Những mỹ nhân tuyệt sắc của làng nghệ thuật Sài Gòn trên hình bìa tạp chí Kịch Ảnh năm 1957
Đông Kha
(nhacxua,vn) biên soạn
Nguồn ảnh
từ tư liệu của Leminh Saigon
Trong bài viết này, mời các bạn ngược thời gian trở về khoảng thời gian gần 70 năm trước, vào thời kỳ ngay trước và sau khi đất nước bị chia đôi, làng văn nghệ Sài Gòn cũng vừa tiếp nhận thêm những nghệ sĩ di cư từ miền Bắc vào thập niên 1950, đó là Thái Hằng, Thái Thanh, Tâm Vấn, Bích Hợp, Kim Chung, Ánh Tuyết… cùng với những nghệ sĩ xuất thân ở Sài Gòn là Kim Cương, Túy Phượng, Thẩm Thúy Hằng, Bích Sơn, Trang Thiên Kim… làm phong phú thêm cho làng nghệ thuật Sài Gòn.
Thời điểm này tạp chí Kịch Ảnh là tờ báo nổi tiếng nhất chuyển viết về nghệ thuật, và bìa báo thường đăng hình những tên tuổi nổi tiếng nhất của làng văn nghệ thời đó.
Mời các bạn xem lại hình ảnh của những nữ nghệ sĩ Sài Gòn thập niên 1950 trên bìa báo Kịch Ảnh được xuất bản năm 1957, phần lớn trong số họ đã trở thành những tên tuổi huyền thoại của làng nghệ thuật, kể cả về tài năng lẫn nhan sắc:
Hình bìa của Kịch Ảnh số 1 phát hành ngày 12/6/1957 là “kiều nữ” Bích Sơn.
Trong làng sân khấu miền Nam trước 1975, công chúng cuối thập niên 1950, đầu 1960 vẫn còn nhớ đến nghệ sĩ Bích Sơn cùng với mỹ danh là “kiều nữ” độc nhất vô nhị, từng nổi danh trên sân khấu đoàn cải lương Thuý Nga trong vở “Khi Hoa Anh Đào Nở” của đôi tác giả Hà Triều – Hoa Phượng. Nét đặc trưng của kiều nữ Bích Sơn là chấm mụt ruồi duyên dáng bên má phải, đôi mắt mơ mộng và nụ cười thoáng buồn, lúc nào cũng xuất hiện với mái tóc dài phủ bờ vai, có giọng hát ấm áp truyền cảm và đặc biệt là ngâm thơ rất hay.
Bích Sơn sinh năm 1939 ở Hà Nội, là cháu gọi “đệ nhất đào thương” Bích Thuận là dì ruột. Năm 1952, khi Bích Thuận theo đoàn hát Kim Chung vô Sài Gòn, bà đã mang theo 2 người cháu là Bích Sơn, Bích Thủy. Năm 1955, Bích Sơn vào ban Xuân Thu của nhạc sĩ Lê Thương và khởi đầu với tân nhạc. Trong cùng năm đó, sau khi nghệ sĩ Bích Thuận lập gánh hát riêng thì đưa Bích Thuận về hát cải lương. Thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà lúc đó được mời viết kịch bản tuồng cho đoàn Bích Thuận, ông thấy Bích Sơn duyên dáng xinh đẹp nên đem lòng mến mộ và viết báo ca ngợi nàng là kiều nữ. Từ đó mỹ danh này đi theo cả cuộc đời nghệ thuật của Bích Sơn.
Ảnh bìa của Kịch Ảnh số 2 chính là nữ minh tinh tài sắc, được xem là đệ nhất mỹ nhân của làng nghệ thuật Sài Gòn là Thẩm Thúy Hằng. Lúc này bà mới 17 tuổi, được công chúng biết đến sau khi đóng vai chính trong phim Người Đẹp Bình Dương của hãng Mỹ Vân. Mỹ danh “Người đẹp Bình Dương” cũng đã đi theo Thẩm Thúy Hằng trong suốt sự nghiệp.
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng năm 1940 tại Hải Phòng, khi chưa đầy năm, bà cùng gia đình trở về miền Nam (1941) và lớn lên ở An Giang.
