a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

MẤY NGỌN RAU THƠM ( BS Nguyễn Ý Đức )

Món ăn ngon tùy thuộc vào phẩm chất của thực phẩm và kinh nghiệm nấu nướng của người làm bếp. Nhưng món ăn ngon, đặc biệt là đối với các món ăn Việt Nam, cũng nhờ được thêm vào những chất phụ, những ngọn rau có hương vị khác nhau.

       Thực vậy, những ngọn rau thơm đã nâng cao giá trị của các món ăn, làm cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn với các mầu sắc khác nhau, làm tăng hương vị món ăn với các tinh dầu có sẵn trong rau.

       Số lượng rau gia vị thêm vào mỗi món ăn không cần nhiều, mà chỉ loáng thoáng nhưng thiếu chúng là không được.

       Và vì thế, khi bắt đầu cuộc sống xa quê hương hơn ba mươi năm về trước, mỗi người chúng ta đều e ngại không có rau thơm để ăn. Nhất là ở nước Mỹ, khi mà lệnh cấm nhập cảng các loại hạt giống cũng như rau trái cây bị nghiêm ngặt cấm. Từ nước ngoài trở về Mỹ, nhất là từ vùng Ðông Nam châu Á là được các thầy cô quan thuế phi, hải cảng cặn kẽ, soi mói hỏi: có thịt, có trái cây, hạt giống...không. Và hành lý bị lục tung để khám xét.

       Ấy vậy mà những con Rồng cháu Tiên cũng đã có cách. Ðủ loại rau được trồng, từ Bắc kỳ rau muống tới Nam kỳ diếp cá... Ði qua cửa nhà nào thấy có khoảnh đất nhỏ xanh um mấy loại rau thơm thì y chang là bà con “anamitoòng” mình.

       Ngày nay, chúng ta có đủ loại rau thơm mà quê hương ta trồng được. Nhờ đó, món ăn Việt Nam đượm dân tộc tính, làm giàu cho nền văn hóa ẩm thực các quốc gia có người Việt sinh sống.

Xin tìm hiểu hữu dụng của mấy ngọn rau thơm này:

1-RAU RĂM

Rau răm có mùi thơm, vị chát, hơi cay cay, đặc biệt hấp dẫn. Hấp dẫn như người thiếu phụ hơi nhiều tình cảm mà lại có “con mắt lá răm, lông mày lá liễu”... Người Trung Hoa gọi răm là Thủy Liễu, Lão Liễu.

       Về phương diện ẩm thực, ăn hột gà hột vịt lộn mà thiếu rau răm thì có thể gây ra đầy bụng, khó tiêu.

Canh sáo thịt bò, cật heo phải có mươi lá rau răm thái nhỏ cho ngọt nước, ngọt thịt.

       Bát bún thang cần vài sợi rau răm, vài giọt tinh dầu cà cuống thì mới đúng là bún thang Hà Nội ngàn năm văn vật.

       Cá diếc nấu với rau sam và ớt tươi vẫn cần mấy lá răm để dịu mùi tanh. Riêu hến, riêu trai cộng thêm mấy lá răm ăn vào mát ơi là mát!

       Và tô bún bò Huế nóng hổi, cay đến chẩy nước mắt bắt buộc là phải có những lá rau răm thon thon, xanh xanh ...

       Rau răm được dùng để kích thích tiêu hóa, đầy hơi, đau bụng, chống nôn mửa, thông tiểu tiện, chữa nóng sốt, chữa rắn cắn, sâu quảng, hắc lào trên da...

       Rau răm còn được những người “tiết dục” ưa dùng vì cho rằng rau có khả năng làm bớt tinh khí, “dịu tình, giảm cơn bốc dục”.

2-HÚNG QUẾ

“Húng làng Láng, đào Nhật Tân” chắc là đang đi vào dĩ vãng, vì sự đô thị hóa thành phố, di dời dân chúng. Những khu nhà cao tầng, cơ sở nhà nước đang được dựng lên thay cho rau cỏ, hoa lá.. Làng Láng nằm ở ven đô Hà nội. Dân chúng cha truyền con nối trồng các loại rau, nổi tiếng là rau thơm.

Húng làng Láng đã đi vào văn học dân gian với:

“Vải Quang, Húng Láng, Ngổ Đầm,

Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”

hoặc:

“Ở đâu thơm húng, thơm hành,

Có về làng Láng, cho anh theo cùng

Theo ai vai gánh vai gồng

Rau xanh níu gót bóng hồng sông Tô”

Húng quế còn có tên gọi là húng chó, húng giổi, rau é.

       Húng có nguồn gốc từ Ấn Ðộ, Trung Hoa, nhưng hiện nay được trồng tại nhiều quốc gia để lấy tinh dầu chế biến chất thơm. Ở Việt Nam trước đây húng được trồng để lấy lá làm gia vị và hạt làm nước giải khát.

       Húng có mùi thơm thoang thoảng, vị cay nhè nhẹ rất thích hợp với phở nước, phở xào, bò bẩy món, gỏi cuốn, tái dê, dồi lợn ...

       Húng quế còn đi với “cờ tây”, bò bía, bì cuốn hoặc với “tứ thời bát tiết canh chung thủy” Mà phải là tiết canh lợn, tiết canh dê, tiết canh vịt, tiết canh chó chứ chớ có tiết canh gà, vì các cụ cho là huyết gà ăn sống rất độc...Một miếng tiết canh với chút nước chanh, mấy hạt đậu phọng, vài lá ngò gai, ngò ôm, húng quế mà chiêu với hớp rượu lúa mới thì, hết chỗ nói..

       Rau húng héo thâm đen rất nhanh, nhất là khi để trong tủ lạnh. Tuy nhiên, sau khi ngâm vào nước khoảng nửa giờ thì rau tươi trở lại. Nên cất rau trong túi giấy kín miệng, để ở chỗ có nhiệt độ mát.

Húng có nhiều dầu thơm, được sử dụng trong kỹ nghệ chế biến chất thơm và làm thuốc.

