a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

VỀ GIÀ.




Về già, là khi ta có một đôi mắt mờ đi nhưng lại nhìn cuộc đời rõ hơn trước. Vì có những thứ không thể nhìn bằng mắt thịt, và cũng có những điều không thể nghe bằng tai trần.

Về già, là khi đôi chân mỏi mệt khi đã bị kéo lê gần hết quãng đường đời nhưng khi ngoái đầu lại ta dường như mới là đứa trẻ ngày hôm qua. Bây giờ ta bước chậm hơn trước, chắc hơn trước và cũng trân trọng hơn từng cái chạm đất, vì có thể ngày mai ta không còn bước đi được nữa.
Về già, là khi ta dùng đôi tai điếc của mình để nghe thiên hạ đang xôn xao về chuyện đời và ta biết rằng hơn một nửa trong số ấy không là thật. Bây giờ, âm thanh êm dịu duy nhất chỉ có tiếng chim tiếng gió và những âm thanh còn đọng lại trong lòng ta, của những người ta từng trân quý nhưng bây giờ không còn thể gặp lại nữa.
Về già, là khi ta nhận ra rằng ta đã may mắn như thế nào khi từng được hít thở không khí một cách thoải mái, vì bây giờ, mỗi hơi thở là một thước đo của sự sống. Ta thở ra nhưng ta không thể biết có thể hít vào một lần nữa được hay không?
Về già, là khi những người tri kỷ ta còn ngồi lại cùng ta hoài niệm về một thời xa xưa, tuy là không nhiều. Âu đó cũng là quy luật tự nhiên, khi ta không còn giá trị, những bằng hữu sẽ rời xa ta, người còn ở lại nhất định ta phải trân quý.
Về già, là khi ta nếm đủ ngọt bùi đắng cay của cuộc đời. Những thứ làm ta say đắm ngẫm lại vui sướng không là bao nhưng đau khổ lại rất nhiều. Có những thứ ta cứ tưởng nắm chặt trong tay rồi thì ngày mai lại trôi đi mất. Cuộc đời như một trò đùa mộng mị mà người chơi phải trả bằng cả tuổi thanh xuân của mình, bây giờ ngẫm lại chỉ toàn là hối tiếc...
Suốt đời quý nhất cũng chỉ là hai tiếng bình yên. Hạnh phúc cũng không phải là điều gì quá xa vời, nhưng có những người gần lúc cuối đời mới nhận ra được điều đó.

Sưu tầm

SUY NGẪM 8 BÀI HỌC NÀY, HƠN CẢ ĐỌC 8 QUYỂN SÁCH

1. Muốn chắc chắn, mua thùng đựng nước to đến đâu cũng không bằng đi đào một cái giếng.
“Con đường đúng đắn rất quan trọng”
2. Đàn ông dù giỏi đến đâu, nếu không có phụ nữ thì cũng không thể tự mình có con được.
“Hợp tác rất quan trọng!”
3. Một cá nhân dù có năng lực đến mức nào đi nữa, cũng không thể nào giỏi hơn một tập thể.
“Đoàn kết rất quan trọng”
5. Hai con ếch yêu nhau, sau khi cưới sinh ra một đàn ếch con xấu xí. Ếch bố thấy vậy tức giận nói: “ Thế này là thế nào?”. Ếch mẹ vừa khóc vừa thú nhận : “ Trước khi quen anh, em từng đi phẫu thuật thẩm mĩ”
“Thấu hiểu nhau rất quan trọng”
6. Vịt và cua thi chạy bất phân thắng bại. Trọng tài liền nói: “ Hai vị oẳn tù tì quyết định thắng thua đi” . Nghe vậy vịt tức giận nói : “Tôi lúc nào cũng ra giấy, còn hắn thì luôn ra kéo”
“Thiên phú rất quan trọng”
7. Lừa con hỏi lừa bố: “ Tại sao ngày nào chúng ta cũng phải ăn cỏ, mà mấy con bò sữa lại được ăn thức ăn ngon như vậy ạ?”. Lừa bố trả lời : “Vì chúng ta kiếm ăn nhờ sức lực, còn chúng dựa vào ngực để kiếm ăn”.
“Tâm thái tốt rất quan trọng”
8. Chó nói với gấu: “Lấy anh nhé! Em sẽ hạnh phúc”. Gấu trả lời : “ Lấy anh sinh ra gấu chó à? Tôi muốn lấy mèo, sinh ra gấu mèo (gấu trúc), như vậy con tôi mới được tôn trọng và yêu quý”.
“Lựa chọn rất quan trọng”.

Nguồn sưu tầm


12 câu ngắn gọn khai mở kiếp nhân sinh.

Sông có khúc, người có lúc, an nhiên tự tại, vạn sự tùy duyên, không tranh không đấu,

thiện đãi vạn vật, ắt hạnh phúc đong đầy.


