a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Xe lửa Mỹ Tho và bò lá lốt. Đoàn Xuân Thu September 29th, 2023

 Bến Tre là vùng đất cù lao sông nước. Ðường bộ trắc trở nhiêu khê nên ông nội mình phải đi đò, cả buổi mới tới vàm Mỹ Tho. Ðói bụng, chiều ông nội ghé tửu lầu Nam Sơn trên đường Trưng Trắc gần rạp chớp bóng Ðịnh Tường ăn cơm thố với cá chiên mặn hầm vĩ, uống trà đá. Trời sụp tối, ông nội sương sương ở các quán nhậu nhà sàn chạy dọc theo bờ kinh Bảo Ðịnh. Nhậu cửng cửng, ông nội về phòng ngủ Ðịnh Tường, Mê Giang cuối đường Gia Long ngủ để sáng mai đi chuyến xe lửa tài nhứt tới chợ Bến Thành, Sài Gòn.

Ðêm miên man coi chừng hoang mang. Coi chừng mấy con ‘nhền nhện’ thổi bùa mê làm bay mất tờ giấy xăng bộ lư nhe ông nội.

Con đường xe lửa, chữ Hán Việt gọi là thiết lộ, Mỹ Tho Sài Gòn nầy đều có xuất hiện trong tác phẩm của các nhà văn như: Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc…

Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” đã chọc quê xe chụm củi của mấy thằng Tây: “Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Villers vừa ho vừa khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tụt xuống, lên dốc không nổi, xe cặp bến cũng còi, cũng ‘xả hơi’ ồn ào oai vệ khiếp”.

Còn nhà văn Sơn Nam viết báo ở Sài Gòn. Vợ con ông ở Cua Ðạo Ngạn, Mỹ Tho, nơi đường lộ cắt ngang đường rầy xe lửa. Mỹ Linh, con gái ông, nhắc tui nghe thời thơ ấu: “Chiều thứ Bảy hay dắt em là Ngọc Ánh và rủ tui (hàng xóm sát vách) ra đứng trước nhà dõi mắt qua đường xe lửa đợi ba; vì ba có mua bánh mì Sài Gòn đem về.

(Nói nào ngay nhỏ lớn tui có cái tật con gái kêu tui làm cái gì là tui làm cái nấy. Lớn lên, đàn bà kêu tui làm cái gì tui cũng làm luôn! Tui dễ biểu dễ sai như vậy đó bà con ơi).


Chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho với hành khách là các công dân Pháp, ngày 20/7/1885. 

Năm 1958, thiết lộ Sài Gòn Mỹ Tho, sau 73 năm, nghỉ chạy. Nhà văn Bình Nguyên Lộc trong truyện ngắn ‘Xe lửa Mỹ bung vành’ có trích dẫn mấy câu ca dao như: “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành/Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!”. Hoặc: “Ðại mộc lưu giang bất đắc hồi cố/Cây lớn trôi sông, đâu mong trở lại. Anh thuận gió xuôi buồm…” để diễn tả mối tình đơn phương của một thầy cầm cây kềm bấm vé xe lửa tương tư một em từ ga Trung Lương đi Chợ Lớn bán hàng bông mỗi sớm.

“Kho bạc, Hải quân, dinh Tỉnh trưởng, tất cả những thứ ấy lui lại sau lần lần. Hồ nước ngọt, rồi đến những xóm nhà lụp xụp rồi cánh đồng… Chuyến chót phải không thầy? Thôi vĩnh biệt!”

Lúc xe lửa Mỹ Tho Sài Gòn chạy chuyến cuối cùng, tui chỉ mới 7 tuổi, học lớp tư (tức lớp hai bây giờ) tại trường tiểu học Trung An sát cầu sắt xe lửa. Thầy Tường làm hiệu trưởng và cô Lợi dạy lớp tui đứng trước hàng hiên lớp vẫy tay bùi ngùi vĩnh biệt chuyến xe lửa cuối cùng trên đường trở lại Sài Gòn.