       Trong y học, húng quế được dùng để chữa cảm mạo, long đờm thông đường hô hấp, đau dạ dày, đầy bụng khó tiêu, ngậm trong miệng để bớt hôi miệng, chữa đau răng, sâu răng, lợi tiểu tiện, diệt giun sán, trị nấm ngoài da ...

       Hột húng quế có nhiều chất nhờn. Khi ngâm vào nước, chất nhờn nở ra, bao quanh hạt và được dùng để nấu chè hột é, uống vào giải nhiệt, bớt táo bón.

3-THÌA LÀ

Thìa Là có nguồn gốc từ vùng ôn đới nên cây thường được trồng vào mùa đông- xuân ở miền bắc Việt nam, còn các tỉnh phía nam thì hầu như không có thảo gia vị này.

       Lá Thìa Là mảnh mai như những chiếc kim khâu, nhưng có vị cay và mùi thơm “mãnh liệt” có thể làm át mùi tanh của các loại cá.

       Cho nên canh chua cá lóc, chả cá Lã Vọng, Sơn Hải, cá quả nấu ám, lẩu cá lăng Việt Trì... mà không có nắm rau xanh xanh mảnh mai này đi kèm với các gia vị khác thì chắc cũng có nhiều người không muốn nhúng đũa.

       Giò trâu, chả trâu, chả rươi mà loáng thoáng có những sợi Thìa Là thì ăn thơm khó tả...Ba ba nướng chả, ngoài nghệ, tía tô, riềng, tiêu, chanh, ớt vẫn cần có thêm một nắm Thìa Là mới dậy vị.

       Dân gian dùng nước cất hoặc tinh dầu quả Thìa Là để trị đau bụng trẻ em, lợi sữa cho bà mẹ, kích thích trung tiện, giúp cho sự tiêu hóa, đái rắt, sốt rét, thận suy, tỳ yếu... Tinh dầu Thìa Là cũng được dùng để ướp trà, làm xà phòng thơm.

4-RAU DIẾP CÁ

Diếp Cá còn có tên là cây lá giấp, rau giấp, trấp cá, ngư tinh tảo.

Diếp Cá có vị cay, mùi tanh hôi, tính ấm mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu.

Diếp Cá mọc hoang khắp nơi và lan tràn rất mau. Mấy cọng rau mới cài ở góc vườn ngày nào, mà chỉ vài tuần sau đã um tùm những diếp cá.

       Đây là món ăn ưa thích của người miền Nam, nhưng hơi lắc đầu “nhăn mặt” với người miền Bắc, vì vị tanh tanh. Nhưng cái tanh tanh, béo béo của diếp cá lại rất “hợp nhất” với cái tanh của những miếng cá còn tươi. Phải chăng đây là duyên tiền định với tên “diếp cá”ngư tinh tảo. Diếp cá thường được ăn sống với các loại rau thơm khác.

       Theo Y học cổ truyền, diếp cá có vị cay, mùi tanh, tính mát có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, điều kinh. Lá diếp cá ăn vào rất mát, có thể làm trĩ hậu môn xẹp xuống.

       Ngoài ra, diếp cá cũng được y học dân gian tại nhiều quốc gia dùng làm thuốc lợi tiểu tiện, hạ cao huyết áp, giảm ho, tiêu diệt vi khuẩn, chữa kiết lỵ, viêm phổi, sởi ở trẻ em, viêm tắc tia sữa, viêm xoang, viêm sưng tai giữa, đau mắt đỏ, kinh nguyệt không đều...

       Người Nhật ưa thích gội đầu với nước ép diếp cá và nước, vì họ thấy mái tóc rất sạch và đẹp. Bị đau lưng, đau khớp mà tắm với nước nóng pha với nước diếp cá cũng bớt đau.

       Bài thuốc với diếp cá theo kinh nghiệm dân gian:

Trĩ: 5-10g diếp cá, sắc lấy nước, ngâm vùng bị trĩ đồng thời ăn sống rau diếp cá vào mỗi bữa cơm. Kinh nguyệt không đều, viêm phổi, viêm ruột: Diếp cá tươi, sắc lấy nước uống thường xuyên.

Diếp cá tươi cần được rửa sạch, cất trong tủ lạnh hoặc nơi mát.

5 -SẢ

Sả hoặc cỏ sả, sả chanh, hương mao là loại cỏ lá dài như lá lúa, sống lâu năm, mọc thành từng bụi. Cây và lá sả có một mùi thơm đặc biệt có thể hòa hợp với nhiều thực phẩm như thịt, tôm, lươn, ếch, cua ..Sả giúp món ăn dễ tiêu hóa hơn

       Có nhiều món ăn có thể nấu với sả như ếch xào sả ớt, bún bò Huế, mì căn xào sả, thịt gà nạc xào củ sả, cá chiên ướp tỏi sả, lươn rang muối hoặc hầm với sả, pha nước mắm chấm với sả và nhiều vật liệu khác...

       Vì có mùi thơm nên tinh dầu sả được dùng để làm nước hoa, xà phòng thơm. Lá sả nấu sôi với lá chanh, ngải cứu làm nước xông, kích thích đổ mồ hôi, giải cảm. Nước chiết củ sả có tính cách lợi tiểu, ra mồ hôi.

      Cây sả trồng ở góc vườn vừa đuổi muỗi vừa khiến cho rắn không dám bén mảng tới gần nhà.

6-TÍA TÔ

Tía tô hay tử tô là loại thảo thân thẳng có lông, lá mọc đối mép có khía răng, mầu xanh tím hoặc tím tía. Tía tô được trồng khắp mọi nơi để làm gia vị hoặc làm thuốc. nhTất cả các bộ phận của cây từ lá, hoa, củ tới cành, hạt đều dùng được, nhưng dùng nhiều nhất vẫn là lá. Bún chả Hà Nội mà không có mấy là tía tô xanh xanh- tím tím ăn với rau sống thì cũng mất ngon.

