Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các rạn san hô trên thế giới đang bị tấn công bởi biến đổi khí hậu và thậm chí sẽ biến mất nếu các đại dương tiếp tục ấm lên.
Rạn san hô ở Biển Đỏ gần thành phố Jeddah, Ả Rập Saudi. (Ảnh: REUTERS/Lucas Jackson)
Theo các nhà khoa học, các rạn san hô đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng tồn tại" khi nhiệt độ bề mặt nước biển tăng lên. Nghiên cứu được thực hiện thông qua hệ thống dữ liệu trong 40 năm, 73 quốc gia và 12.000 địa điểm. Sự nóng lên đột ngột đặc biệt gây hại, một hiện tượng mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nghiên cứu đã xem xét 10 khu vực có rạn san hô trên khắp thế giới và phát hiện ra rằng sự mất mát chủ yếu là do nạn tẩy trắng san hô, xảy ra khi san hô, dưới áp lực của tình trạng nước biển ấm hơn, loại bỏ tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng, khiến chúng chuyển sang màu trắng. Một sự kiện tẩy trắng nghiêm trọng chỉ riêng vào năm 1998 đã giết chết 8% san hô trên thế giới, nghiên cứu cho biết.
Rạn san hô chết ngoài khơi đảo Tioman của Malaysia. (Ảnh: REUTERS/David Loh)
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam Á, Australia, Thái Bình Dương, Đông Á, Tây Ấn Độ Dương, Vịnh và Vịnh Oman. Đánh bắt quá mức, phát triển vùng ven biển không bền vững và chất lượng nước suy giảm là những yếu tố đang tàn phá các rạn san hô.
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết, nhiệt độ các đại dương trên thế giới đã ấm lên nhanh hơn trong thế kỷ qua so với khi kết thúc quá trình chuyển đổi băng hà gần đây nhất, khoảng 11.000 năm trước.
Trong khi các rạn san hô bao phủ chưa đến 1% đáy đại dương, chúng hỗ trợ hơn 25% đa dạng sinh học biển, bao gồm rùa, cá và tôm hùm, là nguồn cung cấp cho ngành đánh bắt cá toàn cầu. Báo cáo cho biết, các rạn san hô chịu trách nhiệm về hàng hóa và dịch vụ ước tính khoảng 2,7 nghìn tỉ USD hàng năm, bao gồm cả du lịch.
Hệ quả của nạn "tẩy trắng" san hô ngoài khơi đảo Caye Caulker, Belize. (Ảnh: REUTERS/Susannah Sayler)
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng đã có khoảng 2% các rạn san hô được phục hồi vào năm 2019, cho thấy chúng có thể phục hồi khi có thời gian nghỉ ngơi trước sự bao vây của các yếu tố chống lại chúng. Nếu áp lực lên các rạn san hô được giảm bớt, chúng có thể phát triển trở lại trong vòng một thập kỷ tới đến mức trước năm 1998.
Đã có nhiều nỗ lực trong thời gian gần đây nhằm hỗ trợ các rạn san hô bao gồm dự án giảm nhẹ tác động ngoài khơi vùng biển quốc gia Caribbean gồm Antigua và Barbuda với tên gọi là Ocean - Shot. Theo đó, dự án này sử dụng công nghệ mô phỏng thiết kế và hình dạng của các rạn san hô tự nhiên để tạo cơ hội cho sự xâm chiếm của san hô và các sinh vật biển khác.
Lan Anh
Đột phá bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Bí ẩn 2.000 năm sắp được giải mã trong thế kỷ 21!
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên mới của khám phá' - National Geographic.
Tiến sĩ Fredrik Hiebert - chuyên gia khảo cổ học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ dự đoán những phát hiện đáng kinh ngạc mà chúng ta có thể tạo ra trong thế kỷ 21.
Khi Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society) trao tặng khoản tài trợ khảo cổ đầu tiên cho Hiram Bingham (1875 – 1956) vào năm 1912, nhà khảo cổ học đã đến Machu Picchu (Peru) với một trong những công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm đó: Một máy ảnh toàn cảnh Kodak.
Hơn 100 năm sau, các nhà khảo cổ học đã có một loạt các công cụ công nghệ đáng kinh ngạc để sử dụng, từ thiết bị viễn thám cho phép chúng ta "nhìn thấy" ngoài tầm thị giác - cho đến máy tính mạnh mẽ đến mức chúng có thể xử lý những gì con người cần trong một giây, mà trước đây cần hàng ngàn năm để làm.