Từ khi cô thiếu nữ Kim Phụng lên 16 tuổi học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đã nức tiếng là một hoa khôi trong giới học sinh. Lúc đó Kim Phụng lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua 2000 thí sinh khác nhờ vậy nên được nhận vai Yến Tam Nương trong phim Người Đẹp Bình Dương, khởi đầu cho sự nghiệp nghệ thuật lừng lẫy của bà.
Hình bìa Kịch
Ảnh số 3 là nghệ sĩ Bích Hợp, người được mệnh danh là “đệ nhất đào thương Bắc
Hà”. Sở dĩ có mỹ danh này, đó là vì bà là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất khắp
miền Bắc từ thập niên 1940, có nhan sắc vừa sắc sảo và khả ái ở ngoài đời cho đến
lúc lên sân khấu. Tuy nhiên hồng nhan bạc phận, cuộc đời Bích Hợp trải qua rất
nhiều chuyện éo le ngay từ khi còn ở tuổi thiếu nữ cho đến lúc qua đời năm 1978
vì bạo bệnh.
Hình bìa Kịch Ảnh số 4 là “nữ tài tài màn bạc” Thu Cúc, được biết đến qua cuốn phim “Hương Thề Chưa Dứt” năm 1957. Thu Cúc sinh năm 1939, xuất thân từ gia đình khá giả, hấp thụ văn hóa Tây Phương. Bà được phát hiện từ một cuộc tuyển lựa diễn viên qua hình trên tờ báo Nhân Loại, sau đó được hãng Alpha chú ý mời thử vai cho cuốn phim có tựa là “Đôi Uyên Ương”, nhưng phim không thực hiện.
Sau đó, Thu Cúc được xuất hiện bên cạnh nam tài tử Anh Tứ trong phim “Hương thề chưa dứt” năm 1957, là cuốn phim đầu tay giúp bà nổi tiếng.
Hình bìa Kịch Ảnh số 7 là nữ ca sĩ tài sắc Thúy Nga, cũng là phu nhân của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Ca sĩ Thúy Nga sinh năm 1936 tại Hải Phòng, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Năm 1955, bà tham gia dự thi và đạt giải cuộc thi tuyển lựa tài tử của đài phát thanh tổ chức.
Lúc đó hình ảnh của Thúy Nga rất đặc biệt, vừa hát vừa chơi đàn Accordion, choáng hết nửa phần trên của hình dáng, với mái tóc dài thả ngang lưng. Thời ấy, ca sĩ vừa hát vừa chơi nhạc cụ rất hiếm, cùng lắm là có vài nam ca sĩ vừa cầm guitar vừa hát, nên Thúy Nga và cây đàn phong cầm trên sân khấu đã trở thành một hình ảnh rất ấn tượng với những người đi xem nhạc thuở đó, đồng thời chiếm được cảm tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Chàng nhạc sĩ đã thành danh Hoàng Thi Thơ và cô ca sĩ trẻ Thúy Nga nhanh chóng thành một đôi, nhạc sĩ trở thành thầy dạy nhạc cho ca sĩ, và tình thầy trò nhanh chóng trở thành tình vợ chồng vào tháng 9 năm 1957. Tờ Kịch Ảnh có hình Thúy Nga bên trên được phát hành vào tháng 7 năm 1957, chỉ 2 tháng trước khi Thúy Nga thành hôn với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Họ có với nhau 3 người con trai và 1 con gái, chung sống hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001, và Thúy Nga cũng đã ra đi sau đó 9 năm.
Sự nghiệp âm nhạc của Thúy Nga chỉ kéo dài vỏn vẹn hơn 3 năm, không có thành tựu nào nổi bật, là bởi vì ngay sau khi lấy chồng, bà chấp nhận rời xa sân khấu để chăm sóc gia đình, chỉ thỉnh thoảng mới thu âm trong băng và dĩa nhạc.
