a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Thám Hoa Nguyễn Đăng Cảo: Tức Giận, Ví Hoàng Đế Nhà Thanh Là “Ếch Ngồi Đáy Giếng”

 Với câu đối lại và chê hoàng đế nhà Thanh là ếch ngồi đấy giếng cũng đã quá đủ để nói nên bản lĩnh và tài năng xuất chúng của Nguyễn Đăng Cảo. Và những giai thoại nêu trên đã góp phần minh chứng sâu sắc hơn về tài năng của Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo

Chuyện xưa kể lại rằng, khi Nguyễn Đăng Cảo ra làm quan, nhưng tính ngang tàng, nên mấy lần bị triều đình giáng chức, vì thế mà ông chán ngán quan trường rồi xin từ quan về quê làm ruộng, kéo vó làm vui. Khi thong thả ông lại ra chợ Nội Duệ uống rượu nhắm thịt chó rồi lại thủng thỉnh ra về. Một lần ông bế cháu (gọi ông là bác, tức Nguyễn Đăng Đạo) và nói rằng:

– Triều đình ghét ta ngang bướng, đánh xuống Thám hoa, nhưng cháu ta-thằng bé này nhất định sẽ đỗ Trạng nguyên, không đánh nó xuống được đâu. Sau đó quả đúng như vậy.


Tranh vẽ thám hoa Nguyễn Đăng Cảo.

Bấy giờ, sứ nhà Thanh sang Đại Việt, nhưng khi đến Xương Giang thì dừng lại, rồi sai quân đưa đến triều đình ta một vuông gấm có viết chữ “Càn” rất lớn và nói:

– Nếu Đại Việt không giảng được thì sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long. Triều đình ta không hiểu ra làm sao, bèn cho triệu Nguyễn Đăng Cảo vào kinh để giảng. Nguyễn Đăng Cảo nghe xong nói: Cái trò đánh đố chữ nhỏ mọn ấy bõ gì mà triều đình phải bận tâm, sau đó ông lấy bút quét một nét sổ trên giấy cho sứ triều mang về tâu vua, dặn cứ thế đưa cho sứ Thanh. Quả nhiên, sứ nhà Thanh rất phục và đi tiếp vào Thăng Long. Mặc dù vậy, nhưng nhà vua vẫn còn chưa hiểu ý của sứ nhà Thanh ra sao, đồng thời cũng chưa biết vì sao Nguyễn Đăng Cảo viết vậy mà sứ nhà Thanh đồng ý vào Thăng Long, nên lại cho người về quê hỏi Nguyễn Đăng Cảo. Ông đã trả lời sứ của triều đình rằng:

Ở trong sách kinh dịch tượng có quẻ “Càn” là ba nét ngang, thêm một nét sổ thì thành chữ “vương”. Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi.

Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Nguyễn Đăng Cảo.

Một lần khác, vua nhà Thanh tiếp sứ thần Đại Việt là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, vì có nghe tài của ông nên vua nhà Thanh đã ra vế đối cho ông như sau:

– Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền thệ nguyệt. Nghĩa của vế đối này là: Chó già rụng lông còn ngó ra sân sủa lên bóng trăng. Biết đó là ý miệt thị của vua nhà Thanh và Nguyễn Đăng Cảo đã thể hiện rõ sự bự tức của mình mà đối ngay rằng:

– Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy tiên. Nghĩa là: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng ngó lên trời. Thấy vế đối có nội dung ngang tàng, lại có ý mỉa mai, không những xem thường cả triều đình lẫn vua nhà Thanh khi ấy vừa có kiến thức thấp kém lại vừa có bụng dạ quá hẹp hòi, chỉ “như ếch ngồi đáy giếng”. Từ đó, vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa. Sau đó, vua nhà Thanh sai quan tiễn sứ đoàn ra về rất trịnh trọng.

