Yvette Dardenne khiến nhiều người kinh ngạc vì sở hữu đến 60.000 chiếc hộp thiếc dùng để đựng hàng hóa các loại khác nhau.
Kho báu 60.000 chiếc hộp thiếc cổ của người phụ nữ Bỉ
Yvette Dardenne, 83 tuổi, sống ở Grand-Hallet tỉnh Liege, Bỉ, đã tích lũy được gần 60.000 hộp thiếc cổ điển từ khắp nơi trên thế giới. Bộ sưu tập khủng của bà với số lượng ngày một tăng, hiện tại bà phải sử dụng đến ba căn nhà mới chứa đủ.
Yvette Dardenne bắt đầu sưu tập từ cách đây khoảng 30 năm, bắt đầu với một chiếc hộp thiếc đựng socola Cote d'Or có minh họa là bức tranh một cô gái tóc vàng đội mũ xanh.
Những chiếc hộp thiếc với đủ loại kích thước, màu sắc, hình dạng đến từ vô số nhãn hiệu khác nhau. Chúng là các hộp thiếc đủ mọi hình thức trang trí từ các gia đình hoàng tộc đến ông già Noel đến các nhân vật của hoạt hình của Disney.
Khi số lượng bộ sưu tập đã trở nên quá nhiều, bà quyết định cần thêm không gian để trưng bày chúng. Bảo tàng của bà trải dài khắp ba căn nhà.
Những chiếc hộp thiếc đựng các loại sản phẩm khác nhau trong bộ sưu tập của người phụ nữ 83 tuổi
Cụ bà 83 tuổi cho biết: "Tôi không đi du lịch nhiều. Mọi người vẫn nghĩ rằng tôi chắc phải đi nhiều nơi lắm. Tuy nhiên thực tế là tôi chỉ thu thập những chiếc hộp mình. Nhiều người biết đến sở thích của tôi, biết tôi đang sưu tập những chiếc hộp thiếc nên họ mang đến để chào hàng".
Một trong những báu vật lớn nhất của Yvette Dardenne là chiếc hộp có hoa văn tinh xảo sản xuất từ năm 1868 có biểu tượng hai con ngựa ở phía trên hộp, dùng để đựng bánh quy. Chiếc hộp do Huntley & Palmers ở Reading, Anh sản xuất.
Bên cạnh đó, những chiếc hộp thiếc đầy màu sắc được sử dụng để chứa các loại hàng hóa khác nhau từ socola, cà phê, gạo, thuốc lá, hay xi đánh giày ...
Có những nhà sưu tập trên thế giới đã biến những món đồ của mình thành một khối tài sản sinh lợi bằng cách mở cửa chào đón du khách tham quan triển lãm ngay tại nhà riêng.
Hoàng Dung (lược dịch)
10 quốc gia 'bé hạt tiêu' nhưng cực phi thường khiến TG kinh ngạc.
Tuy có diện tích nhỏ bé đến không tưởng, bé nhất chỉ khoảng 0,5km2, nhưng các quốc gia 'bé hạt tiêu' này lại chứa đựng nhiều điều phi thường, độc lạ, khiến cả thế giới phải ngạc nhiên muốn một lần được ghé thăm trong đời.
Grenada – 344km2: Với dân số khoảng 107.000 (2016), quốc gia "bé hạt tiêu" có tên gọi khác là “Hòn đảo của gia vị” (Isle of Spice). Quốc gia này nổi tiếng bởi các loại hương liệu được xuất khẩu như vỏ nhục đậu khấu, đinh hương, quế. Du lịch là ngành kinh tế chủ yếu của Grenada.
Cộng hòa Malta – 316km2: Đây là một đảo quốc Nam Âu, gồm một quần đảo nằm giữa Địa Trung Hải. Với dân số 419.000 người (2016), Malta là quốc gia nhỏ nhất nhưng lại có mật độ dân số dày nhất châu Âu. Mailta xếp thứ 48 trong các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.
Maldives – 300km2: Maldives trở thành một nước độc lập vào năm 1965. Quốc gia nhỏ bé này giữ kỷ lục là quốc gia phẳng nhất thế giới, mức đất tự nhiên chỉ cao 2.3m so với mực nước biển. Du lịch và đánh cá là 2 ngành kinh tế then chốt của Maldives.
Liên bang Saint Kitts và Nevis - 261km2: Quốc gia gồm hai hòn đảo Saint Kitts và Nevis nằm ở phía Đông vùng biển Caribe. Quốc gia nhỏ bé và nổi tiếng này có ngành kinh tế du lịch, nông nghiệp và công nghiệp phát triển.