Hình bìa Kịch Ảnh số 8 là nữ danh ca tài sắc vẹn toàn Mộc Lan. Bà không chỉ sở hữu giọng hát đẹp và chuẩn mực, mà còn là người có sắc nước hương trời từng một thời được những tao nhân mặc khách cùng những nhạc sĩ nổi tiếng theo đuổi. Mộc Lan là người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Châu Kỳ, đồng thời cũng có những giai thoại ly kỳ về tình cảm mà các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Hoàng Trọng đã dành cho bà vào thập niên 1950.
Danh ca Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931 tại Hải Phòng. Khi bà mới 7 tuổi thì mồ côi cha, thời gian sau đó gia đình rơi vào thảm cảnh bi đát, tan đàn xẻ nghé. Đầu thập niên 1940, vì muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, người anh cả trong nhà tên là Long đã dẫn 2 người em gái là Ngọc và Ngà (Mộc Lan) vào Sài Gòn tha phương cầu thực.
Dù hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Mộc Lan đã sớm bộc lộ được khả năng thiên phú về âm nhạc. Lớn lên, cô được nhạc sĩ Lê Thương phát hiện và dẫn dắt bước vào con được ca hát, và chính nhạc sĩ này cũng là người đặt cho bà nghệ danh là Mộc Lan.
Sự nghiệp của Mộc Lan lên đến đỉnh cao từ cuối thập niên 1940, cùng với chồng là nhạc sĩ Châu Kỳ trở thành cặp đôi đẹp cả trên sân khấu lẫn ngoài đời.
Tuy nhiên hồng nhạc bạc phận, cuộc đời Mộc Lan sau đó trải qua những thăng trầm trong tình cảm riêng tư. Mặc dù vậy thì ở trên sân khấu bà vẫn rực rỡ cả về nhan sắc lẫn giọng hát, được rất nhiều người mến mộ.
Hình bìa Kích Ảnh số 12 là ca sĩ Linh Sơn. Có lẽ với đa số những người yêu nhạc, cái tên Linh Sơn còn rất lạ lẫm, thậm chí là lần đầu được nghe tới. Tuy nhiên vào đầu thập niên 1950, Linh Sơn là một trong những nữ ca sĩ quen thuộc nhất của đài phát thanh Pháp Á.
Ca sĩ Linh Sơn sinh năm 1936 tại Nghệ An và lớn lên tại Sài Gòn. Năm 14 tuổi (1950), Linh Sơn đăng ký thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á và được giải Nhì, từ đó mở ra con đường ca hát. Bà được nhạc trưởng Trần Văn Lý dìu dắt trong ban Nhi đồng đài Pháp Á, trình diễn hàng tuần trên làn sóng điện. Vốn có sẵn giọng hát êm dịu, lại thêm cố gắng rèn luyện và được các nhạc sĩ Văn Thanh dạy vỡ lòng về nhạc lý, nhạc sĩ Võ Đức Tuyết và Dương Thiệu Tước bổ túc những kinh nghiệm chuyên môn, nên không bao lâu Linh Sơn đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng, được khán giả Sài Gòn đón nhận nồng nhiệt.
Thập niên 1950, Linh Sơn đã hợp tác với các ban nhạc Văn Phụng, Hạc Thành, Lôi Tiên, Gió Bắc, Võ Đức Tuyết… và các ban kịch Hoàng Hải, Vũ Huyến, Châu Kỳ.
Hình bìa Kịch Ảnh số 14 là minh tinh điện ảnh Trang Thiên Kim, xuất thân là “chiêu đãi viên hàng không” (nay là tiếp viên hàng không) của hãng hàng không Air Việt Nam.
Một lần Trang Thiên Kim đọc báo thấy tuyển lựa tài tử, bà đến hãng phim xin đóng thử, rồi chỉ 3 ngày sau thì được nhận chính thức.
Vai diễn đầu tiên của Trang Thiên Kim là trong phim “Mục Liên Thanh Đề”. Tháng 7/1957, phim được ra mắt sau một tháng khởi quay, bà trở thành diễn viên được nhiều người biết đến và được các nhà làm phim săn đón.
Khi đang là một ngôi sao sáng trong buổi đầu của nền điện ảnh non trẻ, Trang Thiên Kim đột ngột đi du học rồi định cư tại Mỹ, để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khán giả hâm mộ điện ảnh.