       Món giả ba ba, ốc nhồi, ếch, đậu phụ với mấy lá tía tô thái nhỏ chan lên bát bún là món ăn rất độc đáo. Lại còn đậu phụ chiên chấm với mắm tôm kèm vài lá kinh giới, tía tô để mấy cụ nhâm nhi chút rượu; cà bung đậu phụ tía tô cho người muốn giảm béo; cháo trắng thật nóng kèm thêm vài củ hành ta, mấy lá tía tô thái nhỏ thì mồ hôi đầm đìa, cảm lạnh ra đi, người bệnh thấy khỏe khoắn, nhẹ nhõm...

       Về phương diện y hoc cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ấm, phát tán phong hàn, giải độc, tiêu tích, hạ khí.

       Y học dân tộc mình dùng tía tô để trị ngoại cảm, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, chữa ho, hạ đàm, giảm hen suyễn, tê thấp, giải ngộ độc cua cá, cầm máu, giúp ngủ ngon, kháng vi khuẩn, nấm, phòng ngừa sẩy thai, kích thích đổ mồ hôi ...

       Hạt tía tô có nhiều tinh dầu được dùng ở Nhật Bản, Ðại Hàn quét lên dù, lên giấy để tránh thầm nước.

Dân Nhật cũng hay uống trà tía tô để kích thích tuần hoàn, bổ thần kinh, giảm cân; rửa mặt gội đầu với nước tía tô để da, tóc khỏi khô.

7-KINH GIỚI

Kinh giới hoặc khương giới có vị cay ấm với công năng trừ phong, giải độc, tiêu viêm, cầm máu.

      Món ăn gồm có bún, đậu phụ, mắm tôm với rau sống, lá kinh giới ở ngõ Phất Lộc Hà Nội luôn luôn đông khách, dù là món ăn rất bình dân. Rau muống xào với tỏi mỡ phải ăn kèm với vài lá kinh giới mới ngon miệng. Chả cá, bún chả Hà Nội, các món gỏi cần có mấy lá kinh giới kèm với rau sống thì mới thỏa mãn khẩu vị.

      Hoa và lá kinh giới được dùng trong dân gian để chữa cảm mạo, nhức đầu, hoa mắt, nóng sốt, viêm sưng cuống họng, nhức mình, nôn mửa, đổ máu cam, đại tiểu tiện ra máu, lở ngứa ngoài da..

      Có nghiên cứu nói đậu phụ ăn với kinh giới có thể phòng chống loãng xương ở phụ nữ, nhờ có estrogen thực vật trong hai loại thức ăn này

      Danh y Trung Hoa Hoa Ðà đã thành công chữa một sản phụ bị băng huyết bằng bột hoa kinh giới sao khô tán nhỏ

8-XƯƠNG SÔNG LÁ LỐT


Xương Sông là loại cây cỏ, thân đứng, lá mọc so le hình mác, cạnh khía răng. Rau có nhiều ở vùng nhiệt đới. Toàn cây có mùi rất đặc biệt, tương tự như mùi dầu hôi. Lá là bộ phận được dùng để làm gia vị và thuốc chữa bệnh.

       Vì có mùi hơi lạ, nên không ai ăn lá Xương Sông sống mà được dùng để gói thịt heo, thịt bò nướng chả. Lá sẽ tái đi, tinh dầu ngấm vào thịt và cho một vị béo ngậy khác thường. Lá Xương Xông nấu canh thịt, canh cá ăn rất ngon..

       Nước lá Xương Sông đun sôi được dùng để chữa cảm sốt, ho sởi, trúng phong, đầy bụng ...hoặc rang nóng rồi chườm lên khớp xương đau nhức.

       Xương Sông thường đi đôi với Lá Lốt.

Lá lốt to như lá trầu không, có vị nồng, hơi cay.

Lá lốt gói thịt heo hay thịt bò băm nhỏ, thêm gia vị mắm muối rồi nướng than hồng, khi ăn chấm với mắm nêm pha chanh, ớt, đường, tỏi...

Lá lốt thái nhỏ nấu với ốc là món ăn rất hấp dẫn.

Lá lốt có tác dụng chữa đau xương, tê thấp, đổ mồ hôi tay, đầy hơi, tiêu chẩy... Nước sắc lá lốt được dùng để ngâm chân tay khi đổ nhiều mồ hôi ...

       Rồi lại còn rau ngổ um lươn; ngò gai ăn với thịt heo luộc chấm mắm tôm chua xứ Huế; khế chua, chuối xanh, hành sống, gừng già, kinh giới, tía tô, mùi tầu ăn với thịt ba chỉ luộc chấm mắm tép đồng ruộng; giềng lót nồi cá kho tộ, giềng kết nghĩa với “cầy tơ” bẩy món; me, muỗm, nhót nấu canh thịt canh cá; lá chanh non ăn với thịt gà đồng quê luộc, bộ ba lá mơ tam thể, đinh lăng và lá sung kết hợp với gỏi cá, nem chạo; khế chua nấu riêu với cua đồng ...

Và nhiều ngọn rau thơm khác nữa....

       Nhà văn ẩm thực danh tiếng Băng Sơn của Hà Nội có viết: “Gia vị chỉ là vai phụ trong sân khấu bữa ăn, nhưng thiếu vai phụ này thì vai chính chả diễn được với ai. Người diễn viên phụ chỉ ra sân khấu thoáng qua, nhưng ấn tượng để lại là không thể phai mờ”.

Thật là một nhận xét rất xác đáng!

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức.

Cẫn thận khi uống sữa: có thể làm CAO máu đường mở.

Nên Uống Hai Ly Sữa Mỗi Ngày.

Trong phần ăn của mọi người, các nhà dinh dưỡng và y học đều khuyên nên bao gồm sữa, vì đây là thực phẩm có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể.
Sữa là một chất lỏng mầu trắng đục chẩy ra từ tuyến vú của phụ nữ hoặc một số động vật giống cái để nuôi con.
Về ẩm thực, khi nói đến sữa thường là nói tới “sữa bò” vì loại sữa này rất thông dụng và chiếm hầu hết thị trường sữa. Ngoài ra còn sữa trâu nước, sữa cừu, sữa lừa, sữa dê…

Sữa được dùng theo nhiều cách và có thể phối hợp với các thực phẩm khác. Ta có thể nấu thịt, rau, đậu với sữa; làm nước xốt khi nấu chung với thịt, trứng, rau hoặc dùng như món điểm tâm mỗi buổi sáng với ngũ cốc chế biến khô (cereals).