Đời người hỏi được mấy mươi xuân?

Cớ chi tranh đấu nhọc muôn phần?

Kiếp người thành bại do nhân số;

Dưỡng đức, tu tâm tạo phúc điền…

Nhân sinh tại thế, đời người thành bại cũng chỉ là giấc mộng đêm trường, kẻ thắng người thua, ấy có gì khác biệt. Giấc mộng tan rồi, cát bụi hoá hư vô.

Vậy nên:

1. Người khác nghĩ về chúng ta thế nào, điều đó không quan trọng, quan trọng đó là chúng ta sống như thế nào cho chính mình.

2. Sĩ diện đáng bao nhiêu tiền? Tại sao chúng ta phải quan tâm cách nghĩ của người khác về mình? Chúng ta không thể khống chế được người khác nghĩ gì về mình, nhưng chúng ta có thể khống chế được bản thân nghĩ gì về người khác.

3. Rồi một ngày mỗi chúng ta cũng sẽ minh bạch được rằng: “Làm người sống thông minh không khó, khó là sống sao cho lương thiện”, vì thông minh là Trời cho còn lương thiện chính là một sự lựa chọn.

4. Trong lúc tâm trí không vui, trong lòng chán nản chớ làm tổn thương người yêu thương mình.

5. Có những lúc chúng ta sẵn lòng tha thứ lỗi lầm cho một người nào đó rồi nhưng lòng vẫn chẳng thể vui. Nguyên nhân chính là ta chưa thể tha thứ cho chính mình.

6. Có những việc không cần giải thích, bởi càng giải thích thì sự việc càng sai, càng hiểu lầm.

7. Thứ đã không cần thì dù có tốt mấy cũng chỉ là đồ bỏ.

8. Người giỏi giao tiếp không phải là người quen biết được bao nhiêu bằng hữu mà là lúc khó khăn có bao nhiêu bằng hữu nguyện ý giúp mình.

9. Phụ nữ không có sức cuốn hút ắt cảm thấy nam nhân hai lòng hai dạ. Đàn ông không có bản lĩnh thì mới cho rằng phụ nữ thực dụng.

10. Có những lúc ta cũng cần phải nói hai từ “xin lỗi” với chính mình. Bởi bao năm nay ta vẫn chưa học được cách yêu chính bản thân mình.

11. Vạn sự trên đời có sinh ắt có tử, nhưng dù chỉ sống một ngày cũng cần phải sống một cách tốt nhất có thể. Tiền tài danh vọng có thể không có, nhưng không thể không có niềm vui, không thể không có sự chính trực, nhân nghĩa.

12. Sông có khúc, người có lúc, an nhiên tự tại, vạn sự tùy duyên, không tranh không đấu, thiện đãi vạn vật, ắt hạnh phúc đong đầy.

Trăng có khi tròn khi khuyết, người thì có lúc hưng, lúc bại. Vậy nên làm người đôi khi

lùi một bước biển rộng trời cao, vạn sự hanh thông, muôn điều hòa thuận.

Minh Vũ.



NGƯỜI THỢ XÂY

Người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình.
Hãng thầu rất tiếc khi thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị ông cố gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà trước khi thôi việc. Ông ta nhận lời.
Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây dựng căn nhà với những vật liệu tầm thường, kém chọn lọc, miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.
Mấy tháng sau, căn nhà đã hoàn thành. Người chủ hãng mời ông đến, trao cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: “Ông đã gắn bó và làm việc rất tận tụy với hãng trong nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!”
Thật là bàng hoàng! Nếu người thợ biết mình sẽ xây cất căn nhà cho chính mình thì hẳn ông ta đã làm việc cẩn thận hơn và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà ông biết rõ là kém phẩm chất như thế nào.
Câu chuyện người thợ xây cũng tương tự như chuyện đời của chúng ta. Cũng như người thợ già kia, chúng ta thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua đòi không chú trọng tới phẩm chất của nó. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những sự bê bối của mình trong quá khứ, chúng ta thấy mình đang phải cam chịu những hậu quả của nó.

Cuộc đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay. Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn!

Sưu Tầm

VIẾT TÀO LAO TRONG BUỔI CHIỀU.

Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang trời. Có người bó trong chiếc chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.

Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất. Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng. Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng tay lúc trở về cát bụi.

Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọn đường ta đã đi, ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm tiếp nối nhau.

 Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã có thể tự hào.

Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có chia sẻ. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão. Tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của cuộc đời. Thiếu chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.

Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười. Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện. Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh. Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa, đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi già.

Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.
Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già, làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong sự thanh thản.

Đến một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà nếu tha thứ được thì nên tha thứ, nếu quên được thì nên quên. 

Sống tập quên cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng. Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân.

Đỗ Duy Ngọc