Một lần khác, nhà Thanh sai sứ sang sách nhiễu. Triều đình bí quá phải triệu ông hồi cung tiếp sứ. Sứ Thanh đòi nộp 1 cái giường đồng, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Nghe xong ông cười to bảo: Bắc triều loạn đã lâu chi dùng không đủ nên vòi ta chu cấp. Nộp cho họ 100 gốc lúa, 100 thúng muối, 100 con dê cái.

Sứ nhà Thanh lại đưa 10 vuông gấm (4m2) đòi may thành các loại áo, mũ, xiêm, khăn, chăn, màn. Ông cho may một cái áo cổ dài, ống tay to và một cái quạt. Ông viết chữ đề lên quạt như sau: Mặc trên là áo, trang điểm ở dưới là xiêm, có dòng là khăn, có ống là túi, khoanh đầu là mũ, buông xuống là màn, che mình là chăn, trải giường là nệm.

Sứ Thanh đọc xong kính phục nói: Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Nguyễn Đăng Cảo.

Lời bàn về Nguyễn Đăng Cảo

Với câu đối lại và chê vua nhà Thanh là ếch ngồi đấy giếng cũng đã quá đủ để nói nên bản lĩnh và tài năng xuất chúng của Nguyễn Đăng cảo. Và những giai thoại nêu trên đã góp phần minh chứng sâu sắc hơn về tài năng của Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo – nhà khoa bảng tiêu biểu đã có nhiều đóng góp to lớn cho dân cho nước. Các thế hệ kế tiếp ông từ xưa tới nay đều rất tự hào, phấn đấu học tập noi theo, đặc biệt là bản lĩnh và trí tuệ của ông trong việc thực thi chính sách bang giao giữa Đai Việt và Trung Hoa. Đặt trong bối cảnh cần ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và vị thế nước nhỏ trước một đế chế Trung Hoa rộng lớn, chính quyền Lê – Trịnh thời đó luôn thực thi chính sách bang giao mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với thời cuộc. Chính đường lối ấy đã có vai trò to lớn trong việc định quốc, an dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ vương quyền của vua Lê – chúa Trịnh.

Lịch sử dân tộc tộc đã chứng minh, chính sách bang giao là nhân tố góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, tạo thế ổn định để cho sự phát triển lâu dài của đất nước và giành lại chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Chính vì thế, đọc lại những giai thoại về Nguyễn Đăng Cảo và nghiên cứu về bang giao của Đại Việt với Trung Hoa thời Lê – Trịnh để từ đó chúng ta có sự tham chiếu cho cuộc đấu tranh giữ gìn độc lập chủ quyền, xây dựng đường lối, chính sách ngoại giao trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Vì ngoại giao phải góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, phải nâng cao vị thế của dân tộc.

N.V (Theo Báo Bình Phước)