Còn nhỏ chút éc, bằng trái ớt hiểm, nên kỷ niệm tui ngồi trên xe lửa với ba, với má, với anh, với em đâu chỉ được một lần. Nhưng vốn khoái ăn ngon, tui nhớ biết bao ga (gare, trạm dừng) Tân Hiệp, dân tình xôm tụ, chỉ cách Mỹ Tho có 13 cây số. Nhớ Tết năm 1967, tui chạy xe Honda vô Ấp Me, Tân Hiệp chơi nhà ông Hai Sóc bà con. Về, ghé một quán ăn tại chợ Tân Hiệp. Trong nhà hàng có chưng tấm hình cựu Quốc trưởng VNCH Phan Khắc Sửu. Chủ tiệm ăn khoe là bà con đại bác bắn không tới. Kêu một tô canh chua cá ba sa bắp chuối hột, tôm rim để ăn cơm. Nước canh đục như màu sữa, tôm rim màu gạch đỏ. Bữa cơm ngày xưa đó ngon bá chấy bù chét.

Tui nhắc Tân Hiệp thì hồi ức của một bạn văn ở Brisbane, tiểu bang Queensland cho tui biết: “Em ông ngoại của Hoàng Yến là bà Huỳnh Thị Quế. Những năm 1930s, bà cô em có chồng là Adams Henri, người Ấn có quốc tịch Pháp. Adams tiếng Việt là Nguyễn Thành Ðam. Ấn Ðộ nhưng ông Ðam, không theo đạo Hindu thờ bò. Ông đạo Hồi, không ăn thịt heo nhưng thịt bò thì quất láng. Ông bà em mở nhà hàng Au Pagolac. ‘Pagode’ là chùa và ‘lac’ là hồ, do phía sau quán có một hồ sen sát chùa Bà Thiên Hậu ở Tân Hiệp.


Ga Mỹ Tho năm 1905.

Tuần 7 ngày, ngày một món nên có bò 7 món: bò bít tết, bò nhúng giấm, bò nướng mỡ chài, bò sa tế, chả đùm, cháo bò và bò nướng lá lốt. Lá lốt là lá hoang giống như lá trầu. Thịt bằm nhuyễn trộn mỡ và sả bằm. Rồi ướp tiêu, tỏi, đường, nước mắm, muối quấn với lá lốt lụi và nướng trên than hồng. Thịt bò chín rất thơm; lá lốt vẫn xanh. Ðậu phộng rang đâm nhuyễn rải lên dĩa thịt bò. Bánh tráng cuốn với rau, chuối chát, dấp cá, dưa leo, húng lủi, húng quế, khế xắt lát mỏng, rau thơm, tía tô, chấm mắm nêm ớt xắt. Ăn bò lá lốt, uống với bia 33 là hết sẩy.

Bò 7 món Au Pagolac nghe tiếng nhưng tui chưa được ăn. Tiền đâu ăn? Thú thiệt với bà con hồi xưa, tui chỉ được ăn bò 7 món có hai lần. Lần đầu năm 1970, ở Sài Gòn, thằng bạn học cùng ở trọ, ba nó từ Phan Thiết vô thăm, dắt nó và cho tui theo ăn khính món bò 7 món Ánh Hồng ở cổng xe lửa số 6. Lần thứ hai năm 1981, ba dắt anh em tui đi ăn bò 7 món cũng tên Ánh Hồng ở đường Nguyễn Thiện Thuật gần ngã tư Phan Ðình Phùng.

Tại sao chủ nhà hàng chọn tên “Ánh Hồng”? Ánh hồng là ngọn lửa hồng ánh lên khi nướng thịt bò lá lốt hay chăng?

Nhớ hồi xưa, năm 1970, đi học đại học ở Sài Gòn, mỗi tháng ba cho 4 ngàn đóng tiền cơm. Cuối tháng, ngồi sau cốp xe lô Minh Chánh từ Bến xe Petrus Ký về thăm nhà. Má thương con đi học ở Sài Gòn ăn cực quá; má làm bò lá lốt cho con chấm với mắm nêm. –

Chữ hiếu nầy chưa kịp trả. Tui tha hương. Ba má mất hết còn đâu! Làm sao tui tìm được ngày vui hồi xưa đó? Chỉ còn buồn trong kỷ niệm.


Quán bò 7 món tại Gò Vấp.



Giác quan thứ Sáu (The Sixth Sense)



Thực tế thì có người có ít hơn, lại có người có nhiều hơn, tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận. Christian Jarrett giải thích.