Tiến sĩ Fredrik Hiebert - chuyên gia khảo cổ học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society). Ảnh: National Geographic
Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert cho biết: "Có một lý do giải thích tại sao National Geographic gọi thế kỷ 21 là" kỷ nguyên mới của khám phá". Vì cơ hội cho những gì chúng ta có thể khám phá trong thế kỷ này - và những câu hỏi cuối cùng chúng ta có thể trả lời - gần như vô hạn".
Vậy đâu là những bí ẩn cổ đại có thể được giải mã trong thế kỷ 21 này? Fredrik Hiebert của National Geographic đưa ra những gợi ý:
1. Tìm thấy lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn, Alexander Đại đế
Năm 2020, một bức tranh khảm được phát hiện bên trong một ngôi mộ khổng lồ có tường bằng đá cẩm thạch gần địa điểm cổ đại Amphipolis ở miền bắc Hy Lạp đã làm dấy lên suy đoán rằng ngôi mộ thuộc về một thành viên của gia đình Alexander Đại đế. Nguồn: ARISTIDIS VAFEIADAKIS / ZUMA PRESS / CORBIS
Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert cho biết công nghệ như radar xuyên đất (GPR) cho phép các nhà khảo cổ tìm kiếm dưới lòng đất mà không cần đào. Đối với Dự án Thung lũng Khans của National Geographic, nhóm của ông đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định các vị trí tiềm năng cho khu chôn cất của Thành Cát Tư Hãn, sau đó sử dụng GPR để xác định vị trí lại một lần nữa.
"Mặc dù chúng tôi không xác định được lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn vào thời điểm đó, nhưng đó là một cách tuyệt vời để khảo sát những khu vực đất rộng lớn để tìm ra manh mối dù là nhỏ nhất. Bí ẩn những lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn hay của Alexander Đại đế sẽ sớm được sáng tỏ" - Fredrik Hiebert nói.
2. Bước vào lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc: Tần Thủy Hoàng
Một đội quân đất sét giống như người thật, bảo vệ lăng mộ rộng lớn của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Các nhà khảo cổ vẫn chưa khám phá được những bí mật trong khu mộ hoàng đế. Ảnh: O. LOUIS MAZZTENTA, NAT GEO IMAGE COLLECTION
Các nhà khảo cổ biết vị trí của khu chôn cất Tần Thủy Hoàng — được bao quanh bởi hàng nghìn chiến binh đất nung của ông ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc — nhưng việc các vật phẩm được lưu giữ trong lăng mộ hơn 2.000 năm có thể bị hư hỏng nếu tiếp xúc với không khí khiến họ - dù rất muốn - vẫn chưa thể bước vào lăng.
Tiến sĩ Fredrik Hiebert cho biết: "Các công cụ viễn thám như GPR và từ kế có thể cho chúng tôi ý tưởng về cấu trúc bên trong. Việc 'bước vào' lăng mộ sẽ do các thiết bị robot nhỏ bé thực hiện. Bước đột phá này vừa giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu khảo cổ vừa không phương hại đến lăng mộ của vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng".
Cho đến nay, quần thể lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng vẫn luôn có sức hấp dẫn các nhà khoa học bởi bí mật bên trong lăng mộ lớn, hàng nghìn năm tuổi này vẫn còn để ngỏ.
3. Khám phá các thành phố chưa từng được biết đến trước đây — hoặc thậm chí các nền văn minh — ở Trung và Nam Mỹ
Fredrik Hiebert cho biết: "Các nhà khảo cổ đang sử dụng LiDAR [phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu sáng mục tiêu đó bằng một tia laser xung quanh và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến] để 'nhìn thấy' bên dưới những tán rừng rậm rạp ở những nơi như Honduras và Belize để xác định vị trí các khu định cư mà chúng tôi chưa biết đến".
Năm 2020, các nhà khảo cổ được trang bị một máy quét LiDAR, sử dụng ánh sáng laser để thăm dò bên dưới tán rừng, đã phát hiện ra tàn tích của một thành phố đã mất nằm sâu trong rừng mưa Honduras. Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert cho biết công nghệ như vậy đang mở ra một “kỷ nguyên khám phá mới”. Nguồn: DAVE YODER, NATIONAL GEOGRAPHIC
Phương pháp này giúp các nhà khoa học có cơ hội khám các thành phố/nền văn minh ở Trung và Nam Mỹ.
