*Một người phụ nữ lớn tuổi ngồi trên xe bus. Ở một điểm dừng một người phụ nữ trẻ khỏe, lên xe ngồi cạnh người phụ nữ lớn tuổi và để cạnh bà vô số va li túi xách. Thấy bà im lặng, người phụ nữ trẻ hỏi bà sẽ không phiền chứ.
Người phụ nữ lớn tuổi trả lời bằng một nụ cười.
- Không phiền vì việc này, chuyến đi của tôi bên cạnh cô sẽ ngắn ngủi và tôi sẽ xuống ở điểm dừng tiếp theo.
Mỗi người chúng ta phải hiểu rằng thời gian của chúng ta trên thế giới này quá ngắn ngủi, những tranh cãi vô bổ, ghen tị, bất mãn là một sự lãng phí thời gian vô lý.
- Có ai đó làm tan nát trái tim bạn, bình tĩnh. Chuyến đi quá ngắn.
- Có ai phản bội bạn, lừa dối bạn, đừng căng thẳng. Chuyến đi quá ngắn.
- Có ai xúc phạm bạn không lý do, bỏ qua. Chuyến đi quá ngắn.
- Dù ai đó mang đến cho mình vấn đề gì, hãy nhớ rằng hành trình của chúng ta cùng nhau quá ngắn.
Không ai biết được chiều dài của chuyến đi của chúng ta.
Không ai biết được khi nào nó mới đến điểm dừng.
Chúng ta hãy trân trọng bạn bè và gia đình, tha thứ, chia sẻ, bao dung và cởi mở, lòng biết ơn và niềm vui. Sau tất cả các chuyến đi cùng nhau của chúng ta có thể rất ngắn.
Chia sẻ nụ cười, niềm vui và nỗi buồn với tất cả....
- Có thể chuyến đi của chúng ta sẽ rất ngắn trong cuộc sống này.
Cang Huỳnh lược dịch từ La Vie est Belle.
KHI DÙNG THỨ GÌ MIỄN PHÍ, HÃY NHỚ ĐẾN BÀI HỌC CON DAO CỦA NGƯỜI ESKIMO.
Những người Eskimo lấy các lưỡi dao thật sắc đem nhúng vào máu động vật, sau đó họ mang ra ngoài trời cho đóng băng lại. Họ làm như vậy nhiều lần để lớp băng càng lúc càng dày thêm, đến một thời điểm mà lớp băng bằng máu bên ngoài hoàn toàn che đậy được lưỡi dao bên trong.
Tối đến, họ cắm cán dao xuống tuyết. Những con chó sói đánh hơi được mùi của thú rừng từ lưỡi dao và mon men đến.
Chúng bắt đầu liếm những lớp băng bằng máu đó, càng lúc càng hăng say hơn, với tất cả những sự thèm thuồng. Cho đến một lúc những lớp băng bên ngoài lưỡi dao đã tan chảy hết và chạm đến lưỡi dao. Khi liếm những lưỡi dao, lưỡi của những con chó sói bị đứt và máu chảy ra, nhưng chúng lại tưởng đó là máu của thú rừng nên càng liếm hăng say hơn.
Càng chảy máu thì nó càng khát, và càng khát thì nó lại càng liếm… Sáng hôm sau, người Eskimo chỉ việc đi thu lượm xác của những con sói nằm chết bên cạnh những lưỡi dao đó.
Mạng xã hội,.... cũng vậy, khi người dùng đang xài thứ gì đó miễn phí họ không còn là khách hàng nữa mà đã trở thành nạn nhân của một ai đó hay tổ chức nào đó, tương tự như câu chuyện những con dao của người Eskimo.
“Bên ngoài một chiếc bẫy bao giờ cũng là những điều tuyệt vời đầy hấp dẫn.”
Những cám dỗ thường luôn hào nhoáng và nó làm sai lệch nhận thức của chúng ta. Vì vậy hãy giữ mình tỉnh táo để biết mình đang làm gì..!
Nguồn: Voz.vn/fb: Nguyễn Hải Nhu
CÂU CHUYỆN NHÀ SƯ CÕNG CÔ GÁI QUA SÔNG: HỌC CÁCH BUÔNG BỎ TRONG TÂM TRÍ
Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một con sông. Cũng chính tại đó, họ gặp một phụ nữ rất muốn sang sông nhưng con sông lớn và sâu nên cô không dám lội xuống nước.
Không chút đắn đo, lão hòa thượng liền chủ động cõng người phụ nữ đó và đặt cô ấy xuống sau khi đã đến bờ bên kia rồi tiếp tục cùng tiểu hòa thượng lên đường.
Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt dọc đường đi. Về đến chùa, không chịu nổi nữa chú tìm đến trụ trì và kể cho trụ trì nghe sự việc.
Trụ trì nghe xong thì mỉm cười và nói: “Sư thầy đã đặt người phụ nữ xuống ngay khi qua được dòng sông rồi, còn con vẫn cõng cô ấy về đến tận phòng ta à?”