Có một số điều huyền bí nổi tiếng về não, đặc biệt là trong giới các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hệ thần kinh. Chẳng hạn như có ý kiến nói chúng ta chỉ sử dụng có 10% chất xám mà thôi. Những câu chuyện như vậy thỉnh thoảng lại được đưa ra, nhưng rồi lại nhanh chóng bị bác bỏ. Khác với những gì hay được nói tới, lại có những cách hiểu lầm khác, âm thầm và không được nói ra.


Nguyên tắc 'Năm giác quan'


Niềm tin này ăn sâu tới mức thậm chí một số nhà trí thức cũng đương nhiên coi đó là kiến thức phổ thông. Nguyên tắc về năm giác quan căn bản của con người thường được cho là khởi nguồn từ tác phẩm De Anima (Bàn về Linh hồn) của Aristotle, nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại. Trong tác phẩm này, ông đã dành nguyên một chương để nói về thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác. Ngày nay, năm giác quan đó được coi như là nền tảng và đôi khi được dùng để tham chiếu trước khi các tác giả muốn đề cập tới những chủ đề nào đó huyền bí hơn, gây tranh cãi hơn.


“Chúng ta thực sự muốn nói tới điều gì khi nói tới thực tế đó?” một tác giả viết trong bài báo gần đây đăng trên tạp chí khoa học New Scientist. “Câu trả lời đi thẳng vào vấn đề là đó là tất cả những gì chúng ta có thể cảm nhận được bằng năm giác quan của mình.”


Thông tin



Tuy nhiên, đưa ra một định nghĩa giản dị về “giác quan” khiến ta dễ rơi vào vết trượt triết học.


Người ta có thể lập luận rằng, dẫu cho có mờ nhạt tới đâu, một giác quan của con người chỉ đơn giản là một cách riêng để não bộ nhận được những thông tin về thế giới xung quanh và về cơ thể mình.


Mà nếu quả vậy thì chúng ta có thể nói một cách tự tin rằng rõ ràng là con người có nhiều hơn năm giác quan.


Trước tiên, hãy tính đến các giác quan có liên quan tới vị trí cơ thể. Bạn hãy thử nhắm mắt lại và chạm đầu ngón tay trỏ bên phải vào mỏm khuỷu tay trái?


Có dễ dàng không? Làm thế nào để bạn làm được việc đó? Rõ ràng là bạn biết đầu ngón tay của bạn ở đâu và mỏm khuỷu tay trái của bạn ở đâu.




Giác quan này được biết đến với tên gọi “proprioception”, từ gốc La Mã, tức là khả năng tự cảm nhận một cách chính xác các vị trí trên cơ thể mình cũng như sức mạnh của mỗi hành động mà mình thực hiện.


Giác quan này có được là nhờ khả năng cảm nhận trong các cơ bắp, là bộ phận gửi tin hiệu lên não bộ về độ dài và độ căng của cơ bắp.


Hãy tưởng tượng là bạn bị bịt mắt và tôi đỡ bạn nghiêng người về phía trước một cách từ từ. Ngay lập tức bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi tư thế. Đó là nhờ vào hệ thống tiền đình chứa đầy chất dịch ở khu vực tai trong của bạn, là hệ thống giúp ta giữ thăng bằng.


Hệ thống này cũng cho chúng ta nhận biết được về độ tăng tốc và nó liên kết với mắt, khiến ta có thể cân đối được các cảm giác khi di chuyển.



Nếu bạn lắc đầu trong lúc đang đọc sách chẳng hạn, thì bạn sẽ vẫn đọc được bình thường và vẫn tập trung được vào những dòng chữ mà bạn đang chăm chú theo dõi.


Rồi còn một loạt những giác quan khác nữa, giúp ta nhận biết được những gì diễn ra bên trong cơ thể mình. Rõ nhận thấy nhất là cảm giác đói, khát, đau đớn bên trong, hay khi muốn đi vệ sinh.


Có một số giác quan khác mà chúng ta khó nhận ra hơn, như những dấu hiệu về huyết áp, độ pH trong dịch tủy chẳng hạn.


Rồi ta cũng có thể lập luận tiếp rằng các giác quan cần phải được định nghĩa bằng những hình thức cảm nhận mà chúng ta có, tức là mỗi cách cảm ứng khác nhau đồng nghĩa với việc có một giác quan khác nhau.


Mà nếu như vậy thì ngay cả những giác quan đã quá quen thuộc cũng sẽ nhanh chóng được chia ra thành các biến thể khác nhau.





