Flamboyant Tree in SW Florida
Phượng vĩ được trồng khắp nơi, nhưng vì sao loài hoa đỏ rung rinh trong nắng hè lại gắn liền với tuổi học trò?
Phượng vĩ được trồng khắp nơi trên đất Việt Nam dù đó là vùng đất mặn ven biển hay ở nơi gò đồi sỏi đá, giếng đào sâu gần trăm mét mới thấy nước. Có một thành phố vì yêu quá loài hoa này mà đâu đâu cũng trồng nên người ta gọi là thành phố hoa phượng đỏ, tức thành phố biển Hải Phòng. Nhưng vì sao phượng vĩ với chùm hoa đỏ rung rinh trong nắng hè lại gắn liền với tuổi học trò?
Cây phượng vĩ theo âm Hán Việt là phượng hoàng mộc. Phượng hoàng là loài chim thần thoại xuất xứ từ văn hóa Trung Hoa. Đầu phượng hoàng giống đầu gà, còn đuôi như đuôi chim công, chim trĩ. Người Trung Quốc lấy tên loài chim thần thoại này đặt cho cây vì khi hoa nở có màu đỏ như mào gà.
Người Việt có văn hóa đặt tên nôm na, ví dụ xóm ở bên cầu thì gọi luôn là xóm Cầu, cây hoa sữa có nhiều cục lồi ra trên thân như cái vú trâu thì gọi luôn là cây vú trâu, hoa của nó cũng gọi là hoa vú trâu.
Vì thế dân gian không gọi cây phượng hoàng mà lại gọi phượng vĩ. Từ vĩ có nhiều nghĩa nhưng theo nghĩa thông thường là phần cuối hay cái đuôi. Khi quả phượng già (cũng là phần cuối của đời hoa) nó không rụng mà vẫn treo trên cành giống như cái đuôi nên người Việt gọi là phượng vĩ, gọi tắt là phượng.
Năm 1889, tức là chỉ một năm sau khi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của Pháp, chính quyền cho thành lập vườn thực vật (tức vườn Bách Thảo) trên một phần đất của hai làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp.
Vườn thực vật này ươm các giống cây, hoa của châu Âu, trồng thử nghiệm các loại rau nhập từ xứ ôn đới như bắp cải, xà lách, su hào, cà rốt… nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là trồng thử các giống cây nhập từ nhiều nước trên thế giới để chọn ra loại cây phù hợp trồng trên hè phố, khuôn viên công sở, vườn hoa.
Chính quyền đã đưa ra các tiêu chí cho cây trồng ở đô thị, trong đó rễ phải là rễ cọc để hạn chế gãy đổ vào mùa mưa bão, thân cây không tiết ra nhựa độc hại hay mùi hôi thối, hoa đẹp, có tán cho bóng mát bởi mùa hè miền Bắc nắng nóng gay gắt.
Vì sao họ không trồng các giống bản địa vốn đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng mà phải nhập từ nước ngoài? Có hai lý do, một là các cây phải rụng lá vào những mùa khác nhau trong năm để giảm công sức cho công nhân vệ sinh, đồng thời làm cho thành phố có màu xanh quanh năm; hai là việc đưa về đa dạng các giống cây, hoa sẽ tạo ra kiến trúc phong cảnh.
Do đó, cây xà cừ, cọ, phượng được nhập từ châu Phi, bằng lăng nhập từ Australia, muồng từ Nam Mỹ, hoàng lan từ Malaysia… Sau một thời gian trồng thử nghiệm cùng với các giống cây bản địa, các nhà sinh vật đã phát hiện ra nhiều điểm thú vị của cây phượng vĩ là lớn nhanh, có tán rợp, lá nhỏ khi rụng sẽ không làm tắc cống thoát nước, đặc biệt hoa nở thành chùm đỏ thắm rất đẹp.
Khi các trường học theo mô hình giáo dục của Pháp xuất hiện ở Hà Nội, nhiều trường cho trồng phượng để lấy bóng mát vì bước sang mùa hè trời miền Bắc đã nắng chói chang. Và tình cờ khi phượng bắt đầu nở hoa cũng là thời gian chuẩn bị kết thúc năm học.
Việc các trường học từ Trung Kỳ trở ra Bắc Kỳ đều trồng loài cây này bắt đầu từ một nghị định về giáo dục ban hành năm 1906 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau. Nghị định ra đời nhằm thống nhất các quy chuẩn giáo dục theo hệ thống trường học của Pháp vì trước đó khá lộn xộn.