Hình bìa Kịch
Ảnh số 16 là đệ nhất danh ca Thái Thanh, khi này bà mới 23 tuổi nhưng đã là một
tên tuổi chói sáng của làng nhạc Sài Gòn. Có lẽ không cần nói quá nhiều về danh
ca Thái Thanh, vì đã có quá nhiều bài viết nói về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp
lừng lẫy của bà.
Hình bìa Kịch Ảnh số 17 là “kỳ nữ” Kim Cương, là nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực sân khấu cải lương – kịch nói và điện ảnh.
Nghệ sĩ Kim Cương sinh năm 1937 tại Huế, trong một gia đình truyền thống nghệ thuật, với bà cố, bà nội và cha đều làm bầu gánh. Bà đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 10 ngày tuổi trong vai con của Quan Âm Thị Kính.
Sự nghiệp diễn xuất của Kim Cương đến rất sớm, bà nhanh chóng trở thành đào non trong đoàn Đại Phước Cương, cùng cha mẹ và các thành viên trong đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Bà nổi tiếng trong những vai kịch buồn rơi nước mắt hay những vai dí dỏm. Giữa thập niên 1950, ký giả Nguyễn Ang Ca đặt biệt hiệu “kỳ nữ” cho bà, từ đó dân chúng biết đến danh hiệu Kỳ nữ Kim Cương.
Hình bìa Kịch Ảnh số 19 là hoa hậu Thu Trang, cũng là một diễn viên điện ảnh có sắc đẹp sắc sảo, được kể lại là người trong mộng một thời của thi sĩ Bùi Giáng.
Hoa hậu Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội trong một gia đình tiểu tư sản. Năm 1942, cha của bà vốn là một công chức chính quyền thuộc địa được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn.
Nhiều người nhầm lẫn khi nói rằng Thu Trang là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, nhưng thực ra cô chỉ là hoa hậu của cuộc thi nhan sắc đầu tiên được chính quyền VNCH tổ chức ở Nam Việt Nam vào năm 1955. Còn trước đó, từ thời Pháp thuộc thì đã có nhiều cuộc thi hoa hậu ở khắp Đông Dương.
Sau khi thắng giải cuộc thi sắc đẹp đó, Thu Trang được mời đónh một vai phụ trong phim Chúng Tôi Muốn Sống (tài tử Lê Quỳnh đóng vai chính). Cuốn phim thứ 2, cũng là vai diễn định mệnh, Thu Trang vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim chuyển thể từ áng thơ bất hủ của cụ Đồ Chiểu, đó là phim Lục Vân Tiên do Tống Ngọc Hạp làm đạo diễn. Vì tham gia đóng phim này, giữa Thu Trang và Tống Ngọc Hạp nảy sinh mối tình ngang trái, vì lúc đó Tống Ngọc Hạp đã có gia đình. Cũng vì sự kiện đó mà cuộc đời Thu Trang bước qua một bước ngoặt lớn, bà rút khỏi sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi để làm mẹ đơn thân thầm lặng, đến năm 1951 thì đưa người con mang tên Tống Ngọc Vân Tiên sang Pháp định cư.
Hình bìa Kịch Ảnh số 22 là danh ca Ánh Tuyết (của thập niên 1950, không phải Ánh Tuyết sau này) có giọng hát được nhà văn Hồ Trường An mô tả là “rung ngời ánh sáng, ngát lịm âm ba vang xa”.
Ca sĩ Ánh Tuyết tên thật là Hoàng Bạch Tuyết, sinh năm 1935 tại Hải Phòng. Năm 1954, bà di cư vào Sài Gòn, xuất hiện trong các đại nhạc hội và trên đài phát thanh, sau đó cộng tác với hầu hết các phòng trà, vũ trường nổi tiếng cùng các ban nhạc Hoàng Thi Thơ, Xuân Lôi, Hoàng Trọng, Võ Đức Tuyết.
Ánh Tuyết có nhan sắc vô cùng khả ái và sắc sảo, được mô tả như sau: “Nàng bước lên sân khấu phòng trà rực rỡ, giọng hát đẹp tuyệt như tấm gấm đại hồng thuê hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyết xen kim tuyến, lại thêm lối ăn mặc trau chuốt, yêu kiều, nét mặt duyên dáng làm xao xuyến bao nhiêu trái tim những tao nhân mặc khách”.
