a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Câu chuyện về 1 người phụ nữ và 32 người đàn ông trên đảo Anatahan.


Giữa quần đảo Bắc Mariana ở phía Đông Nam của Nhật Bản là đảo núi lửa Anatahan. Được coi là hòn đảo không có người sinh sống, nhưng cách nay hơn nửa thế kỷ, đây lại là nơi diễn ra câu chuyện về một nhân vật được gọi là nữ vương trên đảo Anatahan – Higa Kazuko.

Đảo Anatahan

Kazuko vốn xuất thân từ tỉnh đảo Okinawa. Năm 1942, cô cùng với chồng là Shoichi và cấp trên của Shoichi tên là Kikuichiro chuyển tới Anatahan làm việc. Họ là ba người Nhật duy nhất sinh sống cùng với những người bản địa Chammaro trên đảo. Điều kiện ở Anatahan khá khắc nghiệt, bởi đây là nơi núi lửa vẫn đang hoạt động. Khắp nơi là những dốc và khe núi đá, cùng với đó là nhiều đầm lầy lớn, nơi sinh sống của muỗi, kiến lửa, bọ cạp và ong bắp cày. Hơn nữa, nguồn lương thực cũng vô cùng khan hiếm. Mặc dù họ có trồng thêm nhiều loại hoa quả như dứa, chuối, đu đủ, và mía, nhưng thức ăn chủ yếu vẫn là dừa.

Khi chiến tranh nổ ra, Mỹ ném bom xuống các vùng đảo lân cận nhưng lại không hề đụng đến Anatahan, bởi nơi đây không có quân Nhật đồn trú. Cuối năm 1943, không quân Mỹ bắt đầu nhắm mục tiêu vào Saipan, hòn đảo nằm ở phía Nam của Anatahan. Những chiếc B-29 vẫn bay lượn trên bầu trời Anatahan, và người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng nổ kinh hoàng của cuộc chiến gần đó.

Tháng 6/1944, vì lo lắng cho sự sống còn của người thân ở Saipan nên Shoichi quyết định mạo hiểm tới khu vực đang diễn ra cuộc chiến ác liệt này. Đảo Saipan cách Anatahan khoảng 1 ngày đường, nhưng sau nhiều tháng ngày chờ đợi, Kazuko vẫn không thấy chồng mình quay trở lại. Cô dần tin rằng anh đã không còn sống để trở về…

Như vậy, trên đảo chỉ còn lại Kazuko và Kikuichiro, cùng với những người dân bản xứ.

Chân dung Higa Kazuko – người được mệnh danh là ‘nữ vương trên đảo Anatahan’ (Ảnh: Wikipedia)

Bị cô lập và lãng quên

Âm thanh của các cuộc không kích đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của người dân Anatahan. Thế nhưng đến một ngày vào giữa tháng 6/1944, tiếng bom nổ và súng đạn trở nên gần và rõ ràng hơn, khiến những người Chammaro hoảng sợ. Họ bỏ lại nông cụ để chạy trốn vào rừng. Là hai người duy nhất còn lại trong làng, Kazuko và Kikuichiro có thể quan sát thấy những chiếc tàu Nhật bị bom đánh chìm, rất nhiều thuyền viên may mắn đã bơi vào bờ đảo. 

Cho đến khi quân Nhật đầu hàng, nhiều người bản địa đã sơ tán khỏi Anatahan, trên đảo chỉ còn lại Kazuko cùng với 32 người đàn ông Nhật, bao gồm các binh sĩ, thủy thủ, và Kikuichiro.

Đến lúc này bi kịch mới thật sự bắt đầu. Một “nữ vương” giữa 32 người đàn ông trên cùng một hòn đảo – hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới.


“Cage on the sea” (2014) và “The Lost Men of Anatahan” (1969) là hai trong số các tác phẩm kể về bi kịch của những người đàn ông và nữ vương trên đảo Anatahan (Ảnh: Amazon & Pinterest)

Nữ vương trên đảo Anatahan

Nếu bạn đã từng nghe kể về Robinson Crusoes trên hoang đảo, hẳn bạn cũng có thể hình dung cuộc sống ở Anatahan. Họ phải ăn bất kể thứ gì để duy trì sự sống – dừa, khoai sọ, mía dại, cá, và cả thằn lằn. Những người thích rượu còn chế ra một thứ nước uống gọi là “tuba”, tức là rượu dừa. Họ sống trong các túp lều làm từ lá cọ và dệt thảm bằng lá cây dứa dại. Khi phát hiện thấy xác máy bay B-29, họ sử dụng các mảnh kim loại để làm dao, chậu, và mái lợp lều. Những chiếc bình oxy được tận dụng để chứa nước uống, và quần áo làm từ vải dù. Họ cũng có cần câu cá với dây câu lấy từ dây dù và lưỡi câu lấy từ lò xo súng máy. Một vài người còn tìm thấy súng và đạn trong máy bay.

