“Chưa đặt chân đến chợ Bến Thành coi như chưa tới hòn ngọc Viễn Đông”, câu cửa miệng một thời của người dân miền Nam đến nay vẫn còn nhiều thế hệ nhắc đến. Với họ, chợ Bến Thành mới là biểu tượng của thành phố xa hoa lộng lẫy Sài Gòn chứ không phải công trình kiến trúc bề thế, hiện đại như Dinh Xã Tây hay Dinh Độc Lập.
Nhiều người gắn bó ở đây còn thuộc lòng tên chủ chợ, sạp hàng của ngôi chợ sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhưng hiếm ai để ý đến mấy bức phù điêu nơi cửa chợ, chúng được gắn khi nào, ai là tác giả, họ còn hay mất?
Thế nhưng có mấy ai biết, thậm chí cả những người bảo vệ già, miệng “hét ra lửa” ở ngôi chợ nổi tiếng hơn thế kỷ qua, khi nghe hỏi về mấy bức phù điêu gắn ở bốn cửa chợ hướng tây, bắc, đông, nam cũng chỉ biết lắc đầu.
Ở tuổi 86, nghệ nhân Nguyễn Trí Dạng lúc nào cũng khát khao cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật.
Mà không riêng gì họ, nhiều chủ sạp gắn bó lâu đời với ngôi chợ nổi tiếng nói thách ở đây cũng chỉ xem mấy bức phù điêu như bao tấm gạch vô hồn khác. Họ không quan tâm đến cũng chẳng có gì lạ, chủ sạp là người thuê nên hằng ngày lo kiếm tiền cho đủ “sở hụi”, còn mấy tấm đất nung mà người đời gọi là phù điêu kia không có nhiều ý nghĩa đối với họ.
Sau nhiều ngày dò tìm, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông sau bao năm “vật đổi sao dời”, bạn đồng môn ngày trước nay còn lại mình ông. Ông là người gốc Biên Hòa, dân Nam bộ gọi ông là nghệ nhân Tư Dạng, còn tên cha sinh mẹ đẻ năm 1932 đặt cho ông là Nguyễn Trí Dạng, hiện có ngôi nhà nhỏ ở sâu bên trong đường ray xe lửa, thuộc phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nghệ nhân Tư Dạng là người trong cuộc nên biết rất rõ câu chuyện mấy bức phù điêu nơi cửa chợ Bến Thành.
Mở đầu câu chuyện, ông nhắc đến người cha tôn kính của mình là nghệ nhân Nguyễn Trí Đồng, từng làm Chủ nhiệm HTX Mỹ nghệ Biên Hòa những năm 1950. HTX trực thuộc trường Mỹ Nghệ thực hành Biên Hòa do người Pháp lập ra năm 1903, nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Thời đó trường này còn được gọi là trường Bá Nghệ, vì dạy rất nhiều nghề như: mộc, đồng, dệt lụa và thế mạnh là nghề gốm. Trên xứ Nam Kỳ khi đó còn có hai trường Bá Nghệ nữa là trường Bá Nghệ Thủ Dầu Một ở Bình Dương, thế mạnh dạy mộc mỹ nghệ và trường Bá Nghệ Sài Gòn đào tạo chuyên sâu lĩnh vực cơ khí.
Năm 14 tuổi Tư Dạng được cha gửi vào trường Bá Nghệ Biên Hòa để nối nghiệp gia đình. Sau 4 năm học, năm 1950 Tư Dạng ra trường. Cũng vừa lúc trường thành lập HTX, vì trường thiên về thực hành nên HTX chính là nơi để cho các cựu học viên “dụng võ”, nếu không muốn mở lò riêng thì về đây vẫy vùng sáng tác. Khi đó sản phẩm gốm của HTX được coi là “nhất xứ Đông Dương” nên hầu hết sản phẩm ra lò được xuất khẩu đi nước ngoài mà chủ yếu là các quốc gia ở châu Âu.
Một số thương gia lớn có cửa hàng nằm trên đường Catinat thời đó, nay là đường Đồng Khởi, từng có thời gian dài lấy sản phẩm gốm Biên Hòa về bán cho khách ngoại quốc và bán rất chạy. Ngay cả những ông bà “quan lớn” người Việt thời đó muốn chơi đồ gốm Biên Hòa cũng ra đây mua chứ hiếm có cơ hội mua được sản phẩm mới ra lò tại HTX. Đủ để thấy sản phẩm gốm Biên Hòa thời đó có giá như thế nào. Nghệ nhân Tư Dạng nhớ lại khi mới về HTX, 1 tháng lương của ông bằng 3 tháng lương công chức.
