Mưa lắc rắc, trời chuyển tối mịt. Mới tám giờ mà tưởng đã gần nửa đêm. Tôi tranh thủ ghé cây xăng. Cái lạnh của mưa lâm râm làm cho đêm như nặng hơ
Hình như mọi người không ai muốn ra đường. Tôi cũng mong mau tới nhà. Cái nôn nóng đó làm tôi bỏ qua bàn tay vẫy của một người phụ nữ. Gương mặt đen đúa và cặp mắt đỏ này tôi từng gặp trên chuyến xe từ Sài Gòn về mấy năm trước. Chị tên Hua, nhà ở dưới xóm tôi một đỗi. Nhớ ra, tôi cho xe quay lại.
Tôi và chị từng ngồi cùng một băng ghế trong một chuyến xe. Hôm đó mặt chị háo hức nhưng nét lo âu hằn rõ làm chị như trần ai hơn giữa lộn xộn hành khách. Vừa yên chỗ, chị kéo bọc bánh mì đồ sộ ra vuốt ve. “Coi tôi mua đúng loại bánh mì Bình Chánh nè. Thơm lắm. Nhai ngọt miệng. Mấy lần trước không biết mua nhằm bánh gì mà lạt xèo, ăn mắc tức thêm. Đúng là bị gạt rồi mới có kinh nghiệm hé chú”.
Tôi chỉ lấy mắt nhìn. Thấy tội nghiệp. Chắc chị hình dung cảnh bầy con đang ôm mấy ổ bánh mì gần bằng tụi nó nhai ngon lành. Con tôi không thích bánh mì. Nó nói như bò nhai rơm. Không bận tâm thái độ của tôi, chị ôm bọc bánh thở dài. “Thằng Út bữa nay không biết có nhận ra mẹ không. Con nít mau quên gì đâu”. “Nó nhiêu tuổi?”. “Mười chín tháng!”.
Tôi không trả lời nhưng thầm gật đầu. “Mấy tháng trước lúc tôi mới đi làm, con chị nó gọi điện nói nó khóc hoài, không chịu ngủ. Tôi nán làm thêm có mấy bữa cho tới có lương mới về. Vậy mà về nó đã nhìn tôi như người lạ. Mấy tiếng đồng hồ sau mới quen lại. Khi nó vừa quen, tôi lại đi rồi”. Chị thở dài một hơi run run. Y như là mình chơi ác với con. “Người lớn hay ỷ mình lớn hé chú? Nói bỏ đi là bỏ đi. Tụi nhỏ dù muốn hay không cũng phải chịu”. Tôi nói góp: “Người lớn mà còn phải chịu nữa, nói gì tụi nhỏ, chị! Hoàn cảnh mà”.
Làm nghề dạy học, tôi sẩu mình với cảnh này. Lớp chỉ có hơn mười em mà đầu óc cứ để đâu đâu. Những cặp mắt nhìn có vẻ bình thường nhưng bên trong nó đã hụt đi một góc nào đó. Cha mẹ cách chúng gần ba trăm cây số. Mỗi năm chúng được gặp họ hai lần. Đó là tết và hè. Cái nhớ dai dẳng làm lớp học chật chội hơn. Nó đã quá hẹp hòi so với lứa tuổi cần một không gian vô tận để tung hoành.
Lớp học chỉ bó chân chúng được vài ba năm nữa. Sức vóc có một chút, tụi nó đã mượn giấy chứng minh của anh chị trong xóm phôtô kèm hồ sơ lên Sài Gòn kiếm việc làm. Rồi chúng gặp nhau, đẻ những đứa con, gởi về quê và tụi nhỏ lại đem nỗi nhớ vào lớp học...
Vị khách chung băng ghế tôi đây cũng vậy. Gởi ba đứa con ở nhà để đi Bình Dương. Rồi đang ngồi may tự nhiên làm công tác đo đạc bằng tưởng tượng. Thấy sao mà xa quá. Ví dụ có giặc giã, ví dụ con đi lạc, ví dụ hỏa hoạn... Một ngàn lẻ một cái ví dụ sắp hàng có dò có dọc trong đầu người mẹ. Người mẹ thấy tay chân mình bủn rủn. Ví dụ một trong những cái rủi đó tới thiệt, mình có hay biết gì đâu. Hay cũng có về kịp đâu... Vậy là bỏ hết mọi thứ để về với bầy con. Gặp mặt chút xíu cũng được. Làm như là nhìn một cái rồi thì những xui rủi nó sợ, nó không dám ghé.
Chạng vạng nay nhìn thấy chị, tôi lại nghĩ chị vừa “ví dụ” ra sự cố gì nên lại tranh thủ về qua. Vừa tấp xe vào lề, tôi hỏi ngay: “Chị vẫn đi làm xa hả? Lại nhớ tụi nhỏ à? Mà sao chị về trễ vậy, về giờ này đón xe trần ai lắm?”. “Dà, khó đón xe”. “Mà chị đi về bằng xe gì lại có cái nón này? Nó đâu phải nón bảo hiểm?”. Chị làu bàu khó hiểu: “Ừ, má nó!”. Tôi nhíu chân mày nhìn chị. Chị lảng nhìn hướng khác rồi lập cập leo lên xe tôi. “Chú chạy mau mau nghe!”.
Mưa dường như nặng hơn. Tôi cũng muốn chạy nhanh nhưng đường áo một lớp nước. Đang vụ gặt, xe cải tiến chở lúa nếp từ ruộng lên, để lại mặt đường đầy dấu bùn. Chỉ cần rà thắng nhẹ là xe sề bánh. Đành chạy từ từ.
“Sao chú bò vậy?”. “Đường trơn, ẩu tả té một cái hết về. Muốn nhanh thì phải từ từ”. “Ừ, vậy thôi chậm chậm đi...”. Tôi vẫn thả vòng quay bánh xe đều đều, từ tốn. Chị lại quýnh quáng hét bên tai tôi. “Đã biểu chậm mà!”. Tôi hét lại: “Rốt cuộc chị muốn gì?”. “Thì muốn tới nhà!”. “Vậy chị ngồi im”. “Ừ, ngồi im, chạy từ từ nghe chú. Đó đó, vậy là nhanh. Tới cái cua kìa, sát bên này nè. Chú chạy vậy là ẩu, ẩu lắm, phải né sát bên này nè. Rủi có xe ngược chiều. Tôi mà bị té xe ở đây mấy nhỏ khóc chắc chết. Tội nghiệp lắm”. “Hay chị cầm tay lái đi?”. “Sao được. Tôi đâu biết chạy xe!”.
Thật hết chịu nổi. Tôi còn muốn nổi quạu thêm chút nữa. Nhưng tôi dịu xuống mau. Nhớ lại cảnh hồi đó chị vừa rớm nước mắt vừa buộc tới buộc lui mấy ổ bánh mì Bình Chánh mà thấy tội.
Giọng chị bắt đầu đều đều như độc thoại sau lưng tôi. Thấy con người ta tràn trạc con mình đi ngang là tay chân buông xụi, cầm cái gì cũng muốn bỏ hết. Nhớ cái lỗ mũi thò lò, nó lấy tay quẹt ngang quằn quện như ông kẹ. Nhớ cái sào phơi mấy cái quần cái áo cũ mèm, thâm kim của con... Chồng cằn nhằn. Nhà nghèo muốn chết, làm không lo làm đặng còn nuôi con, bày đặt vìa hoài.
Chị thấy chồng nói phải. Nhưng mà biểu hoài nó không đi, ý chị nói cái nhớ con, biết làm sao! Kiếm sống đủ đường rồi. Hồi lúc mới sanh đứa đầu lòng còn gởi nó ở nhà đi cắt nếp. Giờ thì nếp cắt tay rẻ hơn nếp cắt máy cả ngàn đồng một ký. Trong khi đó công cắt tay lại mắc gấp đôi công cắt máy. Cho dẫu không có máy cắt người ta ngồi chờ chớ không dòm tới đám lưỡi hái. Mấy công đất nếp sập chèm bẹp thì phải mướn cắt tay. Nhưng bon chen dữ lắm. Còn lâu mới tới tay những người hịch hạc như vợ chồng chị.
Vậy là đẩy xe trái cây đi bán. Nhưng mà cái nghề không cần nhiều vốn nên nhìn tới nhìn lui cũng chỉ thấy người bán. Ế ẩm thấy ngán trong khi các con lại thèm đủ thứ. Nó không giống cái hồi chị còn nhỏ. Đứa nào cũng cơm nguội muối hột. Nhưng có thấy thèm gì đâu. Vì đường sá khó đi lại, hàng quán ít ỏi, đâu có nhìn thấy gì gợi thèm. Còn tụi nhỏ bây giờ nhìn đâu cũng có những món buộc chúng nó ao ước.
Học làm giàu thì khó chớ học đua đòi dễ ợt. Nhà có của ăn của để một chút, mấy đứa con một con hai thành cậu ấm cô chiêu hết. Có đứa muốn cho nó ăn hết một chén cơm với thịt cá ê hề phải tốn nửa lít xăng. Người ta cho xe chạy một vòng, năn nỉ mỏi mòn nó mới chịu ăn một muỗng cơm. Còn con mình thì... Nhìn con trẻ thèm ăn nhểu nước miếng mẹ cha héo ruột. Ở nhà gần gũi các con mà để chúng thiếu thốn, thà đi...
Đang làm tự nhiên hình dung con mình ở cách mình hơn ba trăm cây số... Biết là sau một ngày đuối nhừ mình về cái chỗ không phải là nhà mình. Nằm xuống chỗ ngủ không có cái mùi quen thuộc của con. Thèm kê mũi hít thằng Út một cái chợt thấy nghẹt mũi, mắt xốn, ruột teo ngắt... Thấy đồng tiền có nhằm nhò gì đâu. Mà đồng tiền xa nhà cũng đâu có dễ kiếm. Có khi cả tháng không thấy mặt trời vì tăng ca liên tục.
