Ngoài hang Sơn Đoòng của Việt Nam, trên thế giới còn nhiều hang động nổi bật khác du khách không thể bỏ qua.
Hang Sơn Đoòng, Việt Nam: Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, nằm ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được tạo ra do sự xói mòn trong hàng triệu năm. Sơn Đoòng được phát hiện từ năm 1991 nhưng mãi tới 2009 mới khám phá đầy đủ. Hang dài khoảng 9 km, là một phần của hệ thống ngầm đồ sộ nối với hơn 150 động khác.
Hang Reed Flute, Trung Quốc: Đây cũng là một trong số những hang động lớn nhất tồn tại trên thế giới. Hệ thống đèn màu nhân tạo trong hang được tạo thành từ nhũ đá khiến du khách có cảm giác chúng sinh ra ánh sáng xanh kỳ ảo. Tên của hang được đặt theo những cây sậy ở lối vào.
Hang động băng ở Vatnajokull, Iceland: Trong nhiều năm qua, những lỗ hổng của dòng sông băng Vatnajokull nổi tiếng ở Iceland đã tạo ra một số hang động tuyệt đẹp. Vào mùa thu hoặc mùa đông, bên trong hang băng bao phủ một màu xanh huyền ảo và sống động. Tuy nhiên việc tham quan là khá mạo hiểm vì những hang động này có thể tan chảy bất cứ lúc nào.
Hang động Fingal, Scotland: Cấu trúc đáng kinh ngạc của hang Fingal hoàn toàn tự nhiên, tạo thành từ sự tiếp xúc giữa dung nham và không khí, kết tinh ra những cột hình lục giác xen kẽ nhau. Hang động nằm trên một hòn đảo không người ở, với trần hình mái vòm có thể khuếch đại âm thanh của sóng, tạo cho du khách cảm giác siêu nhiên.
Phraya Nakhon, Thái Lan: Đây là một hang động kỳ vĩ nằm trong Công viên quốc gia Khao Sam Roi Yot, Thái Lan. Trần sập của hang cho phép ánh sáng chiếu rọi xuống ngôi đền Kuha Karuhas bên dưới, khiến du khách có cảm giác như đang ở cõi niết bàn.
Động băng trong núi lửa Mutnovsky, Nga: Một hang động băng bên trong núi lửa, điều nghe cực khó tin này lại là sự thật. Những cơn mưa lớn trong thời tiết lạnh giá đã hình thành hang băng dài 300 m trong lòng núi lửa Mutnovsky. Nếu liều lĩnh vào khám phá bên trong, bạn sẽ được chiêm ngưỡng màu sắc cầu vồng tuyệt đẹp do ánh sáng phản chiếu.
Động Waitomo, New Zealand: Hang động phát quang sinh học kỳ lạ này do một quần thể sâu phát sáng hình thành. Du khách khám phá bên trong hang sẽ ngỡ như đang ngắm dải ngân hà được tạo thành từ hàng nghìn đốm sáng. Mặc dù hang động đã có từ cách đây 300 triệu năm, sâu phát sáng chỉ mới xuất hiện trong 100 năm.
Hang đá cẩm thạch, Chile: Nhiều du khách khi khám phá mạng lưới hang động nằm dưới hồ General Carrera, Chile, đã đánh giá đây là nơi "đẹp nhất thế giới". Thành hang được tạo ra từ khoáng chất canxi cacbonat, khi thủy triều rút bạn mới có thể khám phá các lối thông bên trong. Năm 1994, hang động được công nhận là Di tích quốc gia của Chile.
Hang Drach, Tây Ban Nha: Nằm trên đảo Majorca, đây là một hệ thống gồm 4 hang động phức tạp mang vẻ đẹp riêng biệt. Du khách sẽ ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng cảnh quan siêu thực trong hang, khi vừa được nghe hòa nhạc do các nghệ sĩ biểu diễn trên thuyền.
Hang động Thánh Michael, Gibraltar: Hang động tuyệt đẹp này là một mạng lưới đá vôi phức tạp và đầy màu sắc. Mái vòm lớn nhất của hang thậm chí còn được sử dụng như khán phòng tổ chức đám cưới, điều này đôi khi làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của hang.
An Ngọc/Theo MSN
Cảnh sắc nơi vườn quốc gia gần biên giới Mỹ - Canada.