Bài dưới đây trình bày một số kiến thức thông thường về sữa bò.

Sữa bò là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho con người nên bò cái đã được mệnh danh là “Mẹ Nuôi của Loài Người” (The Foster Mother of Human Race). Suốt thời gian dài gần 300 ngày sau khi sanh con, bò liên tục tiết ra nguồn sữa bổ dưỡng, nhưng không phải chỉ để nuôi con mà phần lớn lại đi vào dạ dầy con người.

Các loại sữa bò

Trên thị trường, có nhiều dạng sữa bò khác nhau mà ta có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu.

1- Sữa tươi lỏng

Có nhiều loại sữa khác nhau nhưng theo tiêu chuẩn chung thì mỗi lít sữa đều có 36g chất đạm, 600mcg sinh tố A, 10mcg sinh tố D. Khác biệt nhau ở các loại sữa là ở số lượng chất béo.

a- Sữa nguyên dạng không pha chế, đã được khử trùng, có khoảng 3.25% chất béo.
b- Sữa ít béo là dạng sữa đã được loại bỏ bớt một phần chất béo, nhưng vẫn còn khoảng từ 0.5% đến 2% chất béo.
c- Sữa không béo chỉ còn dưới 0.5% chất béo.
đ- Sữa không đường.

Lactose là loại đường có tự nhiên trong sữa và cần chất xúc tác lactase để được tiêu hóa. Nhiều người, đặc biệt là dân Á Đông, không có chất lactase, nên khi uống sữa thường bị tiêu chẩy, đầy hơi, đau bụng. Đó là tình trạng “không dung nạp” (intolerence) với sữa, thường xuất hiện vào tuổi lên năm. Muốn tránh tình trạng này, người ta thêm men lactase vào sữa để phân hóa lactose.
Sữa mà 99% lactose được phân hóa gọi là “sữa không đường” (lactose free); phân hóa hết 70% thì gọi là “sữa giảm đường” (lactose reduced).

e- Sữa thô (raw milk). Đây là dạng sữa tự nhiên vừa được vắt từ bò cái, không qua bất kỳ sự chế biến nào, kể cá việc tiệt trùng. Nhiều người cho rằng loại sữa nguyên chất tự nhiên này có nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, thực tế là các điều kiện vắt sữa, cất giữ và chuyên chở không bảo đảm vô trùng nên sữa có nguy cơ gây bệnh nhiễm cho người tiêu thụ. Do đó sữa thô có thể không tốt cho sức khỏe nhất là đối với người cao tuổi, trẻ em và những người suy yếu tính miễn dịch.

g- Sữa hữu cơ (organic milk). Sữa từ bò được nuôi bằng thực phẩm tự nhiên không dùng đến thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kháng sinh và thuốc tăng trưởng. Sữa này đắt hơn sữa thường rất nhiều.

2- Sữa bột

Sữa bột không chất béo rẻ hơn sữa dạng lỏng, có cùng số lượng dinh dưỡng, dễ cất giữ nên có thể để lâu, chuyên chở đi xa mà không hư. Sữa bột rất thuận tiện cho việc nấu nướng.
Sữa có ít chất béo và năng lượng và thường được bổ sung sinh tố A, D.

3- Sữa đặc có đường

Sữa đã được làm đặc bằng các phương thức như cho bay hơi, hâm nóng… để giảm đi tới 60% nước, sau đó bổ sung sinh tố D, đường sucrose rồi đóng hộp. Sữa đặc có cùng giá trị dinh dưỡng như sữa tươi.

4- Sữa mô phỏng

Ðược coi là mô phỏng (imitation) khi sữa không có đủ các chất dinh dưỡng như sữa tự nhiên.
Khi có đủ chất dinh dưỡng thì được gọi là sữa thay thế (substituted), hay giả sữa (simulated).
Giả sữa thường được làm bằng chất béo thực vật (dầu dừa), chất đạm của đậu nành, hòa trong nước với vài chất gây hương vị. Giả sữa rẻ hơn và được dùng trong việc nấu thức ăn.

5- Sữa có ga

Ngày nay, để cạnh tranh với nước giải khát có ga, nhà sản xuất sữa cũng đưa ra thị trường các loại sữa có ga (carbonated milk). Sữa này được tăng cường hương vị hấp dẫn của trái cây như dừa, táo, lê, dâu… để lôi kéo người tiêu thụ dùng sữa thay cho nước ngọt. Số trẻ em dùng nước ngọt có hơi rồi bị mập phì, ngày một gia tăng và là mối lo ngại của các bậc cha mẹ cũng như các nhà dinh dưỡng. Sữa có hơi hy vọng giúp giải quyết được vấn nạn này.

Giá trị dinh dưỡng

Sữa bò có vị nhạt, hơi ngọt và mặn vì có đường lactose và muối chlor. Sữa được xem như một trong số các thực phẩm căn bản là carbohydrat, rau, trái cây, thịt các loại, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Sau đây là thành phần cấu tạo của sữa:
a- Sữa có 87% nước, 3.9% chất béo, 4.9% đường lactose, 3.5 chất đạm, 0.7% khoáng chất và sinh tố.
b- Sữa là nguồn cung cấp calci rất quan trọng cho cơ thể. Calci cần cho sự duy trì các hoạt động căn bản của cơ thể, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, giảm cao huyết áp và ngăn ngừa ung thư đại tràng.
c- Sữa có một ít sinh tố B, iod và đồng, rất ít sắt.
d- Tương tự như thịt động vật, cá và trứng, sữa là nguồn chất đạm rất phong phú với đầy đủ các amino acid căn bản mà cơ thể cần.

Nguồn đạm chính của sữa là chất casein và whey.
Casein là chất đạm đặc biệt chỉ có trong sữa, chiếm 82% tổng số đạm có trong sữa bò.
Whey là chất lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông đặc và gồm có lactoalbumin và lactoglobulin.