Chẳng hạn khi bạn nhắm mắt rồi ai đó bất thình lình thả một viên nước đá vào lưng thì bạn sẽ lập tức thấy sốc vì lạnh. Mà như vậy thì cảm giác đó khác với cảm giác khi chạm vào một viên nhựa.


Rồi bên cạnh các cảm ứng nhạy cảm với nhiệt độ thì da chúng ta cũng có những cảm ứng rất nhạy với các áp lực khác như đau đớn, hay ngứa ngáy.


Dùng logic tương tự sẽ khiến cho vị giác phải được chia thành ngọt, chua, mặn, đắng và có thể cả “umami”, là cảm giác có vị “thịt” mà chất mì chính tạo ra.


Và cứ như vậy thì con người có tới hàng ngàn khả năng cảm ứng khác nhau. Liệu mỗi thứ có nên được coi là một giác quan không?


Từ một cách nhìn cực đoan khác, ta có thể hạn chế định nghĩa về giác quan theo chỉ ba nhóm, là cơ học (gồm sờ mó, nghe ngóng và “proprioception”, hóa học (gồm nếm, ngửi và các cảm giác bên trong cơ thể), và ánh sáng.


Cũng có một cách tiếp cận khác, đó là không đánh giá theo nhóm các thông tin ta đón nhận được, mà theo nhóm các cách cảm nhận thông tin của cơ thể.




Ví dụ rõ rệt nhất là khả năng của con người trong việc định vị bằng âm thanh. Chẳng hạn một người tạo ra tiếng động bằng cách tặc lưỡi và nghe thấy ngay âm thanh đó phát ra như thế nào trong môi trường.


Tại Mỹ thậm chí còn có một nhóm những người đi xe đạp bị mù - nhóm có tên là Team Bat (Nhóm Dơi) - do Daniel Kisch đứng đầu, chuyên vận dụng khả năng định vị bằng âm thanh để di chuyển bằng xe đạp.


Đây là khả năng vốn phụ thuộc vào thính giác, nhưng trải nghiệm về cảm nhận này lại khá giống với thị giác.


Bạn không cần phải là người khiếm thị mới có thể thử nghiệm, bởi những người tinh mắt vẫn có thể học cách “nhìn trong bóng tối” với khả năng định vị bằng âm thanh.


Bởi vậy, có những người lập luận rằng đây cũng là một loại giác quan.


Như vậy, ta thấy là không có một cách đơn lẻ, logic nào để định nghĩa về các giác quan.



Sẽ là không mấy hợp lý khi đưa ra những phân tách giữa các giác quan, khi mà chúng ít nhiều đều hòa trộn với nhau. Giống như màu sắc của thức ăn hay âm thanh trong một nhà hàng sẽ gây tác động tới vị giác của bạn vậy.


Một khi bạn bắt đầu nghĩ tới tất cả những sự khác nhau trong những thông tin mà não bạn nhận được thì có thể bạn đã phát hiện ra là bạn vừa tìm thấy một giác quan hoàn toàn mới giống như sự nhạy cảm của radar đối với một số quan niệm sai lầm về cách thức não bộ nhận biết thế giới bên ngoài.


Có thể bạn đã từng gọi đó là “giác quan thứ sáu” nhưng bạn nay đã hiểu rõ hơn giác quan là gì rồi, phải không?




Christian Jarrett

Chúng Ta Đang Sống Trong Thời Đại Đồ Giả

            Nhân loại cách đây khoảng vài triệu năm sống trong Thời Kỳ Đồ Đá (Stone Age). Đánh nhau chỉ ném đá, chắc chỉ bị thương và chết chẳng bao nhiêu. Rồi từ từ tiến lên Thời Đại Đồ Đồng (Bronze Age). Mũi giáo, mũi tên được chế bằng đồng, chắc đánh nhau chết khá nhiều. Rồi bắt đầu văn minh tiến vào Thời Kỳ Đồ Sắt (Iron Age) gươm, đao, cung nỏ đều bằng sắt, đánh nhau chết khá bộn. Rồi Thời Kỳ Tăm Tối ( Dark Ages) còn gọi là Thời Đại Trung Cổ, theo các sử gia đó là  Thời kỳ của sự ngu dốt, man rợ và mê tín” ở Âu Châu. Rồi càng văn minh hơn nữa chế ra thuốc nổ, bắt đầu có súng, lựu đạn, bom, mìn. Đệ I Thế Chiến chết hơn 10 triệu người. Đệ II Thế Chiến chết khoảng 50 triệu người. Chỉ riêng hai trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki đã giết khoảng 100,000 người.