Vườn quốc gia Glacier là địa điểm du lịch nổi tiếng của Mỹ, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và sự bảo tồn rất tốt những loài động vật hoang dã.
Vườn quốc gia Glacier nằm ở phía bắc tiểu bang Montana (Mỹ), có biên giới với các tỉnh của Canada như British Columbia và Alberta. Vào tháng 5/1910, Tổng thống William Taft đã ký dự luật thành lập vườn quốc gia Glacier. Theo đó, đây là vườn quốc gia thứ 10 tại nước Mỹ, với diện tích khoảng 400.000 ha bao gồm 2 dãy núi, 130 hồ và sông băng màu ngọc lam... Ảnh: tripsavvy.
Vườn quốc gia Glacier là một phần của Waterton-Glacier, công viên hòa bình quốc tế đầu tiên trên thế giới. Tổ hợp công viên có diện tích lên tới 457.514 ha, trải dài từ Alberta (Canada) tới Montana (Mỹ), ra đời nhằm kỷ niệm tình hữu nghị giữa hai quốc gia Bắc Mỹ. Thời tiết ở vùng đất này rất thất thường, mức nhiệt độ chênh lệch trong 24 giờ cao nhất từng được ghi nhận lên tới 56 độ C (từ 7 độ C xuống âm 49 độ C) vào năm 1916. Điều này diễn ra do các luồng khí lạnh đối nghịch từ Bắc Cực và Thái Bình Dương gặp nhau. Ảnh: Vogue.
McDonald là hồ lớn nhất trong vườn quốc gia Glacier, với chiều dài 16 km và độ sâu gần 150 m. Hồ nước trong xanh được bao quanh bởi những dãy núi cao tạo nên khung cảnh tự nhiên ngoạn mục. Điểm nhấn nổi bật của McDonald là những viên đá rực rỡ sắc màu ở vùng nước nông, từ đỏ, xanh lá cây, xanh lam đến vàng. Gần đó, du khách có thể lựa chọn lưu trú tại Lake McDonald Lodge. Đây là nhà nghỉ 3 tầng được xây dựng theo phong cách nhà gỗ Thụy Sĩ, mở cửa từ năm 1913. Ảnh: getyourguide.
Với diện tích 1,78 km2, Blackfoot là sông băng lớn thứ hai trong số 25 sông băng còn lại ở vườn quốc gia Glacier. Vào năm 1850, có khoảng 150 sông băng trong khu vực vườn quốc gia. Trước kia, các nhà khoa học cảnh báo toàn bộ sông băng ở đây sẽ biến mất vào năm 2030 vì hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nhưng giờ đây, trước sự gia tăng carbon dioxide không đáng kể ở vườn quốc gia Glacier, một số sông băng có thể tồn tại đến cuối thế kỷ 23. Ảnh: glacierhighline.
Hệ sinh thái của vườn quốc gia Glacier hầu như không thay đổi kể từ khi vùng đất này được phát hiện lần đầu tiên. Hiện nay, nơi đây đang bảo tồn hơn 1.000 loài thực vật, 71 loài động vật có vú... Đặc biệt, vườn quốc gia Glacier là "ngôi nhà" của quần thể gấu xám Bắc Mỹ lớn nhất trên lãnh thổ nước Mỹ. Ảnh: cbsnews.
Vườn quốc gia Glacier có hơn 1.100 km đường mòn để du khách đi bộ đường đài với 2 tuyến đường chính. Going to the Sun nối hai phía đông và tây của vườn. Trên con đường dài 80 km du khách sẽ thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt vời của những thác nước xếp tầng, sông băng và đèo Logan. Tuyến còn lại mang tên Hidden Lake với chiều dài 4,5 km. Để đến khu vực này du khách phải leo dốc và dạo bước trên lối đi lát ván, từ đó có thể ngắm nhìn đàn cừu hay dê núi. Ảnh: Wanderlust Crew.
Ngoài ra, du khách có thể ngồi trên xe buýt cổ điển mang phong cách những năm 1930 để tham quan vườn quốc gia Glacier, có chi phí 50 USD. Đây được coi là địa điểm đầu tiên áp dụng hình thức xe buýt du lịch trên thế giới. Ảnh: Flickr.
