a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

9 THÓI QUEN NGƯỜI PHƯƠNG TÂY MÀ CHÚNG TA RẤT CẦN HỌC HỎI

 

1. Nụ cười
Người phương Tây rất thích cười. Thậm chí, đó là điều bạn sẽ trông thấy đầu tiên dù họ là người quen hay người lạ. Khi bạn đi bộ và thấy một người lạ nào đi đối diện, họ sẽ nhìn bạn và nở một nụ cười, và thậm chí hỏi: “Bạn khỏe không?”
2. Cảm ơn và xin lỗi
Đây là 2 câu cửa miệng của người phương Tây mà có lẽ còn xa lạ đối với đại đa số người Việt. Không phải vì chúng ta kém văn minh hơn mà chúng ta có suy nghĩ khác về việc sử dụng 2 từ này. Nếu bạn vô tình va vào một ai đó, dù là lỗi của bạn, nhưng họ cũng sẽ nói “I’m sorry”. Và khi bạn làm gì đó cho họ, họ sẽ đáp lại với câu “Thank you!”. Nhiều bạn sống lâu năm ở phương Tây khi trở về Việt Nam sinh sống và làm việc cảm thấy rất khó chịu vì môi trường Việt Nam thiếu đi điều này.
3. Tư duy cá nhân
Trường lớp phương Tây khuyến khích tư duy cá nhân, khác với tư duy tập thể của văn hóa Á Đông. Thậm chí, tư duy cá nhân là nền tảng trong giáo dục của họ. Mỗi cá nhân là một điều gì đó đặc biệt và không thể gom chung được.
4. Văn hóa đọc sách
Trung bình, một người phương Tây sẽ đọc tầm 4-7 cuốn sách trong một năm. Còn ở Việt Nam thì con số là 0,7. Bạn có thể hỏi: “Rồi sao? Đọc sách thì liên quan gì?”. Sách là kho tàng kiến thức, tri thức nhân loại, là nơi một người tìm đến để mở mang tầm nhìn của mình.
5. Không soi mói đời tư cá nhân
Người phương Tây chỉ tập trung vào chuyên môn của bạn, họ không quan tâm bạn là ai, từ đâu đến. Điều quan trọng nhất vẫn là năng lực của bạn. Ngược lại, người Việt Nam thường hay soi mói cá nhân và những thứ chẳng liên quan gì.
6. Tư duy chỉ trích những lãnh đạo
Người phương Tây coi lãnh đạo của họ là những viên chức nhận lương bình thường như bao người khác, không hơn không kém. Họ đã nhận lương thì họ phải làm tốt công việc của mình.
7. Tầm nhìn dài hạn
Người phương Tây khi đã lên kế hoạch hay xây dựng cái gì thì họ sẽ có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là 20 năm trở lên. Các doanh nghiệp phương Tây không bao giờ làm ăn chụp giật để kiếm lời trong ngắn hạn như người phương Đông. Họ luôn có cái nhìn lâu dài và bền vững.
8. Tôn trọng sự khác biệt của người khác
Đây cũng là một phần của “chủ nghĩa cá nhân”. Mỗi cá nhân là một món quà đặc biệt của Thượng Đế. Họ không bao giờ ép người khác phải làm theo ý mình, trừ khi họ tự nguyện.
9. Cuối cùng, văn hóa “Tại sao?”
Người phương Tây luôn tìm hiểu và không ngừng hỏi tại sao. Họ không bao giờ ngừng suy nghĩ, cũng ít khi họ lấy bằng cấp mình đi khoe và thể hiện rằng mình hơn người khác.
Người Việt Nam vốn chịu thương chịu khó, tốt bụng, hiền hòa, nhưng cũng có những điều chúng ta cần phải học hỏi nhiều từ phương Tây. Không phải vì chúng ta thấp hơn hay cao hơn họ, mà vì những thứ trên là những yếu tố tốt giúp họ trở thành những quốc gia phát triển.
Sưu tầm

ĐỪNG CÃI !

Tượng phu nhân Shalott bằng đồng của Benjamin.

