a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Y KHOA VÀ ĐỜI SỐNG

 

Người đang khỏe tại sao lại bị đột tử

“Đột tử” thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Khi gặp gió lạnh mùa đông tràn về chúng ta phải thay đổi thói quen sinh hoạt, đừng nghĩ rằng mình còn trẻ mà không phòng bệnh.

Bài viết của Tác giả Hoàng Tuyên (bác sĩ chuyên khoa nội lồng ngực và y học bệnh hiểm nghèo, bệnh viện Từ Tế Đài Trung, Đài Loan) ngày 01 tháng 02 năm 2020.  Người dịch Tô Duy Tiệp (tổ trưởng tổ Thiện Nguyện Việt Thăng Vân Lâm).

Hôm qua rất lạnh, toàn Đài Loan có khoảng 50 người bị đột tử, nếu cứ tiếp tục lạnh nữa e rằng sẽ có hàng trăm người bị đột tử.

Mọi người chắc sẽ rất hiếu kỳ muốn biết rằng với những người đang khỏe mạnh, tai sao lại đột nhiên qua đời ?

Đặc biệt với những người không có tiền sử bệnh về máu, lại luôn uống thuốc đúng giờ, cũng không hút thuốc, không thức đêm, không uống rượu, trước khi đột tử đều không có hiện tượng bất thường ?  

Trong điều trị lâm sàng thì những vấn đề này thường được đề cập tới, thì đúng rõ ràng là đã mặc áo ấm rồi, vậy tại sao vẫn bị đột tử ?

Tôi điều trị những bệnh nhân này trong phòng chẩn bệnh lý hiểm nghèo, phát hiện ra rằng thực tế thì nguy cơ này xuất phát từ trong những thói quen hàng ngày, chứ không phải là mặc bao nhiêu quần áo ấm:

 1.   Khi tỉnh giấc là bật ngay dậy.

Vào mùa đông khi tỉnh dậy, ta nên nằm nán lại trên giường một lát rồi từ từ nhỏm dậy chứ không phải chui luôn khỏi tấm chăn ấm, chẳng ai đọ tốc độ xuống giường với bạn nhé !   Bạn cần biết rằng độ ấm trong chăn là để cứu mạng, đừng có đột nhiên kéo tuột đi cách giữ ấm này. Khi làn da không có phương pháp bảo vệ nào mà tiếp xúc ngay với không  khí lạnh thì phản ứng là co lại khiến mạch máu trong cơ thể đương nhiên cũng sẽ co lại. 

Hãy xác nhận rằng trước khi ra khỏi chăn, ta đã mặc sẵn một cái áo khoác ấm để cơ thể và chân tay được ấm áp. 

 2.  Lúc đánh răng rửa mặt. 

Sau khi thức dậy, mọi người sẽ vào nhà vệ sinh, hãy hòa nước nóng và lạnh để có nước ấm, rồi mới đánh răng rửa mặt tránh toàn bộ mặt và mạch máu bị cấp đông mà co lại.  Đừng nghĩ rằng khi đánh răng rửa mặt thì chỉ bị lạnh một lát trên mặt,  phòng tắm vừa ẩm vừa lạnh chính là nơi cần phải chú ý nhất.

 3.  Lúc cởi đồ.

Ngâm hay tắm bằng nước nóng thì rất thoải mái, nhưng bạn đừng quên rời khỏi nguồn nước nóng lúc đó ta chưa mặc đồ, khi những  ấm trên da đột nhiên tiếp xúc với không khí lạnh khiến cơ thể sẽ run lên bần bật. Hãy để khăn tắm ở nơi tiện lấy nhất, lập tức lau khô nước trên người, và mặc quần áo ngay, mùa đông không nên cởi bỏ quần áo quá lâu !

 4.  Bỏ qua phần tai và cổ.

Tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đột tử, trước khi chết, cổ và tai đều không được bảo vệ, đừng nghĩ rằng mặc ấm cơ thể và chân tay là đã đủ ấm.

Tai và cổ bị gió lạnh thổi qua, hai tai thiếu lớp mỡ để giữ ấm, cổ lại là nơi tập trung nhiều dây thần kinh giao cảm nhỏ và mạch máu của não và cơ thể, quàng khăn và bịt tai có thể bảo vệ bạn.