Hình bìa Kịch Ảnh số 25 là danh ca Tâm Vấn, là một trong những danh ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Bà nổi tiếng từ đầu thập niên 1950, có một giọng ca đầy quyến rũ.
Danh ca Tâm Vấn tên thật là Dương Thị Vân, sinh năm 1934 tại Hà Nội. Bà có giọng ca lả lướt đầy rung cảm, được nhạc sĩ Trần Văn Nhơn chú ý đến khi nền tân nhạc mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội. Tên tuổi của bà được biết đến từ những năm đầu thập kỷ 1950 trên làn sóng của Đài phát thanh Hà Nội, Đài phát thanh Pháp Á, Đài Vô tuyến Việt Nam.
Tâm Vấn di cư vào Nam từ trước năm 1954 và tiếp tục hát tại các đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn thời gian khá lâu cho tới khi tạm ngưng vì bận chuyện gia đình.
Hình bìa Kịch Ảnh số 26 là nữ nghệ sĩ Kim Chung – Phu nhân của ông bầu Trần Viết Long, một người Tây học. Họ cùng nhau thành lập đoàn cải lương danh tiếng từ Bắc chí Nam vào năm 1950 tại Hà Nội.
Năm 1954, vợ chồng bầu Long và nghệ sĩ Kim Chung quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến.
Một nửa Kim Chung ở Hà Nội sau đó bị tan rã, còn số phận Kim Chung ở Sài Gòn đã được phát triển rực rỡ, phần lớn tài danh sân khấu cải lương của phương Nam đã từng ở trong đoàn Kim Chung: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Thanh Hải, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, và 3 chàng Minh: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương…
Hình bìa của
Kịch Ảnh số 28 là danh ca Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, là chị ruột của
nhạc sĩ Phạm Đình Chương và danh ca Thái Thanh. Hình chụp này vào năm 1957, khi
Phạm Duy – Thái Hằng đã có 4 người con trai Duy Quang – Duy Minh – Duy Hùng –
Duy Cường. Sau khi lập gia đình, Thái Hằng không còn hoạt động nghệ thuật thường
xuyên mà lui về sau chăm sóc gia đình, chỉ thỉnh thoảng hát trong ban hợp ca
Thăng Long và đóng kịch trên đài phát thanh.
Hình bìa Kịch Ảnh số 29 là ca sĩ, minh tinh màn bạc Tuyết Vân nổi tuyết trong thập niên 1950.
Tuyết Vân quê ở Mỹ Tho, bước chân vào làng nghệ thuật Sài Gòn sau cuộc thi tuyển lựa tài
tử ở rạp Norodom do đài Pháp Á tổ chức. Bước ra từ cuộc thi này, Tuyết Vân gia nhập ban nhạc của Lê Thương với nghệ danh là Bích Giang, có giọng hát mềm mại và trong trẻo, đồng thời sở hữu nhan sắc đoan trang thùy mị.
Khởi đầu là ca sĩ tân nhạc, sau đó trở thành diễn viên kịch của ban Dân Nam, rồi Tuyết Vân chính thức bước vào làng điện ảnh qua bộ phim đầu tay Hương Thề Chưa Dứt do Thái Thúc Nha làm đạo diễn, trong đó bà đóng nữ chính bên cạnh Anh Tứ.
Tuyết Vân vừa đóng kịch vừa ca hát trong ban Dân Nam của bà Túy Hoa, nơi có Túy Phượng (con của bà Túy Hoa) lúc đang độ thanh sắc lẫy lừng, nhưng Tuyết Vân vẫn có bản sắc riêng, không kém Túy Phượng về tài diễn kịch lẫn nhan sắc.
Sau đó Tuyết Vân chuyển qua cộng tác cho ban Kim Cương một thời gian thì đột nhiên bị phá tướng, lại mất tiếng nên đành giải nghệ sớm.
Hình bìa Kịch Ảnh số 31 là cô Vũ Thị Minh Thư – Hoa hậu hội chợ giải trí Sài Gòn được tổ chức vào cuối năm 1957, trao giải dịp đầu năm 1958.