“Còn mười sáu cây hả chú?”. “Chị đừng có đếm vậy, nó lâu lắm. Cứ ngồi hình dung lát nữa gặp mấy con. Nói chuyện với tôi đi để không thấy lâu. Tôi vù một hồi là mình tới nhà hà”. “Tôi dốt muốn chết, nói được khỉ gì. Mà nói về con thì nôn thêm”.
Tự nhiên tôi cũng không biết gợi chuyện gì cho chị quên. Giờ này mà đem đề tài nào ra nói cũng thấy lảng. Thành ra, tôi tự đặt tôi vào tình thế mất tự nhiên. Chúng tôi đang băng qua một cánh đồng. Mười bảy cây số mới tới hàng cây bên kia, chỗ có nhà tôi và nhà chị Hua. Hai bên đường tối mịt. Mùi rơm, mùi đồng ruộng tràn đầy mũi. Nếu là ban ngày đã có thể nghe tiếng máy gặt đập liên hợp nổ ành ành trên đám gốc rạ. Vô vụ, cả đồng có hơn nửa trăm máy chớ không ít. Cánh đồng lớn mà. Nhưng nó vẫn không nuôi hết những người ở cặp theo nó. Có nhiều người như chị bỏ xứ đi.
Ngày tôi còn nhỏ, má sanh chục đứa con không cần phải cố gắng vẫn sống - chị lại lảm nhảm như ru tôi - Chỉ cần lo hũ gạo, ra hè mò ốc, mò cua cũng có cái quọt quẹt. Giờ thì cua ốc chỉ ở nhà hàng mới có. Hai vợ chồng đẻ ba đứa thôi đã phải chạy ăn ngất ngư, đi tứ tán... Thời này Sài Gòn, Bình Dương thiếu gì việc làm. Nhưng đất công nghiệp, máy móc ầm ầm, chứa cha mẹ chớ không chứa con nít. Có nhiều đứa chưa thôi bú đã bị dứt ngang bầu sữa, về với ông bà. Rồi mẹ rồi con chia hai đầu nỗi nhớ.
“Chú, sao lại còn mười bảy cây số? Mình đã đi hơn một cây rồi”. “Khùng thiệt”.
“Đ mẹ”. “Sao vậy chị?”. Tôi nghe được cơn hậm hực trào lên trong chị. Tưởng như là cái cột cây số đã kéo dài con đường về nhà hơn. “Sao càng chạy càng xa vậy chú?”.
Nghe chị hỏi tôi thấy mắc cười. Ừ, người ta nói càng học càng ngu, càng tiến bộ càng thụt lùi. Rõ ràng thấy mình giàu hơn hồi đó chớ. Nhưng hồi xưa ông bà nghèo cũng có năm ba công đất. Giờ thì ai có năm ba công đất đã thành triệu phú. Có khá nhiều người như vợ chồng tôi, dạy học gần hai chục năm, chạy xe đời mới, thèm gì mua đó, có khi thừa mứa bỏ lăn bỏ lóc, nhưng nợ ngân hàng ngập đầu. Muốn mua được một công đất chỉ có chiêm bao.
“Họ cắm trụ bị lộn đó mà” - tôi nói với chị về mấy cột cây số bên đường. “Đồ mất dạy, đập mẹ nó đi. Chú ngừng lại tôi đập mẹ nó đi!”. “Trời đất! Sao chị nóng vậy. Ủa, mà cái gì kế bên nó vậy chị?”. “Hình như bóng cột cây số!”. “Sao cái bóng đỏ lòm?”.
Tôi không hiểu. Xe đã vượt qua một đỗi xa, ngoái nhìn nhanh tôi vẫn còn thấy nó như đang cháy. Mà, phải cái bóng không?
“Chạy xe không lo. Má nó!”. “Chị chửi tôi?”. “Chửi cột cây số. Đáng lẽ nó đâu cần đứng đó!”. “Cũng có ảnh hưởng gì đâu”. “Ừ, lo chạy đi. Nôn muốn chết. Ngày mai phải nấu cho ba đứa con ăn. Không, về sẽ nấu liền. Thằng Tiền thèm gà luộc, con Mẹo thèm tôm hấp bia. Mà nói thèm chớ nó đâu có biết cái mùi tôm hấp bia là ngọt hay mặn. Bữa ở gần nhà có đám cưới, nó thấy người ta làm món đó, con tôm đỏ lựng, mắc thèm. Chuyến này về phải làm cho tụi nó ăn đã đời”.
Tôi thấy mắc cười. Mọi người cứ y như chị. Chưa kịp dạy cho con cách đứng vững giữa cuộc sống đầy bất trắc này đã dạy cho con thói đua đòi. Nhưng trách chị cũng khó. Nỗi nhớ con đã làm người mẹ không thể lựa chọn. Khi xa con, một người mẹ học lớp mười mấy còn muốn bù đắp bằng kiểu ấu trĩ, huống gì người phụ nữ ít ỏi chữ nghĩa như chị. Tôi cũng vậy. Mấy lúc đi học bồi dưỡng nhiều ngày, bỏ con cho bà nội, vợ chồng tôi nhớ con đứt ruột. Cứ tưởng như là mình đang làm cái gì đó có lỗi với con dữ lắm. Về phải cho con cái này cái nọ.
“Cái mùi thấy ghét”. “Sao mà ghét?”. “Thì tại ghét thôi chớ không biết sao. Thấy không quen”. “Mùi lò sấy, chị không biết à?”. “Từ hồi có lò sấy, không ai mướn cắt lúa, phơi lúa, tôi đi Bình Dương luôn nên đâu có biết mùi của nó”.
Ừ, mùi khó chịu nhưng ấm. Tôi không biết sao lò sấy lại phun ra mùi bùn. Lò sấy làm cho hột nếp có chất lượng cao hơn. Nhưng vô mùa, gặp lúc mưa dầm, nếp vẫn rớt giá thê thảm. Nông dân làm ruộng ít đỉnh gặp sự cố một vài lần nợ nần chồng chất, cầm cố ruộng để trả nợ rồi dần dần cũng đi Bình Dương. Nông dân hờn trách ông trời mưa nắng không phải thì còn những người làm thuê như chị Hua thì không biết mùi lò sấy.
“Lần này về chắc tôi không đi nữa chú à. Lên đó đêm nào ngủ cũng gặp mấy nhỏ. Nghe nói thằng Tiền nhớ tôi đêm nào cũng quậy, nói mớ um sùm, hết la hét thì ngồi dậy chạy re ra cửa. Bà nội phải để cây dao sét ở đầu giường...”. “Gì vậy ta?”. “Chú đừng sợ, đừng né, đâm mẹ nó đi!”. Trước mặt tôi ba cái bóng trắng đi qua đi lại. Tôi hạ ga, rà thắng. “Đã nói đâm mẹ nó đi!”. “Sao mà được!”. “Chú mà né té chết ráng chịu!”.
Cái chị này, chạy xe mà hết tai nạn rồi chết chóc, ớn nổi da gà. Nếu tôi không làm nghề dạy học ở quê, không quen cảm thông tính tình của trăm ngàn kiểu phụ huynh, thế nào tôi cũng ngừng xe rồi mời chị xuống. Lúc dạy học tôi gặp nhiều tình huống còn vô lý dữ dội hơn. Quen rồi. Cứ nghĩ bụng, nếu mình là họ, cũng thất học, cũng vật lộn với miếng cơm như họ, có lẽ mình còn lỗ mãng dữ dội hơn.
Khi xe tôi tới nơi bóng trắng vừa dạt qua bên đường. Một ánh chớp sáng ngời rạch ngang mặt. Tôi kịp nhìn sâu lề đường, thấy tre níu tre chằng chịt. Ai đi vô đó giờ này. Tôi bắt đầu thấy ớn. Chạy một khúc tôi lại phải đạp thắng nhanh. Một đứa nhỏ xẹt qua đường. Cái thắng đột ngột đã làm xe tôi sề bánh. May mà tôi vẫn còn cầm vững tay lái. Nhìn lại chỉ thấy hai con mắt xanh lè của một con mèo.
“Đã biểu đừng có thắng!”. “Không thắng rủi gặp con nít thiệt rồi sao?”. “Nó đi đâu giờ này!”. “Ừ hé. Nhưng mà hồi nãy tôi thấy rõ ràng một đứa con nít!”. Tôi lại rùng mình. “Chị có nhìn thấy đứa con nít chạy qua không?”. “Khùng!”. “Thiệt mà”. “Nhắc con nít hoài. Không biết mấy đứa nhỏ ngủ ngon không. Về chắc kêu tụi nó ngồi dậy liền đặng nó mừng. Nhưng mà thôi đi, để tụi nó ngủ. Được nằm xuống với tụi nó, nghe mùi tụi nó là đã thèm rồi...”.
Tôi và chị cùng im lặng. Tôi không dám lên tiếng. Chắc là trong đầu chị đang hình dung lúc mình được ngồi một bên con, nhìn những gương mặt nhỏ nhắn quen thuộc. Những gương mặt nhớ. Chắc chị đang mỉm cười với cảnh được ngả nhẹ người xuống, nghe hơi ấm các con chạy rần, thấm đầy phổi.
“Chị nhắc hoài tụi nó nhảy mũi chắc chết”. “Không nhắc nữa. Chạy mau mau. Mà thôi chạy chậm chậm... Đừng chạy mau, nguy hiểm. Mấy đứa nhỏ đang trông...”.
Tiếng con gà bên đường gáy nghe văng vẳng. “Con gà nào mà siêng vậy, gáy giờ này. Chị thấy kỳ không, đáng lẽ nó đang ngủ li bì chớ”. “Ngừng lại!”. “Sao vậy?”. “Tới rồi!”.
Ủa, sao tôi không có một ý thức gì về đoạn đường quen thuộc này hết. Chị hấp tấp bước xuống xe, lướt nhanh rồi mất hút. Tôi dừng lại nhìn kỹ thì đúng là nhà của chị. Chị đã đi khuất vào mảnh sân nhà chị. Tôi nhóng người lên một chút cho bớt cảm giác nóng đít rồi chạy xe tiếp. Gần tới nhà thì xe xịch xịch nặng nề rồi ngừng lại. Đồng hồ báo xăng cạn khô. Tôi vừa dắt xe vừa cằn nhằn. Gần ba lít! Là tại xe bữa nay trở chứng hay tại cây xăng đong ăn gian?
