thật cân bằng thì người gánh mới dễ di chuyển.
Người không chuyên thì chỉ gánh được một vai, thường là vai phải. Có người gánh được cả hai vai, nhất là những người phải gánh đường xa. Lúa gánh từ đồng về nhà có khi cũng xa lắm. Gạo gánh từ nhà ra chợ bán cũng xa lắm. Nhứt là mấy bà gánh cá như tôi nói ở trên thì lại quá xa. Vì vậy, khi gánh một vai bên nầy lâu quá, mỏi thì người ta đổi qua vai kia. Trên đường dài, người gánh phải đổi vai nhiều lần như vậy.
Người ta phải tập mới gánh được. Mấy cô gái quê, 15, 17 tuổi là phải tập gánh. Không biết gánh, công việc đồng áng tất phải trở ngại. Ban đầu, người ta gánh vài ba chục ký. Sau đó, khi gánh quen, bớt đau vai thì trọng lượng gánh được tăng lên. Đàn ông lực lưỡng, nếu quen, có thể gánh tới 150kg.
Những gia đình ở gần sông, phần đông các cô các bà đều biết gánh nước. Tắm giặt có thể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn. Ngày xưa, người ta gánh nước trong cái thùng gỗ, thùng tre trét nhựa đường cho khỏi chảy. Sau nầy, khi có dầu hôi thì người ta thường dùng thùng dầu hôi để gánh nước. Thùng dầu hôi hiệu Con Gà (Có hình con gà bên hông) hay Con Sò (Có hình con sò bên hông) dung tích 20 lít, nặng 20Kg. Hai thùng hai đầu là 40kg. Gánh 40kg đi lên dốc bờ sông, nhiều khi đường trơn trợt, cũng là một khổ nạn.
Tuy nhiên, nước sông khi trong khi đục, khi dơ khi sạch, nhứt là khi có nước lũ thì nước đục ngầu, không nấu ăn được. Để có nước nấu ăn, ở thôn quê, người ta thường đào giếng. Làng có những cái giếng chung, xây bằng gạch hay đá. Giếng rộng và sâu, đủ nước cho nhiều gia đình. Giếng thường đào bên cạnh gốc đa để có bóng mát cho mấy bà mấy cô ngồi giặt giũ hay chuyện trò. Giếng làng là nơi tập trung cho mấy cô thông minh; thông minh nên “nhiều chuyện”. Đi gánh nước cũng là dịp mấy cô gặp nhau để “nhiều chuyện”, chuyện nầy chuyện kia, chuyện mấy cô mấy cậu, chuyện ông nọ bà kia. Có khi mấy bà mẹ bực con mình gọi mỉa là “chuyện ông huyện to d…”
Trước 1945, Trong thành phố nào cũng có nhà máy nước cho dân chúng dùng. Nhà nào giàu có thì bắt ống vô tận nhà, còn không thì có “phông-ten” (fontaine) công cộng, tức là chỗ lấy nước chung, cứ mang thùng ra đó xách nước sạch, lọc kỹ đem về nhà dùng. Các ngã ba, ngã tư đầu xóm thường có “phông ten”. Các cô gái đi ở đợ cho nhà chủ, thường đem đòn gánh và thùng ra quây nước ở đây (Gọi là quây vì phông tên có tay quay cho nước chảy ra). Người ta thường gọi các cô ở đợ ra gánh nước ở phông ten là “Ma-ri phông tên”. Mấy cô nầy, có khi cũng lắm chuyện, chuyện nhà chủ, chuyện ông bà chủ, chuyện thầy cô và cũng lắm khi giành bồ của nhau, và cũng lập phe lấy đòn gánh đánh nhau sứt đầu chảy máu, phú lít (police) phải can thiệp.
Thông thường nhà sàn hay nhà trong hẻm không có ống nước nên thuê người gánh nước .Gánh nước mướn là do các chị em xóm nghèo , gánh nước cho chủ nhà. Tiền thù lao không bao nhiêu tùy theo số thùng và tùy theo bao xa cách cái phông-tên công cộng.
Người Huế, nói chung là người miền Trung, không như người Nam, mỗi khi ra đường đều mặc áo dài.
Cách đây ít lâu, đọc cuốn “Hiền Lương Chí Lược” của một ông chú họ, nói về quê nội tôi, tôi thấy ông chú dùng chữ “Đòn gánh vằn vai” để mô tả sự đảm đang của người đàn bà quê nội tôi. Nó cũng có nghĩa như buôn tảo bán tần vậy. Hễ buôn bán thì “đòn gánh oằn vai”. Mấy tiếng ấy, lâu ngày đã quên, nay có người nhắc lại, tôi thấy xúc động lắm. Quả thật, người đàn bà Việt Nam gian khổ, vất vả biết bao nhiêu.
Người ta nói cây tre là biểu tượng văn hóa nông thôn Việt Nam. Do đó, tôi mới đặt đề bài là “Văn hóa cái đòn gánh” vì đòn gánh từ cây tre mà ra.
LÊ MINH ĐỨC. (sưu tầm)