đ- Một nửa số năng lượng do sữa cung cấp là từ chất béo bão hòa, nhẹ hơn nước nên nổi lên mặt và có thể được hớt ra.
Sữa thuần nhất (homogenized milk) là sữa mà chất béo đã được đánh thành những phần tử nhỏ để hòa lẫn với với chất lỏng thay vì nổi lên trên mặt. Sữa này thường có mầu trắng, vị dịu và nhuyễn mịn.

Chất béo trong sữa là đề tài của nhiều thảo luận nghiên cứu vì một số lý do.
Trước hết là về giá thành, sữa ít hoặc nhiều chất béo có giá tiền khác nhau.
Thứ đến, về phạm vi dinh dưỡng thì sữa chuyên chở một số sinh tố hòa tan trong chất béo của sữa mà cơ thể rất cần.
Và cuối cùng, chất béo cùng với vài hóa chất là yếu tố làm cho sữa có hương vị riêng biệt.

Một ly sữa 240ml có khoảng 8g chất đạm, 9g chất béo, 35mg cholesterol, 150mcg sinh tố A, và 290mg calci.
Trong sữa ít béo thì trong ly sữa này chỉ có 3g chất béo, 19mg cholesterol, và lượng sinh tố A mất đi một nửa.
Nếu là sữa không béo thì chỉ còn 0,50g chất béo và 4,5mg cholesterol.

g- Lactose là dạng đường chính trong sữa bò và sữa các động vật có vú khác. Ngoài ra, sữa còn một ít đường glucose, galactose.
Lactose có vai trò quan trọng trong việc chế biến một số món ăn có sữa như kem, sữa đặc có đường, sữa bột không béo, đặc biệt là sự chuyển nâu ( browning, caramelization) sữa khi nấu nướng.
Giá trị của sữa đã được các nhà dinh dưỡng chứng minh và khuyến khích nên dùng sữa trong chế độ ăn uống hàng ngày cho mọi lứa tuổi. Chương trình dinh dưỡng trẻ sơ sinh và các bữa ăn trưa của hầu hết học sinh đều có sữa.
Các nhà dinh dưỡng khuyến khích việc uống từ hai tới ba ly sữa mỗi ngày. Trẻ em đang tuổi phát triển cần uống nhiều hơn, từ 4 đến 5 ly mỗi ngày.
Những người lớn được khuyên dùng sữa ít chất béo, còn thiếu niên thì dùng sữa còn nguyên chất béo, vì các em cần chất béo cho sự tăng trưởng.

Vấn đề an toàn của sữa

Phẩm chất của sữa tùy thuộc vào một số yếu tố như:
– Tình trạng hóa chất, sinh học và cách cất giữ sữa.
– Loại bò, tuổi tác và sức khỏe của bò.
– Thực phẩm nuôi bò.
– Thời tiết, nhiệt độ nơi nuôi bò.
– Thời gian bò tiết sữa.

Vì ở trạng thái nước và có nhiều chất dinh dưỡng nên sữa là một trong những thực phẩm dễ hư hỏng nhất. Hơn nữa sữa là sản phẩm lấy ra từ bò nên rất dễ nhiễm nhiều loại vi sinh vật có hại. Vì vậy, trước khi đưa ra thị trường, sữa rất cần được kiểm soát kỹ về các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Bò được vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy sau khi sanh con, liên tục trong khoảng 300 ngày.
Sữa được chứa trong thùng lớn ở nhiệt độ thấp (khoảng 5ºC) để ngăn sự tăng trưởng của các vi sinh vật lẫn vào, rồi được kiểm nghiệm về thành phần hóa học, vi khuẩn. Sau đó, sữa được đưa vào máy để làm cho thuần nhất (homogenization), trộn đều mỡ và kem với nhau.
Giai đoạn kế tiếp là khử trùng với nhiệt độ và thời gian thích hợp.
Sữa được hâm nóng bằng phương pháp Pasteur (pasteurisation) để tiêu diệt vi khuẩn, nấm độc, mốc meo và vô hiệu hóa một số diếu tố làm sữa có mùi.

Trước hết, sữa được làm nóng lên đến nhiệt độ 63ºC và giữ ở nhiệt độ này trong 30 phút rồi hạ nhiệt rất nhanh xuống còn 4ºC để tiêu diệt những vi khuẩn sống sót. Đôi khi sữa cũng được nấu ở nhiệt độ cao hơn, từ 138ºC tới 150ºC , nhưng ở nhiệt độ này, một số sinh tố bị phân hủy và chất đạm bị chuyển hóa.
Cuối cùng là bổ sung các sinh tố, khoáng chất và chất đạm trước khi đóng hộp. Các sinh tố được tăng cường là sinh tố A, D và khoáng calci. Sinh tố A hòa tan trong chất béo nên thường mất một phần khi chất béo được loại bỏ. Tăng cường sinh tố D trong sữa giúp chống bệnh còi xương trẻ em (rickets) do thiếu sinh tố này.

Nói chung, việc sản xuất sữa phải luôn luôn tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm do các giới chức có thẩm quyền quy định, để đảm bảo không gây ra bất cứ tác hại nào cho người tiêu dùng.

Cất giữ sữa

Sữa là môi trường rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sản và phát triển. Hóa chất do vi khuẩn tạo ra làm thay đổi mùi vị của sữa. Cho nên, việc cất giữ sữa là rất quan trọng để bảo đảm sữa được an toàn và bổ dưỡng.