Vợ tôi mở cửa mặt chưng hửng rồi nhìn đồng hồ. Mắc mớ gì ông về giờ này, bộ nghi tôi dẫn trai vô nhà hả? Ba giờ khuya, cha nội!
Tôi dụi mắt.
Tôi đi rửa mặt nằm im nhưng không ngủ được. Mười bảy cây số. Ba lít xăng. Bảy giờ chạy xe. Giờ tôi mới phát hiện cả người tôi mỏi rã rời. Rồi tôi mê man lúc nào không hay.
***
Sáng đi ngang nhà chị Hua tôi thấy trước nhà dựng một bàn Phật, vài người đang cầu nguyện. Tôi thả chân chầm chậm đi vào. Trước bàn Phật có miếng giấy ghi: Nam mô Phật tổ, Phật thầy tiếp dẫn vong linh... Trên chiếc bàn thờ nhỏ trong góc nhà, hình chị Hua với hai mắt ngơ ngác. Đúng là chị Hua đây mà. Dường như chị vẫn không tin mình đang ngồi đây.
Cạnh đó, một nhóm người lén chỉ trỏ nhà chị xì xầm.
- Hổm rày ai chạy xe ban đêm cũng bị nó đón đường xin quá giang...
- Chỉ sao mà chết?
- Nó đi làm trên Bình Dương, nhớ con quá đón xe đò về. Tới bến ngoắc xe ôm về nhà. Thằng xe ôm chạy né cái xe ngược chiều đâm vô cột cây số. Cái nón bảo hiểm mỏng te, bể nát bấy. Máu linh láng. Chở gần tới bệnh viện thì chết. Tội nghiệp, thấy con thiếu thốn, làm có tiền nó mua đủ thứ về. Lúc té, tôm, gà đổ đầy đường... Không gặp được con lần cuối nói gì được nấu cho con ăn...
Tôi dòm kiếm ba đứa nhỏ. Một đứa đang ngồi lượm mấy cái lá trước sân, sấp thành một cọc. Đứa lớn đang quét nhà. Một đứa mới biết đi lựng cựng xé lá nhét vô miệng. Nhỏ chị chạy lại:
- Dơ!
Nó vả miệng đứa em cái bốp.
Đứa nhỏ khóc ré lên.
- Má ơi!
Nhỏ chị ôm em khóc. Rồi nhỏ đứng xếp lá cùng. Ba chị em mỗi đứa mếu một kiểu.
Không biết trong ba đứa đó, đứa nào thèm gà luộc, đứa nào thèm tôm hấp bia...
Chị Hua, chị đang ở quanh quất đâu đây phải không. Tôi sẽ mua giùm chị một con gà luộc, cả tôm và bia rồi nói vợ tôi qua nấu cho tụi nó ăn, nghe chị?
Năm nào cũng vậy, 4 cái Tết đã trôi qua từ ngày mợ Tư Tâm về làm dâu nhà ông bà Cả Lương, độ gần rằm tháng chạp mợ đã bày ra làm đủ các loại bánh mứt, chuẩn bị ăn Tết. Tuy không phải dâu trưởng, nhưng vì vợ chồng cậu Ba Đáng ở Sài Gòn, mợ Ba là gái thành thị, không chịu nổi cái u tịch của miền quê. Nhưng cái chánh là mợ “chạy” cái tánh tình khắt khe của bà Cả. Gia đình mợ Ba dân Tây nên cách đối xử có vẻ thoải mái hơn gia đình chồng. Ông Cả tuy cho con học trường Tây nhưng là một nhà nho kỳ cựu. Mợ Tư vừa đẹp, vừa khéo nên được từ kẻ ăn người ở, bà con bên chồng và chòm xóm đều thương mến trừ..bà mẹ chồng! Ngay từ ngày mới chân ướt chân ráo bước vào nhà chồng, mợ đã được bà Cả “nhẹ nhàng” nhắc nhở:
– Nhà này là nhà làm ăn, xin miễn cho mấy thứ quần là áo lụa. Thứ đó để cho mấy cô tiểu thơ đài các bẹo hình bẹo dạng.
Mợ Tư nuốt nước mắt cất hết những bộ áo quần, mà trước đó mợ đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ để thêu may thật công phu, xuống tuốt đáy rương. Quần trắng phải nhuộm đen, áo màu tươi phải nhuộm sậm để mặc hằng ngày. Lúc đầu chưa quen những lời bóng gió, những cái háy nguýt của mẹ chồng đêm nào mợ cũng giọt ngắn giọt dài, cậu Tư phải hết lời an ủi cô vợ trẻ, lần hồi mợ mới quen…
Nào ngay, từ ngày có mợ Tư, cơm nước cũng ngon hơn, nhà cửa sạch sẽ vén khéo hơn. Những bữa cơm ông Cả đãi bạn bè thường được trầm trồ ngợi khen khiến ông nở mày nở mặt. Vì vậy đôi khi thấy bà bắt ne bắt nọn mợ Tư quá, ông bực bội rầy bà nhiều phen. Như cái lần mợ đi chợ Hòa An về bị trúng mưa, người nóng như lửa, nằm trùm mền trong buồng, nhằm lúc cậu Tư Tâm đi Sa Đéc lo giấy tờ đất cát cho ông Cả. Thấy tới bữa cơm chiều mà con dâu chưa chịu ra nấu nướng, bà Cả nói với con Nở, nhưng tiếng đủ lớn cho mợ Tư nghe:
– Cha chả, còn giả bịnh để ngủ ngày. Tao đã nói rồi mà hổng chịu nghe. Lựa vợ phải lựa đứa mập mạnh. Rước cái thứ tiểu thơ mình hạc xương mai về chỉ tổ tốn tiền thuốc!
Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, mợ Tư có nghe loáng thoáng những lời cay độc này, nhưng không cách gì gượng đứng lên được đành nằm chịu trận. Tới chiều tối không thấy con dâu đâu hết, ông Cả lấy làm lạ hỏi bà. Bà Cả hất hàm về phía buồng vợ chồng cậu Tư cao giọng:
– Trong đó chớ đâu. “Người ta” nói bịnh không ăn cơm.
Ông Cả nhíu mày hỏi:
– Rồi bà có cho nó uống thuốc men gì chưa?
Bà chỉ hứ một tiếng không trả lời. Ông Cả thấy vậy bước tới cửa buồng hỏi vọng vô:
– Vợ thằng Tâm bịnh sao vậy con?
Mợ Tư nghe mơ hồ có tiếng người hỏi, nhưng chỉ đủ sức ú ớ. Ông Cả hơi lo nên lật đật bước vô buồng, miệng hỏi mấy tiếng vẫn không thấy con dâu trả lời. Ông đặt tay lên trán mợ Tư thấy nóng như lửa ông thất kinh:
– Trời đất sao nóng dữ vầy nè? Con thấy trong mình làm sao nói cha nghe coi.
Mợ Tư nhướng cặp mắt lờ đờ nhìn cha chồng rồi nhắm trở lại. Ông Cả bước trái ra ngoài hét lên:
– Bà nó đâu? Bà làm mẹ chồng kiểu gì đây? Con dâu bịnh tới nước này mà bà còn ngồi đó nói cạnh nói khóe. Nó có chuyện gì bà biết tay tui. Trời đất ngó xuống mà coi. Con người ta nuôi lớn lên gả về nhà mình. Làm lụng đầu tắt mặt tối, rồi sanh con đẻ cháu cho mình. Đã không biết thương mà còn hành hạ nó. Bà cứ suy nghĩ đi. Nếu con Út Hương nhà mình sau này có bà mẹ chồng đối đãi y như vậy thì bà thấy sao hả? Coi chừng có vay có trả đó bà!
Bà Cả thấy ông nổi cơn tam bành đâm hoảng, ấp úng:
– Thì tui tưởng nó chỉ bị cảm sơ sịa thôi, chớ đâu có ngờ...
Ông Cả cắt ngang:
– Bà còn chờ gì nữa. Sai thằng Cư đi rước Thầy Hai Đáng lẹ lên.
Trận đó mợ Tư bị nhiễm thương hàn. Bịnh kéo dài cả tháng. Uống mấy chục thang thuốc mới khỏi. Ông bà Hương thân Bách nghe tin con gái đau xuống thăm, rồi sau đó xin phép ông bà Cả rước mợ Tư về Mỹ Luông dưỡng bịnh. Thời gian mợ vắng mặt, công việc săn sóc nhà cửa, vườn tược, miếng ăn miếng uống đều không được như trước. Điều này khiến bà Cả thấy sự có mặt của mợ Tư là cần thiết, nên khi con trai qua Mỹ Luông rước vợ về, bà Cả thấy nhẹ nhõm cả người và từ đó đối với con dâu cởi mở hơn trước…
Sau bữa cơm trưa, dọn dẹp xong xuôi, ông bà Cả vô buồng nghỉ trưa, con Nở bồng thằng Thái, con cậu mợ Tư mới ra thôi nôi, lên võng đưa kẽo kẹt. Mợ Tư xách dao ra vườn chuối sau hè định rọc ít lá, phơi dốt dốt vài bữa sẽ gói bánh ít bánh tét và nem, bì... Mợ thích cái yên tĩnh của khu vườn buổi ban trưa. Gió nhè nhẹ lay động những tàu lá chuối phất phơ. Lá chuối non xanh nõn nà và dịu nhiễu như những tấm lụa mềm. Mợ Tư đưa dao định cắt mấy tàu lá chuối già chợt nghe có tiếng động như có người đang đi tới. Mợ tưởng cậu Tư, nhưng không ngờ lại là Phát, em bà con chú bác với cậu Tư. Cha mẹ mất sớm, Phát được ông bà nội đem về nuôi, nên đậu xong diplôme là Phát xin về dạy trường tiểu học dưới tỉnh. Hè vừa qua cậu tháp tùng vợ chồng ông anh họ về Mỹ Luông chơi. Mợ Tư cũng có 2 cậu em trai nhỏ hơn Phát chút đỉnh, hiện còn đang học nội trú dưới Mỹ Tho. Mỹ Luông tuy là một xã của tỉnh Long Xuyên, nhưng rất giàu. Đặc biệt của xã này là những trại mộc. Nơi đây sản xuất bàn ghế, giường, tủ v..v... Ghe chài của lái buôn tới chở đi bán khắp Nam kỳ lục tỉnh. Vườn tược nơi đây cũng xanh tốt vì được phù sa sông Tiền bồi đắp hằng năm.