Một ngày đầu năm 1952, Tư Dạng khi đó mới 20 tuổi, nhớ có một nhà thầu tu sửa chợ Bến Thành từ Sài Gòn lên Biên Hòa đặt trường Bá Nghệ làm 12 bức phù điêu, bức lớn có kích thước 2,2x1,5 mét; bức nhỏ 2,0x1,4 mét về đặt nơi 4 cửa chợ. Mỗi cửa gắn 3 bức, 1 bức lớn ở trên và 2 bức nhỏ ở dưới như hiện thấy. Phụ trách ban gốm của trường khi đó là thầy giáo tài hoa Lê Văn Mậu - sau năm 1975 từng là giảng viên cơ hữu của trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, nhận trách nhiệm thực hiện đơn hàng.
Lão nghệ nhân Tư Dạng nói mình không biết giá trị đơn hàng khi đó bao nhiêu nhưng khoảng 2 tuần sau, thầy Mậu chuyển trực tiếp xuống HTX cho ông bản phác họa mấy bức phù điêu để bắt tay thực hiện. Ông lấy đất cuốc (cao lanh) từ chiến khu D, ngày trước thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai nay thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đem về để tạo hình, tráng men rồi đưa vào lò nung củi. Nghệ nhân Tư Dạng nhớ các công đoạn này làm xong tròn trèm 3 tháng.
Trong đó công đoạn nung men được cho là khó khăn nhất vì nhà thầu yêu cầu kỹ thuật rất cao, sản phẩm mang tính trường cửu mới chịu được nắng mưa đỏng đảnh của Sài Gòn. Ông nói sản phẩm gốm chịu được thời tiết mưa nắng bất thường như vậy thì nhất định phải được nung cao độ. Để không phụ lòng thầy, ông tự nguyện làm người canh lửa cho 12 bức phù điêu.
Ông không nhớ rõ chúng được nung trong bao lâu, hết bao nhiêu thước củi, chỉ nhớ chúng được đưa vào lò một lượt, nung liên tục nhiều ngày ở nhiệt độ cao lên đến 4.280ºC, trong khi sản phẩm gốm sứ thông thường xuất lò khi đó chỉ cần nung 1.150ºC là đủ.
Ở đây chúng được nung tới độ vật liệu kết dính thành khối, sản phẩn cứng như đá núi nên dẫu có bỏ ngoài mưa gió trăm năm cũng không phai sắc. Vào thời kỳ đó hiếm có hóa chất nhập khẩu dùng cho ngành gốm, màu men dùng cho sản phẩm gốm được nghệ nhân pha chế từ nguyên liệu gốc là đồng với nguyên liệu lấy từ thiên nhiên để cho ra một hợp chất theo ý muốn, gọi là “men ta”.
Còn men nhập cảng gọi là “men tàu”, vì chúng được vận chuyển bằng tàu. Dòng sản phẩm gốm Biên Hòa một thời nổi tiếng Đông Dương cũng chính từ cách pha chế truyền thống này. Do vậy mà 12 bức phù điêu cũng được làm từ “men ta” do chính tay Tư Dạng pha chế.
Tuy nhiên do nung bằng củi, lửa trong lò không đều nên màu men trên cùng một sản phẩm có màu sắc đậm nhạt khác nhau. Không riêng gì màu sắc của 12 bức phù điêu mà hầu hết sản phẩm gốm thời đó đều như vậy. Ngày nay quan sát các hình tượng trên cùng sản phẩm của những bức phù điêu ở chợ Bến Thành như đầu bò, cá đuối, nải chuối, con vịt xiêm..., người ta rất dễ nhận ra chúng có màu trắng, trắng ngà, màu mỡ gà, màu chu... điều này rất hiếm thấy trên các dòng sản phẩm gốm hiện thời. Có lẽ do người canh lửa không đều vô tình tạo nên tính độc đáo của mấy bức phù điêu!
Sau khi sản phẩm ra lò, thầy Mậu là người trực tiếp chọn lựa, kiểm tra và cho mài giũa sơ qua góc cạnh. Sau đó giao lại cho Tư Dạng cùng với 2 người khác khác là Võ Ngọc Hảo (mất năm 2016) và Lê Văn Ngà (mất năm 1980) mang xuống chợ Bến Thành lắp đặt. Các vị trí lắp đặt đã được nhà thầu định khung sẵn cùng với giàn giáo được dựng lên trước đó.
Tư Dạng cùng hai người bạn đồng môn chỉ việc đưa mấy bức phù điêu lên khung lắp ghép. Nghệ nhân Tư Dạng nhớ mới xuống Sài Gòn được hai ngày, ông Ngà không chịu nổi cái nắng như rải lửa của tháng Giêng nên ngã bệnh và trở về Biên Hòa. Còn lại hai người lắp đặt liên tục gần hai tháng rưỡi mới hoàn thành 12 bức phù điêu. Trong suốt thời gian ở đây, cả hai tối đến ngủ ngay dưới chân tháp đồng hồ trước chợ.