            Rồi nhân loại càng văn minh hơn nữa tiến vào thời đại điện tử (Electrical Age) rồi siêu kỹ thuật (High Tech) và trí tuệ  nhân tạo (Artificial Intelligence) biến con người thành người máy chỉ cần bấm nút và  có thể hủy diệt trái đất trong chớp nhoáng. Báo chí Hoa Kỳ cho biết, một binh sĩ ngồi ở căn cứ quân sự ở Tiểu Bang Florida có thể điều khiển máy bay không người lái ở A Phú Hãn, phóng hỏa tiễn giết chết một người đang chạy dưới đất, dù trong đêm tối.

            Song song với siêu kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo, con người phát triển- đã và đang đi vào một thời kỳ lạ lùng và thật kinh hoàng đó là Thời Kỳ Đổ Giả (Fraud Age) do cái tâm điên đảo mà ra.

            Ngày xưa cả triệu năm và cho tới Thời Cách Mạng Kỹ Nghệ (Industrial Revolution) khoảng năm 1820-1840 con người không có gian trá hay ít có gian trá. Hiện nay con người đang ung dung ngụp lặn trong Thời Kỳ Đồ Giả và vui sướng với đồ giả. Cứ thử nhìn vào xã hội mà xem có bao nhiêu thứ đồ giả và bao nhiêu con người gian trá. Xin đơn cử vài thí dụ:

1)Trên thương trường có:

            Vàng giả, tiền giả, kim cương giả, đồng hồ giả, săng giả, thuốc giả, súng giả để đi ăn cướp hay cho con nít chơi trong ngày lễ Con Ma. Giầy da, nệm da tưởng da thật, khách mua vài năm sau trầy sướt mới biết đó là da làm bằng giấy.

2)Trong học đường, quan trường, xã hội có:

            Bằng cấp giả dùng để thăng quan tiến chức, lừa bịp bạn bè, đóng tuồng trí thức, vênh vang với đời. Ở hải ngoại này có quá nhiều tiến sĩ (Ph.D của Mỹ), không biết trong đó có bao nhiêu “tiến sĩ giấy” Thậm chí còn có bác sĩ giả từ Nam Hàn qua mở thẩm mỹ viện giải phẫu khơi khơi ở Hà Nội, làm chết người rồi trốn mất.

3)Trong giao dịch có:

            Dự án giả, công ty giả, giấy tờ giả mạo để lường gạt, trốn thuế. Một căn nhà có thể bán cho hai người. Mướn xe hơi về làm giấy tờ giả bán cho hai ba người.

4) Hệ thống thông tin, truyền thông, mạng xã hội có:

            Tin tức giả, tung tin bịa đặt tin để lũng đoạn, triệt hạ hàng ngũ địch, mưu đồ chuyện xấu. Mỗi ngày trên thế giới có cả triệu tin giả lan tràn trên Internet mà giới nghiên cứu Anh Quốc nói rằng nó như những đợt sóng thần đè bẹp cả hệ thống truyền thông chân chính. Tâm lý con người rất lạ. Dù biết đó là tin giả nhưng vẫn thích đọc và lan truyền vì nó hợp với ý thích (khẩu vị) của mình. Hầu hết hình ảnh của các cô gái tung lên facebook, youtube, twitter, tiktok đều là chỉnh sửa. Gái 30 biến thành 18. Đàn bà 40 biến thành gái trẻ 20. Bà già 50, 60 biến thành gái 30. Tôi vì ngu độn cho nên chẳng hiểu họ tung lên như vậy để làm gì?

5) Giữa quốc gia với quốc gia, con người với con người có:

            Đạo đức giả. Nói lời cao quý như bình đẳng, tự do, dân chủ nhưng hành động như một đế quốc. Nói lời nhân nghĩa nhưng bên trong hành động xấu xa. Khen nhưng trong bụng chê. Ghét thấu trời nhưng khi kẻ đó chết cũng sùi sụt kiểu “nước mắt cá sấu”, toàn đóng bộ mặt giả nhân giả nghĩa . Báo chí thế giới đưa lên hình ảnh Tổng Thống Obama, bà thủ tướng Bỉ và ông thủ tướng Anh Cameron tham dự tang lễ cựu Tổng Thống Nam Phi Mandela, chẳng nhỏ lệ sót thương gì hết mà chỉ đùa rỡn, rồi xúm lại chụp hình selfie mà trong nước gọi là “chụp hình tự sướng”. Ba ông bà này đều là các siêu cường cho nên thế giới không dám chỉ trích vì sợ bị đưa vào danh sách đen, cấm vận hay lật đổ.

