a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Những món ăn lừng danh ở miền gái đẹp Tiền Giang

 


Hủ tiếu Mỹ Tho, bún gỏi già hay chả nướng chợ Gạo là những món ăn nhất định bạn nên thử khi đến thăm Tiền Giang.

Hủ tiếu Mỹ Tho

Có lẽ món ăn được nhắc đến đầu tiên khi nhớ về miền đất Tiền Giang chính là hủ tiếu Mỹ Tho – một trong ba thương hiệu hủ tiếu nức tiếng nhất, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Vào bất cứ tiệm bán hủ tiếu nào ở Mỹ Tho cũng sẽ nhìn thấy trên bàn ăn những thứ lỉnh kỉnh như: lọ nước mắm, tương xì dầu, tương ớt, tương đen, chanh, giá sống, ớt hiểm, tỏi, ớt sừng trâu xắt xéo màu xanh, vàng, đỏ. Rổ rau thường có ngò gai, quế là những thứ không bao giờ thiếu.


Bí quyết làm nên sợi hủ tiếu ngon ở Mỹ Tho là gạo Gò Cát thơm dẻo. Ảnh: I.T

Đặc điểm của hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai dai, hương vị hơi chua, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở nơi nào khác. Những tiệm hủ tiếu ngon “số dzách” ở Mỹ Tho có thể đếm trên đầu ngón tay. Một tiệm hủ tiếu Mỹ Tho ăn ngon, bao giờ cũng kèm theo bánh mì, hoành thánh, hai món chiến lược rất khoái khẩu của người Hoa.

Bí quyết làm nên sợi hủ tiếu ngon ở Mỹ Tho là gạo Gò Cát thơm dẻo. Ở Tiền Giang, món hủ tiếu thường gồm có tôm, mực, gan heo, lòng, tim, gan, hoành thánh, sườn… Nước dùng ngon phải là loại đậm vị nước hầm xương, tôm khô và mực nướng, pha một chút vị của củ cải thanh thanh.

Bún gỏi già

Chỉ riêng cái tên món ăn này cũng đủ khiến bạn tò mò. Món ăn này làm từ tôm, me chua, tương xay, bún, tôm tươi, sườn non, thịt ba chỉ thái sợi, chan nước lèo và ăn cùng nhiều loại rau sống phong phú như húng, bắp chuối, hẹ, giá, rau muống chẻ. Bún gỏi già thực ra cũng hao hao giống bún mắm.Nói là giống, nhưng vị của nó khác nhau xa. Bún mắm và bún gỏi già có chung nguyên liệu là mắm cá. Bún gỏi phải nấu chung với me, mới cho ra vị nước lèo chua chua ngọt ngọt ăn không ngán là vì vậy.


Món ăn này ngon là nhờ hương vị của hẹ. Ảnh: I.T

Đặc biệt, món ăn này chỉ ăn chung với tép là ngon nhất. Tép bạc, tép lột, hay tôm sú lột đều được cả. Những con tép đỏ au, được lột vỏ kỹ càng trông hấp dẫn. Bún gỏi già chua chua ngọt ngọt ăn ghém với rau muống và bông chuối bào... Nhưng món ăn này ngon lànhờ hương vị của hẹ.Thêm nữa phải có nước chấm đặc biệt nó là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, rất thơm và có vị ngọt đậm đà.

Chả nướng chợ Gạo

Chả nướng chợ Gạo là một trong các đặc sản Tiền Giang mà người đi xa luôn nhung nhớ. Món ăn được làm vào dịp giỗ chạp hay lễ tết với các nguyên liệu như thịt nạc vai, hành tím, tỏi, trứng vịt, bánh tráng, lá chuối, các loại rau ăn kèm… Thịt luộc chín thái mỏng, xào với hành tỏi cho thơm rồi trộn chung với trứng vịt, tỏi, tiêu, nước mắm, hạt nêm.

Người Tiền Giang nướng chả bằng nồi gang để mẻ chả chín đều và chín từ trong. Đặc biệt, người ta phải lót lá chuối dưới đáy nồi để lấy được miếng chả ra dễ dàng, không bị xát, hơn nữa lại dậy mùi thơm mát. Chả được nước bằng than là ngon nhất, miếng chả chín thái ra, cuộn cùng bánh tráng, rau thơm và chấm nước mắm chua ngọt.