Thuyền bay mạnh nhất thế giới cất cánh đầu thế kỷ 20

"Do X" được sản xuất bởi hãng Dornier của Đức là chiếc thuyền bay lớn nhất, nặng nhất và mạnh nhất thế giới khi trình làng vào năm 1929.
Nhà thiết kế máy bay Claude Dornier, người sáng lập công ty Đức Dornier, lên ý tưởng về Do X vào cuối năm 1925. Sau hơn 240.000 giờ làm việc, chiếc thuyền bay đã được hoàn thành vào tháng 6/1929. Đây là mẫu máy bay một tầng cánh, phần thân làm hoàn toàn bằng hợp kim nhôm duralumin, cánh làm từ khung duralumin gia cố bằng thép, bọc trong vải lanh dày và phủ sơn nhôm. Máy bay dài 40 m và có sải cánh 48 m.
Ban đầu, Do X trang bị 12 động cơ Bristol Jupiter công suất 391 kW. Tuy nhiên, chúng dễ bị quá nhiệt và gần như không thể đưa Do X lên độ cao 425 m. Các động cơ do một kỹ sư bay kiểm soát. Phi công sẽ chuyển tiếp yêu cầu cho kỹ sư để điều chỉnh năng lượng theo cách tương tự hệ thống trên các tàu thủy sử dụng khẩu lệnh máy. Nhiều đặc điểm của Do X phản ánh thiết kế hàng hải thời đó, bao gồm cả buồng lái trông rất giống buồng lái của tàu thủy.
Sau khi hoàn thành 103 chuyến bay, năm 1930, Do X được trang bị lại động cơ Curtiss V-1570 Conqueror công suất 455 kW. Nhờ đó, nó có thể đạt tới độ cao 500 m cần thiết để vượt Đại Tây Dương.
Không gian sang trọng dành cho hành khách của Do X tiệm cận tiêu chuẩn của những con tàu xuyên Đại Tây Dương. Tàu có ba boong. Trên boong chính là phòng hút thuốc với quầy bar riêng, phòng ăn, chỗ ngồi cho 66 hành khách có thể chuyển đổi thành giường ngủ cho những chuyến bay đêm. Phía cuối không gian dành cho hành khách là bếp, nhà vệ sinh và khoang chứa hàng. Buồng lái, phòng điều hướng, điều khiển động cơ và phòng vô tuyến điện nằm ở boong trên. Trong khi đó, boong dưới chứa các thùng nhiên liệu và 9 khoang kín nước, chỉ cần 7 khoang trong số đó là đủ để thuyền bay nổi hoàn toàn.
Tổng cộng có ba chiếc Do X được chế tạo, chiếc đầu tiên do Dornier vận hành, hai chiếc sau - Do X2 và Do X3 - được sản xuất theo theo đơn đặt hàng từ Italy.
Do X thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 12/7/1929 với phi hành đoàn 14 người. Trong chuyến bay thử nghiệm thứ 70 vào ngày 21/10, có tới 169 người trên máy bay, trong đó 150 người là hành khách (chủ yếu là công nhân cùng gia đình và một số nhà báo), 10 người là thành viên phi hành đoàn và 9 người đi lậu vé.
Chuyến bay lập kỷ lục thế giới mới về số lượng người được vận chuyển trên một chuyến bay. Kỷ lục này tồn tại suốt 20 năm. Sau 50 giây chạy đà, Do X dần dần leo lên độ cao 200 m. Hành khách được yêu cầu tập trung sang bên này hoặc bên kia để giúp máy bay chuyển hướng. Nó đã bay khoảng 40 phút.
Để gây ấn tượng với thị trường tiềm năng Mỹ, Do X cất cánh từ Friedrichshafen, Đức, vào ngày 3/11/1930, dưới sự chỉ huy của Friedrich Christiansen cho chuyến bay thử nghiệm xuyên Đại Tây Dương đến New York. Hành trình này đưa máy bay đến Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng bị gián đoạn tại Lisbon ngày 29/11, khi một tấm bạt tiếp xúc với ống xả nóng và bốc cháy, thiêu rụi phần lớn cánh trái.
Do X dừng ở cảng Lisbon trong 6 tuần để sửa chữa, sau đó tiếp tục gặp một số sự cố dọc theo bờ biển phía Tây châu Phi. Ngày 5/6/1931, thuyền bay đến quần đảo Cape Verde rồi vượt đại dương tới Natal, Brazil. Nó tiếp tục bay về phía bắc qua San Juan, cuối cùng tới New York, Mỹ, ngày 27/8/1931, gần 10 tháng sau khi rời Friedrichshafen. Do X cùng phi hành đoàn đã dành 9 tháng tiếp theo ở lại New York để đại tu các động cơ.
Cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch marketing của Dornier cho Do X. Máy bay rời New York ngày 21/5/1932, qua Newfoundland và Azores đến Müggelsee, Berlin. Nó hạ cánh tại Berlin ngày 24/5 và được đám đông 200.000 người chào đón.
Do X được chuyển giao cho hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa sau khi Dornier gặp khó khăn về tài chính và không thể tiếp tục vận hành chiếc thuyền bay. Sau chuyến bay thành công tới các thành phố ven biển Đức năm 1932, Lufthansa lên kế hoạch cho Do X bay tới Vienna, Budapest và Istanbul vào năm 1933. Tuy nhiên, cuộc hành trình kết thúc chỉ sau 9 ngày do phần đuôi của chiếc thuyền bay bị rách trong một lần hạ cánh không thuận lợi xuống hồ nước gần Passau.
Do X trở thành vật trưng bày cho đến khi bị phá hủy trong Thế chiến II. Các mảnh vỡ của phần đuôi rách được trưng bày tại Bảo tàng Dornier ở Friedrichshafen. Dù không thành công về mặt thương mại, Do X vẫn là thuyền bay lớn nhất thế giới cách đây gần 100 năm, giúp chứng minh tiềm năng của dịch vụ chở khách quốc tế bằng đường hàng không.

