a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

CÓ MỘT TẤM LÒNG...!

 



1. Câu chuyện thứ nhất.
Người Nhật khi dời trụ điện bằng gỗ đã bị mục nát đề thay bằng trụ điện bê tông thì những người thi công vô tình phát hiện ra trên cây trụ điện gỗ đang có một tổ chim. Thế là họ vẫn tiến hành trồng cây trụ điện mới và khéo léo để lại đoạn cây trụ điện có tổ chim kia...!
Cũng vậy, người Tây khi làm nhà mái ngói họ thiết kế ra một góc nhỏ có gắn sẵn cái tổ chim để chim thiên nhiên có thể trú ngụ mà không phải cất công sức làm tổ nữa...
Người Nhật còn phải mua ngũ cốc, thóc gạo rải trên các cánh đồng khi mùa đông về, tuyết che trên các cánh đồng cho chim sếu và chim đi cư, chim trời ăn vì sợ chúng không kiếm được mồi...!
Người Hàn khi thu hoạch trái cây trong vườn lớn. Bao giờ cũng chừa lại một góc nhỏ để chim, sóc... và người đi đường dùng giải khát...!
Nhân bản đến thế...!




2. Câu chuyện thứ hai.
Cách đây 7 năm, khách đi tàu ở nhà ga Kami-Shirataki giảm đáng kể do địa điểm xa xôi và dịch vụ vận tải hàng hóa của nhà ga này không còn hoạt động nữa. Cơ quan Đường sắt Nhật Bản đã sẵn sàng cho việc đóng cửa nhà ga cho tới khi họ nhận ra một học sinh trung học vẫn sử dụng phương tiện này hằng ngày.
Chính quyền đã quyết định duy trì hoạt động của nhà ga cho tới khi cô bé tốt nghiệp. Vậy là nhiều năm nay, chỉ có một hành khách duy nhất đợi tàu ở nhà gà Kami-Shirataki thuộc hòn đảo cực bắc của Hokkaido, Nhật Bản. Hành khách là một nữ sinh trung học. Chuyến tàu này chỉ dừng 2 lần mỗi ngày – một lần đón cô bé đi học, và một lần đưa cô bé về nhà.
Đó là quyết định của Cơ quan Đường sắt Nhật Bản – đơn vị chịu trách nhiệm điều hành hệ thống đường sắt của cả nước và quyết định này đã được thực thi trong 3 năm nay.
Cơ quan này thậm chí còn điều chỉnh thời gian hoạt động của tàu để phù hợp với lịch trình của cô bé. Nữ sinh (không được tiết lộ tên) dự kiến là sẽ tốt nghiệp vào tháng 3 tới và nhà ga cũng sẽ dừng hoạt động vào thời điểm đó (2016).
Quyết định nhân văn của Cơ quan Đường sắt Nhật Bản khiến người ta ngưỡng mộ vì đã đặt giáo dục là ưu tiên hàng đầu. “Đây là ý nghĩa của việc chính quyền quan tâm sâu sát tới người dân. Không đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau” – một người nhận xét.

Sưu tầm




THỜI ĐẠI NÀO CŨNG VẪN TỒN TẠI và ĐẤT NƯỚC NÀO CŨNG GIỐNG NHƯ NHAU!
Một ông vua ngồi trong hoàng cung nghe thấy tiếng rao ngoài cửa sổ: "Táo nào, táo ngon đây!" Nhà vua nhìn ra thấy một ông già đẩy chiếc xe bán táo và xung quanh đông người mua.
Vua thấy thèm ăn bèn gọi quan Nhất phẩm đến và nói: "Đây là năm đồng tiền vàng, hãy đi mua táo cho ta".
Quan Nhất phẩm cho gọi quan Cửu phẩm và nói: "Đây là bốn đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua táo".
Quan Cửu phẩm gọi quan bộ Lễ và nói: "Đây là ba đồng vàng, hãy chạy đi mua táo".
Quan bộ Lễ gọi đội trưởng thị vệ và nói: "Đây là hai đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua táo."
Đội trưởng thị vệ gọi một người lính canh và nói: "Đây là một đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua táo".
Tên thị vệ bước ra và tóm cổ ông già: "Này, ông đang hò hét cái gì vậy, xéo khỏi đây ngay, tịch thu hết táo."
Thị vệ quay trở về và nói: "Đây, thưa đội trưởng. Một đồng tiền vàng được một nửa xe táo".
Đội trưởng đêm đến quan bộ Lễ: "Đây, thưa ngài, hai đồng tiền vàng được một bao tải táo".
Quan bộ Lễ gặp quan Cửu phẩm: "Đây, ba đồng tiền vàng được một túi táo".
Quan Cửu phẩm đến gặp quan Nhất phẩm: "Đây, bốn đồng tiền vàng được một nửa túi táo. Biết làm sao được, thưa ngài, lạm phát mà."
Quan Nhất phẩm xuất hiện trước mặt vua: "Thưa bệ hạ, như ngài đã ra lệnh, năm quả táo đây ạ."
Vua ngồi trong cung điện ngẫm nghĩ: "Năm quả táo, năm đồng tiền vàng, mỗi quả táo một đồng tiền vàng mà dân chúng tranh giành để mua. Cần tăng thuế đánh vào dân.”
-----
Truyện sưu tầm
Tranh thần thoại Hy Lạp.