Vú sữa Lò Rèn


Mùa vú sữa thường khoảng tháng 9 đến tháng 4 âm lịch năm sau. Ảnh: I.T

Miệt vườn miền Tây nổi tiếng với các loại hoa trái sum sê, quả ngọt, trái thơm. Một trong số đặc sản được nhớ tới nhiều nhất chính là vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang). Cũng là trái vú sữa chín nhưng ruột bên trong trắng tinh, mọng nước, vị ngọt thanh và hương thơm mát nhẹ nhàng.

Bên ngoài quả vú sữa căng bóng, quả to, tròn và nặng. Mùa vú sữa thường khoảng tháng 9 đến tháng 4 âm lịch năm sau. Ngày nay, vú sữa Lò Rèn được thương lái mang đi muôn nơi và được khách hàng yêu thích.

Chuối quết dừa

Chuối quết dừa là món ăn vặt khá lạ miệng có xuất xứ từ Tiền Giang. Mùi vị giản dị, ngọt ngào, thơm bùi, dùng với nước chấm chua ngọt pha từ nước mắm chanh, tỏi, ớt hiểm, nước cốt dừa. Để làm món ăn này, người ta luộc chuối đến chín dẻo, vàng thơm, trộn với dừa nạo, dứa thái lát, giã trong cối cho tới khi nhuyễn rồi thêm muối đường cho hợp vị. Khi ra thành phẩm, món ăn vừa béo bùi vị dừa nạo, ăn kèm bánh tráng, các loại rau vườn và nước chấm tạo nên mùi vị là lạ, vừa mặn vừa ngọt vừa cay thơm.

Sam biển Gò Công

Tháng 10 tới tháng 2 âm lịch năm sau là mùa sam biển ở Gò Công. Khi đó, con sam cái đang có nhiều trứng có thể chế biến thành nhiều món ngon. Trứng sam béo thơm, bổ dưỡng, màu vàng ươm, được nướng cho tới khi chín, mùi thơm ngào ngạt. Món ăn này được dùng cùng bưởi chua, củ cải chua, rau thơm, lạc rang, hành phi, chấm với mắm chanh tỏi ớt. Sam biển cũng có thể chế biến ra nhiều món khác ngon không kém như canh chua sam nấu với các loại rau.

Theo Dân Việt. VN








Siêu tàu dài nhất thế giới đã thành sắt vụn.

Dài hơn 458m với sức chở hơn 564.000 tấn hàng, Seawise Giant là con tàu dài, lớn và nặng nhất thế giới từng được sản xuất cuối thập niên 1970 đã trở thành sắt vụn.

Con tàu thậm chí dài hơn tháp Eiffel và tòa nhà Empire State. Sàn tàu có diện tích lớn hơn 6 sân bóng đá, theo Andrew Boyd, chuyên gia kỹ thuật công nghiệp ở Đại học Houston. Con tàu khổng lồ ra khơi trong hơn hai thập kỷ. Khi ngừng hoạt động, 18.000 công nhân mất hơn một năm để tháo dỡ tàu và biến nó thành đống sắt vụn, theo Interesting Engineering.

Cuối thập niên 1970, công ty đóng tàu Sumitomo Heavy Industries ở Tokyo nhận được đơn hàng đóng một siêu tàu chở dầu đồ sộ từ một thương nhân Hy Lạp. Năm 1979, khi tàu sắp hoàn thành, thương nhân đó đã rút lui. Một số nguồn tin cho rằng ông bị phá sản trong khi nguồn khác tiết lộ ông đã đổi ý. Tuy nhiên, lý do phía sau quyết định không mua Seawise Giant của ông vẫn không được tiết lộ.

Hai năm sau, Tung Chao Yung, người sở hữu công ty vận chuyển hàng hóa Orient Overseas Container Line (OOCL), liên lạc với Sumitomo. Ông bày tỏ hứng thú mua lại siêu tàu chở dầu nhưng với một điều kiện. Yung muốn con tàu lớn hơn và nhà đóng tàu Nhật Bản đồng ý. Cuối cùng, khi công ty của Yung nhận bàn giao siêu tàu chở dầu, nó dài 458m. Chỉ riêng bánh lái đã nặng tới 230 tấn. Chính Yung đặt cho con tàu tên gọi "Seawise Giant".

Siêu tàu chở dầu này lớn đến mức nếu một thủy thủ cần chuyển hướng tàu, anh ta sẽ cần khu vực trống rộng ít nhất 7.042km2. Ngoài ra, nếu tàu di chuyển ở tốc độ tối đa 30,5 km/h và thuyền trưởng muốn dừng lại, họ sẽ phải đi thêm 9km trước khi tàu đi chậm lại và dừng hẳn. Việc dừng đột ngột một tàu lớn như Seawise không thực tế và an toàn trong khi di chuyển. Đó là vì quán tính tạo bởi kích thước ngoại cỡ của tàu có thể rung lắc mọi thứ bên trong. Tuy nhiên, Seawise Giant vẫn là tài sản giá trị đối với OOCL. Trong 7 năm tiếp theo, công ty thường xuyên sử dụng con tàu để vận chuyển dầu thô giữa Mỹ và Trung Đông.

