a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

'Lăng mộ máu' của vị quân sư sánh ngang Gia Cát Lượng: Có gì mà 1.800 năm không ai dám xâm phạm?

 

Lăng mộ của ông đứng hiên ngang giữa một vùng đất đông dân cư nhưng 1.800 năm qua vẫn chưa kẻ nào dám xâm phạm, vì sao?


Vùng đất long mạch Bạch Mã Quan, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc là nơi đặt lăng mộ của một vị anh hùng Tam Quốc. Lăng mộ của ông đứng hiên ngang giữa một thị trấn đông dân cư, ai cũng biết tới nhưng chẳng kẻ nào dám xâm phạm chính bởi cái danh "lăng mộ máu" gắn chặt suốt 1800 năm qua.

Chủ nhân của mộ phần này là ai?

Bàng Thống - vị quân sư sánh ngang Gia Cát Lượng

Chủ nhân của "lăng mộ máu" ở Bạch Mã Quan chính là vị mưu sĩ tài năng đoản mệnh của Lưu Bị - Bàng Thống (178 - 214) .

Từ Nguyên Trực, một quân sư của Lưu Bị cũng đã từng nói rằng: "Ngọa Long, Phượng Sồ, có được một trong hai người đó thì cũng đủ dẹp yên thiên hạ". Ngọa Long ở đây muốn nói đến Gia Cát Lượng, còn Phượng Sồ, chính là nhắc đến Bàng Thống.

Từ đây, hậu thế luôn nhận định tài năng của Bàng Thống phải sánh ngang với Gia Cát Lượng. Nhược điểm lớn nhất của Bàng Thống có lẽ chỉ là ngoại hình, khi ông được biết tới là một người có dung mạo rất khó coi

Tài năng của quân sư Bàng Thống thể hiện rõ rệt nhất qua trận chiến Xích Bích vang danh Tam Quốc.

Theo đó, chính ông đã nghĩ ra "kế ghép thuyền", lừa cho Tào Tháo ghép các chiến thuyền lại với nhau khiến thủy quân Tào Tháo sau đó bị mắc kẹt, bị Chu Du đánh hỏa công, co cụm lại chết cháy mà không tản ra được. Nhờ vậy mà liên quân Thục - Ngô mới đánh bại được 83 vạn quân của Tào Tháo.

Tuy nhiều chi tiết trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có phần "tô hồng" cho tài năng của Bàng Thống nhưng trong thực tế lịch sử, Bàng Thống cũng cho thấy mình là một người tài năng, chính Gia Cát Lượng cũng phải kính nể ông.

Bàng Thống tử trận khi mới 36 tuổi, khiến Lưu Bị vô cùng tiếc thương. Ảnh: Sohu

Tài năng là vậy song đáng tiếc là Bàng Thống lại không thể phò trợ Lưu Bị trọn vẹn mà chết trong một trận đánh nhỏ. Năm 214, quân Thục chia làm nhiều cánh đến đánh Lạc Thành, cánh quân do Bàng Thống đứng đầu giao tranh với quân của Tào để rồi Bàng Thống bị trúng tên và bất ngờ qua đời. Khi ấy ông mới 36 tuổi.

Cái chết của Bàng Thống khiến Lưu Bị vô cùng đau lòng, ông đã truy phong Bàng Thống làm nghị lang (một chức quan tham mưu cho nhà vua) rồi cho xây dựng mộ phần của vị quân sư tại vùng đất kho báu phong thủy - Bạch Mã Quan.

Lăng mộ hiên ngang 1.800 năm, không kẻ nào xâm phạm

Bàng Thống vốn là vị quân sư tài năng xuất chúng lại có công lớn với nước Thục, mộ phần của ông chắc hẳn phải nhiều đồ tùy táng cao quý, sánh ngang những tướng lĩnh, quý tộc cùng thời. Song trái với những lăng mộ được chôn ở nơi hiểm trở, rừng thiêng nước độc để tránh kẻ trộm, lăng mộ Bàng Thống lại hiên ngang nằm giữa một vùng đông dân cư, ai ai cũng biết tới.

Ngồi đền Bàng Thống nằm trong quần thể lăng mộ Bàng Thống. Ảnh: Sohu
Lý do lăng mộ ông vẫn còn nguyên vẹn suốt 1800 năm qua chính bởi các tài liệu chính sử từng ghi chép Bàng Thống đã tử trận trong lúc loạn quân, không tìm thấy xác nên Lưu Bị đã lệnh chôn xuống lăng một bộ y phục được tẩm bằng máu của ông. Đây cũng là nguyên nhân ngôi mộ được gọi là "huyết mộ" hay "mộ máu"!