 

Nhà điêu khắc đại tài Michelangelo vừa hoàn tất một bức tượng. Nhà vua đến xem gật gù nói: “Ta thấy bức tượng này rất đẹp nhưng chưa hoàn hảo. Nên sửa vài chi tiết chỗ này, chỗ này... !”
Michelangelo liền sai các phụ tá bắc thang trèo lên bức tượng, cầm búa đục gõ leng keng. Nhưng ông dặn tuyệt đối không đục đẽo gì thêm vào bức tượng, không cần sửa gì cả, bức tượng đã hoàn tất rồi.
Sau một hồi, các phụ tá leo xuống. Nhà vua tiến lại gần ngắm nghía bức tượng và nói: "Thấy chưa Michel, bây giờ thì nó đã là một tác phẩm tuyệt mỹ."
Nhà vua đi khỏi, Michel nói với các phụ tá: "Bức tượng đã hoàn hảo, cái chúng ta vừa làm chỉ là thỏa mãn cái ẩn ức của nhà vua thôi"....
Tóm lại: "Đừng cãi với người ngu khi họ đang nắm quyền!"
Bùi Năng Phan

Cái ác trong cách ăn 

Từ Hy Thái Hậu (Empress Dowager Cixi, 1835-1908) (ảnh: Art Images/Getty Images)
Ăn sao gọi là ác? Dễ lắm, khi người ta ăn con thú đang quằn quại, đau đớn với sự hả hê thích thú vậy thì không ác thì gọi là gì mới đúng?

Lịch sử Trung Hoa dưới thời Từ Hy Thái Hậu đã ghi lại tỉ mỉ việc chiêu đãi của triều đình đối với phái đoàn sứ thần, tướng lãnh các quốc gia Tây phương. Tiệc được chuẩn bị gần một năm trời, sử dụng 1,750 người phục vụ, tốn kém 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và đại tiệc kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu từ Giao thừa Tết nguyên đán Giáp Tuất.

Triều đình nào của Trung Hoa cũng giống nhau ở điểm càng hoành tráng càng tốt vì để giữ sĩ diện và cũng là dịp chứng tỏ với nước ngoài sức mạnh của Trung Hoa. Tuy nhiên trong đại tiệc của Từ Hy Thái Hậu việc được lịch sử ghi lại không phải là mức độ xa hoa tốn kém mà do một món ăn được chuẩn bị tỉ mỉ trong nhiều tháng để khoản đãi khách mời. Món ăn được đặt tên là Hầu não, tức là não con khỉ còn sống, bị gọt mất phần vỏ não và người ăn chỉ việc cầm muỗng múc chất nhầy trong bộ óc và… thưởng thức.

Con khỉ mang ra tế sống cũng không phải là khỉ thường gặp mà nó được bắt tận một khu rừng được đồn đãi là có những quả lê quý khi bọn khỉ ăn vào sẽ làm cho trí óc của chúng sạch sẽ và tăng thêm sinh lực trong bộ não. Khỉ được bắt về nuôi trong lồng bạc, cho ăn uống những loại thực phẩm cao cấp như cháo tổ yến, cho uống nhân sâm và rượu nhung hươu. Người Tàu tin rằng ăn uống như vậy con khỉ sẽ tẩy uế dòng máu đang chảy trong người và từ đó não bộ sẽ tinh anh hơn.

Tới ngày đãi tiệc, một chú khỉ được mang ra cho một bàn ăn năm người. Để tăng thêm phần long trọng, Từ Hy Thái Hậu lập một kịch bản không khác mấy với cách đấu tố trong Cải cách ruộng đất của Việt Nam, đó là một thái giám trước khi gọt não con khỉ sẽ tuyên đọc tội trạng của con khỉ này tùy theo tên mà chúng được đặt. Những cái tên gian ác trong lịch sử Trung Hoa sẽ được nêu lên như Tần Cối, Bí Trọng, Vưu Hồn, Bàng Hồng, Trương Bang Xương, Mao Diên Thọ… và sau mỗi cái tên được hô lên là một con khỉ “đền tội” trước thực khách.

Lịch sử không ghi chép việc khách mời có ý kiến như thế nào trước bữa tiệc mang hình ảnh dã man mà bà Từ Hy sáng tác cho họ, chỉ biết rằng kể từ đó thế giới Tây phương nhìn Trung Hoa như một đất nước man rợ và hợp sức “thanh toán” nó như để giải quyết cho một giống dân khát máu.