 5.  Mặc quần áo sai thứ tự.

Có lần tôi cấp cứu cho một bệnh nhân đột tử do trụy tim, khi y tá cắt bỏ quần áo mới phát hiện ra, anh ta mặc 2 áo thun và áo khoác, tức là không mặc áo len ngoài áo thun. Hãy mặc áo đúng kiểu "sandwich" với lớp trong cùng là lớp áo lót có thể thấm mồ hôi, rồi đến áo len để giữ thân nhiệt, bên ngoài mới là áo khoác chắn gió chống nước. Khi mặc sai thứ tự thì không giữ ấm được cho cơ thể thì dễ đột tử do mạch máu co thắt. 

6.  Đột tử do tập thể dục.

Tập thể dục là việc tốt, nhưng phải hiểu rõ sinh lý cơ thể của mình, nguyên nhân đột tử do tập thể dục thường thấy như :

 - Không khởi động trước tập, dừng lại đột ngột khi tập thể dục với cường độ cao, thiếu ôxy tại những vùng núi cao, hoặc khi tập động tác không quen.

 - Thông thường khi chúng ta đang ở trạng thái không vận động, máu sẽ chảy ngược về tâm nhĩ và chỉ cần “ co tĩnh mạch “ là đủ. Tuy nhiên khi tập thể dục, tim sẽ đập nhanh hơn 6-17 lần so với lúc không tập, và lưu lượng máu tới cơ cũng tăng lên 25 lần.

 - Khi tiếp xúc với môi trường lạnh, mạch máu của bạn sẽ phản ứng tiếp tục co lại, lúc này lượng máu về tim không đủ nên rất nguy hiểm dẫn đến đột tử.

 - Ta cho rằng những trường hợp mặc áo ấm nhưng dễ bị đột tử vào đêm khuya và sáng sớm thì ngoài những người tập thể dục vào sáng sớm, thì đại đa phần đột tử tại nhà. 

 - Khi cái lạnh bao trùm, chúng ta thay đổi thói quen vẫn chưa đủ, cũng đừng lợi dụng sức trẻ mà không chú ý đến các biện pháp phòng tránh.  

 - Tỷ lệ đột tử tăng mạnh theo từng năm, độ tuổi phát bệnh càng trẻ hóa, lại dễ phát sinh ở những người có tình trạng sức khỏe tốt, ở độ tuổi trung niên, khiến người thân tiếc thương vô hạn.

Chúc buổi sáng tốt lành ! Hãy yêu thương gia đình, yêu thương bản thân. Khi trời chuyển lạnh, mọi người chú ý giữ ấm, đừng lơ là.

 Bác sĩ Hoàng Tuyên




Những bệnh... vô duyên!

Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).
Những bệnh... vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"! Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).
Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoid, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp...
Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt...
Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay.
Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao?
Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh.... vô duyên đáng tiếc.
Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ. Báo Paris Match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo... Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp.
Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả! Tây gọi những người sính xét nghiệm là "examinite".
Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over - investigation, "thăm dò quá mức cần thiết" này (Health of the Elderly, WHO, 1989). Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ.
Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.
Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói!
Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán nhãn" (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi trên nhập...." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được!
Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh.
Ðáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức... khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.
Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe.
Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!
BS Ðỗ Hồng Ngọc.

Người xưa có câu 'mùa xuân ăn đậu hơn ăn thịt', đây là 3 loại đậu quý bạn nên ăn thường xuyên vì chúng vừa ngon vừa bổ

Người xưa có câu: "Mùa xuân ăn đậu hơn ăn thịt" đều có nguyên nhân cả. Đậu vào mùa xuân có nhiều vitamin và chất xơ, vừa rẻ lại ngon sẽ rất có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Vậy những loại đậu nào thích hợp để ăn vào mùa xuân? Sau đây là 3 loại đậu quý giá và cách chế biến đơn giản giúp bạn hấp thu được lượng dinh dưỡng sánh ngang với thịt. Hãy cùng xem là gì nhé!

1. Mùa xuân ăn đậu Hà Lan có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm

Theo WebMD, đậu Hà Lan là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào. Chúng được ví như những viên ngọc có kích thước nhỏ xinh nhưng mang lại nhiều lợi ích về dinh dưỡng và sức khỏe.


Đậu Hà Lan chứa carotenoids, lutein và zeaxanthin. Những chất dinh dưỡng này giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi các bệnh mãn tính, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Nguồn dinh dưỡng trong đậu Hà Lan mang lại những lợi ích quan trọng từ việc giữ cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh đến bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư.

Món ăn gợi ý: Đậu Hà Lan xào ngô ngọt

Nguyên liệu cần thiết gồm đậu Hà Lan - 200g, ngô ngọt - 100g, tỏi băm - 1 thìa, dầu hào - 1 thìa. Nếu muốn hấp dẫn hơn, bạn có thể thêm một số loại rau khác để cùng xào cho món ăn thêm ngon miệng, chẳng hạn như bắp bao tử, nấm đùi gà,...