Trong nghị định có những điều khoản khống chế chiều cao của lớp học, bắt buộc các trường học công hay tư phải có sân chơi, có cây bóng mát, quy định thời gian bắt đầu năm học mới từ đầu tháng 9 và kết thúc năm học vào tháng 5…
Vì thấy trước đó một số trường đã trồng phượng nên đốc lý Hà Nội khuyến khích các trường trồng cây này. Từ đó, cứ một ngôi trường mới mọc lên là người ta cho trồng phượng, dần dà phượng trở thành biểu trưng của trường học.
Đến năm 1912, Hà Nội có 24 trường tư và tất cả trường đều trồng phượng. Rồi phượng đi vào thi ca và gắn liền với tuổi học trò, từ việc lấy hoa phượng nhét vào cặp sách bạn gái, các cô cậu lấy nhị hoa chơi chọi gà, gom những lá phượng li ti lên tầng thả từ từ xuống sân trường…
Có nhà văn gọi tình yêu học trò là tình yêu hoa phượng. Nhưng trước khi được trồng ở trường học, những cây phượng đầu tiên được trồng ở phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) năm 1894, rồi sau đó là đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên).
Andy Van ST/May 8,2022
Thành phố có hơn 4.000 bức tranh tường, được ví như 'cái nôi' của nước Mỹ.
Đây là cách Philadelphia – thành phố của những bức tranh tường thu hút các nghệ sĩ tới hỗ trợ.
Người Philadelphia rất tự hào về thành phố của mình, bởi nó còn được gọi là “Thành phố Di sản Thế giới” đầu tiên ở Mỹ. Danh hiệu này đánh giá cao tính lịch sử, địa lý, văn hóa của Philadelphia.
Bên cạnh đó, nơi này còn nhận được nhiều biệt danh khác như Thành phố của tình yêu, “Cái nôi” của nước Mỹ, Thành phố Cheese Steaks, Thành phố của những bức tranh tường.
Nếu là một người yêu nghệ thuật, khi đến nơi này có lẽ bạn sẽ choáng ngợp trước những bức tranh tường đầy màu sắc trên hầu hết các tòa nhà lớn. Những bức tranh xuất hiện khắp mọi nơi bạn đi trên các con đường ở Philadelphia.
Sự đa dạng của các bức tranh cho phép Philadelphia tự hào rằng, thành phố này có một phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời lớn nhất thế giới. Bạn dễ dàng nhìn thấy các bức tranh được trang trí tuyệt đẹp bên ngoài các tòa nhà, trên cầu vượt… Ước tính có khoảng gần 4.000 bức tranh tường tại thành phố này.
Cứ đi vài trăm mét bạn sẽ nhìn thấy một bức tranh tường. Có một số bức tranh sáng tạo tới mức bạn không thể ngờ tới. Đi dạo quanh thành phố là thú vui yêu thích của du khách khi ghé tới nơi này.
Thành phố này thực sự là thiên đường của những người yêu di sản, có nhiều tòa nhà cổ được bảo tồn rất tốt. Thêm vào đó còn có bảo tàng nghệ thuật Philadelphia mang tính biểu tượng.
Mỗi bức tranh tường được tạo ra với các chủ đề, kích thước và màu sắc khác nhau trong suốt vài thập kỷ. Các nghệ sĩ vẽ ra chúng đến từ nhiều cộng đồng khác nhau, điều này làm tăng thêm tính đa dạng.
Những bức tranh bao gồm khung cảnh thiên nhiên, động vật, thành phố, con người, xe cộ… Một số tác phẩm có tiêu đề nhưng số khác rất trừu tượng, mỗi người có cách giải thích của riêng mình.
Các bức tranh tường tô điểm cho thành phố, được tạo ra và duy trì bởi 1 tổ chức Phi lợi nhuận có tên Chương trình Nghệ thuật tranh tường thành phố Philadelphia, được bắt đầu từ những năm 80.
Ban đầu, việc vẽ tranh tường như một cách đối phó với vấn đề vẽ bậy vào thời điểm đó. Tổ chức này bắt đầu với tên gọi Mạng lưới Chống Graffiti Philadelphia hay PAGN theo sự thúc giục của Thị trưởng lúc bấy giờ là W Wilson Goode. Người sáng lập và giám đốc của Chương trình Nghệ thuật Tranh tường là Jane Golden.
Sau đó, những bức tranh tường được tạo ra như một cách “chữa lành” thành phố. Dần dần, nghệ thuật bùng nổ, thay đổi mọi thứ. Đây là chương trình nghệ thuật công cộng lớn nhất của Mỹ. Số lượng các bức tranh tường đang tăng lên hằng năm.