Sau đây là mấy điều cần lưu ý trong việc sử dụng sữa:
a- Khi mua, nên để ý ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi trên sản phẩm. Đây là những thông tin mà nhà sản xuất bắt buộc phải ghi rõ, để người tiêu dùng biết được khoảng thời gian mà sữa đó có thể sử dụng một cách an toàn.
b- Sữa tiệt trùng trong quá trình chế biến vẫn có thể bị nhiễm vi khuẩn nếu không cất trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4ºC ngay sau khi mua về. Nên để sữa ở phía trong tủ lạnh hơn là ở ngăn cửa tủ lạnh.
c- Ánh sáng mặt trời, ánh đèn… khi chiếu vào sữa chỉ trong vòng vài giờ có thể làm mất đi tới 70% sinh tố B2 (riboflavin) và một số sinh tố A. Vì thế, nên giữ sữa trong bình mờ đục, trong hộp giấy cứng thì tốt hơn là bình nhựa hoặc bình thủy tinh trong suốt.
đ- Khi để trong tủ lạnh, nên đựng sữa trong bình kín để khỏi bị lẫn mùi thực phẩm khác. Không đổ sữa dùng còn dư trở lại bình sữa.
e- Sữa tươi uống lạnh là tốt nhất, nhưng vào mùa lạnh mà uống sữa ấm nóng cũng tốt. Sữa nóng nên uống ngay, nếu để lâu thì calci và chất đạm trong sữa đóng màng trên mặt. Nếu vô tình gạt bỏ màng này là bỏ đi phần lớn chất dinh dưỡng của sữa.
g- Sữa bột còn nguyên trong hộp chưa mở nếu cất giữ ở nơi khô và mát trong tủ thực phẩm thì còn an toàn tới vài ba tháng. Khi đã mở ra thì cần được đậy thật kín, tránh hơi ẩm xâm nhập để vi khuẩn không tăng trưởng và để giữ nguyên mùi vị của sữa.
h- Nhiệt độ đông lạnh thay đổi mùi vị và cấu trúc của sữa bằng cách làm các phần tử đạm tan rữa mà khi rã đá, đạm lại dính với nhau. Sữa sẽ không còn nhuyễn mịn, chất béo bị oxy hóa và sữa có mùi dầu. Tuy giá trị dinh dưỡng của sữa có bị ảnh hưởng đôi chút nhưng sữa vẫn an toàn.
i- Sữa đặc có đường đã được đun nóng để giảm bớt hơi nước nên cũng mất đi một số sinh tố C, B. Hộp sữa chưa khui cần được cất giữ nơi khô, mát, không có ánh sáng. Nếu đã khui ra mà không dùng hết thì đổ vào bình chứa, đậy kín và cất trong tủ lạnh.
k- Khi nấu với thực phẩm khác, nên đun nhỏ lửa để tránh sữa chuyển mầunâu vì đường lactose bị phân hóa.

Vài hàng về sữa dê

Sữa dê cũng là thực phẩm rất tốt nhưng chỉ một số người cần kiêng khem hoặc có dị ứng với sữa bò mới dùng.
Sữa dê cũng có các dạng chế biến khác nhau như sữa tươi, sữa chua, pho mát, đóng hộp.
Sữa dê có vị hăng cay mà sữa bò không có nhưng có cùng chất dinh dưỡng và chất béo lại dễ tiêu hơn. Sữa dê thường không được tăng thêm các sinh tố A, D như sữa bò nên người dùng sữa dê cần dùng thêm các sinh tố này.

Một vài công dụng khác của Sữa:

a- Tráng trứng gà: Cứ hai quả trứng cho thêm một thìa cà phê sữa, khuấy đều rồi cho vào chảo rán. Trứng sẽ cuốn mềm mại và ngon ngọt hơn.
b- Làm bánh. Cho một chút sữa vào bột, bánh sẽ có mầu vàng óng ánh.
c- Hầm cá. Đun sôi nước có gia vị, bỏ cá vào, thêm một thìa sữa. Món ăn hết mùi tanh của cá mà cá lại mềm ngon hơn.
đ- Luộc bắp cải hoặc khoai tây: Cho thêm một thìa sữa vào nồi, rau sẽ trắng hơn và ngon hơn.

Kết luận

Sữa là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng phong phú và thích hợp cho mọi lứa tuổi để có một sức khỏe tốt.
Cho nên, uống hai ly sữa mỗi ngày là điều nên làm!

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức.

Các chất làm ngọt nhân tạo phá huỷ đường ruột của bạn như thế nào ?...

Các chất làm ngọt nhân tạo không calo thường có nghĩa là không có dinh dưỡng và một loạt các vấn đề tiềm ẩn.

 

Sau nhiều năm tìm hiểu về sự nguy hiểm của các chất làm ngọt nhân tạo, tôi đã viết một cuốn sách có tựa đề “Sweet Deception: Why Splenda, NutraSweet, and the FDA May Be Hazardous to Your Health” (tạm dịch: “Sự lừa dối ngọt ngào: Tại sao Splenda, Nutrasweet và FDA có thể gây nguy hại với sức khỏe của bạn” ) và xuất bản vào năm 2006. Kể từ đó, tôi đã cảnh báo thế giới qua các bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể tàn phá sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Hiện nay, nhiều nghiên cứu mới đã phát hiện các chất làm ngọt nhân tạo phá huỷ vi sinh vật đường ruột thậm chí còn lớn hơn so với những gì người ta nghĩ trước đây.


Đã được biết là có nhiều tác động tiêu cực đến vi khuẩn lành mạnh đường ruột, một nghiên cứu mới đây cho thấy các chất làm ngọt nhân tạo có thể biến lợi khuẩn thành tác nhân gây bệnh, làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

 

Các nhà khoa học phát hiện ba trong số những chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất, bao gồm sucralose (Splenda), aspartame (NutraSweet, Equal, và Sugar Twin) và saccharin (Sweet’n Low, Necta Sweet, và Sweet Twin) có tác động gây bệnh trên hai loại vi khuẩn đường ruột. 


Cụ thể, nghiên cứu sử dụng dữ liệu trong phòng thí nghiệm được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế đã chứng minh các chất làm ngọt nhân tạo phổ biến này có thể kích thích biến đổi lợi khuẩn thành tác nhân gây bệnh và có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh bằng cách nào mà hai loại lợi khuẩn có thể gây bệnh và xâm nhập vào thành ruột.

 

Vi khuẩn được nghiên cứu là Escherichia coli (E. coli) và Enterococcus faecalis (E. faecalis). Ngay từ năm 2008, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sucralose làm giảm số lượng vi khuẩn đường ruột ít nhất là 47.4% và làm tăng độ pH trong lòng ruột. Một nghiên cứu khác cho thấy sucralose có tác dụng trao đổi chất lên vi khuẩn và có thể ức chế sự phát triển của một số loài nhất định.