Trước khi gặp ông, chúng tôi đã quan sát rất kỹ những bức phù điêu được gắn lên từ năm 1952, đến nay hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn giữ được độ bóng của màu men và không hề thấy có bất kỳ dấu rạn nứt nào. Nghệ nhân Tư Dạng cho rằng tác phẩm của mình làm ra thì nhiều, song, mấy bức phù điêu ở chợ Bến Thành ông luôn để tâm theo dõi mỗi khi có dịp xuống Sài Gòn và chưa hề nghe ai chê trách, hoặc “mắng vốn” vì chúng bong tróc, rơi rớt hay màu men phai nhạt. Ông nói, mỗi lần ghé lại chợ “trông nó vẫn y như ngày xưa”. Vì thế, theo ông, nó vẫn còn thích hợp và có giá trị lâu dài đối với ngôi chợ truyền thống lâu đời này.
Bí ẩn chưa có lời giải thỏa đáng
Có một điều đến nay ông cũng thắc mắc là tại 4 cửa chợ gắn phù điêu mang biểu tượng: cá đuối với nải chuối (cửa tây), con vịt xiêm với nải chuối (cửa bắc), bò với heo (cửa đông), đầu bò với cá chép (cửa nam), kể từ ngày ông gắn mấy bức phù điêu tới giờ không thấy khu vực bên dưới biểu tượng bày bán những món hàng hóa nông sản giống trên phù điêu.
Bởi theo ông suy đoán rất có thể là khi ngôi chợ này được xây mới và đi vào hoạt động năm 1914, ở khu vực 4 cửa chợ từng được bày bán các món hàng nông sản giống như biểu tượng?
Còn theo một số tài liệu nghiên cứu lịch sử Sài Gòn - Gia Định thì đầu năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, binh lính được lệnh hỏa công ngôi chợ tạm Bến Thành. Một năm sau, trên nền chợ cũ, người Pháp cho xây dựng lại một ngôi chợ khác bằng cột gạch, sườn gỗ, mái lợp lá.
Đến năm 1870, ngôi chợ này lại bị cháy mất một gian nên phải xây cất lại, khi đó có tất cả 5 gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Năm 1911, ngôi chợ này trở nên cũ kỹ và hư hỏng. Để tránh tai họa, người Pháp cho xây dựng lại và từ đó chợ Bến Thành còn có tên là “chợ mới”.
Chợ mới bắt đầu xây dựng từ năm 1912 và 3 năm sau mới hoàn tất. Các gian hàng vẫn được bố trí lại như chợ cũ. Đó là lý do mà sau khi sửa chữa chợ Bến Thành vào năm 1952, nhà thầu cho gắn những bức phù điêu này. Có vẻ như không ngoài mục đích lưu dấu biểu tượng truyền thống ban đầu của ngôi chợ?
Còn về sau, do nhiều yếu tố khách quan của thị trường, nhu cầu phát triển của một xã hội văn minh tác động đến môi trường giao thương nên các biểu tượng một thời của ngôi chợ sang trọng bậc nhất Sài Gòn đã khiến cho nhiều du khách thập phương ngộ nhận. Và, ngày nay người ta biết đến chợ Bến Thành như là ngôi chợ du lịch của Sài Gòn với các ngành hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, trái cây, hoa tươi...
Lão nghệ nhân Tư Dạng cũng là người góp phần làm nên tên tuổi của dòng gốm sứ Biên Hòa một thời nhất xứ Đông Dương. Nhưng, trong nhà ông hiện thời lưu giữ chưa đến 10 tác phẩm gốm sứ. Trong đó có một bức tượng ông Thọ, do ông sáng tác khi còn học và được lưu ở trường.
Ông nói tác phẩm này thật có duyên với ông vì trong một lần trường tổ chức bốc thăm làm quà cho cựu học viên khoảng giữa năm 1960, ông bốc thăm trúng tác phẩm của mình nên ông rất quý bức tượng này. Rất nhiều tay buôn đồ cổ đến năn nỉ ông mua bức tượng với giá cao nhưng ông nhất quyết không bán.
Ngày trước, có thời gian dài khoảng 30 năm ông “trưng” bức tượng ở trụ rào trước cổng nhà cùng với bức tượng Đế Thiên Đế Thích, đã nhiều năm nhưng màu men vẫn không phai. Tượng Đế Thiên Đế Thích bị trộm cạy lấy mất, ông sợ mất luôn bức tượng ông Thọ nên gỡ đem vào nhà. Ông nói đùa đó là “kỷ vật son sắt trăm năm” bởi dẫu có bỏ ngoài mưa gió trăm năm cũng không bị hư hại, vì tượng được nung nhiệt độ cao, vật liệu kết khối.