Vườn quốc gia Glacier đã đón hơn 100 triệu lượt khách ghé thăm. Trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đến đây không ngừng tăng lên, đỉnh điểm là gần 3 triệu du khách vào năm 2016. Ảnh: nbcnews.
Hiểu Phong
Thị trấn Plios - nơi in dấu danh họa Levitan và mùa thu vàng nước Nga.
Ai đã từng yêu nước Nga, phải lòng mùa thu vàng nước Nga, hẳn đã từng nghe tên một vùng đất, nơi danh họa Isaac Ilych Levitan (30/8/1860 - 4/8/1900), thai nghén và vẽ nên kiệt tác 'Mùa thu vàng' nổi tiếng thế giới. Đó chính là thị trấn Plios, thuộc tỉnh Ivanovo, nằm cách Moskva gần 400 km và là vùng đất đáng được tìm đến nhất ở Nga mỗi khi thu về.
Danh thắng nơi này cuốn hút không chỉ giới nghệ sĩ, Plios còn là điểm hẹn của những đôi trai gái, là điểm đến mong ước của những người yêu mến thiên nhiên Nga, cảnh sắc Nga. Đến Plios, ta sẽ có cảm giác đúng như nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga Leonid Desiatnikov từng nói: “Plios chính là nước Nga đang chờ đợi chúng ta ở chốn thiên đường”.
Plios là một thị trấn nhỏ, nằm bên dòng Volga. Thị trấn nhỏ bé, không đường sắt chạy qua, không ống khói nhà máy và những khu công nghiệp
Thống kê mới nhất cho biết dân số ở Plios chưa đến hai nghìn người, nhưng như một người dân thị trấn nói: “Người ta chỉ có thể đếm được con số chính xác vào mùa đông, còn mùa thu thì phải cộng thêm những dòng du khách từ muôn nơi, đêm ngày đổ về đây”.
Có thể nói cái tên Plios gắn với Levitan, danh họa thiên tài người Nga gốc Do Thái, là đại diện tiêu biểu nhất của trường phái tranh Hiện thực Nga thế kỷ XIX, lừng danh với những bức tranh phong cảnh trữ tình đầy ấn tượng.
Lần đầu người họa sĩ bắt gặp Plios rồi phải lòng vùng đất nhỏ xinh ấy là khi ông cùng hai người bạn xuôi tàu dọc theo dòng Volga, đi tìm cảnh trí thơ mộng để sáng tác. Rồi một quả đồi xanh mướt hiện ra, một nhà thờ gỗ, những mái nhà nhấp nhô xinh xắn ẩn hiện dưới chân đồi, trong những lùm bạch dương rì rào, bên dòng sông nhỏ nhẹ nhàng uốn khúc… Và Levitan hiểu ngay - đây chính là nơi ông cần đến.
Trong thời gian từ năm 1888 đến 1890, Levitan dành tới sáu tháng mỗi năm để sáng tác ở Plios, sống ở đây khi mùa xuân sang cho đến những ngày cuối cùng của mùa thu, tiết trời trở lạnh. Levitan đã vẽ 20 bức tranh và gần 200 phác thảo trực tiếp tại hiện trường, rồi vẽ lại sau đó những cảnh trí êm đềm mà ông đã ghi tạc trong trái tim, trong trí nhớ. Những bức tranh này đã làm nên tên tuổi của Levitan. Và Plios nhờ tên tuổi Levitan đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cả thế giới mỗi khi thu về.
Nhà thờ Assumption, thường được gọi là Nhà thờ lớn, được xây dựng từ thế kỷ XVII (năm 1699), nằm trên Núi Nhà thờ. Từ đây, phong cảnh Plios như những bức tranh từ mọi góc nhìn. Du khách đến Plios đặc biệt ưa thích tản bộ trên Núi Nhà thờ và ngắm nhìn thị trấn nằm nép mình dưới chân hai ngọn Núi Nhà thờ và Núi Levitan.
Plios nhìn từ Núi Levitan đẹp đến ngỡ ngàng. Đoạn sông Volga chảy qua Plios chỉ chừng 3km. Từ trên đồi cao, phong cảnh quen thuộc ở từng bức tranh của Levitan như trải dài ra trước mắt. Plios đẹp đến ngỡ ngàng. Đôi trai gái vừa lướt qua bên tôi thì thầm: “Cảnh đẹp đến mức không dám thở mạnh!”