Tuổi trẻ dễ hợp chuyện nên Phát rất vui khi được quen với 2 em của mợ Tư. Nếu không ra sân vận động đá banh với đám trai trong làng, các cậu cũng bơi xuồng đi câu cá, câu tôm hoặc rủ nhau vô sâu trong các vườn cây bắn chim. Một hôm cao hứng cậu mợ Tư rủ 2 em và Phát ngày mai đạp xe qua chợ Long Xuyên ăn nem nướng rồi mua sắm chút đỉnh. Mợ Tư còn ra vẻ bí mật, rằng thì là sẽ có một ngạc nhiên cho Phát. Phát đâm tò mò hỏi tới nhưng mợ chỉ cười mím chi!
Sáng sớm sau khi điểm tâm mỗi người một tô cháo trắng với cá bóng kho tiêu xong, mọi người bước ra sân sửa soạn xe đạp. Nhà có một chiếc, cậu mợ Tư và Phát từ Cao Lãnh qua cũng bằng xe đạp nên đủ dùng. 2 người em mợ Tư chở nhau, cậu mợ chung một chiếc. Phát cười:
– Em đi một mình khỏe re…
Mợ Tư cắt ngang giọng đầy bí mật:
– Chưa chắc à nghen. Biết đâu sẽ có người xin quá giang…
Nói chưa dứt câu ngoài cổng có tiếng chó sủa. Mợ Tư lật đật chạy ra cửa rồi đi trở vào với một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp, tay dắt chiếc xe đạp, miệng cười tươi chào vợ chồng cậu Tư. Phát cứ ngây ra nhìn cô gái. Thấy một chàng trai ngó mình không nháy mắt, cô bỗng đỏ mặt. Mợ Tư thấy vậy vội giới thiệu:
– Mỹ Linh em bạn dì của tôi. Còn đây là Phát em chú bác của anh Tâm.
Mỹ Linh bẽn lẽn gật đầu chào Phát. Cậu ta như vừa mới từ cõi u mê nào trở về, vội toét miệng cười:
– Chào cô Mỹ Linh. Thiệt hân hạnh quá!
Mỹ Linh chỉ cái xe đạp của mình nhăn nhó:
– Xui quá, chiếc xe của em tự nhiên lỏng dây sên em chưa kịp sửa. Từ đây qua Long Xuyên xa quá không biết đi có nổi không?
Phát chụp cơ hội:
– Dễ quá mà. Anh chị Tư đi một chiếc. Tuấn với Tú (em mợ Tư) một. Nếu cô Linh không chê tôi tình nguyện chở.
Mỹ Linh còn ngần ngại chưa kịp trả lời, mợ Tư đã hớt ngang:
– Như vậy thiệt là tiện. Linh à, em đâu cần phải tốn sức lao động. Từ đây ra tới bến đò An Hòa cũng cả tiếng đồng hồ. Cứ ngồi phía sau chú Phát cho khỏe.
Mỹ Linh nghe chị nói vậy đành gật đầu. Phát mừng quá hối mọi người lên đường cho lẹ kẻo càng trưa nắng gắt, đạp càng mệt. Mỹ Linh ngượng ngùng leo lên phía sau Phát, nhưng thay vì ôm ngang eo ếch cậu ta như mợ Tư ôm eo ếch chồng hay Tú ôm eo ếch của Tuấn, Mỹ Linh chỉ vịn vào cái yên xe. Phát quay lại dặn nàng ngồi cẩn thận rồi gò lưng đạp theo 2 xe phía trước.
Con đường đất từ chợ Mỹ Luông ra tới bến đò An Hòa độ 12 cây số, dọc theo con kinh khá lớn, cung cấp nước cho dân chúng sống rải rác dọc theo hai bên bờ. Con lộ trồng song song 2 hàng cây keo. Nhiều khoảng tàn cây giao nhau khiến con đường rợp bóng mát. Những trái me keo cong cong xinh xắn, màu xanh tươi của trái non chen màu hồng đậm của trái chín, treo tòng teng coi thiệt ngộ nghĩnh. Vì là đường đất nên nhiều khúc bị ổ gà. Không biết vô tình hay cố ý, Phát cho xe sụp lỗ. Mỹ Linh đang dõi mắt nhìn về phía mấy rặng mía cồn cát vừa vàng vừa mập đàng xa xa, bỗng cả người bị hất tung lên rồi rớt xuống, mất đà té nhủi vô lưng của Phát, xém chút rớt luôn xuống đất. Phản ứng tự nhiên, cô vội vàng đưa tay ôm choàng ngang eo ếch anh chàng Phát! Khoái chí tử nhưng chàng ta cũng làm bộ xuýt xoa:
– Chết, xin lỗi tôi vô ý quá. Cô Mỹ Linh có sao không? Ừ cô cứ... như vầy cho bảo đảm. – Vừa nói anh chàng vừa vỗ nhè nhẹ lên bàn tay trắng nõn nà đang ôm hờ ngang bụng mình. – Nhiều khi tôi đang suy nghĩ vẫn vơ (?!) không thấy mấy cái ổ gà.
Mỹ Linh lần đầu ngồi xe chung với một chàng trai lạ mặt cũng mắc cở nên chẳng biết trả lời sao đành dạ một tiếng nhỏ xíu! Phát nghĩ tới thái độ của mợ Tư sáng nay, chắc có “ý đồ” gì đây. Vì vậy không nên phụ lòng tốt của bà chị dâu. Hơn nữa Mỹ Linh đẹp quá. Chỉ có cái Phát lấy làm lạ là thay vì mặc áo bà ba như mợ Tư Tâm, Mỹ Linh lại mặc áo xẩm. Nhưng chuyện đó tạm gác lại sẽ hỏi bà chị sau. Mới đầu còn ngại ngại, nhưng với tài nói chuyện có duyên của Phát, dần dần Mỹ Linh cảm thấy thoải mái, yên tâm hơn và cuối cùng chỉ trong khoảng thời gian ngắn Phát được biết nàng có 1 ông anh cả, 2 người chị và 1 cậu em út. 3 người lớn đã lập gia đình, 2 chị lớn theo chồng đều ở Chợ Lớn, nhà còn Mỹ Linh và cậu út. Mấy cô con gái chỉ được học hết tiểu học là ở nhà lo việc nhà và học gia chánh. Ông già khó không cho con gái ra khỏi nhà nên quanh năm chị em nàng chỉ lúc thúc trong nhà. Mỹ Linh nói:
– Tía em nể chị Mai (mợ Tư) lắm mới cho em đi chợ Long Xuyên với chỉ. Nếu biết có con trai lạ tía em không cho phép đâu. Ổng mà biết em ngồi chung xe với con trai, em còn bị đòn nữa đó.
Phát nghe nói lấy làm lạ không hiểu sao ông già khó tánh như vậy? Chàng vội trấn an:
– Không sao đâu, tôi là em chồng chị Mai mà, đâu phải người lạ.
Nhưng Linh nói:
– Tại anh không biết. Tía em không thích con trai Việt Nam!
Phát chưng hửng như người từ trên trời rớt xuống, định hỏi lý do, nhưng vừa lúc đó bến đò đã hiện ra trước mặt. Nhiều khách bộ hành đứng lố nhố đợi đò qua. Mợ Tư hỏi mọi người có mệt không, rồi rủ Mỹ Linh bước lại cái sạp kê sát vệ đường, bán đủ thứ như bánh ú nhưn thịt, bánh ú nước tro, bánh bò, mía ghim, nước dừa tươi v...v..., mua mấy ly hột é cho mọi người giải khát. Con sông Tiền Giang rất rộng, nhìn qua bên kia bờ không thấy rõ nhà cửa, chỉ thấy một rặng cây xanh mờ mờ. Thỉnh thoảng có vài cây sao thân thẳng đứng, cao vút, trội hơn những cây khác, khiến cho rặng cây có hình thể lên xuống như răng cưa. Cậu Tư Tâm hút vừa tàn điếu thuốc thì con đò cũng cập bến. Khách từ bên chợ Long Xuyên qua nên người nào cũng tay xách nách mang lủ khủ đủ thứ đồ... Độ 15 phút sau con đò lại tách bến. Ra giữa sông, nhìn cảnh trời nước bao la, gió sông lồng lộng, Phát hít một hơi dài cái không khí mát mẻ trong lành rồi nói với mợ Tư:
– Em nghĩ chắc em không sống xa miệt vườn được. Sàigòn tráng lệ thiệt, nhưng ồn ào, bụi bậm quá. Cô thấy vậy không cô Mỹ Linh?
Bị hỏi bất chợt Linh đỏ mặt ấp úng:
– Dạ em có đi lên đó vài lần. Thành phố lớn quá em chỉ sợ bị lạc thì chết!
Phát cười trước cái ngây thơ của cô gái, ghẹo thêm:
– Ừ, đẹp như cô dễ bị người ta bắt cóc lắm à!
Biết Phát ghẹo mình, Mỹ Linh càng mắc cở:
– Đâu có, em xấu như bà Chung Vô Diệm.
Mợ Tư cười:
– Bà Chung Vô Diệm được xấu như em đã có phước. Ông vua dê xồm Tề Tuyên Vương đâu cần phải mê đắm mấy mụ thứ phi ác ôn. Cũng đâu cần phải nặn óc kiếm mưu sâu kế độc giết vợ cho nhơ danh hậu thế!
Mỹ Linh càng giẫy nẩy:
– Chị còn chọc em. Em quê mùa làm sao sánh được mấy cô gái trên Sàigòn!
Phát lắc đầu:
– Cô Linh không biết chớ mấy cô trên thành phần lớn đẹp nhờ son phấn. Cô Linh đẹp tự nhiên. Tôi không nói nịnh đâu.