Lá rụng nơi thiên đường!


- Này ông!

- Gì, để tôi ngủ thêm tí nào.

- Dậy đi, chở tôi ra chợ hoa bằng xe đạp đi.

- Sao hôm nay bà lại giở giời thế này. Ra mua cái vé tàu điện ngầm mà đi chợ... Bà lão thân yêu ơi, cho tôi ngủ thêm tí nữa thôi mà...

Lèm bèm, năn nỉ đủ cách mà chả được, ông cũng đành dậy.

2 ông già bà cả đèo nhau trên cái xe đạp của thằng cháu. Thời buổi động 1 tí là người ta đi tàu ngầm, ô tô, 2 ông bà trên cái xe đạp làm bao nhiêu người đi bộ phải ngoái nhìn.

- Lát ông phải mua hoa tặng tôi nhé.

- Ừ, mua cho bà 1 củ khoai ngay đây.

- Ơ, tôi bảo mua hoa cho tôi mà.

- Mua cho bà củ khoai để bà ngồi ăn, đỡ ngồi réo sau lưng tôi nữa.

Gió thổi dìu dịu theo những bánh xe quay. Tia nắng vàng chảy tràn những con phố thân thuộc. Bà dựa vào lưng ông, tận hưởng cảm giác bình yên thư thái. Những kỉ niệm xưa ùa về trong tâm trí, mờ ảo nhưng vẫn thật lung linh ấm áp. Những lần đưa đón, hẹn hò, giận dỗi... Ông im lặng, có lẽ ông cũng đang nhớ lại thuở đẹp đẽ xưa kia.

2 ông bà ra chợ hoa, xong cũng chả mua gì. Ông thì không có hứng thú với hoa hoét, bà thì xem xem ngắm ngắm xong rồi cũng chả chọn hoa nào. Chợt ông bật cười:

- Cứ y như cách đây 40 năm ý nhỉ. Bà vẫn là cái đồ kiết xu như trước.

- Còn ông gạch ngói 40 năm vẫn chẳng mòn.

Bà cười thật lớn. Nhưng thật sự bà đang cảm thấy rất mệt. Gần đây bà thường xuyên bị lả người và gầy đi rất nhiều. Chiếc lá vàng, chỉ chờ một cơn gió nhẹ để trở về với lòng đất...

Hôm nay là sinh nhật ông vì thế mà bà "giở giời" như vậy. Ở cái tuổi răng đã lung lay cả hàm thế này nói đến chữ “sinh nhật” có vẻ không hợp, và ở tuổi này thì còn ai mà nhớ đến ngày sinh nữa đâu. Nhưng bà có một linh cảm, có lẽ đây là lần sinh nhật cuối cùng của ông mà còn có bà ở bên...

- Cho ông hôm nay qua nhà mấy ông hàng xóm chơi điện tử đấy.

- Thật á, bà lão hôm nay được ăn củ khoai xong nên tử tế hẳn.

Bà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những món ăn ông thích nhất. Bà cũng ra hiệu bánh đặt một chiếc bánh gateau nho nhỏ. Cuối tuần, cả nhà đi vắng hết. Thế lại hay, bà muốn dành khoảng thời gian đặc biệt này với riêng mình ông. Đang chuẩn bị nốt nến để thắp bánh thì bà bỗng thấy tối sầm lại.Bà cố đi vào phòng, ra chiếc giường và nằm xuống nghỉ.

- Bà nó ơi, hôm nay tôi đánh thắng to nhé, các lão ấy bị tôi cho ăn hành tơi tả.

Không có tiếng trả lời, dự cảm chẳng lành, ông chạy ngay vào phòng của 2 người và thấy bà đang nằm đó. Trông bà rất yếu.