Đậu Hà Lan mua chọn loại quả non vừa phải, không lấy quả già xào ăn sẽ bị xơ. Tước bỏ phần cuống, sau đó rửa sạch và để ráo nước. Đun sôi nước, rắc một chút muối vào, cho đậu vào chần sơ, nhúng qua nước lạnh, để ráo. Cho dầu vào chảo nóng, phi thơm tỏi băm. Cho ngô ngọt vào xào, thêm đậu Hà Lan. Nêm một muỗng dầu hào cùng xíu muối, đảo đều khoảng 30 giây sau đó trút ra đĩa là được.


2. Mùa xuân ăn đậu tằm (đậu fava) giúp tăng cường trí não và cải thiện trí thông minh

Đối với nhiều người, đậu tằm là loại thực phẩm khá mới vì chúng không phổ biến hoặc chưa được quan tâm nhiều. Theo Healthline, đậu tằm (đậu fava) có nguồn dinh dưỡng đáng kinh ngạc mặc dù sở hữu kích thước nhỏ. Chúng giàu protein thực vật, folate và một số vitamin cùng khoáng chất. Đậu tằm cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan có thể hỗ trợ tiêu hóa và giảm mức cholesterol.


Đậu tằm (đậu fava) giàu dinh dưỡng và chất xơ tốt cho sức khỏe.

Một vài lợi ích khác cho sức khỏe của đậu tằm như có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh Parkinson, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, chứa nhiều chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch, giúp cải thiện các triệu chứng thiếu máu, có lợi cho sức khỏe của xương,...

Món ăn gợi ý: Đậu tằm xào hành lá

Nguyên liệu cần thiết gồm đậu tằm, hành lá, muối, đường, chút nước cốt gà.

Đầu tiên, tách hạt đậu tằm khỏi vỏ. Rửa sạch. Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ. Đun nước sôi, cho đậu tằm vào chần qua khoảng gần 1 phút, vớt ra để ráo.

Cho dầu ăn vào phi thơm hành, đến khi chín vàng thì vớt hành ra. Cho đậu tằm vào xào. Nêm muối, đường, đảo đều khoảng 3 phút là được. Cho thêm nước cốt gà để món xào thơm hơn. Cuối cùng cắt nhỏ hành lá, rắc lên trên và tắt bếp


Đậu tằm xào hành lá có thể cho thêm nước cốt gà/bột nêm gà để dậy mùi thơm và ngậy.

2. Mùa xuân ăn đậu que giúp tốt cho tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa

Đậu que, dù bạn xào hay luộc thì chúng cũng giúp cung cấp một lượng lớn dinh dưỡng cho cơ thể. Đậu que hầu như không có chất béo và rất ít đường. Đó là tin tuyệt vời cho bạn nếu đang thực hiện chế độ ăn kiêng hoặc giữ vòng eo của mình không thành "vòng eo bánh mì".

Đậu que không chứa cholesterol nên tốt cho tim mạch. Chúng cũng giàu chất xơ. Đặc biệt, đậu que là loại thực phẩm ít FODMAP.

FODMAP là loại carbohydrate chưa tiêu hóa được chuyển hóa bởi vi khuẩn trong ruột dẫn tới đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và táo bón.

Nếu như ăn nhiều thực phẩm giàu FODMAP sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu hóa xấu chẳng hạn như trào ngược axit hoặc hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, cơ thể bạn sẽ cần protein từ đậu để nuôi dưỡng xương khỏe mạnh, tóc bóng mượt hoặc cơ bắp trở nên săn chắc.

Món ăn gợi ý: Đậu que xào dầu ô liu

Nguyên liệu cần thiết gồm đậu que - 300g, dầu hào, dầu ô liu, muối, gừng tỏi, ớt.

Trước tiên, tước bỏ phần xơ ở hai bên quả đậu. Rửa sạch và cắt chéo. Tỏi hành băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, cắt nhỏ. Làm nóng chảo, cho dầu và hành tỏi băm nhỏ vào phi thơm. Thêm đậu que vào xào trên lửa lớn. Trong quá trình đó, có thể thêm chút nước để đậu nhanh chín. Đậu gần chín nêm dầu hào và xíu muối cho vừa ăn. Thêm ớt vào đảo đều, tắt bếp.


Đậu que xào là món ăn đơn giản nhưng rất giàu dinh dưỡng.

Chúc bạn thực hiện các món ăn ngon với 3 loại đậu tốt lành này thành công nhé!