* Cái chết và sự hồi sinh của Seawise Giant

Mọi thứ thay đổi đối với Seawise Giant năm 1988. Đó là năm Iraq và Iran có chiến tranh. Ngày 14/5/1988, con tàu chở đầy dầu thô của Iran chuẩn bị khởi hành từ đảo Larak, Iran thì Không quân Iraq bắt đầu thả bom và tên lửa trong khu vực. Dầu thô trong bình chứa trên tàu Seawise Giant bắt lửa và đám cháy lan ra cả tàu chỉ trong thời gian ngắn. Tàu gặp thiệt hại nghiêm trọng và cuối cùng bị chìm.

Khi chiến tranh qua đi, OOCL chịu tổn thất nặng nề do vụ đắm tàu Seawise Giant. Họ biết nơi con tàu bị chìm nhưng vẫn để nguyên trạng do kết quả phân tích cho thấy việc trục vớt và sửa chữa siêu tàu chở dầu không khả thi về mặt kinh tế. Tuy nhiên, một công ty Na Uy khác là Normal Internation nhìn thấy cơ hội lớn. Họ quyết định kéo lên, sửa chữa và sở hữu con tàu với chi phí hàng triệu USD. Cuối cùng, họ có thể sửa xong con tàu, sử dụng 3.700 tấn thép. Họ cũng đổi tên tàu thành Happy Giant. Dù vậy, Normal International chỉ giữ con tàu trong thời gian ngắn khi nhiều ông lớn bày tỏ hứng thú mua lại.

* Sự trở lại của Seawise Giant

Năm 1991, Normal International nhận được một đề nghị cực hấp dẫn. Jørgen Jahre, một ông lớn trong ngành vận chuyển ở Na Uy trả họ 39 triệu USD để mua lại Happy Giant và đổi tên thành Jahre Viking. Không lâu sau, con tàu hoạt động trở lại trong ngành vận chuyển dầu. Công ty của Jahre thuê đội thủy thủ đoàn 40 thành viên do thuyền trưởng Surrinder Kumar Mohan chỉ huy. Họ vận hành thành công con tàu trong 10 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, những quy định thương mại đường biển thay đổi theo thời gian. Đầu thập niên 2000, các công ty vận chuyển chuyển từ tàu lớn, cũ và chậm sang tàu nhỏ, nhanh và linh hoạt. So với tàu hiện đại, Jahre Viking cần nhiều nhiên liệu hơn và có chi phí vận hành cao hơn. Ngoài ra, do chiều dài, nó không thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng qua những tuyến đường thông thương quan trọng nhưng hẹp như kênh đào Panama và Suez. Tất cả thách thức đó cuối cùng buộc Jahre phải bán con tàu lớn nhất thế giới cho First Olsen Tankers.

* Hành trình cuối cùng của con tàu dài nhất

First Olsen Tankers tiếp nhận con tàu năm 2004. Họ đổi tên nó thành Knock Nevis và sử dụng trong 5 năm làm cơ sở lưu trữ cố định ở mỏ dầu Al Shaheen tại Qatar. Cuối cùng, khi tàu không còn phù hợp để lưu trữ bình chứa dầu, nó được bán cho một xưởng phá dỡ tàu ở Gujarat, Ấn Độ, và đổi tên thành Mont. Không lâu sau, Seawise Giant thực hiện hành trình cuối cùng và tới đích vào tháng 12/2009. Năm tiếp theo, 18.000 công nhân tham gia tháo dỡ nó. Phần duy nhất của siêu tàu chở dầu còn tồn tại hiện nay là mỏ neo nặng 36 tấn, trưng bày ở Bảo tàng hàng hải Hong Kong.
===========
Tàu Seawise Giant chuyên vận chuyển dầu mỏ trên biển. (Ảnh: Orbitshub).