- Bà nó ơi, bà sao thế?

- Ông... tôi mệt lắm... Ông ra chỗ bếp mang bánh sinh nhật và nến vào đây.

Lúc này ông mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Ông cảm thấy điều gì đó không ổn, nhưng ông không hỏi nữa và ra bếp lấy bánh vào.

- Giờ tôi mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật tôi đấy. Bà cầu kỳ thế này. Bà nó ơi, bà nó thấy mệt lắm à, để tôi gọi bác sỹ đến xem nhé.

Bà mỉm cười.

- Ông ơi... Tôi thấy mình đã đến lúc lên thiên đường rồi.

- Bà nói gì thế, đừng nói nữa! Chỉ vớ vẩn.

Ông thấy sợ hãi khi nghe bà nói thế.

- Ông để tôi nói... Tôi làm những món ông thích nhất... và có cả bánh gateau nữa... Sinh nhật của ông lần cuối cùng mà tôi có thể ở bên... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi có ông bầu bạn từng ấy năm.... Ông ở lại mạnh khỏe và chăm lo cho con cháu nhé...

Nước mắt lăn dài. Ông biết là ngày này sẽ đến nhưng ông vẫn cảm thấy không trụ vững nổi khi đối mặt với giây phút đó. Ông cầm tay bà, run rẩy, và ông nói trong nước mắt:

- Bà lão ơi, làm sao tôi có thể ở lại mà không có bà...

- Tôi muốn... nghe... điều ước... trong sinh nhật... của ông...

Ông nghẹn ngào và tưởng chừng trái tim mình cũng đang rời khỏi cơ thể để đi theo người vợ thân thương:

- Gặp bà và chung sống với bà là mọi điều ước của tôi đã thành hiện thực rồi. Nếu có ước tôi chỉ ước được gặp bà sớm hơn, bà lão ạ.

Bà nở nụ cười cuối cùng và nhắm mắt...

Bà đã có một thiên đường ở trần thế này. Giờ chỉ là đi đến 1 thiên đường khác, và chờ ông ở đó...


Sưu tầm.


Con chính là cả cuộc đời của mẹ.


Nhớ lại dạo tôi chuẩn bị gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Mẹ tôi mắc chứng đãng trí từ nhiều năm, để bà ở nhà có thể ảnh hưởng đến an toàn của bà và cả nhà, vì đã có lần bà bật bếp ga rồi quên không đóng.

Mẹ tôi thường ngồi một mình trong phòng khách, ôm chiếc hộp sắt và lẩm bẩm điều gì đó một mình. Nhìn thấy tôi hoặc con dâu, bà chỉ khẽ cười. Đôi khi tôi hỏi mẹ đang nói gì vậy thì bà trả lời: “Mẹ có nói gì đâu!”

Vợ tôi thường phàn nàn: “Em sợ cái cảnh này quá”!

Thậm chí có những đêm, vợ tôi thức dậy đi vệ sinh, bất chợt nhìn thấy một cái bóng đen đen lù lù trong phòng khách, thì sợ đến nỗi hồn bay phách lạc. May đúng lúc đó, tôi cũng tỉnh dậy, ra bật điện, thấy mẹ đang ngồi đó không nói năng gì. Tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ lại ngồi đây thế?” Bà đứng dậy, lắc đầu, đến bản thân bà cũng không biết vì sao mình lại ngồi đây.

Quay về phòng, vợ tôi vẫn thao thức. Cô giận dỗi: “Ngày nào cũng như thế này thì làm sao mà sống nổi đây”. Nói xong, cô đề nghị: “Hay chúng ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu”.

Tôi suy nghĩ mãi rồi vẫn phải lắc đầu, thở dài, quyết định thế nào cũng không xong.

Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha, chỉ có mẹ tôi một mình tần tảo nuôi tôi nên người. Tôi nhớ khi ấy có rất nhiều người đến mai mối, khuyên mẹ nên đi bước nữa, và đó đều là những đàn ông tương xứng với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi nhất quyết cự tuyệt, mẹ tôi sợ rằng lấy người khác rồi thì tôi sẽ chịu ấm ức.

Mẹ tôi hàng ngày bán rau kiếm cơm nuôi tôi, một đời ngậm đắng nuốt cay, chặng đường vô vàn gian nan khó bước. Rồi mẹ tôi cũng nuôi tôi học đến đại học, dạy tôi thành trang nam tử, cho tôi kĩ năng phấn đấu trong sự nghiệp. Đến nay mẹ tôi vẫn chưa được hưởng ngày vui nào trọn vẹn, vậy mà chẳng lẽ tôi lại nhẫn tâm đưa mẹ vào viện dưỡng lão sao? Vợ tôi thấy chồng nói vậy thì thôi không nói gì, nhưng trong tâm thì không hài lòng, thường quay mặt tránh nhìn tôi.