“How Philly Moves” là bức tranh tường lớn nhất của thành phố, rộng gần 26.000m2, kéo dài dọc theo một ga ra đậu xe tại Sân bay Quốc tế Philadelphia.
Nó cũng được cho là bức tranh tường lớn thứ 2 thế giới. Một trong những bức tranh tường mang tính biểu tượng nhất của thành phố tên là “Common Threads” cao 8 tầng.
Chi phí trung bình để hoàn thiện 1 bức tranh từ 25.000 – 30.000$ (578 – 700 triệu đồng). Bức tranh tường đắt nhất mà chương trình đã tạo ra là Philly Painting với chi phí 500.000$ (11,5 tỷ đồng).
Nó được thiết kế bởi các nghệ sĩ Hà Lan Haas & Hahn, Philly Painting trải dài 4 dãy nhà của đại lộ Germantown, tạo ra một thiết kế hình học với màu sắc trừu tượng trên hơn 50 mặt tiền các cửa hàng liền kề.
Phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời của Philadelphia phát triển mạnh mẽ với sự hợp tác của chính quyền, người dân thành phố, đặc biệt là các nghệ sĩ và các doanh nghiệp địa phương, tất cả đều đóng góp theo cách riêng của họ.
Phan Hằng (Theo Thehindu)
Thành phố có tượng Phật Quan Âm khổng lồ, cư dân đứng ở đâu đều có thể ngắm được
Nếu đến đây vào những ngày đẹp trời, du khách có thể nhìn thấy Thái Bình Dương từ trên đỉnh của bức tượng.
Ở ngoại ô thành phố Sendai của tỉnh Miyagi (Nhật Bản), nhìn từ xa bạn sẽ thấy thấp thoáng Sendai Daikannon (Tượng Nữ thần Kannon khổng lồ), tòa nhà chính của chùa Daikanmitsuji.
Bức tượng này được xây dựng vào năm 1991.
"Sendai Tendоohyakue Daikannon" là tên đầy đủ của bức tượng thường được biết đến với cái tên Sendai Daikannon, được xây dựng vào năm 1991 như một biểu tượng của hòa bình thế giới.
(Ảnh: taka_kurizaki)
Daikannon hiện là bức tượng cao thứ năm trên thế giới. Với chiều cao ấn tượng 100 mét (328 feet) và nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, du khách ngay khi bước đến đây đều dễ dàng nhìn thấy bức tượng từ nhiều nơi trong thành phố Sendai. Khung cảnh ấn tượng này qua lăng kính nhiếp ảnh mang lại cảm giác như hình dáng Bồ Tát "hiển linh" giữa nền trời xanh.
Sự ấn tượng của Daikannon không chỉ về kích thước đồ sộ mà còn về ý nghĩa tôn giáo và văn hóa của di tích, khi Daikannon tượng trưng cho Bồ tát - một vị thần đại diện cho khái niệm từ bi trong Phật giáo Nhật Bản.
(Ảnh: tongyikuo)
Không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của kiệt tác kiến trúc, du khách có thể đi vào bên trong bức tượng, nơi nội thất được chia thành 12 tầng và ngắm nhìn 108 bức tượng Phật được tôn trí bên trong.
Tầng trệt có 33 tác phẩm điêu khắc khác nhau đại diện cho 33 hình dáng của Quan Âm Bồ Tát. Đối diện là 12 bức tượng thần tượng trưng cho 12 tháng theo chiêm tinh học Trung Quốc.
Bên trong bức tượng Daikannon có hệ thống thang máy giúp khách tham quan lên xuống các tầng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều người lại chọn cách đi bộ qua 12 bậc cầu thang để có thể ngắm nhìn trọn vẹn 108 bức tượng Phật với những sắc thái khác nhau, đại diện cho những khát vọng trần gian của con người.
(Ảnh: takashi_n)
Khi đã tới được tầng trên cùng, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn thấy toàn bộ quang cảnh của thành phố bên dưới, thậm chí cả Thái Bình Dương nếu đến đây vào những ngày đẹp trời.
(Ảnh: kanashiro_pelo_mund)
Daikannon được cho là một trong những biểu tượng của thành phố Sendai, Nhật Bản. Nếu có dịp đến thăm thành phố này, đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn bức tượng Quan Âm độc đáo cũng như cảnh quan của thành phố từ trên đỉnh tượng.
(Ảnh: amerinco)
(Ảnh: jappey_offl)
Theo Cersie/VTC News