Theo Rare Historical Photos

Triều Đại Duy Nhất Ở Nước Ta Có 2 Vua Chung Một Ngai Vàng?

Hai vị vua cùng ngồi chung một ngai vàng trị vì đất nước là câu chuyện đặc biệt của lịch sử phong kiến Việt Nam.


Nhà Ngô (939-965) là triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Sau khi vua Ngô Quyền qua đời, giai đoạn từ năm 951-954, hai con của ông Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập cùng làm vua nước Việt. Về sau, 2 anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cùng trị vì đất nước nhưng đó là 2 triều đại khác nhau.


Sau hơn nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, năm 905, hào trưởng đất Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ nổi lên giành chính quyền, tự xưng làm Tiết độ sứ An Nam, buộc nhà Đường phải công nhận, từng bước xác lập quyền tự chủ cho dân tộc ta.


Tồn tại từ 939-965, nhà Ngô ở nước ta trải qua 4 đời vua, gồm: Ngô Quyền (Tiền Ngô Vương), Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Xí. Đến năm 966, 12 sứ quân xuất hiện (loạn 12 sứ quân).


Sau khi đánh tan quân Nam Hán (938), Ngô Quyền xưng vương vào mùa xuân năm Kỷ Hợi (939). Vua chọn vùng đất Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay làm nơi định đô.


Làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) là quê hương của vua Ngô Quyền. Ngôi làng này còn có biệt danh “đất hai vua”, đã sinh ra vua Ngô Quyền và vua Phùng Hưng.


Ngô Quyền (897-944) sinh ra trong dòng họ hào trưởng của đất Đường Lâm. Ông được Dương Đình Nghệ gả con gái. Sau này, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng là Kiều Công Tiễn hại chết, Ngô Quyền kéo quân từ Hoa Lư ra báo thù cho bố vợ. Kiều Công Tiễn hoảng sợ đã cầu cứu nhà Nam Hán sang xâm lược nước ta.


Theo lời cầu cứu của Kiều Công Tiễn, cuối đông năm 938, vua Nam Hán phái con trai là Lưu Hoằng Tháo mang 200.000 quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền nhận định “Hoằng Tháo chỉ là đứa trẻ dại”, khó địch với quân ta. Cuối cùng, khi đến sông Bạch Đằng, đội quân xâm lược này bị đánh bại hoàn toàn.



Năm 944, Ngô Quyền ốm nặng. Trước khi qua đời, ông để lại di chúc nhờ em vợ là Dương Tam Kha phò tá cho con. Dương Tam Kha làm trái di chiếu, cướp ngôi nhà Ngô, xây dựng triều đại riêng, khiến đất nước từng bước loạn lạc

Sưu tầm

Tri Huyện Hống Hách Bắt Binh Bộ Thượng Thư Nguyễn Công Trứ Khiêng Kiệu Và… Cái Kết

Tri huyện Nghi Xuân hống hách, vứt cuốc, bắt ông lão cản đường khiêng kiệu cho mình, nhưng khi biết đó là Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ, hắn đã nhận được một bài học thích đáng…

Chuyện xưa kể lại rằng, có một viên quan trẻ tuổi và rất hách dịch được bổ về làm Tri huyện Nghi Xuân. Tuy cũng đã từng nghe tiếng cụ Thượng Trứ nhưng chưa hề gặp và có lẽ cũng cao ngạo hay sơ suất gì đó mà anh ta không tới yết kiến cụ như các quan khác thường làm. Vừa tới huyện lỵ được vài ba ngày, tân quan đã quyết định đi hành hạt, sức cho hàng huyện biết ngày giờ nào quan sẽ tới xã, thôn nào để biết mà nghinh tiếp rầm rộ.