Hoa Hậu Minh Thư sinh năm 1941, là người quê ở Hải Phòng, lúc được giải hoa hậu đang là học sinh lớp đệ tứ trường trung học Nguyễn Bá Tòng.
Cùng trong cuộc thi này còn có người chị mang tên Vũ Thị Minh Tâm được giải ba.
Hình bìa tờ Kịch Ảnh số 32 là nữ nghệ sĩ Túy Phượng, ái nữ của cố nữ kịch sĩ Túy Hoa. Túy Phượng tên thật là Nguyễn Thị Kim Phụng, sinh năm 1939 tại Bạc Liêu, cùng tuổi với các nữ tài tử: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Vui và nữ nghệ sĩ Bích Sơn.
Túy Phương được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc twist, có vóc người nhỏ nhắn, cân đối, khuôn mặt được kết hợp bởi những đường nét cong, mềm và thanh tú. Sở hữu nét đẹp sắc sảo, cô từng được giải Hoa Hậu Đông phương.
Đông Kha
(nhacxua,vn) biên soạn
Nguồn ảnh
từ tư liệu của Leminh Saigon
Những điều cực kỳ thú vị có thể bạn vẫn chưa biết về Thung lũng Chết.
Là công viên quốc gia nóng nhất, khô nhất và thấp nhất, thung lũng chết là vùng đất cực kì khắc nghiệt. Không chỉ có cái nóng sa mạc thiêu đốt, thung lũng chết còn là nơi có phong cảnh hấp dẫn tương phản với tên gọi của nó - từ cảnh tuyết phủ trên đỉnh núi cao đến những đồng hoa cỏ dại tươi tốt và nhiều ốc đảo nhỏ.
Được thành lập vào ngày 24 tháng 10 năm 1994, công viên quốc gia thung lũng chết có cảnh quan đẹp nhưng rất khắc nghiệt, ở đây các loài động vật hoang dã phải học cách tự thích nghi với môi trường khô cằn, khắc nghiệt. Nằm ở cả hai bang California và Nevada, thung lũng chết là công viên quốc gia lớn nhất trong 48 tiểu bang còn lại. Du khách có thể đến những nơi phổ biến hay hẻo lánh trên tổng quãng đường gần 1.000 dặm trong công viên. Có lẽ còn nhiều điều có thể bạn chưa biết về thung lũng chết!
Thung lũng chết là điểm thấp nhất ở Bắc Mỹ. Ở tầm 282 ft ( 86 m) dưới mực nước biển, lưu vực Badwater của thung lũng chết đánh lừa giác quan người nhìn. Du khách sẽ tưởng lớp màu trắng trên mặt đất do tuyết phủ nhưng thực ra đó là muối. Mưa và khoáng chất hòa tan chảy về chỗ trũng. Tại lưu vực Badwater, nước tạo thành nhiều hồ tạm thời sau các đợt bão lớn. Khi nước bay hơi, nhiều chất đọng lại và cuối cùng chỉ còn lại muối. Sau hàng ngàn năm, muối tích tụ ngày càng nhiều tạo ra khung cảnh siêu thực rộng lớn thế này đây.
Một ngày khắc nghiệt dần khép lại tại lưu vực Badwater.
Cái nóng dễ sợ ở thung lũng chết .Vào tháng 7 năm 2018, thung lũng chết trải qua tháng nóng kỉ lục. Nhiệt độ trung bình 108,1⁰F (42 độ C) về đêm. Nhiệt độ cao trong ngày đạt đến 127⁰F (53 độ C) trong bốn ngày liên tiếp. Với sức nóng như vậy khá nguy hiểm, nhưng điều đó đồng nghĩa du khách không thể khám phá công viên vào mùa hè. Khi đi du lịch tại công viên thung lũng chết, du khách nên đứng ở những nơi đông người đi lại trong trường hợp hỏng xe để dễ dàng nhận sự trợ giúp từ người qua đường. Thường thì không có tín hiệu điện thoại trong công viên. Du khách nên uống nhiều nước, ăn đồ ăn nhanh, ở trong điều hòa hạn chế các hoạt động bên ngoài và tham quan những nơi cao nhất, mát mẻ nhất. Có một điều thú vị chắc chắn bạn sẽ thích, bạn có thể chiên trứng chín với nhiệt độ ngoài trời không cần lửa ở thung lũng chết.