6) Rồi đời sống hàng ngày có:

            Giả ăn mày để sống bằng tiền của người bố thí. Ăn mặc giả sư để xin tiền hay lường gạt người nhẹ dạ. Giả cảnh sát để đi ăn cướp, tống tiền. Đưa hình giả, lý lịch giả, tài sản giả lên Facebook, Twitter, Tiktok để lường gạt ái tình. Ở Nhật có một người đàn ông giả vờ yêu và hứa làm đám cưới với tám bà để nhận quà tặng. Người ở trong nước nhưng đóng giả Việt kiều để lường gạt. Hiện nay có nhiều đàn ông mua búp-bê tình dục làm bằng chất dẻo để thỏa mãn sinh lý mà không cần đàn bà, không cần cưới vợ.

7) Rồi trong sân khấu ca hát:

            Hát nhái bằng cách thu băng trước rồi ra sân khấu nhép miệng. Khán giả tưởng hát thật nhưng là hát giả. Sáng tác nhạc nhưng thật ra là nhạc thuổng từ những bản nhạc cũ mà chỉ sửa đi chút đỉnh. Nhạc bây giờ cả trăm bản gọi là “sáng tác”, nhưng bản nào cũng giống bản nào. 8)Trong văn học:

            Ăn cắp tác phẩm, ăn cắp luận án của người khác rồi đem trình hoặc đem in và nói đó là của mình. Ngày nay ăn cắp sách vở của người khác dễ lắm vì cái gì cũng có trên Internet. Chỉ cần download (đưa xuống máy) rồi sửa chữa vài câu rồi đem in là xong, vừa có tiền vừa nổi tiếng là “học giả”.

9) Nhà hàng, quán ăn có:

            Tưởng là cua nhưng cua giả. Tưởng là thịt nhưng thịt giả. Trông như yến mà thực ra là dao câu, thạch trắng. Nói là vi cá nhưng vi cá giả. Bắp đem rang cháy đen làm cà phê giả. Sầu riêng vỏ xanh mướt nhưng nhờ ngâm thuốc hóa học. Hàng hóa giả mạo, hàng nhái tràn lan trên thị trường. Ai thích đổ rẻ sẽ mua phải đồ giả.

10) Còn trên thân thể đàn bà có bao nhiêu thứ đồ giả?

-Tóc giả đủ kiểu, xanh đỏ trắng tím vàng, hung hung, nâu, đen, râu ngô đều có.

-Lông mày cạo đi, xâm trổ để có lông mày đẹp nhưng đó là lông mày giả.

-Mắt chớp chớp trông dễ thương nhưng đó là lông mi giả.

-Môi cong cong, hay vều lên trông hấp dẫn, gợi dục nhưng đó là môi đã nhờ bác sĩ cắt sửa.

-Vú bơm lên bằng silicon rồi có sú-chiêng nâng lên trông vô cùng hấp dẫn. Nhưng đó là vú giả.

-Mông trông cong lên nhưng bên trong mặc quần bó chẽn độn lên bằng một lớp cao su. Đó là mông giả.

-Móng tay, móng chân dài, màu thật đẹp nhưng đó là móng tay giả.

-Tai, cổ, tay đeo đầy nữ trang nhưng đó là nữ trang giả.

-Lùn thấp nhưng đi giày cao gót lên 10 phân, tưởng là gái “chân dài”. Lấy rồi mới vỡ lẽ ra em lùn quá bèn nạp đơn ly dị. Cậu trai nào muốn biết người yêu cao thật hay cao giả, chỉ cần mời đi tắm biển là biết ngay.