Nghe dân tình bàn tán thấy chướng tai, cụ Trứ bèn vai vác cuốc tay dắt bò đến cho ăn cỏ trên con đường mà quan huyện sắp đi qua. Một lát sau đoàn xe ngựa, võng lọng tân quan đi đến, tên lính lệ đi trước dẹp đường, lớn tiếng hô: Ai nấy phải tránh về một bên để quan lớn đi.


Tranh vẽ Nguyễn Công Trứ.

Cụ Trứ giả vờ không nghe, cứ chăm chăm cuốc, rồi lại ngồi bệt xuống đường cái nhặt cỏ. Đám lính khiêng võng quan đến tận nơi mà cụ Trứ vẫn lom khom làm việc. Quan tức mình nhảy xuống võng, lớn tiếng quát: Hay cho lão già nhà quê vô lễ! Ngạo mạn!

Rồi giựt phắt cái cuốc trong tay cụ Trứ, ném xuống con sông Lam trong xanh, rồi truyền bắt ông già phải thay một người lính võng khiêng quan đi, còn con bò thì cho dắt theo. Cụ Trứ lẳng lặng ghé vai khiêng võng đi trước, còn quan huyện nằm trên võng ra dáng bệ vệ, hả hê. Vừa đi được chừng mươi thước thì đoàn người gặp một anh đồ Nho người cùng huyện Nghi Xuân. Trông thấy cụ Trứ, anh đồ hốt hoảng chạy tới chắp tay chào hỏi: Bẩm, lạy cụ lớn! Sao cụ lớn lại phải khiêng võng như thế ạ?

Cụ Trứ chưa kịp trả lời, quan huyện đã giật mình, nhảy ngay xuống đất, lắp bắp hỏi anh đồ Nho: Cụ già này là ai?

– Trình quan, đây là cụ Binh bộ Thượng thư trí sĩ, một bậc hưu quan có danh vọng, uy tín và phẩm tước lớn nhất trong tỉnh Hà Tĩnh ạ!

Bấy giờ quan huyện mới như người mắc bệnh kinh phong, run lẩy bẩy chắp hai tay lạy cụ Trứ như tế sao: Bẩm lạy cụ lớn! Vì con mới đến nhận chức ở quý huyện, chưa có dịp yết kiến nên chưa được biết cụ lớn. Nay con trót đã phạm tội lỗi nặng nề đối với cụ lớn. Trăm lạy cụ lớn mở lượng khoan hồng, con nguyện xin suốt đời làm tôi tớ. Xin cụ lớn tha cho con.

– Tôi bắt tội, bắt tình quan huyện làm chi? Quan huyện bắt tôi khiêng quan từ đâu đến đây, thì bây giờ quan phải khiêng tôi từ đây tới đó, thế là công bằng. Còn cái cuốc của tôi, quan quăng đi, thì quan tìm mà trả lại cho tôi, thế là xong việc. Cụ Trứ nói.

– Con xin khiêng cụ lớn tới nơi cụ lớn cuốc cỏ khi hồi. Còn cái cuốc, con trót quăng xuống sông cái, nước sâu quá con không thể lặn xuống tìm được, con xin mua cái mới tốt hơn đền cho cụ lớn ạ. Viên quan huyện nài nỉ.