Hôm sau khi nấu cơm, bà lại để xảy ra chuyện. Cơm đã chín, nhưng bà lại ấn nút nấu thêm một lần nữa, kết quả cả nồi cơm cháy đen thui. Vợ tôi vừa nhìn nồi cơm vừa trách: “Mẹ, sao mẹ lại ấn nút hai lần?”

Bà nín nhịn hồi lâu, cuối cùng nói một câu: “Mẹ quên”.

Lần khác, mẹ tôi ra ngoài, khi về thì vào nhầm nhà, may mà người ta đưa về.

Sự việc này sau khi xảy ra nhiều lần, trong tâm tôi cũng bắt đầu dao động. Tôi nghĩ: “Hay cứ để mẹ vào viện dưỡng lão xem sao, có khi sẽ tốt hơn cho mẹ, trong đó nhiều người già, mẹ sẽ không còn cô đơn nữa…” Hôm đó, nhân lúc tâm trạng của mẹ vui vẻ, tôi bèn nói ra suy nghĩ trong lòng.

Mẹ tôi ngồi lặng thinh, không nói lời nào.

Vợ anh ngồi bên, được thể nói: “Mẹ, mẹ đến đó rồi, nếu thực sự không quen, thì chúng con lại đón mẹ về nhà mà”.

Bà thở dài gật đầu, tối đó bà thu dọn. Đồ đạc được chuẩn bị cũng rất đơn giản. Bà còn mang theo chiếc hộp sắt, trên đó có một chiếc khóa nho nhỏ. Mẹ tôi ôm chặt nó vào lòng. Vợ tôi nói: “Mẹ, để nó ở nhà đi”. Bà đáp trả: “Không, mẹ phải mang nó theo!”

Từ khi mắc bệnh thì cái gì mẹ tôi cũng quên. Chỉ có chiếc hộp sắt là không lúc nào bà quên mang theo bên mình. Đôi khi vợ lôi tôi ra, chỉ vào trán hỏi: “Anh có ngốc không? Có biết có cái gì trong hộp không”? Tôi lắc đầu, từ trước tới giờ tôi thấy mẹ tôi luôn coi chiếc hộp đó như một bảo vật, tôi chỉ biết có vậy thôi.

Vợ tôi nói: “Cả đời người, ai chả có một bảo vật, hay chút tiền vàng trong tay. Trong chiếc hộp của mẹ anh chắc chắn là những thứ đó”.

Tôi vừa nghe vậy, tự nhiên thấy động lòng. Tôi biết, nhà ngoại tôi trước kia là địa chủ giàu có. Nếu thực sự trong hộp có thứ gì đáng giá, đưa mẹ tôi mang theo rồi bị mất hay bị kẻ trộm lấy thì thật đáng tiếc.

Cho nên tôi vô tình đưa tay ra nói: “Mẹ, mẹ đưa hộp đây con xem được không?”

Bà lắc đầu, giữ khư khư bên mình và nhất quyết không đưa cho tôi. Vợ tôi nhìn thấy vậy thì lầm bầm vài câu. Hôm đó vợ chồng tôi chưa đưa mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Đến đêm khi mẹ tôi đã ngủ say, tôi và vợ mới nhẹ nhàng mở hộp ra, bất chợt tôi nhìn thấy những vật trong đó mà tuôn trào nước mắt. Hôm sau, vợ chồng tôi cũng không đưa mẹ tôi đến viện dưỡng lão, và kể từ đó về sau chúng tôi cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

Trong chiếc hộp sắt không phải cất giữ tiền, cũng không phải vàng, mà là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có một tờ giấy ghi lại thời gian tôi thay răng và lần đầu tiên cắt tóc. Ở quê tôi có một phong tục, đó là răng sữa và tóc tơ của con cái thì không được phép vứt đi mất, nếu không giữ cẩn thận, đứa trẻ đó sẽ ốm yếu triền miên và chết yểu…

Mẹ có già, có lẫn, mẹ có thể quên đi hết mọi thứ trên đời, quên đi cả chính bản thân mình nhưng tình yêu dành cho con thì vẫn luôn hiện hữu trong trí nhớ của mẹ. 

Con chính là cả cuộc đời của mẹ!