4. Giải mã bí ẩn ngôn ngữ của người Minoan cổ đại
Di chỉ khảo cổ đồ đồng Phaistos trên đảo Crete là một trong những trung tâm quan trọng nhất của nền văn minh Minoan. Nguồn: GORDON GAHAN, NAT GEO IMAGE COLLECTION
Đã hơn một thế kỷ kể từ khi nền văn minh Minoan rực rỡ của Địa Trung Hải được phát hiện, nhưng các học giả vẫn không thể giải mã ngôn ngữ của họ, được gọi là Linear A.
Nhà khảo cổ Hiebert cho biết: "Cho đến nay chúng tôi có hơn 1.400 ví dụ về Linear A để nghiên cứu. "Và bây giờ chúng ta có Big Data (Dữ liệu Lớn) trong bộ công cụ của mình. Tại sao chúng ta không đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo có tên Watson của IBM vào để giải mã vấn đề?"
5. Tìm hiểu mục đích của các đường Nasca
Các nhà nghiên cứu vẫn đang đưa ra giả thuyết về mục đích của các đường Nasca ở Peru. Những biểu tượng địa lý phức tạp này có đại diện cho các chòm sao không? Chúng có liên quan đến nguồn nước không?
Ở sa mạc ven biển phía nam Peru, những hình vẽ ngổn ngang được khắc trên đất lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1920. Nguồn: ROBERT CLARK, NAT GEO IMAGE COLLECTION
Hiebert đồng ý với quan điểm của nhà nhân chủng học và nhà thám hiểm National Geographic Johan Reinhard, người nói rằng không có đánh giá nào chứng minh một lý thuyết về các đường Nasca.
Hiebert nói: "Đây là nơi mà việc sử dụng phân tích máy tính thông minh để thu thập các bộ dữ liệu địa lý để tìm ra đáp án mà đường Nasca muốn truyền tải. Bí ẩn này tồn tại quá lâu rồi!"
6. Khôi phục một người Neanderthal nguyên vẹn
Theo nhà khảo cổ Hiebert, khi hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến các tảng băng và sông băng tan chảy, thì "rất có thể" một ngày nào đó một người Neanderthal được bảo tồn tốt (trong băng) sẽ xuất hiện, giống như voi ma mút 40.000 năm tuổi được tìm thấy ở Siberia vậy.
Bị đóng băng trong 40.000 năm, con voi ma mút này được phát hiện vào năm 2007 bởi những người chăn nuôi tuần lộc ở Siberia. Các nhà khoa học cho rằng, những phần còn lại bị đóng băng lâu ngày khác có thể xuất hiện từ các tảng băng đang co lại. Nguồn: FRANCIS LATREILLE, NAT GEO IMAGE COLLECTION
7. Xác nhận sự hiện diện quy mô lớn của người Viking ở Bắc Mỹ
Cũng giống như việc nhiệt độ tăng sẽ khiến các sông băng tiết lộ bí mật trong lòng của chúng, các bờ biển tan băng ở Canada sẽ phơi bày một mạng lưới các khu định cư của người Viking buộc chúng ta phải viết lại "khám phá" về châu Mỹ, chuyên gia Hiebert dự đoán.
Nhà khảo cổ học Patricia Sutherland (mặc áo khoác màu cam) và các đồng nghiệp của cô ấy làm việc tại Thung lũng Tanfield của Đảo Baffin, Canada. Nguồn: DAVID COVENTRY, NAT GEO IMAGE COLLECTION
"Chúng tôi đã xác định được hai địa điểm của người Viking ở châu Mỹ, và một khi chúng tôi hiểu rõ hơn về bản chất của những khu định cư này, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ bắt đầu nhận ra chúng dọc theo bờ biển Đại Tây Dương".
Bài viết sử dụng nguồn: Nationalgeographic
Phóng to bức tranh 1.200 tuổi trong bảo tàng Mỹ, cái đầu người kỳ lạ khiến các chuyên gia giật mình: Bức tranh này không đơn giản đâu!
Những chi tiết quái dị trong bức tranh liệu có liên quan tới câu chuyện trong 'Liêu Trai chí dị'.
Người xưa không có máy ảnh, máy quay phim nên họ chỉ có thể ghi lại những gì muốn bày tỏ bằng giấy bút. Trong trường hợp này, một bức tranh cũng đủ để kể một câu chuyện hay truyền tải một thông điệp, và những câu chuyện trong những bức tranh cổ thường vô cùng ý nghĩa và rất thú vị.