 

Chỉ 2 lon soda ăn kiêng có thể làm thay đổi lợi khuẩn đường ruột


Một nghiên cứu phân tử gần đây từ Đại học Anglia Ruskin cho thấy khi E.coli và E.faecalis trở thành vi khuẩn gây bệnh đã giết chết các tế bào Caco-2 nằm trên thành ruột. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh sucralose làm thay đổi vi khuẩn đường ruột.

 

Tuy nhiên, dữ liệu từ nghiên cứu này chỉ ra rằng nồng độ từ hai lon nước ngọt ăn kiêng, sử dụng một trong ba chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng đáng kể khả năng E. coli và E. faecalis gắn kết vào những tế bào Caco-2 và gia tăng sự phát triển của các màng sinh học vi khuẩn.

 

Khi vi khuẩn tạo ra màng sinh học, nó sẽ hỗ trợ sự xâm nhập của vi khuẩn vào các tế bào trên thành ruột. Màng sinh học làm vi khuẩn trở nên kém nhạy cảm hơn với điều trị và tăng khả năng biểu hiện độc lực gây bệnh. Mỗi chất trong ba chất làm ngọt nhân tạo được thử nghiệm cũng kích thích vi khuẩn gắn vào tế bào Caco-2, trừ một trường hợp.


Các nhà nghiên cứu phát hiện saccharin không có ảnh hưởng đáng kể đến việc E.coli xâm nhập vào tế bào Caco-2. Ông Havovi Chichger, tác giả chính, giảng viên cao cấp Khoa học Y sinh Đại học Anglia Ruskin, đã nói về kết quả của nghiên cứu trong một thông cáo báo chí:

 

“Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng một số chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất trong thực phẩm và đồ uống – saccharin, sucralose và aspartame – có thể khiến vi khuẩn bình thường và khoẻ mạnh trong ruột trở thành vi khuẩn gây bệnh.”

 

“Những thay đổi này có thể dẫn đến vi khuẩn xâm nhập và làm tổn thương đường ruột của chúng ta, điều này có thể liên quan đến tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng máu và suy đa tạng.”

 

Các chất làm ngọt nhân tạo có thể phá vỡ mục tiêu ăn kiêng


Thật không may, sự phát triển của nhiều loại đồ ăn chế biến sẵn chứa các chất tạo ngọt nhân tạo cực kỳ ngon miệng và rẻ tiền khiến sở thích ăn ngọt của nhiều người trở thành một cơn nghiện. Do đó, ngành công nghiệp ăn kiêng đang trở thành một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn cho những nhà sản xuất thực phẩm không calo, được tạo ra từ phòng thí nghiệm quảng cáo cho việc giảm cân.

 

Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Milken Đại học George Washington vào năm 2017 cho thấy số người trưởng thành sử dụng chất làm ngọt ít calo tăng 54% từ năm 1999 đến năm 2012. Nó đại diện cho 41.4% số người hay 129.5 triệu người trưởng thành Mỹ lúc bấy giờ. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 141.18 triệu người, chiếm 42.6% dân số.


Có vẻ sự gia tăng ở người trưởng thành sử dụng chất làm ngọt ít calo từ năm 1999 đến năm 2012 vẫn ổn định đến năm 2020. Điều này một phần có thể do bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các chất làm ngọt ít calo, chẳng hạn Splenda, là một đóng góp lớn vào sự gia tăng số người thừa cân và béo phì.


Khi tỷ lệ béo phì cũng như các tình trạng sức khỏe liên quan đến béo phì tiếp tục tăng vọt, các nhà sản xuất tìm kiếm một “thực phẩm được chế biến hoàn hảo” để kích thích doanh số bán hàng và tiêu thụ.

 

Vì vậy, đại dịch béo phì là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu quan trọng nhất hiện nay, liên quan đến 4.7 triệu ca tử vong sớm trên thế giới vào năm 2017.

 

Nghiên cứu gần đây cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể góp phần dẫn tới một loạt các tình trạng sức khỏe nhiều hơn những gì mà chúng ta đã biết từ trước đến nay.

 

Ảnh hưởng của sự chuyển hoá chất làm ngọt không Calo


Điều quan trọng là nhận ra rằng mặc dù các chất làm ngọt nhân tạo có rất ít hoặc không có năng lượng, nhưng chúng vẫn có hoạt động chuyển hoá. Tờ New York Times đưa tin FDA thông báo cấm sử dụng saccharin trong thực phẩm và đồ uống vào năm 1997 vì nó liên quan đến sự phát triển các khối u ác tính của bàng quang trên những động vật thí nghiệm.

 

Tuy nhiên, sau đó FDA đã chấp thuận sử dụng saccharin với lý do “hơn 30 nghiên cứu trên người đã chứng minh kết quả tìm thấy ở chuột không liên quan với người, và saccharin là an toàn khi sử dụng cho con người.”

 

Nhưng chỉ vì FDA đã chấp thuận điều gì đó, nó không có nghĩa là tốt cho bạn. Các nhà khoa học đã giải thích rằng có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa chất làm ngọt nhân tạo với việc tăng nguy cơ béo phì, kháng insulin, tiểu đường type 2 và các hội chứng chuyển hóa. Một bài báo đăng trên tạp chí Physiology and Behavior đã trình bày ba cơ chế chất làm ngọt nhân tạo gây rối loạn chuyển hoá: 


·        Tác động vào những đáp ứng kiểm soát đường và cân bằng năng lượng nội môi 

·        Phá hủy vi sinh vật đường ruột và làm giảm dung nạp đường

·        Tương tác với các thụ thể vị ngọt trên đường tiêu hoá có vai trò hấp thụ đường và kích thích bài tiết insulin.

 

Như nghiên cứu trước đây và gần đây đã chứng minh, các chất làm ngọt nhân tạo có một tác động khác biệt đáng kể đến vi sinh vật đường ruột so với đường. Đường gây hại vì nó thường là thức ăn của các vi khuẩn có hại. Nhưng tác động của các chất làm ngọt nhân tạo có thể tồi tệ hơn, vì chúng hết sức độc hại với vi khuẩn đường ruột. 