Nhưng không phải cuộc sống khắc nghiệt, mà chính ý muốn chiếm hữu mới là điều đáng sợ nhất. Là người phụ nữ duy nhất trên đảo, Kazuko trở thành mục tiêu của 32 người còn lại. Thậm chí, giữa họ đã xảy ra các cuộc xung đột và bạo lực để tranh giành quyền được “sở hữu” Kazuko; không ít người lộ rõ các vết sẹo trên cơ thể, và một số đã thiệt mạng hay mất tích một cách bí ẩn sau những cuộc xung đột này. 

Khi mâu thuẫn không thể giải quyết, những người đàn ông còn lại quyết định chấm dứt mọi căn nguyên của xung đột – đó là Kazuko.

Kazuko may mắn được tiết lộ về án tử hình bí mật. Vì vậy, cô tìm cách ẩn nấp trong rừng sâu. Nhiều ngày sau đó, Kazuko nhìn thấy bóng dáng một con thuyền ngoài khơi. Cô trèo lên cây cao, và sử dụng một mảnh vải để ra hiệu kêu cứu. Đó là một ngày vào tháng 6/1950, tàu Miss Susie của Mỹ đi qua Anatahan và đã đưa Kazuko an toàn trở về.

Nữ vương trên đảo Anatahan’ Kazuko cùng với đội cứu hộ khi cô được đưa ra khỏi Anatahan (Ảnh: libweb.hawaii.edu)

Nhờ có Kazuko, chính quyền Mỹ mới biết đến sự tồn tại của 33 người dân Nhật trên hòn đảo Anatahan. Tuy nhiên, những người Nhật bị cô lập không tin rằng chiến tranh đã kết thúc, họ cho rằng lời kêu gọi rời khỏi đảo chỉ là “chiêu trò” của quân đội Mỹ. Phải đến ngày 26/6/1951, khi máy bay thả xuống những lá thư viết tay từ chính gia đình và người thân, kèm theo lá thư kêu gọi từ chính quyền Nhật Bản, thì “những người Nhật ngoan cố” mới chấp nhận đầu hàng. Đây cũng là những người cuối cùng trên đảo Anatahan được hồi hương 6 năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Chân dung những người đàn ông trên đảo Anatahan khi quyết định đầu hàng – Hình ảnh minh họa từ bộ phim “The saga of Anatahan” của đạo diễn Josef von Sternberg.

Câu chuyện về ‘nữ vương trên đảo Anatahan’ Kazuko trở thành điểm nóng tại Nhật Bản suốt một thời gian dài. Cho đến nay, người ta vẫn nhắc lại bi kịch Anatahan như một nỗi buồn của chiến tranh, một bài học về cuộc sống, khi có những người ra đi không phải vì khói lửa đạn bom mà lại là vì ích kỷ và dục vọng của cá nhân mình. Giá như mỗi người đều biết sống vì nhau, tôn trọng và tương trợ trong khó khăn hoạn nạn, thì có lẽ Anatahan đã là chốn yên bình cho những con người lưu vong trong cuộc chiến.

Hồng Liên

CÂY MỲ TÔM

Mới đây, một cửa hàng mỳ Ramen ở Nhật Bản đã đăng tải những bức ảnh về một loài cây kỳ lạ, gọi đây là “cây Mỳ”.

Trên thực tế, đây là cây Toquilla, một loài cây thuộc họ cọ, sống ở vùng nhiệt đới châu Mỹ và, thấy nhiều ở Ecuador. Tuy nhiên "cây mỳ" này có vẻ bề ngoài rất giống như bắp ngô, bên trong lại như mỳ tôm. Thế nhưng, "cây mỳ" lại không chút liên quan đến bắp ngô hay mỳ tôm.

Bức ảnh khiến nhiều người bất ngờ.  Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Cây Toquilla cao khoảng từ 1-4m, lá hình quạt. Đến khi ra hoa, hoa của cây toquilla có hình giống như bắp ngô, bên trong có các sợi xoắn vào nhau, hệt như mỳ tôm còn trong gói. Đến khi hoa nở, các sợi bung ra, trông chẳng khác nào mỳ tôm đã được đổ nước sôi, rất đặc sắc, thú vị.