Tình nguyện viên đứng cạnh nhiệt kế vào ngày nắng nóng.
Hoa dã quỳ - sự sống trên sa mạc . Trái với tên gọi của nó, thung lũng chết trở nên sống động với màu sắc và sự sống trỗi dậy vào mùa xuân. Công viên nổi tiếng với những bông hoa dại đẹp quý hiếm. Khi điều kiện thời tiết phù hợp, những ngọn đồi và thung lũng “bùng nở” tạo thành một thảm hoa vàng, tím, hồng hay trắng. Mưa càng nhiều thì bức tranh sa mạc hoa lại càng hoàn hảo. Đầu tiên, chỉ cần một lượng mưa vừa đủ để rửa trôi chất ức chế nảy mầm trong hạt. Sau đó để cây tiếp tục phát triển, phải có mưa nhiều liên tục trong suốt mùa đông và mùa xuân. Mùa hoa nở rộ tại công viên thung lũng chết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng để lại ấn tượng lâu dài với du khách và thu hút số lượng lớn côn trùng thụ phấn như bướm, chim ruồi và ong.
Hoa vàng nở rộ khắp sa mạc.
Một số tảng đá "tự di chuyển" tại thung lũng chết . Racetrack Playa là nơi bí ẩn nhất tại thung lũng chết. Hàng trăm hòn đá có dấu vết di chuyển rải rác dưới đáy hồ khô này. Một số tảng đá, nặng tới 700 pounds ( gần 318 kg), đã đi được hơn 1.500 ft ( khoảng 457m). Trong nhiều năm, hiện tượng lạ này chưa có lý giải, nhưng vào năm 2014, các nhà khoa học đã có câu trả lời. Khi lũ lụt cùng với đêm đông lạnh giá làm nước đóng băng thành lớp mỏng sau đó vỡ thành tấm nổi lên mặt nước, đến sáng gió đẩy đá về phía trước trên bề mặt trơn trượt, để lại vệt bùn bên dưới. Mặc dù các nhà khoa học đã phát hiện ra bí mật đá di chuyển, nhưng vẫn không làm giảm bớt đi trí tò mò của du khách.
Đá và đường mòn chúng "di chuyển".
Nếu bạn lắng nghe kỹ, sẽ cảm nhận được tiếng cát "thì thào" . Mặc dù diện tích cồn cát chỉ chiếm phần nhỏ trong thung lũng chết, nhưng từng gợn sóng mờ ảo tạo nên đường cong duyên dáng làm cho du khách say đắm quên lối về. Cồn cát Mesquite dễ đến nhất và cũng là nơi duy nhất được phép hạ máy bay, cồn cát Eureka cao hơn nhiều – cao hơn 680 ft (207m). Đứng trên đỉnh cồn cát, bạn có thể trải nghiệm hiện tượng kỳ lạ : “cát hát”. Khi cát trượt xuống mặt dốc, có thể nghe thấy âm thanh như nốt trầm của đàn organ ống hoặc tiếng máy bay không người lái ở xa. Không ai biết âm thanh từ đâu, nhưng rất có thể nguyên nhân là do ma sát giữa các hạt cát.
Mặt trời lặn trên cồn cát Mesquite.
Gà lôi đuôi dài - cao chưa đầy 1m và nặng khoảng nửa cân . Tại thung lũng chết, nó là một trong những loài động vật hoang dã phổ biến nhất. Sở dĩ nó có thể sống được ở đây là nhờ thân nhiệt cao giúp nó ra ngoài trong cái nóng ban ngày. Nếu muốn ngắm những chú gà lôi đuôi dài này nên đến Furnace Creek, chúng thường vào ốc đảo này để uống nước và tránh nắng
Gà lôi đuôi dài.