Mỹ Linh đáp lí nhí:
– Cám ơn anh.
Đò cặp bến sát chợ nên rất tiện. Mọi người dắt xe lên bến. Long Xuyên là một tỉnh trù phú nhứt nhì của miền Nam. Nhà cửa, tiệm quán san sát. Chợ búa đông đúc. Mấy tô cháo trắng ăn từ sáng đã tiêu tan trên đường đi nên mọi người đều đồng ý ghé tiệm ăn món nem nướng như đã định. Quanh chiếc bàn tròn, Mỹ Linh ngồi cạnh mợ Tư, đối diện với Phát. Lúc này Phát mới có cơ hội ngắm người đẹp cho mãn nhãn. Mới từ ngoài nắng vào nên hai má Mỹ Linh đỏ hồng. Trên khuôn mặt trái soan trắng như dồi phấn, cặp mắt to đen láy, hơi xếch phía đuôi long lanh như hai vì sao. Chiếc mũi nhỏ thẳng tắp. Đôi môi đỏ au như quả anh đào vừa chín. Lúc cười lộ hàm răng đều, trắng như ngà. Đặc biệt mớ tóc mây đen nhánh tết thành một cái bím thả sau lưng, hai lỗ tai nho nhỏ đeo đôi bông tòng teng bằng cẩm thạch xanh biếc. Cái áo xẩm bằng lụa màu cánh sen ôm gọn thân hình mảnh mai, đẹp không tả nổi. Phát nghĩ thầm, trong đời chàng từ lúc còn đi học cho đến khi đi dạy, chưa bao giờ gặp một cô gái đẹp bén gót Mỹ Linh. Chàng không may mắn như cậu Tư Tâm, có cha mẹ, anh chị em trai gái đầy đủ. Phát cu ky một mình, ở với ông bà nội già nua, sau đó thui thủi trong trường nội trú, đâu được nâng niu chiều chuộng như những đứa trẻ khác, vì vậy chàng rất nhạy cảm và thèm tình thương. Năm nay đã 22 mà trái tim vẫn còn.. trinh. Nhưng lần này coi bộ khó toàn thây! Trước cái nhan sắc trầm ngư lạc nhạn này, ba hồn chín vía chàng cũng đã bay mất tiêu luôn. Nãy giờ mắc quay qua nói chuyện với bà chị, Mỹ Linh không để ý, chừng nhìn lại thấy Phát ngó mình đăm đăm cô nàng ngượng ngùng vội bưng ly nước chanh lên uống, cốt ý che bớt gương mặt đang đỏ lên vì mắc cở. Hồi nào tới giờ cô đâu có bị chàng trai nào “chiếu tướng” kỹ như vậy! Mà nói cho ngay cô đâu có dịp ra ngoài gặp gỡ ai nhiều, nên năm nay đã 17 mà vẫn còn rất khờ khạo trong chuyện tiếp xúc với phái nam. Lần đầu tiên trong đời nghe một người thanh niên khen đẹp và nhìn mình một cách say đắm, Mỹ Linh cũng cảm thấy vui vui Nem nướng được dọn ra. Những viên nem tròn tròn tươm mỡ thơm phức được cuốn bánh tráng, rau sống chấm tương. Phát ngồi bên này cũng vói tay gắp nem tiếp cho Mỹ Linh. Mợ Tư cười:
– Cha chả, có mới nới cũ nghen. Bữa nay chú Phát có người đẹp nên quên phứt bà chị này rồi há.
Phát vội đính chánh:
– Đâu có, đâu có. Tại em sợ cô Mỹ Linh không dám ăn thiệt tình rồi bị đói, chớ đời nào em dám quên chị Tư. Anh chàng nheo mắt một cái rồi nói tiếp:
– Không chừng mai mốt chị còn là ân nhân của em nữa đó! Em mà dám quên chị là em tự giết đời mình không gươm đao. Thôi để lần này em bao mọi người chịu không?
Cậu Tư Tâm gật gù:
– Nghe được. Có như vậy mới là người biết điều. Tao ủng hộ mầy hết mình.
Trong gia tộc, Phát thân với vợ chồng cậu Tư nhứt. Có lẽ tại hạp tánh. Có dịp đi đâu vợ chồng cậu cũng rủ Phát đi chung. Anh em ruột cũng không thân bằng. Lần này quả thật mợ Tư có ý muốn giới thiệu cô em họ mình cho Phát. Mợ thấy Mỹ Linh vừa đẹp vừa hiền rất xứng đôi với Phát. Hơn nữa Phát không cha mẹ, em mình khỏi chịu cảnh làm dâu. Bây giờ thấy Phát có vẻ “mết” em mình, mợ Tư mừng lắm.Cầu Trời cho 2 người nên duyên, sau này có chị có em cũng vui.
Ăn uống xong mợ Tư và Mỹ Linh vô chợ kiếm mua ít vải vóc. Phe đàn ông đi lòng vòng phố xá. Cậu Tư muốn kiếm mua một giàn máy hát của nước Mỹ nhập cảng hiệu R.C.A Victor. Tới mùa thuốc, lá thuốc hái rồi là phải tranh thủ xắt ngày xắt đêm. Ban đêm có giàn hát máy, hát cho thợ nghe họ đỡ buồn ngủ. Xứ Cao Lãnh có tiếng thuốc lá ngon nhờ vô phân cá. Thuở xưa làm ruộng có một mùa. Thời gian còn lại ruộng cũng không bao giờ bỏ trống. Lúc trồng thuốc lá, lúc trồng đậu, khi lại trồng dưa gang dưa hấu..Người nông dân chỉ không làm đồng vào mùa nước. Lúc này lúa đang sức lớn. Nước ngoài đồng dâng tới đâu cây lúa cũng ráng vươn lên tới đó. Nhà nông lại chuyển nghề bắt cá bắt tôm. Giăng câu, đóng đáy, đặt lọp v... v... Làm việc cực khổ quanh năm nên khi lúa đã cắt xong, họ ăn Tết kéo dài cả tháng cho đã đời!
Mọi người hẹn độ 2 tiếng đồng hồ nữa sẽ gặp nhau tại bến đò…
Cậu Tư căn dặn:
– 2 bà nhớ đừng có mua hết cái chợ đó nghen. Đi xe đạp chở không hết đâu.
Mợ nguýt một cái bén ngót:
– Xí, làm như mình là ông bá hộ. Cho vợ có một tờ giấy xăng mà làm tàng!
Cậu Tư cười hì hì lên xe đi tuốt…
... Hơn 2 tiếng sau, 2 bà tay xách nách mang ra bến đò đã thấy 4 ông đực rựa ngồi ở quán nước chờ sẵn. Mợ Tư mua 1 xấp lãnh Mỹ a láng mướt, 1 xấp cẩm tự màu bồ quân cho mẹ chồng, 1 xấp xá xị đen, 1 xấp cẩm vân màu hoàng yến cho cô em chồng. Mợ mua cho mình 1 xấp cẩm tự đen may quần và 1 xấp lụa tím Huế may áo, không quên phần con Nở 1 xấp ú đen in bông hường lấm tấm. Mỹ Linh cũng bị mợ ép tặng 1 khúc lụa màu xanh lục rất hạp với nước da trắng hồng của nàng. Cậu Tư chỉ đi dò xem giàn hát máy, chớ cồng kềnh quá chừng nào đi tàu thủy mới mua được. Trong khi cậu Tư cùng 2 đứa em vợ xem giàn hát máy, Phát nói đi đây chút rồi lên xe đi mất tiêu. Lúc gặp lại mọi người hỏi đi đâu, mua gì, chàng ta chỉ cười mím chi không chịu tiết lộ!
Lần đi về ai cũng có vẻ mệt trừ Phát. Anh chàng vừa đạp xe vừa nói chuyện với Mỹ Linh. Đôi lúc cất tiếng huýt sáo một bản nhạc tây, hoặc gò lưng đạp vùn vụt qua mặt mấy người khác, chiếc xe nhảy lưng tưng làm Mỹ Linh sợ bị té phải đưa tay ôm chặt eo ếch chàng ta.
Về tới nơi Mỹ Linh vô nhà uống ly nước rồi cáo từ trong sự tiếc nuối của Phát. Biết cái tâm sự này, mợ Tư vội nói:
– Không sao, còn nhiều cơ hội mà. Nhà con Linh ở đằng chợ gần xịt chớ xa xôi gì đâu.
Người đẹp đi rồi Phát mở cuộc điều tra ngay lập tức. Thì ra dì của mợ Tư lấy chồng Tàu. Mà ông Tàu này là Tàu rặt từ đảo Hải Nam qua lập nghiệp từ hồi còn trẻ. Có nghề thuốc bắc gia truyền nên sau khi trôi nổi qua nhiều nơi, ổng tới trụ tại Mỹ Luông và làm nghề thầy thuốc. Lần đó ông ngoại mợ đau thập tử nhứt sanh, nhờ ông ta cứu nên mang ơn rồi gả con gái cho. Bây giờ Phát mới hiểu tại sao Mỹ Linh mặc áo xẩm và cô nói tía cô không thích trai Việt. Phát nghĩ thầm ông không thích con trai Việt, nhưng “họ” thích con gái ông rồi sao? Phát nói với mợ Tư:
– Nghĩ cũng ngộ, trai Tàu cưới gái Việt được mà trai Việt vì cớ gì mà không “được phép” thích gái Tàu? Mỹ Linh là Tàu lai thôi mà. Trong người cô đang chảy nửa giòng máu Việt đó.
– Ừ, kỳ thiệt há. Nghĩ lại cũng thấy không công bằng. Nhưng thây kệ, nếu chú thích con Linh cứ tiến tới. Biết đâu dì Năm tôi thuyết phục được ổng.