Tượng Levitan bên giá vẽ và bảng màu, nơi ông đã tạo ra những kiệt tác làm thổn thức biết bao trái tim nhân loại.
Người ta nói rằng Levitan chuyên vẽ phong cảnh, theo trường phái Hiện thực. Nhưng trong nhiều tác phẩm, Levitan đã vẽ bức chân dung Sophia Kuvshinnikova- người phụ nữ bỏ mọi thứ sau lưng để theo ông, là nguyên mẫu trong truyện ngắn “Người đàn bà phù phiếm” của Nhà văn Nga Anton Chekhov (1860-1904).
Bức tượng “Dachnitsa” (Người thiếu phụ nghỉ mát) mà nguyên mẫu chính là Sofia Kuvshinnikova. Một cô gái trẻ ăn mặc theo lối thị thành, đội mũ rơm, ngồi trên băng ghế dài dõi mắt qua khung tranh ngắm cảnh sóng nước Volga, trước mặt nàng là tấm bảng màu của người họa sĩ.
Quảng trường Thương mại được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX. Plios nhỏ bé chỉ có mấy phố chính nên du khách chẳng lo bị lạc đường. Này đây con phố Thương mại và quảng trường xưa kia từng một thời là trung tâm thương mại sầm uất, nơi người dân Plios bán mua, trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm. Này đây những hàng quán nối dài suốt dọc con phố bên sông. Quán nào cũng sạnh, đẹp và quá đỗi êm đềm. Này đây những hàng bạch dương soi bóng xuống dòng sông…
Tượng Danh họa I. Levitan và Ngôi nhà lưu niệm, nơi ông từng ở trong các năm 1888-1890, mỗi khi lưu lại Plios để sáng tác. Và đây, Bảo tàng-Nhà lưu niệm Levitan cũng hiện ra. Ngôi nhà ba tầng xưa kia của thương gia Solodovnikov, sau những lần bồi đắp bờ sông, giờ chỉ còn hai tầng, bởi tầng một của ngôi nhà đã chìm vào lòng đất. Chính tại ngôi nhà này, lần đầu tiên, mùa xuân năm 1888, Levitan cùng bạn là Alesei Stepanov và bà Sophia Kuvshinnikova, đã dừng chân trong chuyến du ngoạn bằng tàu thủy trên dòng Volga.
Trong ngôi nhà lưu niệm-bảo tàng Levitan, như còn tràn ngập tác phẩm của Levitan và các bạn của ông. Đây đó những bức tranh, những giá vẽ, bảng màu, trong đó có cả tranh-tiểu phẩm của bà Sophia Kuvshinnikova. Người phụ nữ vốn là nguyên mẫu trong truyện ngắn “Người đàn bà phù phiếm” của Nhà văn Nga Anton Chekhov (1860-1904). (Trong ảnh: Bức chân dung Sophia Kuvshinnikova do I. Levitan vẽ năm 1888 (Ảnh từ Internet))
Nhà thờ gỗ Peter và Paul- nguyên mẫu trong bức “Trên sự yên tĩnh vĩnh hằng” (1894) của Levitan
Sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái nghèo nhưng có học thức ở thị trấn Kibarty, tỉnh Kovno (nay là Kaunas, Litva). Trong suốt cuộc đời, Levitan thường chỉ gặp đắng cay, đói khổ, bị đố kỵ vì tài năng xuất chúng. Ông mắc bệnh trầm cảm từ khi người mẹ qua đời khi mới 13 tuổi và bị bệnh tim nặng. Thậm chí người nghệ sĩ tài hoa này đã từng hai lần tự tử. Người ta tin rằng những nỗi đau ngoài đời đã trở thành niềm trắc ẩn, lòng cảm thông với nhân loại khổ đau, và Levitan đã thể hiện chúng trên toan, trong những tác phẩm của mình. Qua đời khi chỉ còn hơn ba tuần là bước sang tuổi 40. Ngoài những người bạn và đồng nghiệp, Levitan chưa bao giờ lập gia đình hay có con. Ông chẳng để lại gì cho trần thế ngoài những tuyệt tác về thiên nhiên Nga, phong cảnh Nga.