-Thậm chí một số nam diễn viên sân khấu cũng nhuộm tóc, căng da mặt, sửa mí mắt để làm cho trẻ lại. Một sự trẻ trung giả tạo. Xin nhớ, già cũng có cái đẹp của già. Cây kiểng/cây cảnh càng già càng giá trị. Đồ cổ càng lâu càng giá trị. Nhiều tư tưởng mới ồn ào xuất hiện rồi chết ngỏm. Còn tư tưởng cũ cách đây vài ngàn năm vẫn là “Khuôn vàng thước ngọc”. Thời thuộc địa Pháp, mặc đồ Tây mới là văn minh. Khăn đóng áo dài bị chê là “Xã xệ Lý toét”. Bây giờ lại trở thành quốc phục. Con trai, con gái hãnh diện mặc “quốc phục” trong ngày lễ cưới.

            Chuyện “gái nhà lành giả” cũng tạo cười đau khóc hận. Gặp một cô mặt mày đẹp đẽ là nữ tiếp viên hàng không. Hỏi em yêu ai chưa? Em nói em là con gái nhà lành, chưa yêu ai. Lấy rồi mới vỡ lẽ ra em đã từng là gái gọi (Call Girl). Ra tòa xin ly hôn được không? Trong nước thì tôi không biết. Nhưng Luật Gia Đình của của Pháp mô phỏng theo Luật Cổ La Mã quy định rằng: “Trong tình yêu tha hồ lừa dối” (Dans le marriage il trompe qui peut”. Nếu người đó nói mình là đại gia, khi lấy rồi mới vỡ lẽ ra đó chỉ là gã lêu lổng không nghề nghiệp… thì không thể nạp đơn ly dị. Khi hai người yêu nhau, người đàn bà cho tình nhân trẻ  50,000 đô-la. Lấy rồi, bất hòa đòi lại tiền thì không được. Anh chàng Việt kiều hứa với người yêu là cưới xong anh xong anh sẽ cho em trai của em số tiền lớn để làm ăn. Lấy rồi không có gì hết mới biết mình bị lường gạt. Làm đơn ly hôn với lý do này không được. Gặp người con gái đi guốc cao, tưởng là “chân dài”.Về nhà té ra em lùn quá thì không được nạp đơn ly dị với lý do này. Gặp anh chàng hào hoa mang lon đại úy. Lấy rồi mới vỡ lẽ ra anh ta chỉ là trung sĩ…thì không thể nạp đơn xin ly dị. Cho nên muốn lấy ai thì phải “điều tra” cho cặn kẽ kẻo lấy phải đồ giả. Và nhất là chớ tin lời “hứa”. Các cụ ngày xưa nói, “Lấy vợ xem tông (tông tích, lý lịch, nguồn gốc) lấy chồng xem giống.” Cái gì chân thật dù nghèo cũng tốt. Hứa lèo, hứa cho cố mạng chắc chắn là đồ giả.

                Tôi không hiểu tại sao con người càng văn minh và kỹ thuật càng tiến lên lại càng gian trá và sống vui, ngụp lặn trong gian trá và giả dối? Tất cả những giả dối này không phải do Trời hay Thần Linh xui khiến mà do cái tâm quay đảo, do tham-dục của con người.

            Trong Kinh Viên Giác (*), Đức Phật dạy ngài Di Lặc Bồ Tát rằng, “Chúng sinh do gốc tham dục cho nên mới phát huy ra vô minh.” Đức Phật dạy ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng, “Tất cả chúng sinh từ trước đến nay theo các món điên đảo cũng như người mê lầm, bốn phương đều quay đổi.”

            Thật đúng như vậy. Tất cả chúng ta đều vì vô minh mà tưởng rằng cái Tôi, cái Ngã hay con người này có thật cho nên yêu mến cái tôi. Từ yêu mến cái tôi mà tìm cách phụng sự  nó bằng cách đắp lên người, đeo lên mình những gì giả dối để thỏa mãn xác thân và hy vọng được người ta thèm khát, ngưỡng mộ. Cho nên tất cả những ai thấy Cái Tôi không thật hoặc không yêu chuộng thân mình quá đáng thì không bao giờ đắp lên người những đồ giả. Chúng ta thử nhìn xem, các ni cô, các sơ (soeur/sister) có bao giờ cạo lông mày, đeo lông mi giả, đi giày cao gót, nâng mông, sửa ngực, trát phấn bôi son không?