Được lời như cởi tấc lòng, từ đó ngày nào Phát cũng trông đợi Mỹ Linh tới chơi. Bữa nào cô không đến là anh chàng thẫn thờ, mắt cứ ngó chừng ra cửa. Có một lần vợ chồng cậu Tư dẫn Phát tới nhà Mỹ Linh thăm dì dượng, không biết có phải tại thần hồn nhát thần tính không mà Phát thấy sao “ổng” nhìn chàng với cặp mắt soi mói và đầy vẻ nghi ngờ! Khi chàng cúi chào, ổng chỉ gật đầu đáp lễ một cách lạnh nhạt. Thành thử dù có trông có ngóng cách mấy, chàng cũng không dám léo hánh lại nhà Mỹ Linh. Nhưng mợ Tư đã khéo léo xin phép dì cho cô em họ tới chơi thường với mợ, viện cớ sẽ dạy cho Mỹ Linh vài món khéo mợ đã học được bên nhà chồng. Mỗi lần tới cô thay một sắc áo, mà màu có nhu hay tươi cũng chỉ làm tăng thêm nét kiều diễm của Mỹ Linh mà thôi. Dù còn ngây thơ, non nớt như một con chim nhỏ, nhưng trước những cử chỉ săn đón, những tia mắt đắm đuối, những lời khen ngọt ngào êm ái của Phát, Mỹ Linh cũng hiểu được anh chàng này có cảm tình đặc biệt với mình. Từ nhỏ bị ông già bắt cấm cung, không hề giao tiếp với người con trai nào ngoài anh em trong nhà nên dần dần cô nhỏ thấy nói chuyện với anh Phát rất thú vị. Không giống cách nói của Tuấn và Tú chút nào. Trong ánh mắt của Phát, cô thấy mình thật xinh đẹp, đáng yêu và quan trọng. Phát còn làm cho cô cười vui vẻ qua cách nói chuyện thật có duyên. Thành thử trong thời gian 10 bữa anh chị và Phát còn ở Mỹ Luông, cô kiếm hết cớ nọ đến cớ kia để tới chơi với họ. Cậu mợ Tư thấy hai bên có vẻ “kết” nhau cũng mừng.
Trước hôm về lại Cao Lãnh, trong bữa ăn điểm tâm mợ Tư hỏi Phát:
– Sao, chuyện 2 người tới đâu rồi?
Anh chàng nhăn nhó:
– Thì vậy vậy thôi…
Mợ Tư trợn mắt:
– Vậy thôi nghĩa là sao? Con Linh có biết là chú thương nó không? Mà vấn đề là chú có nói gì với nó chưa?
Phát lắc đầu, mặt thảm hại:
– Chưa, em chưa nói gì hết. Mà chị coi đó thiệt ra em đâu có cơ hội!
Mợ Tư suy nghĩ một chút rồi nói:
– Thôi được, để tôi giúp chú chuyến này.
Mặt anh chàng tươi như cây khô vừa được tưới nước:
– Em đặt hết hy vọng vô chị đó.
Cậu Tư cười lớn:
– Đừng lo. Chị Tư em đa mưu túc kế. Chỉ thua Khổng Minh Gia Cát Lượng vài phần mà thôi.
Mợ Tư háy chồng con mắt có đuôi:
– Cũng khéo nói đó chớ. Vậy ráng giữ mình cho kỹ. Anh chỉ nhúc nhích ngón út thôi em bấm độn cũng biết liền.
Cậu Tư cười mơn:
– Đừng nghi ngờ oan cho anh. Ai cũng biết anh theo đạo thờ..bà mà. Muốn anh thề lần thứ..1001 không nè? Vừa nói cậu Tư vừa đưa tay lên trời, nhưng mợ đã chận ngang:
– Xí, ai thèm tin. Mấy ông thì chuyện gì mà không dám làm? Như cái lần anh dám nhận con quỉ cái, mèo của anh Ba là của anh đó.
Cậu Tư nhăn nhó:
– Em sao nhắc chuyện đó hoài. Bữa đó an giải vây cho anh Ba thôi mà. Nếu anh không nhận đại, chắc chị Ba xé xác ảnh ra làm trăm mảnh quá.
– Cho đáng đời. Có gan ăn vụng phải có gan chịu chớ. Thôi bây giờ em ra chợ rủ con Linh tối nay vô nhà mình ăn bánh ngắm trăng. Chỉ còn tối nay nữa thôi, cho đôi trẻ tâm sự lần chót.
Sau bữa cơm trưa, mợ Tư bày bột đường ra làm một mẻ bánh thuẫn và bánh men trắng bắt bông đường. Một phần để uống trà ngắm trăng tối nay, một phần mợ sắp vô cái quả nhôm sơn đen, trên mặt có vẽ mấy đóa hải đường màu đỏ thiệt lộng lẫy, mai đem về Cao Lãnh biếu cha mẹ chồng.
Cơm chiều xong, mợ Tư sắp 1 dĩa trái cây và 1 dĩa bánh ngọt ra chiếc bàn đá trắng ngoài sân sau. Cái sân rộng được lót gạch tàu đỏ au. Chung quanh bày nào kiểng, nào bông sứ, bông bùm sụm, bông giấy v... v... trong mấy chậu bằng sứ tráng men. Ngoài rìa sân gạch có trồng bông trang, bông điệp để bà Hương Sư cúng Phật. Vài cụm lài bông nho nhỏ trắng muốt, để bỏ vô bình trà mỗi ngày cho ông.
Mỹ Linh vừa tới là Phát đã chạy vội ra đón. Sau khi chào ông bà Hương Sư xong là mấy người trẻ dẫn nhau ra sân sau, ngồi xung quanh chiếc bàn đá. Bữa nay 14 nên trăng đã tròn lắm. Cây đèn măng-xông trong nhà hắt ánh sáng trắng xanh ra tận một phần sân sau nên mọi người đồng ý không cần thắp đèn thêm, để như vậy mới ngắm được vầng trăng sáng như gương đang lấp ló sau những dải mây trắng như lụa bạch. Vừa ăn bánh vừa uống trà, nói chuyện trên trời dưới đất. Qua một tuần trà, mợ Tư đứng lên nói:
– Cả ngày hôm nay mắc làm bánh chưa sửa soạn gì ráo. Thôi mọi người tiếp tục đi, tôi vô sắp dọn vài thứ rồi trở ra.
Cậu Tư cũng vỗ trán:
– Chút nữa quên. Anh phải vô hỏi ba chuyện mấy mẫu đất bên Cái Dầu ba sang tên chưa.Thôi cáo lỗi nghen.
Tuấn, Tú ngồi thêm một chặp cũng đứng dậy:
– Anh Phát với Mỹ Linh ngồi đây chơi nghen. Tụi này có hẹn với đám thằng Lập bàn chuyện đá banh với đội Long Xuyên tuần tới.
Nói rồi cả 2 quày quả vô nhà.
Thấy mọi người bỏ đi hết Mỹ Linh đâm lính quính cũng định đứng lên. Không kịp suy nghĩ, Phát nắm cánh tay cô nàng kéo ngồi lại:
– Họ có việc phải làm, còn Linh bộ không thích ngồi lại nói chuyện với tôi hay sao?
Mỹ Linh lúng túng:
– Dạ không phải vậy. Nhưng em thấy kỳ quá...Tự nhiên bỏ đi hết trơn!
Bây giờ mặt trăng đã lên khỏi ngọn tre, tỏa một thứ ánh sáng thật dịu dàng trên vạn vật. Dưới ánh trăng, khuôn mặt Mỹ Linh trắng như ngà, cặp mắt huyền long lanh, long lanh. Phát đâm bạo dạn:
– Linh không thấy họ cố ý “trả tự do” cho tụi mình hay sao?
Mỹ Linh thẹn thùng:
– Anh kỳ… Mình có bị gì đâu mà họ trả tự do?
Phát nhìn vào mắt Mỹ Linh nói thật nhẹ:
– Có thể Linh không bị nhưng... anh bị!
Nghe tới đây cô nhỏ càng mắc cở vội đứng lên bước tới cạnh chậu bông sứ Thái Lan trổ đầy bông đỏ thắm. Phát cũng bước theo. Cái áo tơ vàng bó sát thân hình thon thả. Cái bím tóc thả dài trên khuôn ngực thanh tân. Người và chậu hoa tạo nên một bức tranh mờ ảo đẹp tuyệt vời. Phát đưa tay hái một bông sứ cài lên mái tóc Mỹ Linh. Nghiêng đầu ngắm xong, chàng ngước mắt nhìn lên vầng trăng treo lơ lửng:
– Anh không biết cô Hằng trên cung Quảng đẹp tới cỡ nào, nhưng anh chắc chắn nếu đứng cạnh Mỹ Linh, cổ chỉ là một cái bóng mờ!
Nàng bối rối, tay vân vê đuôi tóc:
– Anh... anh cứ khen nịnh em không hà!
Phát cười nhẹ, cầm đại bàn tay mềm mại của Mỹ Linh áp lên ngực mình:
– Anh nói thiệt mà. Linh là người con gái đẹp và dễ thương nhứt từ xưa tới nay anh được gặp. Linh có thấy trái tim anh đập mạnh không nè? Tại Linh đó.
Mỹ Linh vừa mắc cở vừa sợ muốn giựt bàn tay lại, nhưng Phát chẳng những không buông lại còn đưa lên môi, đặt một cái hôn nhẹ. Mỹ Linh ngạc nhiên tột độ chỉ biết đứng ngây ra nhìn Phát, cặp môi hé mở như một nụ hoa anh đào. Phát muốn hôn lên đó hết sức, nhưng ngại tiến lẹ quá khiến cô bé hốt hoảng, hư bột hư đường hết ráo, nên cố dằn lòng. Nhìn sâu vào mắt Mỹ Linh, Phát run giọng:
– Mỹ Linh à, cả tuần nay anh mất ăn mất ngủ vì em đó (hơi tô màu chút xíu!)
Mỹ Linh mở lớn đôi mắt phượng, giọng cũng run không kém:
– Tại sao, em có làm gì anh đâu?
Phát hít một hơi dài, lấy hết can đảm:
– Em không làm gì anh. Chỉ tại... tại... anh thương em thôi (nói ra rồi, trút được gánh nặng ngàn cân!) Anh thương liền từ hôm mới gặp. Bây giờ anh có thể biết em đối với anh ra sao không?