Hầu não tuy bị lên án một cách giận dữ nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở… Việt Nam! Tôi nhớ rất rõ vào khoảng năm 1990 tình cờ xem một video clip chiếu cảnh ăn óc khỉ ở Nha Trang mà lạnh mình. Trên một hòn đảo nào đó, đôi tình nhân trung niên ra du lịch và được mời món óc khỉ. Con khỉ mang ra bàn với thân hình tiều tụy, lông lá xác sơ như lâu ngày bị bỏ đói. Nó bị cột tay chân ngồi co ro dưới chiếc bàn gỗ có chừa một cái lỗ trên đầu và cách làm thịt chú khỉ cũng không khác đời Từ Hy là mấy. Cũng cầm dao gọt vỏ não, sọ được rắc lên chút muối tiêu chanh và hai ông bà vừa ăn vừa… nhợn!

Cái video ấy ám ảnh tôi cho tận tới bây giờ khi đang ngồi viết lại những gì tận mắt chứng kiến. Người ta tàn ác cỡ nào cũng không thể đành lòng ăn sống nuốt tươi một sinh vật đáng thương như chú khỉ. Con người được tạo hóa ban cho đức tính từ tâm và việc ăn tươi nuốt sống một sinh vật được xem là bất thường nếu nói nặng hơn là mọi rợ.

Trung Hoa trong suốt thời kỳ lập quốc có không biết bao nhiêu là món ăn mà chỉ nghĩ đến thôi người ta đã rùng mình. Đầu bếp người Hoa nổi tiếng là giàu óc tưởng tượng, chi tiết hóa món ăn đến mức cầu kỳ không cần thiết. Họ tin rằng một con vịt nếu được đặt chân chúng lên một chiếc chảo nóng khi còn sống thì máu của chúng sẽ trương nở tụ xuống chân và làm cho mọi chất dinh dưỡng tập trung ở đó.

Chưa hết, muốn thưởng thức trọn vẹn mùi vị ngon ngọt thì đầu bếp phải chặt hai chân con vịt khi vừa “nướng sống” trên chảo, lúc này máu không còn chảy mà đọng lại trong từng lóng xương con vịt tạo hương vị bất ngờ không thể diễn tả! Làm sao diễn tả được chính xác sự man rợ mà một con người nghĩ ra như thế?

Người Việt thì sao? Có dã man như người Hoa hay không? Sau năm 1975, quán nhậu mọc lên khắp nơi, món ăn nào cũng được nghĩ tới và đầu bếp trong các nhà hàng thường là tay ngang, có chút đỉnh vốn liền mở nhà hàng bán đồ… nhậu! Ai cũng biết bán rượu bia sẽ mau làm giàu và cách phục vụ càng khác lạ quán xá càng đông.

Có bao giờ bạn và gia đình vào một nhà hàng kêu món lẩu cá kèo chưa? Nếu chưa xin đừng thử, vì nếu thử tôi đoan chắc vợ con bạn sẽ bị ám ảnh ít nhất là suốt nửa quãng đời của họ.

Lẩu cá kèo (dienmayxanh)
Lẩu thì cũng bình thường như bao món lẩu khác. Cũng các loại rau như lá vang, rau đắng, bạc hà, bông súng… nhưng cá để nấu món này thì còn bơi lội trong một chiếc sô bằng nhôm. Những con cá kèo hồn nhiên chơi đùa với nhau, tranh nhau bơi, tranh nhau thở và đến một lúc chúng cùng nhau bị đổ vào nồi lẩu đang sôi sùng sục. Khi chiếc vung bằng thủy tinh được đậy lại thực khách vẫn chứng kiến sự đau đớn cùng tận của bầy cá vừa giãy dụa vừa trồi lên cố thở, cố tranh nhau chút sự sống bên trên nồi nước đang sôi…

Cái vung bằng thủy tinh là sự cố ý của chủ quán. Ông ta muốn thực khách chứng kiến món hải sản “tươi sống” mà quán ông ta phục vụ và cái nắp vung ấy là chiếc sân khấu không ánh đèn đủ soi rọi vào từng ngõ ngách mang tên lòng trắc ẩn.

Con đuông dừa là một thí dụ khác chứng minh sự vô minh của con người, những con người khi ăn chỉ biết hương vị mà quên hẳn sự sống khác của một sinh vật, dù sinh vật ấy không biết nói tiếng người, cũng không biết la lên tố cáo cái hàm răng bẩn bựa đang cật lực xé hai chúng ra trong những vòm họng thơm tho đầy lời nhân nghĩa.

