a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Câu Chuyện Về Cách Người Mẹ Dạy Con !

 


Có một thằng nhóc ngỗ nghịch thường bị Mẹ khiển trách. Mỗi lần như vậy nó rất ấm ức và tủi thân. Một ngày nọ, nó làm sai và bị Mẹ la . Nhóc giận Mẹ rất nhiều nên đã chạy tới một khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, nó hét lớn "Tôi ghét Người!".
Từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét Người!"....
Thằng nhỏ sợ quá, vội chạy về sà vào lòng Mẹ và khóc nức nở. Nó không hiểu sao lại có người ghét nó ?
Người Mẹ nắm tay con trở lại khu rừng.
Bà nói: "Giờ thì con hãy hét thiệt lớn "Tôi yêu Người". Thằng bé làm theo và thiệt lạ lùng có tiếng vọng lại: "Tôi yêu Người" !
Lúc đó người Mẹ mới giải thích cho con:
"Đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho đi điều gì, con sẽ nhận lại điều đó :
Nếu con thù ghét người nào đó thì người đó cũng sẽ thù ghét con ?
Nếu con yêu thương người thì người cũng sẽ yêu thương con". !!!

SƯU TẦM

“MỘT CẮC CŨNG KHÔNG CHO”

Đọc câu chuyện này sẽ giúp bạn ngộ ra nhiều điều về thuật đối nhân xử thế ở đời.
Ngày nhỏ, cô bạn tôi có một tuổi thơ tận cùng bất hạnh. Cha bạn nghiện rượu, mẹ bạn bỏ xứ đi biền biệt. Bạn luôn phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Những chiều mưa rả rích, tôi luôn bắt gặp hình ảnh cô bé gầy ốm, xanh xao cắp bên nách chiếc rổ nhỏ đi vay gạo khắp xóm.
Một chiều mưa buồn như thường lệ, một người dì từ phương xa đến thăm nhà bạn. Cô bé vui mừng hớn hở ra đón người dì. Bé gái ấy luôn nhớ hình ảnh dì vóc dáng cao ráo, ăn mặc thật thời trang với những bộ vòng vàng đeo kín các ngón tay và cổ tay.
Nhưng khi bước chân vào căn nhà lá rách nát, tồi tàn, người dì ấy thất vọng đến tận cùng. Trên nền đất lạnh lẽo, cảnh người anh rể đang nằm trên manh chiếu cũ rách, tay vẫn còn ôm chặt chai rượu còn miệng luôn lèm bèm chửi rủa. Người dì ấy vội vã quay lưng, rời bước khỏi căn nhà tối tăm, xập xệ ấy thật nhanh. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, người dì đến thăm nhà những đứa cháu nhỏ ấy.
Những đứa trẻ háo hức trông đợi một bữa cơm ăm ắp thức ăn giữa một chiều mưa hết gạo đã hụt hẫng tận cùng. Chúng nhìn theo bước chân cao sang của người dì khuất dần khỏi ngõ với cái bụng trống rỗng.
Sau này, cô bạn ấy xót xa khi nghe người ta kể lại. Dì bạn từng nhiếc mắng cha bạn: “Nhìn đám con nheo nhóc, tui cũng định móc cho ít tiền nhưng trông đến bộ dạng say xỉn của ông ta thì thôi miễn đi. Một cắc cũng không có…”.
Nhiều năm trôi qua, cô bạn tôi cũng trưởng thành, học hành thành đạt. Để rồi một ngày, khi bạn gặp lại người dì năm xưa. Dì rút trong túi ra vài tờ năm trăm ngàn, giúi vào tay cô cháu, thỏ thẻ: “Dì cho con nè!”.
Cô bạn tôi giờ đã có một công việc như mơ, cuộc sống đủ đầy nên đâu còn đói ăn, khát uống như tuổi thơ nữa. Cô ấy thẳng thừng từ chối tiền của dì với câu nói thật chua chát: “Nếu ngày nhỏ, dì cho con số tiền này, có lẽ con mang ơn dì lắm. Anh em con đã có gạo để ăn mà không phải nhịn đói đi học. Nhưng giờ con đã tự lo cho mình được rồi, con không cần tiền của dì nữa đâu…”.
Có một mảnh vỡ nào đó cùng rạn nứt trong đôi mắt của cả hai dì cháu, khi cô bạn tôi thốt ra lời ấy.
Ông bà xưa có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” luôn đúng mọi thời đại phải không các bạn? Hãy chìa tay mình ra giúp ai đó, khi họ lâm vào bước đường cùng, cuộc sống tận cùng khốn khổ và bất hạnh. Còn khi bạn chờ họ bước qua được đoạn đường khó khăn ấy, mọi sự giúp đỡ của bạn dành cho họ đều trở nên vô nghĩa.
📗PS: Đọc thêm sách tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Nga tại đây: https://www.vietlachvn.com/sach-giay/


Ở ĐỜI, KHÔNG GÌ TỰ DƯNG MÀ CÓ
Tự mình gánh nước mới biết giá trị của từng giọt nước.
Tự mình leo núi mới biết trân quý từng dặm đường bằng phẳng.
Tự mình vun trồng mới biết tinh túy trong từng hạt gạo.
Tự mình làm lụng mới biết vất vả của từng đồng tiền kiếm ra.
Tự mình lo cho mình mới biết thương công sức của cha mẹ.
Tự sống trong đời mới biết không gì là dễ dàng.