Liechtenstein - 160km2: Nằm giữa Thụy Sĩ và Áo, đất nước Liechtenstein là một nơi an toàn với tỷ lệ tội phạm cực kỳ thấp, vụ giết người cuối cùng xảy ra vào năm 1997. Ngoài ra, Liechtenstein cũng có tỉ lệ thất nghiệp thấp thứ nhì thế giới là 1.5% (thấp nhất là Monaco).
San Marino - 61km2: San Marino có tên đầy đủ là Cộng hòa Đại bình yên San Marino. Điều đặc biệt là San Marino nằm trọn trong nước Ý. San Marino được xem là một trong những quốc gia cộng hòa độc lập lâu đời nhất thế giới.
Tuvalu - 26km2: Đây là một quốc đảo nằm ở phía Nam của Thái Bình Dương, giữa Hawaii và Australia. Thu nhập chính của quốc gia này là từ bán tem và đồng tiền xưa... Năm 2010, Tuvalu còn là một địa điểm hẻo lánh chỉ có 2.000 du khách và 65% trong số đó là các doanh nghiệp.
Nauru-21km2: Mặc dù đất nước Nauru có cảnh đẹp tuyệt vời nhưng lại có tình trạng thất nghiệp cao, chỉ 10% người dân địa phương có việc làm ổn định. Ngoài ra, đây được cho là quốc đảo có số người mắc bệnh béo phì nhiều nhất, với 97% nam giới và 93% nữ giới bị ảnh hưởng.
Monaco-1,98km2: Tuy là một quốc gia, nhưng Monaco chỉ có duy nhất 7 phường. Tuy chỉ là một công quốc nhỏ bé nằm cạnh Địa Trung Hải nhưng Monaco là một trong những quốc gia giàu có và xa xỉ nhất thế giới.
Thành Vatican-0,5km2: Đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới và nằm trọn trong thành phố Rome của Ý. Nền kinh tế của quốc gia này cực kỳ đặc biệt bởi chủ yếu do các khoản quyên góp của người thiên chúa giáo La Mã, thu nhập từ bán tem, ấn phẩm, đồ lưu niệm...
Thu Hà (TH)
Kinh hoàng vụ đại bác khổng lồ của Đức nã vào Paris năm 1918.
Dù từng hiên ngang trong các trận ném bom của kẻ thù, thủ đô nước Pháp đã phải chìm trong sự khiếp sợ trước sức công phá từ những khẩu đại bác khổng lồ Đức mới tung vào trận.
Vào ngày 23/3/1918, lúc 7 giờ 20 phút sáng, một vụ nổ tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris đã đánh dấu sự mở màn cuộc tấn công bằng cỗ đại bác khổng lồ mà quân Đức mới đưa vào chiến trường trong Thế chiến I
Loại súng mà sau này được gọi là Paris Kanone (đại bác Paris) được hãng Krupps sản xuất, có cỡ nòng 210 mm và chiều dài nòng 36 mét. Nó có thể bắn đạn đi xa đến 40 km.
Lúc đầu, các tướng lĩnh Paris cho rằng thành phố bị ném bom, nhưng ngay sau đó họ xác định rằng thành phố thực sự bị trúng đạn pháo binh, tình huống chưa từng được tính đến với công nghệ pháo binh hạn chế thời đó.
Trong ngày đầu tiên xuất trận, các khẩu pháo khủng khiếp của quân Đức đã giết chết 16 người và làm bị thương 29 người, làm hư hỏng nhiều tòa nhà ở Paris.
Dù từng hiên ngang trong các trận ném bom của kẻ thù, thủ đô nước Pháp đã phải chìm trong sự khiếp sợ trước sức công phá từ những khẩu đại bác mới của Đức.
Kể từ đó đến đầu tháng 8/1918, quân Đức tiến hành thêm nhiều vụ pháo kích nhằm vào Paris, làm khoảng 260 người thiệt mạng.
Con số thương vong ở Paris tương đối thấp do người dân đã tránh tụ tập thành nhóm lớn trong thời gian diễn ra các vụ tấn công. Và quân Đức không thể giành chiến thắng cuối cùng bằng vũ khí tối tân của mình.
Cùng với sự bại trận của Đức, hầu như tất cả thông tin về đại bác Paris, một trong những loại vũ khí tinh vi nhất xuất hiện trong Thế chiến I, đã biến mất sau khi chiến tranh kết thúc.
Sau này, Đức Quốc Xã đã cố gắng tái sản xuất khẩu đại bác trứ danh thời Thế chiến I từ những hình ảnh và sơ đồ còn sót lại nhưng không thành công.
Các bản sao của đại bác Paris đã được quân Đức dùng để tấn công Anh tại Eo biển Manche vào năm 1940, nhưng đã không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào cho đối phương.
T.B (tổng hợp)