Mỹ Linh e thẹn không trả lời, quay nhìn về phía khác khiến Phát hốt hoảng không kịp suy nghĩ, đưa tay xoay nhẹ mặt Mỹ Linh về phía mình, năn nỉ:
– Trả lời đi. Đừng để anh lo. Có... thương anh không? Nói đại đi mà.
Mỹ Linh nhìn xuống đất, mặt mũi đỏ bừng, nhẹ gật đầu. Phát bước tới ôm Mỹ Linh, đặt lên má, lên môi cô bé những chiếc hôn thật nhẹ. Mỹ Linh bàng hoàng nhưng chỉ biết đứng yên cho Phát hôn. Lát sau buông người yêu ra, chàng hồ hởi nói:
– Mai anh về Cao Lãnh sẽ thưa chuyện mình với ông nội. Anh nói ông bà qua hỏi cưới em cho anh. Xa em lâu quá anh chắc chịu không nổi!
Giọng Mỹ Linh lo lắng:
– Em sợ tía em không chịu gả.
Phát trấn an:
– Đừng lo. Gia đình anh có tiếng tăm, chắc tía em không chê đâu.
Nghe vậy Mỹ Linh cũng nuôi hy vọng, bởi trong nhà đã có 2 chị lấy chồng Tàu. 2 người nói chuyện thêm chút xíu thì nàng đòi về sợ bị rầy. Trước khi vô nhà, Phát lấy trong túi áo một cây trâm bằng vàng 18 có cẩn mấy hột trân châu đưa cho Mỹ Linh.Thì ra hôm trước anh chàng xé lẻ một mình là đi kiếm tặng vật cho người đẹp.
Thấy mặt là bắt hình dong liền, cậu mợ Tư đâu cần hỏi cũng biết kết quả khả quan. Phát đạp xe đưa Mỹ Linh về, nhưng gần tới nhà thì chia tay sợ ông già bắt gặp. Đêm đó Phát trằn trọc mãi không ngủ được. Ngắm vầng trăng sáng vằng vặc ngoài cửa sổ, chàng xây đắp không biết bao nhiêu là mộng đẹp..Không thể ngờ mình có cái diễm phúc gặp được một người con gái tuyệt vời như vậy. Xinh đẹp tuyệt trần mà lại ôn nhu đằm thắm. Cuộc đời thật là đáng yêu biết mấy. Cuối cùng Phát cũng chìm vào giấc ngủ với nụ cười trên môi.
Không nén lòng được lâu, tối đó cơm nước xong, trong lúc bà nội ngồi ăn trầu trên cái sập chân quỳ bằng gỗ cẩm lai lên nước bóng như gương, Phát rề lại gần tỉ tê kể chuyện gặp Mỹ Linh cho bà nghe. Thấy cháu mồ côi mồ cút sớm nên bà rất cưng chìu Phát. Thuở nhỏ có lỗi gì chàng ta cũng được bà bao che lại còn đút nhét tiền bạc cho xài nên Phát rất thương bà. Có chuyện gì cũng kể cho bà nghe. Thấy cháu đã tới tuổi lập gia thất, bà cũng đang để ý kiếm, nay nghe Phát gặp được người vừa ý, lại là em họ của mợ Tư Tâm thì còn gì bằng? Bà lập tức báo tin vui cho ông, hối ông sớm nhờ người mối đi hỏi Mỹ Linh cho thằng cháu nội cưng. 2 ông bà bàn tính hồi lâu, cuối cùng không thấy ai hơn ông bà Hương Sư Bách, cha má mợ Tư Tâm. Hôm sau ông kêu cậu mợ tới hỏi ý kiến. 2 người cũng đồng ý. Ít bữa sau ông sai Phát viết 1 lá thơ cho ông bà Hương Sư, cậy hai người đứng ra làm mai dùm. Phát cầm thơ và một số lễ vật qua tặng ông bà Hương sư. Trên đường đi trở qua Mỹ Luông, Phát đạp xe mà lòng phơi phới, nghĩ tới lúc gặp lại Mỹ Linh. Mới xa có mấy hôm mà đã nhớ nhung như vầy, không lấy được nhau chắc... chết! Phát trình thơ và quà cáp cho ông bà Hương Sư. Ông xem thơ xong có vẻ trầm ngâm suy nghĩ khiến chàng đâm lo. Sau cùng ông nói:
– Để bữa nào thuận tiện bác sẽ dò ý anh Xương, sau đó bác sai thằng Tuấn cầm thơ qua báo cho hai bác ở bển. Cháu cứ ở lại đây chơi vài ngày rồi hẳng về.
Phát cám ơn ông rồi vô trong kiếm Tuấn-Tú. 2 cậu gặp lại Phát vui lắm. Phát kể mục đích qua đây rồi năn nỉ Tuấn kiếm cách cho chàng gặp Mỹ Linh. Tuấn lấy xe đạp xuống chợ khoảng gần tiếng đồng hồ sau trở về. Cu cậu kéo Phát vô phòng nói nhỏ sẩm tối nay, Mỹ Linh sẽ chờ Phát ngoài đình làng. Đình này cách chợ hơn cây số. Dĩ nhiên Tuấn phải hộ tống Phát tới đó chớ anh chàng đâu có thuộc đường bên này.
Cơm nước xong, Tuấn chở Phát tà tà xuống dưới đình. Tuấn nói anh cứ ở lại đây chờ nhỏ Linh. Em ra ngoài quán nước độ 1 tiếng nữa trở lại kiếm anh.
Nơi đây tương đối vắng vẻ nên Phát yên lòng không sợ bị ai ngó thấy. Tuấn vừa đi độ vài phút thì Mỹ Linh đạp xe tới. Phát đứng núp sau một thân cây cổ thụ, thấy người yêu, lật đật chạy ra dành lấy chiếc xe dẫn vào, dựng bên vách có lối đi ra sau đình. Chỗ này có 1 hàng rào bông lồng đèn rất kín đáo. Dựng xe xong Phát quay lại ôm chặt Mỹ Linh vào lòng, hôn tới tấp lên mặt khiến cô nàng muốn nghẹt thở phải đẩy Phát ra. Chàng nói nhớ em quá muốn phát điên. Mỹ Linh cười hỏi anh điên rồi làm sao cưới vợ? Phát cũng cười kéo người yêu ngồi bệt xuống bãi cỏ. Vầng trăng hạ tuần toả ánh sáng yếu ớt nhưng cũng đủ cho hai người nhìn rõ mặt nhau. Thôi thì biết bao lời nhung nhớ, nhớ nhung được trao qua đổi lại không biết chán cho tới khi nghe tiếng tằng hắng của Tuấn họ mới giựt mình! Phát than sao thời gian qua mau quá!!! 2 người dùng dằng mãi Tuấn phải dọa coi chừng có người thấy họ mới chịu thôi. Ngày hôm sau Phát trở về Cao Lãnh mà lòng nặng trĩu nhớ thương.
Tin dữ đến 1 tuần sau. Nhận được thơ của ông Hương Sư do Tuấn cầm qua, ông bà nội Phát không biết báo tin này bằng cách nào cho thằng cháu đỡ đau lòng. Cuối cùng rồi cũng phải nói thiệt. Tía của Mỹ Linh nói đã đính hôn cho con gái với 1 gia đình người Hải Nam buôn bán bên Cần Thơ. Con gái Tàu nhứt quyết không gả cho người Việt. Phát thấy như trời đất ngừng quay. Chàng bỏ ăn mấy bữa mặc cho bà nội và vợ chồng cậu Tư năn nỉ. Cuối cùng mợ Tư hứa sẽ xin phép ông bà Cả về Mỹ Luông năn nỉ bà dì, coi bả có thuyết phục được ông dượng sặc mùi... kỳ thị chủng tộc này hay chăng? Mợ Tư về Mỹ Luông với một lá thơ dài như sớ Táo Quân của Phát viết cho người yêu. Nội dung khỏi nói ai cũng đoán được!
Về đó mợ Tư mới thấy Mỹ Linh còn tệ hơn Phát. Người ngợm ốm nhom, mặt mũi bơ phờ thảm hại. Bởi thấy “nguy cơ” gần kề nên ông già lật đật viết thơ qua Cần Thơ hối người bạn đồng hương mau mau xúc tiến chyện hôn nhân của đôi trẻ. Biết chuyện này, Mỹ Linh khóc sưng cặp mắt, nằm bẹp trong phòng tuyệt thực luôn! Thấy con như vậy, bà mẹ đau xót năn nỉ chồng hết lời, nhưng ổng nhứt định không gả con gái cho... “Nam man”... Mợ Tư năn nỉ Ông Hương Sư xuống nói thêm lần nữa, nhưng ông em rể vẫn một mực khước từ. Ổng viện cớ lời hứa của ổng đã nói ra miệng không thể nào nuốt trở vô bụng được! Ông ta sẽ mất thể diện trong bang hội người Tàu. Số là lúc Mỹ Linh lên 7, 8 tuổi gì đó, trong một buổi tiệc rượu 2 ông đã hứa hẹn làm sui với nhau. Bà Dì có nghe nhưng tưởng chỉ là lời nói chơi trong lúc trà dư tửu hậu, chớ đâu có dè ra nông nổi này? Mợ Tư chỉ đành an ủi dỗ dành cô em họ rồi khăn gói quả mướp trở về Cao Lãnh với một bức tâm thơ dài không thua tờ sớ của Phát trước đây. Trong thơ Mỹ Linh nói nếu không lấy được chàng thì thà uống thuốc độc chết cho rồi, chớ không bao giờ chịu gá nghĩa với cái tên “tiểu tử” mà từ nào tới giờ nàng chưa hề biết mặt!!! Đọc thơ xong Phát càng thấy lòng nóng hơn lửa đốt khi nghĩ tới cả đống độc dược trong tiệm thuốc bắc của cha nàng. Phát lại tức tốc kiếm mợ Tư.