Sân gôn Devils không dành để chơi gôn . Sân gôn Devils - người ta đặt cho nó cái cái tên này bởi vì “chỉ có quỷ mới có thể chơi gôn trên bề mặt như vậy”. Đây là nơi gồ ghề, lởm chởm đầy màu sắc được gió và mưa tạo thành. Nếu nghe kĩ, bạn có thể nghe thấy phân tử bên trong hàng tỷ tinh thể muối ở đây đang giãn nở và co lại trong cái nóng. Hãy đem theo máy ảnh để lưu giữ lại vẻ đẹp của vùng đất được hình thành do quá trình tự nhiên hàng trăm năm.
Địa hình gồ ghề của sân gôn Devils.
Bạn có thể thấy thiên hà rất xa trong công viên . Hãy đến Artists Drive - khu vực có những ngọn đồi nhiều màu, bị xói mòn. Sự oxy hóa của các mỏ kim loại tự nhiên tạo ra sắc thái tuyệt đẹp trên núi: màu xanh lá cây, xanh dương và tím giống như bảng màu của một họa sĩ vậy. Đi chậm để thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp và các địa điểm đã từng được đóng máy trong bộ phim Star Wars: A New Hope. Một số bộ phim và chương trình truyền hình khác được quay tại thung lũng chết gồm Spartacus, Khu vực hoàng hôn và Tarzan.
Những ngọn núi đầy màu sắc.
Lò than . Lò than Wildrose có hình dáng giống tổ ong cao 25 ft (gần 8m) lưu giữ lịch sử của thung lũng chết. Được các công nhân người Mỹ gốc Ấn, công nhân Tây Ban Nha và Trung Quốc xây dựng vào năm 1877, những lò nung này cung cấp nhiên liệu cho hai lò luyện kim ở các mỏ bạc chì gần đó mãi đến năm 1900. Mặc dù những lò than này hơi xa so với các điểm du lịch nổi tiếng khác của công viên nhưng một khi đến đây du khách sẽ có cơ hội khám phá lò nung và nghe những người đã xây dựng chúng kể chuyện.
Lò than dưới ánh trăng rằm vào một đêm đông lạnh lẽo.
Tàn dư của núi lửa phun trào để lại tại thung lũng chết . Miệng núi lửa Ubehebe sâu hơn 600 ft (183 m) và rộng nửa dặm. Miệng núi lửa khổng lồ được hình thành cách đây khoảng 2.100 năm, nhưng vụ phun trào gần đây nhất có thể xảy ra 300 năm trước. Các bộ lạc người Mỹ bản địa gọi miệng núi lửa là "Tem-pin-tta- Wo'sah", nghĩa là “Giỏ của Coyote”.
Quang cảnh miệng núi lửa Ubehebe.
Thực sự, có cá trong thung lũng chết . Thấy cá trong sa mạc nghe có vẻ không khả thi, nhưng đáng ngạc nhiên là có sáu loài cá có thể sống sót trong vùng nước mặn và điều kiện khắc nghiệt này. Một trong số đó là loài cá pupfish có nguy cơ tuyệt chủng. Nó chỉ sống ở vùng nước Devils Hole 93 độ, ở đây nhiệt độ nước và nồng độ oxy khiến hầu hết các loài cá khác không sống được. Những con cá con màu xanh ánh kim dài một inch này là một trong những loài cá hiếm nhất thế giới.
Màu xanh tươi sáng của cá Devils Hole Pupfish.
Thung lũng Chết là công viên quốc gia rộng lớn với diện tích hơn 3 triệu hecta và hàng trăm dặm đường hẻo lánh. Công viên có nhiều loại địa hình, di tích lịch sử, thực vật và động vật tuyệt vời cho những ai thích phiêu lưu ngoài trời khám phá bằng cách đi bộ, xe đạp hoặc ô tô. Thung lũng chết có một số nơi tối nhất trong cả nước về đêm rất tuyệt vời để ngắm nhìn dải ngân hà, mặt trăng, mưa sao băng.
Vui vẻ với nhân viên kiểm lâm của công viên.
Thung lũng chết tràn đầy sức sống, từ những bông hoa dại rực rỡ và loài sinh vật độc đáo đến lịch sử văn hóa và phong cảnh tuyệt đẹp.
Theo Yến Phạm/Petrotimes