Thông tin về ngôi mộ không thi hài của Bàng Thống không rõ là thực hay chỉ là cách các sử gia bảo vệ lăng mộ ông nhưng những dòng sử chắc chắn đã khiến nhiều kẻ trộm mộ nản chí, nghi ngờ bên trong lăng chẳng có gia tài gì đáng để bỏ công sức ra làm liều.

Ngoài ra, Bàng Thống lúc sinh thời được người đời đặc biệt kính trọng, những người dân làng Bạch Mã Quan sống gần lăng đều tự coi mình như người canh mộ cho vị mưu sĩ tài trí. Nếu có kẻ nào bén mảng tới làm phiền giấc ngủ ngàn thu của chủ mộ, chắc chắn sẽ bị dân làng lên án mạnh mẽ.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Ngôi đền cổ xưa ở Ấn Độ được tạc hoàn toàn từ một khối đá khổng lồ.

Ngôi đền Hindu cổ đại đã tồn tại tới 1200 năm, toàn bộ ngôi đền có diện tích lớn gấp đôi đền Parthenon của Hy Lạp.

Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất thế giới được chạm khắc hoàn toàn thủ công từ một tảng đá duy nhất. Đây được đánh giá là một trong những công trình đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử kiến trúc.

Đền Kailasa là công trình thứ 16 trong quần thể 34 tu viện và đền thờ thuộc hang động Ellora, nằm trong các vách đá ở Aurangabad, Maharashtra, Ấn Độ. Quần thể công trình này được đào cạnh nhau trong khu vực 2 km của một vách đá bazan ở thung lũng Sahyadari.

Ngôi đền được xây dựng để thờ phụng thần Shiva mang phong cách Pallava và có nét tương đồng với kiến trúc Dravidian. Nơi đây được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ 8 bởi vua Rashtrakuta Krishna I. Theo các nhà khảo cổ học, để hoàn thành được công trình này, đã có hơn 400.000 tấn đất đá được đẽo gọt và vận chuyển đi nơi khác. Rất có thể những người cổ đại với những công cụ lao động thô sơ đã phải mất tới hàng thế kỷ mới có thể hoàn thành được công trình vĩ đại này. Người ta vẫn chưa thể lý giải được làm cách nào mà người cổ đại có thể tách được những tảng đá khổng lồ ra khỏi ngọn núi đá cao hơn 30 mét với một tỉ lệ hoàn hảo đến vậy.

Đền Kailasa gây kinh ngạc bởi toàn bộ công trình được tạo ra bằng cách đào thẳng đứng, nghĩa là những người thợ phải đào, đục đẽo các khối đá từ trên xuống dưới. Các nhà sử học và kiến trúc sư đã rất ngạc nhiên khi phát hiện một khu phức hợp tráng lệ và phức tạp đến như vậy. Thế nhưng trong lịch sử không hề có ghi chép nào về việc xây dựng công trình đồ sộ này. Có ý kiến còn cho rằng, đền Kailasa chỉ được xây dựng trong vòng 18 năm.

Toàn bộ ngôi đền Kailasa có diện tích lớn gấp đôi đền Parthenon tại Hy Lạp. Đây là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thế giới, sánh ngang với cả đền Taj Mahal. Đây cũng là công trình duy nhất được tạo ra bằng cách chạm khắc trực tiếp vào núi. Qua dấu vết từ những vết đục đẽo trên tường đá, các nhà khoa học cho rằng, công cụ mà người xưa dùng để tạo nên kiệt tác này chỉ bao gồm đục, búa và những vật sắc nhọn.

Đền Kailasa đôi khi còn được gọi là đền Kailashnath bởi nó được thiết kế giống với ngọn núi Kailash linh thiêng tại Tây Tạng, được cho là nơi cư ngụ của thần Shiva. Đền có chóp vuông với các chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ. Trong sân, có một khu thờ trung tâm dành riêng cho thần Shiva, vị thần tối cao tượng trưng cho sự tái tạo và hủy diệt trong Ấn Độ giáo. Các nhà khoa học cho biết, ban đầu công trình kiến trúc này còn được phủ một lớp thạch cao trắng dày để trông chúng giống như ngọn núi được bao phủ bởi tuyết. Tuy nhiên đến ngày nay lớp thạch cao này đã không còn.

Hùng vĩ và tráng lệ là vậy, nhưng đền Kailasa cũng đã từng phải trải qua một thời kỳ đen tối. Vào năm 1682, vua Mugahl Aurangzeb – một tín đồ Hồi giáo sùng đạo đã ra lệnh phá hủy hàng ngàn ngôi đền Hindu trong đó có đền Kailasa. Theo những ghi chép lịch sử, đã có tới hơn 1000 người làm việc liên tục trong vòng 3 năm để phá hủy ngôi đền này.