Đọc xong mợ cũng đâm hoảng, sợ em làm liều thì khổ. Mợ khuyên Phát trở qua Mỹ Luông gặp Mỹ Linh lần nữa. Nói nàng nhẫn nại một chút, có gì từ từ tính chớ chết rồi không sống trở lại được đâu mà vấn đề còn rắc rối hơn. Phát nghe lời về xin phép ông bà nội đi lần nữa. Ông bà nhìn thằng cháu cưng mà đau lòng xót dạ, nhưng cũng đành bó tay. Riêng cậu Tư Tâm có lén cho Phát một lời khuyên “vàng ngọc”: mầy cứ theo sách lược “gạo nấu thành cơm” là ăn tiền. Lúc đó chắc ông già nó còn phải mời mày qua gả không nữa đó. Nhưng Phát cười mà miệng méo xệch nói em sợ chẳng những ổng không gả con mà gặp em đâu là chém đó mới chết!
Lần này muốn gặp Mỹ Linh thiệt là vạn nan. Ông già bắt bà vợ canh con gái rất gắt. Tuấn phải hẹn thằng em út của Mỹ Linh ra quán nước rồi năn nỉ nó chuyển dùm lá thơ của Phát cho Linh,không quên kèm theo 10 đồng để xài vặt. Người ta nói hơi đồng làm tối mắt đúng quá, cậu em hăng hái nhận nhiệm vụ làm chim xanh liền. Trong thơ Phát nói sẽ chờ Mỹ Linh chỗ cũ. Chàng sẽ chờ mãi cho tới khi gặp được nàng dù phải đợi sáng đêm. Phát mượn xe của Tuấn đạp xuống đình, phần Tuấn sẽ lén để cửa sau không gài chốt. Lòng nóng như thiêu nhưng Mỹ Linh cũng đợi mọi người trong nhà ngủ say, lén mở cửa sau đạp xe (mà từ chiều đã giấu sẵn sau hè) tới chỗ hẹn. 2 người gặp nhau giống như 2 kẻ sắp chết đuối nắm được dây phao.Lần này nhớ thương chất ngất nên Mỹ Linh cũng chẳng còn ngượng ngùng, cứ để Phát mặc tình hôn hít. Ôm người yêu trong tay, có lúc Phát muốn theo sách lược “gạo nấu thành cơm” của ông anh họ, nhưng cái cương vị gõ đầu trẻ của chàng không cho phép làm chuyện mất đạo đức này. Mỹ Linh chỉ biết khóc mà thôi, nhưng hứa với Phát sẽ không nghĩ đến cái chết nữa. Phát yên tâm về Cao Lãnh để... suy tính tiếp. Nhưng lá thơ Tuấn đem qua 5 hôm sau đó làm Phát quýnh lên. Chỉ còn 10 ngày nữa đàng trai bên Cần Thơ sẽ đem lễ vật qua làm lễ ra mắt. Phát suy nghĩ mãi không biết tính sao đành đi kiếm vợ chồng cậu Tư vấn kế. Nhằm lúc mợ phải đi xóm giải quyết dùm chuyện lục đục gia đình của người bạn nên nhà chỉ còn quân sư quạt mo Tư Tâm mà thôi. Cậu chắc lưỡi hít hà nói:
– Tao có kế hay mà mày không chịu nghe. Cái chữ trinh đối với người Tàu quan trọng kinh lắm. Cái này kêu bằng “ngộ biến phải tùng quyền”, chớ đâu phải tụi bây khoái cái màn tiền dâm hậu thú! Coi chừng mất vợ đó nghe mậy.
Phát nghe vậy cũng hoảng nói để em tính lại với Mỹ Linh. Sau đó cậu tức tốc qua Mỹ Luông. Lần này Phát lấy hết can đảm đem cái “diệu kế” của ông anh nói cho Mỹ Linh nghe, nhưng bị nàng cự tuyệt. Tuy vậy từ kế đó Mỹ Linh đã nghĩ ra được một cách. Nàng hớn hở nói Phát cứ yên lòng ra về, mọi chuyện sẽ được giải quyết. Hỏi gì cô nàng cũng chỉ cười không nói.
Mãi sau này Phát mới biết, khi ông bạn của cha nàng dẫn thằng con tên Quân từ Cần Thơ qua, thấy mặt Mỹ Linh là cu cậu mê tơi ngay. Nhưng nhìn thấy cái tướng phục phịch cộng thêm cặp mắt heo ti hí của hắn là Mỹ Linh đã lộn ruột. Chỉ cái bề ngoài thôi là hắn đã thua xa anh Phát của nàng, vì vậy Mỹ Linh càng mạnh dạn thực hành ý định của mình. Đàng trai định ở chơi 5 ngày, nhưng mới qua ngày thứ nhì, chịu không nổi cái “bản mặt heo nọc” cứ lấm lét ngó trộm mình hoài, Mỹ Linh làm bộ vui vẻ rủ hắn ra bờ sông ngắm cảnh mặt trời lặn. Quân mừng rỡ đi liền. 2 người chầm chậm đi dọc bờ sông. Những gợn sóng lăn tăn phản chiếu ánh chiều tà khiến cảnh sắc muôn phần rực rỡ. Quân luôn miệng khen Mỹ Linh đẹp không thua gì Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung quốc... thời xưa. Tới chỗ vắng người Mỹ Linh dừng lại nói có chuyện quan trọng muốn nói. Nhìn thấy vẻ mặt nghiêm trang của nàng, cậu ta hơi lo. Mỹ Linh hơi ngập ngừng mấy giây nhưng cuối cùng cũng nói:
– Ngày mai là ngày trọng đại của chúng ta. Nhưng có một chuyện tôi không thể giấu anh được. Bởi lẽ sau này chắc chắn anh sẽ hận tôi.
Quân tái mặt hỏi dồn:
– Chuyện gì ghê gớm dữ vậy? Linh làm anh lo quá!
Mỹ Linh nhìn thẳng vô cặp mắt heo luộc nói rõ từng tiếng:
– Tôi đã thương một người con trai Việt Nam. Tía tôi không đồng ý nhưng tụi tôi thương nhau thiệt lòng và tôi đã... trao thân cho ảnh rồi. Đó, bây giờ anh đã biết hết, vậy tùy anh quyết định đi.
Nhìn bộ mặt thất thần của Quân, Mỹ Linh cũng thấy ái ngại, nhưng con bài tẩy đã lật ra rồi, chỉ còn chờ kết quả. Chết đứng hồi lâu cậu ta mới lắp bắp:
– Chuyện này... chuyện này kinh khủng quá tôi phải suy nghĩ lại...
Không còn hứng thú ngắm người, ngắm cảnh gì nữa, cậu ta đòi quay về. Mỹ Linh mừng thầm, hy vọng thành công. Y như rằng, không biết tối hôm đó cậu ta nói gì với ông già tía, mà sáng sớm hôm sau mọi người đã khăn gói quả mướp trở về Cần Thơ trong sự kinh ngạc tột độ của gia đình đàng gái! Họ chỉ nói sẽ gởi thơ qua cho biết lý do sau. Ông Xương hỏi con gái có làm gì phật lòng cậu Quân không thì Mỹ Linh trả lời không hề có với một nét mặt rất ngây thơ vô (số) tội! Ông ra vô than vắn thở dài, mặt mày quạu đeo khiến ai cũng không dám hó hé!!! Nhưng so với cái hôm nhận được thơ của ông sui hụt từ bên Cần Thơ gởi qua từ hôn thì chẳng thấm gì. Sấm sét nổi lên đùng đùng, ba đào dậy sóng. Tóc tai dựng đứng, ông lôi Mỹ Linh ra đánh một trận, nếu không có bà mẹ liều mình nhào vô can, dám hui nhị tì lắm lắm! Sau trận đòn, người ngợm mềm như trái dưa gang chín, Mỹ Linh nằm liệt cả tuần lễ. Nhưng cô nàng thấy cũng đáng giá, miễn là khỏi phải lấy cái thằng tiểu tử xấu như Trư Bát Giới kia là được rồi. Chỉ nghĩ đến hằng đêm phải nằm cạnh nó, bị nó ôm ấp hôn hít là nàng đã rùng mình! Ông Xương rầu rĩ nói với vợ rằng tiếng dữ đồn xa, điệu này hết hy vọng kiếm thằng rể Tàu rồi! Bà nói với ông vợ chồng là duyên số, có buồn rầu cũng không thay đổi gì hết. Cái mà ông mù tịt là sau 2 cậu rể Tàu trong thâm tâm bà rất muốn có một người rể Việt. Mỹ Linh vui lắm, lén viết một lá thơ cho Phát kể rõ đầu đuôi. Chàng nghe người yêu bị trận đòn thừa sống thiếu chết thì đau lòng, nhưng khâm phục nàng sát đất. Phát vội kiếm mợ Tư ngoài vườn chuối cho xem thơ. Mợ cũng lắc đầu không ngờ con em mình cũng liều mạng hết chỗ chê, vì tình mà bất kể tới tai tiếng. Mợ bàn với Phát để từ từ cho ông dượng nguôi dần, rồi mình lại nhờ ông bà Hương Sư tới năn nỉ lần nữa. Chắc chắn sẽ mã đáo thành công. Không gả con cho trai Tàu được vì sợ ngày nhị hỉ sẽ nhận lại quả một con heo bị cắt tai, tiếng xấu để đời. Thôi thì có bà dì làm nội ứng, chắc ổng sẽ tống khứ cho khuất mắt đứa con gái hư cho cái thằng Nam Man khốn kiếp, đằng nào nó cũng “đã tỏ đường đi lối về” với đứa con gái ngỗ nghịch của ông rồi. Phát sướng như điên khi nghĩ đến Tết này mình có thể cùng Mỹ Linh kết thành vợ chồng và không quên kiếm ông quân sư Tư Tâm để tạ ơn. Nhờ ổng mới có kết quả ngày hôm nay. Cậu Tư còn nói tội nghiệp thằng Quân, khi tao tưởng tượng tới bộ mặt cực kỳ tuyệt vọng của nó, nếu nó “được” thấy tấm khăn trải giường màu trắng trong đêm tân hôn của chú mày! Hai anh em khoái chí cất tiếng cười vang. Đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu biết mấy... Chưa bao giờ Phát mong mau đến Tết như lúc này. Chắc chắn đây sẽ là một cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chàng!
TIỂU THU
Trả lờiChuyển tiếp |