Mới nhìn, nhiều người sẽ vô cùng kinh ngạc bởi hình dạng của loài hoa toquilla. Tuy vậy, hoa của cây lại không có tác dụng nhiều. Người dân bản địa thường xử dụng lá của cây Toquilla để làm nên chiếc mũ Panama nổi tiếng


Đây là một trong những loại mũ đắt nhất thế giới do làm thủ công vô cùng phức tạp. Một chiếc mũ Panama chất lượng cao cần hơn 6 tháng để hoàn thành.









Theo kienthuc

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được 'chốt' tới 20,7 tỷ đồng.

'Mọi chú ý và thèm khát đều tập trung vào chiếc bát ngọc đặc biệt thuộc bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương, được chạm khắc và mang dấu của vua Tự Đức' - nhà đấu giá Drouot nói.


Vào ngày 17/6/2022, tại Paris (Pháp), nhà đấu giá Drouot đã tổ chức phiên đấu giá "Bộ sưu tập của Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam - Mỹ thuật châu Á". Phiên đấu giá đã diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trong đó, có một cổ vật mang dấu triện của vua Tự Đức được đánh giá là món đồ "khơi dậy lòng thèm muốn" của nhiều người quan tâm tới buổi đấu giá. Đó chính là chiếc bát ngọc của vua Tự Đức. Chiếc bát này nằm trong bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương do bà sưu tầm lúc sinh thời. Sau đó, bộ sưu tập của hoàng hậu đã được truyền lại cho công chúa Phương Mai, con gái của bà.

Chiếc bát ngọc của vua Tự Đức, nằm trong bộ sưu tập của Hoàng hậu Nam Phương. (Ảnh: Gazette Drouot)

Hoàng hậu Nam Phương là hoàng hậu của hoàng đế Bảo Đại thuộc triều nhà Nguyễn. Bà cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Việc được tấn phong làm hoàng hậu ngay sau ngày cưới khiến bà trở thành một trong ba vị hoàng hậu nhà Nguyễn mang tước vị hoàng hậu ngay khi còn sống.

Theo sách Souverains et notabilites d'Indochine do chính quyền Đông Dương soạn và sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn, hoàng hậu Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, mỹ nhân tài sắc vẹn toàn của vùng đất Gò Công, Tiền Giang. Bà được vua Bảo Đại tấn phong ngôi hoàng hậu triều Nguyễn vào năm 1934. Bà có tất cả 5 người con. Năm 1947, bà cùng các con sang Pháp và sống ở đây đến cuối đời.

Chiếc bát có khắc nổi hình 2 con rồng với viền bằng vàng. (Ảnh: Gazette Drouot)

Theo những thông tin được chia sẻ trên website của Drouot, chiếc bát ngọc của vua Tự Đức được làm bằng ngọc bích, đường kính 14,5 cm; cao 6,2 cm. Trên thân bát khắc nổi 2 con rồng đang bay lượn với xung quanh là mây, viền bát làm bằng vàng. Đáy của bát có khắc dấu chữ triện với nội dung là "Tự Đức niên tạo".

Chữ khắc dưới đáy bát có nội dung là "Tự Đức niên tạo. (Ảnh: Gazette Drouot)

Ban đầu, nhà đấu giá Drouot đưa ra dự đoán rằng bát ngọc của vua Tự Đức sẽ bán được với mức giá 30.000 – 50.000 Euro (Khoảng 735 triệu tới 1,2 tỷ VND).

Tuy nhiên, sau nhiều lần trả giá, tác phẩm này đã được 1 nhà sưu tập mua với giá lên tới 845.000 Euro (khoảng 20,7 tỷ VND). Mức giá này đã khiến cho nhiều chuyên gia cũng như người tham gia đấu giá cảm thấy bất ngờ.

Nhiều vật phẩm quý giá

Bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương còn có những món đồ đặc biệt khác được trả giá rất cao.

Vật phẩm đạt mức giá bán cao thứ hai sau bát ngọc bích là một chiếc nghiên mực của vua Khải Định. Chiếc nghiên này có xuất xứ từ cung An Định ở Huế. Thông tin từ nhà đấu giá Drouot cho biết nghiên mực này được làm bằng ngọc thạch trắng tinh khiết. Phần nắp của nghiên mực được chạm trổ hình lá và hoa súng và khắc chữ "Bảo vật của học giả triều đinh".