Tết vừa qua, lão nghệ nhân Tư Dạng tròn 86 tuổi. Mặc dù chục năm nay ông phải qua 8 lần phẫu thuật van tim, túi mật, đại tràng, tuyến tiền liệt... vậy mà “lửa” sáng tác trong ông lúc nào cũng rừng rực cháy như lò nung gốm. Sở trường của ông không chỉ làm các bức phù điêu lớn mà còn sáng tác các tượng gốm sứ tâm linh như tượng Đế Thiên Đế Thích, tượng ông Thọ... Tháng nào ông cũng có khách đến đặt hàng, trong đó có không ít nghệ nhân từ làng gốm Bát Tràng cũng vào đặt ông làm các tượng gốm mỹ thuật cao cấp.
Trong số 170 xã viên cùng ông ở HTX ngày trước, nay chỉ còn lại một mình ông. Người bạn đồng môn thân thiết ở HTX từ năm 18 tuổi là ông Võ Ngọc Hảo, sinh cùng năm, học nghề cùng lớp, cũng mất cách đây 2 năm. Giờ đây, ông trở thành nhân chứng cuối cùng của 12 bức phù điêu gắn nơi cửa chợ Bến Thành.
Với ông nó vẫn còn nguyên vẹn sau hơn nửa thế kỷ trôi qua...
(Kỳ Phương sưu tầm)
Độc đáo thành phố đá Petra
VTV.vn - Nằm ẩn mình trong những dãy núi giữa sa mạc, Petra là một địa danh hùng vĩ, gần như độc nhất vô nhị của đất nước Jordan.
Ở Petra, toàn bộ những đền đài, lăng tẩm, nhà ở... đều được tạo nên bằng cách đẽo tạc vào trong những lòng núi. Trải qua hơn 2.000 năm, Petra ngày nay vẫn giữ được những vẻ đẹp gần như nguyên vẹn và được UNESCO công nhận là một trong những di sản của nhân loại.
Không ai biết Petra đã tồn tại từ khi nào. Chỉ vài sử liệu ít ỏi còn lại tới ngày nay cho thấy nơi đây đã từng gắn liền với triều đại của những Nabatean, vốn phát triển thịnh trị vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Nhưng đến năm 363 sau công nguyên, hầu như cả thành phố đã bị chôn vùi sau một trận động đất. Phải 15 thế kỷ sau, con người mới lại biết đến sự tồn tại của nó.
(Ảnh: National Geographic)
Ông Laith Makahleh - hướng dẫn viên khu di tích Petra - cho biết: "Người ta xây dựng nên những công trình này bằng cách đục vào các núi đá từ trên xuống, với những cây đục và búa. Ngày nay vẫn còn dấu tích của những hốc đá, nơi họ treo những giàn giáo để thực hiện công trình này".
Để đi được vào Petra, người ta sẽ phải vượt qua một khe núi hẹp, trải dài tới gần 2 km, gợi liên tưởng tới những thành phố bí ẩn trong truyền thuyết. Đến cuối con đường, một không gian hùng vĩ được mở ra.
"Những cư dân cổ xưa tại đây đã cố tìm ra một nơi để có thể được bảo vệ một cách tự nhiên. Chẳng hạn nếu bạn đứng từ đỉnh núi nhìn xuống sẽ không hề biết có sự tồn tại của thành phố này. Tương truyền họ phải làm vậy để cất giữ những khó báu ở nơi đây" - ông Laith Makahleh tiết lộ.
(Ảnh: National Geographic)
Những công trình cổ xưa được chạm khắc tinh xảo nhưng Petra còn đặc biệt ở chỗ người ta có thể tìm thấy những trường phái kiến trúc đa dạng ở nơi đây, từ Ai Cập cổ đại cho tới nền văn minh Babylon tại Iraq ngày nay hay cả những sân khấu ngoài trời mang phong cách Hy Lạp - La Mã.
Những công trình độc đáo, tinh xảo lại tập hợp được trường phái của những nền văn hóa khác nhau một lần nữa cho thấy sự thú vị của những nền văn minh cổ xưa. Còn rất nhiều những bí ẩn chưa có lời giải về Petra. Những giá trị kiến trúc, văn hóa hơn 2.000 năm tuổi vẫn khiến người đời nay không khỏi ấn tượng.
Vị Vua Việt Nam Nào Sau 4 Năm Trị Vì Đã Truyền Ngôi Cho Người Ngoài?
Ông được sử sách công nhận là vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam, cũng là vị vua đầu tiên truyền ngôi cho người ngoài mà không phải con cháu ruột thịt.