– Không được! Hơn ba năm nay, với cái cuốc xấu xí, cũ kỹ ấy, tôi đã cuốc cỏ cho bò ăn, và cuốc rau má cho tôi cùng người nhà tôi ăn, tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc sâu đậm biết chừng nào! Người ta ở đời, có gì đáng quý bằng tình nghĩa hay không? Nay quan ỷ thế nhiều tiền nhiều bạc, vứt cuốc tôi xuống sông, để rồi mua cái khác đền lại. Tiền bạc thì quan có thể bồi thường được, còn tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc thì có thể lấy tiền bạc mà bồi thường được không?

– Bẩm lạy cụ lớn! Con lỡ làm một việc tội lỗi tày trời đối với cụ lớn, bây giờ con hối hận lắm. Rất mong cụ lớn thương hại con là đứa hậu sanh có khác nào đứa con út của cụ lớn.

– Đành rằng quan không biết tôi là Nguyễn Công Trứ, nhưng quan vẫn thấy tôi là người già nua, tóc bạc đó thôi. Cái chức Thượng thư của tôi là thân ngoại chi vật, quan muốn biết hay không muốn biết, là tùy quan. Nhưng cái đầu bạc trắng của một người gần tám mươi tuổi, thì mọi người trông thấy, không có lý gì mà quan không thấy? Đối với tôi mà quan còn hách dịch đến thế, thử hỏi đối với những người dân đen thấp cổ bé họng thì quan sẽ tác oai tác quái đến độ nào? Nay, nếu tôi dung thứ cho quan, thì vô tình tôi đã “trợ Kiệt vi ngược”. Vậy nên tôi sẽ trình báo minh bạch lên Đường quan tỉnh Hà Tĩnh chuyển trình về bộ Lại và triều đình xét xử, để làm gương cho những quan lại xấu xa quen hiếp đáp lương dân vô tội.

Nghe nói, quan huyện càng tái mặt, ấp úng không nên nửa lời.

Cụ Trứ nói tiếp: Bây giờ quan hãy khiêng tôi trở lại nơi tôi đang cuốc cỏ khi hồi.

Quan huyện cúc cung ghé vai võng cụ Thượng Trứ đi trở lại nơi cũ, trước những con mắt hiếu kỳ của nhân dân địa phương. Còn con bò của cụ Trứ vẫn được người lính lệ dắt đi theo. Tới nơi, cụ bảo dừng võng lại, thung dung bước xuống đất, nhìn con bò bị đói cỏ, rồi nói:

– Quan huyện đã làm xong một việc rồi, bây giờ còn một việc nữa là tìm cái cuốc của tôi cho kỳ được, đoạn cụ lấy tay chỉ xuống sông Lam.

Quan huyện chắp hai tay vái dài, khóc nức nở không còn biết xấu hổ, thể diện nữa. Bấy giờ, cụ Thượng Trứ mới nghiêm nghị nói: Thôi được, tôi tha cho quan một lần!

Lời bàn:

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ quả là lắm thăng trầm và đầy giai thoại, song giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Sinh thời, Nguyễn Công Trứ rất tin vào tài năng của mình, với khát vọng lớn lao: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Là một ông quan, Nguyễn Công Trứ giữ đúng “thanh, cần, thận, trực”. Là một con người, ông có đủ trung, dũng, nhân, trí, tín. Ông là một phẩm cách cao đẹp, luôn luôn nhập thế, luôn luôn hành động vì cuộc đời, vì con người.

Nguyễn Công Trứ đã tạc “tượng đồng bia đá” trong lòng mọi thế hệ không bởi con đường thăng quan hoạn lộ, mà bằng chính sự nghiệp công danh cứu dân giúp đời. Và có lẽ từ thượng cổ tới nay chắc duy nhất chỉ có Nguyễn Công Trứ mới có đủ bản lĩnh làm như vậy với người có chức, có quyền trong xã hội. Đây cũng là cách mà Nguyễn Công Trứ giúp đời dạy cho những kẻ hống hách chỉ biết hạch sách dân. Ai chưa tin xin cứ suy ngẫm kỹ thì sẽ rõ.