Tuy nhiên, họ chỉ gây ra được những thiệt hại rất nhỏ, chỉ có vài bức tượng và phù điêu bị phá vỡ và biến dạng. Nhận ra rằng không thể phá hủy hoàn toàn đền Kailasa nên cuối cùng vua Aurangzeb đã phải từ bỏ kế hoạch này. Những người Hindu cho rằng, chính sức mạnh của thần linh đã ngăn cản không cho ngôi đền bị phá hủy.

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, đền Kailasa cũng là nơi lưu giữ hàng nghìn tác phẩm điêu khắc, bản vẽ và chữ khắc thể hiện sự phong phú về mặt nghệ thuật và triết học của nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Trong đó có phiến đá khắc lại nội dung của thiên sử thi hùng tráng Ramayana. Ước tính ngày nay vẫn còn khoảng 32 triệu chi tiết chạm khắc tiếng Phạn tại đây vẫn chưa được dịch.


L.A (Theo Mysteryofindia)

Bãi biển thủy tinh độc đáo được 'mẹ thiên nhiên' tạo ra từ bãi rác.

Đúng như cái tên, nơi đây có bãi biển tuyệt đẹp với những viên đá thủy tinh nhiều màu sắc lấp lánh, hấp dẫn du khách thập phương.

Mỗi khi nhắc tới biển cả, chúng ta thường nghĩ ngay đến những làn nước trong xanh cùng bãi cát vàng bất tận. Thế nhưng, có một bãi biển rất đặc biệt, nơi có bãi cát thủy tinh lấp lánh sắc màu bao quanh vùng biển.

Đó là “Glass Beach” - bãi biển gần vùng Fort Bragg, bang California, Mỹ. Nơi đây nổi tiếng vì bờ biển có vô số mảnh thủy tinh nhiều màu sắc sặc sỡ như những viên pha lê tuyệt đẹp lấp lánh dưới ánh mặt trời.

(Ảnh: Art in Nature Photography)

Quá trình hình thành nên bãi biển thủy tinh nhiều màu sắc như vậy cũng rất thú vị. Vào những năm của thế kỷ 20, vùng biển Fort Bragg là nơi để vứt rác thải của các hộ gia đình sinh sống xung quanh. Khi bãi rác thải đã quá nhiều và chất chồng lên nhau, người dân đã dùng lửa đốt để tiêu hủy bớt những loại rác thải nhựa và hữu cơ, còn lại các vật dụng là đồ thủy tinh như chai, lọ, gương, kính… vẫn còn nằm yên trên bãi biển.

Sau đó, chính phủ đã ban lệnh đóng cửa bãi biển và áp dụng những biện pháp khắc phục nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và giảm thiểu rác thải tại nơi đây. Qua nhiều năm, gió và sóng biển đã cuốn đi các loại rác thải nhẹ. Những vật thể nặng hơn như đá, thủy tinh thì nằm sót lại trên bãi biển.

(Ảnh: Trip)

(Ảnh: Reddit)

Dần theo thời gian, sức gió và lực vỗ của những cơn sóng đã đánh vỡ những đồ thủy tinh thành các mảnh nhỏ và bào mòn chúng trở nên nhẵn bóng, trơn tru với đủ màu sắc, hình dáng khác nhau, từ đó hình thành nên bãi biển thủy tinh. Những viên sỏi thủy tinh nhiều màu sắc trải đầy trên khắp bãi biển, du khách có thể bước chân trần trên thủy tinh mà chẳng sợ bị thương.

(Ảnh: Pinterest)

Mỗi năm, bãi biển thủy tinh này đón tới 10.000 du khách từ khắp nơi trên thế giới tới tham quan và chiêm ngưỡng. Du khách không chỉ được ngắm nhìn bãi biển lung linh, lấp lánh vô vàn màu sắc mà còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị, điển hình như việc thám hiểm trên các vách đá.

Bên cạnh đó, thảm thực vật và động vật ở đây cũng rất phong phú. Nơi đây có nhiều loài động vật thủy sinh, động vật thân mềm,… sinh sống. Vì bãi biển thủy tinh thường ở dưới mực nước biển nên nếu muốn quan sát động, thực vật nơi đây, bạn nên chờ khi thủy triều xuống.

(Ảnh: Scholastic News)

Bãi biển Thủy Tinh đẹp nhất vào thời điểm nắng lên cao hoặc bình minh - hoàng hôn trong ngày, bởi lẽ khi đó ánh sáng chiếu vào những viên sỏi thủy tinh khiến cho cả bãi biển lấp lánh như có cầu vồng sau mưa. Và tất nhiên, nơi này đã được khai thác du lịch, du khách muốn đến tham quan phải trả phí. Nhìn từ xa là dòng nước trong xanh của đại dương mông mênh. Khi tiến sát bờ, chúng ta có thể quan sát thấy hàng loạt viên thủy tinh đủ màu sắc sặc sỡ đang nằm nghỉ mát trên bờ biển khiến ai cũng bị thu hút.

Cersei (Tổng hợp)