THIỆN TÂM
Có một vị đạo sĩ nọ tinh thông phong thủy, thích phiêu bạt khắp nơi.
Vào một ngày nọ, trời oi nóng, ông ta vừa mệt vừa đói, khó có thể cầm cự được. Đi bộ rất lâu, khó khăn lắm ông ta mới nhìn thấy bên đường có căn nhà tranh.
Vội vã tiến lại gần, vị đạo sĩ nhìn thấy một phụ nữ đang cho heo ăn. Ông ta cung kính nói: ”Thật phiền cô quá, cô có thể cho tôi một chút nước uống được không?”
Người phụ nữ nhìn vị đạo sĩ người đầy bụi bặm, mồ hôi nhễ nhại, liền đáp: ”Được chứ, được chứ“, rồi đi vào trong một lúc lâu mới bưng ra một bát nước ở trên mặt có một ít cám.
Đi đường đang khát, vị đạo sĩ định uống một hơi cho đã, nhưng khi bưng lên thì thấy nước nóng và có một ít cám trên mặt nên lấy làm khó chịu, thầm nghĩ: ”Mình chẳng qua chỉ xin một bát nước uống, tại sao cô ta lại đối xử với mình như vậy? Người phụ nữ này thật đáng ghét."
Nhưng vì quá khát, ông chỉ có thể nén tức giận, vừa thổi cám gạo trôi đi, vừa làm cho nước nguội dần rồi uống từng chút một.
Uống xong, vị đạo sĩ lại nghĩ, phải tìm cách dạy cho người phụ nữ này một bài học mới được. Và thế là, ông ta cất lời: ”Tôi biết xem phong thủy, không biết cô có muốn xem không?”
Nghe vị khách lạ nói vậy, người phụ nữ vui vẻ cười đáp: ”Chẳng giấu gì ông, nhà chúng tôi cũng đang chuẩn bị xây lại. Vậy thì làm phiền ông xem giúp tôi vị trí nào tốt nhất để xây nhà cho thuận.”
Vị đạo sĩ nhìn ngắm một hồi, cuối cùng chỉ vào một vị trí mà theo phong thủy học là xấu nhất và nói: ”Vị trí này là đẹp nhất, xây nhà trên mảnh đất này chắc chắn cả nhà cô sẽ phát, cuộc sống sẽ đủ đầy, hạnh phúc.”
Người phụ nữ nghe xong thì mừng lắm, luôn miệng cảm ơn vị đạo sĩ nọ, nhưng cô nào có biết rằng, ông ta đang ”chơi xấu mình, cố tình tìm một mảnh đất hung và nói đó là đất tốt nhằm mục đích dạy cho cô ta một bài học..."
Bẵng đi 10 năm, trong một dịp tình cờ, vị đạo sĩ quay trở lại khu vực trên và phát hiện ra rằng, gia đình người phụ nữ khi xưa cho ông ta nước uống chẳng những không lụi bại mà còn làm ăn phát đạt, cuộc sống ngày càng khá giả.
Điều này khiến vị đạo sĩ lấy làm băn khoăn, khó hiểu lắm.
Gặp lại ”khách quý“, người phụ nữ đon đả mời vào nhà, tiếp đãi nhiệt tình, đồng thời vẫn tỏ ra vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ của ông ta trước đây.
Gia đình cô cho rằng, nhờ đạo sĩ chọn được đúng mảnh đất quý, họ không chỉ khấm khá mà còn sinh thêm được hai cậu con trai thông minh, ngoan ngoãn, được đặt hai cái tên khá kêu.
Vị đạo sĩ nghĩ bụng, lẽ nào nhà này ăn nên làm ra là nhờ tên hai cậu con trai có thể át được cái hung của mảnh đất xấu?
Băn khoăn một hồi, vị đạo sĩ cuối cùng không nhẫn nại được, quyết định hỏi người phụ nữ một câu hỏi mà suốt 10 năm qua, ông ta không thể nào hiểu nổi: ”Ngày đó tôi xin nước uống, cô có bỏ vào bát nước vài hạt cám, tôi thật không hiểu vì sao cô lại làm như vậy?”
Sau khi lắng nghe, người phụ nữ mỉm cười và nói: “Trong phạm vi mấy dặm ở vùng này không có người, người đi đến đây nhất định phải đi rất xa, lập tức uống nước liền có hại đối với cơ thể. Cho anh chờ một lúc là vì để hơi thở của anh ổn định lại. Nước lạnh càng làm tổn hại thân thể, do đó thay bằng nước sôi, cho thêm cám là để ông phải thổi, uống một miếng nước lớn có hại đối với cơ thể… Làm như vậy ông sẽ uống chậm lại một chút.”
Nghe xong câu trả lời, vị đạo sĩ giật mình thấy xấu hổ và hối hận, lẩm bẩm nói với chính mình: ”Nhất Niệm thiện tâm, thần quỷ nan phạm“, ý chỉ rằng, chỉ cần có cái tâm lương thiện, thần, quỷ đều khó có thể gây khó dễ.
Ngôi nhà của người phụ nữ rõ ràng được xây trên mảnh đất hung, nhưng chính nhờ cái tâm lương thiện mà đất dữ hóa lành, đất hung hóa cát.
Từ đó về sau, ông đã từ bỏ các loại phong thủy, chuyên tâm tu hành bản thân. Bởi vì cuối cùng ông đã hiểu rằng: tốt hơn phong thủy rất nhiều chính là thiện tâm, cao hơn phép thuật chính là nhân quả.
Phong thủy lớn nhất đời người chính là thiện tâm
Người xưa nói: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích. Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích“.

Sưu tầm