 

Một nghiên cứu trên động vật được đăng trên tạp chí Molecules đã phân tích sáu chất làm ngọt nhân tạo gồm saccharin, sucralose, aspartame, neotame, advantame và acesulfame potassium – K. Dữ liệu cho thấy chúng đã phá huỷ ADN, và tác động đến quá trình hoạt động bình thường và lành mạnh của vi khuẩn đường ruột.

 

Đồ uống ăn kiêng làm tăng nguy cơ tử vong sớm

 

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm trên 451,743 người từ 10 quốc gia Âu Châu cũng đã phát hiện mối liên quan giữa đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo và tỷ lệ tử vong. Các nhà nghiên cứu đã loại trừ những người tham gia từng mắc bệnh ung thư, đột quỵ và tiểu đường.

 

Thống kê cuối cùng có 71.1% người tham gia nghiên cứu là nữ. Kết quả cho thấy rằng những người uống từ 2 ly nước ngọt mỗi ngày (được làm ngọt bằng đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo) có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn.


Các nhà nghiên cứu định lượng một cốc nước ngọt tương đương 250ml (8.4 ounces), ít hơn một lon tiêu chuẩn 330ml được bán ở Âu Châu. Nói cách khác, các kết quả nghiên cứu dựa trên dung tích nước ngọt ít hơn 2 lon soda mỗi ngày.

 

Về nguyên nhân tử vong, các nhà nghiên cứu nhận thấy có 43.2% do ung thư, 21.8% do bệnh tim mạch và 2.9% do bệnh lý đường tiêu hoá. So với những người uống ít nước ngọt hơn (ít hơn 1 ly mỗi tháng) hững người uống từ 2 ly một ngày có khả năng là người trẻ, hút thuốc lá và hoạt động thể chất.

 

Dữ liệu chỉ ra mối liên quan giữa nước ngọt có chất làm ngọt nhân tạo với tử vong do các bệnh lý tim mạch và nước ngọt có đường với tử vong do các bệnh lý tiêu hoá. Điều này cho thấy các chính sách nhằm loại bỏ hoặc giảm tiêu thụ đường có thể dẫn đến hậu quả tai hại khi các nhà sản xuất định dạng lại sản phẩm của họ bằng cách sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo.

 

Nhiều tổn hại sức khỏe hơn liên quan đến các chất làm ngọt nhân tạo


Nghiên cứu này cũng phát hiện uống nước ngọt có liên quan đến bệnh Parkinson “với sự liên quan tích cực không đáng kể giữa nước ngọt có đường và nước ngọt có chất làm ngọt nhân tạo.”

 

Aspartame là một chất làm ngọt nhân tạo khác được nghiên cứu trong nhiều thập niên qua. Trong một nghiên cứu, những người trưởng thành khỏe mạnh được yêu cầu ăn một chế độ nhiều aspartame trong 8 ngày, tiếp đến là chế độ không có aspartame trong 2 tuần và sau đó là chế độ ít aspartame trong 8 ngày.

 

Trong thời gian tiêu thụ nhiều aspartame, các đối tượng bị trầm cảm, đau đầu và có tâm trạng kém. Họ thực hiện các bài kiểm tra định hướng không gian kém hơn, cho thấy aspartame có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần kinh.

 

Nghiên cứu thứ hai đánh giá liệu aspartame có làm những người bị rối loạn cảm xúc dễ tổn thương hơn không. Các nhà nghiên cứu nhận vào 40 người bị trầm cảm đơn cực và những người không có tiền sử rối loạn tâm thần. Nghiên cứu này đã bị dừng lại sau khi 13 người hoàn thành các can thiệp vì các phản ứng nghiêm trọng.

 

Những con chuột uống nước có aspartame phát triển các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa. Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy aspartame có tác động tiêu cực đến khả năng dung nạp insulin và thành phần vi sinh vật đường ruột.

 

Một nghiên cứu sâu hơn trên động vật đã xác định sucralose ảnh hưởng đến chức năng gan, “chỉ ra các tác động độc hại khi ăn sucralose thường xuyên”. Phát hiện cho thấy “nên thận trọng khi dùng sucralose để tránh tổn thương gan.”

 

Các nhà khoa học đã phát hiện một loạt các triệu chứng liên quan đến việc tiêu thụ sucralose, bao gồm đau nửa đầu, tăng nguy cơ tiểu đường type 2 và gan, thận to.

 

Đường thay thế chỉ có tác động duy nhất lên đường máu



Có một vài chất thay thế đường từ thực vật, gồm cỏ ngọt stevia, La Hán Quả và đường allulose. 

 

Stevia là thảo dược có vị ngọt từ cây cỏ stevia (cỏ ngọt) ở Nam Mỹ. Nó được bán như thực phẩm chức năng và được sử dụng để tạo vị ngọt trong hầu hết các món ăn và đồ uống. 

 

La Hán Quả giống với cỏ ngọt stevia nhưng đắt hơn một chút.


Một sự lựa chọn tự nhiên khác là allulose [đường ăn kiếng có nguồn gốc từ thực vật như lúa mì, quả sung v.v…] Tuy nó được quan tâm tại thị trường Nhật Bản nhưng lại ít được biết đến ở phương Tây. Đường allulose có trong một vài loại quả với hàm lượng ít và được FDA chỉ định là thực phẩm có chứng nhận an toàn GRAS (Generally Recognized As Safe.)

 

Các nhà nghiên cứu cho biết chất này có giá trị năng lượng “hiệu quả bằng 0”, điều này cho thấy loại đường hiếm này có thể là một chất làm ngọt hữu ích với những người béo phì trong việc hỗ trợ giảm cân.

 

Ngoài việc chứa ít hoặc không có calo, đường allulose còn tạo ra một phản ứng sinh lý giúp hạ đường máu, giảm mỡ bụng và giảm tích tụ mỡ quanh gan. 


Tiến sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com. Ông là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tác giả bán chạy nhất và nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn chính của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình. Bài báo này được xuất bản trên Mercola.com

 

 

 

Tiến sĩ Joseph Mercola  _ Tú Liên