Món đuông dừa (afamily)
Con đuông dừa không xa lạ gì với dân Bến Tre, nơi cây dừa được xem là thóc là gạo cho toàn tỉnh. Chúng sống trong thân cây dừa và khi cây bị chặt chúng bị tập trung để bán cho các nhà hàng sang trọng. Những con đuông có miệng mà không có mắt chúng bò tung tăng trong rổ của nhà hàng và được bỏ vào một tô nước mắm có cắt vài lát ớt cho khách hàng… thưởng thức.

Nhìn người ta cầm đũa gắp từng con đuông đang bơi lội trong tô, đưa chúng lên miệng rồi “bụp” một tiếng, con đuông trở thành món ăn tươi sống. Tiếng bụp lạnh mình ấy không đủ để tố cáo sự bất nhẫn khi con đuông đã trôi tuột xuống khỏi cuống họng con người. Con đuông cũng như con vịt, con khỉ, con cá kèo… chỉ là những sao chép từ một nền văn hóa thiếu lòng trắc ẩn.

Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà một tiếng động bên bờ Đại Tây Dương cũng đủ khiến cho bờ bên kia thức giấc. Đừng đánh động lòng trắc ẩn của người nước khác khi thấy chúng ta nhe răng cấu xé những sinh vật khi chúng còn sống. Hãy văn minh hơn bằng cách giết chúng trước khi ăn, dù sau khi chết chúng kém ngon hơn nhưng bù lại không ai nhìn mình với cặp mắt khinh bỉ và giận dữ.

Mặc Lâm 

Chút suy ngẫm...ngày Valentine.

Lời phi lộ :

Ở đời không chỉ có vui mà cũng cần suy ngẫm 1 chút mới là Cuộc Đời.

 

- Vào bài :

Có một câu chuyện kể rằng:

1 - Xưa có một hành khách bước đơn độc trên chặng đường xa. Khi đã quá mỏi mệt và kiệt quệ, anh nằm xuống và ngủ một giấc ngon lành trên thảm cỏ ven đường.

Không lâu sau, một con rắn độc từ trong bụi cây bò ra! Khi con rắn chuẩn bị cắn người khách đang ngủ, bỗng một người đi ngang qua đó, kịp thời đánh chết con rắn độc rồi đi tiếp.

Người độc hành vẫn ngủ say sưa mà không hề biết chuyện gì đang diễn ra.

Cho đến cuối cuộc đời, anh vẫn không hay biết rằng mình đang sống trong ân huệ của người qua đường vô danh thuở nọ...

Vị khách độc hành không hề biết đến ơn cứu mạng ấy, và người qua đường cũng đã quên từ lâu, nhưng sự tình này đều ghi dấu trong Trời Đất.

Lại cũng có chuyện như thế này:

2 - Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.

Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác.

Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya. Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui.

Hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng!

Và bạn thấy đấy, có những sự giúp đỡ diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ.

Vậy cớ sao cứ phải đợi đến khi mắt thấy, tai nghe rồi chúng ta mới biết ơn trong lòng?

Bởi vì, có những “cho đi” không bao giờ mong chờ bạn đền đáp.

Có những “giúp đỡ” không bao giờ chờ bạn nói “Cảm ơn!”

Vì vậy, hãy cứ biết ơn cuộc đời này và hãy dùng lòng cảm ơn để đối đãi với tất cả mọi người xung quanh bạn.

Và đừng quên rằng:

Không biết trân quý, có núi tiền cũng chẳng thể vui tươi.

Không biết khoan dung, có bạn bè rồi cũng rời ra.

Không biết cảm ơn, có tài giỏi cũng chẳng thể thành công.

Không biết hành động, có thông minh cũng chẳng thể viên dung .

Không biết hợp tác, có làm việc chăm chỉ cũng không thành đại sự.

Không biết tiết kiệm, có kiếm nhiều tiền cũng không thể phú quý.

Không biết dưỡng thân, có trị liệu cũng chẳng thể trường thọ.

Hãy nhớ:

Có một thứ không thể gian dối: Đó chính là tình cảm.

Có một thứ không thể lừa gạt: Đó chính là sự chân thành.

Có một thứ không thể thiếu: Đó chính là bạn bè.

Có một thứ không thể cứu được: Đó chính là tuyệt vọng.

Có một thứ không thể bội quên: Đó chính là cảm ơn.

 

Sưu tầm