Hầm Hỏa Xa Tháp Chàm – Đà Lạt Chỉ Còn Là Phế Tích

Nhân một chuyến đi từ Phan Rang lên Đà Lạt, tôi có ghé thăm đường hầm hoả xa, nơi này ngày xưa tuyến đường sắt răng cưa đi từ Tháp Chàm (Phan Rang) lên Đà Lạt. Loại đường sắt này hình như trên thế giới chỉ có 2 nơi có, một là Thuỵ Sĩ và hai là Đà Lạt. Do địa hình đèo dốc nên đã tạo ra một sự độc đáo, vì phải leo lên độ cao rất lớn trên đường ray nên người ta phải tạo thêm một đoạn răng cưa giúp tàu hoả có điểm tựa bám chắc vào đường ray để lên đèo. Sau này do nhiều lý do nên tuyến đường này bị bỏ hoang và người ta cũng đã tháo đường ray để …. bán ve chai.

Hiện nay muốn tham quan nơi này, quý vị có thể ghé quán cafe Hầm Hoả Xa order nước rồi men theo triền đồi xuống tham quan (phải mua nước mới cho xuống tham quan nhé) . Đường hầm dài gần khoảng vài trăm mét, được xây dựng rất kiên cố nên dù hiện tại nó đã xuống cấp trầm trọng nhưng ta vẫn thấy được độ tinh xảo và chắc chắn của nó. Một chút hình ảnh gửi đến quý vị ….









Sưu tầm



"ĐỂU CÁNG" CÓ NGHĨA LÀ GÌ?
Ngày xưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là người ta phải thuê người cáng đi – nhất là người có tuổi, người ốm. Còn đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Người cáng thuê, người ta gọi là CÁNG, còn người gánh thuê, người ta gọi là ĐỂU.
Mỗi lần gọi người đưa đi như thế, thường người ta ra đầu đường – nơi tập trung những người làm nghề đó, gọi “Cho một ĐỂU, hai CÁNG nhé!” và thế là sẽ có ba người te tái chạy vào, hai người vác theo một cái cáng, còn một người mang theo đòn gánh quang gánh.
Hầu hết Đểu và Cáng là những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thường không đều, hoặc không vừa ý với nhau, dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền là việc xảy ra như cơm bữa. Cứ như thế mà dân gian mới có câu “Đối xử với nhau như cái bọn ĐỂU CÁNG!”.
Do từ “đểu” theo nghĩa là người gánh thuê hoặc nghề gánh thuê là từ cổ, người ta không còn biết được cái nghĩa cổ xưa của nó nên đưa từ Đểu nghĩa là gian manh vào luôn từ ghép đểu cáng, biến ý nghĩa của hai từ này thay đổi theo như cách hiểu hiện nay.
Chú thích
(1) Ngoài đểu cáng, ta còn có thể sử dụng đểu giả hoặc chỉ dùng mỗi từ đểu cũng đã thể hiện được nghĩa gian manh, lừa lọc. Điều đó cho thấy cáng thực chất chỉ là từ ký sinh.
ẢNH KIỆU VÕNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM NĂM 1898 CỦA NHÀ NHIẾP ẢNH ANDRÉ SALLES, ẢNH ĐƯỢC XỬ LÝ MÀU.
Nguồn: Quảng Long


BÁNH SÂM-BANH CỦA NGÀY XƯA...
Có loại bánh nào mà khi các bạn cắn một miếng, nhắm mắt lại thưởng thức thì cảm xúc tuổi thơ ùa về không?
Với tui thì có, đó là một loại bánh thon nhỏ như những ngón tay, ăn rất giòn, thơm ngậy mùi vị của trứng và đường.
Đó là bánh… sâm-banh.
Champagne được phủ một lớp đường mỏng, rất xốp và có màu vàng nâu.
Ngày xưa lúc còn nhỏ, chắc các bạn nhỏ cũng như tôi, hễ đi ngang tiệm tạp hóa nào ngó con mắt vô dãy các hũ thủy tinh có nắp đậy, đựng ê hề như bánh men, bánh con ngựa dính cục đường mà, bánh hạnh nhân, bánh tây lạt, bánh lỗ tai heo,... và có cả bánh sâm-banh, thì vét túi tới một đồng, năm cắc cuối cùng để mua hai cái bánh sâm-banh thưởng thức".
Nếu hôm nào má mua về một bịch bự, phát đều cho anh em rồi, mà có đứa cũng len lén… ăn vụng.
Những thứ bánh mà cứ gọi tên lên là những kí ức ngày xưa đẹp đẽ, thơm phức trong gian nhà cũ, trong sân trường xưa lại về.
Trong khung cảnh thần tiên ấy, hiện ra những nụ cười tươi vui.
Bây giờ thời đại của chúng ta có rất nhiều loại bánh tuyệt ngon từ khắp nơi trên thế giới, nhưng không thể nào có ấn tượng như ngày xưa!

(Nguồn : Một chút đáng yêu!)
Sưu tầm.