            Xã hội càng văn minh con người càng sống trong ảo tưởng. Ảo tưởng về giá trị, về vẻ đẹp, ảo tưởng về sự sang cả, tăm tiếng và giàu có. Mà muốn có sự sang cả thì phải bồi đắp cho thân hình. Vì mình không có giá trị cho nên phải khoác lên mình giá trị giả tạo. Trí thức chưa đủ cho nên phải dùng bằng cấp giả. Tình yêu chưa có, chưa đủ để người ta tin cho nên phải lường gạt và hứa nhăng hứa cuội. Vì mặc cảm xấu cho nên phải sửa sang sắc đẹp. Tất cả đều sống trong giả dối chỉ vì ảo tưởng về giá trị.

            Còn tất cả những ai sống bằng đạo đức họ có lường gạt, gian dối người khác không? Những người sống trong đạo đức không cần phải làm những gì vĩ đại mà chỉ cần “Sống với những gì mình thật có”. Sống với những gì mình thật có chính là đạo đức:

-Mình nghèo thì cứ nói mình nghèo. Nghèo không phải là cái tội và nghèo không có nghĩa là hèn và chớ làm điều xằng bậy như lường gạt, gian trá. Biết bao  nhiêu người lúc nhỏ nghèo sau trở thành tỷ phú. Là con người, điều đáng sợ nhất không phải là nghèo mà là không có nghị lực và trí tuệ.

-Mình học không cao hoặc không được học thì cứ nói thật, đừng dùng bằng cấp giả. Cứ kiên trì và từ từ học lên rồi cũng như người ta. Kiến thức, bằng cấp tuy quý nhưng đạo đức lại quý hơn.

-Mình xấu thì cứ nhận mình xấu có sao đâu. Nhiều người xấu nhưng tài năng và đức độ rất cao. Tôi đã từng thấy nhiều bà nhiểu cô không đẹp lắm nhưng lấy được chồng rất sang. Hầu hết vợ của các tổng thống, thủ tướng trên thế giới đều là các bà có sắc đẹp trung bình. Vậy xin chớ mặc cảm vì vẻ đẹp của mình. Cụ Mạc Đĩnh Chi là người xấu mà lưu danh thiên cổ. Ô. Yến Anh người thấp bé mà thông minh tuyệt đỉnh sau làm tể tướng nước Tề. Biết bao kẻ có khuôn mặt khả ái mà làm điều xằng bậy và cuộc đời ba chìm bảy nổi. Hầu hết những cô gái bán dâm ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có khuôn mặt đẹp. Vậy thì đẻ con gái đẹp chớ vội mừng. Đẻ con gái xấu chớ vội buồn.

-Giáo sĩ, tu sĩ rao giảng về những gì không thể làm được, không tưởng… cũng là lừa mị, gian dối. Do đó Đức Phật dạy chúng ta phải thực hành Bát Chánh Đạo trong đó có Chánh Ngữ tức nói lời chân thật, nói lời có thể kiểm chứng, không nói lời hoang tưởng. Tất cả các tà giáo đều nói lời hoang đường lừa mị. Ngày nay tà giáo lan tràn khá nhiều mà một số đông cũng vẫn cứ lao đầu theo tà giáo chỉ vì lời hứa hẹn “Cứ cầu nguyện đi, cái gì cũng có”.

            Trong rất nhiều pháp hội Đức Phật đều dạy rằng: Tâm chúng sinh vốn hư dối cho nên tất cả những gì đang hiện ra trước mắt đây đều do cái tâm giả dối ấy sinh ra mà chư Tổ gọi là “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm bất chính cho nên đẻ ra việc làm giả dối. Tâm hư dối cho nên yêu điều giả dối và phổ biến những gì giả dối. Tâm chân thật hay chân tâm thì làm và yêu những gì chân thật. Cho nên muốn giã từ Thời Kỳ Đồ Giả thì chỉ còn cách tu tâm. Ngoài việc tu tâm thì chẳng có pháp đối trị nào khác.

            Thời Kỳ Đồ Giả đang tung hoành và thống trị loài người nhưng loài người lại vui thích với nó. Nếu không chịu tu tâm ngay từ bây giờ, với đà tiến lên như thế này, không biết nhân loại sẽ đi về đâu? Dường như nhân loại đã mất cả phương hướng vì đang chìm đắm trong cơn mê dài. Đó là cơn mê Danh Vọng, Quyền Lực, Tiền Tài, Sắc Đẹp và Lạc Thú.

Thiện Quả Đào Văn Bình

           

(*) Kinh Viên Giác bản dịch của Cụ Thích Huyền Cơ năm 1952