Phần nghiên đựng có một phần lõm xuống được dùng để đựng mực. Chiếc nghiên đặt trên một chiếc đế có chạm trổ nhiều bông hoa sen. Phía dưới đáy nghiên được khắc dòng chữ "Vào năm Khải Định thứ tư (1916 – 1925), Tuyên Hoàng đã bán một nghiên ngọc thạch trắng với giá 120 lạng bạc. Nó được đặt trong phủ cung An Định". Chiếc nghiên được bán với giá 286.000 Euro (khoảng hơn 7 tỷ VND).

Chiếc nghiên mực làm từ ngọc thạch trắng được bán với giá hơn 7 tỷ đồng. (Ảnh:Gazette Drouot)

Ngoài ra, một cặp hộp làm từ ngọc bích có hình động vật với đôi mắt khảm bằng đá màu đen đã được bán với mức giá 221.000 Euro. Người đại diện của nhà đấu giá cho biết cặp hộp ngọc bích này là cổ vật thuộc thế kỷ 18,19.

Cặp hộp đựng từ ngọc bích được bán với giá 221.000 Euro. (Ảnh:Gazette Drouot)

Bên cạnh đó, những vật phẩm được đấu giá thành công còn có hai tách trà men xanh lam với hình ảnh 2 con rồng 5 móng bay trên mây cùng với họa tiết tổ ong. Hai món cổ vật này có từ thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847) này được bán ở mức giá 104.000 Euro (khoảng 2,6 tỷ đồng).

Và, sáu chiếc bát sứ hình tròn được trang trí bằng hình rồng vẽ men màu lam. Những chiếc bát này cũng thuộc thời vua Thiệu Trị. Chúng được một nhà sưu tập mua với giá 91.000 Euro (khoảng 2,2 tỷ đồng).

Cặp vật phẩm cũng bằng men lam khác là hai bát sứ hình tròn với hoa văn hình rồng năm ngón và mây. Dưới đáy bát có viết chữ "nhật" có nghĩa là đồ thường dùng trong hoàng cung. Được biết, hai chiếc bát này thuộc thời vua Minh Mạng (1783 – 1868) và được bán với giá 78.000 Euro (1,9 tỷ VND).

Hình ảnh cận cảnh của 2 bát trà men lam. (Ảnh:Gazette Drouot)

Sáu chiếc bát sứ tròn men lam. (Ảnh:Gazette Drouot)

Hai bát sứ men lam hình tròn với hoa văn hình rồng năm ngón và mây. (Ảnh: Gazette Drouot)

Bộ 4 chiếc bình pha lê đựng nước hiệu Baccarat. Đây là món quà của chính phủ Pháp đặt làm quà tặng cho đám cưới của vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương vào năm 1934. 4 chiếc bình này nằm trong bộ sưu tập của công chúa Phương Mai, kế thừa lại từ Hoàng Hậu Nam Phương. Một nhà sưu tập đã mua 4 chiếc bình pha lê này với giá 26.000 Euro (khoảng 650 triệu đồng).

4 bình nước pha lê đựng nước hiệu Baccarat. (Ảnh: Gazette Drouot)

Không chỉ có cổ vật, phiên đấu giá còn có một số tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, bức "Cảnh chợ Đông Dương" với nguồn gốc từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930-1940 được bán với giá 88.4000 Euro (khoảng 2,17 tỷ đồng). Bức tranh này được vẽ bằng chất liệu bột màu trên lụa với kích thước 78x99 cm.

Bức tranh "Cảnh chợ Đông Dương" được đấu giá với mức 2,17 tỷ đồng. (Ảnh: Gazette Drouot)

Được biệt, nhà đấu giá Drouot được thành lập từ năm 1852 và là một trong những nhà đấu giá lớn ở Paris (Pháp). Nhà đấu giá chuyên đấu giá các đồ mỹ nghệ, cổ vật và tác phẩm nghệ thuật. Hiện Drouot có tới 15 văn phòng đấu giá cùng với nền tảng trực tuyến, chào bán hàng triệu vật phẩm, thu hút khoảng 3.000 người tham gia mỗi ngày. Các thông tin về các phiên đấu giá sẽ được đăng trên Gazette Drouot - tạp chí về thị trường nghệ thuật và di sản của Drouot trên cả bản giấy và online.

*Bài viết được tổng hợp từ Gazette Drouot, Newsbeezer.

Nguyệt Phạm