Thời kỳ phong kiến Trung Quốc, tranh cổ động và thư pháp là những hình thức hội họa phổ biến nhất. Những tác phẩm này không chỉ được lưu giữ tại đất nước tỷ dân mà còn lưu lạc tại nhiều quốc gia khác. Ngày này, Bảo tàng Nghệ thuật Boston (Mỹ) cũng đang trưng bày một bức tranh cổ được vẽ vào thời nhà Tống tức khoảng 1.200 năm trước.
Bức họa "Trang tịnh sĩ nữ đồ" 1.200 tuổi. Hình ảnh: Sohu
Bức tranh này có tên là "Trang tịnh sĩ nữ đồ" của họa sĩ Tô Hán Thần có chiều dài 25,2 cm, chiều rộng 26,7 cm. Bức tranh vẽ hình ảnh một mỹ nữ thời nhà Tống đang ngồi trang điểm trước gương.
Nội dung đơn giản chỉ có hai cô gái trong khuê các, nét mặt của họ phảng phất vẻ u buồn phong trần của người xưa. Ở góc trên bên trái của bức tranh, một vài bông hoa đào giống như sắp tàn, điểm thêm một vài cây tân trúc nhỏ và hoa thủy tiên để làm nổi bật tâm trạng của nhân vật.
Thoạt nhìn, bức tranh chỉ như đang miêu tả khung cảnh thiếu nữ khuê các bình thường với màu sắc nhẹ nhàng làm toát lên vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại của thiếu nữ xưa. Nó cũng góp phần thể hiện nét tao nhã đặc trưng của phụ nữ thời kỳ đầu nhà Tống.
Thế nhưng khi phóng to bức tranh thì không ít người phải rợn tóc gáy vì những chi tiết kỳ quái mà cho đến bây giờ, hậu thế vẫn chưa thể giải thích được. Nhiều cư dân mạng còn cho rằng bức tranh này không hề đơn giản, nó có vẻ ma quái y như câu chuyện của "Liêu Trai chí dị" vậy.
Những chi tiết kỳ quái khiến hậu thế suy ngẫm
Rất nhiều cư dân mạng phát hiện ra một chi tiết vô cùng phi thực tế trong bức "Trang tịnh sĩ nữ đồ" này. Đó là sự chênh lệch quá rõ ràng về tỷ lệ khuôn mặt của thiếu nữ đang ngồi trang điểm và khuôn mặt phản chiếu trong gương.
Chi tiết kỳ quái trong bức tranh Trang tịnh sĩ nữ đồ. Hình ảnh: Sohu
Thiếu nữ ngồi trang điểm tương đối gầy gò nhưng cái đầu phản chiếu trong gương lại to hơn gấp đôi, trông hết sức bất thường.
Từ góc độ của chiếc gương và các chi tiết trong bức tranh, có vẻ như còn có một khuôn mặt khác xuất hiện trên chiếc ghế mà người thiếu nữ đang ngồi. Thậm chí có người còn suy đoán rằng cơ thể của thiếu nữ đang ngồi thực chất là một ma nữ đang thao túng.
Hơn nữa, trên chiếc bàn trang điểm còn có một tấm vải nhỏ màu trắng khiến người xem không thể không nghĩ đến phần truyện "Họa bì" trong "Liêu Trai chí dị".
Không chỉ có vậy mà hậu thế còn soi ra được khoảng cách mà người hầu gái đứng phía sau lưng cô gái đang ngồi trang điểm là khá xa, điều này không phù hợp chút nào với mối quan hệ giữa chủ và nha hoàn thân cận lúc bấy giờ.
Tấm vải trắng đáng ngờ trong bức tranh cổ. Hình ảnh: Sohu
Vì vậy, không ít người còn khẳng định rằng đằng sau bức tranh này thực chất đang kể một câu chuyện ma quái khủng khiếp, bởi nó giống với một số cảnh trong bộ truyện "Họa bì". Người thiếu nữ đang ngồi soi gương trong bức tranh thực tế chỉ là một miếng da người thế nên trong gương khuôn mặt mới to gấp đôi như vậy.
Nếu thực sự đúng như lối suy đoán của hậu thế thì bức "Trang tịnh sĩ nữ đồ" này không hề đơn giản và mỗi nét u buồn trong tranh đều có ẩn ý muốn phác họa cái vẻ ma quái ghê rợn bên trong nó.
Theo Diệu Thúy/Báo Tổ quốc