Câu trả lời của trụ trì chứa đựng một thông điệp mà có lẽ bất kỳ ai cũng cần khắc cốt ghi tâm. Đó là thông điệp về sự buông bỏ trong tâm trí.
Cuộc sống sẽ có những lúc mọi việc không được như ý ta mong muốn. Tuy vậy, biết nắm biết buông đúng lúc sẽ mang lại cho chúng ta sự bình yên từ trong tâm. Và từ sự bình yên đó ta mới có thể làm được nhiều điều tuyệt vời khác cho chính mình và những người xung quanh.
Một người luôn có tâm bình an, hoà nhã, vui vẻ sẽ toả ra năng lượng tích cực tác động đến những người xung quanh khiến mọi thứ trở nên dễ chịu hơn. Ngược lại, tâm thái luôn nóng giận, bực tức, không bằng lòng sẽ chỉ tự chuốc thêm buồn phiền cho bản thân.
Câu chuyện truyền tải thông điệp về sự buông bỏ trong tâm trí.
Bạn đang cõng bao nhiêu muộn phiền trên lưng vậy? Để bước tiếp và tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống, hãy đặt những muộn phiền lo toan xuống và hành trang của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Sưu tầm.
AI RỒI CŨNG PHẢI VỀ VỚI CÁT BỤI.
Ai rồi cũng phải về với cát bụi. Có ai sống mãi trên nhân thế này đâu. Thời gian ngày càng ngắn lại, sức khỏe ngày càng yếu đi. Sao không bắt tay vào làm ngay những điều mình mong ước, sao không đi đến những nơi bản thân thích thú, sao không sắm ngay những thứ ta từng mơ khi trong túi vẫn đủ tiền. Sao không chào mọi người bằng cái vẫy tay, bằng một nụ cười, bởi biết đâu, đó là lần đầu tiên ta gặp họ, và cũng là lần cuối cùng, vì không còn duyên gặp lại.
Tuổi già nên tạo cho mình một đam mê sáng tạo: Như chụp hình, vẽ tranh, làm vườn, trồng cây, đi đây, đi đó...Tất cả những điều này, trở thành gia vị cho cuộc sống, là những điều mà thời trẻ vì mải mê bận rộn với manh áo, miếng cơm, mà ta không thực hiện được.
Đoạn đường trước mặt của mọi người ngày càng ngắn lại, sao không thể tha thứ, bao dung cho nhau những tị hiềm, những đụng chạm của ngày xưa. Sao không xiết tay nhau khi còn sống, sao không ăn miếng ngon, để thưởng thức hương vị của cuộc đời, khi túi còn đủ tiền để trả. Có lẽ đã đến lúc ta không nên hà tiện, keo kiệt, để làm khổ thân mình.
Nếu con cháu ngoan hiền, thành đạt, có tình cảm với ta, chăm sóc, thăm hỏi ta, thì đó là điều hạnh phúc. Bằng không, nếu chúng quên đi tình cảm gia đình, thì cũng đừng lấy đó làm điều buồn phiền mà thất vọng.
Con cái muốn đi theo con đường nào, chọn ngành nghề gì, yêu ai, muốn lập gia đình với ai, ta cũng chỉ nên khuyên nhủ, định hướng, chứ đừng bắt chúng phải sống theo ý ta, sống vì ta. Bởi chúng có cuộc đời riêng của mình, và ta cũng chẳng thể sống mãi với chúng được, nên hãy để chúng được quyết định cuộc đời của mình.
Đến tuổi già, ta cũng đừng nên quá tin tưởng vào con cái, mà giao hết số tiền dành dụm suốt cuộc đời cho chúng. Vì biết đâu, đó là những bất hạnh mà ta phải chịu đựng sau này.
Người biết lo xa khi tuổi trung niên vừa đến, đã chuẩn bị cho tuổi già. Chuẩn bị để khỏi lệ thuộc vào con cái về mặt vật chất. Được như thế, những ngày tuổi già của ta không cần phải trông chờ vào những đồng tiền chu cấp của các con.
Người ta bảo, tuổi già buồn, nhưng thật ra, nếu biết cách sống và có sức khỏe, thì tuổi già sẽ rất vui. Đó là tuổi đã làm xong phận sự, cũng chẳng còn nhiều trách nhiệm với cuộc đời, mọi lo toan cũng chẳng còn mấy chốc. Tuổi ấy, giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, cũng chẳng còn bao nhiêu sức lực và thời gian để thay đổi số mệnh.
Đau khổ, lo âu hay hạnh phúc...đều do tâm mà ra. Ai rồi cũng phải về với cát bụi, nên cứ an lạc, an nhiên mà đi, chăm sóc bản thân, chấp nhận cái đích cuối cùng của loài người. Đừng quá lo âu, sợ hãi cái chết, hãy xem cuộc đời chẳng có gì quan trọng nữa, và tận hưởng nó đến giây phút cuối cùng. Đó chính là con đường hạnh phúc trọn vẹn nhất !!!
Sưu tầm